Thư ngỏ gửi TT Cộng hòa Séc

0
Ảnh VOV

Kính thưa ngài Tổng thống,

Tôi có một yêu cầu tới ngài nhân chuyến thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hôm nay, trong ngày đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam, ngài có đề cập tới sự hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nhà nước. Ngài chúc các lãnh đạo và „những người bạn“ Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng mạnh trong phát triển kinh tế. „Bạn bè với nhau thì phải nói cả những điều khó nghe. Nếu chúng ta muốn hỗ trợ du lich thì việc quan trọng là nên hủy thị thực ngắn hạn cho những công dân Séc.” Trong mối tương quan này, tôi cũng xin phép được nhắc ngài một số sự thật khá khó nghe về việc vi phạm nhân quyền từ những hàng ngũ cấp cao của Việt Nam.

Chắc chắn là ngài có để ý tới việc người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản không hề được tự do biểu đạt chính kiến, internet bị kiểm soát. Tự do tôn giáo và tự do hội họp bị hạn chế. Hiện tại, Việt Nam có khoảng trên dưới hai trăm tù nhân lương tâm.

Tháng tư, năm 2016, tại miền Trung, Việt Nam đã xảy ra thảm họa môi trường, do công ty Formosa gây ra. Hậu quả của thảm họa này là hàng nghìn người mất công ăn việc làm, con cái họ cũng không được đến trường vì bố mẹ thiếu thốn tài chính. Những bloggers viết để đánh động và thông tin cho công chúng về những hậu quả của thảm hoạ này tới đời sống xã hội cũng như môi sinh, đã bị bắt giam. Một trong số họ là blogger Mẹ Nấm, blogger Nguyễn Văn Hóa và những người khác. Người dân Quỳnh Lưu, Nghệ An là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả của thảm họa môi trường, nhưng không được nhận đền bù. Khi họ đệ đơn kiện thì bị đánh đập và bách hại dã man dưới sự chỉ đạo của một số cơ quan công quyền.

Tôi hoàn toàn không có một chút nghi ngờ nào về truyền thống ngoại giao của Cộng hòa Séc: tôn trọng nhân quyền, phẩm giá con người và những giá trị tự do, dân chủ. Cố Tổng tổng thống Václav Havel đã từng ký kiến nghị do nhóm Văn Lang khởi xướng vào năm 2007, để đòi tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông được mãn hạn tù vào năm 2016, nhưng vẫn bị theo dõi gắt gao vì những hoạt động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam. Bất chấp mọi nỗ lưc của các nhóm dân sự trong và ngoài nước, không khí chính trị tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa hề được cải thiện theo chiều hướng tốt lên.

Tôi là thành viên của tổ chức dân sự Văn Lang (www.vanlang.eu), một nhóm dấn thân vì xã hội dân sự và nhân quyền cho Việt Nam. Trong thời gian tôi còn là thành viên của Ban điều hành Văn Lang, gia đình tôi đã bị mật vụ Việt Nam gây phiền nhiễu và dọa nạt. Trường hợp của tôi không phải là trường hợp duy nhất. Với tư cách là công dân Cộng hoà Séc gốc Việt, tôi yêu cầu ngài:

1. Đề cập tới các vi phạm nhân quyền từ phía chính phủ Việt Nam trong các cuộc họp với Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời yêu cầu họ trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị.

2. Đề cập tới việc, những công dân Séc gốc Việt tích cực cho hoạt động nhân quyền hướng tới Việt nam đã và đang và bị mật vụ Việt Nam dưới sự điều khiển từ tòa Đại sứ Việt Nam tại Praha theo dõi và trù dập ngay trên lãnh thổ Cộng hoà Séc.

Mặc dầu hơi muộn màng, nhưng tôi tin tưởng là bức thư này sẽ đến được tay ngài. Việc Tổng thống Cộng hoà Séc thể hiện bộ mặt đầy đủ giá trị của đất nước và không ưu tiên những lợi ích về kinh tế trước những giá trị căn bản của xã hội như tự do và dân chủ, đối với một công dân như tôi là hết sức quan trọng. Tôi tin tưởng rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao một cách cân bằng với Việt Nam mà không phải hy sinh truyền thống ngoại giao của Cộng hoà Séc là điều hoàn toàn có thể.

Xin chúc ngài mạnh khỏe và nhiều thành tích trong chuyến thăm Việt Nam!

Trân trọng,
Ngô Thị Thúy Vân
Praha
Cộng hoà Séc

Đồng ký tên:
1. Nguyễn Cường, Praha, Česká republika
2. Đỗ Xuân Cang, Praha, Česká republika
3. Đoàn Hòa, Jihlava, Česká republika

(Thư được gửi cho Tổng thống ngày 6.6 nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Séc Miloš Zeman từ 6-10/6 qua email info@zemanmilos.cz và thông qua trang web www.hrad.cz (chuyên mục hãy viết cho Tổng thống). Thư đồng thời cũng được gửi cho toà Đại sứ Cộng hoà Séc tại Hà Nội)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên