Đó là câu hỏi thường trực trong đầu chú tôi, cũng là câu nói thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chú bao nhiêu năm qua giữa bạn bè, người thân trong gia đình, cho dù thím tôi luôn can ngăn: “có miệng thì cắp, có nắp thì đậy” ở tù một lèo mấy năm trời mà chưa chán à? Nhưng như một phản xạ tự nhiên: Có bi thì phải phẫn, có phẫn thì phải phát, miễn không phát ở giữa chốn đông người là được, nên thím can mãi cũng đành bỏ mặc cho chú thích nói gì thì nói, đơn giản vì thím biết, dù thím có quỳ xuống lạy lục, van xin, khuyên nhủ đến rách lưỡi, bắt chú phải im cũng không được vì trong lòng chú lúc ấy là cả một khối bi phẫn hơn cả tấn thuốc nổ, nếu không để chú phát ra thành lời theo kiểu quả bóng xì hơi, e rằng khối thuốc nổ sẽ biến thành hỏa diệm sơn, hành hạ chú đến phát điên phát rồ, lại khổ thím và hai con…Cho nên thím chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng, tự an ủi mình, trừ khi chú quá đà, chửi vung tí mẹt từ lão tổ trưởng ngu đần đến chính phủ lưu manh: “quản lý cái dạ dày của dân chưa đủ, còn đòi quản lý cả tư tưởng, ý nghĩ, thông qua cái miệng của dân nữa” thì thím mới dám giơ tay bịt miệng chú: “Ông nói ít thôi, từ 1945 đến nay cả đất nước này bị hàm oan chứ chẳng riêng mình ông đâu. Thời đại chó nhảy lên bàn độc, trị người tử tế lương thiện này, cho dù ông không hộc lên như lũ chó, hay làm chó như lũ chúng nó thì ông vẫn phải sống chung với chó kia mà, đừng tạo cớ để lũ chó đầu đàn đến nhà thộp cổ, xích tay ông như lần trước…”
Thuộc thế hệ con cháu, sinh ra giữa lòng Đảng, Bác, chứng kiến bao cảnh bi hài, lộn ẩu, tội ác chất chồng của lũ lãnh đạo hèn hạ, bạc nhược nhưng chuyện của chú kể thì tôi tin có một không hai trên đời này, cho dù là chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng tất cả các nước anh em khác như Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungary, Cu ba , Bắc hàn v.v không đâu có được .
Giọng kể đều đều và gương mặt thất thần, già nua, hai ánh mắt đượm buồn của chú còn ám ảnh tôi mãi. Chú kể:
“Chú sinh năm 1954 đúng ngày giải phóng thủ đô, ngày mà ông nhục sĩ Phạm Tuyên phạm tội tày đình là xuyên tạc lịch sử Hà Nội qua bài hát: “Năm cửa ô đón chào, đoàn quân tiến vào, Hà Nội vang tiếng quân ca” * thì chú oa oa cất tiếng khóc chào đời. Tưởng sinh ra giữa ngày trọng đại, đầy ý nghĩa ,lại là tuổi ngựa, tha hồ bay nhảy, ai ngờ mắc phải chứng lý lịch cuồng của lũ lãnh đạo dốt nát, cả gia đình chú bị lãnh đạo đảng và chính phủ quàng vào cổ vòng sắt “Tiểu tư sản” ( tiếng lóng là tạch tạch sè) nên mãi tận cuối cấp 3 chú mới vinh dự được kết nạp đoàn theo diện áp chót, nghĩa là ngày 31 tháng 5 tốt nghiệp ra trường thì 26 tháng 3 – ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) chú và một cô bạn “tạch tạch sè” cùng trường mới trở thành đoàn viên, còn danh dự Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì có phấn đấu đến mờ mắt, còng lưng cũng không bao giờ đạt được, cho dù gia đình cả hai bên từ đời ông bà nội, ngoại đã phải hiến hàng trăm lượng vàng cùng năm, bảy căn nhà to vật giữa phố cổ để đổi lấy danh hiệu “tiểu tư sản yêu nước” hòng yên thân với chính quyền mới- do những ông bà chủ bần cố nông: ba đời củ chuối, măng mai ,quét rác, đi ở, bán xôi, chuối hay bán bấc đèn ngoài vỉa hè, trước các cửa trường học của Pháp, lên cầm đầu. Khác với cô bạn “tạch tạch sè”, cha mẹ chú chỉ vì giấu hơn một chục lượng vàng trong bầu xoay của chiếc quạt trần cũ kỹ mà bị lũ gia nhân mách lẻo, bị tịch thu luôn cả vàng với quạt, chưa đủ còn bị lão tổ trưởng dân phố ghi vào lý lịch cụm từ : “cố tình biển thủ, không trung thực” nên bị xóa vĩnh viễn hai chữ “yêu nước” chỉ còn lại cụm từ “tiểu tư sản” trần trụi. Cũng may, nhờ số vàng khổng lồ cống hiến trước đó, kèm cả căn nhà đang ở cũng biến thành trụ sở hợp tác xã may mặc mà bố chú trở thành tổ trưởng tổ cắt may, sau sự cố không ngờ đó, bố chú bị giáng chức thành nhân viên, hưởng đồng lương bố thí của chế độ mới. Từ ăn trắng, mặc trơn, tiền tiêu không tính đếm thành ăn đói, mặc rách, tiền lúc nào cũng túng thiếu. Theo lời mẹ chú kể : “Phải ăn gạo mậu dịch hôi rình, trấu sạn nhiều không kể xiết…Vì vậy ngoài 8 giờ vàng ngọc tại hợp tác xã còn một giờ vàng mắt nhặt trấu, sạn trước khi vo gạo nấu cơm, kèm vài chục giờ mỗi tháng dùng để chen lấn, xô đẩy, xếp hàng mua thực phẩm từ gạo nước, mắm muối, rau quả…tất tật (chỉ trừ có chất đốt và rau được mua vào ban trưa- lúc vắng người, còn tất cả các loại khác đều phải dạy từ hai đến ba giờ sáng để xếp hàng chờ đợi được… phát chẩn).
Nghệt mặt như để tự giải thích mọi vô lý đang hiện hữu sẵn trong đầu từ lúc mới sinh ra cho đến lúc này , nghèo vẫn hoàn nghèo mà không biết đến bao giờ chữ nghèo mới không “kề vai, sát cánh” cùng chữ khổ để thoát khổ đây ? Chú lạnh lùng kể tiếp:
– Đến đời chú thì tất cả đều nhẵn như chùi, hợp tác xã giải tán vì hàng cũ bị tồn kho vì thời đại đã sang trang, tất cả đều cào bằng, một năm 4 mét vải thô, người Hà Nội phải tằn tiện, chắp vá, đắp điếm lên người sao cho khỏi tô hô giữa thanh thiên bạch nhật là tốt chán ra rồi, làm gì còn vải mà đi may đo quần áo mới ? Cũng may bố chú là người nhanh trí, chuyển cả gia đình nhỏ của mình lên gác 2, coi như đánh dấu chủ quyền để lãnh đạo hợp tác xã cùng lãnh đạo thành phố(dưới sự điều hành của các hung thần thời đại là lũ công an) không gây khó dễ hoặc tạo áp lực đuổi năm người gồm hai vợ chồng, hai con nhỏ và ông nội của chú ra khỏi nhà…
Không chịu nổi áp lực của cuộc sống dưới chế độ mới, ông bà nội chú lần lượt quy tiên. Trong khi thơ Tố Hữu ngợi ca: “ Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” thì gia đình chú cũng như bao nhiêu gia đình “tạch tạch sè” khác , khóc ngặt trong vuốt đảng. 9 năm làm cuộc đảo điên, bao vành tang nhỏ đặt trên mái đầu”. Mẹ chú kể: “Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông nội ốm ròng rã cả tháng trời, chỉ thèm ăn bát cháo gà hay đĩa xôi lạp sườn mà khắp Hà Nội bói không ra. Không hiểu lãnh đạo thành phố tài giỏi, uy quyền đến thế nào mà khắp thành phố không còn bóng dáng hàng ăn quen thuộc? Tất cả chỉ là mậu dịch, đặc biệt những món ăn nức tiếng bình dân của người Tàu như Tào phớ, lạp xường, lồ mai phàn, lốc biểu, bát bảo lường xà, phá sang, Xực tắc, Chê gì chê, Cấy chúc, v.v** cũng mất tăm mất rạng…Chịu đựng mãi , dường như không kiềm chế được sự thèm khát cứ dâng mãi trong đầu, do cơn thúc hối của dạ dày, ông đưa đôi mắt thèm khát lên nhìn mẹ, cái nhìn van nài tha thiết:
-“ Ông thèm ăn bát phở bò quá, mẹ mày có giúp ông được không’?
Như mọi khi, đôi mắt mẹ ầng ậc nước thay cho câu trả lời: “ Ông ơi, tất cả đều quốc hữu hóa hết rồi, nhà nước cấm tất cả các quán ăn, nhà hàng vì sợ vi phạm chính sách tiết kiệm lương thực. Vợ chồng con biết tìm đâu ra bát phở bò đúng ý của ông đây? Lần trước chúng con bấm bụng mua phở mậu dịch không người lái , à không nhân về để ông ăn, ông chê nước dùng mặn, không nấu bằng xương hoặc thảo quả, bánh phở cứng quèo, chỉ béo hai thằng cháu nội của ông thôi…Cả đời chưa biết mùi vị phở là gì, lại đang tuổi ăn, tuổi lớn nên cứ trộn cơm nguội vào hít hà vị phở kèm hành, mùi thơm nồng vào là đánh chén no kềnh bụng, như thế cũng là vi phạm chính sách tiết kiệm lương thực của nhà mình và nhà nước đấy ông ạ. Ai đời tiêu chuẩn nhân dân có 15 ký gạo, 1 lạng thịt một tháng , mà ăn một bữa hết bay ô tem phiếu 225 mg( tương đương một bát phở mậu dịch) kèm cả bơ gạo đầy tú hụ , lại còn chất đốt, than củi, thời gian cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm nữa chứ ?
Ai ngờ chỉ sáng hôm sau là ông đi, gương mặt nửa mếu nửa cười của mẹ khi trò chuyện với ông hôm trước, nay trở thành gương mặt mếu xuệch, mếu xoạc. Tuy là phận làm dâu, khác máu nhưng không tanh lòng, vì mẹ luôn thương và nể ông. Từng là tiểu tư sản nức tiếng một thời trên mảnh đất Hà Thành mà không hề trịch thượng, quan cách, ngược lại ông luôn nhắc vợ và con trai phải biết thương con dâu trong cảnh bĩ cực này: Về nhà chồng khi mọi thứ đã sạch bách, bao nhiêu giường tủ, tràng kỷ, câu đối, hoành phi bị tổ trưởng dân phố sai dân phòng bảo vệ khuân đi sạch, cả nhà chỉ còn đúng cái tủ xộch xệch kê ở xó bếp đựng vài thứ lặt vặt của gia nhân, người ở còn xót lại, cơm ăn cũng chỉ rau muống luộc kèm đĩa rạm rang muối mặn chát. Mỗi bữa, mỗi người được tiêu chuẩn một con rạm để ăn cùng ba bát cơm gạo hẩm…Cả tuần, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có rau muống luộc và rạm tái xuất giang hồ trên mâm cơm…
Dù nghèo khổ, dù chỉ còn danh hão “tiểu tư sản” (thực chất là vô sản dưới mức vô sản) thịt ba lạng, cá biển nửa ký, 13 kg gạo mỗi tháng, trong khi các quan chức nhà nước thịt 1,2 ký, gạo 21 ký, nhà ở từ 48 đến 120 mét vuông , đi xe Volga bóng lộn, cha mẹ chú vẫn cố thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho hai anh em chú ăn học bằng người và hơn người. Cụ thể mùa đông buốt giá hay mùa hè nóng bức, trời mưa bão chết cò hay sương mù đặc quánh, tuần nào cũng đi xếp hàng sớm để mua thịt thủ, chân giò theo quy định một gấp đôi cho hai con có miếng thịt, mẩu xương mút mát, còn cha mẹ chỉ “ăn mày quá khứ” nghĩa là chỉ có đậu phụ, lạc rang mà vẫn nghĩ là ăn chả quế, chân giò từ trước ngày giải phóng thủ đô. Cứ “con ăn ngon mẹ” nhường nhịn từ mẩu tóp mỡ , miếng bì lợn, giọt mỡ cho con , hai vợ chồng chỉ chống đũa nhìn hai đứa con ăn hết bát này sang bát khác là vui vẻ, hạnh phúc rồi. Vậy mà… chú kể, giọng bùi ngùi, chan chứa :
– Nhiều khi thấy bố mẹ chia nhau mảng cháy ( hồi đó phải đun củi hoặc mùn cưa chứ chưa có bếp dầu hay bếp điện, bếp ga, nồi cơm điện như bây giờ) cứ tưởng ngon nên hai anh em lại tranh nhau nốt tảng cháy của bố mẹ , đã thế thằng em chú lại đòi hỏi quá quắt: – Ứ ừ, con chã ăn cháy đâu, mẹ phải phết mỡ, rưới xì dầu vào cháy con mới ăn cơ. Mà khổ, hồi đó có nửa cà mèn mỡ nước trong nhà là cả một sự đầu cơ, tích trữ lớn, vài tháng có khi nửa năm mới dành dụm được, trong khi ông bà chỉ có dưa chua nấu với mấy quả cà chua lõng bõng, mỡ chỉ để dành xào rau, rán cá mỗi tháng một lần cho hai con, mà thằng bé đòi hỏi quá đáng. Trong khi mẹ chú chống gối đứng dậy làm theo ý con thì bố chú rơm rớm nước mắt đứng bên cạnh dìu mẹ:
-Để tôi giúp mình, khổ ăn như sư, ở như phạm thế này, lấy đâu ra chất dinh dưỡng mà tồn tại, lại còn nhịn miệng cho con nữa, làm gì chẳng hoa mắt, chóng mặt…
Lập tức mẹ chú quay mặt lại, đặt một ngón tay lên miệng bố chú, sụyt nhẹ:
– Nói nhỏ thôi, mình cứ nghĩ đi, ngày xưa bằng tuổi chúng nó, bố mẹ nuôi mình bằng cơm tấm, chả lụa, xôi lạp sườn, nào có tiếc gì… Ngày nay con lên 10, 12 cả rồi mà cả hai thằng có biết hạt gạo tấm, miếng chả giò, hay lạp sườn là gì đâu?
Ấy đấy, cứ tưởng cả nước gồng mình cho kháng chiến trường kỳ, thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước rồi sẽ theo lời cụ Hồ: “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dẫu không gấp mười lần xưa thì ít nhất bữa ăn trong mỗi gia đình cũng phải đàng hoàng hơn, sang trọng hơn, không còn phải độn khoai, độn mì, độn sắn nữa. Ai ngờ cứ đến bữa là bố mẹ chú phải đùn đẩy nhau:
-Thôi bà ăn cơm với các con đi, sắn khoai để đấy tôi tải cho.
– Không được, đến mẻ không ăn cũng chết nữa là người. Mình là trụ cột mà, mình phải ăn để có sức chăm lo cho tôi và hai con chứ?
Vào tận giảng đường đại học rồi, chú mới thấm thía câu nói của bố mình :
“Sắn khoai khô cũng nuôi nổi con người.
Trí tuệ nghèo nàn không làm nên sự nghiệp”
Vì thế, muốn trí tuệ hai con được sáng suốt, mong có ngày làm nên sự nghiệp lớn cho gia đình, dòng tộc, bố mẹ chú không tiếc công sức, thời gian để bù đắp, đầu tư cho hai búp măng non trong nhà. Mang tiếng “lớn lên trong lòng cách mạng” mà bị cách mạng trực tiếp bóc lột trắng trợn từ của cải, niềm tin , từ đời ông cha, còn bạo tàn, mãnh liệt hơn đời cụ kỵ sống dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp (chỉ máu đỏ mà da không vàng, tóc cũng không đen, mũi cũng không tẹt như chế độ hiện hành)
Thấy chú cứ con cà, con kê mãi, thím phải nhắc:
– Thôi trưa rồi, hai chú cháu đi ăn cơm kẻo muộn.
Nghe hai từ “ăn cơm” tôi vội từ chối vì ở nhà thì thôi, chứ hễ bước chân ra cửa là mẹ lại dặn:
-Đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, cứ đến bữa là phải về nhà nghe con. Thời buổi tất cả sống bằng đồng lương bố thí này, có khéo co đến mấy cũng chỉ đủ hai đến ba tuần thôi còn bảy đến mười ngày còn lại là cháo loãng cầm hơi con ạ. Vì thế đừng để ai khó xử nghe con, bớt bát mát mặt con ạ.
Nhìn đồng hồ mới 11 giờ kém, chú năn nỉ:
– Ơ hay cái bà này, nó là cháu tôi, tôi biết rõ tính nết nó chứ. Nó không ăn không, ăn hỏng của bà một hạt cơm, một mẩu thịt nào đâu mà bà lo . Cứ để tôi nói nốt đến 12 giờ sẽ tự giải tán, bà có đói thì ăn trước đi.
Nhấp một ngụm trà chú nhăn mặt:
-Rõ là chè Ba Đình của ông mậu dịch có khác, chè này bố chú bảo ngày trước chỉ để ướp xác người chết hoặc tắm cho ngựa không bị ghẻ mà thôi. Thời buổi Đảng lãnh đạo, nhà nước làm chủ có khác , cái gì cũng thành của ngon, vật lạ đem phân phối, à bố thí cho cán bộ công nhân viên nhà nước được, giỏi thật…
Tôi đắng miệng, nhấp nhổm đứng lên ra về, chợt chú giữ tay tôi lại:
-Để chú kể đoạn trường đứt ruột của chú cho cháu nghe, xem tất cả các tội phạm từ trước đến nay từ thường phạm, hay hình sự có ai giống chú không nhé? Tất cả chỉ từ sự nghèo nàn, khổ ải, túng kiết mà ra.
Hồi ấy đầu thập niên 80, thống nhất năm , bảy năm rồi mà cả nước vẫn vật lộn trong những ô tem phiếu, cả nước húp chung một niêu cháo loãng, còn khổ hơn thời kỳ trước 1975 cháu ạ. Thời trước, ít nhất cũng sống bằng hy vọng, niềm tin: “ Đói khổ chỉ là giai đoạn nhất thời, ngày một ngày hai, chỉ cần đất nước, chính quyền về tay nhân dân là tha hồ độc lập, tự do hạnh phúc, đúng như câu khẩu hiệu chăng kín trong nhà, ngoài ngõ, trên mỗi đề từ của các loại mẫu, đơn do nhà nước quy định, ban hành…Ai ngờ cuộc sống càng ngày càng bế tắc, ăn đã khổ à… đồng hóa đã khổ mà dị hóa còn khổ hơn (Đang là sinh viên đại học nên tôi biết: Con người muốn tồn tại phải trải qua quá trình trao đổi chất, gồm đồng hóa :ăn vào và dị hóa : Thải chất cặn bã ra). Ăn như chú kể: Khổ hơn sư trong chùa, vì sư còn được ăn rau tươi do tự tay mình trồng, còn tầng lớp nhân dân lao động hay cán bộ công nhân viên thì phải ăn rau mậu dịch, dập nát do quăng quật, vận chuyển từ các hợp tác xã nông nghiệp nơi ngoại thành xa lơ lắc, dưới trời oi bức, mỗi lần xuất, nhập là phải lưu kho cả ngày hay vài ngày trời mới đến tay người tiêu dùng… ở thì chẳng khác gì tội phạm trong nhà tù nhỏ xã hội chủ nghĩa so với quy định ngặt nghèo của nhà nước: Cố gắng phấn đấu đạt mức trung bình mỗi đầu người từ 2 đến 3 mét vuông diện tích… Sự thiếu thốn khi ấy biểu hiện trong từng chi tiết, thiếu từ mẩu giấy đi vệ sinh thiếu đi ( Nhăn mặt, chú thốt ra một lời bình luận làm tôi chết lặng: Hình như đảng và chính phủ cho rằng con người mới Xã hội chủ nghĩa, chỉ cần ăn, không cần …thải hay sao ấy? Mọi vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng vv , dù có thiếu, nhưng vài tháng đến nửa năm còn được cấp phát một lần hoặc có thiếu vắng cũng chẳng sao, cho dù dùng một tháng khăn đã rách tướp mà chưa có khăn mới thì cứ tiếp tục dùng đến khi nào không thể rách hơn được nữa thì thôi, lại dùng tay rửa mặt như chú mèo lười trong lời bài hát vậy: “ Meo meo meo rửa mặt như mèo. Xấu lắm nhé chẳng được mẹ yêu. Khăn mặt đâu mà ngồi liếm láp, đau mắt rồi lại khóc meo meo” Còn bàn chải đã mòn vẹt mà chưa có thì lại mòn tiếp, có méo mó hơn không, không có thuốc đánh răng thì súc miệng nước muối , có sao đâu, khổ mãi thì cũng quen rồi, nhưng kẹt nhất là giấy vệ sinh, vốn không thuộc trương mục cấp phát của nhà nước, nên báo Đảng, báo ngành, tập san các loại được tận dụng tối đa ở các cơ quan nhà nước. Cứ hở ra tờ nào là 15 phút hoặc nửa tiếng sau biến mất, ai cũng nghĩ toàn nghị quyết, giáo điều, lừa mị, sáo rỗng, ai đọc ? Mình không nhanh mắt, nhanh tay thì thằng khác cũng lấy mất. Trong trường học, ngoài khoản báo Đảng, báo ngành do hiệu trưởng, hiệu phó tranh thủ đọc những lúc cơ thể tăng cường trao đổi chất, “bể phốt” rộng toang hoác, tống các chất cặn bã ra, thì các thầy cô cũng áp dụng phương pháp : Làm nghề gì, ăn nghề ấy. Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ, thì thợ chữ ăn… giấy đã qua sử dụng, nói chính xác hơn là các bài kiểm tra của học sinh, cô hoặc thầy chỉ trả bài cho các em xem chỗ đúng, chỗ sai trên phần bài của mình rồi lớp trưởng, tổ trưởng, lớp phó phụ trách học tập thu lại để cô cho điểm vào sổ bộ môn cuối năm hoặc cuối học kỳ tổng kết( thực chất là cô đem về nhà để con cái gấp máy bay, tàu thủy, còn chồng cô sẽ lặng lẽ xếp gọn vào góc bàn, hộc tủ, hoặc ngăn kéo nào đó để hàng ngày đi vệ sinh. Người thành phố văn minh, lịch sự, được thừa hưởng văn hóa Đảng thì như vậy, còn ở chốn thôn quê hẻo lánh, chưa có hố xí hai ngăn do Đảng sáng lập, kêu gọi thì tiện đâu bậy đấy, bờ ruộng, đường tàu, ven hồ, bãi rác … không có báo Đảng phục vụ thì vơ cỏ quệt lỗ đít, hoặc dùng que quệt ngang quẹt dọc cho hết phần chất thải còn sót trong ruột đi. May mắn nhất là dùng các loại lá cây hoặc nước mương, nước suối rửa sạch…Chỉ vì không muốn xa rời các nghị quyết, chính sách của Đảng mà chú – vốn là một nhà khoa học chân chính, đang làm việc tại một viện nghiên cứu, cũng luôn tay năm tay mười nhặt hết các loại tạp chí chuyên ngành đến các tài liệu báo cáo khoa học đã quá thời gian sử dụng cho vào cặp để đem về phục vụ cho nhu cầu tự thân của cả nhà, vừa nhóm bếp, vừa chùi đít sau khi đi vệ sinh. Trong các loại giấy chú đem về, cả nhà thích nhất là các báo cáo khoa học đánh máy chữ bằng giấy pơ lya mỏng, mềm, vừa êm lỗ đít, vừa ít mực xanh đỏ lòe loẹt và dày cộp như báo nhân dân, Hà Nội mới . Tuy vẫn phải dùng tay vò nhưng độ vò cũng ít hơn mà độ mềm thì tuyệt đỉnh, không có loại giấy vệ sinh nào vào thời điểm 1975- 1990 ấy sánh được. Biết chú tuy vợ con đề huề, nhưng có ông bà nội ngoại giúp sức và cô vợ đảm đang tháo vát lo việc thức khuya dậy sớm đong gạo, lấy nước từ vòi công cộng, nên hay nán lại cơ quan mày mò “ngâm cứu”, mơ hão đến một ngày nào đó sẽ ra được một phát minh mới xứng tầm thời đại để báo cáo tại viện hoặc cấp nhà nước, hay bên ngoài biên giới …ông bảo vệ, vốn là một sĩ quan quân đội bị thải loại vì tội hách dịch, coi thường lính, bắt lính phải phục tùng mệnh lệnh theo kiểu “nước sông, công lính” khi đầu quân vào làm bảo vệ ở một viện nghiên cứu khoa học, vẫn “non sông dễ đổi, bản tính khó rời” liền bẩm báo với cấp trên về tội “đi sớm về muộn”, không tôn trọng thủ trưởng cũng như coi thường cấp dưới, một mình một kiểu, không hòa đồng với đồng nghiệp, nhân viên trong viện, lại có tính hay nhặt nhạnh, vơ vét. Nhiều khi ông trực từ 5:00 chiều đến 12:00 đêm, trong khi cả viện vắng ngơ vắng ngắt, buồn tình ông mò lên các phòng ban, vừa mang tính kiểm tra, vừa lấy báo để theo dõi tin tức cho đỡ buồn mà phòng nào phòng nấy trống trơn, sang phòng chú thấy chú đang tay năm tay mười thu gom hết từ báo cáo khoa học đến các loại báo giấy, tập san cho vào cặp, đến mức bồ đựng rác trống rỗng, không còn một mẩu giấy vụn. Đáng lẽ thấy có người vào thì phải niềm nở, đón ý, hay chí ít cũng là thanh minh cho việc làm vụng trộm, không mấy hay ho của mình, đằng này cứ coi như không có chuyện gì xảy ra, còn mai mỉa, thóc mách:
-À cụ đấy à. Khỏe không? Chịu khó leo mấy tầng cầu thang lên đây làm gì vậy ? Không sợ tiêu hao năng lượng vô ích à ?…Thời buổi đồng lương tháng chém người như chém cá này, phải biết quý trọng từng calo năng lượng cũng như dè xẻn từng hào, từng xu lương thưởng đấy cụ nhé, “quẫy nước” vừa phải thôi.
Giải thích việc trút cả đống giấy vụn trong bồ đựng rác của cơ quan vào cặp đem về cho vợ nhóm bếp, chú cười lạnh:
– Ồ Thời đại nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì người người tận dụng, nhà nhà tranh thủ , tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm” phải không cụ?
…Thủ trưởng đơn vị mang danh là phó tiến sĩ nhưng đúng kiểu “một con bò dắt qua Nga khi về cũng thành phó Tiến sĩ , một chữ Pháp, Anh không biết, tiếng Nga thì “nhì nhằng biết chữ, biết chữ nhì nhằng”. Mỗi lần có đoàn cán bộ từ Nga sang phải cầu cạnh chú giao tiếp, phiên dịch hộ, bị chú bỉ mặt trước toàn Viện: “ Ô hay, anh là đảng viên, lại đảm nhận trọng trách lớn, được đào tạo tại Liên bang Xô viết, còn tôi thành phần tiểu tư sản trần trụi, có được bước chân lên máy bay hoặc sang Nga lần nào đâu, sao lại bắt tôi phải tiếp đón giao dịch với họ, nhỡ có chút sơ xuất hoặc nhầm lẫn nào thì tội trời ai mang, nắm thằng có tóc, chứ ai nắm kẻ trọc đầu?
Tất nhiên miệng đe, tai nghe thôi chứ công việc dịch thuật thì chú vẫn làm và như một nghịch lý, sau mỗi lần tiếp đón như vậy, người được mời sang nước bạn làm việc để ký kết các hợp đồng quan trọng lại là Thủ trưởng, còn chú cứ tiếp tục ca bài ca “tạch tạch sè”( tịt tịt rồi) muôn năm.
Để trả thù cái thói kiêu ngạo không đáng có của chú, cả hai quyết định bày binh bố trận cho chú vào tròng. Cụ thể một xấp giấy pơ lia giày cộp đóng dấu mật và tối mật chi chít được nhét vào ruột của tờ tạp chí chuyên ngành cũng như báo đảng được bí mật chuyển lên bàn làm việc của chú vào cuối giờ chiều, khi mọi người trong phòng đã lần lượt ra về còn chú bị gọi lên phòng sếp phó giao việc như mọi khi…
Việc không may ngay lập tức đã xảy ra, đầu tuần sau Viện trưởng đi báo cáo khoa học tại một hội nghị quan trọng, khi mở cặp ra thì tài liệu đã không cánh mà bay , thư ký hớt hải đạp xe thục mạng về cơ quan lục từ ngăn kéo bàn đến chiếc tủ đựng tài liệu mật…Thủ trưởng sau vài câu nói vo nhằm vớt vát thể diện cũng là để xin lỗi các vị đại biểu có mặt trong phòng liền vội vàng theo một nhóm công an của cục Phản Gián( gọi tắt là P35) leo lên ô tô co măng ca về lại viện triệu tập cuộc họp khẩn cấp để truy tìm thủ phạm. Vốn nghĩ mọi việc chỉ là sự sơ suất, do hiểu lầm nên chú mạnh dạn nhận lỗi về mình, hi vọng sẽ kịp về nhà để sửa sai, lấy lại tập tài liệu mật, phục vụ cho công tác điều tra …Suốt 4 tiếng đồng hồ lục soát, tập tài liệu đã lặng lẽ biến mất, mẹ chú ngơ ngác thú nhận:
-Trời! Đêm qua mất điện, nóng nực khó ngủ nên sáng sớm mẹ đã cẩn thận dọc giấy báo thành những mảnh nhỏ, phần thì giành nhóm bếp, phần để đi vệ sinh như mọi khi, chắc mấy buổi sáng, con vợ mày nhóm lò, do phần mùn cưa mua của xưởng mộc còn ướt, khó cháy nên đốt hết rồi. Còn bố mày có sử dụng vào việc “tẩy trần, xổ ruột” như thói quen mỗi sáng rồi ném vào hố xí công cộng hay không thì tao không biết nữa. Còn…
-Còn… còn gì hở mẹ? Giọng chú thúc hối, ánh nhìn van nài, khẩn thiết:
-Lúc 6:00 sáng nay, mẹ biết con Ngân nấu mì sợi với cà chua cho cả nhà ăn sáng như mọi khi, nhưng cả tuần ăn mì sợi không mỡ với muối trắng mãi cũng đớ, nên mẹ lén ra đầu phố mua hai gói xôi trắng, muối vừng cho hai ông bà già ăn, vừa no đến tận trưa, vừa rẻ hơn các loại phở, bún, miến khác vì bà bán xôi vốn là mẹ của thằng Huy, bạn học cấp III với con.
-Trời ơi, chú kêu to, việc khẩn cấp thế này mà mẹ cứ cà kê, dê, ngỗng mãi. Bác Mai, mẹ thằng Huy Lấm Chân à Lâm Chấn Huy thì liên quan gì đến đây?
-Thì bác ấy than không đủ giấy gói xôi, chỗ người quen lại ngay đầu ngõ nên Bác ấy bảo chịu khó quay về lấy bát xứ hoặc đĩa men ra bác ấy xới cho, trông còn ngon và lịch sự hơn mọi khi gói trong giấy bản. Thấy bác ấy là người quen biết lâu năm nên mẹ về vơ hết chỗ báo còn lại cho bác ấy .
-Trời ơi! Bố chú chỉ còn biết thốt lên: – Bà giết con rồi, báo Đảng chỉ lưu hành nội bộ, từ phòng khách xuống nhà bếp đã là thiếu ý thức rồi, mà bà còn đem cho bà bán xôi tận đầu ngõ, giờ biết thu hồi làm sao đây?
Mẹ chú phân trần:
-Ngày nào bà ấy cũng ngồi bán ở ngay đầu ngõ nhà mình, nơi có nhiều trường học, bệnh viện đông người qua lại nên chỉ 9:00 là hết hàng, hôm nào muộn nhất cũng chỉ 10 giờ …
-Đi thôi! Mời bác, viên công an ra lệnh:
Chiếc co măng ca khó khăn lắm mới thoát ra khỏi hàng rào người tò mò chen lấn đông đặc, ai cũng bảo : “cán bộ nhà nước, làm ở viện nghiên cứu khoa học thì chỉ có chữ… Kiểu này là tội tiết lộ các bí mật nghiên cứu do nhà nước quản lý đây, các ông các bà ạ. Rõ khổ!
Cái ngõ nhỏ đông người qua lại nhưng bóng dáng bà bán xôi đã không còn, liếc nhìn đồng hồ đã 11:00 giờ trưa, viên công an hạ lệnh:
-Đề nghị bác gái xuống xe đi bộ về nhà, còn anh Huân ở lại làm việc với cơ quan an ninh chúng tôi!
Nghe thủng câu chuyện, nó thở hắt ra một hơi nặng chịch:
-Thế là chú bị đi tù ạ? Quả thật nếu không nghe tận miệng chú kể và sự xác nhận của cô, cháu không tin là trong xã hội chủ nghĩa ưu việt lại có những chuyện dở mếu, dở cười như thế.
– Ừ người chú chán ngán đáp : – Đau một cái là tù cao su không án mới chết chứ. Thời ấy Hà Nội còn nghèo nàn, xơ xác lắm, nhà nhà đi bộ, đồ đạc quý giá nhất chỉ là cuốn sổ hộ khẩu, đôi dép tổ ong dưới chân, vài ba bộ quần áo cũ thay đổi, nếu có cái xe đạp cà tàng để đi là may mắn lắm rồi, vì xe đạp cũng phải có biển số và đăng ký tại cơ quan công an kia mà, vì thế những thằng tù chuyên ăn cắp vặt như mũ cối, dép râu, xe đạp , móc túi v.v chỉ bị từ 3 đến 6 tháng, thậm chí một năm là kịch đường tàu, bởi xét cho cùng, đến viên chức, cán bộ nhà nước còn đói nhăn răng, lấy đâu ra lương thực mà nuôi chúng nó? Còn chú chưa đến mức quy tội phản động nhưng điều tra viên cũng chán ngán bó tay:
– Tội của anh -xuất thân trong gia đình tiểu tư sản, lại có người theo địch vào Nam từ 1945, 30 năm sau, khi nước nhà thống nhất lại theo chân thực dân, đế quốc, định cư ở Pháp. Bản thân anh chưa có tiền án, tiền sự gì , nhưng lý lịch không rõ ràng, động cơ cũng không xác định được, anh biển thủ các báo cáo khoa học bí mật của viện, cũng là của nhà nước để làm gì? Nếu hôm lục soát nhà, chúng tôi thu được bằng chứng thì anh có thể bị đưa ra tòa kết án. Sau thời gian thụ án, anh có thể về. Tiếc rằng vật chứng đã bị phát tán qua tay bố mẹ và vợ anh cùng với bà bán xôi đầu ngõ, rồi từ đó lan ra khắp thành phố nên rất khó để chúng tôi buộc tội hay khép lại vụ án… Tất cả bây giờ trông vào sự thành khẩn của anh thôi.
– Trời! tôi ngửa cổ kêu: – Đúng là bé xé ra to, vô tội thành có tội. Thật không hiểu cái nhà nước này ưu việt ở chỗ nào nữa?
Kim Đồng hồ đã chỉ sang số 12, ông chú mệt mỏi đứng lên:
-Ờ nỗi oan của chú hệt như cụ tiên Điền Nguyễn Du viết trong truyện Kiều ấy:“tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây”, đành sống để dạ, chết mang theo thôi cháu ạ.
Biết giới hạn của cuộc nói chuyện đã kết thúc, tôi hỏi vớt vát một câu:
-Thế cuộc sống của chú sau khi ra khỏi tù ra sao? chả lẽ từ đầu thập niên 1990 đến nay chú chỉ sống bằng tiêu chuẩn nhân dân, tháng một lạng thịt, 13 kg gạo hay sống nhờ vào vợ con ạ ?
Vịn tay vào mép bàn thô mộc, đã gần hết giá trị sử dụng, trên mặt loang lổ các vệt đen , đỏ do ngấm nước chè, mực xanh, mực tàu…chú khó nhọc thú nhận:
-Cuối năm 1986, nhà nước tiến hành đổi mới tư duy, nhưng đời sống vẫn khốn khổ bấp bênh lắm, nhất là gia đình nhỏ của chú, bố mẹ mất cả , con cái thiếu sự chăm sóc của người cha nên học hành được chăng hay chớ, chỉ có mỗi cái may mắn là thím mày không bỏ chú thôi… Ngày chú ra khỏi tù gày đen như quỷ đói, ghẻ lở mọc đầy thân, hai đứa con phải vừa dìu, vừa xốc nách bố , đi bộ từ Hỏa lò về nhà chứ chẳng có tiền mà đi xích lô, hoặc có xe đạp mà đèo nhau cháu ạ.
Từ ngoài cửa, bóng một thanh niên gầy nhẳng lao vào, tôi nhận ra đó là thằng Hoàng, nhân viên tổ hợp sản xuất lọ mực nhựa không đổ cho học sinh, biết tôi quan tâm đến câu chuyện không may của gia đình, nó kể:
-Chẳng ai như bố em, người ta làm khoa học, nếu không may phải “Bút sa gà chết” đã đành, còn bố em chỉ vì tham mấy tờ giấy lộn mà…thâm hết cuộc đời luôn. Nếu không có mấy bác ở Viện thương tình, bí mật nhường cho phần phiên dịch tài liệu từ Tiếng Việt sang tiếng Nga và ngược lại, thì đúng là ăn cám, như lão bảo vệ thối mồm , rách chuyện ở viện tuyên bố.
Nhìn đứa con, giống vợ hơn giống mình cả về tính nết, cách ăn nói, chú thở dài, thú nhận.
-Đảng triệt tiêu mọi đường sống của chú nhưng trời thương, nên ngay sau khi thành trì xã hội chủ nghĩa của các nước anh em sụp đổ, tiếng Nga vẫn được coi là ngoại ngữ chính thống cháu ạ, vì thế ông Viện trưởng mới, biết chú oan mười mươi nên bí mật nhờ người đến nhà giao tài liệu nhờ chú dịch hộ và trả tiền đều đặn mỗi tháng 80 đồng, vừa đủ mua 10 cân gạo mậu dịch giá 40 đồng và 10 kg rau, kèm chất đốt cháu ạ, không phải sống nhờ vào sự tần tảo, nhịn ăn nhịn mặc của thím và hai thằng lỏi con là may rồi. .. Việc làm ý nghĩa nhất của chú trong thời gian ấy là dịch cuốn “những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi từ tiếng Việt sang tiếng Nga, nhờ thế mà nhà chú mới bắt đầu có của ăn của để.
-Của ăn, của để gì? Tiếng bà thím từ trong bếp vọng ra: – Nhờ công thức ngày, thức đêm của ông ấy mà bản thảo cả nghìn trang đổi bằng một cà mèn đựng mỡ mỗi tuần, thay vì chỉ rau muống luộc, dưa cà quanh năm như trước thì tôi có thêm tiền để mua thêm chục cân gạo mậu dịch cho hai thằng quý tử nhà này, ngoài ra mỗi bữa có thìa mỡ để xào dưa chua và ngoáy vào đĩa lạc rang muối để ăn cho có chất cô ạ, chứ tiền để đi học thêm cho hai đứa, mỗi tháng 40 đồng cũng có đâu, cả hai đành chịu cảnh trượt đại học, đi làm công nhân cả đấy chứ.
– Thế là quý lắm rồi , chú kể: – Lần đầu tiên trong đời chú đi thăm bạn bè mà có nải chuối cầm tay, còn đầu giờ chiều được cô pha cho một cốc nước chanh đường để uống mới có sức mà cầy tiếp. Khẩu phần ăn tuy chỉ dưa chua, lạc rang, đậu phụ, nhưng năm thỉnh muời thoảng cũng chạy qua hàng gà, à trứng gà, một bữa hai quả hẳn hoi chứ không phải một quả mỏng dính, khi gắp cũng không lo chạm mắt vợ hay mắt hai thằng con háu đói, đang tuổi ăn, tuổi lớn nữa.
Nhấp ngụm chè cám cho phải phép, tôi cất tiếng xin phép ra về và đang đà cảm xúc liền nhịn ăn để ngồi viết luôn câu chuyện có thật kèm câu cảm thán của người chú tội nghiệp : Thời đại Hồ Chí Minh khổ đến bao giờ? Cho dù là nhà khoa học có tài, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, biết nắm bắt vận mệnh nước nhà giữa cơn xoay chuyển của lịch sử, thế giới, ông mạnh dạn chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh và nhanh chóng làm chủ tiếng Anh để sống bằng nghề dịch thuật và đi dạy ở các trung tâm ngoại ngữ…Nhưng cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn và áo mặc, đâu chỉ thỏa mãn bần cố nông theo kiểu con người mới xã hội chủ nghĩa: “cơm ba bát, áo ba manh” mà cấm kêu nghèo, kể khổ, cấm nói xấu Đảng và Nhà nước, dù chỉ nói sự thật trên cơ sở cái xấu đã lộ lộ phơi bày. Cuộc sống mà theo chú nhận định: “Chỉ là sự tồn tại, bản năng chứ không thể là sống theo đúng nghĩa của từ này…
Hà Nội mùng 1 tháng 10 năm 1995
(Ngày rời khỏi báo Cựu chiến binh, chuẩn bị đầu quân vào văn hóa văn nghệ Công an)
T.K.T.T
——
*Hà Nội có 21 của ô, gồm Ô Chợ Dừa, Ô Quan Chưởng, Ô Đồng Lầm, Ô Yên Phụ, Ô Yên Hoa , Ô Yên Tĩnh , Ô Thạch Khối, Ô Phúc Lâm , Ô Thanh Hà ,Ô Trừng Thanh, Ô Mỹ Lộc , Ô Đông An , Ô Tây Luông , Ô Nhân Hòa, Ô Thanh Lãng, Ô Yên Ninh , Ô Kim Hoa, Ô Thịnh Quang, Ô Thanh Bảo, Ô Thụy Chương vv.. Nhục sĩ Phạm Tuyên ví Hà nội có năm cửa ô ứng với ngôi sao vàng năm cánh , khiến lớp trẻ hiểu sai về lịch sử Hà Nội.
** Một số món ăn phổ biến của người Tàu tại Hà Nội trước năm 1954: lồ mai phàn (xôi lạp xường), lốc biểu (mía hấp), bát bảo lường xà (trà thuốc bắc), phá sang (lạc rang húng lừu)… Xực tắc (mỳ vằn thắn) Chê gì chê (bánh cuốn nóng) Cấy chúc … (cháo gà) v.v
Sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất trời long đất lở, nông dân trở thành trắng tay. Đảng CS trở thành chủ nhân ông độc quyền của tất cả ruộng đồng nông thôn! :
Sử gia Trần Gia Phụng: Tuy chia đất cho nông dân, nhưng sau cuộc CCRĐ, CSVN tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp, và ép nông dân phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Quá khiếp sợ trước cảnh tra tấn trong CCRĐ, không một nông dân nào dám phản đối. Thế là tất cả nông dân phía bắc vĩ tuyến 17 đều phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Khi vào hợp tác xã, ruộng đất riêng tư của nông dân đều phải nạp cho hợp tác xã, và trở thành ruộng đất tập thể của hợp tác xã. Thế là chẳng những số đất đã được chia, mà cả đất đai do cha ông để lại, cũng đều bị lọt vào tay hợp tác xã, tức vào tay nhà cầm quyền cộng sản. Toàn thể nông dân nay trở thành vô sản, và nhà cầm quyền CS trở thành chủ nhân ông độc quyền của tất cả ruộng đồng nông thôn. Thật là một tiến trình cướp đất rất hoàn hảo, mà không một nông dân nào dám lên tiếng tố cáo.
Sử gia Trần Gia Phụng: Những cuộc CCRĐ của cộng sản chấm dứt năm 1956 lại đi đến kết quả ngược lại, đời sống nông dân tụt hậu, sản lượng giảm xuống rõ rệt. Lý do vì trong các giai đoạn đầu của cuộc cải cách, đất đai bị chia thành nhiều mảnh nhỏ. Nông dân mới nhận đất chưa có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thiếu tài chánh để mua trâu bò dụng cụ, phân bón để cày cấy. Sau đó, vào cuối giai đoạn 5, việc suy sụp kéo dài nhiều năm vì nhà nước cộng sản đưa ra kế hoạch hợp tác lao động, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và những nông trường quốc doanh tập thể từ khoảng năm 1957, 1958.
Đảo lộn luân lý xã hội, tiêu diệt tình người: Chiến dịch CCRĐ của cộng sản đã khủng bố tinh thần dân chúng, làm cho mọi người sợ hải khép mình vào kỷ luật cai trị Cộng sản, và nhất là đánh tan nề nếp xã hội cũ, làm sụp đổ nền tảng luân lý cổ truyền của dân tộc, tiêu diệt tận gốc rễ tình cảm giữa người với người. Trong khi quyết tâm thực hiện phương châm “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn” (nghĩa là tiêu diệt từ trên xuống dưới bốn thành phần trí thức, phú thương, địa chủ, cường hào), cộng sản đã khuyến khích, ép buộc, đe dọa mọi người tố cáo, đấu tố lẫn nhau, dù đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Do đó, chẳng những đã xảy ra cảnh đấu tố giữa người với người ngoài xã hội, mà trong gia đình cũng xảy ra cảnh đấu tố với nhau giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, và anh chị em.
Sử gia Trần Gia Phụng: Phản ứng của dân chúng: Cuộc CCRĐ đã “phạm phải những sai lầm nghiêm trọng là đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn lan vào cả cơ sở đảng.”(Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả “). Hành động tàn ác trong cuộc CCRĐ khiến dân chúng chẳng những bất mãn mà còn kinh khiếp. Ngoài người bị giết, một số lượng người lớn hơn nữa bị tù đày, bị gởi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình; con cái bị người ngoài xa lánh. Số lượng người nầy không được thống kê đầy đủ.
Lúc đầu, dân chúng chưa dám tỏ thái độ, nhưng số người bất mãn càng ngày càng đông, nên vào mùa hè năm 1956, nhiều nơi dân chúng nổi dậy phản đối. Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tỉnh sinh quán của Hồ Chí Minh, dân chúng đã nổi lên khá mạnh mẽ vào đầu tháng 11-1956. Nhà cầm quyền cộng sản kiếm cách che đậy tin tức nầy, nhưng không thể “lấy thúng úp đầu voi”, nên sau đó, đài phát thanh Hà Nội đành lên tiếng ngày 13-11-1956 thừa nhận đã xảy ra dân biến.(Đoàn Thêm,” Hai mươi năm qua 1945-1964 “). Hồ Chí Minh gởi sư đoàn 325 đến Nghệ An đàn áp những nông dân không súng ống, chỉ có gậy gộc, cuốc xẻng và tấm lòng uất ức vì bất công tàn bạo của chế độ, trong thời gian từ ngày 10 đến 20-11-1956.
Lê Phú Khải- nhà văn, nhà báo kỳ cựu: “Cải cách ruộng đất đã đưa những ông bà nông dân mắt toét răng đen không biết chữ lên làm chánh án những “tòa án nhân dân”, có quyền phán quyết án tử hình và nạn nhân bị đem bắn ngay sau đó .
“Thật khó có thể giải thích những người nông dân nghèo khổ, hiền lành, nhẫn nhục, sống với nhau bao đời trong các làng quê được bao bọc bởi những lũy tre xanh hiền hòa kia… bỗng có ngày họ bị Đảng Cộng sản cho uống thuốc kích độc, kích ác, kích bạo, kích tham… những độc dược dán mác “đấu tranh giai cấp” hay “Mác-Lenin”… để một chị con gái có thể nhẩy chồm lên chỉ vào mặt bố đẻ của mình mà hét: Thằng kia, mày có biết tao là ai không? Và người cha đẻ của chị khúm núm run rẩy thưa: Thưa bà, bà là con của con ạ!!!…
“Một phú nông trong làng, từng chứa chấp Việt Minh hoạt động. Một hôm, có 5-6 cán bộ đang họp trong nhà thì có tin Tây đến vây bố. Chủ nhà nhanh trí hô tất cả trèo lên mái nhà dỡ mái xuống (xem như đang sửa nhà). Thấy cảnh nhà cửa ngổn ngang, mái nhà bị dỡ tung, chúng tin là nhà đang sửa nên có đông thợ đến làm liền rút lui. Thế nhưng, thật trớ trêu ông chủ nhà sau này bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, bị bức cung ông phẫn uất quá cho gọi tất cả các con cái về nhà, dồn vào một buồng rồi tưới xăng để tự thiêu. Chị con gái đã có chồng, có con, quỳ lạy cha xin tha chết để còn sống nuôi con. Nghĩ thương cháu, người ông tha cho con gái sau đó châm lửa thiêu cả nhà. Khi mọi người biết chuyện chạy đến thì những đứa trẻ đã chết đen thui còn xác người vợ trương phồng lên như con bò “.
Ðiều cần nhấn mạnh là CSVN đã bắt chước y hệt chính sách Cải Cách Ruộng Đất ở Trung Quốc, nên đã cho các cán bộ học tập kinh nghiệm nguyên bản cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu ở Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Ðông.
Ở Trung Quốc, ngoài ruộng đồng bao la bát ngát, một địa chủ điển hình còn có lâu đài, dinh cơ và quân lính riêng để bảo vệ sản nghiệp, cũng như để đàn áp và bóc lột nông dân.
Trong khi ở miền Bắc VN, cái mà CSVN gọi là địa chủ đại gian,đại ác thường chỉ có mấy mẫu ruộng, nhưng thuộc thành phần có uy tín ở nông thôn (thường giúp đỡ người nghèo) và có thể trở thành đối tượng đấu tố vì họ được xếp vào hàng chống Đảng và nhà nước.
Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất, giết chết một cách dã man theo tỉ lệ 5% dân làng, ví dụ một xã có 1.000 dân, phải giết 50 địa chủ, nếu không đủ thì đôn trung nông lên. Vì thế có xã phải giết cả những kẻ chỉ có 5 sào ruộng và tự canh tác lấy, không thuê mướn ai, không làm chủ ai !
Cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) bắt đầu từ năm 1949 đến năm 1956, diễn ra ở Bắc Việt Nam.
Sử gia Trần Gia Phụng : Các biện pháp trấn áp, tra tấn, bắt đầu từ bỏ đói, bỏ khát, phơi nắng, phơi mưa, mắng chửi, hành hạ, nhục hình, thậm chí đào một cái hố, bắt nạn nhân nằm xuống, rồi bắt dân chúng tiểu và đại tiện lên nạn nhân, giựt tóc, đánh đập, gìm nước (rồi kéo lên cho tỉnh lại), dùng tre nhọn xuyên thủng tay chân, thân thể. Có khi đội CCRĐ chôn nạn nhân xuống đất, chừa cái đầu lên trên, dùng bò kéo lưỡi cày có răng nhọn ngang qua đầu nạn nhân cho đến chết. Nhiều nạn nhân chứng kiến các cuộc trấn áp dã man, sợ quá, lên cơn đau tim chết, hoặc tìm cách tự tử để khỏi bị hành hạ.
Về cuộc Cải Cách Ruộng Đất , trong cuốn sách “Công Và Tội”, tác giả Nguyễn Trân viết:
Các địa chủ , phú nông bị giết một cách thê thảm. Dã man nhất là khi chồng bị giết, vợ phải đưa tay lên hoan nghênh, cũng như con phải đưa tay lên hoan nghênh khi cha bị giết. Có người bị bắt nhốt trong cũi heo để dân chúng dưới sự kích thích hay hiệu lệnh của cán bộ Việt Minh dùng lao cao vót nhọn (chớ không phải gươm giáo) mà đâm cho chết, có người bị chôn vùi mà chưa chết lên tiếng cầu xin: “Tôi chưa chết xin giết tôi đã”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A ca tụng Cải cách ruộng đất, cho là CCRĐ đã trả lại đất cho dân cày . VỌA làm 1 online conf gồm nhiều học giả nước ngoài, kết luận với CCRĐ, Đảng Cộng Sản đã làm dân tin, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ .
Và những trí thức mà người Việt hải ngoại vẫn mến mộ, gs Mạc Văn Trang, gs Nguyễn Đình Cống, nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Lê Phú Khải, ts Nguyễn Ngọc Chu … đều có xuất phát điểm từ CCRĐ. CCRĐ triệt tiêu toàn bộ 1 giai cấp, nhường chỗ cho the rise từ những giai cấp thấp hơn . Và ta có được những trí thức “đáng kính trọng” ngày hôm nay .
CCRĐ cũng tạo 1 niềm tin cho giới “đấu tranh” ở miền Nam, rằng chế độ VN Dân Chủ Cộng Đồng ở miền Bắc là ưu việt . Với niềm tin tất thắng đó, họ đã đấu tranh hổng mệt mỏi để miền Nam cũng được hưởng những thứ ở miền Bắc được hưởng . Và bi giờ ta nhớ ơn họ, tôn họ thành trí thức đáng kính trọng
Dù là Cộng Sản . Phúc, almost forgot
Về cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời ở đất, nhạc sĩ Tô Hải thuật lại :
“Không ít người bị đánh gãy chân, què tay và vất xác trôi sông hoặc tự tử. Lý lịch được mang ra phê phán. Có người vì muốn thoát chết đành gọi bố mình là “thằng Việt gian” chỉ vì thời Tây, bố đã làm công chức cho Pháp.
“Ở ngoài dân chúng thì sao? Một cảnh tượng ghê rợn bao trùm khắp làng xóm nơi chúng tôi đóng quân. Người ta bắt “kẻ thù giai cấp” — 99% là bị vu oan — quỳ cả tiếng đồng hồ, hai tay trói giật cánh khuỷu để các ông bà nông dân xỉa xói vào mặt kể tội. Điều ngược đời là ai có nhiều công nuôi cán bộ, đóng góp tiền bạc, thóc gạo cho bộ đội đều bị gán cho tội…“mua chuộc cán bộ”! Con phải đấu cha, vợ phải đấu chồng, thậm chí quan hệ riêng tư trong gia đình, vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu, con ở, cũng thành trọng tội mà kẻ bị xử bị đem bắn ngay trong đêm…
“Những gì tôi chứng kiến trong “cuộc cách mạng long trời lở đất này” có viết hàng nghìn trang cũng không thể hết. Đó là một cuộc cách mạng vô lý, vô luân, vô đạo đức, tàn bạo nhất được các đoàn chuyên gia giết người, diệt chủng Mao-ít đưa sang Việt Nam để huỷ diệt dân tộc ta.
“… một số do gia đình ở địa phương bị quy là địa chủ cũng bị dẫn độ về để tố khổ bố mẹ, ông bà mình. Một số kẻ “siêu hèn” đã phải kể “tội” bố mẹ để thoát chết “.
Nguyễn Minh Cần _ Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội :
“Các đội Cải Cách Ruộng Đất không từ một cách nào hết để “tìm ra địa chủ”,“ tìm ra phản động”, “tìm ra của chìm”, ép buộc con cái “đấu tố” cha mẹ, con dâu “đấu tố” bố mẹ chồng, con rể “đấu tố” bố mẹ vợ, vợ “đấu tố chồng”, anh em “đấu tố” lẫn nhau, trò “đấu tố” thầy, kẻ hàm ơn “đấu tố” kẻ ban ơn, láng giềng hàng xóm “đấu tố” lẫn nhau (cũng có trường hợp cha mẹ bấm bụng khuyên con cái “đấu tố” mình để mong cứu mạng cho con cái)…
Hoàng Tùng- nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân- kế lại rằng tuân theo chỉ thị của Mao trạch Đông và Stalin, Hồ chí Minh phát động cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Đoàn cố vấn CCRĐ do Kiều Hiếu Quang làm trưởng đoàn sang VN cố vấn . Kiều là phó bí thư tỉnh ủy Quảng Tây.
Theo học giả Hoàng Văn Chí- tác giả cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản- cuộc cải cách trời long đất lở này thảm sát 500000 người dân Việt .
Nguyễn Đăng Mạnh- đảng viên Cộng Sản lâu năm, là nhà giáo nhân dân được tuyên dương nhiều lần, là nhà phê bình văn học đoạt giải hai lần trên cấp độ quốc gia, là người đã soạn thảo chương trình văn cho các lớp bậc phổ thông – nhận định :
“Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tàu đối với Việt Nam về chính trị và văn hóa “.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định : “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú vừa nhục nhã vừa căm thù nó ” .
*Luật sư Nguyễn Mạnh Tường – đã có một thời theo Việt Minh – thuật lại trong một cuộc phỏng vấn vể cuộc Cải Cách Ruộng Đất:
-“Chẳng có chánh án, luật sư gì cả. Phiên tòa được tổ chức ở một bãi sân rộng đâu đó trong làng. Mấy anh thuộc thành phần bần cố nông ngồi ngất ngưởng trên bàn để luận tội, còn mấy người bị gọi là địa chủ thì bị xích cổ, trói chân, trói tay, quỳ mọp giữa sân…”.
-Có địa chủ nào được quyền tự biện hộ, tự thanh minh cho mình không?
– ” Không. Lúc đó, ai cũng hồn kinh phách tán cả rồi, mặt mũi xanh rờn, đứng còn không nổi nữa thì nói gì đến chuyện tự biện hộ. Mà ai cho? Cứ bị khép vào thành phần địa chủ là coi như đã chết” .
* Đảng viên cộng sản kỳ cựu Lê phú Khải thuật lại rằng : Cải cách ruộng đất đã đưa những ông bà nông dân mắt toét răng đen không biết chữ lên làm chánh án của những “Tòa án nhân dân”, có quyền phán quyết án tử hình và nạn nhân bị đem bắn ngay sau đó. Những thước phim do chính quyền quay mà tôi đã được xem, mỗi lần nhớ đến vẫn khiến tôi lạnh xương sống .
*Thi sĩ Nguyễn Hữu Loan- tác giả bài thơ nổi tiếng Màu Tím Hoa Sim- đã phê bình rằng :
” Hồ chí Minh là thằng mất dạy, không còn giống người nữa . ” Nó phát động đấu tố cha mẹ, gọi bố mẹ là tao mầy. Thế thì tôi chống cái đấy, và tôi đi trở lại với cái đạo làm người. Tôi thấy Hồ chi Minh làm cái việc vô đạo, mà tôi dám chửi trước đại hội “.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy :” Cả bố và mẹ đẻ đã mất ngay sau khi tiến hành Cải Cách Ruộng Đất. Nhà bị đưa vào diện đại địa chủ, bóc lột. Ông tôi khi ấy đang làm hiệu trưởng trường cấp I, vì uất ức mà phải giằng kính khỏi mắt đập mạnh xuống nền nhà cho mắt kính vỡ tan, rồi chọn lấy một mảnh nhọn và sắc nhất rạch ruột tự tử ngay trước mặt cán bộ cải cách, một viên bác sĩ người Pháp vội vàng chạy đến băng bó, cấp cứu, nhưng ông tôi đưa tay ra hiệu không cần thiết ” .
Nhà văn Dương thu Hương: “Lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết. Thật khủng khiếp. Khi 8 tuổi, buổi sáng khi đi tưới rau, tôi thấy cảnh những người chết như thế và điều đó làm cho tôi vô cùng khủng khiếp “.
Blog Bảo Giang thuật lại rằng : ” Chu văn Biên – bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ – Tĩnh – bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chắp tay đứng ở dưới sân dằn giọng: -Tao với mi không mẹ không con, mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi, mà mi thì nhất định sẽ chống lại…”. Bà mẹ cắn lưỡi không chết. Ít lâu sau, bà nhảy giếng tự tử “.
Nhà văn Văn Quang : ““Chỉ tiêu” của làng tôi là phải đấu tố 3 anh địa chủ. Thế là ông anh tôi, vốn là con ông chánh tổng, bị lôi ra đấu tố rồi xử bắn. Ðể lại vợ và 3 đứa con nhỏ, có cháu mới 2 tuổi, cháu lớn nhất mới 6 tuổi. Bà vợ anh không chịu nổi cảnh nhục nhã này nên đã đâm đầu xuống ao nhà tự tử. Mấy đứa con nhỏ bị đuổi ra ở một túp lều lá trong khu vườn chè nhà tôi “.
“Mang tiếng “lớn lên trong lòng cách mạng” mà bị cách mạng trực tiếp bóc lột trắng trợn từ của cải, niềm tin , từ đời ông cha, còn bạo tàn, mãnh liệt hơn đời cụ kỵ sống dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp “. Tác giả: Trần Khải Thanh Thủy .
Nhà văn Xuân Vũ:Tác giả của khoảng 70 cuốn sách. Năm 1945 gia nhập Việt Minh. Phóng viên báo Tiếng Súng Kháng Địch . Biên tập viên đài phát thanh Hà nội . Được kết nạp vào Hội Nhà Văn Hà Nôi. Tình nguyện vào chiến trường Miền Nam. Về nội bộ quân đội Cộng sản, ông thuật lại :
“Trong khi lính chết như gà toi trên Trường Sơn thì các ông tướng họp nhau trong triều đình ở cục R, uống bia, hút thuốc lá thơm, phân chia chế độ cơm bưng nước rót, cần vụ giặt quần áo, vệ binh khiêng các mệnh phụ phu nhân như hoàng hậu lại còn dâm dật loạn xà bì “.
Trong quyển Đèn Cù, tập II, tác giả Trần Đĩnh thuật lại rằng thời đó ở ngoài Bắc có cái nông trại tên là Tam Thiên Mẫu giữa Cẩm Giàng và Thuận Thành nuôi đủ bò, dê, heo, gà, ngỗng, vịt, cá, lươn, ếch, v.v. cung cấp cho Bộ Chính Trị. Còn ở Thái Bình thì có đồng trồng lúa riêng cho các vị trong Bộ Chính trị. Trong khi đó thì dân chúng không đủ gạo ăn và thiếu thực phẩm.
Nhà ỉa thời Bao Cấp :
redsvn.net : Nói đến nhà vệ sinh thời bao cấp nghĩa là nói đến cái hố xí công cộng ở các đô thị hay khu tập thể cơ quan, trường học, xí nghiệp… Cả dãy nhà, thậm chí vài dãy nhà mới có một khu toilet chừng 4 – 5 ô, “nội thất” gồm 2 viên gạch đặt chụm đầu nhau chỗ cái lỗ tròn, có khi thêm cái xô đựng tro hoặc đất. Nhiều nơi, người ta làm chuồng xí đôi, hai người chồm hổm ngồi đối diện nhau, có thể vừa “trút bầu tâm sự” vừa rôm rả bình luận chuyện quốc tế.
Kinh khủng nhất là những ngày trời nắng nóng, khu toilet công cộng ngập trong thứ mùi “khó tả” cùng tiếng vo ve bất tận của lũ ruồi. Anh Trần Trung sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, miêu tả: “Ngồi trong ấy là cứ phải rung lắc, đung đưa thân hình liên tục để bọn tàu bay Mỹ ấy (chỉ lũ ruồi) không đáp được lên người. Lại còn gián con bò lổm ngổm, con bay xè xè sẵn sang lao vào mặt mình nữa chứ. Trời thì nóng, ngồi mấy phút là mồ hôi đầm đìa chả khác gì tắm hơi, toàn thân ướp hương”.
Những hôm trời mưa ngập mới lại càng rùng rợn. Thôi thì thứ gì nổi được cứ nổi, cái gì dập dềnh cứ dập dềnh. Thế nhưng cái sự tiêu hóa nó không ngừng lại được, người ta vẫn phải nhón chân bì bõm đi ra .
Thời đại Hồ Chí Minh ngủ rồi nên bây giờ có những “chuyến bay giải cứu”, rồi còn được ngoáy mũi với “Việt Á”. HCM ngủ thì có Cuba nó thức canh chừng. Cuba thức nên dân Cuba giờ đang sống như thời HCM đang thức.
“Thời đai HCM !”khi CS vào Miền Nam ,câu nói “Thời đại hcm hầu như cơm bửa trươc miêng bao người Dân-Thời đai HCM có hoa và có nhạc-có cơm no -áo ấm ! “. Thế nhưng ,tất cả đả rỏ ,khỏi phải phân bua dài dòng.! Lá cờ goi là “Cờ Tổ Quốc ” củng chỉ vỏn vẹn còn lai trên đó một triều đai duy nhất: Triều đai cs ! (trều đai một-tháng -một lần của chị em phu nử). Nhưng hôm nay,CS lại trở về với Hùng Vương -với Lac long quân! Vì sao?? Xin thưa vì hết gao! Dân ta hay có câu :”Hết gạo, về Mệ (Bà) ngoai xin ăn !” Vì sao nói “bà ngoai” không nói”.bà nôi”.Thường thị “bà Nôi”gần gủi-cốt tủy hơn ,không cần nhắc củng biết.Cứ nhìn vào cái tên(last name) thì đả biết rồi!Còn bà ngoai ,phải vòng quanh tam quốc,nhắc nhở côi nguồn mới té ra ! “bà nôi ” của CS ở đây là Mao -là Stalin !! Thật vậy,tan hàng-rả đam còn đâu “bà nôi ‘ nửa.Bao lâu nay”bà ngoai ” nuôi không.Bà ngoai ở đây ,không những là côi nguồn mà kể cả Tư bản trong và ngoài nước ! Thế nhưng ăn rồi ,vẩn phản!!
Phét đâu ra mặt lau chù cho đảng đi cứ để thiên hạ bôi đủ thư dơ dáy vào mặt bác và đảng thế này,nhục quá.
Không cần nói chi nhiều.Chỉ nội việc trong đấu tố cải cách ruộng đất do Hồ khởi xướng theo lệnh Mao, con ngồi trên cương vị đấu tố gọi cha mẹ bằng mầy và xưng bằng tao trong khi cha mẹ gục đầu nhận tội ( nhưng sau đó vẫn bị giết !) thì đủ hiểu bản chất tính khí Hồ và bè đảng tàn ác man rợ rừng rú như thế nào bởi điều này chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử VN ( con chửi đấu tố và giết cha mẹ mình!)
Buồn thay như bị mắc phải một lời nguyền rủa ác độc siêu nhiên nào đó,không dứt ra được, vẫn còn không ít người VN tiếp tục ca ngợi, sùng bái, ngưỡng mộ cuộc đời tàn ác, xạo nổ kinh hồn của Minh Râu Hồ Chí Xạo !