‘Thầy dùi’ người Mỹ của Hun Sen qua đời

2
Bretton Sciaroni lại văn phòng công ty luật của ông tại Phnom Penh. (Ảnh do văn phòng này cung cấp)

Nhiều người biết

Nhiều người biết Hun Sen lên nắm quyền là nhờ đảng ta đã lật đổ Pol Pot để dẫn dắt Hun Sen lên ngôi, và nếu đúng theo logic thì lẽ ra Hun Sen phải chịu ơn đảng ta mới phải.

Nhưng không hề, lâu lâu Hun Sen cũng đá giò lái đảng ta một phát, ví dụ Hun Sen đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, hoặc Hun Sen cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Hải quân Ream ngay tại cảng Sihanoukville, nhưng nếu có ai la lên thì Hun Sen nói đâu có đâu.

Nhiều người biết hiện nay, Hun Sen đu dây giữa Việt Nam và Trung Quốc, giống như Việt Nam đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; và Hun Sen có nhiều quan thầy, nhiều đồng chí trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có Nguyễn Tấn Dũng.

Nhiều người biết Hun Sen chơi ngon hơn Việt Nam, chấp nhận bầu cử đa đảng và biết cách lèo lái để đảng Nhân dân Campuchia lúc nào cũng nắm quyền, trong khi Việt Nam vẫn kiên định lập trường “đa đảng là tự sát.” Và còn nhiều chuyện khác nữa giữa hai nước.

Tuy nhiên, ít người biết Hun Sen cũng sử dụng một cố vấn người Mỹ, Brett Sciaroni.

Brett Sciaroni và Iran-contra

Trước khi làm thầy dùi cho Hun Sen, Brett từng dính vào vụ tai tiếng Iran-contra dưới thời Tổng thống Reagan. Trong vụ này, xảy ra từ 1985 đến 1987, một số người thân tín của Tổng thống Reagan đã lén lút bán vũ khí của Mỹ cho Iran, đang bị cấm vận, để đổi lấy tự do cho một số người Mỹ bị phe dân quân ở Li-băng được Iran bảo trợ bắt làm con tin. Tiền bán vũ khí sẽ được Mỹ đem tài trợ cho nhóm contra, phiến quân cánh hữu tại Nicaragua, để lật đổ chính quyền thiên cộng của nước này.

Câu chuyện trao đổi giữa Mỹ-Iran-Contra bị lộ, bị xem là phạm pháp vì Quốc hội Mỹ có luật cấm tài trợ để lật đổ chính quyền Nicaragua.

Lúc bấy giờ, với tư cách là một luật sư trong Ủy ban cố vấn Tình báo của tổng thống Reagan, Brett đã được giao nhiệm vụ soạn một bản biện minh trước Quốc hội để bênh vực hành động của nhóm gây tai tiếng.

Brett Sciaroni và Campuchia

Sau vụ Iran-contra, Brett đang thất nghiệp lông bông thì có người bạn giới thiệu bên Campuchia có một đảng chính trị ra tranh với các đảng khác, đang cần một chân cố vấn pháp lý cho cuộc bầu cử năm 1993 sắp tới, lần đầu tiên được tổ chức sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ và bộ đội Việt Nam rút lui trước áp lực của quốc tế.

“Khi tôi đến nơi, Campuchia giống như cao bồi miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ. Chẳng có một trường học hoặc một nhà thương nào. Bất kỳ chú công an cảnh sát đứng đường nào cũng ôm một khẩu AK-47”, Brett kể lại với báo Forbes.

Khách hàng của Brett bấy giờ là Thủ tướng Hun Sen, đang vận động tranh cử để giữ chiếc ghế. Mặc dù Hun Sen thua đậm, Brett cũng giúp đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Hun Sen chia quyền với đảng bảo hoàng chiếm đa số. Hun Sen đành phải giữ chức tương đương với “Thủ tướng thứ nhì” trước khi làm cú đảo chính năm 1997 để chiếm trọn quyền, buộc Thủ tướng thứ nhất dòng họ hoàng gia phải lưu vong xứ người.

Là một trong những luật sư Mỹ đầu tiên tại Campuchia, Brett ngày được đảng CCP tin dùng và chỉ trong vòng vài năm, trở thành cố vấn chính thức cho chính phủ, một vị trí tương đương với hàm bộ trưởng.

Vai trò chính của Brett là thu hút vốn nước ngoài và là người môi giới cho các giám đốc đại công ty phương Tây nào muốn thương lượng với các quan chức chính phủ Campuchia hàng đầu.

Năm 1994, Brett giúp mang lại gói đầu tư nước ngoài lớn đầu tiên cho Campuchia, một nhà máy bia 60 triệu đô la của Tiger Beer, một thương hiệu Singapore là cánh tay nối dài của Heineken Hà Lan.

Vào những năm đầu tiên của thập niên 2000, Brett đã giúp thương lượng mức thuế thấp hơn cho công ty bao bì Mỹ Crown Cork, đang muốn mở một nhà máy sản xuất đồ hộp tại Campuchia nhưng không muốn chịu mức thuế nhập khẩu nhôm cao.

Qua tài “thu xếp” của Brett, nhiều doanh nghiệp Mỹ coi như hưởng mức thuế 0% khi làm ăn tại Campuchia.

Vào năm 2004, Brett mở công ty luật riêng, Sciaroni & Associates, tại Phnom Penh, giúp mang lại nhiều triệu đô la đầu tư nước ngoài vào Campuchia đến từ Chevron, Ford của Mỹ; Mitsui Nhật Bản; và BHP của Úc.

Là luật sư làm việc với chính phủ Campuchia, Brett đã giúp chính phủ Phnom Penh thu hồi tài sản của chế độ Khmer Đỏ bị đóng băng ở Hoa Kỳ, soạn thảo một số luật đầu tiên của Campuchia về tài chính, cố vấn cho phái đoàn Campuchia trước UNESCO trong tranh chấp với Thái Lan về ngôi đền Preah Vihear thời Angkor.

Vào lúc còn gặp thời, Brett Sciaroni là cái tên tại Phnom Penh được giới doanh nhân trong ngoài săn đón. Giữa đám đông, Brett nổi bật với cái đầu hói, bộ râu cá chốt, cặp kính gọng vàng và chiếc vòng đeo tay bằng vàng nặng chịch. Bạn là doanh nhân mà đi tới đâu bạn nói bạn quen Brett thì nhiều cánh cửa sẽ mở ra cho bạn.

Chẳng những được lòng phe Hun Sen, Brett cũng chiếm được cảm tình của phía Mỹ, trở thành liên lạc viên đáng tin cậy cho Đại sứ quán Hoa Kỳ. William ETodd, đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia từ 2012 đến 2015 và hiện là trợ lý thứ trưởng ngoại giao tại Washington, cho biết Brett là một người “hào phóng và tốt bụng, anh ta đã làm việc chăm chỉ để cải thiện cuộc sống của người dân Campuchia.”

Ngay cả khi các nhóm hoạt động nhân quyền lên án Hun Sen là một bạo chúa tàn ác, Brett vẫn tìm cách chống chế cho ông ta: “Tôi coi Hun Sen là nhân vật chuyển tiếp quan trọng của Campuchia vì ông ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa lối làm việc cũ của Campuchia để nước này bước vào thế giới hiện đại.” Brett còn nói với nhà báo phỏng vấn của Forbes. “Như bạn biết đấy, Campuchia có nhiều phe phái chính trị, nhiều phe phái kinh tế, nhiều phe phái vùng miền. Và công việc của Hun Sen là giữ cho mọi người sống chan hòa với nhau theo cách này cách khác, và đó không phải là một công việc dễ dàng đối với một đất nước như thế này.”

Theo Brett, người Campuchia hợp tác với người Cộng sản Việt Nam không phải vì chung lý tưởng mà vì hoàn cảnh. “Đó là lý do sau khi người Cộng sản Việt Nam ra đi vào cuối thập niên 1980, Campuchia bước vào kinh tế thị trường một cách nhanh chóng. Không có bao nhiêu người Campuchia thuộc loại Cộng sản thứ thiệt. Khi tôi đến văn phòng các quan chức Campuchia, tôi thấy trên kệ đầy sách Mác-Lê, nhưng tôi dám đánh cược với bạn những sách này chưa hề được mở ra.”

Khi có ai hỏi mối giao tình giữa ông và Hun Sen như thế nào, Brett thường trả lời hai chúng tôi xê xích nhau có một tuổi nên dễ thông cảm, và chúng tôi chưa phải là bạn tri kỷ, mà chỉ ở trên mức bình thường.

Brett Sciaroni qua đời hôm 12 tháng 3 tại tư gia ở Phnom Penh, thọ 69 tuổi. Ông để lại bà vợ gốc Sài Gòn, Bùi Thị Hoa Mỹ, hai người làm đám cưới cách nay 15 năm; có với nhau một con gái, Patricia.

(Theo Washington Post và Forbes)

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên