Thảm Kịch Lê Đình Kình

3

Thảm kịch của người dân lương thiện sống trong thể chế tồn tại bằng bạo lực và lừa dối

Kì hai

  1. Sự thật cuộc thảm sát Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020

Vụ việc tranh chấp 59 ha đất cánh Đồng Sênh giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội là vụ việc dân sự quá đơn giản, thường tình. Vụ việc của luật pháp, chỉ một phán quyết công tâm của tòa án, vụ việc sẽ kết thúc thỏa đáng, thấu đáo và êm thấm. Chỉ có pháp luật mới giải quyết công bằng và hài hòa mọi tranh chấp quyền lợi trong xã hội dân sự.

Từ ngàn đời nay dân Đồng Tâm đã đổ mồ hôi làm ra hạt lúa, hạt ngô trên hơn 100 ha đất đồng Sênh. Trong bản đồ dự án sân bay Miếu Môn rộng 280 ha được Chính phủ hoạch định trong quyết định số 113/TTg ngày 14.4.1980 có 47,36 ha đất phía đông cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình lúc đó bằng văn bản 386 QĐ/UB ngày 10.11.1981 đã thu hồi có đền bù 47,36 ha đất phía đông cánh đồng Sênh của hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm giao cho dự án sân bay Miếu Môn. Đơn vị quân đội được giao quản lí đất dự án sân bay đã đóng cọc bê tông phân định mốc giới 280 ha đất qui hoạch sân bay Miếu Môn.

59 ha đất còn lại phía tây cánh đồng Sênh ngoài mốc giới dự án sân bay, người dân Đồng Tâm vẫn một nắng hai sương với đất cho đến nay, một năm hai vụ làm ra của cải vật chất cho xã hội. Còn dự án sân bay Miếu Môn mãi mãi chỉ là dự án, sân bay chỉ có trên giấy và 280 ha đất của lúa, của ngô chuyển thành đất dự án sân bay thì bỏ hoang. Một số dân Đồng Tâm quí đất, thương đất lại phải xin đơn vị quân đội cho thuê lại chính mảnh đất của mình để lại được thức khuya dậy sớm với đất, để đất khỏi mồ côi, hoang hóa .

Can qua nổi lên từ 2015 khi 59 ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm phía tây cánh đồng Sênh liền kề đất dự án sân bay Miếu Môn lọt vào những cặp mắt thèm khát bành trướng thanh thế, thèm khát lợi nhuận của mấy ông tướng tá doanh nghiệp Viettel nửa dơi nửa chuột, nửa kinh doanh thương trường kiếm lợi nhuận tư bản, nửa an ninh quốc phòng kiếm lưng vốn chính trị. Và mấy ông tướng tá với sức mạnh đồng tiền của doanh nghiệp đại gia trên thương trường và sức mạnh chính trị của an ninh quốc phòng đã khiến chính quyền Hà Nội phải quyết liệt phù phép biến 59 ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm thành đất quốc phòng mà không trưng ra được quyết định của cấp có đủ thẩm quyền thu hồi 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh giao cho quốc phòng, cũng không trưng ra được bản đồ thu hồi đất theo quyết định đó.

Chính quyền Hà Nội không có văn bản pháp luật chuyển đổi 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh từ đất nông nghiệp thành đất quốc phòng. Không đủ lẽ phải để đối thoại lí lẽ với dân. Không có căn cứ pháp luật để lôi dân ra tòa án phân xử. Nhưng họ có thừa sức mạnh bạo lực nhà nước và với lòng tham, với bảo bối “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí”, mà nhà nước chính là lòng tham của họ, 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh liền được họ thậm thụt ngã giá và kí giao kèo với Viettel. Giờ họ phải dùng sức mạnh bạo lực nhà nước giành bằng được 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh, thực hiện nghĩa vụ của bên kí giao kèo với Viettel.

Ngày 15.4.2017, trận đầu tiên sức mạnh bạo lực nhà nước gồm bạo lực công an Hà Nội và bạo lực quân đội mang danh Viettel đánh lén nhưng vô cùng hiểm độc và hèn hạ nhằm thủ tiêu thủ lĩnh giữ đất của người dân Đồng Tâm.

Một lực lượng gồm đám lính trẻ cùng ô tô phục sẵn trên con đường vắng chạy qua cánh đồng Sênh. Một lực lượng vào làng Hoành gồm đám sĩ quan công an huyện Mỹ Đức đã từng luyện võ trong trường công an và sĩ quan quân đội Viettel quân phục, quân hàm nghiêm chỉnh gây lòng tin cho thủ lĩnh giữ đất Lê Đình Kình. Họ mời cụ Kình và chỉ một cụ Kình, không cho người dân nào cùng đi ra cánh đồng Sênh vắng vẻ, lừa nhờ cụ Kình chỉ mốc giới phân định đất dự án sân bay và đất còn lại của Đồng Tâm. Ra đến chỗ lực lượng bạo lực đã bày thế trận, viên trung tá phó công an huyện Mỹ Đức liền tung thế võ hiểm hạ gục cụ Kình. Lãnh trọn cú đòn độc, cụ già 82 tuổi còm cõi bay lên rồi vật xuống đường nhựa nơi chiếc ô tô trực chờ chở xác cụ đi phi tang. Đầu đập xuống đường nhựa, xương hông bị vỡ, xương đùi bị gãy, Chỉ nhờ may mắn cụ Kình thoát chết nhưng trở thành tật nguyền, tàn phế suốt đời.

Thủ lĩnh nông dân giữ đất Lê Đình Kình không chết bởi bạo lực cơ bắp ngày 15.4.2017 thì người thủ lĩnh khí khái, lẫm liệt đó phải chết bởi bạo lực súng đạn đêm 8 rạng sáng ngày 9.1.2020. Đó là sự thật Đồng Tâm, sự thật cuộc thảm sát Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020

  1. Dối trá

Mở trận đánh lớn bất chính, bất minh và tàn bạo đánh vào dân, bộ Công an phong tỏa mọi thông tin sự thật về trận đánh Đồng Tâm 8.1.2020. Ngay cả đội ngũ báo chí đông đúc của đảng, của công an cũng không được tiếp cận sự thật Đồng Tâm. Độc quyền thông tin về trận đánh nhưng những ông tướng công an ở sở chỉ huy, những người thảo kịch bản và hoạch định phương án tác chiến Đồng Tâm 8.1.2020, hoạch định cả những cái chết ở Đồng Tâm cũng thông tin bất nhất về cái chết của ba sĩ quan công an.

Sáng 9.1.2020, trong thông báo đầu tiên về tin chiến sự Đồng Tâm, bộ Công an đưa tin ba sĩ quan công an chết ở cánh đồng Sênh do “một số đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh”. Hôm sau ông tướng chánh văn phòng bộ Công an lại lôi tên ba ông sĩ quan xấu số chết ngoài đồng Sênh phải về chết giữa làng Hoành mới buộc được tội cho dân Đồng Tâm gây ra cái chết của ba sĩ quan công an. Hôm sau nữa ông tướng thứ trưởng bộ Công an lại điều ba sĩ quan công an về chết ngay trong khe tường giữa nhà cụ Kình và nhà bên canh mà họ gọi là “hố kĩ thuật”: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an không phải thiệt mạng do “hầm chông, lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, mà cả ba bị chết do cùng té xuống “hố kỹ thuật” sâu bốn mét” (Lời ông tướng Thứ trưởng bộ Công an). Phải chết ngay trong khe tường cạnh nhà cụ Kình để có tang chứng buộc tội gia đình cụ Kình giết công an, do đó công an mới phản ứng bắn chết cụ Kình.

Vì sao các ông tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh Đồng Tâm lại lúng túng, ấp úng, mơ màng, nói năng huyên thuyên về cái chết của ba công an, ba đồng đội của họ như vậy. Hai khả năng đặt ra.

Một. Cái chết của ba công an không có trong thực tế, chỉ có trong kịch bản của những người lên phương án tác chiến ở sở chỉ huy trận đánh. Trong trận đánh phải có cái chết của ít nhất ba công an để biên minh cho hành xử tàn bạo của công an, trong đêm xông vào nhà dân, bắn chết dân như bắn một kẻ có nợ máu. Nhưng tác giả kịch bản quá kém cỏi, kịch bản quá sơ hở. Ba cái chết cứ phải thay đổi để bịt những sơ hở đó mà bịt không nổi.

Ba cái chết được truy tặng huân chương chiến công cao nhất nhưng ngoài tên người, tên đơn vị thì thân nhân và gia đình người chết sơ sài không bình thường. Ba gia đình mang nỗi đau của ba cái chết phải là chủ thể trong đám tang. Nhưng trong đám tang, gia đình vô cùng mờ nhạt, không thấy nỗi đau chỉ thấy hình thức thủ tục của một đám tang. Cả việc tặng huân chương, thăng quân hàm đầy báng bổ pháp luật, báng bổ giá trị cao quí của những tấm huân chương cũng được làm nhanh bất thường đến kinh ngạc.

Bình thường bộ hồ sơ tưởng thưởng, vinh thăng phải hành trình vòng vèo qua nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều cuộc họp xét duyệt, nhiều dấu son của một nền hành chính nhiêu khê, trì trệ. Đơn vị cơ sở là trung đoàn cảnh sát cơ động phải tập hợp tư liệu, xây dựng báo cáo thành tích khen thưởng, họp hội đồng, họp đảng ủy xem xét và làm văn bản đề nghị lên cấp trên là BTL CSCĐ (bộ tư lệnh cảnh sát cơ động). BTL CSCĐ lại trình lên BCA (Bộ Công an). BCA trình lên Chính phủ. Từ tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước mới kí quyết định tặng thưởng huân chương. Từ đề nghị của trung đoàn đến Chủ tịch nước kí quyết định phải qua ít nhất năm cấp. Mỗi cấp đều phải theo trình tự: Thủ trưởng xét duyệt, văn phòng thảo đề nghị, xin chữ kí rồi trình lên cấp trên. Thần tốc nhất mỗi cấp cũng phải mất một ngày. Nhưng ba công an chết ở Đồng Tâm ngày 9.1 thì ngay hôm sau đã có chữ kí của Chủ tịch nước quyết định truy tặng huân chương. Kì lạ là ngày 9.1 công bố ba cái chết, trong cùng một ngày hôm sau, 10.1, có ngay chữ kí của cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước. Mau lẹ phi thường như việc tôn vinh đã có sẵn trong kịch bản, đã được hoàn tất từ trước, chỉ chờ công bố cái chết là công bố tặng huân hương.

Chỉ vài chục người dân họp mặt tưởng niệm ngày đau thương ngày 19.1, ngày 17.2, ngày 14.3… lập tức có hàng trăm công an chìm nổi khống chế dân, giải tán cuộc họp mặt chính đáng của dân và hàng chục mật vụ cầm máy quay video dí sát vào mặt từng người dân ghi hình. Trong trận đánh lớn vào Đồng Tâm của hàng ngàn cảnh sát cơ động phải có hàng trăm ống kính video nghiệp vụ của công an có mặt ở mọi chỗ, với máy ghi hình cao cấp, ghi được hình trong mọi điều kiện ánh sáng, nhất là những điểm có xung đột, là đỉnh điểm bùng nổ như nhà cụ Kình.

Sở chỉ huy trận đánh rất cần hình ảnh, bằng chứng xác thực về cái chết của công an để biện minh cho trận tấn công vào dân tàn bạo của công an. Có tới ba cái chết quí giá đó thì đội ngũ ghi hình đông đảo của công an phải xô đến bấm máy ở mọi góc độ. Nhưng các tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh đưa thông tin về ba cái chết mà không có nổi một tấm hình đủ sức thuyết phục, đủ sức chứng minh xác thực về cái chết của công an ở Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020. Có cái chết thực thì nơi ba công an ngã xuống không thể tùy tiện di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Cái chết đau lòng có thực đó cũng đã được ghi lại bằng nhiều tấm ảnh xúc động và đầy sức thuyết phục, không mơ sồ và giả tạo như hai, ba tấm ảnh nghèo nàn do dư luận viên tung lên mạng.

Hai. Cái chết của ba công an chỉ là tai nạn xảy ra ngoài kịch bản. Quân đội và công an đua nhau làm kinh tế, hăm hở làm kinh tế, say mê làm kinh tế. Đua nhau làm kinh tế, sĩ quan quân đội và công an đều kiếm tiền rất giỏi và rất giầu như tướng Lê Mã Lương đã chỉ ra. Giỏi kiếm tiền, giỏi làm giầu, chỉ biết mê mải đếm tiền thì phẩm chất người lính, khả năng tác chiến của quân đội phải thấp kém và kĩ năng nghiệp vụ của công an phải tồi tệ.

Kéo đại quân bất ngờ đánh vào một làng quê nhỏ bé, quyền chủ động hoàn toàn thuộc về công an khai chiến. Trong trận đánh, người dân bị khống chế, giam trong nhà, người dân chỉ tự vệ cũng bất lực. Công an hoàn toàn làm chủ tình thế, làm chủ diễn biến trận đánh mà có tới ba sĩ quan công an cấp tá, cấp úy nối nhau lao xuống “hố kĩ thuật” chết thảm thì kĩ năng, nghiệp vụ của những sĩ quan công an đó quá tồi dẫn đến cái chết quá lãng nhách, không đáng.

Cơm ăn, áo mặc từ tiền thuế của dân, nhận đồng lương ưu đãi từ tiền thuế của dân mà nỡ cầm khẩu súng có được cũng từ tiền thuế của dân bắn vào dân rồi nhận cái chết do tự té xuống “hố kĩ thuật”. Dù đau lòng, thương tâm nhưng đó là những cái chết tầm thường của những con người công cụ phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.

Nhưng nhà nước công an trị cần biện minh cho chiến dịch bất minh, bất chính, tàn bạo đánh vào dân Đồng Tâm nên phải vội vã tôn vinh cái chết của ba con người công cụ cầm súng bắn vào dân trở thành “xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ tổ quốc”.

Ông tiến sĩ văn chương Nguyễn Phú Trọng có biết tổ quốc là gì không? Tổ quốc là đất nước núi sộng ruộng đồng tổ tiên để lại. Tổ quốc là nhân dân bền bỉ lam lũ làm nên sức sống của đất nước, là người dân âm thầm hi sinh, đổ máu giữ gìn cương vực lãnh thổ làm nên sự trường tồn của tổ quốc. Nổ súng bắn vào nhân dân, bắn vào những người làm nên sự trường tồn của tổ quốc mà là bảo vệ tổ quốc ư? Trao huân chương cho những cái chết tầm thường của những người cầm súng bắn nhân dân, phản bội nhân dân. Đó là những tấm huân chương lừa dối nhân dân.

Bắn vỡ tim, nát óc cụ Kình ngay tại nhà cụ, ngay trên gường ngủ của cụ rồi mang xác cụ đi, tự tiện mổ phanh thây cụ ra. Tưởng đã là tột cùng tàn ác man rợ. Nhưng không. Khi gọi vợ con cụ Kình nhận xác cụ về chôn cất, những người bắn cụ còn bắt vợ con cụ kí giấy xác nhận cụ Kình chết ở đồng Sênh, cách nơi cụ bị giết chết bốn cây số. Không phải chỉ tột cùng man rợ mà còn tột cùng của sự trắng trợn lừa dối. Sự việc người dân biết rõ, họ còn lừa dối như vậy thì cái chết của ba công an, chỉ họ biết với nhau, họ lừa dối thế nào mà chẳng được. Với sự tàn bạo nam rợ và lừa dối trắng trợn của nhà nước công an trị thì mọi người dân Việt Nam đều là Lê Đình Kình.

Thảm kịch Lê Đình Kình chính là thảm kịch của người dân lương thiện sống trong thể chế tồn tại bằng bạo lực và lừa dối. Thảm kịch đó hôm nay đã xảy ra với cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm. Ngày mai thảm kịch đó sẽ xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam đau thương dưới thể chế cộng sản công an trị.

3 BÌNH LUẬN

  1. Còn cộng sản cai trị là kiếp đời dân VN còn sống trong đau khổ,dối trá,lừa đảo,mông muội,mơ hồ,u mê,vô phương thấy được lối ra đúng,căng thẳng ,điên điên khùng khùng ,cà giựt cà giựt.

  2. Trọng kính cụ Phạm Đình Trọng, tác giả bài viết!
    Đầu tiên xin cụ cho em mượn bài của ngài đặng cầu nguyện cho bốn linh hồn, gồm ba chiến sỹ công an và cụ Lê Đình Kình sớm được về cõi Yên Bình!

    Với niềm tin mãnh liệt của cá nhân, thưa cụ Trọng, em cho rằng nơi bốn linh hồn trên đang tới chắc chắn sẽ không có cảnh giết nhau vì….mảnh đất đã từng bỏ hoang.

    Thưa cụ Phạm Đình Trọng!
    Em dám nói không sợ lầm:
    Nếu được làm lại:
    “Chắc chắn cụ Lê Đình Kình sẽ không chơi “ngang và rắn” như thế!”
    “Và các chiến sỹ trinh sát công an cũng sẽ điều nghiên kỹ lưỡng hơn”

    Theo Google, cụ Kình sinh năm 1936, 60 tuổi đảng, tức là cụ vào đảng năm 1959. Có nghĩa là cụ Kình đã là đoàn viên thanh niên và sau đó là cảm tình đảng thời Đấu Tố Cải Cách Ruộng Dất.

    Và tất nhiên cụ phải phấn đấu rất hăng say mới được kết nạp đảng vào thời kỳ đó. “sau này trong chiến tranh, chỉ cần xông lên phía trước nhắm thẳng quân thù mà bắn là sẽ được kết nạp đảng dễ dàng”.

    Cho em hỏi cụ Phạm Đình Trọng “vì cụ đang ở trong nước”:
    (Thế cái cánh đồng Sênh đó, trước kia có phải đất của Địa Chủ không ạ?”
    Kính cám ơn cụ Phạm Đình Trọng!

  3. Trong vụ ĐT không có công an nào chết cả, họ bịa đặt ra để bao biện cho việc giết ông cụ Kình ( tôi đã từng có ý kiến như vậy) . Ba người CA (nếu có chết) thì chết ở nơi khác, lý do khác…

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên