Về tác phẩm THAN HỒNG CHIẾN CUỘC-Embers of War của Fredrik Logevall-Chữ nghĩa và thực tế

2
Ông Logevall

Mở đầu tác phẩm Embers of War, Fredrik Logevall viết:“Ít có đề tài lịch sử đương đại nào được nghiên cứu, phân tích, tranh luận hơn cuộc chiến Việt Nam…Thế mà lạ thay, chưa có cuốn sách nào viết lại toàn bộ câu chuyện bắt đầu ra sao… đến chiến tranh Pháp – Việt và các cao điểm bi thảm của cuộc chiến đó… Embers of War Than Hồng Chiến Cuộc cố gắng viết về lịch sử như thế.”

Logevall là giáo sư các môn Sử Học, Quốc Tế Học tại đại học Cornell, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Học Mario Einaudi, từng có hai tác phẩm viết về Việt Nam là Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of the War in VietnamThe First Vietnam War: Colonial Conflict and Cold War Crisis viết cùng Mark Atwood Lawrwence. Từ vị thế này, nhất là do mức quan tâm về cuộc chiến Việt Nam và mối ưu tư quán triệt đề tài của tác giả, Than Hồng Chiến Cuộc đã được coi “là công trình sưu khảo quốc tế đáng nể” với đặc trưng “khúc triết và tổng hợp hoàn hảo.” Một nhận định bao quát hơn diễn tả “với văn phong của một tiểu thuyết gia đặc sắc và kịch bản ly kỳ về mưu đồ Chiến Tranh Lạnh, Than Hồng Chiến Cuộc là công trình khám phá làm thay đổi hẳn hiểu biết của người đọc…”

Logevall còn thêm lợi điểm so với nhiều tác giả viết về cùng đề tài là vượt khỏi vòng chủ quan thời thế — do trưởng thành sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt — nên nằm ngoài áp lực đổi trắng thay đen các sự kiện, nhất là có nhiều chứng cứ cụ thể hơn. Năm 2013, tác phẩm nhận phần thưởng từ 3 cơ sở văn hóa Society of American Historians,  American Library in Paris, Council on Foreign Relations Arthur Ross, và đoạt giải Pulitzer do ban giám khảo đánh giámột tác phẩm lịch sử cân xứng, nghiên cứu sâu sắc …”

Cuộc chiến nổ ra năm 1945 nhưng theo tác giả, khởi từ khi Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt qua sự kiện “khi Wilson sang Pháp để điều đình về một nền hòa bình “kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh,” có một người quốc gia trẻ tuổi, ít ai biết, tìm đến xin được tiếp kiến.” Đó là tháng 6/1919 khi giới lãnh đạo thế giới họp tại điện Versailles và tổng thống Mỹ Woodrov Wilson là nhân vật trung tâm với Kế Hoạch 14 Điểm hứa hẹn đem lại quyền tự quyết cho mọi dân tộc đang bị áp chế. Người trẻ tuổi đến điện Versailles với dự tính gặp W. Wilson trao thỉnh nguyện thư về Những Đòi Hỏi Của Người Việt Nam. “Thỉnh nguyện thư được ký tên: “Thay mặt một nhóm người Việt yêu nước, Nguyễn Ái Quốc”…Logevall kể: “Tên người thanh niên ấy về sau không còn là Nguyễn Ái Quốc – Người Yêu Nước, mà là Hồ Chí Minh – Người Soi Sáng.”

Theo Logevall, khoảng thời gian ngắn 1912-1913 ghé Boston và New York, Hồ Chí Minh đã tin Mỹ là một thế lực chống thực dân. Niềm tin được củng cố thêm, khi biết về Kế Hoạch 14 Điểm của tổng thống Wilson, thúc đẩy dự tính tìm gặp nhân vật này. Dự tính bất thành, nhưng Hồ tiếp tục “tìm đường cứu nước.” Một chân trời mới mở ra, khi ông đọc bản “Luận Cương về các vấn đề Quốc Gia và Thuộc Địa” của Lê-Nin, trở thành đảng viên CS Pháp cuối năm 1921, và tháng 6/1923 được cử qua Nga.

Mùa thu 1924, Nga gửi ông sang Nam Trung Hoa làm thông dịch cho phái bộ cố vấn Cộng Sản Quốc Tế bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên, nhưng mục đích chính là lập các tổ chức cách mạng Marxist ở Đông Dương…Đầu năm 1930, Hồ là người lập Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Hồng Kông…Tháng 10, theo lệnh Moscow, đảng đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Đảng ICP… Giữa tháng 6/1940, Pháp trên bờ vực bị bại dưới tay lực lượng xâm lăng Quốc Xã Đức…Tại cuộc họp các đồng chí ở Hoa Nam, Hồ Chí Minh nói ông đã thấy “một cơ hội vô cùng thuận tiện cho cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải tìm mọi cách để trở về và nắm lấy các lợi điểm đó.”

Những dòng chữ khắc họa một người nặng lòng dâng hiến cho quê hương từ khi còn được ru ngủ trong nôi, vừa chớm trưởng thành đã bôn ba khắp thế giới cố tìm bằng được bó đuốc cách mạng soi đường cho toàn dân để trở thành vị “Cha Già Của Dân Tộc Việt Nam.”

Thực ra bức chân dung không mới lạ vì chỉ gom màu sắc quen thuộc và điều chỉnh mức quá độ trong tác phẩm của một số tác giả. Thí dụ trong Ho Chi Minh, A Life, William Duiker ghi khi còn bé, Hồ được mẹ ru bằng ca dao và truyện Kiều, được bà nội kể chuyện các anh hùng dân tộc trước khi lên võng ngủ, được cha cõng trên lưng vừa đi đường vừa nhắc về các nhân vật lịch sử và được một bác thợ rèn hàng xóm hun đúc lòng yêu nước bằng sự gợi lại các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược vv… Theo Duiker, ngoài nhiệt tâm yêu nước, Hồ còn có nhãn quan chính trị sắc bén nên đã chê “không thèm nhận lời mời tham gia phong trào Đông Du” khi Phan Bội Châu xuất ngoại năm 1904…

Các trang sách rõ ràng là hư cấu khôi hài với các bà mẹ quê Việt Nam thế kỷ 19 cùng bác thợ rèn nghèo khó thất học đều thông hiểu văn chương, lịch sử, và các dòng ghi Hồ bác bỏ lời mời của Phan Bội Châu đã gợi lên câu hỏi: Lúc đó Hồ bao nhiêu tuổi, có thành tích gì khiến chí sĩ Phan Bội Châu phải mời gọi?

Tài liệu đảng CSVN ghi Hồ sinh năm 1890, nhưng sổ hộ tịch làng Kim Liên ghi sinh năm 1894 và giấy thông hành từ Pháp đi Nga ghi sinh năm 1895 nên năm 1904, Hồ mới 14 hoặc 9, 10 tuổi, lứa tuổi chưa qua hoặc vừa qua bậc sơ học. Vậy mà Phan Bội Châu phải đích thân đi tìm đứa bé tuổi này ở một vùng quê hẻo lánh để mời tham gia phong trào Đông Du, và đứa bé đó còn chê các bậc tiền bối đã lạc đường và Hoàng Hoa Thám là phong kiến lạc hậu? Dù vậy, hàng loạt tác giả từ giữa thập niên 1950 nối tiếp nhắc lại và tôn sùng Hồ bằng lời lẽ vu vơ như nữ ký giả Pháp Hélène Tourmaire viết “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã kết hợp hoàn chỉnh đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa”, phóng viên Mỹ David Halberstam ca ngợi “Hồ Chí Minh là anh hùng số một, là nhà ái quốc vĩ đại nhất Việt Nam”, sử gia Mỹ William Duiker xưng tụng “Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ các anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên khắp thế giới có được tiếng nói đích thực của họ” và Neil Sheehan, tác giả A Bright Shining Lie quả quyết “cuộc chiến đã biến Hồ Chí Minh thành Cha Già Dân Tộc của một Việt Nam mi.”

Skiện này gợi nhớ ngay cuốn Những Mẩu Chuyện Về Cuộc Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch mà tác giả Trần Dân Tiên mở đầu như sau:

Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử vị Chủ Tịch nước VNDCCH nhưng chưa có người nào thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ Tịch.…Ngày thứ hai, tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ Tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ Chủ Tịch viết như thế này: “Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến — Ký tên: Hồ Chí Minh.”

Thư trả lời chóng, nội dung giản đơn và giờ hẹn gặp sớm khiến tôi rất băn khoăn. Sáng ngày mồng 4 tháng 9, 7 giờ 25, tôi đến dinh Chủ Tịch. Đúng 7 giờ 30 một người thanh niên đến phòng khách, lễ phép nói với tôi: “Hồ Chủ Tịch đang đợi anh ở phòng làm việc”…..Tôi bước vào phòng kính cẩn chào. Chủ Tịch đứng dậy bắt tay tôi và mời ngồi trước bàn làm việc. Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi và sau mới nói:“Tôi có thể giúp chú việc gì nào?” Tôi nói rõ mục đích của tôi. Chủ Tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong, Người cười và đáp: “Tiểu sử. Đây là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đó đã! Còn tiểu sử của tôi…thong thả sẽ nói đến! ”

Trần Dân Tiên kể lại đã sực nghĩ “người như Hồ Chủ Tịch với đức khiêm nhường dường ấy và đương bề bộn bao nhiêu công việc làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được” nên đành tìm “hỏi những người trước kia, trong một thời gian nào đó, đã trực tiếp hoặc gián tiếp biết Hồ Chủ Tịch, bất kể là người Việt Nam hay người ngoại quốc để lấy tài liệu… sau hai năm làm việc, cuối cùng có khá tài liệu để viết một ít chuyện về Hồ Chủ Tịch.” Năm 1948, tác phẩm hoàn thành với nội dung:

Khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi…do sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào…đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào…đã tham gia công tác bí mật, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào, vì: Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau.” Cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến.

Anh thấy rõ và quyết định đi tìm con đường nên đi… Mọi người kính mến Hồ chủ tịch, nhất là thanh niên, nhi đồng…Ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: “Vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên!”

Vì Bác Hồ mà người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất.

Ðối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn… Nhân dân gọi chủ tịch là Cha Già Của Dân Tộc.”

Hãy tưởng tượng đang nghe một người tự kể bịa đặt về mình. Bởi Trần Dân Tiên không hề có trên đời mà chính Hồ viết cuốn sách. Bùi Tín tham gia Mặt Trận Việt Minh từ tháng 8/1945 đã thấy cảnh “hài hước mỉa mai khi Hồ Chí Minh ngồi nắn nót hàng chữ trang trọng: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế mình.” Nhưng các trang sách do Hồ tự tô vẽ tôn vinh đã định hướng nhiều tác phẩm.

Lý do thứ nhất là xu hướng thù ghét thực dân thúc đẩy nhiều người hỗ trợ cuộc chiến Việt Nam chống Pháp vốn là đề tài cuốn hút trên chính trường thế giới thời đó.

Lý do thứ hai là với nhiều người, mức khan hiếm tài liệu về một quốc gia thuộc địa khuất nẻo khiến cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên thành tài liệu hiếm quý.

Lý do thứ ba là sau Đệ Nhị Thế Chiến, trận tuyến tuyên truyền cộng sản lan khắp thế giới với mọi phong trào tả khuynh đều phải tích cực hỗ trợ Hồ Chí Minh.

Lý do thứ tư là hiệu ứng “chuyện Tăng Tử giết người” với lời kể tương hợp từ nhiều người xa cách nên dễ gây ngộ nhận do được nghe qua nhiều nguồn khác biệt.

Từ đây trò lừa gạt đã thuyết phục nhiều người từng biết sự thực về Hồ Chí Minh. Chính Daniel Hémery vẫn hâm mộ Hồ, dù trong Ho Chi Minh, de l’Indochine au Viet Nam đã ghi Nguyễn Sinh Sắc chưa hề tham gia đấu tranh mà chỉ theo đường cử nghiệp nhiều lận đận. Năm 1898, Sinh Sắc đổi tên là Sinh Huy và đổi tên hai con Sinh Khiêm, Sinh Cung thành Tất Đạt, Tất Thành do mong sẽ may mắn hơn. Năm 1904, được trao một chức vụ nhỏ tại bộ Lễ, Sinh Huy dẫn các con về Huế, và tháng 5/1909, được cử làm tri huyện Bình Khê, Bình Định, nhưng 7 tháng sau, tháng 1/1910 say rượu đánh chết một nông dân, bị thu hồi ấn tín, thải khỏi quan ngạch, sinh kế cùng quẫn phải về Lộc Ninh làm cho một đồn điền cao su. Daniel Hémery còn dẫn lời khai của Tất Đạt với mật thám Pháp, ghi tiếp là khi ở Huế từ 1904, hai anh em học trường Quốc Học, nhưng bỏ ngang đi kiếm việc làm. Tất Thành xin làm trợ giáo tại trường Dục Thanh, Phan Thiết với lương tháng 8 đồng, rồi vào Sài Gòn lấy tên Văn Ba, kiếm được chân phụ bếp trên tàu L’Amiral Latouche-Tréville đi Marseille ngày 4/6/1911.

Daniel Hémery không phải người duy nhất ghi năm 1898, Nguyễn Sinh Sắc đổi tên và đổi tên các con để cầu may trên hoạn lộ. Theo hồ sơ hộ tịch, lúc đó Sinh Cung mới 4 tuổi, hoặc giả dụ năm sinh là 1890 cũng chỉ 8 tuổi. Nhưng Than Hồng Chiến Cuộc vẫn ghi “Năm 10 tuổi, ông đã đổi tên thành Nguyễn Tất Thành — Người Sẽ Thành Công…” Và lời khai của Tất Đạt về việc bỏ học năm 1909 đi kiếm tiền được thay bằng: “Năm 1907, khi học trường Quốc Học Huế, ông đã tự tham gia một công việc đáng kể: Tìm cách giành lại Việt Nam cho người Việt. Năm sau đó, ông bị đuổi vì ủng hộ nông dân chống thuế ruộng cao và chống lao động khổ sai. Bị mật thám Pháp truy nã, Hồ vào nam, làm bất cứ việc gì có thể tìm. Đầu năm 1911, lúc 21 tuổi, để có thể học hỏi thêm về văn hóa Âu Châu và tìm đường cứu nước, ông rời Việt Nam…”

Điều chỉnh này chỉ lập lại tài liệu đảng CSVN, nhắm đề cao cậu bé mới 10 tuổi — dù thực sự chỉ 8 hoặc 4 tuổi — đã tự kiếm cái tên có ý nghĩa và ở tuổi 17 hay 13, đã biết “tìm cách giành lại đất nước”, “ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân” rồi xuất dương “tìm đường cứu nước”, “được đọc Kế Hoạch 14 Điểm của Woodrow Wilson, đã tin tưởng mãnh liệt Mỹ sẽ ủng hộ mục tiêu tranh đấu của mình.” Dưới mắt Logevall, Hồ là người yêu nước, luôn tin cậy Mỹ, nhưng Mỹ đã bỏ qua 3 cơ hội tránh khỏi cuộc chiến Việt Nam mà vẫn có một đồng minh ở Đông Nam Á. Theo Logevall, việc Hồ ngả theo CS sau Đệ Nhất Thế Chiến chỉ do mức giới hạn về nhận thức và ý chí trong nỗ lực chống thực dân của giới lãnh đạo Mỹ. Dù vậy Hồ vẫn hướng về Mỹ kể cả khi ở vị thế lãnh đạo Việt Nam năm 1945. Không may là Mỹ thay vì hỗ trợ lại e ngại tính cộng sản của Hồ khiến cơ hội đầu tiên trôi qua. Kế tiếp, Mỹ đã lầm lẫn viện trợ cho Pháp tái chiếm thuộc địa nên bỏ lỡ cơ hội thứ hai. Cơ hội nối theo là năm 1954, thay vì viện trợ miền Bắc và thúc đẩy tổng tuyển cử theo hiệp định Geneva, Mỹ lại dựng tại miền Nam “một chế độ mà đại đa số người Việt Nam coi là bù nhìn.” Và Logevall khẳng định:Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là giúp thế hệ độc giả mới sống lại câu chuyện khác thường: Một thiên anh hùng ca thế kỷ 20.

*

Thiên anh hùng ca tức cuộc chiến Việt Nam, theo Logevall, đã diễn ra giữa “Chủ nghĩa cách mạng quốc gia do Cộng Sản khích lệ và chủ nghĩa tự do quốc tế do Mỹ hậu thuẫn.” Từ đây, vai trò “biểu hiện chủ nghĩa cách mạng quốc gia” của nhân vật lãnh đạo đòi được minh chứng. Than Hồng Chiến Cuộc đã cung cấp một lượng chứng cứ khá lớn để được đánh giá là một tác phẩm lịch sử cân xứng, nghiên cứu sâu sắc.” Tuy vậy, vẫn khó dập xóa các nghi vấn hiện ra từ nhiều chứng cứ khác.

Ngày 20/12/1926, báo Thanh Niên tại Hong Kong phổ biến một huấn thị của Hồ Chí Minh: “Dân tộc chỉ là màu sắc chứ không phải bản chất… Chủ nghĩa ái quốc là điều nguy hiểm.” Trước đó, với 8 đồng chí nòng cốt thuộc Cộng Sản Đoàn tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh vạch hướng hành động theo nghị quyết chiến lược cách mạng vô sản của Đại Hội V Quốc Tế Cộng Sản tháng 6/1924: “Chúng ta không bao giờ chấp nhận các phần tử dân tộc. Chúng ta chỉ lợi dụng sự bất mãn của họ để phục vụ cuộc cách mạng vô sản.”

Tháng 3/1931, đảng CS Đông Dương công bố nghị quyết trung ương: “Cuộc đấu tranh giai cấp cần mở rộng và mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc phải được phá hủy tận gốc rễ.”

Các tài liệu trên đầy rẫy nơi sách báo CSVN từ thập niên 1930 nên khó thể tin một người coi “chủ nghĩa ái quốc là nguy hiểm”, chủ trương “phải phá hủy tận gốc rễ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc” là người yêu nước biểu hiện chủ nghĩa cách mạng quốc gia.” Dù gạt qua sách lược “mượn ngọn cờ dân tộc yêu nước để đấu tranh” của lý thuyết gia CS Jacques Doriot thì khẳng định Hồ Chí Minh đã hòa nhập động lực của chủ nghĩa quốc gia và động lực của chủ nghĩa cộng sản quốc tế” vẫn vô căn cứ, vì thực tế còn nêu nhiều chứng cứ phản bác khác. Chẳng hạn Bernard Fall ghi về cách Hồ hành xử với người yêu nước chống Pháp trước năm 1945: “Với những người sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố mà từ chối không theo cộng sản, Hồ dùng một liều thuốc rất công hiệu: Sai đảng viên cộng sản tiết lộ danh tánh họ cho tình báo Pháp. Sở an ninh trong nước sẽ tóm cổ họ ngay khi về tới.” hành xử của Hồ sau năm 1946: “Chiến tranh bùng nổ đã đơn giản hóa khó khăn về chính trị của Hồ. Không cần đối xử với phe đối lập bằng bàn tay bọc nhung nữa: Cứ việc gọi họ đơn giản là Việt gian” “trói lại từng chùm thả xuống sông cho trôi ra biển.”

Bernard Fall tương quan gắn bó với Hồ nên không tố cáo hay kết án mà chỉ ghi lại thực tế từ cảnh bắn giết hàng ngàn tín đồ Hòa Hảo gồm cả đàn bà trẻ nít tại miền Tây, chôn sống hàng ngàn tín đồ Cao Đài tại miền Trung thời 1945 – 1947 cùng những cuộc ám sát, thủ tiêu bằng dao găm, mã tấu, trói trong bao bố thả xuống đáy sông… không biết bao nhiêu người quốc gia yêu nước từ cuối thập niên 1920… Than Hồng Chiến Cuộc trích Bernard Fall rất nhiều, nhưng bỏ hết các điều trên cùng việc QTCS trợ cấp tiền bạc cho Hồ thuở ở Hoa Nam. Sophie Quinn-Judge cũng ghi Hồ được QTCS trả lương tháng 100 mỹ kim từ khi có mặt trong ban chấp hành Quốc Tế Nông Dân Crisintern và tháng 8/1925, Crisintern còn gửi cho Hồ 5000 rubles — tương đương 2500 mỹ kim — qua tài khoản của Borodin để làm 4 việc. Thời gian 1930-1931 khi ở Hồng Kông, Hồ đề nghị Viễn Đông Vụ FEB tăng lương tháng lên 240 – 300 đồng Trung Hoa và trả qua đảng CS Trung Hoa. Sophie Quinn-Judge chỉ diễn tả Hồ hoạt động hiệu quả nên đạt tín nhiệm cao với QTCS. Nhưng qua đó, Hồ có thể coi nhẹ nhiệm vụ do QTCS trao để dồn tâm lực cho đất nước không, nhất là tại sao Liên Xô phải tốn hao tài lực, nhân lực cho Việt Nam?

Chính Hồ đã nêu rõ qua lời nhắc các đồng chí vào tháng 4/1931: “Đệ Tam Quốc Tế là đảng Cộng Sản thế giới, các đảng ở các nước là chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Đệ Tam Quốc Tế thì các đảng không được làm.”

Thực ra, chỉ qua hành vi của Hồ cùng đảng CS thời 1945 – 1948 đủ thấy là ấu trĩ khi tin CS hòa hợp với tinh thần quốc gia cũng như Mỹ đã bỏ lỡ 3 cơ hội biến Hồ thành đồng minh kiểu Tito với Âu Châu. Bởi giữa lúc Hồ gửi thư tỏ ý cầu thân với Mỹ và sau khi Pháp đổ quân tái chiếm miền Nam, Trung Ương Đảng CS họp tại Hà Nội ngày 25/11/1945 vẫn ra chỉ thị: “Kẻ thù cụ thể trước mắt lúc này là bọn phản động Pháp. Chúng chủ trương câu kết với đế quốc Mỹ và đế quốc Anh để bao vây Liên Xô.” Như vậy, trước mắt Hồ và đảng CS, nguy cơ Việt Nam đang bị xâm lược không so nổi với tình trạng Liên Xô sẽ bị bao vây, và Mỹ luôn ở vị thế kẻ thù.

Chuyện còn rõ hơn qua các dòng hồi ký của Võ Nguyên Giáp quanh hiệp ước 6/3/1946. Đây là lúc Pháp trao trả Trung Hoa một số tô giới để được nhường cho vai trò giải giới quân Nhật tại Bắc Việt. Hai bên đã ký thỏa ước 28/2/1946 nhưng cần sự đồng ý của Việt Nam nên Pháp đề nghị điều đình. Dân chúng và các đoàn thể quốc gia phản đối, vì từ ngày 23/9/1945, Pháp đã đưa quân đánh chiếm miền Nam. Nhưng ngày 3/3/1946, Trung Ương Đảng CS đồng ý và ngày 6/3/1946, Hồ ký bản hiệp ước thuận cho Pháp đưa quân ra Bắc. Biểu tình nổ ra ở nhiều nơi nên chiều 7/3/1946, Hồ phải ra trước đám đông dân chúng Hà Nội, giải thích ký hiệp ước để “tránh chiến tranh”, rồi vừa khóc vừa thề “không bán nước.” Nhưng tại buổi họp Trung Ương Đảng chỉ 2 ngày sau, ngày 9/3/1946, Hồ “phấn khởi báo tin vui đạt thắng lợi lớn” do ký được hiệp ước 6/3/1946 “đẩy khỏi đất nước mười tám vạn tên chống Cộng khét tiếng…” Hồ còn dẫn giải khi quân Pháp đổ bộ ra Bắc, dân chúng đối diện với nguy cơ chiến tranh “sẽ không còn ưu tư về ý thức hệ” là cơ may cho “đảng Cộng Sản củng cố vị thế lãnh đạo và phát triển lực lượng.” Về thái độ đối với Mỹ và người Việt không-cộng-sản, Võ Nguyên Giáp ghi: “Những phần tử phản động… trong chính phủ liên hiệp chủ trương nên tìm chỗ dựa ở Mỹ. Ngày 12/3, Nguyễn Tường Tam tới Bộ Ngoại Giao nhận chức, tuyên bố: “Mỹ có nhiệm vụ duy trì nền hòa bình ở Viễn Đông.” Y luôn luôn nhắc việc cần liên hệ với Mỹ, cần tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ về mọi mặt.”

Thắc mắc hiện ra là tại sao các chứng cứ gắn kết với quan điểm chính trị, mục tiêu đấu tranh cùng phẩm chất con người Hồ Chí Minh như trên lại bị gạt bỏ để thay bằng các dòng trau chuốt bịa đặt như “nhà báo chuyên nghiệp, tác giả nhiều bài viết và tác phẩm ký tên Nguyễn Ái Quốc, thành lập và lãnh đạo Nhóm An Nam Yêu Nước v.v…”? Trên thực tế, bút danh Nguyễn Ái Quốc có từ năm 1918, Nhóm An Nam Yêu Nước ra đời năm 1916 trong khi Hồ tới Paris ngày 7/6/1919, được giúp đỡ về ăn ở và đang học nghề chụp hình. Lúc đó Hồ chỉ giữ vai trò liên lạc, đem các bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc của Nhóm An Nam Yêu Nước tới giao cho báo chí và các tổ chức. Chính Hồ dưới tên Trần Dân Tiên đã ghi: “…Ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng… Thường lui tới tòa báo Dân Chúng, ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ Đời Sống Thợ Thuyền. Ông này bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông… Ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh…Anh không cần viết dài, năm sáu dòng cũng được.” Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn…Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: “Bây giờ viết dài hơn …, viết độ bảy, tám dòng…”

Hài hước là sau đó, Hồ dưới tên Trần Dân Tiên lại tự họa: “Ông Nguyễn và các đồng chí của ông ra tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria) do ông làm chủ bút kiêm chủ nhiệm…Ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.” Đảng CS đã biến mấy dòng tự họa bịa đặt này thành chân dung Thời Thanh Niên Của Bác Hồ như sau: “Báo Người Cùng Khổ, cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do anh Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút…Anh Nguyễn viết khỏe nhất và nhiều nhất, có số anh viết tới ba, bốn bài. Chính từ đây và từ năm 1922 này, người đọc được thấy các bài báo đầy tính chiến đấu mãnh liệt…”

Nhiều tác giả tái tạo bức chân dung trên với đủ màu sắc, chẳng hạn Daniel Hémery viết: “Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc làm việc ráo riết tại Thư Viện Quốc Gia, sửa soạn ra cuốn sách Les Opprimés có thể là sơ thảo văn bản tương lai Procès de la Colonisation và nghiền ngẫm dự định dịch các tác phẩm Tây Phương như L’Esprit des Lois sang quốc ngữ.” Riêng Logevall tô đậm: “Ông là một sáng lập viên của tờ Le Paria và cho ra liền liền các mục báo trên các tờ Le Journal du Peuple, L’HumanitéLa Revue Communiste. Ông viết và diễn xuất một vở kịch, Le Dragon de Bambou – Rồng Tre, một tuồng cay độc về một vị vua giả tưởng của Á Châu…”

Thử tưởng tượng một người “chưa hiểu thế nào là công hội, là bãi công, là chính đảng”, cuối năm 1920 dự hội nghị Tours còn “nhức đầu do các từ chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, chủ nghĩa xã hội…khó hiểu quá”, và chưa viết nổi bản tin tiếng Pháp chỉ năm, sáu dòng mà năm 1919 đã có thể làm các việc trên.

Xin đọc đoạn viết về bút danh Nguyễn Ái Quốc qua hồi ký của Hồ Hữu Tường, người có mặt ở Paris cuối thập niên 1920 và từng gắn bó với nhóm Ngũ Long: “Khi viết báo chống thực dân thì ý kiến thường do cụ Tây Hồ xướng ra, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp và giao cho Tất Thành đem giao cho nhà báo với một bút hiệu chung … Lúc ban đầu, các cụ chọn bút hiệu là Nguyễn Ố Pháp nghĩa là “Nguyễn ghét người Pháp…Các bạn Pháp phản đối cái tên cực đoan dễ ghét mà tiếng Pháp gọi là “chauvin” và đề nghị đổi đi. Từ đó bút hiệu Nguyễn Ố Pháp đổi là Nguyễn Ái Quốc…”

Sau khi nhóm sai Hồ mang bản Thỉnh Nguyện Thư tới Versailles thì ngày 18/6/1919 báo L’Humanité đăng lại nguyên văn khiến Bộ Thuộc Địa lưu ý, tống trát đòi Nguyễn Ái Quốc tới trình diện. Trát đòi gửi tới cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Hồ Hữu Tường kể lại: “Cụ Tây Hồ gọi Tất Thành đến giao tờ trát. Tất Thành cầm trát đến gặp và câu đầu nói xỏ rằng: “Nguyễn Ái Quốc là tôi. May mà trát gửi đến nhà chú tôi là Phan Chu Trinh nên được chú tôi đưa lại”… Ngày ấy, cụ Tây Hồ xỏ Tây tế nhị xong, xuống chợ Mouffetard mua lòng heo về mời đủ năm Rồng xơi một tiệc “khải hoàn.”

Cụ thể hơn là báo cáo ngày 12/10/1919 của tổng thanh tra an ninh Pháp Pierre Guesde gửi bộ trưởng Thuộc Địa: “Nguyễn Ái Quốc đã được mời tới sở Cảnh Sát để hỏi và chụp hình ngày 20/9/1919. Anh ta kiên quyết khai tên là Nguyễn Ái Quốc mặc dù ta biết là khai man.” Trong một báo cáo khác, Pierre Guesde nhắc lại “những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc không phải do y viết…Khả năng nói và viết tiếng Pháp của tay An Nam này không đủ để viết những bài y ký tên.” (1)

Đó là các chứng cứ vắng bóng trong Than Hồng Chiến Cuộc về lòng yêu nước cùng tài năng, thành tích đấu tranh và phẩm chất con người Hồ Chí Minh thời kỳ 1910 – 1945. Nhưng xin trở lại với “thiên anh hùng ca” mà Fredrik Logevall muốn gửi cho mai sau.

í

Theo Logevall, thiên anh hùng ca là “chiến thắng kinh ngạc của một quân đội cách mạng năm 1945 trước các thử thách khổng lồ” nhưng “không đem lại hòa bình lâu dài” do Mỹ phá bỏ hiệp định Geneva với ý đồ “duy trì một thành trì không-Cộng-Sản ở Nam Việt Nam.”

Trước hết, cần nhìn lại thực tế miền Bắc qua mô tảPhía bên kia, do Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã chống Nhật, đuổi Pháp, vì thế gần như mãi mãi đạt niềm tin cơ bản của người quốc gia…” Thành tích đánh đuổi ngoại xâm cùng chính nghĩa dành độc lập, thống nhất đất nước của Hồ và đảng CS được kể như trên sẽ phải hiểu ra sao trước tiến trình lịch sử như sau:

09/03/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.

10/03/1945, Nhật tuyên bố ủng hộ các dân tộc Đông Dương đấu tranh giành độc lập.

11/03/1945, Viện Cơ Mật Huế công bố Việt Nam khôi phục chủ quyền, hủy bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp từ thế kỷ trước.

17/03/1945, Bảo Đại tuyên chiếu đích thân cầm quyền theo nguyên tắc Dân Vi Quý.

17/04/1945, Trần Trọng Kim thành lập chính phủ theo sự ủy quyền của Bảo Đại.

27/04/1945, Phan Kế Toại được cử làm Khâm Sai Đại Thần Bắc Kỳ.

20/07/1945, Nhật trao trả Việt Nam các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

01/08/1945, đốc lý Trần Văn Lai cho phá tất cả tượng đài Pháp đã dựng tại Hà Nội.

10/08/1945, 4 ngày sau khi bị ném bom nguyên tử, Nhật hoàng kêu gọi đầu hàng.

13/08/1945, Đảng CS Đông Dương họp tại Tuyên Quang, quyết định tổng khởi nghĩa

14/08/1945, Nhật trả Việt Nam toàn bộ thuộc địa Nam Kỳ và Nguyễn Văn Sâm được cử làm Khâm Sai Đại Thần Nam Kỳ.

17/08/1945, công chức Hà Nội tập họp trước nhà Hát Lớn Hà Nội biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc biểu tình biến thành ủng hộ Mặt Trận Việt Minh khi có người trà trộn cướp micro hô khẩu hiệu và phất cờ đỏ sao vàng…

Các thời điểm cho thấy quyết định “tổng khởi nghĩa” do đảng CS họp bàn ngày 13/8/1945 không liên can tới việc khôi phục chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước. Bởi trước đó triều đình Huế đã đạt thành quả này do Nhật trả hết các nhượng địa và ngày 1/8/1945, mọi dấu tích thực dân Pháp tại Hà Nội đều được phá bỏ, thậm chí tên Lycée du Protectorat của trường Bưởi đã đổi thành Trung Học Chu Văn An từ ngày 12/6/1945 theo lệnh của khâm sai Phan Kế Toại.

Về sự kiện lịch sử được tả là “cuộc tổng khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật” xin đọc lời kể của nhạc sĩ Tô Hải, một người trong cuộc:

Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng…Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét! Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó!

Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử…và các nhà viết sử Nhà Nước Cộng Sản cũng lờ tịt luôn chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là…chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố Giải Tán Đảng của ông ta …!

Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây?”

Than Hồng Chiến Cuộc còn tả tình trạng đảng phái quốc gia Việt Nam lúc đó hoàn toàn sa sút vì chia rẽ, lạc đường, không được dân chúng ủng hộ, phần bị Pháp đàn áp, phần chạy sang Hoa Lục nên đảng CS là lực lượng đấu tranh duy nhất. Và theo Logevall, vài tác giả đã sai lầm khi nghĩ có mâu thuẫn giữa tinh thần yêu nước, đoàn kết quốc gia với chủ nghĩa CSQT. Như vậy, tại sao Hồ cùng các đồng chí luôn giấu nguồn gốc CS như hồi ký của Võ Nguyên Giáp ghi: “Đầu tháng 9, Bác ra mắt nhân dân với danh hiệu chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bí danh Bác đã dùng mấy năm trước để che mắt bọn Quốc Dân Đảng Trung Hoa…Mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Những cán bộ của Đảng chưa ra làm việc công khai. Hầu hết đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh.”

Chính Hồ dưới tên Trần Dân Tiên cũng tự kể dối trá: “Bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Đệ Tam Quốc Tế, của Liên Xô. Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên Xô” rồi “Pháp – Nhật tuyên truyền ầm ĩ, nói Việt Minh là cộng sản, nhận chỉ thị và tiền bạc của Mạc Tư Khoa” hoặc “Người Việt Nam, chúng ta hãy đoàn kết lại! Đó là lời kêu gọi của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh hay Việt Minh tháng 5 năm 1941…Chương trình của Việt Minh rất giản đơn và rõ ràng. Phong trào này do ông Nguyễn đứng đầu.”

Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh có mặt giữa thập niên 1930 là tổ chức của người Việt quốc gia tại Hoa Nam do Hồ Học Lãm lãnh đạo. Hồ Chí Minh được tổ chức này giúp đỡ và nhân danh để hoạt động, chứng tỏ đảng CS không thu hút nổi người dân so với các đoàn thể quốc gia mà Logevall lập lại mô tả của Neil Sheehan là “tàn lụi vì chia rẽ và mưu mô.” Mô tả trên cũng ngược hẳn lời nhắc của Hồ mà tướng Phùng Thế Tài ghi trong hồi ký như một chỉ thị quan trọng: “Bác khuyên phải gia nhập tổ chức của phe đối lập, hầu lợi dụng nó mà thu phục quần chúng…Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được hội thì chúng có khả năng triệu tập quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy.”

Hồ không chỉ giấu chân tướng CS mà còn cho thấy tính lợi dụng chính nghĩa quốc gia. Đây là thực tế đã hiển hiện qua đóng góp của Hồ và đảng CS cho đời sống xã hội miền Bắc trong thập niên 1950.

Sự kiện đáng kể nhất là cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà trong thư gửi cán bộ và nông dân ngày 18/8/1956, Hồ ca ngợi “Cải Cách Ruộng Đất…là một chiến thắng vĩ đại.”

Than Hồng Chiến Cuộc nhắc đến Cải Cách Ruộng Đất như biện pháp bắt buộc vì khó khăn do lũ lụt, nhất là do “chính quyền Sài Gòn ngăn chặn trao đổi kinh tế giữa hai miền” khiến mất nguồn lúa gạo miền Nam, bị nạn đói đe dọa nên phải “đổi chính sách ôn hòa qua chính sách khắc nghiệt.”

Chỉ gom trong vài trang, Logevall viện dẫn 6 tác giả để diễn tả: “Mục đích là xoa dịu vấn đề thiếu thực phẩm và phá vỡ quyền lực các đại địa chủ để đem lại công bằng cho đa số nông dân, và về lâu về dài cuộc Cải Cách Ruộng Đất có kết quả đáng kể trên phương diện này. Nhưng cái giá phải trả thật khủng khiếp…Hành hình là chuyện bình thường, tuy mức độ giết chóc chưa rõ ràng, số ước lượng cao là khoảng 50,000 nạn nhân, nhưng các lượng định tin được là khoảng từ 3,000 đến 15,000 nạn nhân…Khi bà Nguyễn Thị Năm…bị tòa án nhân dân tuyên án tử hình, bị đem bắn, Hồ tỏ vẻ thất vọng…Theo kể lại, ông đã tuyên bố, “Người Pháp bảo không bao giờ nên đánh một phụ nữ, dù chỉ đánh bằng cành hoa, vậy mà các anh nỡ để bà ta bị bắn!”…Một số không được nghe lời Hồ, hoặc nghe nhưng bỏ ngoài tai. Hành động dã man tiếp tục…Hơn bất cứ lúc nào, với rất nhiều người, ông vẫn là hiện thân chủ nghĩa quốc gia của Việt Nam…Hơn nữa, tình hình thực phẩm dần dần cải thiện, và chương trình Cải Cách Ruộng Đất… vẫn phân phối ruộng đất cho hơn phân nửa các gia đình ở miền Bắc.”

Nhiều năm trước, Marilyn B. Young từng tố cáo một số nhà báo và tổng thống Nixon thổi phồng con số nạn nhân bị giết trong Cải Cách Ruộng Đất tại Bắc Việt lên hàng trăm ngàn trong khi chỉ có 3 ngàn hoặc tối đa 15 ngàn, và Neil Sheehan xác nhận số nạn nhân hoàn toàn do CIA bịa đặt, chỉ có vài ngàn do lỗi của Trường Chinh … Logevall nhắc lại các điều Marilyn B. Young, Neil Sheehan đã nêu và cố biện giải cho sự vụ từ nguyên do, diễn biến đến thành quả. Tuy nhiên biện giải dù thận trọng cân đo vẫn không thuyết phục.

Trước hết, nguyên do lũ lụt và “chính quyền Sài Gòn ngăn chặn trao đổi kinh tế hai miền” đẩy miền Bắc vào họa đói kém trở thành hài hước vì Cải Cách Ruộng Đất khởi từ 1953 tức hơn một năm trước khi Việt Nam bị chia cắt. Kế tiếp, “cái giá khủng khiếp phải trả” mà Logevall bảo đáng tin “từ 3,000 đến 15,000 nạn nhân”, thì cuốn Tiến Trình Lịch Sử Việt Nam in năm 2001 tại Hà Nội cho biết “Cải Cách Ruộng Đất tiến hành trên 3653 xã liên quan 2 triệu hộ gồm khoảng 8 triệu dân với chỉ tiêu bắt buộc là trong 100 người phải đưa ra xử tội ít nhất 5 người — tức đã có ít nhất 400 ngàn nạn nhân bị hành hạ, thảm sát…” Riêng cuốn Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945 – 2000, in năm 2004 tại Hà Nội ghi về đợt 5 như sau: “Đợt 5, CCRĐ 1955-1956, có 172.008 người bị giết trong đó có 123.266 người bị giết oan.” Như thế, chỉ 1 đợt đã có hơn 170 ngàn nạn nhân trong đó hơn 120 ngàn bị giết oan và đây là con số chính thức do CSVN công bố.

Về biện giải Hồ không chủ trương dùng bạo lực cũng bị phản bác bởi tạp chí Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 tại Hà Nội qua bài viết về nhục hình với phụ nữ và trẻ em: “…Rất nhiều cán bộ dùng nhục hình: treo, đánh, bắt cởi quần áo đứng ngoài đêm rét… Đồng chí L. ở xã Đảng Cương bắt con địa chủ ra truy tố không được, bực quá ra lệnh cho anh em du kích trói chặt cánh khuỷu nó lại và treo lủng lẳng lên cành cây…

Ở xã Hồng Phong, đồng chí Tì bắt con địa chủ Thị Công ra truy tố. Đồng chí gọi đứa con nó mới 13 tuổi đến giải thích để phản hóa rồi cho nó về với mẹ nó không được. Đồng chí Tì nổi giận cho trói đứa bé lại treo ngược lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. Một mặt bắt mẹ nó quỳ xuống, dang hai tay ra, mỗi bên đeo một hòn đá nặng rồi đổ nước mắm vào mũi…”

Nhục hình này không phải hành vi cá nhân tự phát, vì 40 năm sau, tháng 4/1993 tại Hà Nội, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử vẫn ca ngợi các sắc lệnh 149-SL, 151-SL về ruộng đất và trừng trị địa chủ do Hồ ban hành “đẩy mạnh được phong trào xử dụng bạo lực đấu tranh”: “Nhà Nước đã quyết định đưa đấu tranh phản phong tiến lên một bước mới, tiếp thu kinh nghiệm Trung Quốc xử dụng bạo lực chính trị của quần chúng đấu tranh…” theo quá trình “chuẩn bị chu đáo mọi cách hành xử trước khi đưa tội nhân ra phán xét.”

Riêng việc Hồ thất vọng về vụ giết bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long với lời nhắc “không nên đánh phụ nữ dù chỉ đánh bằng cành hoa” đã được nêu rõ qua bài Địa Chủ Ác Ghê trên tờ Nhân Dân ngày 21/7/1953 tức hơn một tuần sau khi bà Năm bị giết ngày 9/7/1953.

Bài báo viết:Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân.”

Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát Hanh Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

Giết chết 14 nông dân. 

Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật. 

Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người. Năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người. 

Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân. Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang. 

Năm 1944-1945, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng…” 

Bài này được báo Cứu Quốc ngày 2/11/1953 đăng lại và năm 1979, tác phẩm Hồ Chí Minh Biên Niên Sử ghi là bài viết của Hồ để phát động Cải Cách Ruộng Đất. Có thể tin Hồ thương xót bà Nguyễn Thị Năm và chống dùng nhục hình không, khi chính Hồ bịa đặt tội ác gán cho nạn nhân như thế để kích động căm thù trong quần chúng? Cuối cùng, thành quảphân nửa gia đình ở miền bắc được phân chia ruộng đất” “Hồ Chí Minh là hiện thân chủ nghĩa quốc gia” trên thực tế ra sao?

Logevall cho biết nhờ Cải Cách Ruộng Đất, “phân nửa gia đình miền Bắc” đã thành sở hữu chủ để thoát kiếp làm thuê. Nhưng cuốn Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945–2000 cho biết phong trào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp khởi từ năm 1957 tới “đầu năm 1960 đã có 2 triệu 404 ngàn 800 hộ nông dân, tức 85.83% hộ nông dân, làm việc trong 40 ngàn 200 hợp tác xã cấp xóm, cấp thôn.” Như vậy, không phải “phân nửa gia đình miền Bắc” được chia ruộng mà hơn 80 phần trăm nông dân phải nộp ruộng để thành người làm thuê được trả công theo cách tính điểm của các Hợp Tác Xã. Từ đây, khẳng định “thực phẩm dần dần cải thiện” không xóa nổi thực tế do chủ trương bao cấp khiến từ thực phẩm tới các nhu yếu phẩm cấp thiết cho đời sống đều bị hạn chế ở mức tệ hại nhất. Thực tế này kéo dài tới thập niên 1980 đã gây ra không ít điều dở cười dở khóc về cách ăn, cách mặc của người dân như phải giấu kín miếng thịt, con cá…may mắn kiếm được hay bối rối trước “tiêu chuẩn vải” không đủ che thân như mấy câu ca dao dân gian phổ biến trên toàn miền Bắc:

May quần, hở vú tô hô,

May áo thì hở “cụ Hồ” em ra.

Loại ca dao dân gian này không chỉ cho thấy cuộc sống đói rách mà còn minh họa cái nhìn khinh miệt hạ nhục tận cùng của người dân Việt Nam qua biệt danh “thằng mặt l…” đặt cho Hồ Chí Minh là nhân vật được nhiều cây bút Tây Phương tô điểm bằng đủ loại màu sắc. Công trình tô điểm này vẫn tiếp nối qua các dòng diễn tả của Logevall về chính tình miền Nam:Hiệp định hòa bình Geneva phân đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17 đến năm 1956, khi có bầu cử toàn quốc. Chính phủ Cộng Sản của Hồ nắm quyền ở miền Bắc lấy Hà Nội làm thủ đô, trong khi miền Nam nằm dưới sự cai trị của Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ của Mỹ… Giới chức Mỹ…đã lớn tiếng ca tụng phép mầu Ngô Đình Diệm. Nhưng vẻ nhiệm mầu đó chỉ là ảo giác bên ngoài” do thủ đoạn của Edward Lansdale kích động người Công Giáo miền Bắc di cư cùng trò bầu cử gian lận cuối năm 1955.

Logevall trích Jessica Chapman tố Ngô Đình Diệm đe dọa cử tri để “ngày bầu cử 23/10/1955, Diệm tuyên bố thắng cử với 98.2% số phiếu.” Về cách kích động giáo dân miền Bắc được ghi do Lansdale tung ra lời đồn “Chúa Jesus đã vào Nam”, “mỗi người di cư sẽ được tặng năm mẫu ruộng và một con trâu” cùng tờ “truyền đơn in hình miền Bắc với các vòng tròn đồng tâm từ tâm điểm Hà Nội tỏa ra” mà Logevall tả là “ngầm gửi một thông điệp không-quá-khó đoán: Hà Nội có thể là mục tiêu của bom nguyên tử Mỹ” đã gây nên “cuộc di cư không hoàn toàn tự nhiên.” Ngoài ra là tác động từ cuốn sách tố cáo tội ác CS của Thomas Dooley. Theo Logevall, cuốn sách toàn bịa đặt và là trò lường gạt đưa đến ngộ nhận về tính chính nghĩa của các lực lượng đối đầu trong cuộc chiến Việt Nam, bởi đa số người Mỹ đã xúc động do các điều bịa đặt của bác sĩ Dooley nên ủng hộ Ngô Đình Diệm.

Logevall trích tiếp S. Jacobs: “Quân đội Miền Nam và cảnh sát bắt hàng ngàn người tình nghi âm mưu lật đổ chính phủ, gửi họ vào trại giam…Hàng trăm cuộc hành hình diễn ra, một số cuộc hành hình là chém đầu hoặc mổ bụng”… Rồi trích David W.P Elliott: “Chính quyền Diệm gia tăng nỗ lực để đè nát phong trào cách mạng bằng một đạo luật tàn bạo…Luật 10/59 đưa máy chém của Pháp trở lại Việt Nam và cho chính quyền có thẩm quyền đàn áp khổng lồ…Số bị bắt cao vọt khi giới chức địa phương được các tòa án lưu động yểm trợ, tùy tiện tuyên án đối thủ mọi loại chịu tù chung thân, tử hình, hoặc đe tố cáo để tống tiền dân chúng…Luật 10/59 là phương tiện đe dọa hữu hiệu nhưng… cũng có tác hại phản ngược. Ở nhiều vùng Việt Nam, đạo luật đổ thêm dầu vào hoạt động nổi dậy.”

Logevall nêu câu hỏi “VNDCCH tiến hành thế nào?” và tự giải đáp: “Bắc Việt không thể làm ngơ trước kêu gọi bức thiết của miền Nam” nhưng do “phải đối phó với các việc nặng nề về tái thiết miền Bắc… hơn nữa, đòi hỏi công khai về tuân thủ hiệp định Geneva cũng buộc Bắc Việt không thể tiến hành giải pháp quân sự” nên Hồ vẫn “kêu gọi tiếp tục tự kềm chế.” Tuy nhiên, “kẻ thù quyết tâm nhận chìm cách mạng bằng máu” với các “hành vi đàn áp tàn ác” nên dù giữ “lời thề tự kiềm chế”, Bắc Việt buộc phải giúp lực lượng nổi dậy ở miền Nam về kiến thức và điều kiện “áp dụng phương pháp tự vệ.” Do đó, giữa năm 1959, qua ngả Hạ Lào, người và vật liệu đã được đưa vào Nam như Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam cho biết:“Hầu hết người được gửi đi các chuyến đầu tiên là “người tập kết”…Việc của họ là trở về để cấp cho nhóm nổi dậy một số cán bộ dày kinh nghiệm và trung kiên.”

Diễn tả này về nguồn cội cuộc chiến Việt Nam 1956 – 1975 khởi từ cuối thập niên 1960 do phong trào phản chiến. Nhưng, thực tế đã cho thấy các luận điệu “tại Việt Nam không có cuộc nội chiến nào vì không có vấn đề miền Bắc xâm lăng miền Nam. Chỉ có người Việt Nam cầm súng chống xâm lược Mỹ để bảo vệ đất nước”, và cuộc chiến là “người Cộng Sản yêu nước chống tham vọng xâm lăng Mỹ”, hoặc “không hề có người dân chạy trốn cộng sản mà chỉ có người dân phải tìm tới các trại tị nạn để tránh bom đạn Mỹ”…do những Daniel Ellsberg, Neil Sheehan cùng Jean Lacouture, Stanley Karnow, Pierre Brocheux, Douglas Pike, William J. Duiker, Marilyn B. Young, David W.P Elliott… rêu rao đã thành trò cười ngu xuẩn đổi trắng thay đen hoặc dấu tích của hành vi bất lương, vô sỉ. Tuy vậy, Logevall vẫn lập lại: “Cuộc nổi dậy mới đã bắt đầu, do hành vi đàn áp nghẹt thở của Diệm khích động…Nửa sau năm 1957, các hoạt động chống chế độ gia tăng rõ rệt…chẳng hạn ngày 17/7, những người vũ trang đã bắn chết 17 người khách trong một quán bar ở Châu Đốc. Ngày 14/9, quận trưởng Mỹ Tho và gia đình bị chặn ở xa lộ giữa ban ngày và ám sát…”

Ngay trường hợp giả dụ có thể gạt qua đòi hỏi chứng minh các tội ác “mổ bụng, chặt đầu hàng trăm người, kéo lê máy chém của Pháp đi khắp nước…” thì vẫn cần nhìn lại tài liệu đảng CS ghi về “quá trình đấu tranh” kể rõ từ 1956 tới 1959, “6000 cán bộ tập kết được bí mật đưa trở về Nam để khuấy động bằng khủng bố” với thành quả “1700 viên chức nguỵ quyền bị hạ năm 1959 và năm 1960 có 4000 tên đền tội…” Ngoài ra là huấn thị đầu năm 1959 của Đảng CS về việc tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam: “Trong hiện tình, trung ương ủng hộ việc đưa những phần tử ngoài Đảng vào mặt trận, không phải vì Đảng sẽ giao cho họ những trọng trách… nhưng dùng tài năng và uy tín của họ để xúc tiến cách mạng và làm cho mặt trận thêm thanh thế hầu giải phóng miền Nam.” Kế tiếp là giải thích về việc lập đảng Nhân Dân Cách Mạng: “Việc thành lập đảng Nhân Dân Cách Mạng ở miền Nam chỉ là vấn đề chiến lược nhằm đánh lừa kẻ thù…Trong đảng, cần giải thích rằng, lập nên đảng Nhân Dân Cách Mạng nhắm cô lập Mỹ với chế độ Diệm, để ngăn không cho chúng tố cáo miền Bắc chúng ta xâm lăng miền Nam…đồng thời cho phép Mặt Trận Giải Phóng tuyển thêm đảng viên và thu phục thiện cảm của các nước không liên kết ở Đông Nam Á.” Chứng cứ loại này khó thể kể hết, nhưng cội nguồn cuộc chiến theo Logevall vẫn do người dân miền Nam nổi dậy vì bị đàn áp đẫm máu và miền Bắc luôn “tự kiềm chế chỉ cố giúp các nạn nhân về kiến thức và điều kiện tự vệ.”

í

Nói chung, bức chân dung cuộc chiến trong Than Hồng Chiến Cuộc không có ưu điểm nào mà còn thiếu hẳn tính “cân xứng” “sâu sắc” như ban giám khảo giải Pulitzer đánh giá. Bởi tác phẩm chỉ nhắm thần tượng hóa một cá nhân nên gạt bỏ nhiều sự kiện phản bác.

Trên thực tế, cuộc chiến Việt Nam không khởi từ sau Đệ Nhất Thế Chiến mà từ cuối thế kỷ 19 với mục tiêu giành lại chủ quyền đất nước và quyền sống đúng nghĩa của người dân. Ngay từ thập niên 1860, cuộc chiến đã diễn ra dưới nhiều hình thức trên khắp các miền đất nước và tiếp nối không ngừng tới giữa thế kỷ 20.

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc mang lại thời cơ đáp ứng hoàn toàn mục tiêu. Tháng 3/1945 Pháp bị đẩy khỏi Việt Nam và tháng 8/1945 Nhật đầu hàng, trong khi triều đình Huế nắm quyền điều hành đất nước. Nhiệm vụ trước mắt của người Việt Nam đã hiện rõ là tập trung nỗ lực tạo dựng cuộc sống phù hợp với mong mỏi của toàn dân. Nhưng hai sự kiện đã phá vỡ thời cơ đó.

Thứ nhất, Pháp đưa quân trở lại Việt Nam khiến người dân đang bừng bừng hứng khởi do vừa khôi phục được chủ quyền đã bị đặt trước đòi hỏi chiến đấu chống ngoại xâm.

Thứ hai tệ hại hơn, giữa hàng ngũ đấu tranh lại có một thế lực phục tùng ngoại bang, cụ thể là Hồ Chí Minh luôn sùng bái chủ nghĩa Lênin là mặt trời rực sáng soi đường dẫn lối tới thắng lợi cuối cùng, tới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa” với sách lược Stalin:“giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ mà tiến lên.

Vì thế, khi Bảo Đại tin Việt Minh là tổ chức yêu nước Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội nên chấp thuận thoái vị, nhường quyền lãnh đạo cho Hồ Chí Minh thì người quốc gia lâm cảnh phải tự biến thành công cụ cho đảng Cộng Sản hoặc sẽ bị chụp chiếc mũ Việt gian phản quốc, nhất là ngày 11/11/1945, Hồ Chí Minh còn tuyên bố giải tán đảng CS và thề trước công chúng chỉ phụng sự dân tộc chứ không cần biết ý thức hệ nào.

Do đó, cuộc chiến mở đầu bằng tiếng súng kháng Pháp ngày 23/9/1945 ở Sài Gòn của các lực lượng quốc gia và giáo phái hiển nhiên là cuộc chiến chống xâm lăng, nhưng trên thực tế, đã bị đổi hướng do “mục tiêu của Hồ Chí Minh không phải nền độc lập Việt Nam mà là đưa quốc gia này vào Quốc Tế Cộng Sản” như Jean-François Level phát biểu hoặc như Dennis J. Duncanson nhận định: “Đảng Cộng Sản Đông Dương không bao giờ là lực lượng đấu tranh yêu nước, trái lại, gần như chống-lại-những-người-chống-thực-dân.”

Cụ thể là biểu lộ qua lời nói và việc làm của Hồ Chí Minh khi ký hiệp ước 6/3/1946 mà Logevall đã ghi: “Một số người Việt Nam hiếu chiến lên án bản hiệp ước sơ bộ là đầu hàng Pháp, nhưng Hồ lập lại niềm tin của ông là trước hết phải giải quyết vấn đề Trung Hoa. Ông nói với các phụ tá: “Thà ngửi cứt Tây năm năm, còn hơn ăn cứt Tàu suốt đời. Câu nói được Logevall coi là bày tỏ ý chí giành độc lập và khả năng chọn hướng đi hòa với Tây để đuổi Tàu. Nhưng cùng lúc đó, Võ Nguyên Giáp lại ghi huấn thị của Hồ rằng Trung Cộng “mãi mãi là anh em”, chỉ chế độ Dân Quốc mới là kẻ thù. Và, ngay sau khi Trung Cộng chiếm Hoa Lục, Hồ lập tức qua Bắc Kinh, rồi qua Nga gặp Mao Trạch Đông, Stalin. Khi trở về, Hồ triệu tập hội nghị, bàn việc Đảng tái xuất với tên Đảng Lao Động và tuyên bố: “Việc đổi tên đảng ta, Bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông. Các đồng chí đã đồng ý. Các cô, các chú nên biết rằng: “Ai đó thì có thể sai chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được.” Tuyên bố này được Hồ nhắc lại không sai một lời tại đại hội Đảng kỳ 2 tháng 2/1951 và Nguyễn Minh Cần có mặt tại cả 2 hội nghị trên đã ghi lại. Như thế, đánh giá Hồ luôn ưu tư về chủ quyền quốc gia và chọn giải pháp “tạm hòa với Pháp để đuổi Tàu trước” còn đứng vững không, nhất là tới nay Việt Nam vẫn kiên trì 16 chữ vàng bất kể đang bị Bắc Kinh lấn áp ra sao?

Logevall bỏ qua nghi vấn trên để nhìn cuộc chiến với “chủ nghĩa cách mạng quốc gia do Cộng Sản khích lệ” đã đánh bại “chủ nghĩa thực dân đang hồi xuống dốc” ở giai đoạn 1945-1954 tiếp tục đánh bại chủ nghĩa tự do quốc tế do Mỹ hậu thuẫn” ở giai đoạn 1954-1975.

Qua cách nhìn này, đối lực trong cuộc chiến chỉ gồm hai đạo quân viễn chinh Pháp, Mỹ cùng lực lượng quốc gia yêu nước do cộng sản khích lệ và Hồ lãnh đạo. Cuốn sách hơn 700 trang gần như gạt hẳn chính tình Việt Nam sau Đệ Nhất Thế Chiến tới 1954 cùng diễn biến giai đoạn 1954-1975, ngoài các trích dẫn về nhược điểm của người quốc gia trên nhiều khía cạnh, đồng thời tố cáo tội ác của chế độ miền Nam và vai trò Mỹ chỉ đạo qua diễn tả “Có thể thực sự nói Miền Nam Việt Nam là sự sáng tạo của Edward Lansdale” để phát biểu: “Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều phân tích gia xét các sự kiện cùng hành động và phát biểu của Diệm năm 1955, đã tả ông như một nhân vật độc tài, tham quyền, đạo đức giả, một quan lại phản động, bù nhìn Mỹ, và chẳng có gì hơn.” Và tác giả đóng sách lại bằng một nhận định của Bernard Fall: “Người Mỹ đang mơ một giấc mơ khác với người Pháp, nhưng lại bước đúng vào những bước người Pháp đã đi.”

Trong cuộc sống, không ai có quyền bắt người khác phải nghĩ theo ý mình. Nhưng trong cuộc sống, cũng không ai có quyền chỉ màu trắng nói là màu đen, nhất là không thể biến hành vi giết người thành sự ban ân phúc để tôn vinh kẻ sát nhân. Đó là quy tắc bất khả di dịch. Than Hồng Chiến Cuộc đã đảo ngược quy tắc trên qua diễn tả về cuộc chiến Việt Nam, nêu hàng loạt vấn đề khó thể bỏ qua, đặc biệt với người Việt Nam.

Trước hết, xác định thế lực chủ yếu là “chủ nghĩa cách mạng quốc gia do Cộng Sản khích lệ” cách biệt hoàn toàn với thực tế, tương tự diễn tả cuộc chiến xẩy ra do mâu thuẫn ý thức hệ quốc gia và cộng sản. Bởi người Việt Nam không gắn kết với ý thức hệ nào ngoài mục tiêu bảo toàn chủ quyền đất nước và quyền sống người dân. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, chính tình thế giới phức tạp đã đặt cuộc chiến trong vòng tương tranh giữa hai thế lực quốc tế tự do và cộng sản, nhưng với người Việt Nam, mục tiêu không hề thay đổi. Do đó, thế lực chủ yếu được gán tên cách mạng quốc gia hay tên nào khác cũng không cần được khích lệ, vì động cơ hình thành trận tuyến là tinh thần ái quốc truyền nối từ nhiều ngàn năm và nguyện vọng giành lại quyền sống đang bị tước đoạt.

Lịch sử Việt Nam từ đầu Công Nguyên tới thế kỷ 10 đã có 8 cuộc nổi dậy chống ách đô hộ ngoại bang và từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 18 là 8 cuộc kháng chiến đánh đuổi xâm lược phương Bắc. Giữa thế kỷ 19, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, tinh thần ái quốc truyền nối đó với mục tiêu bảo tồn quyền sống đã thúc đẩy nỗ lực đấu tranh liên tục tới giữa thế kỷ 20 và thổi bùng cuộc chiến giữ nước, khi Pháp đưa quân trở lại vào tháng 9/1945.

Bất hạnh lớn là đầu thế kỷ 20 xuất hiện chủ nghĩa Cộng Sản và giữa cộng đồng Việt Nam đã có những kẻ mù lòa cuồng tín hay tham vọng bất lương tự biến thành công cụ ngoại bang. Từ đây, cuộc chiến giành quyền sống của dân tộc bị CS khai thác cho mưu đồ bành trướng, dẫn đến cái nhìn đồng hóa CS với chính nghĩa yêu nước. Trên thực tế, CS xuất hiện chỉ đẩy Việt Nam vào một thời kỳ thống khổ tóc tang chưa từng có trong lịch sử đất nước từ giữa thế kỷ 20 tới nay. Nếu CS không xuất hiện, việc Pháp đưa quân tái chiếm Việt Nam tháng 9/1945 có thể đã bị Mỹ ngăn cản, hoặc giả dụ Mỹ không ngăn cản và cuộc chiến xảy ra, kết cục vẫn là sự sa lầy của Pháp. Như thế, gánh nặng máu xương mà Việt Nam phải gánh chịu chỉ khoảng mươi năm và sau đó đã có thể tái dựng đời sống tự chủ theo đúng mong ước.

Nhưng Hồ Chí Minh và đảng CS đã hiện diện với ý hướng như J.F.Level nhận định và như Tưởng Vĩnh Kính trong tác phẩm Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc diễn tả:Độc Lập, Thống Nhất, Hạnh Phúc, Tự Do chỉ là các ngôn từ kích động người dân cống hiến xương máu mở đường cho đảng Cộng Sản bước lên địa vị độc tôn.”

Diễn biến cuộc chiến Việt Nam là chứng cứ xác định ghi nhận của Tưởng Vĩnh Kính. Vì tiếng súng kháng Pháp đầu tiên ở Sài Gòn không khởi từ Hồ và đảng CS mà tự phát từ lực lượng Bình Xuyên cùng hai giáo phái Hoà Hảo, Cao Đài là các tổ chức chống Pháp được Nhật hỗ trợ võ trang từ đầu thập niên 1940. Đóng góp duy nhất của Hồ và đảng CS thời đó chỉ là loan báo tin tức kháng chiến miền Nam, cùng phóng thanh các bài ca trong đó bài ca về lực lượng Bình Xuyên không ngừng vang dội khắp miền Bắc từ cuối năm 1945:

Bình Xuyên, Bình Xuyên anh hùng muôn năm

Đoàn chiến sĩ máu sôi lòng hờn căm

Gươm vung lên máu trào, muôn đầu rơi sát khí

Gầm vang hét, chốn sa trường không tiếc thân

Cùng đi cùng đi, một lòng cùng tiến

Thề quyết chiến đấu, can trường vô biên

Sống thác nào cần chi, giết hết quân thù đi

Lừng tiếng khắp nơi quân Bình Xuyên.

Việt Nam, trời Việt miền Nam súng bao lần ầm vang,

Quân Bình Xuyên đi lên hiên ngang

Cờ máu loè bay ánh sao quân Bình Xuyên

Nguyện đem máu đào dâng Việt Nam yêu dấu

Bốn phương cờ bay, hồn nước đang hò reo

Ngàn khúc chiến thắng

Quân Bình Xuyên, quân Bình Xuyên…

Thời gian đó, bộ đội CS không rời miền Bắc và luôn tìm cơ hội tấn công bất ngờ các đoàn thể quốc gia, trong khi Hồ ký hoà ước 6/3/1946 cho quân Pháp đổ bộ ra Bắc. Trước và sau ngày 19/12/1946, cán bộ, đảng viên CS chỉ lo tuyên truyền chụp mũ các đoàn thể quốc gia là Việt gian phản động, dù hết thẩy đoàn thể đã thuận cùng đảng CS hợp tác chống Pháp và Hồ đã lập chính phủ liên hiệp.

Khi cuộc chiến lan khắp miền Bắc, trực tiếp đối đầu với Pháp vẫn là các nhóm dân quân tự phát với dáo mác và bom mìn tự chế, còn bộ đội CS lui về vùng an toàn. Thời gian này, nhiệm vụ chính của cán bộ, đảng viên CS là tìm cách nắm quyền chỉ huy lực lượng dân quân tự phát ở khắp nơi, và gia tăng hoạt động triệt hạ các đoàn thể quốc gia bằng nhiều cách từ ám sát, thủ tiêu…tới tuyên truyền nhục mạ. Suốt thời kỳ 1946-1948, người dân miền Bắc có thể gặp ở khắp các bến sông, cửa chợ hoặc bên các tụ điểm đông người như sân đình, trường học… những khúc chuối dựng lên cho đội nón mê với tấm băng quấn quanh ghi tên Việt gian Nguyễn Hải Thần, Việt gian Nguyễn Tường Tam, Việt gian Vũ Hồng Khanh vv…Thêm vào đó là mọi thôn xóm được hướng dẫn tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tuần, thậm chí hàng đêm trình diễn văn nghệ hoặc nghe cán bộ diễn giải về mọi vấn đề với phần mở đầu là nghi thức suy tôn “Hồ Chí Minh, Người là ông Thánh Sống.” Những việc làm đó là trọng tâm công tác của cán bộ, đảng viên CS. Riêng Hồ Chí Minh lúc này ngồi ở một vùng núi an toàn, viết Những Mẩu Chuyện Về Cuộc Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch với các dòng tự tôn bịa đặt “toàn dân kính mến Hồ Chủ Tịch, gọi Hồ Chủ Tịch là Vị Cha Già của Dân Tộc…”

Tóm lại, tới năm 1948, cuộc chiến kháng Pháp gần như chỉ do người dân tự nguyện ứng phó với bất kể võ khí nào có được và đúng như Hồ đã nhắc thuộc hạ đêm 9/3/1946 tại Hà Nội là tạo cơ may cho “đảng Cộng Sản củng cố vị thế lãnh đạo và phát triển lực lượng.” Điểm cần lưu ý là những “người mở đường cho đảng Cộng Sản bước lên địa vị độc tôn” nếu không phục tùng CS đều khó giữ mạng sống do bị truy diệt bởi cả Pháp lẫn CS đang đóng vai lãnh đạo kháng chiến. Cảnh ngộ này chỉ giảm nhẹ từ cuối năm 1948 khi Pháp do áp lực Mỹ phải tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam mà đại diện là cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng chính trường phức tạp và mức độ nhận thức giới hạn của đám đông trước tác động tuyên truyền CS khiến người quốc gia rời bỏ hàng ngũ kháng chiến đã bị bôi bác, nhục mạ cùng cực, điển hình là lực lượng Bình Xuyên được đề cao tột bực thời 1945-1947 đã biến thành băng đảng lưu manh khi chọn thế đứng bên quân Pháp để ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại. Vai trò của Hồ và đảng CS càng lớn hơn từ năm 1949 do Liên Xô – Trung Cộng trực tiếp hỗ trợ dẫn đến hậu quả Việt Nam bị chia đôi năm 1954 với miền Bắc đặt hẳn dưới ảnh hưởng QTCS. Đây là thời kỳ Hồ không còn giấu chân tướng CS, nhưng bộ áo ngụy trang “quốc gia yêu nước” vẫn được nâng niu và đổi màu thành chống đế quốc Mỹ.

Năm 1954, chế độ miền Nam với Mỹ hỗ trợ đã điều hành đất nước nhưng chỉ thực sự đạt toàn chủ quyền khi quân Pháp triệt thoái cuối tháng 4/1956. Trớ trêu là từ thời điểm này, Pháp lại ngả về phía Hồ và luôn chống phá miền Nam. Từ đây, trận thế tuyên truyền QTCS đề cao Hồ cùng đảng CS lan nhanh tại Âu Châu rồi tỏa khắp thế giới hình thành phong trào phản chiến chống Mỹ cuối thập niên 1960 khi quân Mỹ tham chiến. Thực trạng này đã tạo nhiều tấn tuồng ô nhục như một triết gia Anh từng hô hào đưa chế độ miền Nam ra tòa án lương tâm quốc tế xử về tội ác chống nhân loại, một văn hào Pháp tin chắc CS đang chiến đấu cứu nước nên nhục mạ người chống CS là “chó”, và một ứng viên tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng quỳ gối bò tới Hà Nội để tạ lỗi xâm lăng Việt Nam…Bên cạnh các cá nhân mù quáng hoặc mưu tính bất lương kể trên là đội ngũ báo chí quốc tế bị cuốn theo dòng thác tuyên truyền QTCS nối nhau tạo hình ảnh bịa đặt về cuộc chiến Việt Nam nổi bật là bôi xóa lực lượng quốc gia Việt Nam đang chiến đấu bảo vệ quyền sống trước nguy cơ bị QTCS tước đoạt để thay bằng quân đội Mỹ, đồng thời bôi xóa các đạo quân CS từ miền Bắc xâm nhập bằng hình ảnh lực lượng cách mạng quốc gia nổi dậy chống bạo quyền tay sai Mỹ ở miền Nam.

Nói cách khác, CS xuất hiện trên chính trường Việt Nam năm 1945 đã phá vỡ cơ hội chấm dứt cuộc chiến khôi phục chủ quyền đất nước và quyền sống người dân khởi từ giữa thế kỷ 19 đặt Việt Nam vào tình thế phải tiếp nối cuộc chiến đã kéo dài. Và, trong giai đoạn tiếp nối, người Việt Nam yêu nước không chỉ đối đầu với súng đạn trên lãnh thổ miền Nam mà còn bị tấn công từ khắp thế giới bằng đủ mọi hình thức xuyên tạc, vu khống, lăng mạ, kết án. Có thể bảo chính mặt trận sau này đã dẫn đến kết thúc bi thảm của Việt Nam năm 1975.

Do đó, cuộc chiến mở ra từ các thế hệ tiền nhân gần 200 năm trước tới nay chưa thể ngưng vì thân phận dân tộc vẫn là “lũ chim cảnh chỉ được chuyển từ cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội” như mô tả của Vũ Cao Quận, người gia nhập bộ đội kháng chiến từ tuổi 15, tham gia nhiều trận đánh khắp các chiến trường Nam – Bắc tới ngày “đại thắng mùa Xuân 1975.”

Thực tế này thuộc về trách nhiệm lịch sử chung của toàn dân tộc nên xin trở lại với câu chuyện giới hạn trong tương quan tương phản giữa chữ nghĩa và sự thực từ một cuốn sách. Những dòng đã ghi có thể chưa tả hết mức tương phản tàn khốc giữa nội dung cuốn sách với thực tế cuộc chiến Việt Nam, nhưng câu chuyện đã quá dài. Để kết thúc, xin nhắc thêm vài chi tiết về con người và sự nghiệp giúp dân cứu nước của nhân vật Hồ Chí Minh đã bị gạt khỏi nội dung Than Hồng Chiến Cuộc.

Đó là ca ngợi của lãnh tụ QTCS Nikita Khrustschev trong hồi ký ấn hành năm 1970: “Hồ Chí Minh là tông đồ Cách Mạng…, là vị thánh của chủ nghĩa Cộng Sản, người nhiệt thành xả thân vì đại nghĩa…đóng góp vô vị lợi cho chính nghĩa Cộng Sản” với thành quả “người dân Việt Nam đang đổ máu và hiến dâng sinh mạng mình cho lợi ích của phong trào Cộng Sản thế giới.” Và, người luôn ở bên cạnh Hồ là Võ Nguyên Giáp ghi:“Trọn đời Bác chỉ có 3 ngày vui lớn: Đó là ngày Bác được đọc bản Luận Cương Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là ngày thành lập Đảng Cộng Sản Pháp năm 1920. Và ngày lịch sử mồng 3 tháng Hai năm 1930 thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương.” Riêng William Duiker ngưỡng mộ Hồ là anh hùng cách mạng biểu hiện đúng khuôn mẫu của Sergey Nechayev: “Anh ta phải tàn nhẫn, nham hiểm như Machiavel, trong khi cổ võ cho mục đích cách mạng. Anh ta phải tỏ ra tuyệt đối phục tùng Đảng của anh ta và sẵn sàng từ bỏ mọi liên hệ bạn bè, gia đình. Cũng phải sẵn sàng hy sinh các tiêu chuẩn đạo lý được nhìn nhận một cách phổ quát, để có thể gian dối vì lợi ích cách mạng…”

Mẫu anh hùng cách mạng này cùng mục tiêu phụng sự như diễn tả không chỉ tác họa cho đất nước Việt Nam, mà còn xóa bỏ hết ý nghĩa của cụm từ cách mạng. Do đó, thiên anh hùng ca thế kỷ 20 của Logevall cần được nhìn đúng là thiên thống hận ca bi thảm cùng cực với nhiều thế hệ con dân Việt Nam. Bởi trên thực tế, điều được gọi là đấu tranh cách mạng chỉ là trò lừa đảo của những kẻ phi nhân đem máu xương người chung huyết mạch làm đất đá đắp đường để đạt cuồng vọng. Không ít nạn nhân đã thức tỉnh nhưng bị kẹp giữa gông cùm CS tàn khốc nên phải bó tay nhận chịu cái chết uất nghẹn đã phản ảnh phần nào qua mấy câu thơ ký tên Huyền Trân sau đây tìm được trên một tử thi tại chiến trường hiện lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Quân Sự Alberdeen, Maryland:

Từ buổi con lên đường xa Mẹ,

Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung

Non xanh nước biếc chập chùng

Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ.

…………………………………

Đã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ

Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu!

Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá cầu

Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau?

Đã nhiều lần tay con run rẩy

Khi gài mìn để rồi sau bỗng thấy

Xác người tung máu đổ chan hoà

Máu của ai — Máu của bà con ta

Của những người như con, như mẹ!

……………………………………

Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc

Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu

Đời của con nay sương gió giãi dầu

Con cảm thấy cõi lòng mình tê tái.

Tâm tư uất nghẹn này rõ ràng là tâm tư chung của người Việt Nam trên mọi trận tuyến đã bị cướp đoạt cuộc sống bởi họng súng hoặc bởi thủ đoạn trấn áp tàn khốc. Cho nên, dù tiếng súng ngưng gần nửa thế kỷ, nhưng cuộc chiến giành lại cuộc sống của người Việt Nam chưa ngưng vì mục tiêu vẫn mịt mù xa cách như Pierre Darcourt từng khẳng định “cuộc chiến 30 năm tại Việt Nam không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Tất cả thảm cảnh mà mọi người muốn vượt qua và từ đó đã chấp nhận mọi hy sinh đau đớn đều còn nguyên vẹn.”

Mức độ uất nghẹn càng nặng trĩu hơn do trong thế giới chữ nghĩa gần như thường xuyên xuất hiện những trò đổi trắng thay đen bôi xóa mọi thảm cảnh máu xương man rợ để tô điểm hào quang cho kẻ sát nhân.

Chẳng hạn năm 1990, qua tác phẩm The Vietnam War: How the US Intervened in the History of Southeast Asia, Marilyn B. Young khẳng định vụ thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế chỉ có từ 300 đến 400 nạn nhân do bom đạn Mỹ giết hại nhưng gán cho bộ đội CS, dù tác giả Trung Quốc Hà Cẩn qua tác phẩm Mao Chủ Tịch Của Tôi đã thú nhận: “4900 người bị giết oan trong trận tấn công Huế 1968 khiến uy tín Đảng CS và MTGPMN giảm nặng” và hình ảnh các đám tang tại Huế với hàng ngàn người khóc than đau đớn không hề được nhắc tới.

Cũng về dịp này, nhà văn Pháp Michel Tauriac từng ghi: “Không xa Mỹ Lai bao nhiêu là một ngôi làng nhỏ Quảng Ngãi…Trong đêm Tết Mậu Thân 1968, quân Cộng Sản xông vào một bệnh viện tại đây. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân nằm trên giường bệnh đều bị giết, súng cứ nhả đạn thả dàn. Khi người Cộng Sản ra đi, thần chết đã mang theo hết mọi người …” Và Michel Tauriac phải tự hỏi: “Tại sao tới nay báo chí không thốt lên tiếng kêu khiếp hãi nào về những vụ tàn sát man rợ đó?”

Tương tự, những ngày cuối tháng 4/1975 báo chí quốc tế đồng loạt nhắc lại tố cáo của đại diện CS tại Ba Lê về “tội ác ép buộc dân chúng di tản của chính quyền Ford và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu” khiến “hàng trăm ngàn người bị hăm dọa dưới họng súng đã phải lìa bỏ nhà cửa và nơi chôn nhao cắt rún để chết đói, chết bệnh trên đường di tản. Nhiều ngàn người khác đã bị hành quyết vì không chịu chạy trốn…” nhưng hết thẩy đều bỏ qua thực tế trên đường di tản của các nạn nhân như một ông già theo tỉnh lộ 7 từ Pleiku về Phú Yên đã kể lại với một ký giả Sài Gòn: “Chúng tôi gồm hơn 100 ngàn người đi bộ, gồng gánh tất cả những gì có thể mang theo…Chúng tôi không có thức ăn, tuyệt đối không có gì để uống và đi suốt 3 ngày 3 đêm như vậy…Khi gần tới sông Ba thì từ trong rừng xuất hiện một toán bộ đội có người cầm cờ đi đầu … phát loa ra lệnh cho chúng tôi ngừng lại và quay trở về. Nhưng làm sao được bây giờ vì có quá nhiều người ở phía sau cứ đùn chúng tôi đi tới…Thế là bọn cộng sản bắn với tất cả các loại súng họ đang có…nã thẳng vào chúng tôi dọc theo con lộ đang bị kẹt cứng. Một trái đạn pháo đã chém ngang con gái tôi và hai đứa con của nó… Tôi ôm đứa cháu chín tuổi, cố chạy bừa tới đâu hay đó. Đứa bé bị một mảnh đạn pháo xuyên qua lưng. Nó khóc thét lên “Ông ơi, ngực cháu thủng rồi, đau lắm.’’ Rồi tôi không nghe nó nói nữa. Tôi nhìn lại, đôi môi của nó đen hết rồi. Nó đã chết.”

Tất nhiên không chỉ có vài ba thảm cảnh đó mà có hàng trăm ngàn thảm cảnh kinh khiếp gấp bội lần. Nhưng hết thẩy đều bị gạt qua và thay thế bằng những điều tưởng tượng trắng trợn. Khó ai có thể quên cuối thập niên 1980 trước phong trào vượt biển trốn chạy khỏi ách thống trị CS tại Việt Nam, ký giả Mỹ Neil Sheehan đã trơ tráo diễn giải “boat people” là từ được dùng chỉ người Trung Hoa bị trục xuất khỏi Việt Nam chứ không có người Việt Nam nào bỏ quê hương vượt biển ra đi. Cũng chính Neil Sheehan trong After the War Was Over năm 1992 đã viết: “Người Cộng Sản Việt Nam sau chiến thắng 1975 đã cư xử trong mức độ tự kiềm chế đối với kẻ thù bại trận. Nỗi kinh hoàng “tắm máu” không xẩy ra mà chỉ có gần 100 ngàn cựu sĩ quan, viên chức của chế độ Sài Gòn bị giữ trong “các trại cải tạo” ít năm — tùy theo cấp bậc và hồ sơ lý lịch. Chín mươi bốn ngàn tù nhân trong các trại cải tạo đều còn sống và đã được thả hết…Chỉ khoảng 120 người tiếp tục bị giữ tại trại cải tạo cuối cùng gần Hàm Tân…“vì lý do nhân đạo.” Giam giữ 120 người này là điều tốt cho họ hơn là đưa họ ra xét xử. Bởi xét xử thì một số người sẽ bị kết án tử hình nhiều lần do các tội ác của họ.”

Khó thể hình dung trong giới cầm bút lại có kẻ vô sỉ tới mức đó, vì tài liệu chính thức TN/QP14 của Bộ Quốc Phòng CSVN đã ghi “Tổng số tù nhân tham gia học tập cải tạo sau khi chế độ Sài Gòn đầu hàng là 1.321.506 người” và chỉ tính tới giữa thập niên 1980 riêng tại trại Z.30A Long Khánh đã có hơn 100 nấm mộ tù nhân dưới chân núi Chứa Chan.

Vậy dựa vào đâu để quả quyết chỉ 120 người còn bị giam giữ và những người này đều có tội ác đáng chịu nhiều án tử hình? Dù vậy, tiếng nói bất lương này vẫn liên tục cất lên suốt nửa thế kỷ qua và đang là chứng cứ dập vùi sự thực với người tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam.

Riêng với hàng triệu oan hồn uổng tử Việt Nam còn vất vơ trôi dạt giữa rừng sâu hay trên biển cả thì tiếng nói bất lương này chính là mũi dáo tàn ác đang thọc sâu vào những con tim chưa ngừng nhức nhối uất hờn ngay ở nơi cõi chết.

Vươn xa hơn nữa, tiếng nói bất lương này chính là các hố lầy nhơ nhớp kinh tởm ngăn trở con đường đấu tranh giành lại sự sống của người Việt Nam khởi từ cuối thế kỷ 19 và vẫn đang phải kéo dài chưa dứt.

Từ đây, nhắc tới tiếng nói bất lương này không phải để oán trách những người thiểu năng lầm lạc hay kẻ xảo trá lừa gạt mà chỉ mong gửi tới mọi người Việt Nam một câu hỏi khẩn thiết: Chúng ta có thể tiếp tục lặng thinh như đã lặng thinh suốt gần nửa thế kỷ qua để mặc cho những tiếng nói bất lương cứ mặc tình cất lên mãi không?

UYÊN THAO

Virginia 25-8-2017

———————————

(1) Nguyên văn: Les articles publiés sous le nom de Nguyên Ai Quôc ne sont pas de lui… Cet Annamite parle et écrit insuffisament le Français pour rédiger tout ce qui paraît sous son nom.”

2 BÌNH LUẬN

  1. Fredrik Logevall: Embers Of War, The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam
    Sụp Đổ Của Đế Quốc Pháp Và Sự Khởi Đầu Cuộc Chiến Của Người Mỹ tại Việt nam , dầy 840 trang, in năm 2012.
    Rất hay, giá trị

  2. Đối với quý ngài sử gia Hoa Kỳ khi viết về chiến tranh Việt Nam thì bần đạo xin “kính nhi viễn chi”. Anh có dẫn chứng, “phản biện” bao nhiêu đi nữa thì những đầu óc “siêu thông minh, siêu công bình” của quý ngài đó vẫn thế mà thôi anh Uyên Thao ơi!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên