Mấy ngày nay công luận đang bàn tán, bình luận về bài diễn văn của ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đọc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019. Đa số là các ý kiến chỉ trích, phê phán, thậm chí lên án gay gắt thái độ bạc nhược, ươn hèn của ông này khi không dám chỉ đích danh Trung cộng thực hiện chính sách bành trướng tại biển Đông và xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Hành động của Phạm Bình Minh là kiểu “tố cáo hành vi ăn cướp nhưng không dám gọi tên kẻ cướp”, chẳng khác gì đứng múa may một mình giữa bãi tha ma nhưng lại bảo đang đánh nhau với người
Luật sư Lê Công Định viết trên trang facebook cá nhân của ông rằng Phạm Bình Minh “chỉ nhẹ nhàng nói đến “các bên có liên quan” (relevant parties) và “các nhà nước có liên quan” ( relevant States), như thể chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm bởi ai đó vô danh, chưa xác định, chứ không phải Trung cộng, và người nghe muốn hiểu sao cũng được”.
Trước một diễn đàn quốc tế quan trọng như Đại hội đồng LHQ, Phạm Bình Minh ở vào tâm thế “không thể không nói” hòng làm dịu sự phẫn nộ của người dân trong nước. Nhưng cũng không thể nêu đích danh Trung cộng vì sợ “mẫu quốc” nổi giận. Do vậy, phải bày tỏ thái độ nửa nạc nửa mỡ, nói mà như không nói, không nói mà như nói cho vẹn cả đôi đường.
Đúng là chính sách ngoại giao khôn lỏi kiểu Việt cộng, không giống ai, không lẫn đi đâu được.
Chuyện hôm nay của ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt cộng khiến tôi nhớ đến chuyện 11 năm về trước của một phó thường dân xứ thiên đường xã nghĩa, cũng là chị gái ruột của tôi.
Số là hồi tôi mới bị bắt (tháng 9/2008), mẹ, các anh chị và các cháu tôi bị cơ quan an ninh điều tra, an ninh chính trị các kiểu sách nhiễu, hành ghê lắm. Có lần, họ mời một lượt ba đến bốn người nhà tôi một lúc. Mọi người bị đưa vào các phòng khác nhau để điều tra, thẩm vấn. Đấy là chưa kể công an các cấp nay đến nhà hỏi thăm, mai đến nhà dò xét, đe doạ hoặc thuyết phục.
Một lần, chị gái tôi bị Lã Thị Thu Thuỷ- phòng an ninh chính trị thành phố Hải Phòng thẩm vấn. Đang nói chuyện trên giời dưới biển, Lã Thị Thu Thuỷ bất ngờ hỏi:
-Thế theo chị thì Trường Sa, Hoàng Sa là của nước nào?
Gần như không cần suy nghĩ, chị gái tôi trả lời rất nhanh:
-Của Liên Xô.
Thuỷ bất ngờ và tức tối, sẵng giọng:
-Sao chị lại nói như thế?
-Không trả lời như thế thì phải trả lời thế nào? Thế theo chị, Trường Sa, Hoàng Sa của nước nào?
Chị gái tôi hỏi vặn lại.
Thuỷ càng tức:
-Tôi yêu cầu chị trả lời, chị phải trả lời.
Chị gái tôi vẫn nhất quyết nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Liên Xô. Bị dồn quá, cuối cùng chị giải thích:
-Nếu nói Trường Sa, Hoàng Sa của Trung Quốc thì lương tâm tôi không cho phép. Còn nếu nói của Việt Nam thì các người lại bắt tôi đi tù như đã bắt em tôi à.
Tay an ninh nữ kia tím mặt.
Sau này, khi tôi bị côn an Hải Phòng hành hung ngay cổng nhà thì chúng cũng tiện thể khuyến mãi cho chị tôi vài cú đánh đến què tay. Tôi đoán, có lẽ đây là hậu quả từ câu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Liên Xô” cũng nên.
Tôi chợt nghĩ, nếu Phạm Bình Minh bắt chước chị gái tôi, đứng trước Đại hội đồng LHQ rồi đổ vạ đại cho …Liên Xô xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì có phải hay hơn không. Vừa không sợ mếch lòng tên xâm lược. Lại không bị người dân trong nước chửi là “đến cái tên cũng không dám nói”. Với lại, Liên Xô cũng chẳng còn làquốc gia nào trên thế giới này nữa cả.
Hoá ra, trí tuệ của ông Phó Thủ tướng còn thua xa trí tuệ của Phó Thường dân.
Phạm Thanh Nghiên
Có người nói là của người nước Lạ???
Cô Nghiên có người chị dạy học cho cách mạng hay ghê nghen!