Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng
Đêm qua ai có bạc đầu không?
Tôi nghe nhà báo Du Uyên kể chuyện pháo từ hôm trong Tết mà mãi tới bữa nay vẫn còn hơi bị ù tai:
“Nguyễn Đức Khánh, 31tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại một công ty kính cường lực ở Saigon hơn 10 năm nay. Vài năm nay, kinh tế vợ chồng anh ổn định hơn, nhất là khi mua được căn chung cư trả góp 15 năm. Để gia đình tự hào, anh hay… ‘chém gió’ vui vui mình lương cao, vài ba lần lỡ lời mình là giám đốc kinh doanh của công ty.
Tiền vé đắt đỏ, năm rồi gia đình đi tàu lửa về quê, anh phải chống chế với mẹ ‘Con lu bu không đặt kịp nên vé máy bay hết sạch’. Anh nhờ mẹ đặt xe ra ga đón mình. Anh nghĩ là xe khách như trước đây, không ngờ mẹ lo con cháu mệt, có tiền phải sướng tấm thân, nhất là ‘oai’ với hàng xóm nên đặt hẳn taxi đón con cho đoạn đường về quê hơn 120 cây số.
Vợ chồng anh méo mặt! Chưa hết, bố mẹ còn sắm sanh đủ thứ từ tivi mới, bàn ghế mới, mua hẳn cây mai gần 2 triệu đồng về chưng… Mẹ anh đồng bóng, phô trương, thích khoe con kiếm được nhiều tiền còn đi mua hai chỉ vàng đeo khoe hàng xóm.
Bà hớn hở nói, năm nay con về Tết, bỏ lì xì cho con cháu nhiều chút cho mát mày mát mặt. Bao lì xì con cháu, bà toàn bỏ 200,000 – 500,000 đồng, mấy đứa hàng xóm cũng phải bỏ tờ 100,000 mới được. Mẹ anh mượn tạm của bác Tám hàng xóm 30 triệu đồng sắm sanh, chuẩn bị trước cho kịp, giờ nói con sang trả. Đúng toàn bộ số tiền mặt anh mang theo.
Chưa hết, mấy ngày Tết, tốp bạn này đến nhóm bạn khác, đi nhậu, hát hò là… ưu tiên anh Khánh thanh toán với tâm lý, nó làm ‘to’ ở thành phố. Vài ba người biết ý mới góp tiền trả cùng anh. Rồi ở thôn còn đến nhà vận động những gia đình có con đi làm xa ủng hộ tiền làm đường, làm sân bóng hay là ủng hộ mừng thọ cho các vị cao tuổi…
Anh Khánh phải gọi vào cho bạn thân là chủ công ty, ứng tạm vài chục triệu để ‘xử lý khủng hoảng’. Sau đó, trở lại thành phố với sự căng thẳng của vợ con và vào cày ‘bục mặt’ để trả nợ. Năm nay, anh không dám về quê…!”
Anh Khánh, tất nhiên, không phải là người Việt Nam duy nhất sống gần kho đạn. Ở một đất nước đã từng đánh thắng liên tiếp mấy đế quốc to thì đạn dược chỗ nào mà không có nên dân nổ, chắc chắn, hơi nhiều. Tuy đông nhưng được cái là đám dân đen VN thường chỉ nổ vừa đủ nghe, cho anh em hay hàng xóm láng giềng giật mình chơi (thôi) chớ không vang dội tới bốn phương/tám hướng như giới lãnh đạo của xứ sở này. Họ nổ tưng bừng, và nổ không ngừng, khiến cho cả nước đều bị lùng bùng ráo trọi:
- Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước.”
- Nguyễn Chí Vịnh: “Bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục.”
- Nguyễn Mạnh Tiến: “Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới.”
- Nguyễn Xuân Phúc: “Đưa rồng việt nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ.”
- Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0.”
- Nguyễn Xuân Thắng: “Việt Nam giúp Đức ‘tìm lại những mặt ưu việt’ của CNXH hiện thực trước đây.”
- Nguyễn Trường Sơn: “Ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát hiện, điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV.”
- Nguyễn Đức Chung: “Phấn đấu không có trường hợp nào mắc bệnh do virus Corona.”
Đó là mới điểm sơ qua năm bẩy ông bà quan chức họ “NGUYỄN” thôi, chớ gộp chung tất cả rồi ngồi ghi chép lại hết chắc phải tới Tết (sang năm) hoặc dám cho tới chết luôn. Ngoài sự khác biệt về cường độ âm thanh, giữa dân pháo và quan pháo, còn có sự dị biệt lớn lao về ảnh hưởng của tiếng nổ nữa. Anh Khánh chỉ mới lạch tạch vài tiếng (“lương cao, nhà rộng”) mà đã “phải cầy bục mặt để trả nợ” suốt năm còn qúi vị lãnh đạo cấp cao thì cứ thi nhau nổ (lớn) vang trời mà chả ai bị hề hấn gì ráo trọi.
- Lê Duẩn: “Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.”
- Nông Đức Mạnh: “Năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.”
- Nguyễn Phú Trọng: “Không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn…”
FB Nhân Tuấn Trương bàn ra: “Lời nói của ông Trọng ‘nổ’ lớn tới đâu rồi cũng ‘bay’ đi. Thực tế sẽ mãi mãi ở lại.”
Thực tế ra sao?
FB Ngô Trường An ghi vội, qua loa, vài ba con số:
– Lương thấp nhất trong khu vực (thua các nước đến 10 lần)
– Thuế cao nhất so với các nước trong khu vực (cao hơn họ gấp 3 lần)
– Xuất khẩu lao động nhiều nhất so với cả Thế Giới (chấp luôn các nước nghèo châu Phi)
– Gái mại dâm VN ra nước ngoài bán dâm nhiều nhất.
– Bệnh ung thư cao nhất trong khu vực
– Chết vì tngt nhiều nhất
– Số hộ nghèo nhiều nhất
– Đi ra nước ngoài ăn cắp nhiều nhất
– Tệ nạn rượu bia cao nhất
– GS-TS nhiều nhất nhưng không có một phát minh, sáng chế nào.
– Tỷ lệ Tướng, Tá trong ngành công an, quân đội nhiều nhất so với cả Thế Giới.
– Tham nhũng nhiều nhất
– Chỉ số đáng sống thấp nhất 124/125…
Hệ quả của những lời hoa mỹ từ mồm miệng của qúi vị lãnh đạo quốc gia và thực tế (phũ phàng) của đất nước là “niềm tin đổ vỡ gần như sạch sẽ,” theo như nguyên văn lời của dân oan Nguyễn Thùy Dương:
“Trong vòng một tháng đầu tiên của năm 2020, tôi đã chứng kiến quá nhiều sự đổ vỡ, quá nhiều tấm mặt nạ bị lật ra, quá nhiều sự phân hoá. Qua hai sự kiện nổi bật là Đồng Tâm và virus Corona, niềm tin của một bộ phận không nhỏ người dân đối với Chính Quyền đã đỗ vỡ gần như sạch sẽ.”
Cùng thời điểm này, FB Trung Nguyễn còn chỉ ra một sự thực não lòng khác nữa liên quan đến chủ quyền của quốc gia:
“Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đầu năm 2020 mà người dân Việt Nam đi từ cái sốc này đến cái sốc khác về đảng cộng sản cầm quyền. Cú sốc đầu tiên là ‘ác với dân’ qua thảm sát Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020; còn cú sốc thứ hai là ‘hèn với giặc’ khi ngày 30/1/2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam chỉ có thể đóng cửa biên giới ngăn dịch viêm phổi cấp Vũ Hán khi được cộng sản Trung Quốc đồng ý.”
Điều đáng quan ngại hơn hết là hiện tượng “vỡ đê đạo đức, hệ thống đức tin sụp đổ… Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất” – theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Thảo nào T.T.B.B.T Trần Quốc Vượng không dấu được nỗi bi quan về “nguy cơ sụp đổ.” Không đổ thì mới là chuyện lạ nhưng nó đổ rồi sao?
What’s next?
Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng. Đêm qua có ai bạc đầu không?