Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị VN – Trung Quốc
Ngày 4 tháng 12 năm 2015, ông Nguyễn Thế Thảo rời chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố cùng với tiếng thở ra (nhẹ nhõm) của không ít người dân Hà Nội. Riêng Nguyễn Xuân Diện thì không nén được một tiếng … thở phào: “Ông Nguyễn Thế Thảo đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể…”
Nói thế, tôi e là vị T.S Hán Nôm của chúng ta hơi kiệm lời và cũng chưa hoàn toàn chính xác. Ngoài việc cắt một phần lá phổi của thủ đô bằng cách đốn hàng ngàn cây cổ thụ, vị “chính khách” này còn để lại những dấu ấn rất khó phai ( “cắt đá” và “múa đôi”) giữa lòng Hà Nội.
Vị chủ tịch kế nhiệm, và đương nhiệm, Nguyễn Đức Chung – xem ra – có vẻ nhận được nhiều thiện cảm hơn, và kỳ vọng (xem chừng) cũng lớn lao hơn. Bác sỹ Trần Tuấn, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu & Đào Tạo Phát Triển Cộng Đồng, tâm sự:
“Tôi cho rằng giai đoạn vừa rồi, khi mà Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ở vị trí lãnh đạo, không có một di sản nào mà tôi cho rằng gọi là tích cực đọng lại trong tôi...
“Thế còn về mặt trong tương lai, thách thức thế nào với vị Chủ tịch mới, tôi cho rằng là thách thức hết sức lớn, bởi vì là sự toàn cầu hóa, sự gia nhập hiện nay, và đặc biệt sự cởi mở thông tin, sự phát triển của các tư vấn, phản biện, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức xã hội, nó sẽ là một thách thức rất mạnh mẽ đối với vị Chủ tịch mới.”
Kể từ khi nhận chức, ông Nguyễn Đức Chung được công luận ghi nhận như một người vô cùng … năng nổ:
- Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra vụ cột điện ‘mọc’ xuyên nhà 4 tầng
- Nắng nóng kéo dài, Chủ tịch Hà Nội ra công điện hỏa tốc
- Cá chết trắng hồ Hoàng Cầu: Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cứu cá ngay trong đêm
- Chàng Tây dọn rác dưới mương được Chủ tịch Hà Nội biểu dương
- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý vụ hai cháu bé tử vong dưới hố nước
- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng tại nhà tái định cư G9
- Chủ tịch Chung chỉ đạo tại hiện trường sập nhà Cửa Bắc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận xét: “Với những việc đã làm, có thể cảm nhận ban đầu rằng, ông Nguyễn Đức Chung có thể cùng lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt để xây dựng một Hà Nội dài lâu xứng danh đất ngàn năm văn vật.”
Ông Nguyễn Đức Chung, ngó bộ, cũng là một kẻ “có lòng” nhưng để “lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt” thì e “tấm lòng” chưa đủ. Ông cần có tầm nhìn kỹ trị của người đứng đầu một thành phố lớn nhất Việt Nam, cùng với vô số những vấn đề lớn lao và cấp thiết hơn là chuyện đứng (xớ rớ) chỉ trỏ vào một căn nhà đã xập hay “chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng” hoặc đi “kiểm tra cột điện.”
Tuy thế, trong một thể chế mà những kẻ xấu xa, tàn ác vẫn thường ở vị trí lãnh đạo rất cao thì cái tâm của Nguyễn Đức Chung (nếu thật) vẫn cần phải được ghi nhận như là một điểm son khó kiếm. Điều đáng tiếc là ngay cả cái vết son nho nhỏ này – dường như – cũng không thực lắm và đã biến mất, sau biến cố Đồng Tâm. Sự việc được RFA ghi nhận, một cách khái quát, như sau:
Mảnh đất hơn 100 ha tại Đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo chính quyền là đất quốc phòng và đòi thu lại cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong khi đó người dân lại nói chỉ có một phần đất là của quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp của họ.
Vào tháng 4 cơ quan chức năng nói mời đại diên người dân đến để đo đất; nhưng sau đó xảy ra việc bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm và gây thương tích cho một cụ già trong quá trình bắt giữ. Bức xúc trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân; người dân Đồng Tâm đã trả đũa bằng cách giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin từ ngày 15 đến ngày 22 tháng tư.
Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân và viết một bản cam kết trong đó có một nội dung là sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Vụ việc gây xáo động dư luận một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng công bố kết luận thanh tra chính thức khu đất tranh chấp với nội dung là khu đất đó là đất quốc phòng.
Bản kết luận tiếp tục khiến người dân phẫn nộ và yêu cầu thanh tra lại. Cho đến tận bây giờ, những căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa nguôi ngoai, dân thì không chấp nhận kết luận thanh tra, còn cơ quan chức năng coi kết luận đó là văn bản chính thức, đất là của quốc phòng không còn gì chối cãi.
Sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội liên tục có các động thái khiến nhiều người dân Đồng Tâm càng thêm bức xúc chẳng hạn như gửi giấy triệu tập đến cả trăm người dân, và thậm chí là kêu gọi họ ra đầu thú...
Quyết định khởi tố vụ việc bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản ở xã Đồng Tâm mà phía công an đưa ra cũng khiến không chỉ người dân Đồng Tâm mà nhiều người quan tâm theo dõi cho rằng đó là một sự bội ước, thất hứa từ phía chính quyền, mà đại diện là ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “ông Chung phải tự phủ nhận các cam kết của mình đối với bà con xã Đồng Tâm là do áp lực từ những phe cánh trong quân đội và chắc chắn có những chỉ thị từ Nguyễn Phú Trọng, đương kiêm Bí thư quân ủy trung ương,” chứ tự thâm tâm vị quan chức này không phải là người “tráo trở” hay là kẻ “lật kèo.”
Mưa Sài Gòn/ Mưa Hà Nội
Dư luận còn đang phân vân thì cả tâm lẫn tầm của ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đều đã được mọi người nhìn nhận rõ hơn, qua lời tuyên bố, vào hôm 17 tháng 6 năm 2018: “Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị VN – Trung Quốc.”
Dịch giả Phạm Nguyên Trường lại phải mất công ghi lại dăm ba “sự cố” liên quan đến mối tình hữu nghị thắm thiết, và thảm thiết, này:
- Năm 1974, sau khi sát hại 74 sĩ quan, chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
2. Năm 1979, sau khi chế độ cộng sản Campuchia (gọi là Khme đỏ) do Trung cộng bảo trợ, bị quân Việt Nam tống khứ ra khỏi Phnong Penh, Trung Quốc xia 300 ngàn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha.
3. Năm 1988, quân Trung cộng tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam, tay không tấc sắt trên bãi đá Gạc Ma và chiếm bãi đá này từ đó đến nay.
4. Trung cộng liên tục giết hại ngư dân Việt Nam ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam, không hề tỏ lòng nhân đạo khi ngư dân ta gặp nạn.
Sự ngờ nghệch của ông Chủ Tịch Thành Phố khiến FB Nguyễn Ngọc Chu hốt hoảng đặt vấn đề: “Thủ Đô đang nằm trong tay ai?” Cá nhân ông Nguyễn Đức Chung, theo tôi, không có bổn phận phải trả lời câu hỏi này vì tổ quốc đang mất dần, từng mảng, chứ chả riêng chi Hà Nội!
Tưởng Năng Tiến
Có ai biết ghế chủ tịch của Nguyển Đ Chung giá bao nhiêu không? Cám ơn.
Tôi có xem câu chuyện của vở kịch thời Liên Xô củ : Một bà già ở miền cực Đông của Nga,khi nghe tin tên bí thư Huyện chết,bà reo mùng,nhảy múa…vì nghĩ rằng từ nay
sẽ qua thời đen tối. Bà chờ đợi và hoan hô, khi Bí thư mới được bổ nhiệm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn…Bà tuyệt vọng ! thì té ra tên Bí thư mới còn hung ác hơn tên BT củ. Lần nầy thì bà cầu nguyện cho tên nầy chết đi ! Và nó chết thật ,vì bệnh tật…
Đảng tổ chức đám tang rất lớn. Nhưng tội ác mà y để lại cho Dân thì không ai ngó lại. Nửa đêm Bà ra nghĩa địa, đào mồ tên Bí thư đả chết ,để trả thù, Bị bắt ,ra tòa. Tòa hỏi Bà, tại sao đào mồ người chết ? Bà trả lời dỏng dạt: Tội ác không phải chôn lấp là hết.Phải đào lên,để mọi người thấy tội ác mà tránh. Có thế mới hy vọng chấm dứt tôi ác ! Thưa quí bà con,rồi đây không biết VN mình có đủ người để đi đào Tội Ác
không ??