Phóng viên không biên giới đòi hủy bỏ luật an ninh mạng

1

Paris 14/06/2018: Tổ chức Phóng Viên Không biên Giới (RSF, Reporters sans Frontières), trụ sở tại Paris, vừa lên tiếng tố cáo chính quyền VN đi thêm một bước nữa trong kế hoạch tiêu diệt quyền tự do báo chí ở VN.

Thông cáo của RSF ( 14/06 ) viết: người ta vừa chứng kiến ‘’ thêm một đợt tấn công ồ ạt trong trận chiến tàn nhẫn của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với những tiếng nói độc lập tại xứ này. Ngày thứ Ba, 12/06, Quốc hội đã biểu quyết, với 86 % số phiếu, thông qua dự luật an ninh mạng. Bản dự luật này, một bản sao của luật đã thi hành ở nước Tàu từ 1 tháng 6/ 2017, sẽ có hậu quả nghiêm trọng tới quyền tự do thông tin.’’

RSF nói, điều 8 và 15, chẳng hạn, truy tố những hành vi phủ nhận những thành quả của cách mạng, xúc phạm các anh hùng dân tộc, hay loan truyền những tin tức gọi là thất thiệt có thể gây rối trật tự công cộng. Những từ ngữ mơ hồ trên có thể gán cho bất cứ ai loan trên mạng những tin tức không vừa ý nhà cầm quyền. Một dữ kiện khác đáng lo ngại : Google hay Facebook bắt buộc phải kiểm duyệt tất cả những bài vở có nội dung mâu thuẫn với chính quyền, phải chứa tất cả những dữ kiện liên quan tới những người xử dụng mạng trên lãnh thổ Việt Nam, và nộp nhà nước nếu có yêu cầu. Luật này theo dự trù, sẽ được thực thi kể từ 1 tháng Giêng, 2019.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên, RSF, giới kêu gọi các dân biểu VN hủy bỏ nhanh chóng luật an ninh mạng, một đạo luật tiêu diệt tự do ngôn luận, gia tăng sự kiểm soát của nhà cầm quyền đối với thông tin, báo chí.

Ông Daniel Bastard, trưởng phòng Á Châu-Thái bình Dương của RSF nói ‘’mặc dù nhà nước đã bỏ tù 30 bloggers, mặc dù sự kiểm soát các mạng xã hội, mặc dù hàng ngũ dư luận viên, Internet cho tới nay là địa hạt duy nhất để trao đổi những thông tin khả tín và độc lập giữa các công dân. Những người cầm đầu đảng CS muốn tiêu diệt ổ đề kháng này. Chúng tôi kêu gọi các cơ sở mạng ( Google, Facebook ) đừng nhượng bộ sự dọa nạt không thể chấp nhận này. ‘’

RSF cho hay mặc dầu báo chí chính thức, lệ thuộc Đảng CS, không được quyền lên tiếng, nhiều nhân vật, trong hay ngoài Đảng đã bày tỏ sự quan ngại đối với nội dung luật an ninh mạng. Cá nhà trí thức, luật gia, cựu chiến binh, và ngay cả một số dân biểu , không những đã kết án việc vi phạm quyền tự do ngôn luận, đã nhấn mạnh việc thực thi đạo luật này sẽ có những hậu quả tai hại tới kinh tế quốc gia. RSF cho hay một kiến nghị đòi hủy bỏ luật an ninh mạng đã thâu được 63.000 chữ ký.

Từ Thức

1 BÌNH LUẬN

  1. Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về Luật an ninh mạng – 15 tháng 6 2018

    Hôm 14/6 , văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc gửi thông cáo bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ Luật an ninh mạng. LHQ nhận định rằng bộ luật này “chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký” .

    Thông cáo của Liên hiệp quốc giải thích những điều khiến họ quan ngại, gồm:

    ” Luật an ninh mạng cho phép Chính quyền yêu cầu các công ty công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng, từ chối cung cấp dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người dùng mà không cần đến quyết định của tòa án.”

    “Luật an ninh mạng có thể được Chính quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng.”

    Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Hà Nội:”Cung cấp môi trường thuận lợi cho tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời ở Việt Nam.”

    Ngoài những quan ngại về Luật an ninh mạng, văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc còn cho biết:

    “Rất quan tâm tới các báo cáo đụng độ giữa những người biểu tình và công an trên khắp Việt Nam trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối Dự luật về các đặc khu kinh tế và Luật an ninh mạng,” và “đặc biệt lo ngại với cáo buộc- một số người biểu tình đã bị các cơ quan thực thi pháp luật đánh đập.”

    Kết thúc thông cáo, văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc cảnh báo:

    “Các vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận, biểu đạt và lập hội dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết vào đầu năm 2019, trong các phiên kiểm điểm đối với Việt Nam, trong khuôn khổ của kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR). Đồng thời, Uỷ ban Nhân quyền LHQ cũng sẽ đánh giá mức độ thực hiện của Việt Nam đối với những cam kết của nước này theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên