Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, có vẻ như cơ hội để ông Quang được công khai xem như người đứng đầu quốc gia đã chấm dứt. Mọi việc phải quay lại với quy tắc đảng lãnh đạo toàn diện, không có ai và không có nhân vật nào được phép lấn át đảng, tự xếp mình đứng cao hơn đảng. Có nghĩa là Chủ tịch nước, dù là người được Hiến pháp xưng tôn đứng đầu quốc gia, đại diện cao nhất về đối nội và đối ngoại, nhưng chỉ là người được đảng phân công, danh nghĩa là người thứ hai sau Tổng bí thư đảng, nhưng thực chất, về mặt quyền lực thực tế, đứng sau Thủ tướng, sau Chủ tịch Quốc Hội.
Những ngày ông Quang được nghiễm nhiên thừa nhận là nguyên thủ quốc gia, trước mắt bàn dân thiên hạ đã kết thúc. Việc phải để ông đứng ở vị trí số một quốc gia, làm lu mờ vị trí người đứng đầu đảng là một việc làm miễn cưỡng, bất đắc dĩ.
Uỷ ban APEC quốc gia 2017 được bộ chính trị và Thủ tướng chính phủ thành lập từ 7/năm 2015, trong bối cảnh một dự báo gần như chắc chắn rằng đảng Dân chủ Mỹ sẽ thắng cử và có thể Bà Hillary sẽ kế tục các chính sách do ông Obama để lại, tiếp tục xem chế độ do đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền như một thể chế chính trị bình đẳng về tư cách. Nhưng, lịch sử đã có bước đi lệch. Ông Donald Trump đã trúng cử tổng thống với chính sách có bề ngoài căm ghét tất cả những gì được làm ra trước đó bởi ông Tổng thống da đen, kể cả việc đã đón tiếp ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại phòng Bầu dục Nhà Trắng như một nguyên thủ quốc gia. Hình như ông Trump căm ghét điều đó. Tổng bí thư một đảng cộng sản trong Nhà Trắng. Còn gì đáng tệ hơn thế!
Chính vì vậy mà, cho Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 13/01,thông qua bộ trưởng ngoại giao Mỹ Jhon Kerry chính thức chuyển «lời mời của lãnh đạo Việt Nam tới ngài Tổng thống mới đắc cử», sau đó chủ tịch Trần Đại Quang nhắc lại trong buổi tiếp ông Ted Osius ngày 31/3, rồi lại tiếp tục được nhắc lại trong chuyến thăm chính thức của ông Phúc cuối tháng 5, nhưng, chính phủ Mỹ không trả lời chính thức. Suốt một thời gian dài, cả hai bộ ngoại giao đã có rất nhiều cố gắng thu xếp cho chuyến đi thăm, nhưng hình như có những vướng mắc không vượt qua được.
Ngày tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đến gần, trong khi tất cả các quốc gia tham dự đều đã đăng ký chính thức, thì Mỹ vẫn im lặng. Có rất nhiều phỏng đoán về những trục trặc ngoại giao giữa hai nước. Mãi đến khi Nhà Trắng thông báo muộn, ngày 16/10/2017 rằng Tổng thống Mỹ Ronald Trump sẽ đến Đà Nẵng ngày 10/11 và sẽ ra Hà Nội gặp chủ tịch nước Trần Đại Quang và một vài lãnh đạo Việt Nam ngày 11/10, khi đó người ta mới «ngộ» ra rằng, vấn đề thảo luận khó khăn giữa hai bộ ngoại giao hai nứớc chính là việc Tổng thống Mỹ «từ chối» gặp lãnh đạo đảng. Ông Trump sang Việt Nam với tư cách là Tổng thống của nước Mỹ, không phải là đại diện của đảng Cộng Hoà Mỹ. Ông là nguyên thủ quốc gia, không phải chỉ là đại diện của một đảng chính trị.
Và cũng chỉ sau khi hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc, sự thật mới lộ dần ra. Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam và sẽ gặp chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 16/10/2017, thì sáng ngày 17/10/ 2017, ông Quang có chuyến thăm làm việc với Bộ Quốc phòng và kiểm tra luyện tập tại trường huấn luyện Miếu Môn. Gọi là « làm việc với Bộ quốc phòng » với tư cách chủ tịch nước, theo Hiến pháp 2013 là «Thống soái các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội Đồng Quốc phòng và An ninh», nhưng cùng đi với ông Quang không thấy báo chí nêu tên một ai, và phía Bộ quốc phòng, làm việc với chủ tịch nước, chỉ có một mình ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng, không có một nhân vật nào khác.
Nhưng vào ngày 19/11/ 2017 vừa rồi, tức là gần đúng một tháng sau, một cuộc kiểm tra huấn luyện khác được tổ chức, nhưng do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Báo Quân đội nêu: «Cùng đi với đồng chí Tổng Bí thư có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư QUTW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTW, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ QUTW, Tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ QUTW và Thượng tướng Bế Xuân Trường.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng tham mưu trưởng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT, cùng các đồng chí: Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng tham mưu trưởng; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT».
Vậy mà ông Tổng tư lệnh quân đội nhân dân, Uỷ viên thường trực Quân uỷ trung ương, Chủ tịch hội đồng Quốc phòng An ninh, chủ tịch nước Trần Đại Quang thì vắng mặt.
Ngày 21/11/2017, Đảng uỷ Công An họp thường kỳ, có mặt ông Trọng, ông Phúc, ông Tô Lâm và tất cả các uỷ viên khác, nhưng ông Trần Đại Quang, uỷ viên thường trực đảng uỷ Công An, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia lại vẫn vắng mặt. Cuộc họp được ghi rõ là «thường kỳ», nghĩa là đã có kế hoạch và đã có lịch từ trước, nhưng ông Quang vắng mặt không rõ lý do, báo chí không nói gì đến. Ngày 16/11, ông Quang gửi thư chúc mừng giải nhân tài năm 2017, ngày 20/11 ông gửi lẵng hoa cho ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 21/11, ông gửi cho Đà Nẵng thư khen ngợi thành công APEC, ngày 22/11 ông tiếp đoàn công dân Lào. Có nghĩa rằng, ông Quang đang có mặt tại Hà Nội, và chẳng có hoạt động gì đột xuất. Người ta buộc phải nghĩ rằng, ông Quang đã không được dự. Người ta đã không cho phép ông dự. Ông Quang đã không còn là Tổng tư lệnh quân đội và công Quang không còn là Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, có nghĩa là ông không phải là nguyên thủ, ông đã mất chức chủ tịch nước?
Tại sao? Ông Quang đã bị kỷ luật trong nội bộ Bộ chính trị và đã bị tước quyền Chủ tịch nước? Nếu có như vậy, thì từ bao giờ?
Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên có hai nội dung:
«1- Kể từ ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.
2- Giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xác định tuổi của đảng viên; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận này.»
Như vậy, tuổi trong bản lý lịch sửa đổi, ông Quang đã chữa ngày sinh từ 1950 thành 1956. Sự thật sau khi có kết luận của Ban Kiểm tra trung ương có thể dẫn đến việc thi hành kỷ luật ông Quang tội lừa dối, vi phạm điều lệ đảng viên tuyên thệ khi kết nạp. Với tội này, ông Quang thậm chí có thể bị khai trừ ra khỏi đảng.
Ngoài cái tội không thể chối cãi này, ông Quang còn thuộc một trong những nhân vật quan trọng trong hệ thống dưới quyền ông Nguyễn Tấn Dũng, được xét mặc nhiên, không nhiều thì ít, dính líu tới các phi vụ tham nhũng nổi tiếng. Tử tù Dương Chí Dũng trước toà, từng khai nhờ thượng tướng Phạm Quý Ngọ, khi đó là thứ trưởng Bộ công an đặc trách vụ án Vinashine, chuyển hộ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát 1 triệu đô-la cho một «ông anh cấp cao». Tiếp sau đó, Dũng thì chịu án tử hình(có tin đã chết bất đắc kỳ tử trong tù), Phạm Quý Ngọ thì chết vì ung thư «rất đúng lúc». Và người ta cũng không thể không đặt dấu hỏi về sự trùng lặp giữa việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/07, tự thú với Bộ công an ngày 25/07, với chuyện ông Quang biến mất ngày 26/07. Có tin nói khi đó rằng, trong tù, Vũ Đức Thuận và đồng bọn tội phạm thuộc hệ thống PVN và PVC đã cung khai hết, trong đó có chứng cớ dính đến tội của ông Quang. Bộ chính trị quyết định bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về đối chứng để kết luận bằng mọi giá, vì nếu dính tới ông Quang, đương kim chủ tịch nước là vấn đề sinh mệnh cuả chế độ. Theo lô-gic này, ông Quang phải bị bắt. Nhưng ông đã chỉ bị giám quản vì sự việc qúa nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.
Như vậy, ông Quang thực chất đã không còn là chủ tịch nước từ tháng 7/2017.
Có thể chưa có nghị quyết của Bộ chính trị, nhưng chắc chắn đã được quyết định bởi bộ ba quyết định mọi thứ, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Trần Quốc Vượng.
Theo tập quán, ông Quang không còn được phép xuất hiện trước công chúng trong tư cách chủ tịch nước. Ông Quang ngày 24/07 gửi đăng một bài viết rất dài nhân ngày thương binh liệt sĩ, nhưng đúng ngày 27/07, khi tất cả các lãnh đạo đảng và nhà nước, đặc biệt là Bộ Tứ, viếng lăng Hồ Chủ tịch và thắp hương tưởng niệm tại đài Liệt sĩ, thì ông Quang, chủ tịch nước, là người duy nhất vắng mặt. Ông đã được báo trước không được có mặt?
Nghiêm trọng hơn, ông Quang không thể và không có quyền đại diện Nhà nước Việt Nam với tư cách nguyên thủ quốc gia trong Tuần Thượng đỉnh của Hội nghị APEC 2017 vào đầu tháng 11.
Một kế hoạch thay thế ông Quang hình thành. Ông Quang phải «bị vắng mặt». Người thay thế nguyên thủ không ai khác là ông Trọng, tổng bí thư đảng. Để công chúng và thế giới quen và chấp nhận điều đó, Tổng bí thư sẽ đi thăm các quốc gia trong tư cách người đứng đầu Nhà nước. Ngày 22/07, Ông Trọng đi thăm vương quốc Cămpuchia, mặc dù mới trước đó, ông Phúc đã có chuyến thăm 3 ngày cấp Nhà nước, từ 24-26/4/2017, nên thăm, nhưng không ký kết gì. Và liền sau đó là hai cuộc viếng thăm khác, không kém nhạt nhẽo, Indonesie và Mianmar, không nhân một sự kiện gì và không có nội dung cụ thể nào. Hai chuyến thăm cấp Nhà nước này kéo dài đúng một tuần lễ, chưa từng có trước đó, từ ngày 21 tới ngày 26/08, trong bối cảnh ông Quang đã vắng mặt không rõ lý do từ đúng một tháng. Có vẻ chỉ để chứng minh rằng, Việt Nam vẫn có Nguyên thủ mà không cần sự có mặt của ông Quang. Thông điệp này, có lẽ đặc biệt cung cấp dữ liệu cho các cuộc bàn thảo đang được tiến hành giữa bộ ngoại giao hai nước Việt-Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, mà cho đến lúc đó vẫn chưa có trả lời chính thức của Nhà Trắng.
Gần như cùng một lúc, báo chí phát động chiến dịch tuyên truyền và vận động cho chủ trương nhất thể hoá chính quyền và Đảng, bí thư cấp uỷ đảng trực tiếp kiêm chức chủ tịch, đã được tổ chức thí điểm nhiều năm tại Quảng Ninh sẽ được đưa vào nghị quyết Hội nghị Trung Ương 6 vào đầu tháng 10.
Nhưng có lẽ mưu sự tại nhân, nhưng thành sự thì tại thiên.
Ngày 27/08 ông Trọng kết thúc các chuyến thăm và về đến Hà Nội thì ngày 28/08 ông Quang xuất hiện trở lại bằng việc tiếp đại sứ Cuba mãn nhiệm, cùng một lúc với thông tin không chính thức rằng, chính phủ Mỹ không chấp nhận «kênh đảng». Ông Trọng, giả sử muốn kiêm làm chủ tịch nước, nhất thiết phải được toàn dân bầu trực tiếp, hoặc ít nhất cũng được Quốc hội bầu. Không có đảng lẫn lộn hay «đè» lên Chính phủ. Bộ chính trị phải công bố kỷ luật, Quốc Hội phải tổ chức họp bất thường, bãi miễn chủ tịch đương nhiệm và bầu Chủ tịch mới thay thế. Quy trình là vậy, nhưng không làm được, ít nhất là vì không còn thời gian nữa. Bộ chính trị hay chính ông Trọng và thân cận của ông Trọng đành chịu thua, chấp nhận để ông Quang chủ trì APEC và lễ đón Tổng thống Mỹ. Ngày 16/10, Nhà Trắng thông báo chính thức lịch thăm Việt Nam và dự Hội nghị APEC của tổng thống Trump, nêu đích danh gặp ông Trần Đại Quang. Thực tế, ngoài lễ đón và hội đàm Tuyên bố chung với ông Quang, tổng thống Mỹ hội kiến ông Phúc, gặp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhưng chỉ chào xã giao ông Trọng.
Sự việc đã xảy ra như vậy, khiến một người như ông Trọng có thể bỏ qua không? Ngay sau khi ông Trump rời Việt Nam, ông Trọng là người đích thân đón và tiếp ông Tập Cận Bình không phải tại trụ sở Trung ương đảng mà ngay chính phủ Chủ tịch. Ông Trọng hội đàm với ông Tập và hai vị đứng đầu hai đảng chứng kiến lễ ký và trao các văn bản hiệp định ký kết giữa hai đảng, hai nhà nước. Ông Tập chỉ hội kiến chớp nhoáng với ông Quang và ra tuyên bố chung theo nội dung đã thống nhất trước đó. Tổng bí thư đảng là người chủ đàm và quyết định. Chủ tịch nước chỉ là người hoàn tất thủ tục. Chuyện không có gì mới, nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng phân biệt Bí thư và chủ tịch nước một cách lộ liễu và cố tình ác ý như vậy.
Người ta càng buộc phải đi đến một đoán định rằng, có lẽ, ông Quang đã không còn là chủ tịch nước.
Bây giờ, người ta chỉ còn đợi Bộ chính trị sẽ dàn dựng các trò diễn như thế nào để ông Quang biến khỏi chính trường một cách vừa đúng quy trình vừa chứng tỏ đảng là một cái bọc đoàn kết thống nhất. Không thiếu gì cách. Đến như ông Phùng Quang Thanh, bị giam lỏng cả tháng trong khuôn viên Bộ quốc phòng, mà vẫn ngồi trên chủ tịch đoàn Đại hội XII và vẫn về hưu yên bình, giàu có, thì chỉ cần ông Quang chịu khuất phục, là đủ! Ông vẫn có thể cứ ngồi yên ở vị trí chủ tịch, vì đã bao giờ Việt Nam có chủ tịch thực đâu. Chủ tịch nhưng dưới quyền Tổng bí thư, dưới cả quyền Thủ tướng và Chủ tịch Quốc Hội, thì Chủ tịch quá lắm cũng chỉ là con rối hay thằng hề, chắc ông Quang cũng chẳng mặn mà gì.! Ông tổng bí thư lại đang muốn theo gương ông Tập người Trung Quốc, cái gì cũng phải thực chất và hiệu quả.
24/11/2017
Bùi Quang Vơm