Niềm tin và hy vọng

1
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh Thanh Niên

 

Sau những ngày theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ thấy dân ta chia ra ba phe: Phe ôn hoà, phe “cuồng Trump” và phe “cuồng chống Trump” (như trên mạng xã hội thường gọi), đều có vẻ mệt mỏi rồi. Chuyện bầu cử Mỹ quá hấp dẫn, theo dõi rất thú vị và cũng hiểu ra được nhiều điều. Nhưng chuyện nước mình mới quan trọng và cũng hấp dẫn lắm.
Theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này bộc lộ rõ hai mặt của đời sống chính trị nước nhà: Một bên là một số quan chức cấp cao của chính phủ (các bộ trưởng, chánh án Toà tối cao…) và một số đại biểu Quốc hội phát biểu làm dân chán ngán; một bên khác, xuất hiện mấy đại biểu Quốc hội trẻ tuổi làm sôi động diễn đàn Quốc hội và dư luận xã hội, khiến nhiều người dân thấy le lói NIỀM TIN và HY VỌNG vào thế hệ trẻ.
1. Về phía các quan chức Chính phủ, nhà báo Nguyễn Thông đã khái quát trong một status trên FB: “Cười như mếu”:
“Dàn bộ trưởng của chính phủ kiến tạo ngày càng lộ sự dở hơi khiến người nghe họ phát biểu rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Một chính phủ nào những Thể (giao thông), Nhạ (giáo dục), Hà (tài môi), Cường (nông nghiệp), Tuấn Anh (công thương), Hùng (4T), Thiện (văn thể du), Dũng (VP chính phủ)… lôm ca lôm côm, nói năng í ới, nổ một tấc tới giời… thì tội cho xứ này lắm…” (1)
Đặc biệt là việc Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị tăng học phí: “Theo đề xuất này, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021”(2).. đã gây nên sự phản ứng dữ dội trong xã hội. Cách đây 30 – 40 năm, nước ta đã miễn phí đối với học sinh phổ thông, nay đất nước phát triển hơn nhiều thì không miễn giảm học phí mà lại tăng là sao? Đề xuất tăng học phí là trái với Luật Phổ cập giáo dục, trái với tinh thần Hiến pháp (2013), đi ngược lại xu thế phát triển của các nước khối ASEAN và thế giới… Nhất là trong bối cảnh mấy tỉnh miền Trung bị bão lũ thảm khốc và toàn dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì càng cho thấy sự non kém, vô cảm của những người đưa ra đề xuất này.
2. Về một số đại biểu Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, được nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “QUẢNG BÌNH CÓ AI TỆ HẠI HƠN ÔNG?”
“Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, đơn vị Quảng Bình đứng lên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường.
(nhưng) Giữa nghị trường, ông Phương tuôn ra những lời vàng ngọc ca ngợi ông Cường và ca ngợi cán bộ cứu khổ cứu nạn như những bồ tát sống.
Sợ nịnh không kịp thời gian, đại biểu Phương cầm giấy đọc tràng giang đại hải toàn những lời trên mây đến nỗi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn phải bấm chuông cái keng nhắc nhở “Hết giờ! Đại biểu chưa đặt câu hỏi”.
Tôi đi Quảng Bình nhiều lần, từ cán bộ cho đến dân thường, thật lòng chưa thấy người nào có tư cách hèn hạ nịnh hót không biết ngượng mồm như ông Phương”…(3)
ĐBQH TS Nguyễn Đức Kiên phát biểu về tình trạng bằng giả, tại nghị trường như sau: “’Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn’…”. (4)
Những phát ngôn của mấy ĐBQH nói trên và một số khác nữa tại nghị trường đã khiến dư luận xã hội rất thất vọng, gọi họ là “ngáo đá”, “nịnh bợ”…, “ngồi nhầm chỗ”, “ăn hại”!…
Một số ĐBQH kỳ cựu, được dân mến mộ, nhưng vẫn quen phát biểu kiểu “ba sôi, hai lạnh”, nghĩa là nêu lên ba phần ưu điểm của Chính phủ, rồi mới từ tốn nêu ra hai phần khuyết điểm… Dân nghe mãi kiểu này cũng thấy nhạt phèo!
3. May mắn, xuất hiện mấy ĐBQH trẻ, đem lại sinh khí cho Quốc hội. Mấy đại biểu này thể hiện rõ ý thức là đại diện của nhân dân, trách nhiệm với đất nước, nói lên suy nghĩ, nỗi niềm của người dân với thái độ trung thực, đầy trách nhiệm và một thứ tư duy, ngôn ngữ mới mẻ, vừa có tri thức, vừa đầy chất liệu của đời sống, đi thẳng vào vấn đề…Mấy bài phát biểu của các ĐBQH trẻ này được hầu hết các báo trân trọng đăng nguyên văn và lan toả rộng khắp trên mạng xã hội với vô vàn người yêu thích và những lời bình luận đầy cảm hứng.
Đó là ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, có bài phát biểu khởi đầu. Trong đó, Nguyễn Lân Hiếu nói về hai vấn đề: Lũ lụt miền Trung và Giáo dục liên quan với nhau.
Về lũ lụt miền Trung ông nêu rõ nguyên nhân cơ bản, mà Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường đều cố tình né tránh. Ông nói: “Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã “tấn công” vào mẹ Trái đất, “tấn công” vào những ngọn núi con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng nghìn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.
Vừa trở về từ miền Trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi”…”Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ”…
Về vấn đề giáo dục, Nguyễn Lân Hiếu nói: “Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.
Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp một với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và nói dối”…
Mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman: “Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng”…
“Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự phát triển đất nước vững chắc trong tương lai. Đừng để cho những tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp.
Nếu có ấn tượng thì nên dành sự ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung và rộng lượng. Và tôi tin Việt Nam sẽ có thật nhiều những người trẻ tuổi thông minh, tài giỏi đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên”…(5)
Đó là ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: … “Quan sát và lắng nghe dư luận xã hội là một phần tất yếu trong công tác điều hành, quản lý nhà nước. Tôi tin Chính phủ sẽ thừa hiểu không phải tự nhiên mà phần lớn xã hội đã bức xúc và giận dữ khi nhắc về bộ sách giáo khoa lớp 1 trong thời gian gần đây”...
“Người lớn đã sai rồi. Sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược. Chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của những người lớn, nó quá sức tiếp thu của một đứa trẻ”…
“Cá nhân tôi trước khi lên tiếng về vấn đề này đã mua sách về đọc, ghi chép, liệt kê từng nội dung mà mình chưa hiểu thấu, đã gặp gỡ giáo viên và phụ huynh để thảo luận, đã tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn về ngôn ngữ tâm lý học. Tôi tin họ có thừa năng lực, đủ phẩm chất và tâm thức để có góc nhìn khoa học, thấu đáo trong giáo dục trẻ em”… Với những phân tích nêu trên, ĐBQH này kiến nghị 3 điều:
Một là, Chính phủ và các bên liên quan cần có trách nhiệm đúng đắn, nghiêm túc, đứng về phía quyền lợi của trẻ em. Đừng có trút trách nhiệm cho giáo viên, cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Thứ hai, tôi rất mong với tất cả niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo cần mạnh dạn nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho dừng sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, cần thiết thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt…
Thứ ba, “Tôi rất mong Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng khâu, từng cấp, từng bộ phận, xem xét, bổ sung, thay đổi, điều chỉnh Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và càng không thể trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm. Không có người dân nào đủ kiên nhẫn rút mãi sợi dây vô định này bằng sức lực của niềm tin”…(6)
Đó là ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) nổi tiếng với câu: ‘Nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự thấy sai sai’. Cô đã chất vấn liền 3 bộ trưởng.
Tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng, nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. “Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”… “nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự là thấy sai sai”…
Theo bà Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”…
Với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh bà nhấn mạnh việc xử lý các tấm pin mặt trời của các dự án điện mặt trời: Điều người dân cần là người đứng đầu ngành này có phương án đối với việc đó, chứ “không thể nói là đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý”…
“Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”... (7)
TÓM LẠI, may mắn có mấy đại biểu trẻ đem lại sức sống mới cho Quốc hội. Từ đó lóe lên Niềm tin và Hy vọng vào lớp người trẻ tuổi của đất nước có tầm nhìn ra thế giới, có tri thức, có tư duy độc lập, có bản lĩnh nhờ trải nghiệm, trui rèn trong cuộc sống đầy thử thách trong cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái giả, cái cái ác, cái tham tàn ích kỷ và cái thật, cái thiện, tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm với dân với nước…
Mong sao, bầu cử Quốc hội sắp tới, nhiều bạn trẻ dũng cảm ứng cử vào ĐBHĐND, ĐBQH và dân ta dấy lên phong trào tiến cử, bầu cử dân chủ, chọn những đại biểu xứng đáng vào các cơ quan dân cử. Từ đó từng bước xây dựng hệ thống pháp luật và các chính sách ích nước, lợi dân.
15/11/2020
M.V.T
——————————–

1 BÌNH LUẬN

  1. Biết đó là sự khao khát của chú và bao nhiêu người Việt khác, nhưng niềm tin và hy vọng sao xa vời quá. Các đại biểu trẻ này như được nói, trong một chừng mực cho phép, mà không được làm, như là lời ru ngủ, vậy thôi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên