Tưởng nhớ Thạch Lam nhân ngày sinh lần thứ 110 (tháng 7-2019–tháng 7-1909)
Đây là tập truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam, của Tự Lực Văn Đoàn. Thạch lam sinh năm1909, bị bệnh mất năm 1943 lúc còn rất trẻ, tên thật Nguyễn Tường Lân, là người con thứ sáu trong gia đình nguyễn Tường, hai anh ông: Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) là những người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn. Theo dư luận các nhà phê bình, Thạch Lam là người đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật trước tác đoản thiên.
Bút hiệu của tác giả thật thơ mộng: Thạch Lam cùng với tên tác phẩm rất thi vị: Gió Đầu Mùa. Nhưng thật là bất ngờ, tập truyện lại chứa đựng những thảm kịch, bi kịch ghê gớm y như trong các đoản thiên của Sholokhov khiến cho độc giả phải sững sờ: Trên cõi đời này, nhân loại còn phải chịu quá nhiều khổ đau. Với bút pháp tuyệt vời, kỹ thuật và nghệ thuật điêu luyện, kỳ ảo lạ thường, mỗi truyện mang một sắc thái riêng, khó mà có được một Gió Đầu Mùa thứ hai, Thạch Lam một thiên tài hiếm có của nền văn học nước nhà, cũng hiếm có như tác phẩm Gió đầu Mùa của ông vậy.
Trong phần giới thiệu tập truyện, Khái Hưng viết :
“Ở Thạch Lam, sự thành thật lại trở lên sự can đảm. Đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thật”
Trong phần Lời Nói Đầu, tác giả viết:
“Trước ngọn gió đầu mùa . . tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét cả một đời, gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu lo sợ, vì mùa đông sắp tới, mùa đông giá lạnh và lầy lội phủ trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù và lòng tôi se lại, khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ an ủi những người cùng khốn ấy . . .
. . . . . Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”’
Tác phẩm mở đầu và kết thúc bằng tình thương, Lời Nói Đầu và truyện cuối Gió Lạnh Đầu Mùa chan chứa tình thương yêu đồng loại.
Gió đầu Mùa, xuất bản năm 1937, gồm mười sáu truyện : Đứa Con Đầu Lòng Nhà Mẹ Lê, Những Ngày Mới, Duyên Số, Một Cơn Giận, Tiếng Chim Kêu, Cái Chân Què , Đói , Cô Áo lụa Hồng , Một Đời Người , Người Lính Cũ , Hai Lần Chết, Người Bạn Trẻ, Người Bạn Cũ, Trở Về, Gió Lạnh Đầu Mùa.
Chúng tôi xin được đề cập tới mười truyện chọn lọc sau đây: Một Đời Người, Nhà Mẹ Lê, Hai Lần Chết, Đói, Người Lính Cũ, Một Cơn Giận, Người Bạn Cũ, Trở Về, Những Ngày Mới, Gió Lạnh Đầu Mùa.
MỘT ĐỜI NGƯỜI
Liên, một thiếu phụ bất hạnh, làm nhân công trong xưởng xe tay, nàng thèm thuồng các gia đình êm ấm của bạn bè vì gia đình nàng là một địa ngục.
Liên lấy chồng đã bảy năm nay, nàng đi làm nuôi nhà chồng còn bị chồng đánh đập tàn nhẫn, mẹ chồng cay nghiệt chửi mắng đủ điều. Bẩy năm trước đây, nàng yêu thương Tâm, nhưng duyên nợ không thành, vâng lời cha mẹ lấy Tích theo đúng luân lý cổ truyền cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Được tin người yêu lấy chồng Tâm đau khổ bỏ nhà ra đi . . . Thế rồi từ một năm nay, tình cờ chàng và nàng lại làm chung một sở. Tâm vẫn yêu Liên. Sáng nay, chàng cho Liên biết mai sẽ đổi vào Sài Gòn và rủ nàng bỏ nhà trốn theo. Tâm muốn giải thoát cho nàng khỏi cái địa ngục nhà chồng, chàng cũng hứa hẹn sẽ đem lại hạnh phúc cho nàng. Liên từ chối, nàng không đủ can đảm chấp nhận cuộc phưu lưu ấy và cúi mặt khóc.
Về nhà, bị mẹ chồng chửi bới vì có kẻ nói với bà nàng định trốn theo Tâm, rồi lại bị anh chồng vũ phu đánh đập tàn nhẫn. Liên ngất xỉu, lúc tỉnh dậy vô cùng căm giận, quyết ngày mai trốn theo Tâm. Nhưng hôm sau nàng đổí ý ẵm con ra ga tiễn chàng lên xe lửa, ở lại cam chịu cuộc đời đắng cay .
Đây là tấn thảm kịch xã hội về thân phận người phụ nữ giống như trong các phim Cúc Đậu (Jou-do), hoặc Treo Cao Đèn Lồng Đỏ của Trương Nghệ Mưu. Một Đời Người dưới ngòi bút của Thạch Lam thể hiện những nỗi khổ đau không bao giờ dứt, đời người là một bể khổ mênh mông.
“Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tới nữa, chính là một cái địa ngục”
Nỗi đau khổ của Liên như một dây xiềng định mệnh ràng buộc người khác để cùng chia xẻ nỗi khổ với nàng.
“Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn. Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi”
Bà mẹ chồng, một con yêu tinh biểu hiện cái xiềng xích nô lệ cùm kẹp Liên không cho nàng thoát ra khỏi địa ngục trần gian:
“Bà mẹ chồng lồng lộn lên xỉa xói:
– Đừng già mồm nữa con kia! . . . đồ khốn nạn! này tao bảo thật: mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?”
Thạch Lam dùng lối văn tàn bạo y hệt như Sholokhov để mô tả kỹ lưỡng thân phận nô lệ của người đàn bà đau khổ :
“Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:
-Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để mày tự tiện đi theo trai phải không?
Bàn tay như sắt bóp chặt cổ nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu. Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:
– Con đĩ ! . . . . . .
.. . . . . . . .
Rồi nàng ngã gục xuống dưới những cái đấm đá nặng nề. Lòng ghen ghét làm sức khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm . Không phải vì nàng không yêu mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được”
Chính cái lo sợ, do dự đã ràng buộc nàng vào địa ngục, đã cùm kẹp cuộc đời nàng không sao thoát ra được .
“Liên nhiều khi sung sướng tưởng tượng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm, nhưng Liên vẫn từ chối . Chính nàng không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi không dám nhận lời”
Dịp may chỉ đến một lần, khi Tâm rủ nàng bỏ nhà theo chàng ra đi, nàng từ chối rồi lại hối hận đã bỏ lỡ cơ hội nghìn vàng.
“Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng”
Hạnh phúc là cứu cánh của đời người, Pierre trong Chiến Tranh Và Hòa Bình đã trải qua một chặng đường dài đi tìm hạnh phúc màkhông thấy đâu cuối cùng tìm thấy ở Natasha, đó là quan niệm lạc quan hạnh phúc của Tolstoi, một nhà đạo đức, hạnh phúc luôn ở trong tầm tay chỗ nào cũng có. Quan niệm ấy cũng mới xuất hiện trong cuốn phim giá trị của Trương nghệ Mưu: To Live (Anh Phải Sống), quay năm 1994, một gia đình bị tan nát vì chiến tranh, cách mạng, con cái, gia sản tiêu tan, sau cùng vẫn thấy hạnh phúc ở trong tầm tay như cảnh cuối phim: người vợ, người chồng, con rể đứa cháu ngoại xum vầy trong một bữa cơm đầm ấm.
Nhưng ở đây Thạch Lam lại nhìn hạnh phúc bằng cặp mắt bi quan, cay đắng chua chát khác hẳn quan niệm lạc quan yêu đời của Tolstoi của họ Trương như ta đã thấy. Tác giả muốn nói hạnh phúc không ở trong tầm tay Liên như nàng mơ ước:
“Sao nàng lại không đi với Tâm? ai cấm? mà tội gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời”
Mẹ chồng cay nghiệt, anh chồng vũ phu, đứa con hỗn láo y như bố . . Liên không còn gì để mà quyến luyến. Bị đánh đập tàn nhẫn, nàng căm giận định trốn theo Tâm nhưng rồi lại đổi ý:
“Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tan cả . Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang đi theo cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng quay đầu vào chiếc cột sắt rồi oà lên khóc”
Nàng có tự do để lựa chọn một cuộc đời sung sướng hơn, nhưng hạnh phúc không ở trong tầm tay của nàng, nó chạy vụt đi theo chuyến xe lửa vô Nam mà không bao giờ trở lại.
“Ngày nọ nối tiếp ngày kia, Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bầy trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể thuộc về nàng được”
Liên do dự, không đủ quả quyết với chính nàng để ra đi tìm hạnh phúc ở một chân trời mới, nàng ẵm con ra ga tiễn người yêu lên xe hỏa mang theo cái hy vọng cuối cùng của đời nàng, nàng đứng nhìn hạnh phúc chạy vụt qua trước mắt mình. Cái gì đã giữ Liên ở lại với hoàn cảnh cay nghiệt ấy? sự sợ hãi? nàng không đủ can đảm để phiêu lưu? hoặc luân lý không cho phép nàng bỏ chồng theo trai? . . .cái dây xiềng định mệnh đã buộc chặt lấy Liên để bắt nàng tiếp tục cuộc đời đau khổ.
Hạnh phúc đã nằm ngoài tầm tay Liên như những món hàng đẹp đẽ bên kia tủ kính mà nàng không bao giờ với tới được. Nàng nhìn hạnh phúc chạy ngang qua trước mắt trên chuyến xe mà không sao bắt lại được, nàng nhìn bằng cặp mắt thèm thuồng y như những món hàng đẹp bên kia tủ kính.
Một Đời Người, một truyện tình bi thảm, một bể khổ rộng mênh mông, đoản thiên sâu sắc nhất của Thạch Lam và cũng có lẽ của nền văn học mới nước nhà.
NHÀ MẸ LÊ
Tại phố chợ Đoàn Thôn, khoảng bảy tám gia đình nghèo khổ không biết ở đâu di dân tới cư ngụ bị khinh miệt rẻ rúng. Họ kéo xe, đánh dậm, làm thuê ở đợ cho bọn nhà giầu . . .Đó là các nhà mẹ Đối, mẹ Hiền, mẹ Lê . . . nhà mẹ Lê mười một đứa con, đứa lớn mười bảy, đứa út còn ẵm trên tay. Họ chen chúc nhau trong căn nhà lá như một cái ổ chó lúc nhúc. Từ tờ mờ sáng, bác Lê thức dậy sớm đi làm, tuy vất vả nhưng tối kiếm được mấy bát gạo nuôi lũ con đói khổ.
Tới mùa rét, cánh đồng trơ cuống rạ, gió lạnh như cắt ruột, không ai mướn, cả nhà nhịn đói, mấy đứa lớn ra đồng mót được vài cọng lúa, bắt được vài con cua. . .gia đình quây quần bên nồi cơm nóng .
Cuộc đời gia đình bác cứ kéo lê ngày nọ qua ngày kia, cũng có những ngày vui vẻ mẹ con cùng ngồi trước cửa. Mấy năm nay cuộc sống khó khăn đói kém. Bác Lê đi khắp làng xin làm không ai mướn. Những ngày đói liên tiếp nhau, lũ con ngày một gầy còm, các gia đình ở phố chợ cắn răng chịu cảnh nghèo đói cơ cực.
Đàn con nhịn đói suốt buổi, mẹ Lê liều vào nhà ông Bá xin mấy bát gạo bị cậu Phúc, con ông thả chó cắn . . . người ta khiêng mẹ Lê về nhà, bắp chân bị chó cắn nhầy nhụa. Đêm hôm ấy bác lên cơn sốt, hai hôm sau lại lên cơn mê sảng rồi chết, người phố chợ góp nhau mua cỗ ván hòm mọt rồi đưa ra đồng chôn ở đầu làng.
Đúng như nhận xét của Khái Hưng, đọc văn Thạch Lam ta thấy rùng rợn vì sự thành thật. Lối hành văn của ông giản dị trong sáng như Hemingway, ít dùng tĩnh tự nhưng hình ảnh lại được thể hiện thật phong phú:
“Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm nghỉ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc”
Hoặc như :
“Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi , cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió Bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ vì không có ai mướn bác làm việc nữa . Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa áo rách con nhỏ nhất: con Tý, con Phún , thằng Hy . . . chúng nó khóc lả đi mà không có ăn . Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết ‘’
Bẩy tám gia đình di dân nghèo đói khiến ta liên tưởng tới những người cùng khổ Oklahoma, thời khủng hoảng kinh tế, đã di cư đến miền đất hứa California cũng bị khinh miệt, bóc lột sương tủy trong tác phẩm bất hủ The Grapes Of Wrath của John Steinbeck, Nobel 1962. Thạch Lam đã nói trong lời mở đầu, văn chương cũng là một thứ khí giới để tố cáo và thay đổi một thế giới tàn ác, ở đây bọn hào phú ăn trên ngồi chốc như ông Bá, cậu ấm Phúc tiêu biểu cho cái thế giới bất nhân tàn ác không mảy may một chút tình người.
“Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến .
– Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?
Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình .. .”.
Cây bút tả chân hiện thực của Thạch Lam cho ta thấy bằng những nét phong phú về nỗi khổ đau mênh mông vô tận của con người:
“Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo cứ đeo đuổi mãi không bao giờ dứt”
HAI LẦN CHẾT
Dung, người con gái thứ tư không được cha mẹ yêu thương lắm. Là gia đình quan lại song ông cụ mất, đến đời cha mẹ Dung nghèo nàn sa sút chỉ còn cái hư danh. Dung không được đi học, gầy gò đi đánh đáo với bọn trẻ nhà nghèo, ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Bà cụ buôn bán, thường hay cho anh chị Dung một hào, Dung chẳng ganh tị gì. Dung nhẫn nại lắm, tết nhất anh chị có áo đẹp, cô bé chỉ mặc quần áo cũ. Thấm thoắt Dung đã mười bốn tuổi, một hôm có một bà trên tỉnh về chơi xem mặt Dung. Bẵng đi một thời gian, mẹ Dung sắm sửa quần áo đẹp cho cô.
Cuối năm bà khách lại đến chơi bàn bạc với mẹ Dung, rồi bỏ nhiều tiền cưới cô về làm dâu. Đi lấy chồng Dung tưởng được hưởng cuộc đời mới, anh chồng người loắt choắt, học lớp nhì vừa lẩn thẩn lại vừa ngu . Qua ngày nhị hỷ Dung phải nâu sồng mộc mạc ra đồng làm ruộng. Nhà chồng giầu có nhưng keo kiệt, bắt con dâu phải làm việc đồng áng. Dung tát nước, nhổ cỏ, đầu tắt mặt tối. Chồng nàng cả ngày đi thả diều, mẹ chồng, em chồng cay nghiệt lắm. Dung chỉ khóc không dám nói ra.
Nhân một hôm cả nhà đi vắng, Dung ra ga lấy vé trốn về quê với mẹ, nhưng mẹ Dung lại mắng nhiếc cô bắt phải trở lại nhà chồng. Bà mẹ chồng cũng đáp tầu đến, hai bà bàn thảo, cuối cùng Dung phải về nhà chồng. Ra đến bờ sông, Dung nhảy xuống giòng nước cho rảnh nợ đời, được người ta vớt lên cứu sống và theo mẹ chồng về nhà chồng tiếp tục cuộc đời lam lũ vất vả, lần này mới thật là chết, không ai gỡ ra được.
Nằm trong chủ trương đổi mới của Tự Lực Văn Đoàn, cũng như trong Một Đờøi Người Ở đây Thạch Lam khéo léo cho ta thấy cái tai hại của hủ tục gả bán cũng như thân phận cay đắng của người phụ nữ dưới chế độ mẹ chồng nàng dâu.
Vì nhà nghèo, mẹ Dung đã gả bán con cho một gia đình giầu có như trong Đoạn Tuyệt, ở đoạn cuối, ông luật sư bào chữa đã gọi đó là chế độ nô lệ, mãi nô đầy đọa con người :
“Nhà chồng nàng giầu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm .
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày . . . chồng nàng thì cả ngày thả diều . . . còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm .
Nhũng lúc Dung cực nhọc quá ngồi khóc thì bà mẹ chồng đay nghiến:
-Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi . . . . .Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc đám cưới, chứ tao có lấy không đâu”
Dung chấp nhận cái chết để tự giải thoát khỏi bi kịch cuộc đời, chết là cái mà bản chất con người ai cũng ghê sợ, cô nhảy xuống sông tự vẫn, được cứu sống, phải trở lại nhà chồng tiếp tục đời làm dâu, tác giả nói đó chính là cái chết, cái chết đáng ghê sợ nhất vì không ai cứu thoát được :
“Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng nàng mới hẳn là chết đuối, chết không bấu víu vào đâu được. Chết không còn mong ai cứu vớt nàng ra nữa”
ĐÓI
Sinh tỉnh giấc vì cơn gió lạnh, nhìn đồ đạc quanh mình, cái bàn, cái trõng siêu vẹo, chàng đói lả đi. Sinh mất việc, vợ chồng lâm vào cảnh thiếu thốn. Vợ chàng đi mượn tiền không được, thất vọng trở về, thạp gạo đã hết, trong túi không còn một xu. Hết gạo từ hai hôm nay, Sinh buồn rầu ôm vợ khóc .
Họ quen nhau trong một xóm cô đầu, hồi ấy chàng phong lưu lắm tiền. cái nghèo kéo đến, vợ chồng vẫn đằm thắm. Bây giờ Sinh đói như cào ruột, nhìn cái gì cũng thấy lờ mờ. Hồi còn phong lưu chàng khinh bỉ miếng ăn nay nhận thấy sức mạnh của sự cần thiết cơ thể.
Rồi vợ chàng trở về với những gói thức ăn thơm phức nào thịt ướp, dò lụa, nàng cho biết một bà bạn cũ cho mượn. Nàng vừa đi lấy dao cắt bánh, Sinh lượm được mảnh giấy của người tình nhân gửi nàng hẹn tối nay sẽ gặp. Chàng giận dữ, đau khổ chửi mắng vợ xấu xa, hạ tiện đã bán mình vì miếng ăn rồi hất đồ ăn rớt tung tóe dưới đất chị vợ chỉ biết khóc và năn nỉ xin lỗi, khi vợ vừa đi khỏi, Sinh lấy tay lượm thịt, dò . . lên ăn ngấu nghiến.
Đoản thiên dưới dạng một tấn thảm kịch cho thấy tác giả chú trọng về mặt mô tả hiện thực xã hội và đưa ra vấn đề sức mạnh của vật chất đối với tinh thần. Thạch Lam có cái nhìn sắc bén tận đáy xã hội, thế giới của những người cùng khổ.
“Những đồ vật quanh mình ẩn hiện trong bóng tối lờ mờ khiến Sinh lại nghĩ đến cảnh nghèo nàn khốn khó của chàng. Một cái bàn con siêu vẹo bên góc tường, một cái trõng tre đã gẫy dăm ba nan, một cái ấm tích mất nắp và mấy cái chén mẻ”
Hoặc như .
“Những ngày đói rét không thể đếm được nữa. Tiếng gió vi vút qua khe cửa ban đêm chàng nghe đã quen, cả đến cái mệt lả đi vì đói, chàng cũng đã chịu qua nhiều lần rồi”
Khi còn đủ ăn đủ mặc, Sinh chưa thấy cái sức mạnh của miếng ăn, vật chất, tác giả cho rằng miếng ăn ở một hoàn cảnh nào đó có sức mạnh điều khiển và trấn áp con người.
“Chàng rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể, đàn áp được hết cả những luật lệ của tinh thần”
Hoặc:
“Trước kia khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào”
Vì thương chồng, người vợ ïđã phải sa xuống hố sâu tội lỗi với mục đích giải thoát cho chàng khỏi sự hành hạ của cơn đói, nàng bị chồng chửi rủa thậm tệ, nàng chỉ biết khóc và xin lỗi. Tác giả chú trọng vào việc diễn tả tấn thảm kịch trong một gia đình nghèo hơn là mô tả tâm lý nhân vật, nó khiến cho ta thấy thương nhiều hơn giận.
NGƯỜI LÍNH CŨ
Một buổi tối tháng chạp rét mướt, đôi bạn băng qua một cánh đồng trơ cuống rạ . . . Làng mạc ngủ yên trong đêm tối, họ ïđến quán cây đa, một căn nhà nhỏ xiêu vẹo. Bà cụ chủ quán đã dọn hàng về nhưng bên trong lại có tiếng rên của người bệnh . Hỏi ra mới biết một người vô gia cư, nghèo mạt rệp, ông ta xin điếu thuốc lào và kể chuyện đời mình.
Đó là một người cựu chiến binh, trước kia đi lính cho Pháp hồi mới có hai mươi, bốn năm làm bếp, có cô đầm, hồi ấy có tiền, cuộc đời huy hoàng, đi xi nê với vợ, uống rượu, nhảy đầm . . . đi chơi nhiều tỉnh. Khi mãn lính về nước nhà cũng có ruộng nương tài sản, nhưng bị mất mùa mấy năm nước lụt . . .bị thưa kiện trong họ, gia tài khánh kiệt, xin được việc ở tòa xứ rồi lại mất, ho ra máu, thân tàn ma dại, bao nhiêu tiền đổ vào thuốc men hết . . .
Một truyện ngắn ngủi vỏn vẹn có năm sáu trang giấy nhưng thật là phong phú và cảm động thấm thía về thân phận một người thất thế, cái hiện tại bi đát của người lính cũ: bệnh ho ra máu, tan gia bại sản . . .ở ngay trước mắt, nhưng ông cố quên nó đi để mơ về cái quá khư tươi đẹp nay đã vụt khỏi tầm tay.
“Ra khỏi quán, gió thổi mạnh làm tung tà áo. Trời lấm tấm mưa, rét buốt cả chân tay. Như cùng một ý nghĩ, người bạn tôi thong thả nói :
-Chắc anh ta bây giờ đang mơ mộng nhiều cái đẹp lắm thì phải!
Tôi yên lặng không trả lời. Chung quanh chúng tôi, cái đen tối của đêm khuya dầy dằng dặc .’’
MỘT CƠN GIẬN
Thanh làm ở tòa báo về nhà trong lòng buồn bực, chàng gọi xe kéo, anh phu xe kỳ kèo trả giá mãi mới chịu đi. Thanh ác cảm với hắn. Đây là loại xe xấu chỉ được chạy ở ngoại ô, vào thành phố bị phạt nặng lắm. Anh phu lắm mồm khiến Thanh càng ghét.
Xe qua khỏi nhà máy nước, gặp người đội xếp đi lại, anh phu tái mặt lạy van Thanh nói giúp. Người đội hỏi Thanh:
-Người này kéo ông từ trong phố ra hay đi khứ hồi?
Anh phu xe nhìn Thanh van lơn, nếu chàng nói đi khứ hồi thì mọi việc êm xuôi, vì chàng ghét hắn nên khai:
-Tôi đi từ phố Hàng Bún.
Thế là phu xe về bót, cơn giận nguôi, Thanh hối hận nghĩ đến tai họa cho anh ta: phải nộp phạt nặng, đói khổ, bị cai xe đánh đập chửi mắng nữa. Chàng đi tìm anh ta tại một khu nghèo nàn dơ bẩn, hôi hám. Thanh vào nhà anh ta được bà mẹ cho biết cai xe (chủ) đã nộp phạt rồi đánh anh tàn nhẫn, anh bỏ nhà trốn đi, đứa con bệnh nặng gầy trơ xương không tiền mua thuốc đang chờ chết. Thanh hối hận đưa cho chị vợ năm đồng (số tiền lớn), chàng ra đường, nghe tiếng khóc trong nhà, đứa trẻ đã chết.
Truyện có thể do người khác kể lại hoặc có thật trong đời tác giả. Trước hết Thạch Lam luận về tính bản thiện của con người, bản chất người là thiện nhưng chỉ một cơn giận có thể trở thành ác, nhưng cơn giận qua đi, bản thiện vẫn còn :
“Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.
Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh khốn nạn, ba đồng bạc phạt: Anh ta sẽ phải vay cai xe để nộp phạt, nhưng ba đồng bạc nợ ấy bao giờ anh trả xong sau những ngày nhịn đói bị cai xe hành hạ đánh đập vì thù hằn?
Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu”
Con người có thể trở nên tàn ác dễ dàng trước cơn nóng giận. Nhưng khi cơn giận qua đi, bản chất từ thiện trở về thì lòng hối hận bốc lên:
“Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh người phu xe cũng hiện ra trước mắt”
Thạch Lam phân tích tâm lý cho thấy cái biên giới mong manh giữa thiện và ác ở lương tâm con người. Tác giả cũng không quên cho ta thấy cuộc sống lầm than, dơ bẩn, đọa đầy của giới người cùng mạt xã hội:
“Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế, các anh thử tưởng tượng một dẫy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà
Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn, những người gầy gò rách rưới, như những người trong một cơn mê”
NGƯỜI BẠN CŨ
Một chàng viên chức tỉnh nhỏ, có vợ con, một tối nọ có người đàn bà đến gõ cửa, đó là Lệ Minh, người bạn đồng chí cách mạng của chàng mấy năm trước nay sa cơ đến xin giúp đỡ.
Chàng tiếp Lệ Minh ở phòng ngoài, vợ, Khanh ở phòng trong. Lệ Minh cho biết các bạn đồng chí cũ nay tan tác mỗi người một nơi. Cô cũng chán nản lấy một anh lái buôn, hắn đã có vợ mà nói dối chưa. Cả, lẽ ghen tuông nên cô phải ẵm con lên đường, cô nhờ chàng tìm cho chỗ dạy tư, nhất là nuôi thầy trong nhà càng hay.
Chàng hứa xuông cho xong, trong bụng nghĩ mình chẳng thể giúp được cô bạn cũ. Lệ Minh ra về, chàng bị vợ cằn nhằn vì ghen tuông. Chàng nhớ lại cái dĩ vãng xa xưa, thời thanh niên hăng hái bồng bột và bây giờ, một người công chức có gia đình cầu an.
Đây là một trong những đoản thiên sâu sắc nhất của Thạch Lam, nó thể hiện tâm lý cầu an yếu hèn của một người nam nhi và những lời tự biện minh cho mình. Gặp người bạn đồng chí cũ nay thất thế, nghèo khổ, bơ vơ giữa chợ đời, mặt mày hốc hác đang cần giúp đỡ, nhưng chàng chẳng giúp gì cả và tự bào chữa cho mình rất khéo.
“Không tìm được phương cứu giúp cô một cách kiến hiệu hơn, tôi tự thấy mình hèn nhát. Nhưng biết làm thế nào? mời cô ở lại đây ư? Tôi nghĩ đến cái giận giữ của Khanh mà sợ: Nàng sẽ làm tan hoang nhà cửa ra mất? . . . .
. . . . . . .
Giúp cô cái vốn nhỏ để cô tìm cách tự lập, tôi vẫn cho là phận sự của tôi. Song mợ cháu giữ thìa khóa, mà Khanh đâu có phải là người có thể lấy nghĩa khí mà chuyển được lòng”
Chàng suy nghĩ về về đời mình trước đây, cái thời trẻ trung hăng hái.
“Từ cái dĩ vãng xa xôi thăm thẳm, tôi thấy hiện lên một hình ảnh rõ ràng, hình ảnh tôi trong lúc còn niên thiếu, một thanh niên hăng hái, nhiệt thành, bồng bột những điều hay, sự đẹp, lúc nào cũng mơ màng những việc thành công to tát, một thanh niên chưa biết đến cái sự thực chua chát của cuộc đời”
Chàng phủ nhận quá khứ anh hùng của mình cho đó là sự bồng bột chưa biết cái sự thực chua chát của cuộc đời, về hiện tại chàng có vẻ thỏa mãn hơn:
“Tôi lại nghĩ đến cái thân thế tôi bây giờ, một viên chức ở tỉnh nhỏ, sống cái đời yên lặng, trưởng giả, một đời ăn no mặc ấm, không phải lo lắng cái gì. Tôi hình như cảm thấy một sư ïhợp y ù hơn”
Và chàng tự hỏi:
“Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi?
Tôi hkông dám trả lời”
Trong thâm tâm chàng thỏa mãn với cái đời trưởng giả ăn no mặc ấm, đó là hình ảnh thật của chàng, nhưng chàng không đủ can đảm nhìn nhận cái sự thật phũ phàng ấy. Lúc còn thanh niên thì hăng hái với sự nghiệp lớn và bây giờ, bên miếng đỉnh chung, lòng nhiệt thành đã nguội lạnh như tro tàn, cái đời nghĩa hiệp nay đã thuộc về quá khứ. Một tâm hồn hèn yếu, cầu an, khiếp nhược tự bào chữa cho mình bằng những lý lẽ thật là chính đáng.
TRỞ VỀ
Tâm ở quê lên Hà Nội làm ăn sáu năm nay chưa về thăm nhà, chàng lấy vợ giầu, có sự nghiệp, dấu không cho mẹ biết, bà vẫn còn ở làng. Tâm vẫn gửi tiền chu cấp cho mẹ.
Một hôm hai vợ chồng lái xe ô tô ra ga xe lửa, vào tiệm cao lâu ăn sáng rồi một mình chàng đi bộ về quê, trong lòng khinh bỉ cảnh vật nghèo nàn. Chàng gặp mẹ già và cô bạn hàng xóm thời thơ ấu, Trinh, chàng không ngoảnh lại, không muốn thấy cái hình ảnh quê mùa ấy.
Thạch Lam phơi bầy khéo léo cho ta thấy cái dởm của bọn nhà giầu thành thị mà ông gọi là xã hội giả dối. Tâm điển hình cho hạng người đáng ghét ấy, mới giầu sang được mấy năm nhờ lấy cô vợ có tiền và soay sở được địa vị tốt . . . .Thôn quê, nơi chàng đã trưởng thành, sinh sống, nay không còn gì ràng buộc liên lạc, chính chàng đã muốn thế:
“Tâm nhận thấy, ở thôn quê người ta không thay đổi gì mấy, và tính tình vẫn được giữ y nguyên. Nhưng chàng, thì chàng thay đổi khác hẳn rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa . . .
Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể về những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác Cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có quan hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với cái đời chàng, chắc chắn, giầu sang không có liên lạc gì với nhau cả”
Tâm tiêu biểu cho lớp người mất gốc mà Thạch Lam ghét cay ghét đắng, đó là những kẻ gọi mẹ bằng bà:
“Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt.
Con đã về đấy ư?
Vâng chính tôi đây, bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ?”
Hạng người gặp thời vừa bước lên địa vị cao sang đã vội phủ nhận giai cấp cũ của mình cho đó là cái nghèo hèn đáng khinh, nhưng chính họ, bọn vong bản mới thật đáng khinh bỉ:
“Chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ”
NHỮNG NGÀY MỚI
Tân sinh ra trong một gia đình giầu có ở thôn quê, cha mẹ gửi chàng lên tỉnh học từ nhỏ để sau này lên thày thông, thầy ký. Tân học thành tài, làm thầy ký rồi gặp thời buổi kinh tế khó khăn, mất việc trở về quê cũ.
“Nhưng một hôm rét mướt, một ý nghĩ bỗng nảy ra trong trí: Nếu ở đây không đủ sống, tại sao không trở về quê sống cái đời giản dị của người làm ruộng”
Thế là tân về quê, phụ giúp mẹ già, trông nom thợ gặt ngoài đồng, họ biết ơn Tâm vì chàng cư xử rộng rãi đậm đà tình nghĩa, chàng vui tính và từ đó tình cảm nẩy nở giữa tâm hồn Tân và bọn thợ gặt giản dị.
Trái ngược với Tâm trong truyện Trở Về, ở đây Tân một người tỉnh thành về quê cũ say sưa với phong cảnh thiên nhiên, đối với chàng đó là những ngày mới tràn đầy hạnh phúc. Thạch Lam ca ngợi cuộc sống thôn quê với mùi lúa chín thơm tho phảng phất và phong cảnh thiên nhiên tươi sáng:
“Cảnh đồng lúa chín lóe vàng dưới mặt trời buổi chiều. Từng chỗ, ở thửa ruộng nào đã gặt rồi, gốc rạ lấp lánh như giát bạc. Phía xa, làng mạc ở chân trời rung động trong ánh nắng”
Trở về quê cũ, Tân đã tìm ra lẽ sống mới, niềm hạnh phúc chân thực mà trước đây xa lạ với chàng.
“Dần dần chàng mới thấy chán cái đời sống ở tỉnh thành là một cuộc đời vô vị phức tạp vô vị, không có nghĩa lý gì.
Chỉ có việc ăn ở theo mọi người và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.
Tân tiếc thuở nhỏ không ở thôn quê để được gần gũi với cảnh vật. Chàng thích sống bên cạnh những người nhà quê. Một cơn gió bay, một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng .
Tân không dửng dưng như trước với những cái xung quanh mình. Tâm hồn chàng có liên lạc và rung động với cảnh vật, chàng có cái cảm giác rằng mình sống ‘’
Tân cũng tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu rộng rãi bao la đối với bọn thợ, với dân làng. Trái với Tâm trong Trở Về, Tân ở đây thấy lòng mình gần gũi với cuộc sống quê nhà, tỉnh thành Hà Nội nay đã trở nên xa vời :
‘’ Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng như thấy tấm lòng mình rộng rãi, bao la, tâm hồn thân thiết và yêu mến tất cả mọi người.
Sau khi hẹn thưởng cho bọn thợ nồi cơm nếp mới, Tân bước ra ngõ, nhìn xuống cánh đồng. Trên trời ngàn sao lấp lánh. Gió đưa dưới ruộng lên mùi dạ ướt. Tân chợt thấy ở phía chân trời xa, cái ánh sáng mờ của tỉnh thành Hà Nội.
Chàng sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở thôn quê này, một cuộc đời mới như đương đợi chờ chàng”
Những Ngày Mới, đoản thiên đầy tình thương yêu đồng loại về một cuộc đời mới tươi đẹp biết bao.
GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA
Sáng nay mùa đông chợt đến, hai chị em Lan, Sơn mặc áo ấm ra chợ chơi với bọn trẻ nhà nghèo, chúng dương mắt ngắm bộ áo ấm đẹp và dầy của hai chị em.
Chị Lan thấy Hiên, con bé hàng xóm đứng co ro bên cột quán, mặc manh áo rách tả tơi, mẹ nó mò cua bắt ốc. Cậu em, Sơn bàn với chị về lấy cái áo bông cũ cho nó, cả hai chị em vui mừng vì việc nghĩa nhưng chẳng bao lâu lại đâm lo vì có người báo cho vú già biết đầu đuôi mọi chuyện. Hai chị em sợ mẹ mắng bèn đi tìm Hiên để đòi lại áo nhưng chẳng thấy nó đâu.
Rồi mẹ Hiên dẫn con lại nhà Lan trả áo ấm vì bà tưởng chị em Lan, Sơn đùa dỡn . Mẹ Lan, Sơn thấy họ nghèo khổ bèn cho mượn năm hào về may áo cho Hiên.
Câu chuyện đơn giản, hồn nhiên, nhẹ nhàng như tâm tình của bọn trẻ nhỏ nhưng cũng chan chứa tình thương dạt dào và ấm áp như chiếc áo mùa đông .
“Mẹ Sơn với cái âu đồng, lấy tiền đưa cho bác Hiên.
-Đây tôi cho bác mượn năm hào cầm về mà may áo cho con .
Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo:
Hai con tôi quí quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư ?”
Sholokhov, nhà văn hào Nga nổi tiếng qua tác phẩm bất hủ Trên sông Don Thanh Bình, ông cũng để lại cho văn đàn thế giới một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc Short Stories, gồm khoảng ba mươi truyện, gần năm trăm trang. Tuyển tập đã làm sống lại cả một xã hội Nga rách nát, thê thảm dưới thời cách mạng vô sản, nào đói kém, áp bức, giết nhau vì miếng ăn . . . một địa ngục trần gian cũng giống như nội dung của Gió Đầu Mùa. Nỗi khổ đau của con người, Đông cũng như Tây, chỗ nào cũng thế.
Thạch Lam cũng như Sholokhov, lấy văn chương làm khí giới như để đánh thức tỉnh lương tâm nhân loại trước những nỗi khổ đau không cùng của con người và cũng để thay đổi cái thế giới giả dối, tàn ác được thêm trong sạch và phong phú.
Gió Đầu Mùa một tác phẩm thật lạ mắt và kỳ ảo trong vườn Tự Lực Văn Đoàn, bút pháp Thạch Lam ngắn gọn giản dị như Hemingway nhưng cũng rất phong phú, sâu sắc đã diển tả đầy đủ những tâm tư sâu kín của con người. Có thể nói tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn, hành văn vững vàng giản dị, có lúc duyên dáng vui tươi, có khi phũ phàng tàn nhẫn và cảm động sâu sắc đôi khi khiến cho người đọc không cầm được nước mắt, một tuyển tập truyện ngắn tuyệt vời xứng đáng được xếp ngang hàng những tác phẩm hay trên văn đàn thế giới.
Bút pháp, kỹ thuật và nghệ thuật của Thạch Lam khác biệt với các đồng nghiệp của ông như Khái Hưng, Nhất Linh. Bằng những nét bút đơn sơ giản dị, Thạch Lam đã diễn tả quá đầy đủ, thấm thía về sự khổ đau của con người, những thảm cảnh không bao giờ dứt vì đời là bể khổ rộng mênh mông. Trong Lời nói đầu tác giả cho thấy văn chương của ông như để xoa dịu những nỗi khổ đau của con người:
“Mùa đông giá lạnh và lầy lội phủ trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù và lòng tôi se lại, khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ an ủi những người khốn cùng ấy”.
Đúng như Khái Hưng đã nói ở Thạch Lam sự hiện thực khiến ta rùng mình
Trọng Đạt
( Trích trong cuốn Những Truyện Hay của Tự Lực Văn Đoàn, tác giả Trọng Đạt, Đại Nam Xuất Bản năm 2003)