Là dân kỹ thuật, tôi quen đánh giá sự việc qua các số liệu đáng tin cậy.
Nguồn dữ liệu chính xác nhất về quốc tế là của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, gọi là World Fact Book (1). Những nguồn khác của Ngân hàng thế giới World Bank hoặc Statista.com (2) cũng rất hay.
Thấy nhiều bạn hay bị các con số đánh lừa, tiều phu xin mạo muội đả thông một số hiểu lầm.
Có người cho là Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế số một, dẫn đầu GDP (Gross Domestic Product). Sai!
Nominal GDP = Official Exchange Rate GDP (OER-GDP) là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà mỗi quốc gia sản xuất ra trong một năm. Ví dụ như bao nhiêu chiếc ô-tô, bao nhiêu tấn thóc, bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm v.v. quy ra USD.
Đây là GDP chính thức, nếu chia cho đầu người dân sẽ ra cho GDP/Capita (Capita = đầu người), gọi là thu nhập theo đầu người. Việt Nam năm 2017 đạt OER-GDP= 202 tỷ USD, nếu chia cho 96 triệu dân thành 2100 USD/đầu người/năm. (Xem đồ họa)
Vì mức sống ở các nước chênh lệch nên sức mua của đồng USD giữa các nước hậu công nghiệp, các nước công nghiệp và các nước đang phát triển chênh nhau dữ dội. Ở các nước hậu công nghiệp, mức sống bằng nhau nên một đồng USD có sức mua tương đương nhau. Sức mua của đồng USD ở Tây Âu chỉ xấp xỉ từ 1 đến1,1, thậm chí ở những nước giàu hơn Mỹ như Na-Uy thì sức mua của đồng USD lại giảm đi, chỉ bằng 0,98.
Ở các nước mới công nghiệp như Croatia hay Trung Quốc, sức mua của đồng USD khoảng 1,5 đến 2 lần. Các nước đang phát triển như Việt Nam thì hệ số sức mua là 3 – 4. Ở Châu Phi đen chậm phát triển, sức mua của đồng USD xấp xỉ 5-6 lần. Càng lạc hậu, tỷ số này càng cao. Ví dụ 1 USD ở Đức không đủ uống 1/3 cốc cà phê buổi sáng, nhưng ở Việt Nam có thể ăn đủ bữa trưa, còn ở Công-Gô thì gia đình 3 người ăn cả ngày. Như vậy cu Tí cầm 1USD thì sống ở VIệt Nam bằng cu Bill tiêu 3,2 đồng bên Mỹ. Nhưng Tý mang 1USD sang Mỹ thì vẫn là 1USD.
Vì thế nên các nhà kinh tế đưa ra chỉ số PPP-GDP (Purchasing power parity), có nghĩa là tính theo sức mua của đồng USD tại nước đó. Nếu đem chia PPP-GDP này cho đầu người thì sẽ ra cái gọi là PPP-GDP/Capita. Thu nhập theo sức mua này thể hiện đúng mức sống trong nước, trong khi OER-GDP là sức mạnh kinh tế ra bên ngoài.
Vì giá sinh hoạt của VN thấp hơn Mỹ gấp 3,2 lần nên GDP theo sức mua (PPP) của VN là 202 x 3.2 = 647 tỷ USD. Như vậy mỗi người Việt coi như có hơn 6.700 US/năm để ăn, học hành, đi lại, chơi Phây v.v. Nhưng nếu để nhập máy móc ở nước ngoài thì Việt Nam vẫn chỉ có 202 tỷ USD.
Nước Mỹ năm 2017 đạt 19 ngàn tỷ USD OER-GDP, và PPP-GDP cũng như vậy, đứng đầu thế giới. Chia cho 325 triệu chú Sam, thu nhập đầu người là 59.000 USD.
1,4 tỷ người Trung Quốc cày cả năm được 12 ngàn tỷ USD. Như vậy mỗi chú Khách làm ra khoảng 8.600 USD. Nhưng vì TQ là nước công nghiệp ở hạng trung bình với mức sống thấp, dẫn đến sức mua của đồng USD là 1,92. Thế là Trung Quốc đương nhiên có GDP-PPP là 12 x 1.92 = 23 ngàn tỷ USD để chia nhau tiêu trong nước và đi Việt Nam ăn tôm biển….Nhưng để vào Nasdaq hay mua động cơ Boeing, mua máy ly tâm Siemens thì họ chỉ có 12 ngàn tỷ USD mà thôi.
Nếu coi liên minh EU là một thực thể kinh tế, với OER-GDP= 17 ngàn tỷ USD thì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc chỉ đứng thứ ba thế giới.
Nhưng thu nhập đầu người của Trung Quốc (theo sức mua) là 16.700 USD chỉ xếp thứ 108 trên 229 nước.
Đó là tiền trong túi. Số tiền đó được phân phối bình đẳng hay không? phúc lợi xã hội tốt không? Lại là vấn đề khác. Cơ quan UNDP của LHQ đưa ra chỉ số phát triển con người (Human Development Index HDI) tính cả mức thu nhập theo GDP, nhưng đưa thêm các hệ số chất lượng y tế, sức khỏe văn hóa và giáo dục vào đó (3). HDI, với chỉ số lý tưởng là 1, phản ánh đầy đủ hơn trình độ văn minh của mỗi quốc gia.
Tôi đã đến Guinea Xích đạo là nước xuất khẩu dầu mỏ với thu nhập đầu người là 36.000 USD/năm, nhưng dân chúng sống lầm than cơ cực, trong khi giới lãnh đạo phá tiền như nước. HDI của nước này chỉ đạt 0,591, xếp thứ 141/189, trong khi thu nhập đầu người của họ xếp thứ 55.
Chỉ số cao nhất hiện nay nằm ở Na-Uy: 0,953. Các nước hậu công nghiệp đều có chỉ số HDI trên 0,9. Châu Á có Nhật, Nam Hàn, Singapore và Hongkong tham gia nhóm này.
Các nước công nghiệp như Croatia, Hungary, Balan đều có HDI trên 0,8.
Từ 0.7 đến 0,8 là HDI của các nước đang phát triển và…không cần ngạc nhiên, Trung Quốc nằm trong nhóm này với HDI = 0,751 (xếp thứ 86).
Các nước đang phát triển chậm thì có chỉ số HDI dưới 0,7. Các nước lạc hậu thì từ 0,4 đến 0,55.
Giờ tán chuyện nhà. Có người gọi đểu Việt Nam là xứ Đông Lào, cho rằng ta kém cả Lào. Sai!
Theo thống kê của CIA và cả WB thì Lào có GDP theo đầu người cao hơn VN chút đỉnh, không đáng kể. Nhưng nếu xét theo HDI thì Việt Nam với 0,696 hơn hẳn Lào, 0,601. Việt Nam xếp thứ 116 nằm ở mâm trên của nhóm U 0,7 cao hơn hẳn thằng em, xếp thứ 139, ngồi mâm cuối .
An ủi quá, vì Trường Sơn Tây vẫn phải học Trường Sơn Đông.
Nhưng kể cả HDI cũng chỉ nói lên tiềm lực vật chất của một quốc gia. Các nước vùng vịnh với những ông lãnh chúa, các đạo luật khắc nghiệt về tự do cá nhân, chèn ép phụ nữ vẫn đạt HDI trên 0,8, nhờ vào chỉ số thu nhập cao chót vót và các dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí toàn dân.
Tôi có bạn bè làm việc cho „Phóng viên không biên giới“ (RSF) hay „Ân xá quốc tế“(AI). Họ thực sự là những người công tâm và không bị chỉ đạo của bất cứ nhà nước nào. Do vậy mọi cáo buộc rằng các tổ chức này là tay sai của thế lực nọ kia là vô trách nhiệm.
Các tổ chức này lập ra những chỉ số về dân chủ hay tự do báo chí để thúc đấy quyền con người toàn cầu. Bảng xếp hạng của họ được quốc tế công nhận. Vì thế ma nước Qatar giàu có, chiếm chỉ số HDI và GDP khá cao, phải ngậm bồ hòn cải cách luật nữ quyền, luật lao động v.v. nhằm được đăng cai giải bóng đá 2022.
Theo bảng xếp hạng tự do báo chí 2018 của RSF(4) thì Trung Quốc đạt 176/180 còn đứng sau Việt Nam một bậc và chỉ cách ông đội sổ Bắc Triều Tiên (180) có 4 chỗ.
Giả sử rằng Trung Quốc từ 12 ngàn tỷ USD cứ tăng trưởng 7%/năm, Mỹ từ 19 ngàn tỷ cứ tăng trưởng 3-4%/năm thì lúc nào đó, họ sẽ đuổi kịp Mỹ về Nominal GDP, khỏi cần nhân hệ số sức mua.
Đối với chỉ số thu nhập đầu người, chỉ số HDI và kể cả „Trò chơi dân chủ“ như “Tự do báo chí” thì chú Tập còn phải …mỏi cổ mới theo được Nam Hàn, đừng nói tới Mỹ hay Đức.
Tuy còn thua xa Mỹ, Nhật, EU về nhiều mặt, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chưa thể đe dọa vị thế của Phương Tây cả về khoa học, kinh tế và quyền lực quốc tế.
Trung Quốc tuy vẫn là một công xưởng lớn, cung cấp từ cái bút bi đến màn hình LED cho cả thế giới, nhưng cũng đã đi sâu vào công nghệ tin học, sinh học, trí tuệ nhân tạo v.v. Trong số 20 công ty WEB lớn nhất thế giới, 11 là của Mỹ và 9 là của Trung Quốc. Trong số 260 doanh nghiệp công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30 (5). Bắc Kinh đang biến nhiều nước Nam Âu và Đông Âu thành con nợ, đang tung tiền để mua thuộc địa ở Châu Phi. Vốn ở đâu ra?
Câu trả lời nằm trong bản chất của chế độ độc tài mà tôi từng gọi là “Trung Quốc Xã”. Chỉ số HDI, bên cạnh thu nhập đầu người, còn xét đến hy vọng thọ trung bình, thời gian đến trường v.v. nên trong đó đã bao gồm cả sự chênh lệch giàu nghèo. Cùng là nước XHCN như Cuba hoặc cựu XHCN như Serbia, tuy có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc, nhưng cả hai đều có chỉ số HDI cao hơn Trung quốc nhiều. Trong 1,4 tỷ người Hoa Lục, khoảng 100 triệu người có mức sống của Tây Âu, 400 triệu người no đủ, 900 triệu người nghèo khổ, trong đó có khoảng 80 triệu người nghèo đói thực sự (6). Sự đói nghèo của 900 triệu người này lại là nguồn lực phát triển của đế quốc Trung Hoa.
UNDP và đại học Oxford có lập ra bảng xếp hạng nghèo đói toàn cầu gọi là Multidimensional Poverty Index MPI(7).. Danh sách này chỉ bao gồm khoảng 100 nước nghèo và đang phát triển, được dẫn đầu bằng các nước châu Phi như Niger, Nam-Xu Đăng và Chad. Ở châu Âu chỉ còn Albania và 3 nước cộng hòa của Nam-Tư cũ đứng ở cuối bảng. Cuba nghèo đều, nhưng không để ai đói nên không bị vinh danh. Một bảng xếp hạng rất minh bạch.
Điều nhục nhã là cả Trung Quốc và Việt Nam đều còn nằm ở đây. Trong năm 2018, Đông á còn 117 triệu người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, chiếm 6% dân số. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 4,7% , ở Trung Quốc = 4%, tức là 56 triệu dân (xem trang 57-60).
Con số 4,5 triệu người Việt thiếu ăn chắc không xa thực tế. Chỉ có các quan tỉnh ngồi trong những tòa biệt thự kiến trúc nửa Gothic, nửa hiện đại sẽ chối cãi. Nhưng Trung Quốc coi mình là siêu cường, tự đắc ban phát viện trợ phát triển cho các nước nghèo Á, Phi, Mỹ La tinh, vung tiền mua các công ty công nghệ phương tây mà để 56 triệu đồng bào chỉ sống bằng 700USD/năm là gì? Đây chính là điều quái dị chưa từng thấy trong lịch sử. Hitler xây dựng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia mà không để một người Đức nào nghèo, chỉ bóc lột thuộc địa.
Tiềm lực của đế chế Trung Hoa không chỉ do bóc lột dân mình, mà còn ở thể chế. Khác với chủ nghĩa tư bản tự do, tư bản độc tài không những nắm nhiều nguồn lực quốc gia hơn, mà còn toàn quyền định đoạt việc sử dụng tài sản đó. Trong khi Trump đang khốn khổ với hai viện để có 18 tỷ cho bức tường Mexico thì Tập chỉ hất đầu là có 60 tỷ “viện trợ” cho châu Phi.
Ở xứ dân chủ, chính phủ chi tiêu đồng nào cũng phải được quốc hội chuẩn y. Xin chớ ai nghĩ rằng ở phương Tây, “Quốc hội là dân”, như cựu chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố (8). Quốc hội phương tây cũng đại diện cho các đảng phái chính trị, được hậu thuẫn bởi các thế lực kinh tế. Nhưng sự đa nguyên đó tự tạo ra cơ chế kiểm soát, dù là kiểm soát xài tiền chùa. Tất nhiên đảng nào cũng muốn lấy lòng dân và thế là phúc lợi xã hội luôn thành miếng bánh to nhất trong các ngân sách. Đơn cử: chi phí y tế ở các nước văn minh thường trên 10% GDP (Mỹ 17%, đứng hàng đầu, Thụy Điển 12%).
Nền y tế Trung Quốc chỉ được đầu tư 5,5% GDP, xếp thứ 125/195 nước. (Cu ba nghèo hơn nhiều nhưng xếp hạng 12/195, với 11%). Việt Nam đứng trên Trung Quốc, xếp thứ 79 với 7,10% (9). Có lẽ 7,10% này đã bao gồm tiền lót tay của toàn dân, cho từ mũi kim tiêm đến ca mổ.
Nước Đức từ bỏ điện hạt nhân để chuyển sang năng lượng xanh. Quốc hội cãi nhau mãi mới phê duyệt cho làm ba trục điện cao thế tổng cộng 4.000km để đưa năng lượng gió và nắng từ biển Bắc về vùng công nghiệp nam Đức. Kéo cao thế qua rừng thì bị bọn môi trường chống vì sợ chết hết chim. Đào đường ngầm thì nông dân chửi là từ trường ảnh hưởng đến rau mầu. Tốn bao tiền bồi thường và hầu tòa 5 năm vẫn chưa xong. Gã Trung Quốc nghe vậy cười khẩy: Nước tao một năm là xong hết, dân sao lại đòi cãi nhà nước? Ông nông dân Đức nghe vậy chỉ tay vào đầu: Nhà nước cũng là một thực thể kinh tế, khác méo gì tao?
Trò “dân chủ kinh tế” này thì cả tư bản đỏ lẫn tư bản trắng đều ghét. Ở phương tây, tư bản hay nhà nước cũng phải ra tòa kiện với lão nông dân, có khi thua vãi. Ở xứ độc tài thì cả vạn lão nông cũng sẽ bị đập chết ngoéo. Đó chính là sức mạnh của Trung Quốc.
Chỉ vài con số trên đã cho thấy, Trung Quốc tuy còn xa mới thành một cường quốc theo đúng nghĩa. Nhưng mối đe dọa tiềm tàng của nó khiến nhiều người lo ngại.
1,4 tỷ người Trung Quốc cũng có quyền được giàu có như 5 triệu người Na-Uy. Khi đó dù với Nominal-GDP là 100.000 tỷ USD (bằng 5 nước Mỹ), nhưng dưới một thể chế văn minh, dân chủ, sẽ không ai phải sợ và ghét người Hoa.
Nhà tư bản Đức thà thua ông nông dân khó chịu kia, hơn là đưa luật rừng Bắc-Kinh vào Đức.
Köln 30.09.2018
Xuân Thọ (Facebook)
—————————————
Ghi chú:
(1)https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook
(2) https://www.statista.com/…/countries-with-the-largest-gross…
(3) http://hdr.undp.org/en/2018-update
(4) https://rsf.org/en/ranking
(5) http://vi.rfi.fr/…/20180928-trung-quoc-%E2%80%93-hoa-ky-mot…
(6) https://www.welt.de/…/Daran-koennte-das-maechtige-China-wir…
(7) https://ophi.org.uk/…/Preliminary_global_MPI_Report-2018.pdf
(8) Quốc hội là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai!http://vietnamnet.vn/…/qh-la-dan-dan-quyet-sai-dan-chiu-chu…
(9) https://www.cia.gov/…/the-world-fa…/rankorder/2225rank.html…
Trích: “Hitler xây dựng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia mà không để một người Đức nào nghèo, chỉ bóc lột thuộc địa.”
Cuối thế kỷ XIX Đức chỉ có vài thuộc địa ở Phi châu và Nam Thái bình dương nhưng sau khi thua trận Đệ nhất Thế chiến (1914-18), các thuộc địa đã bị Đồng minh tịch thu tất cả.
Để phục vụ cho bộ máy chiến tranh, Đức Quốc xã đã sử dụng nhân lực từ các trại tập trung người Do Thái, tù binh các nước bị chiếm đóng (Nga, Ba lan…) và lực lượng lao động các xứ Đông Âu, tính đến năm 1945, có đến hơn 30 triệu người.
Việt nam dưới chế độ khỉ Trường sơn, hang Pắc Bó chế biến được gì?
* 06/01/2014- Ước tính Việt Nam nhập vài chục ngàn tấn tăm, đũa từ Trung Quốc trong năm 2013 . Cách đây 3 năm, lượng tăm nhập khẩu vào VN là trên 1100 tấn/năm.
* Trong thời chiến ? Cộng sản Hà nội được đế quốc Tàu cộng cung cấp đủ mọi thứ từ cây kim, sợi chỉ, gói mì, nón cối cho đến vũ khí, đạn dược :
Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam CS tại Quảng Châu bàn về quan hệ Việt – Trung thời kỳ chiến tranh : Những người ở lứa tuổi tôi hiện nay đều không quên những viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em cho chúng ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ vũ khí đạn dược đến gạo ăn vải mặc, từ ô tô, tầu thủy, máy bay đến chiếc xe đạp, máy khâu, từ gói mì chính đến cái kim sợi chỉ…, không sao kể hết.
“PPP-GDP/Capita. Thu nhập theo sức mua này thể hiện đúng mức sống trong nước…mỗi người Việt coi như có hơn 6.700 US/năm để ăn, học hành, đi lại, chơi Phây v.v. ” – Trích.
Theo World Bank- 2017, PPP-GDP/Capita của Lào là $7.023 , Mễ Tây Cơ $18.258, Iraq $17.196 , Thái $17.870 , Phi luật Tân $8.342 , Trung cộng $16.806, Mỹ $59.531.