Trong nhiều năm, có lẽ đây là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” xuất hiện nhiều đến thế trên các phương tiện truyền thông Ba Lan. Mọi lần, mỗi khi nghe đọc thấy 2 chữ “Việt Nam” là giật mình thon thót, nhưng dịp này, toàn chuyện tốt lành, tử tế.
Các bản tin về hoạt động từ thiện của người Việt không chỉ được đề cập trên các trang báo địa phương mà cả trên các kênh truyền hình lớn nhất như TVN24 hay Polsat. Đặc biệt, hoạt động này diễn ra trong bối cảnh, người Việt cũng đang chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi bệnh dịch. Sinh nhai chủ yếu trong lĩnh vực ẩm thực và kinh doanh quần áo, giầy dép; mọi hoạt động của cộng đồng người Việt đều ngưng trệ kể từ 15/03 khi chính phủ Ba Lan công bố lệnh cách ly toàn xã hội. Theo đó, trừ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm; các phần còn lại đều đóng cửa hoặc chuyển qua hoạt động trực tuyến.
Các quán ăn của Việt Nam, phần thì đóng cửa, phần hoạt động cầm chừng phục vụ khách đặt hàng qua điện thoại. Nhưng bất chấp khó khăn, ngành ẩm thực cùng một số mạnh thường quân đã tổ chức cung cấp những bữa ăn nóng hổi ngon miệng cho các bác sĩ, y tá, những người đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Lilly Trần – cô chủ quán thế hệ 1,5
Sang Ba Lan từ lúc 12 tuổi, cô gái bé nhỏ thuộc thế hệ di dân ‘một rưỡi’ trông giống như một học sinh trung học với cặp kinh cận lại là bà chủ một quán ăn khá lớn có tên Hạ Long. Cha mẹ Lilly Tran (tức Trần Thị Hoài Phương) làm hàng ăn ở đất Ba Lan đã 20 năm, từ lúc mới đặt chân tới mảnh đất này.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, vợ chồng Lilly Trần cũng theo nghề ẩm thực. Có quán ăn trong tay, Lilly Tran cùng chồng đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, từ gần 3 năm nay họ còn làm tình nguyện viên cho môt quỹ từ thiện của Ba Lan.
Khi dịch bùng phát ở Ba lan, mặc dù còn rất nhiều tranh cãi về chuyện đủ hay thiếu trang bị dùng trong lĩnh vực y tế và bản thân Lilly cũng gặp đôi chuyện bị kỳ thị vì là người châu Á- nơi bùng phát dịch- nhưng nhóm của cô đã thầm lăng quyên góp được 11000,zl (tương đương 3.000usd) để cung cấp cho bệnh viện 40 ngàn đôi găng tay cùng hàng chục gói khăn y tế. Bệnh viện bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Lódz, nơi tiếp nhận món quà, từng là bà đỡ cho rất nhiều trẻ em Việt Nam. Các sản phụ người Việt đã nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ ở đây và món quà như một sự đền đáp nhỏ từ cộng đồng.
Vừa xong vụ kể trên, cô chủ quán Hạ Long lại lăn vào bếp núc để cung cấp các suất ăn cho các bệnh viện trong vùng, tổng cộng 1190 suất ăn miễn phí đã tới tay các nhân viên y tế. Bạn bè đóng góp chút ít, chủ tịch hội đồng thành phố cũng ôm tới một lô thực phẩm, còn chủ yếu là công sức cũng như tiền bạc do quán tự bỏ ra.
Hạ Long cũng vừa làm hơn 6000 suất ăn sáng cho những người vô gia cư, người cô đơn trong dịp Phục Sinh. Đây là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ của quỹ Wolne Miejsce mà Lilly là tình nguyện viên.
Cô gái trẻ cho chia sẻ, “Có những người nghĩ mình làm từ thiện là để lăng xê tên tuổi và quảng cáo thương hiệu, nhưng mình muốn gây dựng 1 hình ảnh đẹp của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, để thế hệ sau được đón nhận thân thiện hơn. Bố mẹ đi trước trồng cây, để đường con đi luôn là bóng mát”.
“Trái tim đỏ” lan tỏa
Trên các gói thức ăn thiện nguyện thường thấy một logo với trái tim đỏ với biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ “Người Việt ở Ba Lan”. Đây là logo ‘bột phát’ tức mới ra đời ít ngày sau khi chiến dịch nấu ăn được bắt đầu. Anh Hoàng Thế Diễm thường được biết đến với cái tên Diễm- Liên chủ quán ăn Thái HORAPA, người khởi xướng chiến dịch cho hay, sẽ cố gắng đến hết dịch, hoặc ít nhất hết tháng Tư, nếu vẫn tiếp tục được bà con trong cộng đồng tiếp sức.
Các quán ăn ủng hộ những đợt đầu, được quãng 5000 suất, còn sau này từ những người phát tâm trong cộng đồng, người đôi ba chục suất, người dăm chục hay một trăm, có hội đồng hương tuyên bố ủng hộ một ngàn.v.v. Cho tới nay, khoảng gần 2500 suất được bà con trong cộng đồng hỗ trợ bằng cách đặt các nhà hàng Việt Nam nấu giúp.
Không thích trả lời phỏng vấn hay liên hệ với báo chí, anh Hoàng Thế Diễm phân vân mãi mới cho hay, “đây là nhóm tự phát, phi lợi nhuận, phi chính trị chỉ có mục đích nhân đạo”. Ngoài việc ủng hộ các suất ăn, nhóm cũng ủng hộ găng tay, khẩu trang và quyên góp được một lều bạt cho bệnh viện ở Grojec.
Song song hoạt động tại Warszawa trong lĩnh vực cung cấp thức ăn nóng cho các bệnh viện còn có nhóm của anh Ngô Văn Tưởng, Cao Hồng Thái và một vài cộng sự. Tốp này có một xe nấu thức ăn lưu động và thường thường mỗi tối, từ nửa tháng nay, cung cấp cháo miễn phí cho bệnh viên của bộ Nội vụ. Đây là bệnh viện đa khoa lớn đã được tạm thời chuyển đổi mục đích sử dụng sang chuyên khoa về lây nhiễm để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Món “cháo Thị Nở” như cách gọi đùa của Thái, giữ được độ nóng lâu và khác biệt so với các thức ăn khác. Cháo được đựng trong các hộp bằng vật liệu Eko, thể tích hơn 900ml được các nhân viên y tế ở đây đón nhận nhiệt tình. Hiện nhóm này đã cấp được hơn 2000 suất trên cơ sở đóng góp của bà con trong cộng đồng.
Anh Ngô Văn Tưởng người hoạt động ở cả 2 nhóm với tư cách điều phối viên, cho biết trên Polsat, mặc dù kêu gọi mọi người tham gia vào hoạt động thiện nguyện này, nhưng bản thân cũng phân vân, không biết phản ứng của các y bác sĩ thế nào; họ có chấp nhận sự giúp đỡ từ người châu Á hay không, hay lại ngại ngần vì virus. Nhưng thực tế đã cho thấy, không chỉ nhân viên y tế mà cảnh sát hay đội trật tự công cộng đều phản hồi tích cực.
Hoạt động tương tự cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành của Ba Lan nơi có các quán ăn Việt Nam. Sử dụng cùng một logo ‘trái tim đỏ’, Trần Hoàng Mai Anh ở Opole, chủ của chuỗi nhà hàng Thai Express đã ủng hộ được 250 suất cho khoa lây nhiễm của bệnh viện tỉnh Opole và khoa ung bướu của bệnh viện Dąbrowa Górnicza. Hoạt động này sẽ vẫn được bà chủ trẻ đẹp tiếp tục trong thời gian tới đây.
Công bằng mà nói, nhiều quán ăn Ba Lan hay quán ăn của các quốc gia khác như Mc Donald, Pizza Hut.v.v. cũng có những hoạt động tương tự và họ cũng được một số mạnh thường quân ủng hộ bằng tiền bạc. “Thậm chí họ rất mạnh” – như anh Hoàng Thế Diễm nhận xét.
Hiện nhiều người trong giới kinh doanh khách sạn tại các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Baltic cũng đã tuyên bố, sẽ cho các nhân viên y tế Ba Lan nghỉ ngơi miễn phí sau đại dịch.
Thêm những hoạt động khác
Sẽ là khiếm khuyết nếu không kể đến rất nhiều các cá nhân, gia đình hay hội nhóm khác đã chung tay trong những đợt thiện nguyện mùa dịch theo các cách của riêng mình. Chùa Thiên Phúc, anh Nguyễn Phương Oanh đại diện cho hay, đã cung cấp miễn phí 20 ngàn khẩu trang, hơn 11 ngàn đôi găng tay y tế, hơn 100 chai cồn rửa tay. Khẩu trang vải cotton do cộng đồng tự may, có thể giặt và tái sử dụng.
Hội Thánh Tin Lành cũng nhiều lần ủng hộ, mỗi lần làng trăm khẩu trang tự may. Ngoài việc cung cấp cho một số bệnh viện, số lượng khẩu trang của cộng đồng được đưa tới các cơ quan hành chính quận, nơi có đông người Việt cư trú như Ochota hay Piaseczno.v.v.
Hàng chục ngàn chiếc khẩu trang đã được may bởi những người Việt thầm lặng mà tên tuổi của họ, thậm chí không được ai biết tới.
Bên cạnh các nhóm, một số gia đình đã ủng hộ bệnh viện với tư cách cá nhân của mình, bằng cách tự đem đồ tới trao tại các bệnh viện.
Dù có khắt khe tới mấy, cũng không thể không thừa nhận, lần này cộng đồng Việt Nam đã thực sự ‘ghi điểm’ trong con mắt người bản xứ và tiến một bước khá dài trên con đường hội nhập ở quê hương thứ 2.
Mạc Việt Hồng
Cám ơn bài viết của cô Mạc Việt Hồng và tinh thần tương trợ của người Việt ở Ba Lan, đã đóng góp rất tốt cho xứ sở Ba Lan nhân Đại dịch Virus Vũ Hán. Bài viết rất cảm động.
Ngoại trừ ông Hồ Chí Minh, đảng và nhà nước cộng sản Bắc Việt tay dính đầy máu và nước mắt của dân lành, còn lại đại khối dân Việt luôn có lòng nhân hậu. Bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng đùm bọc, giúp nhau và giúp tha nhân.
Thí dụ năm 1954, Miền Nam đã tiếp nhận và giúp đỡ hơn một triệu đồng bào Miền Bắc, chạy bỏ HCM và Cs Bắc Việt. Đồng bào gốc Bắc đó đã tích cực đóng góp rất tốt cho Miền Nam, giữ vững Sài gòn là Hòn ngọc Viễn đông.
30/4/1975 Miền Nam mất tất cả, đồng bào Nam Bắc phải liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do khắp nơi trên Thế giới. Số may mắn còn sống đã tụ hội xây dựng lại cuộc sống trên quê hương mới.
Từ đó mỗi khi quốc gia sở tại, có người Việt định cư, gặp thiên tai, dịch bệnh thì người Việt họp nhau đóng góp, gây quỹ bằng nhiều hình thức để cứu trợ.
Thí dụ mới nhứt ở Úc, đầu năm 2020 xảy ra nạn cháy rừng trầm trọng, Cộng Cồng Người Việt Tự Do (CĐNVTD) ở Úc phối hợp với chùa và một vài nhà hàng gây quỹ cứu trợ.
Theo báo cáo gây quỹ lần đầu:
– CĐNVTD đã quyên góp hơn 1.3 triệu Úc kim
– Các chùa quyên góp trên 600.000 đô Úc
– Chỉ riêng nhà hàng Happy Reception cũng gây quỹ trên 70.000 Úc kim.
Sau đó chánh phủ TB/Victoria (TP Melbourne) cho hay sự đóng góp toàn quốc rất tốt, nếu Cộng đồng còn gây quỹ nữa, Chánh phủ Victoria sẽ chi ra thêm một Úc kim cho mỗi Úc Úc kim do Cộng Đồng đóng góp để tiếp tục giúp cho những vùng còn cần đến.
Việc làm trên chứng tỏ dân Việt có lòng nhân hậu, thông minh không thua kém các sắc dân khác. Chỉ vì HCM, đảng và nhà nước cộng sản đã phá nát nước Việt và đánh mất lòng nhân hậu nên dân Việt tan tác khắp nơi. Vì vậy, Dân Nam mời gọi đồng bào Việt Nam gốc cộng sản hãy sớm hợp nhau kêu gọi Hà nội nên vứt bỏ HCM, đảng và nhà nước cộng sản VN như Nga, Ba Lan…và những nước Đông Âu khác đã làm. Tạo cơ hội cho VN có tự do, dân chủ, đa đảng đa nguyên để sớm đem lại Hòa giải và Hòa hợp, cùng nhau phục hưng nước nhà.
Mỹ trở lại Á châu là cơ hội cho VN thoát Hồ và thoát cộng.
Chúc cô Mạc Việt Hồng, BBT Đàn Chim Việt và đồng bào ở Ba Lan an lành thoát đại dịch Tàu cộng. Thân mến. DN
“Ăn cây nào, rào cây nấy” có khác! Hoan hô cộng đồng người Việt ở Ba Lan.
Kính gởi Tác giả Mạc việt Hồng.
Đây là lần đầu tiên tôi đọc bài viết của Bà, và hình như cặp kính già của tôi đã mờ đi thì phải!. Cảm ơn thật nhiều về bài viết nầy.
Xin Trân Thành Cảm Ơn tất cả mọi người làm nên những việc Cao Cả nầy. Đấng Tối Cao sẽ mang đến cho quí vị niềm hạnh phúc vô biên cùng quí vị và gia đình.
Một chút tự hào là người Việt Nam.
Trọng kính.
HOAN HÔ
RẤT HÃNH DIỆN