Ngày 4 July năm nay người dân Mỹ kỷ niệm 242 năm, ngày công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence). “Con người sinh ra bình đẳng và được Tạo hóa ban cho những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và theo đuổi hạnh phúc.” đó là những lời mở đầu mà ông Thomas Jefferson đã viết trong bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Nội dung chính của bản tuyên ngôn dựa trên tư tưởng của John Locke (1632–1704) một nhà triết học và hoạt động chính trị người Anh, theo trường phái của chủ nghĩa “Khế Ước Xã Hội và Luật Tự Nhiên”. Theo quan điểm của John Locke, khế ước xã hội là nhà nước không nên có quá nhiều quyền lực vì như vậy người dân sẽ bị áp bức và đè nén. Và con người theo luật tự nhiên, sinh ra có ba quyền cơ bản và không thể bị tước đoạt đó là quyền được sống, được tự do và được sở hữu của cải. Những ý tưởng khác của John Locke cũng được Thomas Jefferson đưa vào bản tuyên ngôn Độc Lập như sự bình đẳng của con người, hạn chế quyền lực của nhà nước, và nhà nước phải có nghĩa vụ với dân. Thêm nữa, người dân có quyền lật đổ Chính quyền khi Chính quyền không còn phù hợp với ước vọng của mình. Về phương diện cá nhân, ông cho rằng con người nên dùng lý trí để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến bị áp đặt, hoặc nảy sinh ra bởi niềm tin vào một chủ nghĩa sai lầm hoặc một lý tưởng mù quáng.
Ngày 8 July 1776, tiếng Chuông Tự do (Liberty Bell) ở Philadelphia đã vang lên rộn rã, sau khi đại tá John Nixon đọc xong bản Tuyên Ngôn Độc Lập lần đầu tiên trước công chúng. Bao nhiêu năm qua, tiếng chuông đó không chỉ ngân vang trên nước Mỹ và còn trên toàn thế giới, bởi tự do dân chủ là những khát vọng mà ở rất nhiều nơi con người vẫn chưa có, vẫn chưa hề được thấy. Triết gia Jean Jacques Rousseau đã viết trong tập tiểu luận “Xã ước” của ông vào năm 1762: “Con người sinh ra tự do, thế mà khắp nơi chỉ thấy những gông cùm.”
Thật vậy, theo tổ chức “Ngôi nhà Tự Do” (Freedom House) được bà Eleanor Roosevelt, phu nhân TT Franklin D. Roosevelt, thành lập vào năm 1941 với chủ trương tranh đấu cho quyền tự do trên thế giới, cho tới nay chỉ có 45% (88 quốc gia) trên toàn cầu được hưởng quyền tự do hoàn toàn, 30% (59 quốc gia) được tự do giới hạn và khoảng 25% (48 quốc gia) hay 2 tỷ trong số 7.6 tỷ người trên thế giới bị hoàn toàn tước đoạt quyền tự do. Riêng về phần Á Châu, đã có những tiến bộ đáng kể trong vòng 40 năm qua, hiện nay có tới 18 nước được may mắn sống dưới thể chế tự do, so với 8 nước được hưởng quyền này trong thập niên 1970. Tuy vậy vẫn còn 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, được liệt kê vào danh sách những nước mà người dân bị chiếm đoạt hầu hết các quyền tự do căn bản.
Đông Âu gồm những quốc gia hoàn toàn không có tự do khi bị đặt dưới chế độ cộng sản, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, cộng sản sụp đổ ở khu vực này, đã có tới 12 nước cho người dân được hưởng quyền tự do thực sự, và chỉ còn 3 nước thì người dân không hoàn toàn có quyền này. Phi Châu là lục địa tồi tệ nhất có tới 16 nước người dân vẫn còn bị kìm kẹp, 21 nước được tự do giới hạn và chỉ có 11 quốc gia được hưởng tự do hoàn toàn.
Con người có được tự do thì trí tuệ mới phát triển, đầu óc sáng tạo và kinh tế mới có thể tiến bộ được. Ngày 4 July năm 1776 là ngày tuyên bố độc lập của Hoa Kỳ, cũng là ngày khai sinh một chế độ tự do, dân chủ bền vững nhất thế giới. Hoa Kỳ không những thành công trong việc tạo dựng một quốc gia hùng mạnh, kinh tế phất triển, mà còn là quốc gia có một nền tự do, dân chủ gương mẫu nhất toàn cầu.
Chính quyền là sản phẩm dựng lên bởi con người, mà đã là sản phẩm của con người thì không thể nào đạt được sự toàn hảo. Thế nhưng, phải công minh mà nhìn nhận rằng trên thế giới không dễ gì kiếm được một quốc gia nào mà nhân quyền, tự do và dân chủ lại được chính quyền đề cao và tôn trọng tới mức tối đa như Hoa Kỳ.
Lịch sử Hoa kỳ đã trải qua những giai đoạn thử thách cam go, nhưng người dân không ngừng phấn đấu để nêu cao tinh thần yêu chuộng tự do, từ cuộc nội chiến 1861-1865, đến cuộc khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 1930, qua hai kỳ thế chiến, đến thời chiến tranh lạnh căng thẳng chấm dứt vào năm 1991, rồi lại phải đương đầu với cuộc chiến khủng bố man rợ. Ý niệm tự do, dân chủ luôn gắn liền với nhau trong đời sống người dân Mỹ. Chính vì tính chất đa dạng và là một quốc gia hợp chủng, mà Hoa kỳ từng được khoác cho nhiều bộ mặt khác nhau, như kỳ thị, bảo thủ, chế độ liên bang, chen lấn vào quyền tự chủ của tiểu bang, v.v. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tự hào là một quốc gia mà tự do được tôn trọng và là đặc quyền tối thượng của người dân. Kể từ ngày dành độc lập trong tay người Anh, chưa một nước nào trên thế giới có đủ quyền lực để kiềm chế, thống trị hoặc bắt người dân Mỹ phải phục tùng.
Tự do, dân chủ là hai ý niệm không mới lạ gì với con người và hai yếu tố này phải luôn đi đôi với nhau thì mới bền vững, lịch sử cho thấy thời cổ Hy Lạp khoảng hơn hai ngàn năm trước đây, người dân đã đặt dân chủ, tự do như là một mô thức cần thiết cho xã hội được sống trong hạnh phúc. Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng chưa có một quốc gia nào trên thế giới có được một nền tự do dân chủ bền bỉ và tốt đẹp như Hoa Kỳ. Ngay cả quốc gia có nền tự do dân chủ được coi là mẫu mực của Tây phương như nước Pháp chẳng hạn, phải chờ tới cuộc cách mạng tháng 5 năm 1789, sau khi lật đổ chế độ vua chúa và công bố bản Tuyên Ngôn Nhân quyền (Déclaration des droits de l’homme et du citoyen de 1789), mới đề cao quyền tự do và bình đẳng của con người. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, tình thế trở nên rối ren, dân chúng thất vọng vì không thấy được tự do thực sự đã bất mãn và tạo ra tình trạng hỗn loạn để Nã Phá Luân thừa nước đục thả câu, phục hồi đế chế và tước đoạt lại quyền tự do của dân chúng.
Chào mừng ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ không phải chỉ để khâm phục một quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào bậc nhất thế giới, nhưng còn để ngưỡng mộ một quốc gia mà quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người luôn được tôn trọng. Một quốc gia mà trong đó người dân được phép chỉ trích chính quyền, được diễn đạt ý tưởng của mình, và dù có đả phá hay chống đối cũng không bị kết án tù tội, đánh đập một cách vô lý, như ở các nước cộng sản, nơi mà người dân bị tước đoạt hết quyền tự do, quyền phát biểu tư tưởng.
Hoàng Gia Viễn