Ngân sách dưới thời Donald Trump

0

Tổng Thống Donald Trump cam kết với cử tri sẽ cắt giảm ngân sách. Giảm thiểu tối đa tình trạng ngân sách thâm thủng.

Lúc còn vận động tranh cử, ông từng lớn tiếng chê bai lối tiêu tiền “loạn xạ” của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama khiến nước Mỹ “nợ thêm mấy chục ngàn tỷ bạc”, từng nhắn nhở người dân Mỹ “nếu muốn quốc gia tiếp tục sống trong cảnh nợ nần thì cứ bỏ phiếu ủng hộ bà Dân Chủ Hillary Clinton”, nhấn mạnh “sau đó, đừng trách là tôi không cảnh báo các bạn”. Sau ngày đắc cử, ông cũng nhắc lại lời cam kết, cho hay sẽ làm việc chặt chẽ với Quốc Hội để cắt giảm chi tiêu “đến mức tối đa”, đồng thời loan báo “sẽ không lãnh lương”, giúp chính phủ liên bang có tiền sử dụng vào việc cần thiết khác.

Mười hai giờ trưa thứ Sáu, 20 tháng Giêng 2017, ông Trump tuyên thệ nhậm chức, nhưng từ sáng sớm ngày thứ Tư, phần lớn nhân viên làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của ông đã có mặt tại Washington D.C. để thảo luận với dàn chuyên viên ngân sách của Tòa Bạch Ốc về những hương trình “nên” hoặc “cần” phải cắt bỏ. Tìn hành lang chính trị thủ đô cho biết các bộ ngoại giao, thương mại, giao thông, năng lượng và tư pháp sẽ bị giảm ngân sách “vì nhiều chương trình đang thực hiện bị xếp trong danh sách không cần thiết”, nhưng khoản trợ cấp về để thực hiện những chương trình văn hóa hay mang tính nhân văn cũng bị cắt bỏ, để đạt mục tiêu tiết kiệm cho quốc gia 10,500 tỷ dollars trong 10 năm tới.

Tin này không gây ngạc nhiên cho những người từng góp phần hoạch định ngân sách quốc gia. Ông Brian Darling, cựu nhân viên của ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cho hay “lúc còn làm Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách, ông Ryan đã muốn cắt giảm hầu hết những gì bây giờ bên ông Trump đề nghị”. “Chính phủ Trump”, ông Darling nói tiếp, “muốn mở một kỷ nguyên mới cho chính trường Hoa Kỳ, do đó, dàn tham mưu của ông Trump sẽ để nghị cắt giảm rất nhiều chương trình mà từ lâu, nhiều người muốn làm nhưng không được sự ủng hộ của hành pháp”. Giờ đây khi hành pháp và lập pháp đều thuộc về đảng Cộng Hòa, “nên xem đây là cơ hội thuận lợi cho chính phủ Trump đề nghị cắt giảm ngân sách, cũng là cơ hội thuận lợi cho đảng Cộng Hòa ở Thượng và Hạ Viện làm điều muốn làm”.

Một nhân viên đang làm việc cho văn phòng khối đa số (Cộng Hòa) tại Hạ Viện khi được hỏi nói rằng ý kiến cắt giảm ngân sách phía ông Trump đưa ra “cao hơn con số Ủy Ban Hoạch Định Chính Sách của đảng Cộng Hòa đưa ra hồi cuối năm ngoái”. “Lúc đó, chúng tôi để nghị giảm bớt chi tiêu để tiết kiệm 8,600 tỷ dollars cho 10 năm tới, bây giờ nghe nói họ sẽ cắt nhiều hơn nữa, chứng tỏ tân chính phủ Trump nhất quyết ra tay giải quyết ngân sách và chuyện nợ nần của quốc gia”.

Chuyện tân chính phủ do Tổng Thống Trump nhất quyết ra tay giải quyết ngân sách “là điều ai ai cũng nhìn thấy từ khi ông Trump còn tranh cử”, theo nhận xét của ông George McMahon, một chiến lược gia Cộng Hòa quen thuộc với giới truyền thông thủ đô. “Ứng cử viên Trump chọn ông Mike Pence đứng phó cho liên danh vì từ lúc còn làm Dân Biểu Hạ Viện, ông Pence đã nổi tiếng là người của cánh bảo thủ cương rắn, dẫn đầu nhóm đòi hỏi phải cắt giảm ngân sách liên bang”. “Sau ngày đắc cử,” ông McMahon nói tiếp, “chính ông Phó Pence là người để cử Dân Biểu Mick Mulvaney vào chức vụ Giám Đốc Ngân Sách, vì ông Mulvaney có cùng quan điểm là nước Mỹ nợ nần chỉ vì có những khoản tiền chi tiêu không hợp lý”.

Những khoản tiền chi tiêu không hợp lý đó nằm ở chỗ nào?

Tin chưa được kiểm chứng cho thấy những cơ quan như Văn Phòng Đặc Trách Hỗ Trợ Phát Triển Tiểu Thương, Văn Phòng Đặc Trách Phát Triển Mậu Dịch Quốc Tế thuộc Bộ Thương Mại có thể sẽ đóng cửa; bên Bộ Ngoại Giao, các khoản trợ cấp cho Tổ Chức Hỗ Trợ Đầu Tư Ở Nước Ngoài, Văn Phòng Nghiên Cứu Và Thực Hiện Bản Hiệp Ước Môi Trường Paris, cũng như khoản trợ cấp cho Liên Hiệp Quốc để lập Ủy Ban Nghiên Cứu Đa Quốc Về Môi Trường Toàn Cầu cũng nằm trong danh sách có thể bị cắt bỏ; bên Bộ Tư Pháp, chương trình yểm trợ địa phương mở các lớp hướng dẫn cộng đồng hợp tác với cảnh sát để bài trừ phạm pháp cũng không có nhiều hy vọng sẽ được chấp thuận; hay bên Bộ Năng Lượng, cac chương trình nghiên cứu điện lực, nghiên cứu năng lượng và môi trường, cũng như chương trình nghiên cứu sử dụng năng lượng tái sinh (renewable energy) “gần như không còn đất sống”, theo lời những người biết chuyện. Cũng cần kể thêm hồi 2012 khi ra tranh cử tổng thống, ông Thống Đốc Rick Perry của tiểu bang Texas nói nếu đắc cử, ông sẽ đóng cửa Bộ Năng Lượng vì “cơ quan này không cần thiết”. Bây giờ ông Perry là người được Tổng Thống Trump đề cử nắm.., Bộ Năng Lượng.

Bên cạnh những cắt giảm sẽ được tân chính phủ Trump thực hiện với các chương trình trong nước, một số nhà quan sát cũng nói “đừng quên trong bài diễn văn nhậm chức, Tân Tổng Thống Trump báo trước cho mọi người biết ông cũng cắt giảm các chương trình viện trợ dành cho nước ngoài”.

Trong bài diễn văn đầu tiên gửi người dân Hoa Kỳ, Tổng Thống Trump nói rằng “chúng ta bổ sung lực lượng cho quân đội những nước khác trong khi quân đội nước nhà lại suy giảm một cách đáng buồn, chúng ta bảo vệ biên giới cho các nước khác và bỏ quên biên giới của chính chúng ta, chúng ta đã đổ hàng ngàn tỷ dollars ra nước ngoài trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở Mỹ ngày càng mục nát”, trước khi đưa ra lời hứa “tất cả những điều đó đều là quá khứ, từ giờ trở đi chúng ta chỉ hướng đến tương lai” vì “kể từ ngày hôm nay, mảnh đất này sẽ được lãnh đạo bằng một tầm nhìn mới. Kể từ hôm nay, mọi việc đều phải ưu tiên cho nước Mỹ, lợi ích của nước Mỹ là ưu tiên số một”.

Điều đó, theo quan sát viên độc lập George Bolton, “là dấu hiệu bào trước chính phủ Trump sẽ cắt giảm rất nhiều khoản viện trợ dành cho nước ngoài”, như có lần ông Trump đã nói với cử tri ở Pennsylvania “các bạn nhớ bỏ phiếu cho tôi, vì tôi sẽ dùng tiền thuế của các bạn để phục vụ cho các bạn, chứ không cho ai khác cả”.

Nguyễn Khanh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên