Covid-19 tạo ra một “bình thường mới” chưa làm thế giới hết choáng thì chiến tranh Nga – Ukraine lại nổ ra. Ở một nơi thật xa cuộc chiến này, các cửa hàng đang cạn dầu ăn, mọi người đang bị móc túi thêm ở các trạm xăng, nông dân đang tranh nhau mua phân bón và nhiều quốc gia đang suy nghĩ lại, rồi đến ngày chinh chiến tàn, mình sẽ liên minh với ai.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã gây ra những trận địa chấn: người tị nạn dồn dập, một nền kinh tế lớn bị trừng phạt chưa từng thấy và các mối quan hệ quốc gia bị đảo lộn trên toàn cầu, kể cả một sức sống mới cho NATO.
Sau đây là tóm lược của nhóm nhà báo thuộc đài NPR về sự thay đổi của thế giới kể từ ngày 24 tháng 2.
THỰC PHẨM VÀ KINH TẾ
Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu chính về lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu ăn, đặc biệt là bán sang các nước châu Phi và Trung Đông. Nga cũng là nước sản xuất lớn về phân bón và xăng dầu. Sự gián đoạn dòng chảy của những mặt hàng này đang tạo thêm thách thức về chuỗi cung ứng và khí hậu, làm tăng giá lương thực và khí đốt, gây ra tình trạng khan hiếm và đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn.
Sri Lanka: Giá nhiên liệu và lương thực cao hơn từ khi có chiến tranh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này. Lạm phát tính theo năm ở mức 29,8% vào tháng Tư. Chính phủ đã ngưng trả nợ nước ngoài và trông đợi một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tình hình này khiến Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng tại đây.
Li Băng: Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, giá dầu hướng dương tăng 83% và giá lúa mì tăng 47%. Giá của một túi thực phẩm cơ bản đã tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước đó.
Ethiopia: Giá phân bón đã tăng 200% trong tháng Ba.
Ai Cập: Hầu hết lượng lúa mì nhập khẩu của nước này đến từ Ukraine và Nga, buộc chính quyền phải ra lệnh cấm xuất khẩu bột mì, lúa mì, mì ống và đậu lăng để bảo vệ nguồn dự trữ. Chính quyền cũng ấn định giá bán bánh mì tại các cửa hàng.
Peru: Tác động của chiến tranh lên chi phí lương thực, phân bón và nhiên liệu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị. Các cuộc biểu tình lan tràn khắp nước để phản đối giá sinh hoạt cao.
Eritrea: Hầu như tất cả lúa mì là nhập của Nga và Ukraine, do đó, nguồn cung cấp đã bị gián đoạn.
Ấn Độ: Là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ hưởng lợi nhờ bán được thêm cho những nước trước đây trông chờ nguồn cung lúa mì từ Ukraine và Nga.
Ai Cập: Ngân hàng trung ương phá giá đồng tiền, khiến các nhà đầu tư lo ngại. Ai Cập cũng phụ thuộc vào Nga và Ukraine để nhập khẩu lúa mì và phát triển du lịch.
Bangladesh: Ngành may mặc, cỗ máy cái của nền kinh tế nước này, đang phải đối mặt với sự gián đoạn vì các thương hiệu thời trang di chuyển khỏi Nga, vì bất ổn trong vận chuyển và giá năng lượng tăng. Chính phủ đã khởi động một chương trình trợ cấp lương thực cho người dân khi giá các mặt hàng chủ lực tăng đột biến.
Brazil: Nông dân ở nước có ngành nông nghiệp lớn này đang lo lắng về phân bón thiếu hụt và giá cả tăng vọt. Brazil là một trong những nhà nhập khẩu phân bón lớn của thế giới và 1/5 lượng nhập khẩu này đến từ Nga.
Kenya: Giá nhiên liệu tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên.
Syria: Lo lắng về tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao, chính phủ đã chuẩn bị chia khẩu phần đối với các mặt hàng chủ lực như lúa mì, đường và dầu ăn.
Ý: Lạm phát cao nhất trong ba thập niên, trong lúc khi giá năng lượng tăng.
TẢN CƯ
Hơn 5,8 triệu người đã chạy khỏi Ukraine, một cuộc khủng hoảng tị nạn tăng nhanh nhất trong lịch sử cận đại. Các tổ chức nhân đạo đã vào cuộc, dù nguồn lực đã bị căng mỏng bởi các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác. Cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc dự đoán khoảng 8,3 triệu người có thể rời Ukraine và kêu gọi đóng góp tài chính nhiều hơn cho người tị nạn và cho các nước sở tại vì cả hai đều đối mặt với những thách thức về tiếp cận thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại, giáo dục và tiền bạc.
Romania: Đã tiếp nhận hơn 880.000 người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Hoa Kỳ: Cam kết tiếp nhận mức 100.000 người Ukraine và người nước khác phải di tản vì chiến tranh. Hoa Kỳ lập ra một chương trình mới để người tị nạn Ukraine đến thẳng Hoa Kỳ.
Ba Lan: Hơn một nửa số người tị nạn Ukraine đã đến nước này – khoảng hơn 3,2 triệu người – gần gấp đôi dân số của thủ đô Warsaw. Ba Lan đã bỏ giới hạn về số lượng tối đa học sinh trong một lớp học, vì số học sinh mới có thể lên tới 700.000 em.
Afghanistan: Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thế giới bớt chú ý tới cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, nơi các nguồn viện trợ vốn đang khan hiếm. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đang làm trầm trọng thêm nạn đói và nghèo. Ở châu Âu, người tị nạn Afghanistan so đo trường hợp tị nạn của họ với người tị nạn Ukraine; một số người Afghanistan nói rằng họ phải di chuyển để nhường chỗ cho người tị nạn Ukraine mới đến.
Gruzia: Hơn 30.000 người Nga đã đến đây trong những tuần đầu của cuộc xâm lược Ukraine, nhiều người chạy trốn các luật mới của Moscow truy bức những ai có biểu hiện chống đối chiến tranh.
Hungary: Mặc dù từ trước đến nay không thích người nước ngoài xin tị nạn với số lượng lớn, Hungary đã tiếp nhận hơn 560.000 người Ukraine.
ĐỊA CHÍNH TRỊ
Cuộc chiến tranh ở châu Âu trong thế kỷ 21 – do một cường quốc hạt nhân chủ động – có thể đẩy cả thế giới hướng tới một sự tái tổ chức sâu sắc. Nó đã làm giật mình các tổ chức nổi tiếng trên toàn cầu như Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc, đồng thời buộc các quốc gia phải chọn bên theo những cách mới, tiếp tục dẫn đến thêm căng thẳng và những thay đổi quan trọng về ngoại giao.
Trung Quốc: Quốc gia này thấy mình đang ở vào một vị trí ngoại giao nhạy cảm, buộc phải cân bằng mối quan hệ đang ấm lên với Moscow trước áp lực quốc tế tố cáo chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Điện Kremlin. Khoảng ba tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn” với Nga. Nga hy vọng sẽ nhẹ bớt được một số lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Gruzia: Gruzia đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu. Trong khi đó, khu vực ly khai Nam Ossetia, đối tượng của cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga.
Thụy Điển: Sau nhiều thập niên không liên minh quân sự, Thụy Điển đang cân nhắc quyết định gia nhập NATO.
Moldova: Nước láng giềng của Ukraine và là một trong những quốc gia nghèo nhất của Châu Âu đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu, hy vọng được bảo đảm an ninh.
Israel: Nước này muốn trở thành nhà hòa giải giữa Nga và Ukraine, vì thủ tướng Israel duy trì mối quan hệ chặt chẽ với tổng thống của cả hai nước, nhưng nỗ lực này không thành công. Israel đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn của cả Ukraine và Nga chạy trốn khỏi nước.
Nhật Bản: Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Nhật Bản, Nga đã rút khỏi các cuộc đàm phán kéo dài với Tokyo để tìm cách chính thức chấm dứt các hành động thù địch do Thế chiến thứ hai để lại. Cuộc đàm phán liên quan đến 4 hòn đảo, được Nga gọi là Nam Kurils và Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc.
Brazil: Brazil duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến Nga-Ukraine vì nước này là nhà xuất khẩu nông sản phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón, nhất là phân bón của Nga.
Đài Loan: Hòn đảo đang xét lại thế trận phòng thủ của mình trong lúc người dân hồi hộp theo dõi cuộc chiến. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, giống như Nga đối với nhiều phần lãnh thổ của Ukraine. Người Đài Loan lo lắng một ngày nào đó Trung Quốc có thể xâm lược – và thắc mắc liệu Mỹ có đứng ra bảo vệ họ hay không.
Ấn Độ: Nền dân chủ lớn nhất thế giới này không chịu tham gia với phương Tây để trừng phạt Nga và tiếp tục mua dầu và vũ khí của Nga. Ấn Độ từ lâu đã có quan hệ thân thiện với Nga và muốn tránh kiếm chuyện với Moscow, một phần vì lo ngại đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc. Ấn Độ đã lên án các vụ giết dân thường ở Ukraine nhưng không lên án Nga xâm lược.
Iran: Cuộc chiến ở Ukraine đã làm xáo trộn các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân của Iran; có sự tham gia của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ: Nước này coi mình là cầu nối giữa Nga và châu Âu, lên án sự xâm lược của Nga nhưng không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây, và tổ chức cuộc đàm phán hòa bình Ukraine – Nga. Các lệnh trừng phạt khiến cho tương lai của nhà máy điện hạt nhân 20 tỷ đô la do Nga xây ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa biết đi về đâu. Nước này phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, phụ thuộc nguồn cung cấp thực phẩm và du lịch của cả Nga và Ukraine.
NĂNG LƯỢNG
Nga là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai và nhà sản xuất dầu lớn thứ ba. Liên minh châu Âu, rất phụ thuộc vào năng lượng của Nga, hiện đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn cấm vận dầu mỏ. Một cuộc tái cấu trúc lịch sử đang đảo lộn chuyện buôn bán xăng dầu toàn cầu. đặc biệt là tìm kiếm các nguồn thay thế.
Ý: Các nhà lãnh đạo đã nói chuyện với Algeria, Ai Cập và các nhà cung cấp khí đốt khác của Châu Phi để thay thế khí đốt của Nga, nguồn nhập khẩu chính của Ý.
Ba Lan: Nga ngừng cung cấp khí đốt sau khi đòi thanh toán bằng đồng rúp không xong. Ba Lan có kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt, dầu và than của Nga vào cuối năm nay.
Ả Rập Xê-út: Mỹ đã thúc ép Ả Rập Xê-út tăng sản lượng dầu để giảm giá dầu tăng cao và cạnh tranh với Nga.
Canada: Nước này cam kết xuất khẩu nhiều dầu hơn để thay thế cho Nga và cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Đức: Đức đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ 55% xuống 35% và dầu của Nga từ 35% xuống 12%. Chính phủ đã lên kế hoạch khẩn cấp cho tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra.
Venezuela: Trong một sự thay đổi chính sách bất ngờ đối với quốc gia đang bị trừng phạt nặng nề này, chính quyền Hoa Kỳ đã tiếp xúc với Nicolás Maduro, nhà lãnh đạo thân Điện Kremlin mà Hoa Kỳ không công nhận. Cuộc họp đầu tiên sau nhiều năm diễn ra khi Hoa Kỳ đi tìm kiếm nguồn dầu mỏ để thay thế dầu của Nga.
Anh: Vương quốc này cam kết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm nay.
Hoa Kỳ: Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh chưa từng có, mở kho dự trữ chiến lược tới 180 triệu thùng dầu nhằm bù đắp tác động của chiến tranh làm giá nhiên liệu tăng cao. Hoa Kỳ cũng cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga.
Qatar: Nước này đang đàm phán với châu Âu để tăng cường cung cấp khí đốt hóa lỏng thay thế cho khí đốt của Nga.
Bulgaria: Cũng bị Nga ngừng cung cấp khí đốt vì chuyện thanh toán bằng đồng rúp. Bulgaria nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt từ Nga và hiện đang tìm kiếm các nguồn dự trữ và thay thế.
AN NINH
Nga có nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã làm tái sinh sức mạnh đáng kể cho NATO. Trước mắt, các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng tăng chi tiêu quân sự hoặc bắt đầu đánh giá lại khả năng phòng thủ.
Úc: Bộ Quốc phòng đẩy nhanh kế hoạch mua tên lửa tấn công tầm xa.
Moldova: Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang đánh giá lại tình hình an ninh của mình, vì khoảng 1.500 quân Nga đang đóng tại khu vực ly khai Transnistria. Moldova lo ngại chiến tranh có thể lan sang nước mình để biến họ thành một quốc gia trái độn giữa Nga và NATO mở rộng.
Phần Lan: Sau nhiều năm trung lập, nước láng giềng phía bắc của Nga đang xem xét gia nhập NATO. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo về “hậu quả quân sự và chính trị” nếu điều đó xảy ra.
Ba Lan: Warsaw xúc tiến việc gia tăng chi tiêu quốc phòng liên bang và lên kế hoạch tăng hơn gấp đôi số lượng binh sĩ trong quân đội.
Triều Tiên: Một số chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang cố gắng thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ, dù Hoa Kỳ đang bận tâm với Ukraine, bằng cách thực hiện thêm các vụ thử tên lửa, nhất là khi miền Nam có thay đổi tổng thống.
Đức: Sau mấy chục năm chống đối, Đức cuối cùng phải tăng chi tiêu quốc phòng nhằm xây dựng lại quân đội để trở thành đạo quân lớn nhất châu Âu.
Anh: Cam kết viện trợ quân sự mới nhất của nước này cho Ukraine đã lên tới 1,3 tỷ bảng Anh, bên cạnh các khoản hỗ trợ trước đó bao gồm tên lửa chống tăng và các dàn phòng không.
Syria: Các phi công chiến đấu Syria do Nga huấn luyện nghe nói đã đăng ký chiến đấu cùng với quân đội Nga ở Ukraine.
Estonia: Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, gia nhập NATO vào năm 2004, muốn có thêm lực lượng đồng minh đóng quân tại nước họ. Anh đã đồng ý tăng gấp đôi quân số của mình ở Estonia và gửi xe tăng cũng như các thiết bị khác. Estonia vẫn là nhà cung cấp viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine.
Libya: Các bản tin cho rằng lính đánh thuê thuộc Nhóm Wagner của Nga, một tổ chức bán quân sự, đang rời Libya để đến Ukraine.
Thụy Điển: Nước này đã từ bỏ thái độ trung lập quân sự truyền thống để gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng, áo giáp và các khoản viện trợ khác.
Hoa Kỳ: Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên tới 3 tỷ USD. Quốc hội Hoa Kỳ đang cân nhắc yêu cầu của Tòa Bạch Ốc muốn có 20 tỷ đô la để gửi vũ khí đến Ukraine, bổ sung kho vũ khí hiện có, sử dụng cho an ninh mạng và các loại viện trợ khác trong khu vực.
Hôm nay, 15 tháng 5 năm 2022, Tổng thống Sauli Niinisto và thủ tuớng Sanna Marin của Phần Lan vừa loan báo nước này đã chính thức nạp đơn xin làm thành viên của khối NATO.
Việc này có liên hệ gì đến tuyên bố của Bộ Trưởng ngoại giao Anthony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nhân chuyến thăm Ukraine cách đây gần ba tuần (25/04/2022), rằng Mỹ sẽ giúp Ukraine đi đến chiến thắng và Nga sẽ suy yếu đáng kể trong dài hạn.
Ai còn nhớ chiến tranh mùa đông (the Winter War 1939) lúc Stalin lùa quân LX qua xâm lăng Phần Lan vói quân số và khí tài gấp mấy lần nưóc này? Dù phải chịu tổn thất không biết bao nhiêu là nhân mạng và khí tài, LX cũng chỉ đánh cầm cự, không thể thắng, nếu không muốn nói là bị Phần Lan đánh cho liểng xiểng. Phần Lan vì cô thế và là nước quá nhỏ nên sau đó phải chịu ngồi vào bàn thương thuyết để chịu mất 9% lãnh thổ hầu được gấu chó LX buông tha (Hiệp Ước Moscow Peace Treaty 1940).
Bằng cách khuyến khích Phần Lan gia nhập khối NATO, Mỹ đang nhử Nga đánh Phần Lan để “trả đũa”. Nếu chuyện này xảy ra thì, không nói ra, chắc các bác cũng biết WW3 đang chớm thành hình ngay trước mắt chúng ta. Được toàn khối NATO hỗ trợ, chắc chắn Phần Lan sẽ đánh cho Nga mềm xương, chứ không chỉ là liểng xiểng. Phần Lan sẽ có cơ hội phục hận và nếu thắng trận thì có thể đòi lại phần lãnh thổ đã mất về tay Nga. Cảnh báo của BTQP Lloyd Austin đối với Nga không phải là quá đáng và không phải là không có cơ sở.
Dùng Phần Lan để đánh Nga cũng chẳng khác gì dung Israel chế ngự Trung Đông hoặc VN đánh TQ. Mỹ đã đầu tư đúng chỗ cho Phần Lan và Istael, nhưng VN vẫn là một câu hỏi lớn với chính sách đu dây của nhà đương cuộc CSVN hiện nay.
Tôi cảm thấy LCL đang tạo vùng xám “chống Putin”,
nhưng thật ra, là để mô tả Mỹ như lực lượng hiếu chiến, đầy mưu mô nham hiểm, đang dụng tâm đẩy nhân loại vào thảm hoạ chiến tranh thế giới thứ ba.
Những câu chữ khéo léo, như
“được gấu chó LX buông tha”,
“chắc chắn Phần Lan sẽ đánh cho Nga mềm xương, chứ không chỉ là liểng xiểng”…
dễ làm cho người vô ý lầm tưởng rằng LCL đang ghét Nga, tố Nga…
nhưng đó chỉ là vùng xám, lùm bụi ẩn nấp.
Viên đạn thật sự muốn bắn ra nhắm đích Mỹ, là:
– Mỹ sẽ giúp Ukraine đi đến chiến thắng và Nga sẽ suy yếu đáng kể trong dài hạn.
– Bằng cách khuyến khích Phần Lan gia nhập khối NATO, Mỹ đang nhử Nga đánh Phần Lan để “trả đũa”. Nếu chuyện này xảy ra thì, không nói ra, chắc các bác cũng biết WW3 đang chớm thành hình ngay trước mắt chúng ta.
– Dùng Phần Lan để đánh Nga cũng chẳng khác gì dung Israel chế ngự Trung Đông hoặc VN đánh TQ. Mỹ đã đầu tư đúng chỗ cho Phần Lan và Istael,
Giương đông kích tây, ngọn bút tài tình của LTL đã vẽ bộ mặt Mỹ như một cáo già có vóc dáng ác thú!
Nay mai mà Putin bấm nút mở các sillo tên lửa nhiệt hạch, khởi động cuộc chiến cuối cùng của nhân loại,
thì Mỹ, chứ không ai khác, sẽ bị nhân loại nguyền rủa muôn đời!
Ghê thay ngọn bút sắc như dao đồ tễ, khéo léo như nhà phẩu thuật dưới ánh đèn không hắt bóng!