Từng được xem là công cụ khuếch trương dân chủ nhưng yếu tố dân chủ và tự do ngôn luận đang được xem là những vấn đề lớn nhất đối với Facebook. Thay vì được cổ xúy, dân chủ, trong một số trường hợp, đang bị bẻ gãy. Thay vì được ủng hộ, tự do ngôn luận, trong không ít trường hợp, đang bị bịt chặn. Tại Liên hoan phim Tribeca vào tháng 4-2018, đạo diễn-kịch tác gia Jonathan Nolan đã so sánh Facebook với Cuba (khi đề cập đến việc thu thập dữ liệu cá nhân cho mục đích đàn áp hoặc hỗ trợ đàn áp); trong khi nhà đầu tư tài chính George Soros phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos vào đầu năm 2018 rằng, Facebook đã trở thành “mối đe dọa”, với sức mạnh độc quyền, khi thỏa hiệp với các thể chế độc tài…
Không phải tự nhiên mà Chamath Palihapitiya (cựu phó chủ tịch Facebook) phát biểu vào tháng 11-2017 rằng, Facebook “đang tiêu diệt xã hội”. Theo cách như những gì xảy ra, Facebook đang tàn phá hơn là xây dựng xã hội.
Điều tréo ngoe mỉa mai là dù (có vẻ) không thể kiểm soát thông tin nhưng Facebook lại siết chặt sự kiểm soát ở một phạm vi khác. Một trong những vấn đề rất được quan tâm thời điểm hiện tại là có hay không việc Facebook “đi đêm” với một số chính phủ?
Facebook từ lâu được xem là công cụ hữu hiệu cho tiếng nói dân chủ, đặc biệt ở những quốc gia mà báo chí nhà nước kiểm soát tuyệt đối ngôn luận.
Tuy nhiên, giá trị dân chủ mà Facebook mang lại dường như đang teo hẹp, nhường chỗ cho sự “phát triển” của khuynh hướng “chìu lòng” hoặc “kết thân” của Facebook với một số nhà nước độc tài. Từ khi xảy ra vụ đảo chính quân sự năm 2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhốt tù hàng ngàn người dám lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Facebook vẫn hợp tác trong việc đàn áp tự do thông tin tại nước này.
Facebook đã không chỉ không đi theo cách của Wikipedia (bị chặn hoàn toàn sau khi từ chối hiệu chỉnh hoặc xóa bài có nội dung “bất lợi” đối với chính quyền Thổ), mà còn tuân thủ yêu cầu xóa 1.823 bài vào năm sau vụ đảo chính (Washington Post 13-4-2018).
Tháng 12-2014, một trang Facebook của Alexei Navalny, đối thủ chính trị của Vladimir Putin, đã bị Facebook khóa chặn theo yêu cầu từ Chính phủ Moscow (trang này được lập để kêu gọi biểu tình chống Putin). Một lần nữa, có hay không việc Facebook bí mật hợp tác với chính quyền vài nước để xóa bài hoặc khóa các tài khoản đăng tải thông tin “bất lợi” cho nhà nước sở tại?
Trong thực tế, từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2015, Facebook đã chặn khoảng 55.000 bài tại chừng 20 quốc gia. Cần nhắc lại, trong một bài viết ngày 22-11-2016, New York Times cho biết, Facebook đã bí mật phát triển một phần mềm để xóa bài dựa trên khu vực địa lý (công cụ này, được thiết kế để giúp Facebook kiếm được giấy phép hoạt động tại Trung Quốc, sau đó bị bỏ).
Tại Việt Nam, hàng loạt tài khoản thời gian gần đây đã bị “án treo” (30 ngày) hoặc thậm chí bị khóa vĩnh viễn, trong đó có các “nạn nhân” Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Chu, Trần Quốc Quân… và mới đây nhất là Trương Châu Hữu Danh. Có một điểm chung giữa các facebooker này: họ có lượng follow cao, với bài viết đề cập những vấn đề nóng bỏng và họ bị xem là cái gai trong mắt chính quyền.
Facebook Việt Nam có vai trò gì trong những “sự cố kỹ thuật” trên? Thật khó có câu trả lời chính xác nhưng hiện tượng này đã xảy ra thường xuyên và dày đặc hơn từ khi Facebook Việt Nam được điều hành bởi bà Lê Diệp Kiều Trang và từ khi chính quyền Việt Nam công bố dự luật An ninh mạng.
Facebook đã đóng góp đáng kể cho sự tái nhận thức trước nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt tại những quốc gia mà thông tin luôn bị bưng bít, nhưng Facebook ngày nay đã không còn là một mạng xã hội giúp kết nối và tạo ra những cộng đồng lành mạnh như ban đầu. Yếu tố lợi ích cộng đồng dường như đang phải ít nhiều nhường chỗ cho lợi ích doanh thu.
Facebook tiếp tục trao “chìa khóa” dân chủ hay tước đoạt nó khỏi tay người dân ở các quốc gia độc tài? E rằng tình hình bắt đầu thay đổi. Facebook có lẽ đang định dạng một hình thái dân chủ với “độ mở” mà nó muốn, theo cách ít nhiều phù hợp với yêu cầu riêng, đặc biệt đối với các nước độc tài. Đó có thể là giải pháp mà Facebook áp dụng để cân bằng giữa việc phục vụ xã hội và lợi ích doanh thu. Facebook sẽ xê dịch cán cân này ở từng thời điểm cụ thể và tùy trường hợp cụ thể.
Dù chưa đến mức giết chết dân chủ từ trong trứng nước nhưng chắc chắn Facebook không còn là nơi lý tưởng để dân chủ được ươm mầm hoặc được phép khai sinh một cách tự do.
Sẽ là một thảm họa đối với dân chủ và tự do ngôn luận nếu một tay độc quyền đa quốc gia bắt tay với một tên độc tài chuyên chế. Hy vọng điều này dù sao cũng khó xảy ra theo cách cả hai cùng muốn, vì tay độc quyền đa quốc gia trong trường hợp này là một công ty Mỹ chịu sự kiểm soát của luật pháp Mỹ, Quốc hội Mỹ và báo chí Mỹ.
Facebook Mạnh Kim
(Sau khi status này lên mạng ít giớ, Facebook Mạnh Kim đã bị xóa hoặc khóa)