Lửa Đông Nam Á và… Trump

1
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: AFP

Khu vực Đông Nam Á khá là sốt ruột khi nhận ra chủ đề Biển Đông không được Ngoại trưởng Rex Tillerson nhắc đến trong chuyến công du gặp Tập Cận Bình – như dự đoán. Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm khi tránh được một phen đối chất cũng Hoa Kỳ, thậm chí Bắc Kinh có quyền phỏng đoán về bóng dáng một “con cọp giấy” đang loáng thoáng hiện hình ở White House… Tức nếu ở xa xa thì tuyên bố cho sướng miệng và khi lại gần đối mặt thì lại câm như thóc (?).

Nỗi uất hận Scarborough

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phát biểu hôm Chủ nhật 19.03.2017: “Chúng tôi không thể ngăn chận được những việc làm của Trung Quốc” (1) khi đề cập đến kế hoạch của Trung Quốc xây dựng một “trạm quan trắc môi trường” trên bãi cạn Panatag/Scarborough của nước mình tại Biển Đông. Thoạt nghe giống như một lời than vãn bạc nhược – rất khác với những tuyên bố bốc lửa trước đây của ông này. Có lẽ vì chưa biết những kiểu nói đại loại như “4 tốt 16 chữ vàng“, đồng thời không thể vì rẻo đất chó ăn đá gà ăn muối xa xăm kia – nên ông Tổng thống nọ đành xuống nước chăng ?!

Nhưng tuyên bố này giành cho ai ? Nếu liên hệ sự việc này với thái độ đầy bực tức không bình thường của Rodrigo Duterte với Barack Obama trước đây, người ta sẽ thấy dễ hiểu về căn nguyên. Nỗi hận mất Bãi cạn Scarborough vẫn còn chất ngất trong lòng vị Tổng thống Philippines đương nhiệm. Lúc đó, Tổng thống Obama đã đề nghị Trung Quốc và Philippines cùng rút các tàu khỏi khu vực bãi cạn này. Chỉ có Manila tuân thủ, còn Bắc Kinh thì không tốn một viên đạn, được thế chiếm luôn toàn bộ Scarborough. Scarborough cách Luzon, Philippines 124 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 550 hải lý.

Và thực tế thì đôi khi rất phũ phàng. Tuyên bố này còn cảnh tỉnh cho 100 triệu người Philippines đừng quên nỗi nhục mất đất. Rodrigo Duterte thường có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, nhưng không phải là một tay thủ dâm chính trị. Trong mắt thế giới, Panatag/Scarborough chỉ là một tập hợp những hòn đá nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, nhưng nó đúng là một phần máu thịt trong lòng người Philippines.

Vụ bãi cạn năm 2012 được Tổng thống Philippines lôi ra một lần nữa, có thể xem như một đòn thăm dò chính thức về thái độ của chính quyền ông Donald Trump. Thay vì ngồi chờ đợi, lắng nghe rồi… bàn xem Trump – Tập sẽ nói gì (nhiều khả năng sẽ xảy ra vào đầu tháng 4.2017 ở Florida), ông Rodrigo Duterte đã quyết định thực hiện bước đi chủ động cho quốc gia mình.

Các tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở bãi Scarborough. Ảnh chụp ngày 10/04/2012. REUTERS/Philippine Army Handout

Đốm lửa nhỏ Scarborough ?

Sự kiện Bãi cạn Scarborough như là phép thử đối với chính quyền tân nhiệm Hoa Kỳ. Nếu lần này, chính quyền ông Donald Trump tiếp tục chơi “tình vờ” như cách đây 5 năm – thì sự kiện Bãi cạn Scarborough có thể được xem chỉ là một đốm lửa nhỏ – sẽ nhanh chóng tắt lụi sau những trận bão nhiệt đới hàng năm càn quét trên vùng Thái Bình Dương.

Nhưng liệu rằng nó chỉ là một đốm lửa nhỏ, hay không ? Địa chỉ cho câu trả lời chính xác nhất sẽ xuất phát từ White House. Trách nhiệm của một cường quốc đang đè nặng trên chính quyền ông Trump sau tuyên bố của Tổng thống Philippines. Hậu quả của thái độ lửng lờ năm 2012 khi Trung Quốc chiếm Scarborough đã khiến Washington năm 2017 phải trả giá. Vậy chính quyền ông Trump có thể làm gì, có dám “đụng trận” cùng Trung Quốc hay không? Hoặc lại tiếp tục những tuyên bố suông như dưới thời ông Obama ?

Trong quá trình triển khai giấc mộng Trung Hoa, có lẽ trong sâu xa, Trung Quốc muốn cảnh tỉnh các đồng minh của Mỹ có tranh chấp trên Biển Đông nhớ lại thái độ của Hoa Kỳ cách đây 5 năm: các người liệu thần hồn, “tình vờ” là một khúc ca dễ hát, kể cả các…đàn anh.

Qua sự kiện tiếp tục bồi đắp Đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lần này dựng thêm trạm quan trắc môi trường ở Scarborough… chứng tỏ luận điểm của phe hiếu chiến trong hệ thống chính trị Trung Cộng đang thắng thế với sự đồng tình của Tập Cận Bình. Đòn đánh năm 2012 xem ra có nhiều tác dụng, vì đủ thứ lợi ích khác nhau – cường quốc bên kia Thái Bình Dương sẽ không dám đối đầu.

Tuy nhiên, Trung Cộng không lường đến tình huống: Biển Đông có thể là một giải pháp tốt để tòa Bạch Ốc đẩy những phiền toái trong 100 ngày đầu nhậm chức (các vụ nghe lén, liên lạc với Nga, sắc lệnh cấm đi lại liên tục bị bác…) ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ; nước Mỹ nếu chưa thể vĩ đại ngay lập tức từ nền kinh tế nội địa thì vẫn có thể khẳng định vị trí cường quốc từ bên ngoài. Và sự vĩ đại của Hoa Kỳ luôn gắn liền với các động thái tái khẳng định các lợi ích chiến lược của mình ở châu Á, trong đó tái cam kết các Hiệp ước quốc phòng với đồng minh là một phần cực kỳ quan trọng.

Bão đã nổi trên Thái Bình Dương

Hôm 20.3 – chỉ một ngày sau khi kết thúc chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ sang Trung Quốc, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã khẳng định trước Nghị viện nước này, Trung Quốc và Malaysia không hề có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn trên Biển Đông. Nền tảng cho tuyên bố này được giải thích như sau: Kuala Lumpur không hề công nhận bản đồ “chín đoạn” của Trung Quốc, tất cả những gì nằm trong vùng thuộc thẩm quyền hàng hải của Malaysia đều thuộc về Malaysia.

Ngoại trưởng Malaysia đưa ra tuyên bố này khi trả lời chất vấn của một nghị sĩ, muốn chính quyền Kuala Lumpur giải thích sự hiện diện của tàu Trung Quốc đã neo đậu bất hợp pháp trong vùng biển Sarawak của Malaysia.

Những quan ngại trước xu hướng gia tăng sức mạnh quân sự trên Thái Bình Dương của Bắc Kinh đã lan tỏa đi xa hơn phạm vi khu vực châu Á. Pháp đã xuất hiện với tư cách là quốc gia kiểm soát nhiều hòn đảo trên đại dương này, trong đó có các vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia và Polynesia. Hàng không mẫu hạm tối tân nhất của Pháp là Mistral sẽ dẫn đầu cuộc tập trận trên bộ và trên biển tại vùng Tây Thái Bình Dương.

                           Hàng không mẫu hạm Mistral của Pháp. Hình: Wikipedia Commons

Trong cuộc tập trận cùng với Pháp có quân đội Nhật và Hoa Kỳ. Địa điểm diễn tập là Đảo Tinian thuộc quần đảo Bắc Mariana do Hoa Kỳ quản lý, nằm cách phía nam Tokyo khoảng 2.500 kilômét. Trong cuộc tập trận tháng 5.2017, xuất hiện thêm Anh – một đồng minh chiến lược của phương Tây và Nhật Bản, đóng góp với 2 trực thăng quân sự.

Không chỉ có cá và đá…

Trong chuyện này, hy vọng chính phủ tân nhiệm Hoa Kỳ suy xét được tất cả các hệ lụy để đưa ra một giải pháp tương thích với tình huống. Biển Đông hôm nay không đơn giản như một quan chức quân sự cao cấp ẩn danh nào đó từng nói vào năm 2012, khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough: “Tôi khá thẳng thắn với mọi người: Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ cho phép Hoa Kỳ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột chỉ vì vài con cá hoặc hòn đá” (2). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Leon E. Panetta, còn Ngoại trưởng là Hillary Rodham Clinton.

Đốm lửa nhỏ Scarborough nếu không được xử lý kịp thời sẽ trở thành đám cháy lớn, nó không chỉ đốt cháy cá và đá – mà còn có nguy cơ thiêu rụi uy tín của Hoa Kỳ tại Á châu với nhiều biến động. Đừng để đốm lửa nhỏ Scarborough trở thành một bóng ma lởn vởn trong nền chính trị Hoa Kỳ thế kỷ XXI. Những vất vả ngược xuôi của James Mattis và Rex Tillerson trong nhiều ngày qua không thể chỉ là những con số không tròn trĩnh.

Huỳnh Việt Lang

———————————-

Chú thích:

(1) Gordon G. Chang. March 19, 2017. ‘How China Is Tipping The World To War At Scarborough’. Forbes.

(2) Nguyên văn: “I’m pretty frank with people: I don’t think that we’d allow the U.S. to get dragged into a conflict over fish or over a rock,

Craig Whitlock. September 16, 2012. ‘Panetta to urge China and Japan to tone down dispute’. Washington Post.

Lưu

1 BÌNH LUẬN

  1. Người ta có thể trông đợi gì vào Hoa Kỳ ? Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng trông đợi rất nhiều vào Hoa Kỳ,rồi bản thân ông cùng với đệ nhất cộng hòa bị giết bởi đảng Dân Chủ Mỹ; tổng thống Nguễn Văn Thiệu cùng với quân dân miền nam đệ nhị cộng hòa đã từng trông đợi rất nhiều vào người Mỹ, rồi ông Nguyễn văn Thiệu may mà chạy thoát được lấy thân , còn đệ nhị cộng hòa cùng với bao nhiêu quân,dân bị giết bởi sự bỏ rơi của đảng cộng hòa Mỹ. Bài học này của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được chúng ta học như thế nào đây ?.Câu nói của thủ tướng Cam Bốt vẫn còn vang lồng lộng : Tôi chỉ có mỗi một lỗi lầm, đó là tin vào người Mỹ , rồi câu nói của Ayub Khan,tổng thống Hồi Quốc : Làm đồng minh với Mỹ rất nguy hiểm. Ngay một tên tướng công an cộng sản Việt Nam cũng dạy cho đàn em của nó rằng : Tàu là hùm, Mỹ là cọp ! Có người bảo rằng : Người Mỹ đến hay đi là do lợi ích của họ còn hay hết. Câu nói này có thể đúng,thực tế đã chứng minh điều đó. Người Mỹ đã đến miền nam Việt Nam dựng lên một phòng tuyến chống cộng sán theo lời hiệu triệu dân chúng Mỹ của Kennedy : Nếu chúng ta không chống cộng sản ở nam Việt Nam, sẽ có ngày chúng ta phải chống công sản ở San Francisco. Thế rồi, khoảng hơn một chục năm sau Henry Kisinger sang Tàu nói với Mao xếnh xáng rằng :” Chúng tôi đã sống được với một nước Tàu đỏ,thì chúng tôi cũng có thể sống với một đông dương đỏ”; sinh mệnh của ba ước nam Việt, Miên , Lào chấm dứt. Nước Mỹ đã ký hiệp ước phòng thủ với Phi nhưng ngay sau khi tòa án quốc tế đưa ra phán quyết mà phần thắng nghiêng về phía Phi trong cuộc tranh chấp chủ quyền các đảo đá ở biển đông giữa Phi và Tàu, chính phủ của Obama tuyên bố : Nước Mỹ không đứng về phe nào cả. Khi Donald Trump đắc cử, nhiều người đã nuôi hy vọng, những quốc qia nhỏ yếu đã nuôi hy vọng nhưng rồi câu nói “Hoa Kỳ không để bị lôi kéo vào một cuộc xung đôt chỉ vi vài con cá hoặc hòn đá” đã chấm dứt niềm hy vọng ấy. Trong câu nói : Hoa Kỳ đến hay đi là do lợi ích còn hay hết còn phải thêm vào : Không có vấn đề đạo lý ! Đạo lý gì đây , đạo lý của sự chung thủy , có trước có sau chẳng hạn.Nước Mỹ có thể rút quân khỏi nam Việt Nam nhằm giảm bớt sự chống đối của phản chiến Mỹ nhưng cùng lúc có thể tiếp tục trợ giúp vũ khí , tiền bạc để quân dân miền nam có thể tiếp tục chiến đấu. Cộng sán bắc Việt có phải ba đầu sáu tay gì mặc dù chiến thuật biển người có thể cho chúng một vài ưu thế lúc đầu , những dấu hiệu hụt hơi của chúng đã lộ ra khi ở mặt trân hạ Lào chúng đã phải lùa đến cả thiếu niên 15 , 16 tuổi vào trận. Ở những ngày cuối cùng của miền nam , Kissinger còn bảo : Sao họ không chết lẹ đi cho rồi. Ngày xưa vào thời chiến quốc bên Tàu, Một ông vua đã hỏi một hiền nhân : Qủa nhân đem nước theo Tề thì e Sở giận, mà theo Sở thì e Tề giận, vậy phải làm sao ? Hiền nhân bảo rằng : Bệ hạ cần gì phải nói chuyện theo Sở hay Tề , hãy lo cố kết lấy lòng dân thôi. Đây có lẽ thêm một bài học cho chúng ta chăng ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên