Lan man chuyện bả (chó)

1
Chó bị đánh bả. Ảnh mang tính minh họa

 

Tôi có ông bạn, học Đại học an ninh cùng khóa với Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Phó chủ tịch Hội nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều, và nhà văn Thùy Linh… Đang là an ninh nhòm ngó, chọc ngoáy khắp nơi, không hiểu thế quái nào lại chuồn sang Đức, xung vào đội quân lao động, đánh thuê trên ba chục năm nay. Không những vậy, khi ổn định giấy tờ, công ăn việc làm, hắn đưa tất tật tật vợ con, anh chị em sang Đức. Dù vợ hắn đang là Chef một công ty kinh tế của quân đội. Một vị trí, nói như giới chè chén vỉa hè là: Đắc địa. Ngày thống nhất nước Đức mùng 3 tháng 10 vừa rồi, ngồi khật khừ, đang xoáy về đề tài dã man của người Việt, đối với kẻ đánh bả và trộm chó, khi đã bắt được, xúm vào đánh hội đồng cho đến chết. Đột nhiên hắn vỗ vai tôi, bảo: Thời nay, không chỉ bọn bắt chó trộm mới biết dùng Bả nhé. Mà bọn quyền chức càng cao, thì kỹ thuật sử dụng Bả (chó) càng tinh vi và thâm hậu.

Ông so sánh như vậy, không sợ xúc phạm đến những người dân khốn khổ, bị trị sao? Tôi goặc lại hắn. Tuy đã quắc cần câu, thế mà hắn vẫn còn rạch ròi lắm: Không! Có cho ăn mật gấu, cũng không ai dám nghĩ vậy. Cách nói hình tượng thôi. Nhưng hình tượng ấy vẫn chưa đủ để diễn tả hết cái thâm độc, coi thường dân chúng đến tận cùng của tầng lớp thống trị đâu nhé.

Ngẫm đi, suy lại, thấy hắn không phải không có lý. Bởi, không phải đến bây giờ, mà ngay từ những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đảng đã có chính sách đốt, phá rừng, di dân khai hoang kinh tế mới. Để cỗ vũ cho phong trào ấy, đảng đã huy động toàn lực với bộ máy tuyên truyền khổng lồ. Những viễn cảnh, tương lai tươi đẹp của Bùi Minh Quốc với bài thơ Lên Miền Tây, Chế Lan Viên với Tiếng Hát Con Tàu được vẽ ra chẳng là cái Bả dụ sao? Đó mới chỉ là một khía cạnh nhỏ về văn học, văn nhân. Rồi bao nhà máy thủy điện, cùng với vây cánh quan tham đứng sau những tên trọc phú phá nát rừng đầu nguồn, gây nên những trận lũ quét kinh hồn của ngày hôm nay. Để đến năm cuối đời Chế Lan Viên phải thốt ra: “Tôi! Tôi/ người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”.

Và bao làng mạc, nhà cửa bị tàn phá, mấy trăm sinh mạng dân nghèo bị dìm trong lũ, dường như được mấy ai nhắc đến. Ấy vậy, một phóng viên tuyên truyền của Thông tấn xã nhà nước bị nước cuốn trôi mà đã rùm beng, khua chiêng đánh trống, kêu gọi sắc phong này nọ. Đành rằng, trong cái thiên tai, và nhân tai này, một con lợn, con gà chết cũng xót xa, đau đớn, huống chi một con người, một phóng viên, nhà báo. Thật vậy, chỉ nhìn xác anh trôi hàng trăm km trên TV thôi, có lẽ không ai kìm được nước mắt. Nhưng mấy trăm người dân đã tìm thấy xác, hoặc chưa tìm thấy kia, ai là người sắc phong cho họ? Và có lẽ nào lại một cái Bả tuyên truyền nữa?

Trong cái xót xa tận cùng lại nảy ra một Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội, với câu nói tận cùng của sự ngu muội: “Người dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ”. Sự ngu muội và trơ trẽn đến vậy, mà không hiểu thế quái nào Đỗ Đức Thịnh trèo cao lên đến chức vụ ấy? Nếu ở Đức, chắc chắn hắn sẽ bị phạt tù. Thật vậy, mấy năm trước nước sông Elber đột ngột dâng ngập toàn bộ thành phố Grimma. Nhiều gia đình không kịp chuyển đồ đạc lên cao, do vậy bị hỏng cả. Sau khi nước rút, những cư dân có đồ đạc bị hỏng kiện Cơ quan dự báo thời tiết ra toà vì can tội, làm việc không hết trách nhiệm. Bởi, đã thông báo cho dân chúng thành phố quá trễ về tình hình nước lũ, làm cho họ không đủ thời gian di chuyển đồ đạc. Nếu được thông báo sớm hơn, đồ đạc của họ sẽ không bị hỏng. Việc này, Cơ quan dự báo thời tiết hoàn toàn có thể làm được. Họ đòi phải bồi thường hoàn toàn thiệt hại. Toà phán quyết cho người dân thắng kiện. Tôi có ông bạn là người Việt sống ở thành phố này, được bồi thường một số tài sản và một chiếc TV. Và cửa tiệm dưới nhà bị ngập nước được thành phố, và nhà thờ đài thọ toàn bộ chi phí làm lại mới.

Họ Đỗ nhà tôi ít người tài, do vậy không có nhiều kẻ làm quan, và thường sống thầm lặng. Mấy năm trước trong vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, có ông Tướng Đỗ Đại Ca ăn nói ba lăng nhăng. Nghe nói, bị họ Đỗ Việt Nam trục xuất, hay treo họ, không biết đã mãn án hay chưa? Nay lại nòi thêm ra cái tên Đỗ Đức Thịnh này. Do vậy, một lần nữa, tôi đề nghị ông Đỗ Ngọc Liên chủ tịch họ Đỗ VN cho họp khẩn cấp, định ra mức án, trục xuất hay treo họ đối với Đỗ Đức Thịnh, hy vọng hắn và đồng đảng bớt dần ngu xuẩn đi một chút chăng. Chứ mãi thế này, nhiều kẻ độc mồm độc miệng chọc ngoáy khó chịu lắm.

Nói đến Bả, quả thực có muôn hình, nhiều dạng. Người đánh Bả có thể gia giảm, dẫn đến tính chất khác nhau. Vì vậy, có Bả kín đáo, nhưng cũng có Bả trắng trợn và trơ trẽn. Hiện nay, ta có thể thấy, sự thảm sát thiên nhiên môi trường đến tận cùng. Tai họa đổ ụp xuống đầu con dân của mình. Hai bàn tay vẫn còn đầy dính máu tươi, ấy vậy mà bác Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn buông mành, bỏ bả: “Rừng là vàng vì thế phải luôn tâm niệm muốn chặt một cây gỗ cần thắp hương mà lạy cây để nhắc nhở trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng”. Có thể nói, đây cũng là dạng Bả của người liệt cảm xúc, chết hệ thần kinh, chứ bố thằng nào thần kinh bình thường dám tự vả vào mặt mình như vậy. Và rõ ràng ai cũng biết cái miệng Nguyễn Xuân Phúc đã vá trinh, nhưng kỳ lạ thay, tất cả đều ngậm tăm, im lặng. Cho đến nay, sau một trăm năm cái tư tưởng, hành động của cụ Phan Tây Hồ: Phải nâng cao trí tuệ và đạo đức cho người Việt ta, dường như vẫn mang tính thời sự sống còn, nóng hôi hổi chăng?

Tôi là người mù mờ về chính trị, nhưng ngồi nhấc lên nhấc xuống, nghe cha an ninh tuột xích này nói chuyện cũng thấy khoai khoái. Cái vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra 10 giờ sáng, ngày 23 tháng 7 ở công viên Tiergarten Berlin, đã được nhiều cơ quan và báo chí mổ xẻ, thế mà hắn lại đưa ra giả thuyết khác: Có thể người Đức đã mắt nhắm, mắt mở để cho mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bởi, vụ việc xảy ra ban ngày, có nhân chứng điện báo. Cảnh sát đã đến ngay hiện trường và tìm được điện thoại cầm tay của Trịnh Xuân Thanh. Vậy mà cảnh sát không truy lùng, bủa vây hiện trường, cũng như khu vực. Ngay lúc đó, có thể chưa biết người bị bắt cóc là ai, nhưng kiểm tra điện thoại, chắc chắn sẽ biết chủ nhân của nó. Mà hơn thế nữa, từ sau vụ tấn công xe tải vào chợ Giáng sinh, dường như công viên, các ngã tư nơi đông người ở Berlin đã được lắp đặt Camera. Sau đó, truy lùng kẻ bắt cóc không khó khăn gì đối với hệ thống an ninh Đức, dù kẻ bắt cóc trốn vào Đại sứ quán, hay sang Tiệp, hoặc bất kỳ nước nào ở châu Âu. Vậy thì, cảnh sát Đức biết, nhưng lờ đi chăng? Có lẽ, bởi chẳng riêng cảnh sát an ninh, mà hầu như dân Đức chán ngấy những tên ăn tục đái khai, trộm cắp như Trịnh Xuân Thanh lắm rồi. Nhưng cái luật tị nạn còn ràng buộc chưa thể tống Thanh ra khỏi biên giới mà thôi. Bây giờ có kẻ âm thầm rước của nợ đi, chẳng lợi đôi đường cho cả hai Đức và Việt sao?

Và ông bạn cựu an ninh này, cũng không đồng ý kiến với một số người cho rằng: Khi nhận được điện báo của người làm chứng, cảnh sát đến ngay hiện trường. Tuy tìm được điện thoại cầm tay của Trịnh Xuân Thanh, nhưng cho đó là sự ẩu đả của xã hội đen người nước ngoài, nên cảnh sát chưa, hay không điều tra tiếp. Có thể nói, cảnh sát điều tra Đức không tắc trách như vậy. Chó mèo mất tích họ còn rải người đi tìm, huống gì con người. Rồi hắn kể: Thứ hai tuần trước, mười giờ đêm, đóng cửa tiệm, chìa khóa cắm ở ổ, hắn mang túi rác đi đổ. Quay lại, nhìn thấy một gã hàng xóm, giựt chìa khóa chạy. Đuổi không kịp, hắn đành gọi điện cho cảnh sát. Khoảng 15 phút sau, cảnh sát đến nhà gã hàng xóm này, nhưng gã đã trốn đâu mất. Cảnh sát bảo, đêm nay có thể chưa tìm thấy, và gọi điện cho thợ đến lắp ổ khóa mới cho hắn. Tuy nhiên, cửa tiệm có hai máy chơi tiền tự động (Spieleautomat) không thể khóa lại, bởi thợ khóa không thể thay ổ, mà phải chờ sáng mai, đúng hãng mới làm được. Thấy hắn ngần ngừ, người cảnh sát bảo: Cứ lên nhà ngủ, đêm nay chúng tôi sẽ qua lại, gác trông mấy máy này cho ông. Và quả thực, đêm đó cứ chừng nửa tiếng lại thấy xe cảnh sát vòng lại trước cửa tiệm của hắn. Đã từng là an ninh, nhưng hắn bảo, Cảnh sát Đức khác rất xa với Cảnh sát Việt Nam.

Trộm cắp được nhiều tiền, Trịnh Xuân Thanh ở khách sạn, thuê luật sư có tiếng tăm ở Berlin. Và chỉ đến khi vị luật sư này yêu cầu, báo chí vào cuộc, thì cảnh sát an ninh, và ngoại giao Đức buộc phải đánh trống khua chiêng lên. Rồi nó cũng lại trở về tĩnh lặng mà thôi. Và không ngoại trừ có những bàn tay ở đằng sau, tuy không bằng văn bản. Ở đâu và chỗ nào chính trị dường như luôn đen ngòm như vậy…

Trần Ngọc Tuấn. Ảnh Nguyễn Trọng Tạo

Câu chuyện của ông bạn cựu an ninh đang có chiều sâu, nhưng bia ực đã nhiều, tôi đứng dậy tìm chỗ giải sầu. Đi được mấy bước, có bác mặt lạ hoắc, đứng ra chặn đường: Này, Đỗ Trường…ông là bạn (nhà văn) Trần Ngọc Tuấn ở Praha đấy à? Tôi hơi bị sững người. Chưa kịp phản ứng, hắn bá vai thầm thì: Trần Ngọc Tuấn làm việc cho an ninh Việt Nam đấy nhé…Gặp nhau lần đầu, thọc đít những câu dở hơi này, chẳng hiểu hắn nhằm mục đích quái quỷ gì. Không để hắn nói hết, tôi bực mình văng tục: Ông Tuấn có là anh ninh hay là bố của an ninh liên quan đếch gì đến cái thằng úp mặt vào chảo như tôi. Ông ấy chỉ là bạn văn của tôi. Mà này, Trần Ngọc Tuấn là an ninh thì có lẽ, Việt Nam khác mẹ từ lâu rồi. Tôi cũng đang mong điều ấy. Thôi ông tránh ra, đái bố nó ra quần bây giờ.

Leipzig 18-10-2017

Đỗ Trường

1 BÌNH LUẬN

  1. CÁC HẠNG NGƯỜI TA

    Người ta ba hạng người ta
    Người thì tiền rưởi người ba mươi đồng
    Kể ra cũng chỉ dài dòng
    Dễ nào người tốt trên đời cả đâu !

    Đời xưa đã biết vậy rồi
    Tầm thường vô số có đâu đặc thù
    Xấu thì bú khú bù khu
    Tốt thì thắp đuốt khó tìm đâu ra !

    Đỗ Trường đừng có xót xa
    Cả như bẩy chó người ta cũng làm
    Nếu toàn quân tử đàng hoàng
    Chắc đời đã phải hoàng kim lâu rồi !

    Nhân đây mới viết vài câu
    Đỗ Trường đọc thích bởi vì nhà văn
    Văn thơ vốn dĩ cân bằng
    Người này mở miệng người kia hiểu rồi !

    TIẾU NGÀN
    (19/10/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên