Kỹ năng lắng nghe của nhà cầm quyền

2
Nhà báo Huy Đức
Vừa về nhà sau chuyến du ngoạn đầu xuân, lão đọc được tin: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
.
Theo nguồn tin từ TTX VN được các báo đồng loạt trích dẫn: Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông San đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
.
Lão với Huy Đức vừa là đồng hương, vừa là đồng nghiệp, chơi với nhau cả chục năm nên rất hiểu nhau. Lão chuyên viết về kinh tế, Huy Đức chuyên viết về chính trị, đặc biệt là phản biện chính sách. Nhiều nhà báo chân chính đều có chung nhận xét: “Viết về phản biện chính sách, chưa ai vượt qua được Huy Đức”. Đây là nhận xét khách quan, xác đáng bởi tầm nhìn, tầm tư duy và thiện chí của người viết, hơn thế là trách nhiệm với sự phát triển quốc gia.
.
Ai đó từng vào trang cá nhân của nhà báo Huy Đức mang tên Truong Huy San, có thể thấy với hơn 370.000 người theo dõi với cả ngàn bài viết được lưu giữ từ hơn chục năm qua sẽ đọc và cảm nhận được nhiều điều. Người có thiện chí đều có thể thấy những trăn trở của một cây viết có tâm với sự phát triển quốc gia, đặc biệt là những nỗ lực hoàn thiện chính sách, tiếp cận với những chuẩn mực của nền dân chủ. Huy Đức từng có thời được tham gia chương trình nghiên cứu chính sách ở Mỹ nên có cái nhìn sâu sắc, khách quan trong việc tổ chức một nhà nước hiện đại, khơi dậy được sức sáng tạo của mỗi người dân.
.
Theo như cáo trạng được TTX đưa tin thì trong số các bài viết của Huy Đức “…có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
.
Vậy là trong hàng ngàn bài viết thu hút hàng triệu người đọc, có sức lan toả rất lớn, người ta sẵn sàng bỏ qua thiện chí của người viết để rồi tìm thấy 13 bài có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
.
Một phán quyết kiểu này khác nào dội gáo nước đá vào những người có thiện chí góp ý cho đảng cầm quyền. Dẫu rằng, đảng vẫn rao giảng và xác định rằng sự đồng thuận và đóng góp ý kiến của nhân dân là yếu tố then chốt để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý.
.
Chính sách phát huy dân chủ, thực hiện đối thoại với nhân dân với việc “…khuyến khích các cấp chính quyền tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý và điều hành…” sẽ chỉ trở thành những lời sáo rỗng khi công việc của nhà cầm quyền chỉ là soi vào những sơ suất của người phản biện để rồi sẵn sàng bỏ tù họ!?
.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng kỹ năng lắng nghe, coi đó là một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo và cán bộ. Người nhấn mạnh rằng lắng nghe không chỉ là nghe đơn thuần mà còn phải hiểu, thấu cảm và có hành động phù hợp.
.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Người nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.” Điều này thể hiện rằng nếu biết lắng nghe, thấu hiểu dân thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn.
.
Mỗi cá nhân chỉ có thể hoàn thiện được nhân cách khi rèn cho mình kỹ năng lắng nghe, biết gạn đục khơi trong. Một thể chế cũng vậy, khi thiếu kỹ năng lắng nghe, thiếu sự độ lượng, không biết gạn đục khơi trong sẽ khó lớn./.
.
Phan Thế Hải

2 BÌNH LUẬN

  1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng kỹ năng lắng nghe, coi đó là một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo và cán bộ. Người nhấn mạnh rằng lắng nghe không chỉ là nghe đơn thuần mà còn phải hiểu, thấu cảm và có hành động phù hợp.

    Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Người nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.” Điều này thể hiện rằng nếu biết lắng nghe, thấu hiểu dân thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn. (hết trích)

    Hồ lắng nghe nhưng lắng nghe là để tìm cách xây dựng đảng và xây dựng chế độ đứng vững hơn hoặc để dụ nói ra để diệt. Ai tin Hồ là bị lừa. Bây giờ cộng sản đàn em của Hồ vẫn tiếp tục học lừa kiểu Hồ. Họ kêu gọi lên tiếng chỉ ra nhưng tiêu cực của chế độ và những ai tham nhũng để diệt những kẻ chống đối. Kẻ tham nhũng không bị diệt mà kẻ lên tiếng góp ý xây dựng thì bị cộng sản giết hoặc đi tù. Cứ nhìn gương Trần Huỳnh Duy Thức thì biết.

    Huy Đức phò Trọng mà Trọng là kẻ thù của nhiều thế lực khác như là Nguyễn Tấn Dũng. Huy Đức tiếp tay viết nhiều bài chống Dũng và cuối cùng Trọng hạ được Dũng và cho Dũng về vườn. Nhưng để tìm thế lực, Trọng dùng Tô Lâm nhưng bị Tô Lâm lấn quyền. Khi quyền lực của Trọng suy yếu thì Huy Đức bị bắt, và khi Trọng chết thì bây giờ Tô Lâm đem Huy Đức ra buộc tội để bỏ tù.

    Cùng là việt cộng với nhau nhưng khác nhóm lợi ích nên triệt nhau. Chẳng có tên nào vì nước vì dân mà bây giờ là thời của Tô Lâm với bò vàng.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên