Buổi sáng sớm, hai tín hữu một nam một nữ đến viếng chùa. Có lẽ họ dạo cảnh bên ngoài cũng khá lâu rồi mới vào trong, thầy Đàm nghe họ nói với nhau những lời phê bình, so sánh giữa hai đám bông hồng ở trước và sau chùa. Thấy thầy, chừng như biết chắc là người ở đây, họ cúi đầu chào ra vẻ kính trọng và xin phép được vào chánh điện lễ Phật.
Người đàn bà có vẻ sành sỏi việc cúng vái. Cứ xem dáng điệu chị nghiêng nghiêng châm đầu nhúm nhang thơm vào ngọn nến đang cháy, xong rụt lại đưa tay trái quạt nhẹ nhẹ, phân ra làm hai phần đưa cho người đàn ông một nửa, thầy Đàm biết không cần nói thêm một lời chỉ dẫn nào nữa.
Lễ xong, thầy mời họ ra phòng ngoài uống chén trà nóng. “Nhà chùa thì không có còn gì quý hơn là chén trà nóng đãi khách.” Họ im lặng đi theo sau.
Khỏi dãy hành lang sáng mờ mờ, thầy Đàm nói nhưng không quay lại:
“Hai vị là khách phương xa tới đây chắc? Tôi ở đây cả năm, đi tới đi lui cũng nhiều nhưng chưa gặp hai vị lần nào.”
“Dạ thưa thầy” – người đàn bà nhanh nhẹn – “vợ chồng tụi tui mới từ Wyoming qua chưa được một tuần lễ. Nghe nói ở đây có chùa, muốn tới liền mà hổm rày, bận công việc nhà cửa.”
Người đàn ông nói tiếp lời:
“Xe cộ cũng không có thành ra phải nấn ná hoài.”
“Dạ, bên này không có xe thiệt là kẹt!”
Người đàn bà kéo chiếc ghế trong góc ra cho chồng và một chiếc khác cho mình, chậm rãi ngồi xuống:
“Vợ chồng tụi tui qua Mỹ mới có nửa năm nay, ở trên kia, đi đâu thì có xe của hội nhà thờ chở, thiệt cũng ngại.”
Thầy Đàm chưa ngồi vội, nghiêng người sắp lại ba chén trà thành hình chữ phẩm, rót lưng lửng vào mỗi chén. Xong thầy đẩy chén bên trái về phía người đàn ông, thầy nghĩ:
“Mình xử đúng pháp mà không biết ông này có hiểu cho mình không.”
Thầy Đàm băn khoăn cũng đúng. Chén bên trái là chén thầy rót sau cùng. Theo phép lịch sự của ông bà để lại, rót rượu thì rót cho khách trước nhưng rót trà thì rót cho khách sau bởi vì hương trà chìm sâu xuống đáy bình, chả là người ta muốn thật tình đãi khách bằng những cái tốt đẹp nhất mình có được vậy mà.
Dường như người đàn ông không để ý, chỉ với tay kéo chén trà về trước mặt và xoay vòng vòng:
“Nghe nói ở đây có sư trụ trì, sao tôi không thấy sư vậy thầy?”
“Dạ, mời hai vị dùng trà.” Thầy Đàm ngồi hẳn xuống ghế. “Sư đi San Diego ba bốn ngày rồi, chắc phải đến cuối tuần mới về. Hiện thời thì tôi trụ trì.”
Người đàn ông gật gù, nhưng thầy Đàm vừa nói xong là biết ngay mình nói bậy nên liếc mắt nhìn ra cửa sổ. “Đâu phải ai cũng có quyền trụ trì! Mình nói vậy chẳng hóa ra mình lạm dụng hay sao. Tiếng trụ trì này phải được dùng cho người có phẩm hạnh, đạo đức. Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng… An trụ để bảo trì pháp Phật. Người trụ trì được hiểu là vị chủ pháp, đàng này mình chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu…”
Thầy Đàm lựa lời nói trớ đi ngay:
“Tôi ở đây cũng được gần một năm. Ngày ngày làm đủ thứ công việc cho chùa và nghe sư dạy dỗ.”
“Thầy có đương đi làm không?” người đàn bà hỏi.
“Dạ không, tôi còn hưởng trợ cấp xã hội. Ban đêm thì học nghề mấy tiếng đồng hồ.”
Người đàn bà nhìn ra cửa sổ:
“Ở đây yên tịnh ghê há thầy! Ai chọn chỗ này thiệt cũng có con mắt.”
Thầy Đàm không đáp lời có lẽ vì cảm thấy khó quá, chỉ gật đầu. “Ở xứ này, chọn một chỗ để làm chùa có khác gì chọn một chỗ để ở. Làm thế nào tìm chỗ rộng rãi, rẻ tiền, có chỗ đậu xe kha khá cho bá tánh tới nhiều là tốt.” Người đàn ông tặc lưỡi:
“Nói cho ngay, mình qua tới đây mà còn cố gắng lập được chùa chiền là cả một vấn đề rồi phải không thầy? Ở bên tui ở lúc trước, không nghe ai nói tới chớ đừng kể là thấy. Thiệt là quí!”
“Tại hai vị không biết, chớ hồi trước chùa chỉ là một cái nhà ở và dành ra một chỗ để thờ Phật. Sau thấy có tín hữu tới làm lễ hơi nhiều nên chủ nhà dời qua chỗ khác ở và mời sư về đây trụ trì. Mỗi người một ít, vận động Phật tử đóng góp trả tiền thuê. Hồi đó, còn xập xệ lắm.”
“Phải từ từ chớ thầy. Còn lâu lắm mới khá hơn được. Thầy thấy không?”
Thầy Đàm cảm thấy người đàn ông nãy giờ chỉ nói toàn theo kiểu vuốt đuôi, thầy quay qua người đàn bà:
“Ở đây cũng đang có phong trào góp của Phật tử để còn mua hẳn một chỗ, sửa sang lại cho đúng cảnh chùa. Hai vị chút nữa ra coi mấy tờ thông bạch để biết rõ dự án lập chùa như thế nào.”
Thầy Đàm chợt xô ghế đứng dậy đi về phía kệ sách, thầy lấy một cuốn giấy được dán băng keo vòng lại. Đi trở lại bàn, vừa gỡ vừa nói:
“Hai vị coi, đồ án của chùa đã được chuẩn bị xong xuôi cả năm nay, mà thật thì cũng còn chờ thêm thời gian để Phật tử đóng góp.”
Thầy Đàm trao hẳn tấm đồ án cho người đàn bà. Người đàn ông kéo ghế tới gần vợ, hai cái đầu châu vào. Một chốc tiếng người đàn ông chầm chậm.
“Chậc! Kể thì cũng công phu lắm. Mà sao thầy không nói họ làm thành nhiều bản thế này phổ biến rộng ra cho Phật tử nức lòng đóng góp nhiều vô.”
“Có, có chứ,” thầy Đàm sốt sắng. “Nhà chùa có thâu hình này để vào các bích chương phát cho Phật tử nhiều rồi, lâu rồi!”
Hai vợ chồng lại ngắm nghía tấm đồ án. Họ thầm thì với nhau những câu phê bình, thầy Đàm không nghe được hết. Thầy dựa lưng vào ghế nhìn lên trần. Hồi lâu, người đàn ông nói lớn:
“Thế nào thì mình cũng kiếm được một cây bồ đề trồng sau chùa thầy há! Được vậy mới quí.”
Thầy Đàm chưa nghĩ được phải nên nói gì thì người đàn bà nguýt chồng:
“Anh này, chưa cất được chùa mà lo tới chuyện trồng cây này cây nọ.”
“À, à, chùa là phải có cây bồ đề chứ,” thầy Đàm đỡ lời. “Nhưng đó là việc sau này mới làm. Hai vị cũng thấy đó, mình có đất tốt, lo gì lúa trổ muộn, người xưa có nói như vậy mà.”
Nói thì nói, nhưng thầy Đàm cảm thấy mình hết hứng khi phải ngồi nói chuyện với hai người này, nhất là người đàn ông. Thầy nghĩ: “Cái điệu này, mình giữ ý giữ tứ mất công quá. Xem chừng người ta tới chùa cho vui vậy thôi.” Thầy liếc về phía người đàn bà đang chăm chú nhìn vào tấm đồ án, bỗng chợt dịu lòng lại. “Sư dạy, người có tâm với đạo phải giữ ý niệm thật chính. Thời buổi này, ai tới chùa thì truớc hết đã có ý thành, mình giữ tâm chính mà tiếp. Chưa làm được việc để tín hữu quí trọng cái huyền diệu của Phật pháp cũng nên cố làm được việc để tín hữu thấy được sự rực rỡ trang nghiêm của chốn thiền tự.” Thầy nói:
“Tôi nghe sư dạy, đạo với đời cách xa nhau như trời với đất nhưng thật ra là một. Phật tử mình qua tới đây rồi cũng còn cố làm việc đạo. Cất chùa, thật ra là làm việc đạo, mà để cho đời đó. Sư dạy, miễn làm sao đừng để việc đạo và việc đời giao tiếp nhau bằng cái lợi thì tâm được an mà Phật pháp hưng thịnh luôn.”
Thầy Đàm biết mình đang nói rất thật lòng. Mà thầy chỉ mong hai người này cũng hiểu là mình đang nói thật lòng. Người đàn ông vừa nghe chuyện trong khi tay thì lật từng trang tờ báo của hội Phật tử, rõ ràng ông ta nghe một nửa mà đọc báo một nửa. Thầy quay qua người đàn bà:
“Hai vị thấy đó, chỉ việc bảo vệ Phật pháp ở xứ này đã khó rồi, nói tới chuyện phát triển thiệt tình đâu phải dễ gì.”
“Cái khó là làm sao nói cho họ hiểu và tự chọn cách tiếp tay với bao nhiêu người mà lòng được vui,” thầy Đàm nghĩ, rồi cảm thấy mình mất tự nhiên, không phải chỉ có lần này mà luôn luôn như vậy mỗi khi thầy lựa lời nói tới việc kêu gọi Phật tử đóng góp tiền bạc xây cất chùa. Thầy biết, qua tới đây rồi, đi trước hay đi sau gì cũng vậy, nhu cầu của cuộc sống nó đi theo hoàn cảnh. Hồi đó, ở căn chòi nhỏ cập một bờ kinh mới đào, thầy biết rằng nửa lít gạo Nàng Thơm đối với mình thật sự là một ước mơ, một ước mơ khó có được. Bây giờ, ước mơ của thầy đổi khác đi nhiều, một chiếc xe hơi “mơi mới một chút” chẳng hạn, mà thật ra, ước mơ này có khó gì? Thầy mím môi nói trong bụng:
“Mình mà còn như vậy, huống chi người ta.”
Người đàn ông bẻ gập tờ báo lại trình ra trước mặt một trang quảng cáo:
“Cái này có thiệt không thầy? Mua xe mới mà khỏi cần phải đặt tiền cọc gì hết, tui thấy khó tin lắm.”
Thầy Đàm giật mình, hơi luống cuống. Tự dưng “thằng cha này” nói ngay tới chuyện mình đang nghĩ.
“Dạ, có đó ông. Ở đây người ta dễ dãi đủ mọi thứ hết.”
Người đàn bà nhoài người chụp tờ báo, nghiêng đầu đọc trang quảng cáo. Thầy Đàm đứng dậy rót thêm hai chén trà cho khách, tặc lưỡi:
“Bên này, cuộc sống dễ thở lắm, muốn gì cũng có, không phải như bên mình.”
Thầy không dám nói hết những gì mình đang nghĩ. “Cái có, nhiều đến nỗi thừa đi và người ta phải nai lưng ra trả nợ cho cái chỗ thừa thải đó.” Thầy vốc ngược chén trà uống cạn:
“Chút nữa hai vị lấy ít tờ bích chương về, có xóm giềng gần gần thì cho họ coi với.”
Thầy nói như vậy vì biết rằng người đàn ông đã có ý muốn về từ nãy giờ. Người đàn bà nhỏ giọng:
“Dạ, thưa thầy. Chắc rồi vợ chồng tui cũng phải đóng góp chút đỉnh gọi là công quả. Thầy cho tui lấy ít chục tờ này.”
“Chi cho nhiều,” người đàn ông tiếp lời. “Mình còn trở lại đây nữa mà. Lấy vài tờ thôi.”
Thầy Đàm tiễn họ ra tới ngõ thì đi chậm lại. Buổi sáng vẫn còn, thầy thấy được những cánh hồng chưa khô hẳn. Người đàn bà cúi người nhặt một cành táo khô nằm giữa đường quẳng vào gốc rào, quay lại:
“Ngày mốt, vợ chồng tui đi làm giấy tờ trợ cấp xã hội, cũng gần đây, thế nào tụi tui cũng ghé thăm thầy.”
“Dạ cám ơn hai vị. Nếu không tiện thì tuần sau… sư về, tuần sau sư về.”
Người đàn ông ra tới lề đường, chừng như nhớ ra là chưa chào lời từ giã thì quay trở vào, gục gặc đầu:
“Thôi, chào thầy nhe. Rảnh rảnh tui ghé thăm thầy. Chắc cũng nhờ thầy chỉ dẫn nhiều thứ nữa. Ở xứ này, thiệt mình như dốt!”
Thầy Đàm cười tươi, chống tay vào cánh cửa rào:
“Ông cứ việc tới, tôi biết gì tôi nói ông nghe. Không sao mà, tui qua trước.”
Người đàn ông vịn vai vợ đi xa rồi, thầy Đàm cố nói lớn theo:
“Mình là tỵ nạn với nhau mà.”
Đất Lạ, Võ Hoàng & Tưởng Năng Tiến, Hương Quê phát hành 1984.
Người với người còn lạ huống hồ là đất?