Vì ngày càng có thêm người Việt đến Thái Lan xin tị nạn, nên cần làm sáng tỏ một số vấn đề cần thiết để tranh những ngộ nhận
Quy chế “người đào tị” và quy chế “người tị nạn”
Thái Lan là đất tạm dung cho khoảng 6 nghìn người chạy thoát sự đàn áp ở quốc gia gốc và con số này ngày càng tăng. Họ được gọi là “người đào tị” (asylum seeker). Để được sự bảo vệ của LHQ, những người này phải ghi danh với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (United Nations High Commissioner for Refugees, hay UNHCR). Sau cuộc sơ vấn, UNHCR cấp cho họ thẻ xác nhận tình trạng đào tị để sử dụng tạm trong khi chờ đợi cuộc phỏng vấn chính thức nhằm xác định tư cách “người tị nạn” (refugee). Chỉ những ai đã được công nhận là người tị nạn thì mới được cấp thẻ tị nạn bởi UNHCR và mới có cơ hội định cư ở một quốc gia thứ ba.
Những ai bị từ chối tư cách tị nạn có quyền kháng cáo. Nếu kháng cáo thành công, UNHCR sẽ lật ngược quyết định ban đầu và công nhận tư cách người tị nạn của đương đơn. Hồ sơ kháng cáo không thành công sẽ bị đóng lại và UNHCR ngưng bảo vệ cho đương đơn. Trong một số ít trường hợp hi hữu, UNHCR có thể mở lại một hồ sơ đã bị đóng để tái xét khi có thông tin hoặc diễn tiến mới.
Ở đây, tạm gọi chung tất cả những ai đến Thái Lan lánh nạn là “người lánh nạn”, bao gồm những người đào tị, những người tị nạn và cả những người đã bị đóng hồ sơ xin tị nạn.
Các nhu cầu của người đào tị hoặc người tị nạn ở Thái Lan
Có 6 loại nhu cầu theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp như sau.
Cao nhất và cấp thiết nhất là an toàn cá nhân. Vì Thái Lan không ký Công Ước LHQ về người tị nạn cho nên ngay cả những người đào tị và người tị nạn đang được UNHCR bảo vệ vẫn bị chính phủ Thái xem là thành phần di dân bất hợp pháp và có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Những người bị bắt và đã bị giao cho Trại Giam Di Trú (Immigration Detention Center, hay IDC) thì sẽ bị giam vô hạn định, cho đến khi họ chấp nhận hồi hương hoặc, nếu đã được công nhận là người tị nạn, được một quốc gia thứ ba nhận định cư.
Kế đến là nhu cầu trợ giúp pháp lý để chuẩn bị cho cuộc sơ vấn và phỏng vấn của UNHCR. Được chuyển sang quy chế người tị nạn là mối quan tâm thường trực của những ai còn trong quy chế đào tị vì chỉ khi ấy mới được tiếp tục hưởng sự bảo vệ của LHQ, được trợ giúp phần nào về đời sống và y tế, và có triển vọng, dù mong manh, sẽ được định cư ở một quốc gia thứ ba.
Xếp hạng thứ ba là nhu cầu sinh kế. Vì bị xem là di dân bất hợp pháp, các người lánh nạn đều không được phép đi làm. Họ phải làm lậu và do đó không có nguồn sinh kế ổn định cho gia đình.
Tiếp đến là nhu cầu giáo dục cho trẻ em. Ở Thái Lan mọi trẻ em đều được đến trường. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ em bị trục trặc giấy tờ hoặc gia đình không đủ khả năng tài chính cho phí vận chuyển mỗi ngày cho các em đến trường.
Tiếp nữa là nhu cầu y tế khẩn cấp. Vì bị xem là di dân bất hợp pháp, người xin tị nạn ở Thái Lan không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế công cộng. Thậm chí nhiều bệnh viện và phòng mạch bác sĩ không chữa trị cho họ vì sợ phạm luật.
Cuối cùng, một số người xin tị nạn muốn tiếp tục lên tiếng cho những người còn ở lại, như là các thân nhân, các đồng đạo, các đồng hương tiếp tục bị bách hại ở trong nước.
Hoạt động của BPSOS-PSPF ở Thái Lan
Trước những nhu cầu kể trên, BPSOS phối hợp với tổ chức phi chính phủ Thái Lan là People Serving People Foundation (PSPF) để hỗ trợ cho những người đến Thái Lan xin tị nạn từ Việt Nam và từ một số quốc gia khác (Campuchia, Lào, Pakistan…). Văn phòng hỗn hợp này hiện có 12 nhân viên, được chia làm 3 toán.
Toán quản trị hồ sơ (Case Management Team) gồm 3 nhân viên toàn thời do một luật sư kiêm cán sự xã hội người Thái quản lý. Ưu tiên của toán này là bảo vệ sự an toàn cho những người đào tị và người tị nạn. Khi được báo động có người vừa mới bị cảnh sát Thái bắt, toán này phối hợp ngay với UNHCR để vận động cảnh sát Thái trả tự do thay vì đưa đương sự vào Trại Giam Di Trú. Trong thời gian qua, toán này đã phối hợp với các tổ chức bạn để can thiệp cho các trẻ em và các bà mẹ được tại ngoại sau khi bị bắt giam. Toán này cũng lo tìm sự trợ giúp y tế cho những hoàn cảnh ngặt nghèo, giải quyết vần đề giáo dục cho trẻ em, phiên dịch cho những ai không rành tiếng Anh hay tiếng Thái…
Toán pháp lý, có tên là Center for Asylum Protection (CAP), gồm 3 luật sư toàn thời dưới sự quản lý từ xa của một cựu thẩm phán và cũng là cựu cố vấn trưởng Sở Di Trú Hoa Kỳ. Toán pháp lý hướng dẫn cho các người đào tị chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn với UNHCR. Khi cần thiết, luật sư còn giúp họ soạn lời khai để nộp cho UNHCR trước cuộc phỏng vấn. Luật sư của CAP thường tham dự các cuộc phỏng vấn của UNHCR để bảo đảm rằng giới chức phỏng vấn không bỏ qua các tình tiết quan trọng. Trong một số trường hợp hãn hữu, toán CAP giúp tìm quốc gia định cư cho những người đã có quy chế tị nạn và đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo hay hiểm nguy. BPSOS-PSPF đang tuyển thêm 1 luật sư người Thái để chuyên đối tác với chính phủ Thái vì UNHCR đang trong tiến trình bàn giao thủ tục cứu xét quy chế tị nạn cho Sở Di Trú Thái.
Toán thứ ba là Toán Civil Society Development (CSD), gồm 3 nhân viên toàn thời tập trung vào các lĩnh vực: tìm các khoản trợ cấp khẩn cấp cho một số trường hợp hội đủ tiêu chí của những tổ chức cấp ngân khoản, kết nối một số hồ sơ dễ bị tổn thương với các mạnh thường quân ở hải ngoại, huấn luyện kỹ năng tương thân tương trợ cho các nhóm lánh nạn, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc với các phái đoàn quốc tế để chia sẻ về hiện tình ở Việt Nam…
Nguyên tắc hoạt động
Là một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, BPSOS hành xử dựa trên những quy tắc rõ rệt. Trước hết là quy tắc bảo mật thông tin. BPSOS không bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân của những người nhận sự trợ giúp ở đây.
BPSOS không thiên vị. Hồ sơ được cứu xét dựa theo nhu cầu của từng cá nhân hoặc gia đình đối chiếu với các ưu tiên theo thứ tự kể trên. Trong cộng đồng người lánh nạn có những nhóm có thể mâu thuẫn với nhau; nhưng BPSOS không đứng về nhóm nào, và cũng tuyệt nhiên không lôi kéo bất kỳ ai.
Quy tắc thứ ba là không có người “gác cổng”, nghĩa là không một ai có thể ngăn cản hay can thiệp vào quá trình làm việc, xét duyệt.
Quy tắc thứ tư là hành động theo lương tâm và tinh thần trách nhiệm của chính mình chứ không do sự chi phối của áp lực từ bên ngoài.
Những cựu thuyền nhân Việt Nam
Ở Thái Lan, ngoài các người Việt lánh nạn còn có một số cựu thuyền nhân, gồm 2 thành phần. Thành phần thứ nhất gồm một số rất ít đồng bào đã đến Thái Lan trước năm 1992 và đã bị đóng hồ sơ tị nạn từ dạo ấy; năm 1996 họ trốn thoát cưỡng bức hồi hương và ở lại Thái Lan cho đến giờ. Vì đã rời khỏi Việt Nam từ lâu, họ không thể dẫn chứng diễn tiến nào mới làm lý do để yêu cầu UNHCR mở lại hồ sơ xin tị nạn. Họ bị xem là thành phần không quy chế. Triển vọng duy nhất của họ là sống bất hợp pháp vô thời hạn ở Thái Lan. Năm 2012, chính phủ Canada ký Thoả Thuận Thư (MOU) với Liên Hội Người Việt Canada để mở chương trình ngắn hạn dành riêng cho những người như vậy. Vì lý do nào đó, một số người hội đủ điều kiện vẫn còn sót ở Thái Lan. Tuy hoàn cảnh của những đồng bào này đáng thương tâm, họ không bị nguy hiểm cận kề như nhiều người vừa chạy sang Thái Lan lánh nạn. BPSOS-PSPF đang dồn nguồn lực có hạn để can thiệp và bảo vệ cho những người xin tị nạn này, cho nên thành phần cựu thuyền nhân như kể trên không là đối tượng phục vụ của chúng tôi.
Thành phần thứ hai gồm những cựu thuyền nhân đã hồi hương nhưng sau này quay trở lại Thái Lan. Họ không nằm trong tiêu chuẩn của Thoả Thuận Thư năm 2012 kể trên của chính phủ Canada vì đã từng hồi hương. Ngược lại, ngay khi mới trở lại Thái Lan họ có thể nộp đơn theo thủ tục của UNHCR để xin cứu xét tư cách tị nạn. Nếu những người này đến với chúng tôi, họ sẽ được cư xử y như tất cả những người xin tị nạn khác.
Thông tin từ Mạch Sống