Hai bà lớn dính tai tiếng

0
Photo BBC

 

Bà một: Israel

Nhà chức trách Israel đang tiến gần đến giai đoạn buộc tội phu nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu, liên quan đến scandal mà báo chí trong nước họ gọi là “vụ tai tiếng về gọi thức ăn.”

Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp hôm thứ Sáu cho biết một số chi tiết liên quan đến chuyện bà Netanyahu đã thông đồng với người trưởng ban lo về nội vụ trong dinh thủ tướng đã giả mạo giấy tờ để có thể đặt thức ăn của những đầu bếp và nhà hàng bên ngoài mang vào tư dinh thủ tướng, mặc dù gia đình thủ tướng đã có đầu bếp riêng, lãnh lương của ngân sách.

Thông cáo nói rằng do sự gian trá này, người dân đóng thuế phải nai lưng trả thêm 102.000 đô la một cách vô lý.

Bà Netanyahu được thông báo bà có quyền phản biện trước khi Bộ Tư pháp buộc tội, bước đầu tiên để làm thủ tục xét xử trước tòa.

Trong hai lần phu quân của bà cầm quyền, lần đầu từ 1996 đến 1999, lần sau từ 2009 đến giờ, bà đều bị công luận soi về lối sống xa hoa, khoái ăn sang, thích hàng hiệu, có tờ báo còn gọi bà là một Marie Antoinette của Israel.

Năm ngoái, sau khi bị cho nghỉ việc, Meni Naftali, người quản gia tư dinh thủ tướng đã thưa trước tòa mình bị gia đình bà chủ ngược đãi, và ông này đã thắng kiện, được bồi thường hơn 40.000 đô la.

Trong số những lời khai trước tòa, ông Naftali tiết lộ những chuyện thâm cung về lối sống của bà Netanyahu, ví dụ chỉ uống loại xâm-banh đắt tiền và ăn những món cao lương mỹ vị.

Năm 2015, cơ quan kiểm toán nhà nước công khai báo cáo cho thấy tư dinh thủ tướng ở số 2, đường Balfour, thành phố Jerusalem, đã có những chi tiêu vượt mức quy định, trong đó, cặp vợ chồng thủ tướng khai đã mua 24.000 đô la thức ăn từ ngoài mang vào.

Trên trang Facebook của mình, Thủ tướng Netanyahu gián tiếp trả lời thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, đổ lỗi cho cựu quản gia Naftali đã thổi phồng những con số chi tiêu đó.

Ông Netanyahu còn tải lên một biểu đồ hình thanh que cho thấy chi tiêu trong tư dinh đã hạ giảm “một cách thần kỳ” sau khi ông Naftali bị đuổi. “Hãy để cho dữ liệu tự nói lên tất cả.”

Trong một status trước đó, ông Netanyahu mô tả vợ ông là” một phụ nữ dũng cảm và lương thiện, chưa bao giờ có nhưng hành vi sai trái.” Ông còn tố Naftali là một kẻ “nói láo liên tục.”

Về phần mình, tư khi thắng kiện và nghỉ việc, Naftali hầu như mỗi tuần đều biểu tình ở những nơi công cộng để phản đối những vụ bê bối của thủ tướng và phản đối Bộ Tư pháp đã không chịu buộc tội thủ tướng.

Các luật sư của bà Netanyahu tố ngược Naftali là người đã gọi “quá lố” thức ăn cho tư dinh Thủ tướng. Họ cũng lưu ý mọi người rằng trước đây bà Netanyahu đạ từng bị cáo buộc và kết quả điều tra cho thấy không đủ chứng cớ.

Văn phòng của bà Netanyahu đã công bố kết quả kiểm tra của máy dò nói dối cho thấy bà đã trả lời trung thực các câu hỏi liên quan đến số lượng khách mời đến ăn và số lượng thức ăn đã đặt mua bên ngoài.

Bà hai: Miến Điện/Myanmar/Burma

Liệu bà Aung San Suu Kyi có bị thu hồi giải Nobel Hòa Bình mà bà đã được trao vào năm 1991 hay không?

Bà Suu Kyi nghe tin nhận giải khi bà bị chế độ quân nhân Miến quản chế nghiêm ngặt trong bản án 15 năm tù.

25 năm sau, bà trở thành một thái thượng hoàng của đất nước Phật giáo.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, có nhiều nơi đã lên tiêng yêu cầu lấy lại giải Nobel của bà, lấy lý do bà đã chẳng làm gì hoặc có thể là đồng lõa trong cách ngược đãi của chính quyền Miến với người Rohingya, thành phần thiểu số theo đạo Hồi.

Khoảng một triệu người Rohingya sống đa số trong bang Rakhine, trong số này có nhiều người đã sống qua mấy thế hệ. Chính quyền Miến không công nhận họ là một thành phần thiểu số và không cấp quốc tịch cho họ.

Những cuộc càn quét mới đây đã đẩy hàng trăm ngàn người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh, tạo gánh nặng cho quốc gia này và Liên Hiệp Quốc.

Nhiều người bỏ chãy bằng ghe đã chết đuối, những người băng rừng bằng đường bộ gặp những rủi ro khác, như mìn.

Trở lại bà Suu Kyi, tính đến cuối tuần qua, đã có trên 360.000 người ký thư thỉnh nguyện thu hồi giải Nobel của bà.

Tại sao? Một trong những người ký thỉnh nguyện, ông George Monbiot, nhà bình luận của tờ Guardian, trả lời rằng một người đã lãnh giải Nobel Hòa Bình không thể nào khoanh tay ngồi nhìn tội ác chống nhân loại xảy ra trước mắt mình, thâm chí còn đồng lõa cho tội ác.

Có nhiều phần chắc rằng cho dù cuộc khủng hoảng Rohingya có diễn biến theo hướng nào đi chăng nữa, rất khó có chuyện thu hồi.

Tại sao? Trả lởi phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, Olav Njolstad, Viện trưởng của Viện Nobel đưa hai lý do.

Thứ nhất, trong bản điều lệ của giải Nobel – dù là vật lý, hóa học, y khoa, văn chương hay hòa bình – không có điều khoản thu hồi.

Thứ hai, giải được trao để công nhận thành tích của người nhận giải trước ngày trao giải.

—————————————–

Nguồn:

https://www.washingtonpost.com/world/middle_east/israels-meal-scandal-moves-closer-toward-indictment-of-netanyahus-wife/2017/09/08/ac4ad920-9487-11e7-8754-d478688d23b4_story.html?utm_term=.4adc736c863a

https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2017/09/07/why-aung-san-suu-kyi-is-unlikely-to-have-her-nobel-peace-prize-revoked/?utm_term=.60c2c226dc2d

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên