Indonesia báo cáo 54.517 ca Covid-19 mới, nhà chức trách cho biết hôm thứ Tư, một kỷ lục quốc gia trong một ngày và là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng đối với quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới.
Quốc gia có khoảng 270 triệu dân đang có số ca nhiễm mỗi ngày nhiều hơn Ấn Độ, khiến Indonesia trở thành tâm chấn mới của đại dịch ở châu Á. Nếu sự lây lan tiếp tục tăng, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia có thể đứng trước bờ vực thảm họa, theo lời các chuyên gia.
Một số lo sợ rằng tình hình có thể tồi tệ hơn những con số công bố, bởi vì không có bao nhiêu người được xét nghiệm vi-rút. Một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Bảy cho thấy gần một nửa trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jakarta có thể đã dính Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng Indonesia đang phải trả giá đắt vì không lockdown nghiêm ngặt, không đầu tư đủ vào các hệ thống truy vết hiệu quả. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin có nói với CNN rằng ban đầu, nhà chức trách không nhận ra rằng vi-rut đã lây lan nhanh cỡ nào trong đợt mới nhất này.
Các quan chức lo ngại các bệnh viện có thể không đủ khả năng đối phó với số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng, đặc biệt đối với biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn.
991 trường hợp tử vong do Covid-19 cũng được báo cáo hôm thứ Tư, nâng tổng số người chết lên 69.210 người.
Jan Gelfand, trưởng đoàn Indonesia trong Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), nói với CNN hồi tháng 6, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lên lần đầu tiên rằng: “Mỗi ngày chúng tôi đều thấy biến thể Delta này đưa Indonesia đến gần bờ vực của thảm họa Covid-19.” Kể từ đó tình hình ngày càng xấu hơn.
Cơ quan thông tấn Antara của nhà nước đưa tin 90.000 trong số 120.000 giường bệnh của Indonesia hiện đã có người. Giá oxy tăng vào cuối tháng 6, và hiện tại một số bệnh viện dường như đã cạn. Hơn 60 người đã chết trong một bệnh viện ở tỉnh Java vào đầu tháng này sau khi gần như cạn kiệt nguồn cung cấp oxy, mặc dù người phát ngôn của bệnh viện không thể xác nhận liệu tất cả những người chết có mắc Covid-19 hay không.
Hai đảo Bali và Java – nơi có thủ đô Jakarta đông dân cư – đã bị phong tỏa khẩn cấp vào tuần trước. Nhà chức trách đang loay hoay tiêm chủng cho đủ số người. Tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ là 5,5% dân số. Tại Jakarta, khoảng 2 triệu người – khoảng 18% dân số thành phố – đã được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu của Bộ Y tế.
Tổng thống Joko Widodo hôm thứ Tư cho biết vắc-xin là “hy vọng hồi phục của Indonesia trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này. Người dân cần được tiếp cận công bằng và bình đẳng với vắc-xin vì chúng tôi thấy rằng vẫn còn khoảng cách lớn trong việc tiếp cận vắc xin trong cả nước.”
Hôm thứ Ba, gần 3,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đã đến Indonesia trong khuôn khổ chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX. Indonesia đã nhận được hơn 14 triệu vắc-xin thông qua chương trình, theo truyền thông nhà nước.
Tình hình Covid ở Châu Á
Indonesia là một trong số các quốc gia trong khu vực chống lại sự bùng phát của Covid-19 và phấn đấu để tiêm chủng cho người dân.
Ấn Độ vẫn có hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Chính quyền Myanmar đã báo cáo 7.083 trường hợp mới và 145 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 vào thứ Tư, nhưng các nhóm xã hội dân sự lo ngại tình hình thực tế tồi tệ hơn nhiều, kể từ có đảo chính vào tháng Hai. Ở Myanmar, nhiều người mắc các triệu chứng Covid-19 chọn cách ở nhà vì họ không tin tưởng các bệnh viện do quân đội điều hành. Những người khác nói rằng họ có đến bệnh viện nhưng bị đuổi về vì thiếu giường chăm sóc đặc biệt và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Các trường hợp Covid-19 cũng đang tăng đột biến ở Malaysia. Bộ Y tế nước này đã báo cáo 11.618 trường hợp mới vào thứ Tư, cao nhất trong một ngày kể từ đầu đại dịch. Hãng tin Bernama của nhà nước cho biết gần 435.000 liều vắc-xin đã được tiêm hôm thứ Tư, một kỷ lục hàng ngày trong chiến dịch tiêm chủng của Malaysia.
Thái Lan cũng đang hứng chịu đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất. Để chống lại sự gia tăng đột biến, một cố vấn chính phủ đã tán thành kế hoạch pha trộn các loại vắc-xin khác nhau, bất chấp công chúng tỏ ý không hài lòng. Cách pha trộn này chưa được thử nghiệm rộng rãi.
Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn để ngăn chặn các ca bệnh, phần lớn là do họ đang tụt hậu so với các quốc gia phương Tây trong việc tiêm vắc-xin. Một số khu vực ở Hàn Quốc đã áp dụng lại biện pháp giãn cách xã hội sau khi số ca nhiễm hàng ngày đạt kỷ lục mới.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản vẫn trong tình trạng khẩn cấp, kéo dài trong suốt Thế vận hội Olympic, bắt đầu vào tuần tới. Do đại dịch, Thế vận hội sẽ được tổ chức mà không có khán giả.
Theo CNN
Ấn cuồng tín trong ngày lễ đạo Hindu, Nam Dương cũng cuồng trong ngày lễ Hồi Giáo và Vn thì đảng chó đẻ lùa dân đi bầu. Làm mồi cho virus