Chuyện bên lề Hội nghị Genève: Tiếng sáo uất hận bên bờ hồ Léman

2

Trong “Những chuyện bên lề Hội nghị Genève “, tác giả kể lại một chi tiết hết sức thú vị “Từ khi hội nghị Genève khai mạc (8-5/54) cho đến khi hội nghị chấm dứt (21-7/54),cứ vào đầu mỗi phiên họp, các phái đoàn Cộng sản sắp hàng một, đi vào hội trường. Đi đầu là phái đoàn Liên Xô do Molotov dẫn đầu; sau đến phái đoàn Trung Cộng do Châu Ân Lai dẫn đầu và cuối cùng là phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Sau mỗi phiên họp, các phái đoàn Cộng sản cũng sắp hàng đúng thứ tự trên, ra khỏi hội trường. Và dầu trễ, các phái đoàn Cộng sản đều vào họp riêng rồi mới giải tán (Trần Gia Phụng, trích dẫn Hồi ký của Trần văn Tuyên,Hội nghị Genève, hồi ký, Sài-gòn, Nxb. Chim Đàn, 1964, tr.24, ĐCV Online) . Trần văn Tuyên kể vì ông là thành viên của Phái đoàn Quốc gia Việt nam thàm dự Hội nghị

Chỉ vào và ra Hội trường hằng ngày, suốt thời gian hội nghị, thế mà người cộng sản cũng vẫn giử kỷ luật nghiêm chỉnh, rặp theo tôn ti kẻ bề trên, người phía dưới. Vậy mới hiểu Hồ Chí Minh và cộng sản Hà Nội thật sự ngon ngoản và cúc cung tận tụy với bác Mao và bác Xịt (Staline) như thế nào!

Nay Cỏ May tôi góp một số thông tin có được về một nhơn vật, không phải là thành viên của phái đoàn bên nào hết cả, có mặt tại Genève và đúng trong lúc Hội nghị diển ra, thời gian ông ở đó dài hơn Hội nghị, và dĩ nhiên cũng được báo chí nói tới. Nhờ đó Bà con ở Việt nam biết ông, theo dõi với lòng tràn ngập ngưỡng mộ ông vào lúc đo .

Đây là chuyện thật sự bên lề Hội nghị vì nó diễn ra bên bờ hồ Léman trước Hội trường. Nhơn vật này, không chức vụ, không đảng phái, nhiều người Việt Nam khi biết về ông đều thương, đều kính trọng ông.

Ông Võ Thanh Minh tới Genève trước Hội nghị khai mạc và rời khỏi Genève sau khi Hội nghị bế mạc. Ông tới Genève, cấm lều bên bờ hồ, ngồi thổi sáo, thu hút sự chú ý của những người có mặt qua lại tại đó để đưa ra cái thông điệp «Dân Việt nam đau khổ, uất hận, phản đối đất nước bị chiến tranh suốt 9 năm dài, rồi nay bị chia cắt, tất cả đều do các cường quốc ngoại bang gây ra và áp đặt» . Tiếng sáo là tiếng khóc tận đáy lòng của ông. Đến ngày Hội nghị sắp kết thức, tiếng sáo của ông càng thêm dìu dặt não lòng, như hòa theo với những tiếng nấc của người hấp hối:

“Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường, đây nấm mộ người Nam” !
(Hận Sông Gianh)
 
Một Huynh trưởng tuyệt vời

Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh (Tên đúng là Võ Thanh Minh, chớ không phải Thành Minh) là Trưởng. Nhờ hấp thụ tinh thần ái quốc của Cụ Phan Bội Châu mà Trưởng Võ Thanh Minh rất can trường, đầy dũng khí, rất mực yêu quê hương đất nước, có công đầu trong việc “khai sinh” ra phong trào Hướng Đạo Việt Nam, và riêng, Hướng Đạo Miền Trung. Trưởng còn là Tổng Bỉ thư đầu tiên của Hội Hướng Đạo Đông Dương.

Ngoài ra, Trưởng Võ Thanh Minh còn là một nhà “cách mạng” chân chính, rất thiết tha đến nền Hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Lập trường kiên định của ông là «Hòa bình» và «Trung lập» mà không chủ bại . Bởi theo ông thì một nền trung lập thật sự, chơn chánh phải là là hòa bình. Mọi người luôn luôn nghĩ tranh đấu cách mạng là tranh thủ cho bằng được chánh nghĩa quốc gia.

Ông chủ trương «Hòa bình» và «Trung lập» vì ông cho rằng tư bản thì nói «nhơn đạo», cộng sản thì nói «hòa bình» nhưng cả hai, trong lúc đó, đều chuẩn bị chiến tranh diệt chủng (Lời dẩn nhập tập thơ Tiếng Thương Tâm) .

Ông còn có tên VÕ SONG THIẾT, tác giả tập thơ “Tiếng Thương Tâm”, được Vitimid dịch ra tiếng pháp «La tragédie extrême-orientale – La voix du peuple vietnamien», nhà A. Fauvel in 3000 bản, khổ nhỏ, gồm 34 trang, 2é tam cá nguyệt, Paris, 1952.

Ông sanh năm 1906 (Bính Ngọ) tại làng Tân Mỹ, xã Hòa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, Võ Thanh Minh theo học chữ Hán với thân phụ mình. Những năm sau đó, Nhà nuớc đã chánh thức bãi bở các khoa thi bằng chữ Hán (Bắc kỳ năm 1915, Trung kỳ năm 1919) nên Võ Thanh Minh quay sang Tây học và đã đậu bằng Thành Chung (DEPSI) . Bên cạnh việc học chữ, Võ Thanh Minh còn học các môn nghệ thuật như đàn, sáo và võ đạo, kiếm thuật. Bài võ rất nổi tiếng của Võ Thanh Minh đuợc nhiều nguời biết đến, là bài “Dã Mã đơn kiếm”.

Sau khi đậu bằng Thành Chung, Võ Thanh Minh đuợc nhà cầm quyền lúc bấy giờ bổ nhiệm làm giáo học tại truờng Chính Hóa ở Vinh. Năm Võ Thanh Minh đuợc 24 tuổi (1930), một biến cố hết sức đặc biệt, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ông. Đó chính là Phong trào Huớng Đạo.

Tháng 10 năm 1930, tại Hà Nội, đoàn Huớng Đạo Lam Sơn của Truởng Trần Văn Khắc và đoàn Vạn Kiếp của Truởng Hoàng Đạo Thúy, đã chánh thức ra đời. Buổi lễ “Thuợng kỳ” đầu tiên của phong trào Hướng Đạo Việt Nam đã đuợc hai đơn vị tổ chức trang trọng tại trụ sở Trường Thể Dục Hà Nội. Lá cờ Hướng Đạo đầu tiên này là màu xanh có hoa Bách hợp trắng (theo hoa Huệ của Pháp). Còn quốc kỳ Việt Nam lúc đó là một màu vàng, chung quanh có tua kim tuyến và trên góc quốc kỳ phải đính cái nơ (noeud) tam tài (3 màu: đỏ, trắng, xanh) tượng trưng cho quốc kỳ Pháp, vì lúc đó Việt Nam đặt dưới quyền thống trị của thực dân Pháp. Như vậy bộ đồng phục Hướng Đạo chính thức trình làng tại Hà Nội vào cuối năm 1930.

Cũng trong năm đó, tại Vinh, thầy giáo Võ Thanh Minh cũng đọc được một cuốn sách nói về Hướng Đạo. Thích quá, thầy Minh may cho mình một bộ đồng phục Hướng Đạo và mặc đi đây đi đó. Đó là bộ đồng phục Hướng Đạo đầu tiên được xuất hiện ở miền Trung, thành phố Vinh, năm 1930.

Năm 1931, tình hình “nhân tình thế thái” ở Vinh rối ren, nên thầy Võ Thanh Minh với bộ đồng phục Hướng Đạo, lội bộ từ Vinh vào Huế, rồi dùng xe đạp (course) đi một vòng các nước Đông Dương (Việt – Miên – Lèo), cùng với bộ đồng phục Hướng Đạo ấy. Đến năm 1932, khi biết Trưởng Trần Văn Khắc đã vào Sài Gòn, thầy Minh liền vào Sài Gòn để liên lạc với Trưởng sáng lập Hướng Đạo Việt nam tại Hà Nội, Trưởng Trần Văn Khắc, để tìm hiểu, học hỏi thêm về tổ chức Hướng Đạo. Khi trở về Huế, thầy Võ Thanh Minh đã thành lập đơn vị Hướng Đạo đầu tiên tại đất thần kinh, đó là “Thiếu đoàn Bình Dân”. Các em thiếu sinh hầu hết là học sinh trường Tiểu học tư thục nhỏ do chỉnh thầy làm Hiệu trưởng, đó là trường Tiểu học Lạc Hồng, mà người ta quen gọi là trường Bình Dân, vì phần lớn học sinh là con em gia đình bình dân, nghèo khó trong khu phố .

Từ đó, Hướng Đạo tại Huế bắt đầu phát triển mạnh và thầy Võ Thanh Minh đã trở thành Huynh trưởng Hướng Đạo đầu tiên ở miền Trung. Qua năm 1935, sinh hoạt Hướng Đạo ở Việt Nam nói chung, tại Huế nói riêng, đã thực sự sôi nổi và có những bước tiến mạnh mẽ. Trước hết, phong trào Hướng Đạo Việt nam được gia nhập phong trào Hướng Đạo Thế giới qua Tổng Hội Hướng Đạo Pháp (Éclaireurs de France).

Tại Huế, Trưởng Võ Thanh Minh đã thành lập Tráng đoàn đầu tiên – Tráng đoàn Bạch Mã, và Trưởng Võ Thanh Minh cũng được “mang cái vinh dự quá sức mình”…, “mở đường cho ngành Tráng”, đó là vinh dự được “Lên Đường”, được làm “Tráng sinh lên đường” (RS) đầu tiên.

Ngay dưới chân núi Ngự Bình, do Trưởng Nga Nam Tào (Cygne de la Croix du Sud) DCC Raymond Schlemmer chủ lễ, Trưởng Võ Thanh Minh được chính thức lên đường . Khi siết tay trái để tiễn Trưởng Võ Thanh Minh “lên đường”, chủ lễ Raymond Schlemmer đã nói với Trưởng Võ Thanh Minh:

“Sois un grand exemple” -Hãy nên gưong sáng (Theo Sóc Trầm Tỉnh, nhơn lễ 100 năm ngày sanh của Trưởng Võ Thanh Minh – internet).

Võ Thanh Minh kiên cường

Sau Hội nghị Genève, ông còn ở lại Genève, liên tục viết thư gởi lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị và cả các nước lớn trong Liên Hiệp Quốc yêu cầu họ trả lại hòa nình và thống nhứt cho Việt nam . Địa chỉ của ông là Văn phòng Liện Hiệp Quốc Genève . Thực tề là ông ngủ trong lều bên bờ hồ Léman . Ông lẻn vào Văn phòng LHQ, làm quen với Ban Văn thư, yyêu cầu họ thấy thơ tên của ông thì giử ở đó cho ông . Cứ vài hôm, ông tới lấy thơ . Được một lúc, LHQ yêu cầu cảnh sát can thiệp và chánh quyền thụy sĩ trục xuất ông khởi Thụy sĩ .

Ông hỏi trục xuất, ông đi đâu bây giờ ?

Về nhà của ông – Ông bảo không có nhà .

Sau cùng ông phải rời Thụy sĩ, qua Pháp .

Tại Paris, ông cầm lều cạnh Tòa Thị xã Paris, thổi sáo, viết thư gởi chánh phủ Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Huê kỳ, …yêu cầu trả lại hòa bình và thống nhứt cho Việt nam của ông .

Vài hôm sau, cảnh sát đuổi ông đi. Ông cũng hỏi đi đâu bây giờ?

Nhưng ông cũng biết ông phải tôn trọng trật tự công cộng nên ông rút ra ngoại ô. Ông có chiếc xe hơi 1 bánh trước, 2 bánh sau, loại xe chở hàng nhỏ, vừa di chuyển, vừa làm chỗ ở. Ở Orsay, phía Tay-Nam Paris, cách Paris lồi 30 km, ông đâu xe trước nhà ông Đoàn Xướng, người Huế, vợ đầm, đảng viên cộng sản Pháp. Ông Đoàn Xướng làm chiffreur (mã hóa điện văn) trong Tòa Đại sứ Việt Nam. Tại đây, ông lấy địa chỉ là địa chỉ nhà ông bà Đoàn Xướng. Cơm nước, ông nấu lấy. Ông ăn chay trường. Thỉnh thoảng, tức cả tuần hay hơn, ông vào trong nhà tắm giặt nhờ. Y phục muôn năm của ôn vẫn là áo dài the, quần trắng, lâu ngày đổi qua màu cháo lòng.

Trước xe, ông đăng tấm bảng «Tại đây lảnh in Thiệp cưới, Danh thiếp, giấy tờ… » . In nhanh, giá rẻ. Ông còn in quảng cáo đi bỏ quảng cáo cho nhà in của ông. Công việc cũng đem lại cho ông chút tiền còm.

Rời Paris, ông qua Bỉ, Đức, Hòa lan, Anh, Áo cũng chỉ để xin yết kiến các vị nguyên thủ quốc gia, vận động cho vấn đề Việt Nam. Không gặp được chánh giới, ông viết thư.

Ông qua Huê kỳ, tới Trụ sở LHQ nhưng bị cảnh sát Mỹ đuổi về.

Có người hỏi ông vận động tới nay có kết quả gì không? Ông lắc đầu bảo chẳng được gì hết!

Lối đầu những năm 60, ông về Huế, ở nhà thờ Cụ Phan Bội Châu.

Tết Mậu thân 68, ông vẫn giữ thái độ bình thản, tự tại trước khói lửa và vc tràn ngập Huế. Để thấy một cách trung thực sự can trường và bất khuất của ông trước họng súng của vc, trước cái chết trước mắt, xin trích Nhã Ca trong «Giải khăn sô cho Huế»:

Cụ đi với chúng tôi. Xin cụ mang theo mười lăm lon gạo.
— Đem gạo mần chi rứa?
— Đem gạo đề ăn. Học tập trong ba hôm rồi về.
— Cái chi mà phải học tập?
— Lấy cái bị hay cái túi mà đựng gạo. Đem theo dư ra càng tốt
— Họp chi mới được chớ?
— Học tập, đã nói là học tập mà. Mời ông đi theo.
— Tao không đi.

Giọng chắc nịch bất ngờ của ông Minh làm tôi chưng hửng. Chắc từ hôm qua quân Giải phóng tới Huế tới giờ chưa ai dám nói một câu như thế. Tôi thầm lo cho tính mệnh ông. (…) Tôi không nhìn rõ mặt tên tổ trưởng nhưng tôi nghe được tiếng hắn cười gằn:

— Ông làm chi cho địch?
— Địch nào?
— Mỹ Ngụy.
Giọng ông Võ Thành Minh ngạo nghễ :

— Nói gì tầm bậy vậy? Tao mà theo Mỹ. Khi về nói ông Hồ Chí Minh nhà mi đã dám nói với tao giọng đó chưa? Tao không đi nghe không? Muốn mời tao họp phải có giấy Hồ chủ tịch chớ cái Mặt trận Giải phóng của tụi bây mà ăn nhằm gì. Tụi bây biết tao là ai không?

Có lẽ tên tổ trưởng nể ông già gân thật, tôi không nghe hắn nói thêm gì hết. Một giọng khác đỡ lời:
— Bác đi theo chúng cháu tới gặp cấp chỉ huy. Gần đây là bộ chỉ huy mà bác.
— Không đi, muốn nói gì thì kêu cấp chỉ huy của tụi bây lại. Tao ở đây, đây là nhà thờ cụ Phan, tụi bây lạ chi mà không biết. Tao sẽ tuyệt thực, xuống ngồi dưới cầu Bến Ngự phản đối lối giải phóng của tụi bây. Tao chống cả Mỹ, cả Cộng sản

…..

Tao hả ? Tao người quốc tế mà. Ông Hồ cũng phải nể tao, ông tổng thống Mỹ cũng nể tao, vì tao có chính nghĩa.

Yêu lắm cái tinh thần Võ Thành Minh, cá tính của ông là đây nè:

“Lương tâm và bổn phận con người Việt là lên tiếng. Tiếng nói còn, ngưỡng vọng còn. Ngưỡng vọng còn, người còn. Nên cứ làm, cứ phải làm”.

Người Việt nam thương ông, kính trọng ông . Nhưng cộng sản thì phải câm thù và phải thanh toán ngay những người bất khuất như ông.
Ông bị chúng bắt, dẫn đi cừng với những người khác không phải là những người theo chúng nó. Và tháng 2 ta, sau Tết, được tin ông bị chúng nó giết .


Nguyễn thị Cỏ May

2 BÌNH LUẬN

  1. Một số tác giả ở vùng tạm chiếm miền Nam muốn mô tả Huỳnh Thúc Kháng như một người chống cộng triệt để (Anh Minh Ngô Thành Nhân , Nhà cách mạng công khai không đảng phái nào hết , Anh Minh xuất bản , Huế) ?
    Trích Trần Viết Ngạc, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nghĩ và viết về chủ nghĩa Mác
    , trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng , NXB Đà Nẳng 1993 , trang 312 :
    Chúng tôi cố gắng tìm kiếm thêm tài liệu để minh chứng rằng Huỳnh Thúc Kháng không phải là “người chống cộng” , thậm chí sau Cách mạng tháng tám (1945) vẫn “chưa từ bỏ hẳn lập trường chống cộng” , như một số người viết về cụ Huỳnh mà tiêu biểu là Lâm Quang Thự , Quảng Nam, địa lý, lịch sử, nhân vật , và nhất là một số tác giả ở vùng tạm chiếm miền Nam muốn mô tả Huỳnh Thúc Kháng như một người chống cộng triệt để (Anh Minh Ngô Thành Nhân , Nhà cách mạng công khai không đảng phái nào hết , Anh Minh xuất bản , Huế) .
    Lời bàn : Theo lời Lê Văn Hảo kể với tôi khoảng 1985 ở Paris , thì Anh Minh Ngô Thành Nhân bị VC bắt cầm tù trên vùng núi Huế , sau Tết Mậu Thân 1968 , và bị bắn chết trên đường vượt ngục !

  2. Thuở còn ở Việt nam, tôi chỉ được nghe nói ông Võ Thành Minh thổi sáo ở Genève, rồi sau này bị thảm sát bởi lũ đánh thuê cho bọn đế quốc Trung- Xô. Nay đọc bài viết này của tác giả Nguyễn Thị Cỏ May mới biết được chi tiết về cuộc đời của người yêu nước này.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên