Chút hương vị quê nhà

0

Tuy ở cùng thành phố nhưng hai năm qua chúng tôi không gặp mặt. Tự hạn chế giao tiếp vì đại dịch covid. Hiện biến chủng Omicron, tôi gọi là ô ma cà rồng, hết còn nhát ma ai được nữa. Và, cũng vì lục tung trong kệ sách không tìm thấy quyển Trại Đầm Đùn, ấn bản đầu tiên mà tôi rất quý, nên nhớ lan man, có thể đã cho ông bạn mê đọc sách mượn. Text hỏi. Buổi tối, được text trả lời xác nhận và thêm “cũng nhân dịp còn năm mới mời anh tới chơi vì chúng tôi đã chích xong 3 mũi cả rồi nên không lo”. Tôi thở phào, hẹn sẽ đến.

Mới sáng sớm, ông bạn gọi phone hỏi “mấy giờ đến”. Tôi hiểu ngay nên nói “không ăn uống gì nghen, chỉ đưa thêm anh một số sách khác và lấy lại số trước”. Ông bạn nói tiếp “mời chị luôn, dù tôi biết chị rất cẩn thận vì là dân ngành y mà”. Sau khi hỏi HH, tôi text “sorry anh chị, bà chủ không đi được”.

Trước khi đi tôi lục file in ra vài truyện vì nghĩ anh không quen search internet. Một bài ký ức vụn về một khoảnh khắc nhớ Đà Lạt, vì anh kể có 3 tháng ngắn ngủi tham dự một khóa học ở Đại học CTCT. Một truyện về người Mỹ con lai tại địa phương, nơi chúng tôi đang ở. Cũng là để đáp lại công khó nấu nướng của chị, vì chị cũng thích đọc.

Tôi đến hơi muộn vì lục file in bài nhưng cũng sớm hơn ông bạn văn đẹp trai, lúc nào cũng mặc lịch sự nhưng độc thân và có mái tóc trắng phơ rất nghệ sĩ. Gặp nhau không bắt tay hay hích cùi chỏ, không phải vì kiêng cử lây nhiễm. Nhưng nếu làm như thế có lẽ tình bạn sẽ mất đi ít nhiều.

Hơn hai năm mới gặp lại mà không chào hỏi, không thèm bắt tay tự nó lại nói lên được nhiều điều hơn. Đâu có cần xã giao, cộc lốc vậy đó mới đúng nghĩa bạn hiền. Thiệt thà như cục đất, củ khoai càng quý hiếm.

Với tôi, thì hai năm covid thời gian như đứng lại, nên rất ngạc nhiên khi thấy trong nhà ông bạn khác hẳn. Hóa ra dân mình giỏi thích nghi hoàn cảnh. Người bản xứ thì co cụm, sợ hãi nhưng với người Việt mình lại là cơ hội. Không được đi làm, phải ở nhà thì sửa sang nhà cửa, chăm sóc vườn tược.

Câu chuyện mở đầu khi vừa ngồi xuống không phải là thời sự nóng hổi mà là nhân vật nầy, nhân vật nọ, bài thơ nầy, tác phẩm nọ mà cuối câu vẫn là… “anh còn nhớ không?”. Mấy tiếng bâng quơ “còn nhớ không” đưa về một thứ quá khứ xa lắc! Xa nhưng mà gần, tưởng đã mất mà ở ngay trước mắt.

À ra thế, ngồi đối mặt nhưng tâm thức trôi dạt đi. Rồi lại cuồn cuộn quay trở về.

Nghe tiếng chị từ nhà bếp “xong rồi”, tôi dợm đứng dậy nhưng anh vẫn như muốn níu lấy câu chuyện.

Căn bếp đơn sơ, gọn sạch trước kia bây giờ hoàn chỉnh. Sang trọng, đẹp như bếp của một ngôi nhà mới “new home for sale”. Trên cái bàn ăn nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cho 4, 5 người ngồi, có bánh cuốn, hành phi, với chén nước mắm ớt tỏi đỏ trắng nâu vàng thật đẹp mắt, đặc biệt của bánh cuốn. Màu xanh bánh chưng. Màu trắng củ kiệu với đỏ cà rốt. Màu nâu hơi đậm của mứt gừng chứ không vàng nhạt như ở chợ. Còn dĩa sau sống thì đủ màu, tươi rói. Tất cả các món chị tự làm, kể cả khuấy bột tráng bánh làm bánh cuốn. Hoàn toàn là sản phẩm cây nhà lá vườn, organic.

“Bánh chưng chị cũng nấu” tôi hỏi. “Phải dùng ga”. Trong câu trả lời tự nó đã gợi nhớ hình ảnh bếp củi nấu bánh tét bánh chưng ở quê nhà.

Nấu bằng ga thì đương nhiên mất cái thú nửa khuya trùm mền nằm trên chiếu trải xuống đất hay cùng ngồi bên bếp để canh chừng củi lửa và châm thêm nước. Khói củi, tro bay như bầy đom đóm khi cời lửa, nổ tanh tách với cái mùi hăng hắc thế mà cứ in vào trí nhớ, không thể quên. Đặc biệt thêm cái thú mò vớt mấy cái bánh ú, gói nếp thừa, ở trên cùng của nồi khi vừa chín tới, đang nóng hôi hổi, lột ra vừa thổi vừa ăn… thử. Một cái thú đặc biệt của nấu bánh tét, bánh chưng ngày Tết!

Bánh chưng trước mặt đã cắt sẳn để trên dĩa, nhìn có vẻ hơi nhão nhưng xanh mướt rượt, hạt nếp dính liền nhau thật mịn, rất dẻo, nhưn đậu xanh và thịt lộ ra hơ hớ, thêm cái dĩa dưa món trắng nõn tương phản với màu cà rốt đỏ tươi để bên cạnh. Dưa món, củ kiệu, chua, ngọt, dòn, bánh chưng xanh đúng là hương vị Tết, mới thấy đã thèm.

Bánh cuốn hành phi cũng thế. Rau sống rất dòn và thơm, mới ngắt ngoài vườn không qua tủ lạnh. Mứt gừng tuy không đẹp mắt, lại có vẻ hơi thô nhưng đụng vào lưỡi thì vừa cay vừa ngọt, hương vị tuyệt vời, lại nhớ Tết ngày xưa ở làng quê.

Kỷ niệm cứ ồ ạt kéo nhau về trong bữa ăn. Hai ông bạn kể chuyện văn chương, chuyện thời cầm súng. Chị lại nhớ thuở học trò phải bỏ quê chạy ra phố, trốn Việt cộng, vì ban đêm họ lén vào làng, sợ bị bắt làm nữ du kích.

Thói quen của tôi giữa bạn bè khi họp mặt thường ít nói, chỉ nghe. Từ một số điều nghe được, hoặc gợi nhớ lại một số kỷ niệm mông lung nào đó, hoặc ngẫm nghĩ rất riêng. Còn cao hứng lắm thì mới phịa chuyện để họ cãi nhau.

Chừ nghe hai ông bạn đang um sùm chuyện cũ, tôi định chỉ tay thẳng vào mặt ông bạn chủ nhà, phịa chuyện “mất nước là tại anh. Sĩ quan gì mà tối ngày cứ bỏ đơn vị, lái xe đi tìm gặp người đẹp để tán tỉnh”. Rồi chỉ vào chị, phịa thêm “lỗi cũng tại chị. Tại chị đẹp, ảnh mê nên bỏ bê công việc. Vùng 1 mất trước là tại chị”.

Định quậy, rồi thôi. Chuyện hai ông bạn đang huyên thuyên không phải “nổ”, mà đang giải tỏa một dồn nén. Một ẩn chứa gần nửa thế kỷ. Là mẫu số chung của những người không hề thua ở chiến trường nhưng thua ở hậu phương, vì bọn phản chiến Mỹ và bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, cũng như bọn báo chí cánh tả phương Tây.

Còn với chị, là nỗi gian truân, bị dập vùi vì “vợ sĩ quan ngụy”. HH cũng từng đẫm nước mắt trên áo gối về đêm nhưng tỉnh bơ, khinh khỉnh trước bọn cán bộ địa phương khi phải đối diện ban ngày.

Tất cả là nỗi đau câm nín. Nỗi đau đó thiêng liêng. Là nỗi đau của dân tộc, không thể đùa.

Vỗ bụng, tôi gát đũa. No vì được ăn ngon. Cũng no vì bên trong đang dềnh lên một nỗi nhớ, nỗi buồn. Cả bốn người chúng tôi chắc cũng vậy nhưng không ai nói ra.

Thấy tôi gát đũa ông bạn chủ nhà nói “em lấy mấy trái quýt ra ăn tráng miệng”. Tôi ồ lên “hehe anh phải đứng lên tự đi lấy chớ. Thời buổi nầy mà còn ngồi ra lệnh… ”. Nói chưa dứt câu, ông bạn đã phản pháo “trước mặt các anh, phải để cho tôi ‘lên’ được một chút chớ. Cơ hội mà” “ờ ờ… biết rồi, biết rồi, hiểu rồi, hiểu rồi” chúng tôi cười to. Chị bưng dĩa quýt trái nhỏ, vàng óng để lên bàn “cũng nhà trồng. Tui quen chìu ổng rồi mà” chị vẫn còn giữ được cái dịu dàng ngày trước.

Chúng tôi lại cười vì thấy được niềm hạnh phúc đang lan tỏa. Bấy nhiêu đó cũng đủ biết dù bao nhiêu biến cố thăng trầm, dù bị sóng đời vùi dập, tình yêu là tất cả còn chuyện khác thực sự đã rớt lại phía sau lưng.

Mở cửa sau, bước ra vườn. Tôi ngạc nhiên vì đất không rộng nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Từng ô, từng khoảnh đất lớn nhỏ được phân chia hợp lý nên tất cả chất xanh cần thiết cho mỗi bữa ăn đều có đủ. Cây khế cổ thụ ở góc vườn với tàng lá khá lớn sắp úa vàng đang hứng chịu cái lạnh của mùa Đông đập vào mắt tôi. Với cái nắng nóng mùa hè thì bộ ghế bàn bằng đá đang có sẵn ở bên dưới rất lý tưởng để hưởng cái thú ngồi dưới bóng râm, một chỗ ngồi không thể nào đẹp hơn được nữa cùng với tách cà phê đá. Rồi sực nhớ câu thơ “quê hương là chùm khế ngọt” (Đỗ Trung Quân)

Vâng, chùm khế ngọt của Đỗ Trung Quân đã là của ngày xưa. Hiện tại nó đang bị đầu độc rồi. Thân đã mục, rễ đã thối nhưng cũng may là hạt giống khế đó được người Việt mình đem theo ra xứ người. Cây khế trước mặt là nơi đất lành chim đậu.

Ừ, quê hương mới cũng có chùm khế ngọt. Nhìn chùm khế cũng đủ ấm lòng dù đang giữa mùa Đông. 

Hồ Phú Bông

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên