Chính Đề Việt Nam hay lời trối trăng sau cùng của Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu [03]

40
Ông Ngô Đình Nhu cùng phu nhân, bà Trần Lệ Xuân cùng các con. Nguồn AFP

Tiếp theo phần 2      

Tính đến nay, năm 2013, thì cuộc đảo chánh lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa với TT Ngô Đình Diệm (1963) đã được 50 năm, đúng một nửa thế kỷ. Bao nhiều tài liệu đã được giải mật. Nhiều tài liệu có giá trị cũng đã được viết ra bởi các nhân chứng có tầm vóc và uy tín. Nhưng đồng thời, xen vào đó, lại cũng có những tài liệu do đối phương và bọn tay sai tung ra nhằm xuyên tạc sự thật lịch sử trong ý đồ biện minh cho những hành động sai trái của chúng. Nhân vật Ngô Đình Nhu là một trong những đề tài được nhiều người đề cập đến.

Một số nhân vật thân cận ông Ngô Đình Nhu nói với người viết rằng: “Ông Nhu chết đi đã mang theo nhiều bí mật lịch sử bởi vì ông là người thâm trầm ít nói, cũng không hay thổ lộ tâm sự với bất cứ ai, kể cả vợ ông là bà Trần Lệ Xuân.” Bí mật lịch sử mà nhân vật này nói đây là những gì? Chuyện bang giao Mỹ-Việt trong giai đoạn căng thẳng 1960-1963 khi Mỹ muốn đưa quân vào Miền Nam trong khi TT Ngô Đình Diệm chỉ yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ vũ khí? Chuyện tình báo VNCH bắt hụt Lê Duẩn? Cuộc nói chuyện với đại diện CSBV tại rừng Tánh Linh, Bình Tuy? Toàn những chuyện khó kiểm chứng! Thực tế, là người làm công việc tham mưu ở thượng tầng Quốc Gia như ông Cố vấn Ngô Đình Nhu quả tình đã khiến đối phương phải kiêng nể. Cho nên khi hay tin TT Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát thì tập đoàn Cộng sản Hà Nội đã thở phào, đến nỗi Hồ Chí Minh phải thốt lên với tên nhà báo Cộng Sản Wilfrid Burchett: “Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế!” (GS. Tôn Thất Thiện, bài viết “Vài chuyện mắt thấy tai nghe: phe CS nghĩ sao về TT Ngô Đình Diệm”, tập san Hội Ái Hữu NVQG Hải Ngoại 2006, trang 97-102).

Trong bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu (Tập San Chính Nghĩa số 1 ngày 03 tháng 01 năm 1983 do ông Đỗ La Lam chủ trương) chỉ đề cập đến những vấn đề nội bộ như Lý Thuyết Nhân Vị, Quốc Sách Ấp Chiến Lược, Phong Trào Thanh Niên Cộng Hòa, vân vân như người viết đã trình bày trong hai phần trước. Những vấn đề đó có lẽ không còn thích hợp cho hiện tình Việt Nam sau 50 năm ngày đảo chánh (1963-2013).  Hiện tình đất nước Việt Nam ra sao? Đó là một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng Sản Việt Nam thống trị. Một chế độ độc tài, toàn trị và đảng trị, nhưng lại là bầy tôi trung thành của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Một chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, nhưng sau biến cố Đông Âu và Đế quốc Đỏ Liên Sô sụp đổ (1989-1991, tập đoàn Cộng Sản Việt Nam theo gót đàn anh Trung Cộng, đã vội vã xoay qua chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, một thứ đầu Ngô mình Sở nhằm duy trì đặc quyền, đặc lợi.

Trong khi những người còn tha thiết với tiền đồ dân tộc nhất là những chiến sĩ Cần Lao Nhân Vị đang muốn tìm lại những gì của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để có thể khai triển và áp dụng được cho Việt Nam trong tình hình mới thì rất may cuốn Chính Đề Việt Nam của tác giả Tùng Phong tức ông Cố vấn Ngô Đình Nhu xuất hiện. Đọc qua cuốn sách này cùng những bài viết liên quan của các chiến hữu, người viết thật sự coi đó những những “Lời Trối Trăng Khẩn Thiết Nhất” hơn là một tài liệu chính trị bình thường mà chưa hề thấy bất cứ một nhân vật nào của Việt Nam từ hai trăm năm nay lại có một cái nhìn sâu sắc về tình hình đất nước như vậy. Nhìn lại Lịch sử, nếu như Nguyễn Trường Tộ và 22 Bản Điều Trần dưới triều vua Tự Đức đã là một sáng kiến táo bạo, một cái nhìn độc đáo về công cuộc Canh Tân xứ sở thời với Chính Đề Việt Nam của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu lại càng làm cho ta ngạc nhiên hơn nữa. Một trăm năm sau, giữa thế kỷ 20, ông Ngô Đình Nhu nhờ có thêm nhiều dữ kiện để nghiên cứu, phân tích một cách bao quát về tình hình thế giới, cách riêng về Việt Nam thông qua những dẫn chứng Lịch sử. Nhờ đó, ông đã rút ra được những kết luận rất khoa học về những gì mà Việt Nam cần phải làm để thoát khỏi họa xâm lược hầu tự tồn. Cho nên, người viết xin mạn phép tiếp tục trình bày phần 3: Chính Đề Việt Nam như Lời Trối Trăng sau cùng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

    Theo ông Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên kiêm Phó Tổng Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hòa thời chính ông CV Ngô Đình Nhu đã trao cho bản thảo Chính Đề Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp). Sau ông CXV trao lại cho ông Lê Văn Đồng. Ông Lê Văn Đồng giao cho một vài người dịch ra tiếng Việt năm 1964 và trao cho nhà in Kim Lai Ấn Quán (?) đó là ấn bản đầu tiên . Sau 30-04-1975, tại Hoa Kỳ ông Phan Xứng đem tái bản (copy) và gửi đến các chiến sĩ trong Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm.

PHAN XỨNG 1628 Van Buren Ave St. Paul, MN 55104 gửi thư từ L.A. 16-12-1988.

Khác với bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 được in trong Tập San Chính Nghĩa chỉ vỏn vẹn cô đọng có 16 hàng, Chính Đề Việt Nam là một tập tài liệu dày trên 500 trang cũng được hoàn tất vào năm 1962, nhưng chưa hề được phổ biến. Hai năm sau, 1964, nhà xuất bản Đồng Nai tại Sài Gòn mới ấn hành bản tiếng Việt dịch từ nguyên bản Pháp ngữ dưới bút hiệu là Tùng Phong, nghĩa là sau cuộc đảo chánh 1-11-1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa do TT Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ngay thời gian đó, cũng rất ít người biết đến tài liệu quý hóa này có lẽ chỉ được phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu, giữa những cán bộ trung thành với chế độ khi chứng kiến hậu quả thê thảm của cuộc đảo chánh 1.11.1963. Đó là những xáo trộn triền miên làm mất chủ quyền quốc gia mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã dày công xây dựng. Ngay sau ngày 30-04-1975, một số đông đồng bào tị nạn tại hải ngoại thuộc các nhóm Tinh Thân Ngô Đình Diệm cũng chưa được biết đến tài liệu quan trọng này, mà phải đợi mãi cho đến năm 1988, khi Nhà xuất bản Hùng Vương ở Los Angeles, Nam Cali tái bản thì những người quan tâm đến vận mạng Dân Tộc và nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới có cơ hội được đọc. Đến năm 2009, tác phẩm được tái bản, và được nhiều cây bút có tầm vóc đọc và giới thiệu qua Tập San của Hộ Ái Hữu NVQG Hải Ngoại ở Nam Cali thì Chính Đề Việt Nam đã trở thành đề tài quan trọng trên các trang mạng tiếng Việt toàn cầu.

Qua Chính Đề Việt Nam, độc giả tinh ý sẽ thấy ngay đó là Lời Trối Trăng vô cùng quan trọng của nhân vật Tùng Phong tức ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, không chỉ cho các chiến hữu mà cho toàn thể con dân nước Việt, nhất là những người luôn quan tâm đến vận mạng Dân Tộc trong tình hình mới. Bởi đó, người viết xin tóm lược những điểm chính của tác phẩm cùng những suy tư liên hệ.

 

Chính Đề Việt Nam trong lần tái bản 1988 do nxb Hùng Vương ấn hành dày 516 trang, có lẽ là sao chụp (copy) lại bản in đầu tiên năm 1964. Bản in năm 2009 với khổ chữ nhỏ hơn chỉ có 360 trang. (Người viết trích thuật theo bản in năm 1988). Ấn bản 1988, ngoài Lời Nhà Xuất Bản, còn kèm theo thư riêng của ông Phan Xứng đề ngày 16-12-1988 gửi cho các chiến hữu. Trong Lời Nhà Xuất Bản đã ghi rõ: “Nhà xuất bản Hùng Vương hân hạnh giới thiệu quý độc giả cuốn Chính Đề Việt Nam được tái bản lần đầu tiên tại hải ngoại. Tập tài liệu nghiên cứu này do một nhóm chiến sĩ trong bộ phận nghiên cứu chính trị của Đệ Nhất Cộng Hòa soạn thảo để kính tặng chiến sĩ vô danh của Cộng Đồng Quốc Gia Việt Nam. Cuốn sách này đã được xuất bản vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhưng chỉ lưu hành giới hạn trong tầng lớp cán bộ lãnh đạo.”

Đoạn khác viết:

Sách mở đầu bằng lời vắn tắt của một đại văn hào Nhật Bổn, Đức Phù Tô Phong, nói rằng: “Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh”. Phải chăng tác giả muốn ngụ  ý rằng dân tộc Việt Nam cũng là một dân tộc hùng cường vì dân tộc Việt Nam cũng nhiều Chiến Sĩ Vô Danh? Thật đúng vậy, xét trong Lịch sử nước nhà , dầu nước ta đất hẹp dân nghèo, sống sát cạnh những nước khổng lồ, đất rộng dân đông, phía Bắc là Trung Hoa, phía Nam là Ấn Độ, biết bao phen bị xâm lăng mà với chí quật cường của các chiến sĩ vô danh trước khi trở thành anh hùng dân tộc, đã đánh đuổi được kẻ xâm lăng để cứu nước và dựng nước. Những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v… chỉ là những ngọn sóng mà chúng ta trông thấy được. Dưới các ngọn sóng ấy còn âm ỉ một sức mạnh vô song, tuy âm thầm lặng lẽ mà bền bỉ kiên trì để thúc đẩy cho các ngọn sóng lên cao. Chính đó là sức mạnh của các chiến sĩ vô danh, đó chính là gia tài của dân tộc.

Và sau cùng kết luận: Chúng tôi kỳ vọng khi tái bản cuốn sách nghiên cứu rất công phu này vào sự thành công của các chiến sĩ vô danh của Cộng Đồng Quốc Gia, mà quốc gia gồm tất cả các tầng lớp nhân dân từ cực hữu đến cực tả. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các chiến sĩ vô danh của Đệ Nhất Cộng Hòa, đừng vì mặc cảm tuổi tác hay hoàn cảnh khắc nghiệt mà bỏ lỡ cơ hội để thực hiện các chương trình lớn lao đã phải bỏ dở dang với cái chết tức tưởi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Nhà Xuất Bản Hùng Vương đặt nhiều kỳ vọng vào các Chiến Sĩ Vô Danh của Cộng Đồng Dân Tộc, cả các bậc tiền bối lẫn các bạn hậu sinh.

Xét như thế thì rõ ràng khi cho xuất bản và tái bản Chính Đề Việt Nam, các Chiến sĩ Vô danh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mặc nhiên coi đó như là Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu mà những chiến sĩ vô danh hôm nay và kẻ hậu sinh ngày mai phải ra sức thực hiện cho bằng được ý nguyện gìn giữ độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Tiên để lại.  Để hiểu rõ hơn, người viết xin đi ngay vào nội dung như sau:

Tài liệu gồm 4 phần chính và phần mở đầu có tựa đề là “Bối Cảnh Của Vấn Đề” và phần Kết luận: “Trụ mà không trụ.”

Bốn phần chính gồm có: (01) Nhận định về thế giới; (02) Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh vừa trình bày; (03) Điều kiện nội bộ; (04) Một lập trường thích hợp với các nhận xét trên.

Trong bốn phần chính này, tác giả đã phân tích tỉ mỉ và đưa ra những nhận định chính xác các sự kiện lịch sử hầu rút ra bài học cần phải áp dụng cho hoàn cảnh của Việt Nam. Vì tài liệu quá dài không thể ghi lại hết trong một bài viết, nên chúng tôi chỉ xin đề cập đến những điểm quan trọng của tài liệu để độc giả nắm vững nội dung và chủ ý của tác giả.

Chính Đề Việt Nam là gì?

 Từ ngữ “chính đề” thường được hiểu là đoạn đầu trong tam đoạn luận: chính đề (thèse), phản đề (antithèse) và hợp đề (synthèse). Nhưng chữ Chính Đề tên của tài liệu này phải được hiểu là vấn đề chính trị, một vấn đề chủ chốt có liên hệ và ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của quốc gia như quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, vân vân. Nội dung tài liệu như đã nói trên đề cập đến bối cảnh lịch sử và tình hình của Việt Nam ít nhất từ thập niên 30 của thế kỷ 19 cho đến thập niên 60 và kế tiếp của thế kỷ 20 (khoảng từ 1830 – 2000) gần 200 năm).

Thường khi người ta nêu ra một vấn để tức là có nhu cầu cần được giải quyết. Tình hình chính trị Việt Nam từ đầu thế kỷ 18 đến nay quả là một vấn đề lớn, rắc rối, cần phải được giải quyết và tác giả Tùng Phong đặt tên cho tài liệu với 4 chữ Chính Đề Việt Nam (La Question politique du Vietnam) mà ông và nhóm nghiên cứu biên soạn là có ý như vậy.

Tình hình Việt Nam ra sao?

 Trong phần II: Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh thế giới, tác giả đã nêu ra những đặc điểm sau:

1.- Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang.

2.- Theo truyền thống văn hóa, Việt Nam thuộc vào xã hội Đông Á.

3.-Việt Nam thuộc vào khối các nước Á châu, vừa thoát khỏi ách Thực dân, Đế quốc.

4.- Việt Nam đang cần phải Tây phương hóa như tất cả các nước không thuộc khối Tây phương để: một là tồn tại, bảo vệ độc lập; hai là để phát triển đời sống kinh tế hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.

Bốn điểm trên đây minh định vị trí của nước chúng ta trong thế giới ngày nay vừa trong lãnh vực địa dư vừa trong lãnh vực tiến hóa chung của nhân loại. Vì vậy cho nên, cùng với những điều kiện nội bộ riêng của Việt Nam mà chúng ta sẽ thấy sau này, các điểm này sẽ chi phối mọi đường lối chính trị của chúng ta trong ít lắm là vài thế kỷ. (CĐVN tr. 67)

Trong chương mở đầu “Bối Cảnh của Vấn đề”, tác giả đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.

Trong suốt phần lịch sử của nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.

Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân tộc Việt Nam.

Để duy trì ách thống trị của mình, các cường quốc xâm lăng thường áp dụng, đối với các dân tộc bị trị nhiều biện pháp, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng chung quy vẫn thuộc hai loại chánh.

Ngăn ngừa không để cho các quyền lợi kinh tế thuộc vào tay người bản xứ.

Kiềm hãm không để cho dân trí phát triển.

Các loại biện pháp thứ nhứt nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.

Các loại biện pháp thứ hai nhằm mục đích tiêu diệt những người có khả năng sử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là các nhà lãnh đạo xứng danh.

Đối với các dân tộc bị trị hai loại biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện nơi khác, chớ nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không sử dụng được.

Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhứt và điều kiện thiết yếu nhứt để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.

Trong thực tế, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho cái tinh hoa của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.” (tr.13 – 50).

Nói tóm lại: Việt Nam vẫn là nước đói nghèo và lạc hậu, không phải tử những năm bị Thực dân đô hộ mà còn kéo dài cho đến ngày nay. Thời điểm hoàn tất tài liệu Chính Đề Việt Nam là năm 1962 cho đến nay 2013, đúng nửa thế kỷ, theo đà tiến bộ của thế giới, Việt Nam vẫn là nước đói nghèo và lạc hậu, luôn đứng vào hàng chót từ 170 đến 200 tổng số quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, vào thời điểm 1960, nhiều quốc gia tại vùng Đông Nam Á chỉ bằng hay còn thua kém Việt Nam, vậy mà nay, nhờ họ biết Duy tân, và cải tiến theo chủ trương Tây phương hóa hay hiện đại hóa đã trở thành những Con Rồng Kinh Tế Á Châu như Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan), Singapore (lập quốc 1967), Đại Hàn (South Korea), Hồng Kông.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Việt Nam với bốn ngàn năm Văn hiến lại vẫn là nước đói nghèo, chậm tiến, lạc hậu?

Tác giả Chính Đề Việt Nam đã cho câu trả lời từ 50 năm trước:

– Việt Nam đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội.

– Chủ nghĩa Cộng Sản và sự thiển cận của nhà cầm quyền Hà Nội.

Với câu trả lời thứ nhất, tác giả đã trình bày khá tỉ mỉ trong phần 2, xin trích dẫn:

“Trong thời kỳ cường thịnh nhứt của Đế quốc chủ nghĩa, các Quốc gia không thuộc xã hội Tây phương đều bị thống trị trực tiếp hay gián tiếp, bởi hai loại Đế quốc:

1.- Đế quốc kiểu người Anh.

2.- Đế quốc kiểu người Pháp, Hoà Lan và Bỉ.

Chủ trương của người Anh rất rõ rệt. Họ chia các lãnh thổ làm hai loại: loại chiếm đóng di dân và loại chiếm đóng khai thác. Đối với loại chiếm đóng di dân thì họ dồn thiểu số người bản xứ vào một nơi  và dần dần sự tranh sống tự nhiên sẽ đào thải. Kẻ chinh phục chiếm lấy đất đai và lập thành những quốc gia mới như ở Bắc Mỹ và Úc Châu. Nam Mỹ tuy không thuộc người Anh nhưng lại thuộc vào một chủ trương tương tự. 

Đối với loại chiếm đóng khai thác thì chánh sách của Anh lại hoàn toàn trái ngược. Họ rút kinh nghiệm sự chiến bại của họ ở Bắc Mỹ, – lúc người Mỹ hiện nay đánh đuổi người Anh và giành độc lập,- và cho rằng nếu họ không loại được người bản xứ thì sớm muộn gì  họ cũng phải có ngày trả lại độc lập cho dân bản xứ. Quan niệm trên dẫn dắt đến một chánh sách dài hạn. Vì đoán trước có ngày họ phải ra đi nên, để lưu lại được cảm tình với dân bản xứ, họ đã thật tình đào tạo một lớp người có đủ khả năng để sau này thay thế họ. Đây là một đặc điểm căn bản của chủ nghĩa Đế quốc Anh đã được chứng minh là rất khôn ngoan và hiệu quả.

Đế quốc kiểu người Pháp, Hòa Lan và Bỉ ngược lại không rõ rệt giữa hai thái độ trên. Nếu nhiều điều kiện hợp lại không cho phép họ chủ trương chiếm đóng di dân, thì đồng thời họ cũng không nghĩ đến ngày phải trả độc lập lại cho dân bản xứ. Các sự kiện xảy ra sau thế giới đại chiến thứ hai trong các thuộc địa Anh và trong các thuộc địa Pháp, Hòa Lan và Bỉ, đều bắt nguồn từ sự khác nhau của hai chánh sách nói trên. Bởi vì không nghĩ đến ngày phải rời khỏi thuộc địa nên người Pháp, Bỉ và Hòa Lan không có đào tạo lớp người thay thế họ. Vì vậy cho nên, khác với các cựu thuộc địa Anh, các cựu thuộc địa Pháp, Hòa Lan và Bỉ, sau khi độc lập rồi, đều trải qua nhiều  xáo trộn mãnh liệt, chỉ vì thiếu người có khả năng để thay thế các người ngoại quốc, mà điều khiển guồng máy Quốc Gia. Trên đây là một nhược điểm vô cùng quan trọng mà Việt Nam chúng ta phải mang chịu.”  

Hậu quả là “Nếu sự chúng ta thiếu người lãnh đạo ở trong lĩnh vực chánh trị là do một nguyên nhân không thể tránh được, phát sinh từ sự mâu thuẫn tự nhiên phải có giữa những người muốn chinh phục một Dân Tộc và những người chống lại sự chinh phục đó, thì, trái lạ, sự thiếu người lãnh đạo ở mọi ngành chuyên môn và mọi cấp bậc trong guồng máy Quốc Gia lại là hậu quả của mọi chánh sách Đế quốc riêng biệt của người Pháp, Hòa Lan và Bỉ.” (tr. 79-81)

“Thi hành đúng theo chủ nghĩa Đế quốc của họ chủ trương, người Pháp không bao giờ muốn và cũng không bao giờ thực hiện việc đào tạo những người bản xứ có đủ khả năng để làm những công việc mà người Pháp đang làm và để, trong tương lai, thay thế họ.”(tr. 82)

Thiểu số người trước kia đã được người Pháp dùng làm cộng sự viên trong nhiều năm, ngày nay với các kinh nghiệm đã thâu thập được, không thể thay thế người Pháp trong những nhiệm vụ cùng những người này hay sao?

Không thể được, vì:(1) Những kiến thức và kinh nghiệm của họ đều rời rạc và vặt vãnh. Họ không có có tổng hợp… họ không nhìn thấy rừng mà chỉ nhìn thấy từng gốc cây… (2) Người Pháp đã chủ tâm đào luyện, cho những người họ dùng, những kiến thức và khả năng tương xứng với công dụng mà họ đòi hỏi…. những người này lần lần đã tự tạo một tâm lý vô trách  nhiệm. (3) Người Pháp dùng lối quan trường mới nhằm phat sinh ra tệ nạn tham nhũng. Và người Pháp không có lý do gì mà tẩy trừ tình trạng đó, vì chủ trương của họ là để cho những người họ dùng không được lòng dân chúng. Và làm lợi cho dân chúng không phải là mối lo âu của chế độ thực dân.

 Trước sự đe dọa xâm chiếm và khai thác của Thực dân Đế Quốc, các nước nhược tiểu tại Đông Á phản ứng ra sao?

Phản ứng của Nhật: Trước hết Dân Tộc Nhật có được cái vận may là trong thời kỳ mà vận mạng của Quốc Gia Nhật, như của các Quốc Gia khác trong xã hội Đông Á, như chỉ mảnh treo chuông, việc mất còn chỉ trong ly tấc, được có một lớp người Lãnh đạo cực kỳ sáng suốt. Họ nhận thấy ngay con đường sáng của Dân Tộc. Những người này trong giai đoạn quyết liệt đã cởi bỏ được cho Quốc Gia tính tự phụ cổ truyền, và có đủ can đảm nhìn các biến cố với con mắt thiết thực. Như vậy nên, trái với các Quốc Gia đồng thuyền khác, khư khư quấn cả mình và đầu một cách mù quáng trong lớp áo kiêu căng. Quốc Gia Nhật ý thức được ba điều tối quan trọng:

1.- Lực lượng xâm lăng hơn hẳn lực lượng kháng chiến Quốc Gia về kỹ thuật tổ chức và kỹ thuật võ trang.

2.- Muốn chống lại ni lực lượng xâm lăng và lâm thời thắng họ, chỉ có cách duy nhất là chế ngự được kỹ thuật tinh xảo của địch thủ.

3.- Mâu thuẫn nội bộ giữa các cường quốc trong mặt trận xâm lăng của Tây phương là cơ hội duy nhất để bảo vệ nền độc lập và phát triển Dân tộc.

Óc sáng suốt phi thường của những nhà lãnh đạo Nhật Bản lúc ấy đã cấp thời nhìn ra, ngay khi Dân Tộc gặp phải nguy cơ trên lần đầu tiên, những biện pháp ứng phó duy nhứt có hiệu quả mà như chúng ta đã thấy ở trên, các nhà lãnh đạo Nga đã tìm ra và áp dụng sau nhiều thế kỷ chiến đấu với các cường quốc Tây Âu.

Học kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ, chế ngự kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ.

Các sự kiện trên đây là nguồn gốc của cuộc cách mạng duy tân của Nhật  thời Minh Trị. Những kỹ thuật của Tây phương trong mọi lĩnh vực được  phân tách học hỏi và áp dụng triệt để. Nhu cầu cấp thời đã đặt ưu tiên cho lĩnh vực quân sự và chính trị. Lề lối lãnh đạo cổ truyền theo chế độ quân chủ chuyên chế của xã hội Đông Á đã nhường chỗ cho lý thuyết chánh trị của Tây phương. Quân đội tập hợp và võ trang theo thời xưa đã biến thành một quân lực hùng hậu tổ chức võ trang theo Tây phương.

Sau đó các phương pháp sản xuất kinh tế được duy tân. Chuyên viên Tây phương tấp nập, vì quyền lợi cá nhân quyến rũ và nhất là vì mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc chinh phục.

Nhờ sáng suốt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nắm ngay được cơ hội, Một trăm năm sau, một cơ hội tương tự mới trở lại lần thứ nhì cho các Dân Tộc bị chinh phục, như Dân Tộc Việt Nam. Và nhờ nắm được cơ hội ngay lần đó nên họ đã thành công trong công việc đưa Dân Tộc Nhật lên hàng tiến bộ như chúng ta thấy ngày nay.

Nước Nhật đã thành công trong công cuộc Tây phương hóa để chống lại người Tây phương. (tr. 91- 93) .

Phản ứng của Trung Hoa và Thái Lan:

Trung Hoa và Thái Lan cũng bị sự tấn công của Tây phương như Nhật Bản. Nhưng các nhà lãnh đạo lại lựa thái độ thứ hai, như đã nói trên kia, nghĩa là bảo vệ trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Chỉ nhờ mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc nên hai Quốc Gia trên sau khi chiến bại, không bị chinh phục, và biến làm thuộc địa như Việt Nam. Tuy nhiên, chủ quyền đã sứt mẻ, họ không còn hoàn toàn chủ động con thuyền, không chủ động được công cuộc phát triển. Chính vì ý thức dùng kỹ thuật Tây phương để chống Tây phương và lâm thời thắng Tây phương chưa chín mùi trong não người lãnh đạo nên, cơ hội phát triển đã bỏ lỡ. Các mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc Tây phương một khi đã ngăn cản được sự chinh phục thật sự lãnh thổ của họ, không được lợi dụng để phát triển Dân Tộc như Nhật.

Vì vậy mà Dân Tộc Trung Hoa và Dân Tộc Thái Lan vẫn nằm trong tình trạng chậm tiến, cho đến ngày cơ hội thứ hai đưa đến, như ta đã thấy trên kia. Ngày nay Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang mạnh bạo phát triển, Tây phương hóa theo kiểu Cộng Sản. Nhưng cho đến ngày giờ này chưa có triệu chứng gì chỉ cho chúng ta thấy rằng Thái Lan đã nắm được cơ hội. (tr. 96-97)

 Phản ứng của Việt Nam

Đối với Việt Nam, sự kiện chót này lại cũng không có nữa. Vì vậy mà tình trạng của Việt Nam trong thời kỳ qua và ngay bây giờ còn trầm trọng hơn tình trạng của Trung Hoa và của Thái Lan nhiều.

Sau cuộc chiến bại, nước Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa. Chủ quyền bị mất hẳn, việc lèo lái con thuyền của chúng ta không còn ở trong tay chúng ta nữa. Và sự kiện ấy đã xẩy ra, vì, trong một giai đoạn quyết liệt của lịch sử Dân Tộc, chúng ta đã gặp phải một lớp người lãnh đạo thiếu sáng suốt và thiếu thiết thực, kiêu căng và không thức thời, không chịu phóng tầm mắt mà nhìn vào vấn đề thiết thực của Dân Tộc, tự giam hãm trí óc trong những quan niệm chật hẹp về quyền bính và triều đại.

Những khuyết điểm đó đã dẫn đến sự lỡ cơ hội phát triển cho Dân Tộc lần thứ nhất. Hơn thế nữa, việc lỡ cơ hội đối với chúng ta khốc hại bội phần hơn là đối với Trung Hoa và Thái Lan. Trong một trăm năm lệ thuộc, xã hội của chúng ta tan rã và công cuộc lãnh đạo Quốc Gia đã bị đứt đoạn. Dầu nhà Nguyễn có công khai thác đất đai rộng lớn gấp mấy lần phần đất mà Nguyễn Triều lúc nào cũng lấy làm tự hào đã góp phần vào di sản Quốc Gia, thì họ cũng không bù đắp được lỗi lầm về lãnh đạo trong một giai đoạn quyết liệt của Dân Tộc như chúng ta đã thấy trên đây.

Xã hội Nhật Bản khi gặp hoàn cảnh đó, đã may mắn được đặt dưới sự lãnh đạo của một lớp người vừa cực kỳ sáng suốt, vừa đủ chủ quyền và thừa phương tiện để nắm vững con thuyền Quốc Gia.

Trai lại, Dân Tộc chúng ta, trong cơn bão tố lại không người lèo lái. Lớp người lãnh đạo trước đã biến mất trong cơn chiến bại. Các lớp người kế tiếp kẻ bị kẻ chinh phục tiêu diệt. Trong khi đó, theo chân người chiến thắng, văn minh mới ồ ạt đưa đến gây ra một cuộc duy tân hỗn độn, không lề lối, không mục đích. Những giá trị cổ truyền cùng với sư chiến bại của Dân Tộc bị phá sản và khinh miệt. Trong khi đó, những giá trị tiêu chuẩn mới chưa có, xã hội không giá trị như con thuyền trôi giạt, không phương hướng và không sinh lực.

Tình trạng này là nguyên nhân duy nhất cho tất cả các quái tượng đã hiện ra trong suốt thời gian gần một trăm năm, mà chúng ta, khi nhìn thấy, phải vừa đau đớn, vừa tủi nhục. Xã hội chia làm hai khối: một bên cố gắng bảo vệ lấy giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, một bên duy tân nhưng không biết duy tân để làm gì, và cũng không biết duy tân theo hướng nào, chỉ bắt chước cử chỉ như khi và lời nói như sáo. Hai bên tân, cựu khinh miệt nhau, thật là một hiện tượng rõ rệt của một xã hội đang tan rã. (tr. 100)

Tình trạng càng trở nên bi thảm khi chính phủ “mới”, với sự ủng hộ của kẻ xâm lăng đã thắng thế phái“cũ”. Các giá trị tuy đã chết như như cây khô vì không người vun tưới, nhưng đó là những tiêu chuẩn giá trị thật, có thời đã tạo được những thế hệ người gồm nhiều đức tính cao cả. Với sự sụp đổ của những giá trị đó, tiết tháo và tính khí của người xưa cũng mất luôn. Lớp người mới, lại không biết duy tân để làm gì ngoài sự hưởng thụ vật chất, không có sáng tạo, không có những biểu lộ chứng minh cho sinh lực của một xã hội. Có lẽ không bao giờ Dân Tộc chúng ta đã xuống đến thấp như vậy và chưa bao giờ chúng ta đến gần hố diệt vong như vậy. Ngược lại, chính vì đã vượt qua được những bước tuyệt vọng như vậy, mà chúng ta lại càng tin tưởng vào sinh khí của Dân Tộc.

Hậu quả tai hại nhất mà thời kỳ Tây thuộc đã để lại cho chúng ta là sự tan rã của xã hội Việt Nam. Cũng như chủ nghĩa đế quốc kiểu Pháp đã để lại cho chúng ta một hậu quả tai hại không kém: lớp người tai mắt trong xã hội thời Pháp không thể nào dùng vào các nhiệm vụ lãnh đạo được. (tr. 101)

So sánh, như trên đây, trường hợp của Nhật và Trung Hoa với trường hợp của chúng ta, chúng ta mới ý thức xung mãn tính cách vô cùng trầm trọng của tình trạng nguy ngập mà chúng ta đang lâm vào. Tất cả ba Dân Tộc đều ở trong xã hội Đông Á, cùng một văn minh, cùng một giá trị truyền  thống, đã cùng, trong một lúc, phải một nguy cơ chung.

 Nhưng Dân Tộc Nhật đã phản ứng kịp thời, chiến thắng, bảo toàn độc lập, giữ nguyên chủ quyền, nắm được ngay cơ hội thứ nhất để phát triển Dân Tộc. Sự lãnh đạo Quốc Gia không bị gián đoạn, công cuộc duy tân  được hướng dẫn và các giá trị tiêu chuẩn truyền thống không bị phá sản. Nhờ vậy nên xã hội Nhật vẫn tiến liên tục, chế ngự được các chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Xã hội Nhật chỉ có bị bắt buộc phải bỏ trạng thái điều hòa cũ để tìm một trạng thái điều hòa mới.

 Dân Tộc Trung Hoa không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập được bảo tồn không phải nhờ ở nỗ lực chủ động mà nhờ ở ngoại cảnh…. Ngày nay Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang dốc hết nỗ lực của Dân Tộc để thực hiện công cuộc phát triển và duy tân mà Nhật đã làm xong….

 Dân Tộc Việt Nam không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập bị mất, nước nhà biến thành  thuộc địa, chủ quyền hoàn toàn mất, chẳng những không nắm được cơ hội thứ nhất để phát triển Dân Tộc, lại hoàn toàn bất lực đối với một công cuộc duy tân bắt buộc, không hướng dẫn và hỗn độn. Các giá trị truyền thống bị phá sản. Hoàn toàn bất lực trước các cuộc chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Vì không gặp trở lực nên các cuộc chấn động mặc tình hoành hành phá hoại xã hội đến tan rã. Sự hoàn toàn mất chủ quyền lại gây sự gián đoạn trong việc lãnh đạo Quốc Gia. Ngày nay chưa có gì bảo đảm là chúng ta đã nắm được cơ hội thứ hai để thực hiện công cuộc phát triển Dân Tộc. Giả sử chúng ta có nắm được thì công cuộc phát triển  và duy tân sẽ thực hiện từ một xã hội đã tan rã và với sự lãnh đạo Quốc Gia đã bị gián đoạn. (tr. 103)

Với những đoạn được trích dẫn nêu trên từ Chính Để Việt Nam, xin nhắc lại hai cơ hội đó:

(1) Cơ hội thứ nhất là khi đế quốc thực dân xâm lược các nước Đông Á, trong đó thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam từ đầu thế kỷ 19.

(2) Cơ hội thứ hai là Cuộc Chiến Tranh Lạnh kế tiếp sau sau thế Chiến thứ 2 (1939-1945) giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Thay vì lợi dụng và khai thác những mâu thuẫn và tranh chấp quốc tế giữa hai Khối để phát triển và duy tân hầu nắm bắt được cơ hội này, thì Việt Nam lại lâm vào cuộc chiến Quốc-Cộng mà thủ phạm là Cộng Sản Hà Nội.

Chủ nghĩa Cộng Sản và tham vọng của Đế Quốc Đỏ Nga Hoa

 Chủ nghĩa Cộng Sản xuất hiện từ Tây Âu nhưng đã bị Tây Âu đào thải sớm vì họ đã sớm biết duy tân, phát triển nên chủ nghĩa Cộng Sản không có cơ bén rễ.  Ngược lại nó đã được nước Nga (Lenin, Stalin) ở phía Đông và Trung Hoa (Mao Trạch Đông) ở Á Châu lợi dụng, coi như một khí cụ, một phương tiện tranh đấu nhằm quy tụ các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La tinh làm thành đồng minh của họ đối địch lại với Tây Phương. Ông Nhu đã nhìn thấy rõ thâm ý và chủ đích của họ:

Nhưng chúng ta cũng còn nhớ rằng Nga Sô sở dĩ liên kết với các thuộc địa của Tây phương là bởi vì Nga Sô cần có đồng minh trong công cuộc chiến đấu trường kỳ và vĩ đại với Tây phương, mà mục đích trước hết và trên hết, là phát triển dân tộc Nga. Tính cách thiêng liêng giữa các đồng chí của lý tưởng cách mạng xã hội thế giới chỉ là một tín hiệu tập hợp quy tụ kẻ thù của Tây phương vào một mặt trận phục vụ một chiến lược tranh đấu của dân tộc Nga. Ngày nay, mục đích phát triển của Nga đã đạt. Sự thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của Nga Sô bằng những giá trị tiêu chuẩn, di sản của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên, là một bằng cớ hùng biện nhất, soi sáng lập trường của Nga. Trung Cộng tố cáo Nga phản bội chủ nghĩa Các-Mác Lê-Nin vì những sự kiện trên. Trung Cộng lại muốn thay thế Nga, nhân danh chủ nghĩa Các-Mác Lênin hô hào quy tụ các nước kém mở mang, để phục vụ công cuộc phát triển cho dân tộc Trung Hoa. Ngày nào mục đích phát triển đã đạt, thì cuộc đồng minh mới này do Trung Cộng đề xướng cũng không còn hiệu lực đối với Trung Cộng, cũng như cuộc đồng minh trước đây do Nga đề xướng, ngày nay, không còn hiệu lực đối với Nga. Và mục đích cuối cùng của cuộc tranh đấu vẫn là mục đích dân tộc.

 Nhiều nhà lãnh đạo Á Đông mà quốc gia cũng đã bị Đế quốc thống trị, đã đủ sáng suốt để nhìn thấu thâm ý chiến lược của Nga Sô. Gandhi và Nehru, từ chối sự đồng minh với Cộng Sản vì lý do trên. (tr. 285)

Nói khác đi, cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều lấy chủ nghĩa Dân Tộc làm chính nhằm phuc vu cho quyền lợi của họ. Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là cái vỏ để tuyên truyền thực hiện mục đích của Dân tộc Đại Nga, Dân Tộc Đại Hán mà thôi.

Hãy cứ xem cách hành xử của Nga Sô và Trung Cộng, hai đàn anh lớn của khối Cộng Sản. Hô hào đoàn kết giải phóng các Dân tộc nhược tiểu, nhưng một khi các nước này nhẹ dạ nghe theo lời dụ dỗ của họ rồi thì họ biến các nước này thành những chư hầu, không hơn không kém. Thực chất Cộng Sản cũng chỉ là thứ Đế Quốc thực dân mới. Hãy nhìn lại các nước ở Đông Âu thì rõ. Lợi dụng Thế chiến thứ 2 (1939-1945), Stalin đã đem quân tấn chiếm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma ni, An Ba ni… và đã biến các nước  này thành chư hầu của Nga. Nước nào có âm mưu giành lại độc lập là bị Nga Sô đem xe tăng đến dẹp tan ngay lập tức. Trường hợp Hung Gia Lợi (ngày 4-11-1956, Nga Sô đã đưa 150 ngàn quân, 2500 xe Tanks sang dẹp cuộc nổi dậy tại thủ đô Budapest, khiến trên 20 ngàn người bị giết) và Tiệp Khắc (The Prague Spring of 1968) là điển hình nhất. Chỉ riêng có Nam Tư là có cơ may tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga Sô do sự cương quyết của Tổng Thống Tito được dư luận quốc tế ủng hộ. Ở Á Châu thì không cần nhìn đâu xa, hãy coi liên hệ giữa Trung Cộng với Cộng Sản Bắc Việt và Bắc Hàn thì đủ rõ. Đó là liên hệ giữa Thiên Triều thời phong kiến và Chư hầu. Thiên triều phán gì là Chư hầu tuân theo răm rắp. Đàn anh Trung Cộng coi Việt Cộng và Hàn Cộng như những công cụ xâm lăng các nước Đông Nam Á. Hai cuộc chiến tại Cao Ly và Việt Nam đã nói lên vai trò chỉ đạo của Trung Cộng. Nay thì trong tình hình mới, Trung Cộng lại biến Việt Cộng và Hàn Cộng thành những con chó gác cửa, giúp xong rồi là muốn nuốt chửng luôn!  Đúng như vậy, sau cuộc chiến mà đàn anh Trung Cộng đã giúp công, giúp của, giúp người cho Cộng Sản Bắc Việt tấn chiếm Miền Nam thì nay đến lượt CSVN phải trả đàn anh Trung Cộng bằng một món nợ khổng lồ là tự nguyện dâng đất dâng biển cho quan thầy. Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, 90 phần 100 Vịnh Bắc Việt và một giải đất dài chạy dọc theo biên giới Việt-Hoa, trong đó có thác Bản Giốc đã biến thành lãnh thổ của Trung Cộng!  Nhân dân cả nước lên tiếng phản đối, chống lại thái độ và hành động ngang ngược xâm lăng của Trung Cộng thì Việt Cộng lại dùng Công an đàn áp.

Tham vọng của Trung Cộng qua gọng kìm Hán Tộc!

 Năm 1958, lần đầu tiên Trung Cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Cộng Sản Hà Nội qua văn thư của của Phạm Văn Đồng (15-09-1958) đã công khai thừa nhận, khiến người ta đã phải đặt ra nhiều câu hỏi. Tuy vậy, Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó còn nằm trong vòng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa thời TT Ngô Đình Diệm theo Hiệp Định Genève 1954 nên cũng không có sự e ngại nào. Vả lại, cuộc chiến chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa đang được Hoa Kỳ yểm trợ tích cực với Hạm Đội số 7 ở ngoài khơi Thái Bình Dương cùng Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) nên Trung Cộng mới chỉ đánh võ miệng chớ không dám hung hăng như sau này. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ 1963 và Hoa Kỳ đã ngầm để cho Trung Cộng xâm chiến Hoàng Sa 1974 mà không có phản ứng gì. Vẫn chưa hết, năm 1988, khi Việt Nam đã hoàn toàn bị đặt dưới ách thống trị của Cộng Sản Hà Nội, thì Trung Cộng lại đưa quân tiến chiếm cả Trường Sa. Ngày 6 tháng 5 năm 2009, Trung Cộng ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò chạy suốt từ đảo Hải Nam xuống tận Brunei và Malaysia, tuyên bố biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc. Cùng ngày đó, Trung Cộng trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc khiến Malaysia, Cộng Sản Việt Nam, và sau đó Indonesia phản đối, bác bỏ. Nhưng dù có phản đối, Trung Cộng cứ ngang ngược lấn chiếm, bằng cách cho tàu bè ra đánh cá, cho đấu thầu khai thác dầu lửa. Bất cứ tàu bè đánh cá nào của ngư dân Việt Nam hay của nước khác đi vào khu vực Biển Đông là bị tàu của Trung Cộng đuổi bắt. Trung Cộng còn ngang nhiên lập khu Hành Chánh Tam Sa bất kể sự phản đối của VN và các nước trong vùng. Những hành động xâm lược ngang ngược của Trung Cộng tại Biển Đông từ hơn chục năm nay đã cho thấy tham vọng bá quyền của Tàu Cộng từ ngàn xưa cho đến nay vẫn không bao giờ thay đổi. Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu trong Chính Đề Việt Nam đã lược thuật lại tham vọng của Tàu đồng thời nói lên mối đe dọa thường xuyên đó đối với Việt Nam như sau:

Trong lịch sử bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, các biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu hồi phần đất mà Trung Hoa xem như là của họ. Bên kia, Việt Nam lúc nào cũng nỗ lực mang xương máu ra để bảo vệ nền độc lập của mình. Tất cả các sự kiện, xảy ra giữa hai quốc gia, đều do sự khác nhau của hai quan niệm trên. 

Ngay năm 981, nghĩa là vừa ba năm sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam, Tống triều thừa lúc nội chính Việt Nam có biến, vì Đinh Tiên Hoàng vừa mất, và sự kế vị không giải quyết được, gởi sang Việt Nam hai đạo quân, do đường thủy  và đường bộ, để đặt lại nền thống trị của Trung Hoa. 

Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị và không lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triều cống của chúng ta. Ngay những lúc mà quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân đội Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng khôn ngoan, tìm cách thỏa thuận với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng, điều mà Trung Hoa muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống. Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất. 

Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội này, tạm ngưng hoạt động, Trung Hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế ấn định: lưu vực sông Hồng Hà là đường thoát ra biển thiên nhiên của các tỉnh Tây Nam của Trung Hoa, và ngược lại cũng là con đường xâm nhập cho các đạo quân chinh phục vào nội địa Trung Hoa. Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần. Cũng chỉ vì lý do này mà, năm 1883, Lý Hồng Chương, thừa lúc Tự Đức cầu viện để chống Pháp, đã, thay vì gửi quân sang giúp một nước cùng một văn hóa để chống ngoại xâm, và thay vì cứu viện một thuộc quốc mà Trung Hoa đáng lý ra có nhiệm vụ bảo vệ, lại thương thuyết một kế hoạch chia cắt Việt Nam với Pháp, Trung Hoa dành cho mình các phần đất gồm các vùng bao bọc lưu vực sông Hồng Hà để lấy đường ra biển. Và ngay Chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1945, dành phần giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở lên phía Bắc, cũng vì lý do trên. 

Xem thế đủ biết rằng, đối với dân tộc chúng ta họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên. Do đó, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh,Thanh là một đe dọa truyền kiếp. (tr. 236)

Nhìn vào con đường thực hiện chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh hiện nay, người ta thấy Việt Nam đã nằm lọt vào trong cái “Gọng kìm Hán Tộc”. Gọng kìm đó có hai càng:

(01) Một càng là đường lưỡi bỏ ngoài Biển Đông để ngăn chặn không cho Việt Nam tự do thông ra hành lang cửa biển của mình.

(02) Một càng đi từ phía trong và chia ra nhiều ngách. Ngách thì đâm vào cao nguyên để khai thác Bô Xít. Ngách thì đâm qua biên giới Việt – Hoa bằng cái chiêu bài kinh tế: một vòng đai hai hành lang, tuồn đồ lậu vào VN, được ưu tiên trúng thầu thực hiện các dự án xây dựng điện lực, kỹ nghệ mà nhân công toàn là Tầu, được phép thuê mướn đất dài hạn (50 năm) để trồng cây kỹ nghệ, được phép cưới vợ Việt và ăn ở đi lại tự do như người Việt. Tóm lại cái càng thứ hai này vô hình, đa dạng và nhiều ngóc ngách, rất nguy hiểm.

Cái gọng kìm Hán Tộc đó đã bao quanh lãnh thổ Việt Nam và kiềm chế Việt Nam đi vào quỹ đạo nô lệ Tầu một cách nhẹ nhàng từ từ, nhưng khó cưỡng lại được. Đó là thủ đoạn xâm lược kiểu mới đầy nham hiểm không cần súng đạn ồn ào nhưng gặm nhấm từ từ để biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc.

Cộng Sản Việt Nam: thủ phạm rước giặc vào nhà

 Qua những đoạn trích dẫn trên, ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã cho thấy: Việt Nam luôn luôn phải đối đầu với giặc ngoại xâm, nhất là giặc phương Bắc.

Xem thế đủ biết rằng, đối với dân tộc chúng ta, họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên. Do đó, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp. (tr. 236).

Cái nguy không phải là giặc từ ngoài xông vào mà từ trong lại ra tay đón rước do sự thiển cận, ngu muội và mù quáng của tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh.

Trước hết, Hồ Chí Minh cùng đồng đảng, trong cái gọi là huyền thoại tìm đường cứu nước, thay vì học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu các phương thức đấu tranh hầu tìm một phương thức tốt nhất và thích hợp nhất cho Dân Tộc, lại nhắm mắt lao mình vào âm mưu của Cộng Sản Quốc Tế. Khuyết điểm này do ngu muội mà ra. Hãy coi lại tất cả những người tiên phong của CSVN từ Hồ Chí Minh đến các tên trong bộ phận lãnh đạo, tức là Bộ Chính Trị thì có tên nào là có trình độ trí thức tối thiểu đâu. Toàn là một lũ vô học, ngoại trừ Võ Nguyên Giáp tuy có học đến bậc Đại Học, nhưng tri thức còn rất giới hạn, vì không được đi đến đâu để có cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt và khách quan. Giặc dốt đã nằm sẵn trong lòng tập đoàn CSVN, cho nên họ không nhìn ra được những sự thật khách quan: (01) Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tệ hại, phi nhân và phi dân tộc; (02) Ý đồ của Cộng Sản Quốc Tế (Nga Sô và Trung Cộng) trong việc sử dụng chủ nghĩa Mác như một công cụ để thực hiện phát triển và bành trướng chủ nghĩa Dân tộc bá quyền. Kết quả, Cộng Sản Việt Nam trở thành chư hầu cho Đế Quốc Đỏ. Và vì đối đấu với Tây Phương mà cụ thể là thực dân Pháp nên Cộng Sản và thực dân đã đưa đẩy Việt Nam đến sự phân chia lãnh thổ. Ông Nhu đã nhận định như sau:

“Chúng ta chưa có một tài liệu hay một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức các điều kiện trên. Ngược lại, các thư lại chính trị của miền Bắc còn đang ca tụng như là những chân lý những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ. Như thế thì có lẽ dân tộc chúng ta còn phải bất hạnh mục kích các nhà lãnh đạo miền Bắc của chúng ta tôn thờ như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Sô và Trung Cộng chỉ dùng làm một phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải khi mục đích phát triển đã đạt.

 Như thế thì, giả sử mà người Pháp có thật sự thi hành một chính sách trả thuộc địa, như người Anh, đối với Việt Nam, thì các nhà lãnh đạo miền Bắc cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trực tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà phát triển dân tộc. 

Trong hoàn cảnh mà cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối nặng nề hành động chính trị của các quốc gia nhỏ, lập trường Cộng Sản, lệ thuộc Trung Cộng, của các nhà lãnh đạo miền Bắc, đương nhiên gây phản ứng của Tây phương và sự phân chia lãnh thổ cũng không tránh được. 

Như vậy, tư cách Cộng Sản của các nhà lãnh đạo miền Bắc là một điều kiện thuận lợi giúp cho người Pháp thi hành những toan tính chính trị của họ ở Việt Nam. Và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng là một nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam, trong khung cảnh chính trị của thế giới, sau Đại chiến thứ hai, do sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối.

Tóm lại nguyên nhân sâu xa của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam ngày nay là chính sách thuộc địa của Pháp và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng của các nhà lãnh đạo miền Bắc.(tr. 288)

Trong thực tế, sự phân chia đã nảy mầm khi hai quốc gia Tây phương Anh và Mỹ, để dọn đường cho một giải pháp chấm dứt sự bế tắc của Pháp ở Việt Nam, nhìn nhận và bắt đầu viện trợ cho quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, viện trợ quân sự và kinh tế đều qua tay chính phủ Pháp. Và một phần lớn, đã được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp trong công cuộc tái thiết nước Pháp đã bị chiến tranh tàn phá. Thời gian qua, xét kỹ thì thời kỳ này lại là thời kỳ mà những thủ đoạn chính trị của Pháp ở xứ này mang đến nhiều kết quả nhất. 

Bên khối Cộng Sản, Nga và Trung Cộng cũng nhìn nhận Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam và cũng bắt đầu viện trợ. 

Từ đây, chiến cuộc Việt Nam, biến thành một chiến trường quân sự và địa phương của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương mà, đúng lý ra, phải được dùng để phát triển dân tộc, lại trở thành những khí giới gieo rắc sự chết cho toàn dân. Những yếu tố của một cơ hội phát triển đã biến thành những khí cụ của một tai họa. 

Đồng thời, điều này vô cùng quan trọng cho chúng ta, sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối, sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa, mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục, cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một thế kỷ Pháp thuộc, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam. 

Chúng ta thừa hiểu rằng sự phát triển của Tàu, là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh hiện nay của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, cũng như sự phát triển của Nga là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh trước đây của các nhà lãnh đạo Nga. (tr. 289)

Vì tin vào chủ nghĩa Mác một cách mù quáng và tự nguyện biến thành chư hầu và công cụ xâm lược cho Nga Sô và Trung Cộng ở Đông Nam Á nên Cộng Sản Việt Nam đã đi từ những sai lầm này đến những sai lầm khác. Lỗi lầm nghiêm trọng hơn nữa là quyết định dùng võ lực để thôn tính miền Nam, dẫn tới việc trực tiếp đụng độ quân sự với Hoa Kỳ, khiến miền Bắc đã khánh tận và kệt quệ. Suốt cuộc chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) mà Cộng Sản Hà Nội là thủ phạm, biết bao sinh mạng, tài sản và cơ hội của đất nước phải hy sinh. Hàng chục triệu người đã ngã gục cho các mục tiêu hết sức là ngu xuẩn của Hà Nội: chiến tranh, cải cách ruộng đất, tù tội, đấu tố, vượt biên, vân vân. Tất cả bị thúc đẩy do sự đạo diễn của quan thầy Trung Cộng và Nga Sô. Nhưng đó lại là cơ hội tốt tạo điều kiện thuận lợi cho ý đồ xâm lăng Việt Nam của Trung Cộng khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, mặc cho Trung Cộng tự do tung hoành ở Đông Nam Á. Ngày nay, sau 38 năm tấn chiếm Miền Nam, Hà Nội đã biến VN thành một nhà tù vĩ đại, tiếp tục đói nghèo lạc hậu, vẫn tiếp tục làm tay sai và nô lệ cho quan thầy Trung Cộng. Thật vậy, từ trong nước cho đến hải ngoại, người dân khắp nơi đã nhìn thấy ách nô lệ Trung Cộng đang đè nặng trên thân phận đất nước mà 50 năm trước ông Ngô Đình Nhu đã tiên báo:

 Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta. 

Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. 

Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian. 

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô. 

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa. (tr.302)

 

Hậu quả khi Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản

 

Những tiên đoán về tương lai Việt Nam của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã trở thành sự thật khi Mỹ âm mưu mua chuộc bọn tướng lãnh đâm thuê chém mướn thực hiện cuộc Đảo chánh 1-11-1963, giết hại TT Ngô Đình Diệm và CV Ngô Đình Nhu. Hậu quả tức khắc là Miền Nam rơi vào vũng lầy đầy xáo trộn không sao thoát ra được. Vì nhóm lãnh đạo mới chỉ là những tên tay sai vai u thịt bắp, mải lo ăn chơi, vơ vét tiền của nên Đảo chính, Chỉnh lý xảy ra như cơm bữa suốt hai năm trời (1963-1965) khiến Mỹ phải vội vàng đổ vào nửa triệu quân cũng không sao cứu vãn được tình hình. Mười hai năm sau (1975) thì Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành miếng mồi ngon cho Cộng Sản khi Mỹ rút quân, chấm dứt sự hiện diện ở Miền Nam. Ngày 30-04-1975, chế độ Cộng Hòa đã cáo chung, cả nước bị đặt dưới ách thống trị của tập đoàn Cộng Sản Hà Nội.

Ngày 30-04-1975 được Cộng Sản Hà Nội huênh hoang là ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, nhưng thật sự đã thống nhất chưa? Tuy Nam Bắc thống nhất dưới sự cai trị của một Chánh quyền, nhưng nhìn vào cuộc sống nhân dân hai Miền thì rõ ràng là chưa thống nhất. Nó chỉ thống nhất trên giấy tờ, trên đất đai còn thực chất, chưa lúc nào nhân tâm ly tán như lúc này, cũng chưa lúc nào đạo lý Dân Tộc lại suy đồi tệ hại như lúc này! Rõ ràng nếp sống Văn Hóa hai Miền con cách biệt. Một Nhà Nước luôn miệng đề cao Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vậy mà người dân cứ vẫn đói khổ, qụy lụy đàn anh Trung Cộng, phải đi ăn mày ăn xin. Hàng trăm ngàn thiếu nữ từ quê lên tỉnh sẵn sàng bỏ nước ra đi làm vợ hờ tập thể cho ngoại nhân thì đất nước này còn gì là “Văn hiến chi bang”!

Trước nguy cơ xâm lược “gặm nhấm” hiện nay của Trung Cộng đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ trên biển, trên đất liền dưới đủ mọi hình thức trong cái gọi là  “Gọng Kìm Hán Tộc”, thì người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước sao khỏi yên lòng?  Nếu các tầng lớp nhân dân suốt từ Nam chí Bắc, và nhất là giới thanh niên trẻ trung nhiệt tình yêu quê hương phải lên tiếng thì đó phải là dấu chỉ đáng mừng, nhưng tại sao nhà cầm quyền Cộng sản lại dùng bạo lực đàn áp dã man và quy chụp cho tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” ghi nơi điều 258 Bộ Luật Hình Sự? Việc sử dụng bạo lực đàn áp, kết tội, bỏ tù người dân yêu nước của CSVN thật không có gì giải thích cho đúng hơn là hành động làm tay sai cho kẻ thù phương Bắc. Rõ ràng là lời tiên báo và cảnh cáo của ông CV Ngô Đình Nhu “Sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc…” đã ứng nghiệm, thành sự thật!  (tr. 302)

Nhìn vào cách hành xử của Cộng Sản Việt Nam đối với Trung Cộng hiện nay chúng ta thấy nó rập khuôn y hệt như chính sách ngoại giao thiển cận của Nhà Nguyễn đối với thực dân Pháp hồi đầu thế kỷ thứ 19. Đó là chính sách ngoại giao mà ông Cố vấn Ngô Đình Nhu gọi là nặng “tâm lý thuộc quốc” trong lịch sử Dân Tộc bắt nguồn từ sự sùng bái văn hóa Khổng Mạnh đã tạo ra biết bao di hại. Ông viết như sau:

Họa xâm lăng đe dọa dân tộc chúng ta đến nỗi, trong suốt một ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc. 

Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ tìm cách đả phá không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến công lừng lẫy và tài ngoại giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của dân tộc vẫn phải khuất phục trước thực tế.

Tâm lý thuộc quốc đè nặng, chẳng những trên sự bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, lại còn lan tràn sang lĩnh vực bang giao giữa chúng ta và các nước láng giềng. Nếu, đối với Trung Hoa, chúng ta là thuộc quốc, thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc. Tâm lý đó làm cho sự bang giao, giữa chúng ta và các nước láng giềng, lúc nào cũng gay go. Đã đành rằng công cuộc Nam tiến của chúng ta, là một công trình mà dân tộc đã thực hiện được. Nhưng chúng ta còn thiếu tài liệu để cho các sử gia có thể xét đoán xem, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa trên những nguyên tắc phong phú hơn thì, có lẽ sự bành trướng của chúng ta sẽ không một chiều như vậy. Ví dụ, một câu hỏi mà chúng ta không thể tránh được: chúng ta là một dân tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật vượt biển của chúng ta không phát triển? Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta phong phú hơn, và không bó hẹp vào một đường lối duy nhất, có lẽ sự bành trướng của dân tộc chúng ta, đã sớm phát ra nhiều ngõ, và sinh lực của chúng ta không phải chỉ dồn vào mỗi một công cuộc Nam tiến. Nước chúng ta ở vào giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Với một chính sách ngoại giao khoáng đạt hơn, sự liên lạc quốc tế của chúng ta có lẽ đã rộng rãi hơn, và do đó, vị trí của chúng ta sẽ, đương nhiên, được củng cố bằng những biện pháp dồi dào và hữu hiệu hơn. 

Nhưng thực tế là vậy đó. Họa xâm lăng của Trung Hoa đè nặng vào đời sống của dân tộc chúng ta, đến nỗi, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó. Và, để đối phó lại, họ chỉ có hai con đường, một là thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam. 

Sở dĩ, khi bị Tây phương tấn công, mà các nhà lãnh đạo Triều Nguyễn của chúng ta lúc bấy giờ, không có đủ khả năng quan niệm một cuộc ngoại giao rộng rãi, để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, là vì các nhà lãnh đạo của chúng ta không lúc nào vùng vẫy, đả phá nỗi không khí tâm lý thuộc quốc đã đời đời đè nặng lên lịch sử ngoại giao của chúng ta. Hành động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu với Trung Hoa. Chúng ta đã biết Trung Hoa đã hưởng ứng như thế nào lời kêu gọi của nhà Nguyễn. Nhưng Trung Hoa cũng đang bị đe dọa như chúng ta, nếu không có lẽ Trung Hoa đã lại thừa cơ hội mà đặt lại nền thống trị ở Việt Nam.

Các sứ bộ của chúng ta gửi sang Pháp lại cùng với mục đích điều đình, thần phục với Pháp như chúng ta quen điều đình, thần phục với Trung Hoa, chớ không phải với mục đích đương nhiên phải có của một hành động ngoại giao, là khai thác các mâu thuẫn để mưu lợi cho mình. 

Vì thế cho nên, nếu chúng ta có cho rằng, công cuộc Nam tiến thành công là một kết quả của chính sách ngoại giao một chiều như trên đã trình bày, thì cân nhắc kết quả đó với những sự thất bại mà cũng chính sách ngoại giao đó đã mang đến cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử, thì có lẽ những sự thất bại nặng hơn nhiều.

Sự bành trướng của chúng ta đã thâu hẹp lại và chỉ theo có một chiều, bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho chúng ta.

Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự, không đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi khí sắc bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ. 

Trong chín trăm năm, từ ngày lập quốc, chúng ta đã bị ngoại xâm tám lần, bảy lần do Trung Hoa và một lần do Tây phương. Chúng ta đẩy lùi được sáu lần, chỉ có lần thứ sáu nhà Minh đặt lại nền thống trị, trong hai mươi năm, và lần thứ tám đế quốc Pháp xâm chiếm toàn lãnh thổ và thống trị chúng ta trong hơn tám mươi năm. 

Vì vậy cho nên, chống ngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của Việt Nam. Chính trị cổ truyền, của các triều đại Việt Nam không được quan niệm rộng rãi nên, nếu có phân nửa kết quả đối với sự xâm lăng của Trung Hoa thì lại hướng chúng ta vào một chính sách chật hẹp về ngoại giao. Do đó tất cả sinh lực phát triển của dân tộc, thay vì mở cho chúng ta được nhiều đường sống, lại được dốc hết vào một cuộc chiến đấu tiêu hao chỉ để tranh giành đất dung thân. Một mặt khác, chính sách ngoại giao chật hẹp đã đưa chúng ta vào một thế cô lập cho nên lúc hữu sự, các nhà lãnh đạo của chúng ta không đương đầu nổi với sóng gió, và lưu lại nhiều hậu quả tai hại cho nhiều thế hệ. (tr. 240)

Hiện nay, Trung Cộng cậy vì sức mạnh là nước lớn, dân đông, sau bao nỗ lực hiện đại hóa thành một cường quốc trên thế giới đã đã để lộ tham vọng bành trướng về phía Nam. Chúng vẽ đường lưỡi bò coi biển Đông là “ao nhà” của chúng để thực hiện mộng bá quyền, bắt nạt các nước yếu như Việt Nam và các nước thuộc khối ASEAN. Còn đối với Nhật Bản và Trung Hoa Quốc Gia tức Đài Loan thì chúng không dám giỡn mặt. Chúng ngang ngược xâm chiếm và cho tàu thăm dò khai thác dầu lửa tại cả những quần đảo thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam. Chúng còn nói thẳng với Mỹ: “Biển Thái Bình Dương là của Hoa Kỳ và Trung Quốc, chia nhau mỗi bên một nữa”. Chúng tung hàng ngàn, hàng vạn tàu đánh cá và tàu hải giám ra Biển Đông khai thác hải sản và xua đuổi, hoặc bắt giữ những tàu của ngư dân Việt Nam.

Trong khi các nước ASEAN chủ trương những tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng những hội nghị đa phương thì Trung Cộng cực lực bác bỏ và chỉ chấp nhận giải quyết theo lối nói chuyện song phương. Điều đó chứng tỏ rằng, nếu thực hiện bằng hội nghị đa phương thì Trung Quốc sẽ ở thế yếu khó lòng đối lại được những lập luận đúng đắn, khách quan mà đa số các quốc gia thuộc khối ASEAN sẽ đưa trước hành động ngang ngược vô lý của Trung Cộng. Ngược lại, thực hiện lối nói chuyện song phương thì Trung Cộng ỷ thế mạnh dễ dàng bắt nạt các nước yếu trong vùng. Từ đó, Trung Cộng cho những nhân vật lãnh đạo cao cấp của chúng như Chủ Tịch Nhà Nước, Thủ Tướng Quốc Vụ Viện (Chính Phủ), Bộ Trưởng Ngoại Giao lần lượt qua các nước ASEAN để dụ khị, mua chuộc, áp lực và gây ly gián. Kết quả là những nước không có tranh chấp về lãnh hải với Trung Cộng như Kampuchea, Thái Lan dễ dàng bị chúng mua chuộc. Trường hợp Kampuchea là điển hình nhất. Vì áp lực và sự rủ rê mua chuộc của Bắc Kinh mà Hun Sen đã không đưa vấn đề tranh cãi biển Đông vào chương trình Hội Nghị của ASEAN họp tại Nam Vang! Những nước còn lại của ASEAN tuy biết chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng là mối đe dọa nhưng vẫn chưa có những nỗ lực liên kết tích cực để đối phó. Trong khi Phi Luật Tân dám đưa Trung Cộng ra Tòa Án Quốc Tế để yêu cầu giải quyết vì Trung Cộng toan chiếm quần Đảo đá ngầm Scarborough  của Phi thì Cộng Sản Hà Nội ngậm tăm.  Dù là tàu hải giám, tàu chiến hay tàu đánh cá của Trung Cộng ngang nhiên chạy vào lãnh hải Việt Nam, xua đuổi hay bắt giữ tàu của ngư dân Việt Nam thì Hà Nội chỉ phản ứng lấy lệ và hèn yếu đến độ khiếp nhược không dám gọi đích danh tàu Trung Cộng mà gọi là “Tàu lạ”!  Tệ hại hơn nữa, khi dân chúng trong nước nhất là giới thanh niên lên tiếng, biểu tình, phản đối hành động xâm lăng ngang ngược của Trung Cộng thì CSVN lại cho Công An đến đàn áp dã man. Thật CSVN đúng là hèn với giặc, ác với dân!  Bởi đó cho nên, càng ngày Trung Cộng càng được thể lấn lướt coi Việt Nam như là chư hầu. Mà đàn em Việt Cộng thì vì khiếp nhược và vì món nợ “đánh dùm” của Trung Cộng trong cuộc chiến thôn tính miền Nam nên quan thầy nói gì thì đàn em cũng răm rắp nghe theo. Thử hỏi một chế độ đánh mất hậu thuẫn của toàn dân thì làm sao có đủ sức mạnh và ý chí chống lại giặc ngoại xâm?

Cứ nhìn lại năm qua thì đủ rõ, Trương Tấn Sang qua thăm Trung Cộng, gặp Tập Cận Bình. Sau mấy tháng Lý Khắc Cường, Thủ Tướng Trung Cộng lại sang thăm Việt Nam gặp Nguyễn Tấn Dũng. Qua hai Bản Thông Cáo Chung cho thấy hầu như đó là những bản văn Trung Cộng đã soạn sẵn, hai bên chỉ việc đặt bút ký với nội dung hoàn toàn có lợi cho Trung Cộng. Nào là “thăm song phương, hợp tác song phương, hai hành lang, một vành đai, chuyện tranh chấp tạm gác qua một bên, hãy cùng nhau khai thác, vân vân”. Hai Bản Thông Cáo Chung với hình thức và nội dung y chang, chẳng khác gì nhau, nhưng đã nói lên “tâm lý thuộc quốc”, cam chịu làm kiếp nô lệ cho Tàu của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam. Chúng vốn đã khiếp nhược lại chơi trò đánh đu. Mỗi lần một tên sang Mỹ vận động ăn xin thì sau đó không lâu, lại phải cử một tên khác sang Tầu để báo cáo. Đối ngoại là như thế thì làm sao khá được! Còn đối nội thì sao?

Bản chất phong kiến của Cộng Sản Việt Nam hay mặt đối nội

 Nhà Nguyễn thất bại vì không có chính sách ngoại giao thích ứng với tình hình, như đã nói trên vì còn vướng mắc vào cái “tâm lý thuộc quốc”, không sao thoát ra được. Cộng Sản Việt Nam cũng vậy. Từ khi rước tà thuyết Mác Lê vào nhà và tự biến thành chư hầu cho Đế Quốc Đỏ Nga Hoa, tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh đã hiện nguyên hình một thứ Việt gian tay sai bán nước, mù quáng, mê muội không nhìn ra được sự thực khách quan của thế giới. Đối với họ, nhất nhất cái gì của Tây Phương và “Đế Quốc Mỹ” cũng xấu; nhất nhất cái gì của Liên Xô và Trung Quốc vĩ đại cũng tốt. Thật là lạ lùng khi Khrushchev hạ bệ Stalin (tháng 2-1956) tố cáo là tên độc tài khát máu, với tật sùng bái cá nhân hay khi Mao Trạch Đông thực hiện cái gọi là cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” 1966 giết hại hàng chục triệu dân để rồi chỉ 6 năm sau Mao lại bắt tay với “Đế Quốc Mỹ” qua Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 vậy mà CSVN vẫn không hiểu được tình hình thế giới đã biến đổi, cũng không hiểu được dã tâm của Nga Sô và Trung Cộng! Thực chất thì Quốc Tế Cộng Sản cũng chỉ là thứ “Đế Quốc Thực Dân Mới” (được ngụy trang dưới lớp vỏ Khối Các Nước Xã Hội Chủ Nghĩa) luôn coi các đảng Cộng Sản đàn em như các chư hầu nhất nhất phải phục tùng quyền lãnh đạo họ. Còn CSVN lại hiện nguyên hình là “tập đoàn Phong kiến tân thời”. Gọi là Phong kiến vì chỉ có một dòng, độc tài, độc Đảng (dòng Vua hay dòng Cộng sản), cha truyền con nối, kiến lập, phong hầu. Có khác là triều đại phong kiến ngày xưa chỉ có một ông Vua khoác hoàng bào (áo vàng), còn phong kiến ngày nay thì chúng làm “Vua tập thể”. Mười bốn ông trong Bộ Chính Trị là 14 ông Vua Đỏ, khoác áo Đỏ (hồng y) tượng trưng cho 14 tên Tư bản Đỏ!

Tấn chiếm miền Nam để thống nhất đất nước, tưởng rằng sẽ đưa Dân Tộc đến tự do, ấm no, hạnh phúc. Nào ngờ, chỉ sau mấy năm, Cộng Sản Bắc Việt đã đưa cả nước đến bờ vực thẳm của đói nghèo lạc hậu. Khi chứng kiến Bức Tường Bá Linh bị giật đổ cùng với các nước Khối Cộng Sản Đông Âu và Nga Sô, tập đoàn Cộng Sản Hà Nội vẫn chưa mở mắt lại càng quyết tâm bám vào đàn anh Trung Cộng để sống còn dù chúng biết rằng theo Tàu là mất nước. Nhưng đối với chúng thì theo Tầu để mất nước còn hơn là theo Mỹ, theo Tây phương để mất Đảng. Điều đó chứng tỏ rằng tập đoàn Cộng Sản Hà Nội luôn đặt nặng quyền lợi cá nhân phe Đảng của chúng lên trên quyền lợi của Tổ Quốc. Đối với chúng, nếu có phải mất một giải đất dài chạy dọc theo biên giới, mất cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mất 9/10 Vịnh Bắc Việt, chấp nhận cho Trung Cộng thuê đất với thời hạn lâu dài (50 năm) nhiều nơi để trồng trọt, hay đem hàng vạn người Tàu vào khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên coi như Khu Tự Trị nắm được cái xương sống của Việt Nam thì cũng không sao miễn là chúng duy trì được Đảng, bảo vệ được cái ghế ngồi cho tập đoàn Mafia Đỏ. Như vậy, ngoài cái gọng kìm Hán Tộc, chúng ta còn có thể hình dung ra một thứ gọng kìm khác, đó “gọng kìm Đỏ” cũng có hai càng:

(01) Một càng là tà thuyết Mác Lê: CSVN đã tự giam hãm vào trong chủ thuyết Mác Lê để duy trì đặc quyền đặc lợi, dù chúng biết rằng đó là thứ chủ thuyết phi nhân và phi dân tộc.

(02) Một càng là quan thầy Trung Cộng là chỗ dựa và che thân.

Tuy tập đoàn Trung Cộng vẫn duy trì Đảng Cộng Sản với chủ thuyết Mác Lê, dù trước nguy cơ sụp đổ vì đói nghèo, chúng đã phải thay đổi “Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình là “Mèo trắng mèo đen cũng không sao, miễn là bắt được chuột”. Nói khác đi, đó là thứ Chủ Nghĩa Tư Bản Đỏ. Đàn em CSVN cũng bắt chước rập khuôn theo quan thầy Trung Cộng, cũng độc tài, độc Đảng, cũng “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” như đàn anh. Và tất cả các lãnh vực khác, quan thầy Trung Cộng khởi xướng làm gì thì đàn em CSVN lại từ từ rập khuôn bắt chước y như vậy. Chuyện không có gì khó hiểu, bởi vì trước phong trào Dân Chủ như một xu thế của thời đại đã thổi bay khối Cộng Sản Đông Âu và Nga Sô, cũng như vụ Thiên An Môn ở Trung Hoa, khiến cả hai tập đoàn Cộng Sản đều lo xanh mặt, mất ăn mất ngủ. Trung Cộng cần đàn em Việt Cộng và Bắc Hàn làm hai con chó giữ cổng, đồng thời thực hiện mộng bá quyền ở Á Châu. Còn hai đàn em Bắc Hàn và Việt Cộng phải cúc cung lệ thuộc quan thầy Trung Cộng để lấy chỗ dựa. Rời Trung Cộng ra là chết trong khi lệ thuộc Trung Cộng cũng chính là nuôi dưỡng và rước giặc ngoại xâm vào nhà! Cứ cái đà này thì như lời biện giải của ông Ngô Đình Nhu từ nửa thế kỷ trước là chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã nhận thức được nguy cơ xâm lược của Trung Cộng và cái nguy hại của chủ thuyết Mác Lê mà thoát ra khỏi, thì nay, 50 năm sau, càng cho thấy thái độ thiển cận, mù quáng và ngoan cố của họ khó lòng đưa VN ra khỏi hiểm họa xâm lược của Trung Cộng.

Gần đây thôi, dư luận đã đồn đoán về cái gọi là “Hội Nghị Thành Đô” tại Tứ Xuyên do tập đoàn Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu bởi Nguyễn Văn Linh, có Phạm Văn Đồng tháp tùng làm cố vấn. Phía Trung Cộng là Giang Trạch Dân và đồng bọn. Người ta cho rằng để “cứu Đảng” không phải để cứu nước, Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận biến Việt Nam trở thành Khu Tự Trị, một tỉnh của Trung Hoa vào năm 2020. Chuyện thực hư không rõ. Dư luận và nhiều thức giả lên tiếng nhung CSVN giả ngơ làm điếc. Người ta chỉ biết chắc rằng Cộng Sản Việt Nam lại tự hào là “Cộng sản hơn cả Các Mác – Lê Nin” trong khi Nga Sô và Trung Cộng chỉ coi chủ nghĩa Cộng sản là một thứ công cụ xâm lược và thu phục các đàn em nhược tiểu hầu thực hiện mộng bành trướng dân tộc Bạch Nga và Hán Tộc. Tình hình thế giới biến đổi, Phong trào Dân Chủ như một xu thế tất yếu của lịch sử, bao nhiêu nước đã thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Cộng Sản, bắt tay với Tây Phương để đưa dân tộc họ đến tự do hạnh phúc. Còn Cộng Sản Việt Nam thì sao? Theo Mỹ mất Đảng, theo Trung Cộng mất nước. Thà mất nước hơn mất đảng, nên chúng cung cúc tận tụy rục đầu vào bọn bá quyền Bắc Kinh, tạo cơ hội cho Trung Cộng thực hiện âm mưu xâm lăng thống trị Việt Nam, mong biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc. Thật đúng như lời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nói trong diễn văn đọc nhân dịp khánh thành Đập Đồng Cam tại Tuy Hòa ngày 17-09-1955:

“… Đồng bào thân mến.

Trước khi dứt lời, tôi muốn nhắc lại một lần nữa ý nghĩa sâu xa của chương trình kinh tế mà tôi đã trình bày. Chúng ta hiện nay đang theo đuổi một cuộc tranh đấu vĩ đại để bảo vệ nền độc lập của non sông và quyền tự do của dân tộc. Hạnh phúc của chúng ta và của con cháu chúng ta sau này sẽ tùy theo kết quả cuộc tranh đấu ấy. Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì quốc gia Việt Nam cũng sẽ bị tiêu diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung Hoa Cộng Sản. Hơn nữa, toàn dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.”

(trích Diễn văn của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, trong tài liệu Con Đường Chính Nghĩa tập II trang 161 thuộc Ngô Đình Diệm Research Center).

Những lời cảnh giác của Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ trên 60 năm trước, nay đã và đang trở thành sự thật. Trong đủ mọi lãnh vực, suốt từ Nam chí Bắc, Trung Cộng đang thực hiện mưu đồ xâm lược bằng chiến lược tinh vi: xâm nhập và gây ảnh hưởng mọi cơ cấu của Đảng CSVN, thuê đất mở mang với thời gian lâu dài, tuồn dân qua làm ăn không phép tắc, kết hôn, lập gia đình, bán hàng giả, vân vân và vân.

Hiện tình Việt Nam?

Qua các phần trình bày ở trên cùng với những dẫn chứng trích thuật từ Chính Đề Việt Nam, chúng ta thấy hai điều:

1.- Ông Ngô Đình Nhu trao tài liệu cho ông Cao Xuân Vỹ vào năm 1962 và được phổ biến giới hạn năm 1964. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tình hình an ninh của Miền Nam còn khả quan. Sau khi cuộc Đảo chánh 1-11-1963 xảy ra, tình hình an ninh trở nên tệ hại vì thiếu lãnh đạo và Quốc sách Ấp Chiến Lược đã bị Dương Văn Minh tuyên bố phá bỏ, nhưng cũng không một ai biết được Miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản vào ngày 30-04-1975. Bởi đó, những điều tiên đoán cùng những biện pháp đối phó của Khối Người Việt Quốc Gia do ông Ngô Đình Nhu đề ra vẫn còn có chút lạc quan.

2.- Nhưng 12 năm sau cuộc Đảo Chánh xảy ra (1963-1975), miền Nam đã thực sự rơi vào tay Cộng Sản thì sự tiên đoán cùng mối lo âu của ông Ngô Đình Nhu đã thành sự thật. Đó là “ Sở dĩ ngày nay, sự thống trị  của Trung Quốc đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.” (tr. 302).

Khi viết Chính Đề Việt Nam từ nửa thế kỷ trước, ông Nhu cũng chưa biết được biến cố 30-04-1975 sẽ xẩy ra hơn chục năm sau đó với các hậu quả khôn lường. Vì vậy, là hậu duệ, là những chiến sĩ vô danh, khi chứng kiến những sự kiện mới xảy ra từ 38 năm nay (1975-2013) chúng ta có bổn phận phải bổ túc, và khai triển nó cho phù hợp với tình hình mới. Những sự kiện mới là:

1.- Sự hình thành Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại với trên 3 triệu người bằng dân số một quốc gia nhỏ trên thế giới. Đó là Khối Người Việt Quốc Gia không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tập đoàn Cộng Sản Việt Nam, đã bỏ đất nước ra đi tìm tự do bất chấp bao nguy hiểm đến tính mạng, trong đó có khoảng nửa triệu người thiếu may mắn đã là nạn nhân của hải tặc hoặc trở thành mồi cho tôm cá ở Biển Đông.

2.- Cuộc đấu tranh chống Cộng Sản chưa chấm dứt. Vì sau “biến cố 30- 4-1975”, nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới đã nhận diện được bộ mặt thật của Cộng sản, đó là tập đoàn Việt gian, tay sai bán nước. Họ tiếp tục chiến đấu dưới nhiều hình thức chống lại chế độ Cộng Sản.

3.- Khối các nước Cộng Sản từ Đông Âu qua đến Nga Xô và các nước Cộng Sản khác tại Á Phi và Châu Mỹ La tinh (1991) thi nhau sụp đổ vì Phong Trào Dân Chủ Dân Quyền trên thế giới như một xu thế thời đại thổi bay các chế độ độc tài , không có gì cưỡng lại được. Chỉ còn lại 5 nước là Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào và Cuba là cố bám lấy giáo điều Mác Xít để duy trì đặc quyền đặc lợi, nhưng cũng đã phải biến thể thành thứ “chủ nghĩa tư bản Đỏ”, nghĩa là “thực hiện nền Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội Chủ Nghĩa” để sống còn!

  1. Nhờ Phong Trào Dân Chủ trên thế giới vùng lên, nhân dân các nước bị đặt dưới ách thống trị của Cộng sản, trong đó có Việt Nam đã gỡ bỏ được nỗi sợ hãi. Họ dám đứng lên đòi Dân chủ, Nhân quyền, Tự do bất chấp sự đàn áp của Công An. Ngược lại, các chế độ Cộng Sản còn lại cũng không dám thẳng tay đàn áp mạnh bạo như thời như trước vì dư luận quốc tế và nhất là nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin toàn cầu.

5.- Nhiều Đảng viên thức thời, đã công khai chỉ trích nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cách mạnh mẽ. Nhiều Đảng viên đã trả lại thẻ Đảng, đòi dân chủ đa nguyên, đòi tự do ngôn luận, hô hào lập Đảng đối lập.

6.- Điều đáng ghi nhận là giới trẻ trong nước vì ý thức được bổn phận và trách nhiệm đối với Tổ Quốc đã nổi lên mạnh mẽ tố cáo và lên án Chủ nghĩa bá quyền và âm mưu xâm lược của Trung Cộng đối với Việt Nam, cực lực chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã nghe lệnh Bắc Kinh thẳng tay đàn áp dân chúng.

  1. Ngày 30-04-1975 là cao điểm của Phong Trào Cộng Sản, nhưng cũng là khởi điểm cho sự suy thoái của chúng. Cộng Sản Việt Nam và những nước còn lại như Trung Cộng, Cu Ba, Bắc Hàn đã phải thay đổi để sống còn. Trước 4-1975, chúng hô hào “chống Mỹ cứu Nước” thì nay chúng “lạy Mỹ cứu Đảng”. Sự thay đổi nửa vời “cải tổ kinh tế mà không cải tổ chính trị” tức là thực hiện nền kinh tế thị trường, nhưng không chấp nhận dân chủ đa nguyên hay dân chủ hóa đất nước đã đưa chúng đến những bế tắc. Trong thế kẹt, chúng đã đổi giọng tung hô, ve vãn Việt kiều là “khúc ruột ngàn dặm” thay vì như trước kia gọi họ là “bọn theo chân Đế Quốc để kiếm ăn”.

8.- Trong khi dựa vào quan thầy Bắc Kinh, thì chúng đã mất hoàn toàn hậu thuẫn của nhân dân cả nước. Ngay chính khối 3 triệu Đảng viên của chúng đã biến chất hoàn toàn, mất niềm tin vào Đảng, mất bản chất cách mạng từ khi Cộng Sản thôn tính được miền Nam. Tất cả các quan chức Cộng Sản từ lớn tới bé chỉ lo vơ vét, hưởng thụ, tìm đường cho con cái ra nước ngoài. Cho nên nhân dân gọi chúng là bọn Cộng Hưởng thay vì Đảng Cộng Sản.

9.- Nhìn chung thì toàn dân cả nước đã ý thức cao độ nguy cơ xâm lược của Trung Cộng. Hầu như họ hoàn toàn tán đồng chủ trương dân chủ đa nguyên, ngoại trừ tập đoàn CSVN khư khư giữ lấy cái gọi là “Dân chủ tập trung” để dành đặc quyền, đặc lợi. Nhân dân cả nước đều muốn có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Họ thật sự muốn quyền tư hữu cá nhân thay vì quyền tư hữu của toàn dân do Đảng lãnh đạo, một thứ mánh khóe của nhà nước Cộng Sản để dành độc quyền cho phe đảng. Họ muốn thực hiện đầy đủ quyền Tự do Tín ngưỡng, không có sự ngăn cản hay can thiệp của Nhà nước Cộng Sản vào nội bộ các Giáo Hội.

10.- Điểm cuối củng là vị sự ngu dốt, thiển cận, tham nhũng, bóc lột lo vơ vét của tập đoàn Cộng Sản mà đất nước bây giờ đang đi xuống trong mọi lãnh vực: Đạo lý, phong hóa suy đồi. Môi sinh, Dinh dưỡng, Y tế xuống cấp cách thảm hại. Phố xá, nhà cửa xây bừa bãi, hệ thống thoát nước ứ đọng tại các thành phố sau mỗi cơn mưa. Giao thông tắc nghẽn. Trộm cướp tràn đầy. An ninh kém cỏi. Công An chỉ lo đàn áp và ăn hút. Dân số gia tăng cách đáng sợ. (Ngày 1-11-2013, dân số đã lên đến 90 triệu người; năm 1954: 22 triệu; 1975: 43 triệu). Nói chung, Cộng Sản Việt Nam rất yếu kém về quản trị mà chỉ giỏi đàn áp. Chúng hô hào đổi mới, hô hào hiện đại hóa, tất cả chỉ là cái vỏ để chúng tìm cách vơ vét và bóc lột nhân dân qua các dự án. Bao nhiêu tập đoàn kỹ nghệ (như Vinashin) đã phá sản, nợ chồng chất, bị chất vấn nhưng chúng đã phớt lờ, tỉnh bơ vì đó là “tập đoàn quốc doanh” nếu có lời thì chúng ăn mà lỗ thời nhân dân phải gánh chịu!

Trước nguy cơ xâm lược và chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng, Khối Người Việt Quốc Gia phải làm gì để cứu nước?

Năm 1962, khi Chính Đề Việt Nam ra đời và khi miền Nam chưa bị CSBV thôn tính, ông Ngô Đình Nhu chủ trương: “Vị vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa (Trung Cộng). (tr. 302)

Nay thì sự thể đã khác. Miền Nam đã bị CSBV thôn tính. Cả nước đã bị đặt dưới ách thống trị của tập đoàn Cộng Sản Việt gian, tay sai của Bắc kinh. Nhưng lại có may mắn là sự hình thành Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại với dân số hơn 3 triệu người trên khắp thế giới mà chủ yếu là Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Âu Châu (Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, vân vân) và Úc châu. Khối dân số 3 triệu này có một tiềm năng to lớn về tài sản vật chất cũng như tinh thần tức là chất xám, lại được sống trong những quốc gia tự do, dân chủ, được học hỏi nên rất am tường và đã thấm nhuần đời sống văn minh, tiến bộ. Tất nhiên Khối Người Việt Quốc Gia chống Cộng quyết liệt này là sự hỗ trợ cần thiết cho Đại Khối Dân Tộc ở Quốc Nội, trong một Mặt trận “Ba Mũi Giáp Công”, đó là Quốc Nội, Quốc Ngoại và Quốc Tế liên kết chặt chẽ với nhau để giải thế chế độ Cộng Sản.

Vậy nếu như ông Ngô Đình Nhu đã nói khi trước “còn miền Nam thì phải giữ miền Nam để cứu miền Bắc”; nhưng nay miền Nam đã mất thì còn Hải Ngoại phải giữ Hải Ngoại để cứu Việt Nam khỏi ách thống trị của Cộng Sản và nguy cơ xâm lược của Trung Cộng.

Vậy thế nào là giữ Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại?  Đó là bảo vệ độc lập và tự do của khối Người Việt Quốc tại Gia Hải Ngoại bằng những phương cách sau đây:

  1. – Ngăn chận không cho CS xâm nhập phá hoại Cộng Đồng NVHN. Vì Khối NVQG Hải Ngoại có một tiềm năng to lớn nên CSVN ra sức tuyên truyền, dùng đủ mọi mánh khóe tranh thủ để lấy hậu thuẫn và bòn rút của cải. Chúng dành ngân khoản cả hàng trăm triệu và ra sức dụ dỗ, tuyên truyền xâm nhập, cố len lỏi đưa người của chúng ra nắm vai trò lãnh đạo các Hội đoàn, Đoàn thể. Những phần tử nhẹ dạ ham lợi sẽ dễ dàng bị chúng rủ rê, dụ dỗ, mua chuộc làm tay sai cho chúng.
  2. – Cô lập và vô hiệu hóa bọn Việt gian, tay sai Cộng Sản nằm vùng trong mọi lãnh vực, đặc biệt là Truyền thông, Báo chí, các cơ sở Thương mại, và các Hội đoàn của Người Việt Quốc Gia.
  3. – Cô lập và vô hiệu hóa những “Hội Việt Kiều Yêu Nước” do Cộng Sản và tay sai nằm vùng của chúng dựng nên.
  4. – Yểm trợ tối đa cho các Ứng cử viên Người Việt Quốc Gia vào các chức vụ Dân cử của nước mình đang định cư.
  5. – Cực lực tố cáo với Chính quyền địa phương mình cư ngụ, đồng thời tố cáo trước dư luận Quốc Tế những đàn áp và vi phạm Nhân quyền và các quyền Tự do tại Việt Nam.
  6. – Thực thi dân chủ trong mọi tổ chức Cộng đồng để tạo sự đoàn kết và rèn luyện lãnh đạo cho giới trẻ. Sống ở nước văn minh, người Việt Quốc Gia mình nên học hỏi lề lối thực thi Dân Chủ của họ. Bản chất của Dân chủ là đoàn kết để có sức mạnh, chớ không phải là ai muốn làm gì thì làm. Như ở Mỹ trong mỗi lần bầu cử, họ tranh đấu kịch liệt, kể cả tố cáo nhau bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Nhưng khi bầu cử đã đã xong thì người thua cuộc luôn tuyên bố ủng hộ người thắng cử chớ không chống đối phá hoại. Bởi đó, kinh nghiệm cho biết trong khi thực thi dân chủ, xã hội sẽ dễ dàng tạo ra được lớp người lãnh đạo có khả năng.
  7. – Cộng Đồng NVQG mỗi nơi theo sáng kiến địa phương tích mà cực tham gia vào Phong Trào Tố Cộng và Bài Cộng tại địa phương mình cũng như liên kết với các Cộng Đồng người Việt tại địa phương khác trong những công tác tương tự cần liên kết để tạo thành tiếng nói chung và mạnh mẽ.
  8. – Yểm trợ tối đa cho Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội, nhất là các tầng lớp Thanh Niên nam nữ, Sinh Viên, Học Sinh, Tri thức, các nhân vật Lãnh đạo Tinh thần các Tôn giáo trong tiến trình giải thể chế độ Cộng Sản và Dân chủ hoá đất nước.
  9. – Cảnh giác đồng bào Quốc Nội về âm mưu xâm lược “gặm nhấm” của tập đoàn Cộng sản Bắc Kinh.
  10. – Cực lực tố cáo trước dư luận quốc tế mọi tham vọng và chủ nghĩa bá quyền của tập đoàn Cộng Sản Bắc Kinh trong âm mưu xâm lược Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.
  11. – Sử dụng tối đa và tích cực mọi phương tiện Truyền Thông để “chuyển lửa về quê hương” nhằm đả thông, giáo dục, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Phong Trào Giải Thể chế độ Cộng Sản Dân Chủ Hóa đất nước.
  12. – Thực hiện “Chiến Dịch Chiêu Hồi” các Đảng viên CSVN trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc bằng mọi cách nhất là bằng phương tiện truyền thông như Điện Thoại, Diễn Đàn Internet, vân vân để họ cùng góp sức vào việc giải thể chế độ Cộng sản và Dân chủ hóa đất nước.
  13. – Vận động Quốc Tế, nhất là tại những Quốc Gia mình đang cư ngụ để tìm hậu thuẫn trong công cuộc đấu tranh giành lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam.
  14. – Vận động Quốc Tế nhất là các nước trong khối ASEAN và các Siêu cường về một giải pháp hợp lý hợp tình cho những tranh chấp tại Biển Đông trên căn bản đa phương. Bước đầu làm thế nào để Việt Nam và Philippines hợp tác tích cực với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ tạo thành một gọng kìm, cắt ngang lưỡi bò của Trung Cộng. Sau đó vận động tích cực những quốc gia phía Nam như Brunei, Indonesia, Singapore trong khối ASEAN hợp tác chặt chẽ để cùng ngăn chặn tham vọng bành trướng và chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng.
  15. – Việc giải thể chế độ CSVN và Dân chủ hóa Đất Nước để có đủ sức mạnh chống giặc Ngoại Xâm sẽ phải đi qua ít là 3 giai đoạn: (01)Xây dựng và củng cố Khối Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. (02) Giải thể chế độ Cộng Sản và Dân Chủ Hóa Đất Nước. (03) Hiện đại hóa Đất Nước. (trong CĐVN, Ông Ngô Đình Nhu gọi là Tây phương hóa)
  16. – Các tổ chức và đoàn thể chính trị của Khối NVQG trong và ngoài nước hãy tích cực hoàn thành sứ mạng của mình qua các chương trình cụ thể và thích hợp để Giải thể chế độ Cộng Sản và Dân chủ hóa Đất Nước thay vì chờ đợi những Đảng Đối Lập từ trong nước do các Cựu Đảng viên Cộng Sản đề ra, trong đó coi chừng có thứ “Đảng Đối Lập Cuội” do chính CSVN tạo ra để đánh lừa dư luận và quần chúng.  Cũng nên biết rằng CSVN là loại lưu manh và thủ đoạn có hạng, là bọn lừa bịp dối trá có hạng. Từ lâu nay chúng đã dựng nên nhiều tổ chức chính trị mang tên những tổ chức của NVQG ngay tại Quốc Nội để lừa những kẻ ngây thơ, dễ tin vào cái bẫy để chúng “bắt trọn ổ”. Chúng sẵn sàng đưa ra những nhân vật, những chiêu bài “ăn khách” làm con mồi cho mưu toan của chúng. Không riêng gì ở Quốc Nội, mà ngay tại Hải Ngoại, chúng (CSVN) cố tìm cách len lỏi, xâm nhập vào các Hội đoàn, Đoàn thể, và các Chính Đảng của NVQG để lèo lái theo chiều hướng làm lợi cho chúng.
  17. – Đoàn kết Cộng Đồng: Phải xây dựng sự đoàn kết Cộng Đồng. Đoàn kết để có sức mạnh. Hợp quần gây sức mạnh. Một người không đủ sức làm thì muôn người sẽ đủ sức hành động. Trong Quốc sách Ấp Chiến Lược, ông Ngô Đình Nhu đã nêu ra 3 thứ giặc luôn liên kết với nhau để phá hoại Quốc gia, đó là: Giặc chậm tiến, Giặc chia rẽ và Giặc Cộng Sản. Ngày nay ở Hải Ngoại, Khối NVQG cũng đang phải đương đầu với ba thứ giặc này dưới những hình thức khác. Giặc chia rẽ là thứ giặc đầu tiên đang hoàng hành, làm nát bấy Cộng Đồng. Giặc này phát sinh do hai thứ giặc Chậm tiến và Cộng Sản mà ra. Vì chậm tiến nên dù sống ở xứ văn minh nhưng đầu óc nhiều người trong chúng ta vẫn thủ cựu, vẫn suy tư theo lề lối cũ, vẫn kèn cựa tranh chấp nhau. Cộng Sản lợi dụng vào những thứ đó tìm cách xâm nhập phá hoại. Chúng biết rằng Khối Người Việt Hải Ngoại có một tiềm năng lớn lao, sẽ có tiếng nói rất mạnh trên trường Quốc Tế, nên nếu như chúng không lợi dụng được thì chúng phải tìm cách phá bằng cách gây chia rẽ, tranh chấp với nhau. Cho nên ta phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác về ba thứ giặc này.

Để có sự đoàn kết thì trước hết phải tiêu diệt Giặc chia rẽ, trước hết bằng những biện pháp tiêu cực: chấm dứt đả kích lẫn nhau trên các phương tiện truyền thông để tạo hòa khí đồng thời kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác về mọi âm mưu chia rẽ của Cộng Sản. Sau là những biện pháp tích cực: xây dựng Cộng Đồng, Đoàn Thể, và Hội Đoàn bằng những việc làm cụ thể thích hợp, khuyến khích những người thiện chí và giới trẻ dấn thân. Nên lưu ý điểm này: cơ thể không ăn, không thở, con người sẽ chết. Đoàn thể không sinh hoạt cũng tự động chết. Sinh hoạt bê bối thì chết thê thảm hơn.  Cho nên phải biết nuôi dưỡng Hội đoàn, Đoàn thể bằng những sinh hoạt khoa học để hoàn thành mục tiêu đề ra.

  1. Đẩy mạnh công tác dạy Việt Ngữ và Lịch sử Việt Nam để hun đúc tinh thần Dân Tộc cho giới trẻ hải ngoại.
  2. Muốn làm Cách Mạng phải có tổ chức Cách Mạng. Tổ chức Cách Mạng quy tụ những Cán bộ Cách Mạng có phẩm chất cao nghĩa là có Lập trường Cách Mạng vững chắc được xây dựng trên nền tảng Dân Tộc, có Đạo đức Cách Mạng, có trình độ nhận thức chính trị, có trình độ Văn hóa và nắm vững Kỹ thuật Công tác.

Khi Cộng Đồng Hải Ngoại đủ mạnh thì có thể giúp Mặt Trận Quốc Nội hoàn tất công cuộc Giải thế chế độ Cộng Sản và Dân chủ hóa Đất Nước một cách hữu hiệu.

Sau cùng, xin nhắc lại nhận định sâu sắc của ông Ngô Đình Nhu trong phần đầu là ta phải nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo:

Đối với các dân tộc bị trị hai loại biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện nơi khác, chớ nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không sử dụng được.

Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhất và điều kiện thiết yếu nhất để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.

Trong thực tế, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho cái tinh hoa của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.” (tr.13 – 50).

Làm sao chống ngoại xâm?

Nhìn lại dòng lịch sử Dân Tộc trên bốn ngàn năm, nước Việt Nam luôn luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm, nhất là giặc phương Bắc. Dù là triều đại nào: Hán, Tống, Minh, Nguyên, Thanh, tham vọng cố hữu của Tầu là xâm chiếm và đồng hóa nước ta. Việt Nam đã bao nhiêu lần bị Tàu đưa quân sang chiếm, rồi nhờ tinh thần bất khuất mà Tổ Tiên ta đã chiến đấu giành lại Độc Lập cho nước nhà. Giai đoạn bị đô hộ lâu dài nhất hơn một ngàn năm từ 111 trước Tây Lịch đến 939 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, tưởng chừng như Việt Nam đã bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới. Vậy mà thời cơ đến, anh hùng Ngô Quyền đã đánh đuổi quân Nam Hán giành lại độc lập cho Dân Tộc. Phải nói đó là một phép lạ, một đại kỳ công, nhờ vào dũng khí của Tiền nhân, cũng như tinh thần bất khuất của Dân Tộc Việt Nam.

Trên thế giới này, có lẽ chỉ có hai Dân tộc bị giặc ngoại xâm đô hộ lâu dài nhất là dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam, vậy mà cả hai đã vùng lên giành lại được nền Độc Lập và Tự Chủ.

Việt Nam bị đô hộ hơn một ngàn năm như đã nói trên. Còn Do Thái bị phân tán rải rác khắp hoàn cầu ròng rã gần 20 thế kỷ (70 năm trước Tây Lịch đến 1948 sau Thiên Chúa Giáng Sinh). Vậy mà nhờ nỗ lực của nòi giống, họ đã biết duy trì bản sắc Văn hóa cá biệt, nên gặp kỳ Đại Chiến thứ 2, khi Đức Quốc Xã thi hành chính sách tiêu diệt Do Thái thì nhờ các nước Đồng Minh đã đưa dân Do Thái trở về vùng Palestine và từ đó có cơ hội thành lập nhà nước Israel. Nói như thế có nghĩa là “Tinh thần Dân Tộc” là yếu tố quyết định cho sự thành hay bại, tồn tại hay bị diệt vong. Cho nên, mất đất, bị chiếm làm nô lệ chưa hẳn đã tiêu diệt được Dân tộc một  khi Dân tộc còn giữ được bản sắc, còn duy trì được tinh thần bất khuất, còn biết rèn luyện lãnh đạo, còn biết nuôi chí phục thù thì việc phục quốc vẫn còn cơ may. Nhìn lại dòng Lịch sử Dân Tộc nhất là bao phen bị Tầu đô hộ mà Tổ Tiên ta vẫn anh dũng vùng lên đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc giành lại Độc Lập Tự Chủ cho Đất Nước chứng tỏ rằng dòng máu anh hùng bất khuất của Tiền Nhân vẫn còn luân lưu trong huyết quản mỗi người Việt Nam chúng ta dù ở phương trời nào, thời gian nào. Thật không phải vì chủ quan mà dựa vào chứng liệu Lịch Sử Dân Tộc, nên Cụ Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Tuy cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có.”

Việt Nam là một nước nhỏ lại ở sát cạnh một anh khổng lồ, đất rộng dân đông là Trung Hoa đầy tham vọng. Về địa lý, Việt Nam lại là bao lơn trông ra Thái Bình Dương, cho nên luôn luôn là đối tượng mà giặc ngoại xâm dù là phương Bắc hay phương Tây nhòm ngó. Bởi đó, công việc chống ngoại xâm là mối lo hàng đầu và triền miên của Dân Tộc. Hiện nay, Trung Cộng đã trở thành một cường quốc hùng mạnh trên thế giới với sự gia tăng dân số khủng khiếp nên mộng bành trướng lãnh thổ lại càng gia tăng, không phải chỉ nhắm xuống vùng Đông Nam Á mà còn muốn nhòm ngó sang tận cả Phi Châu và Nam Mỹ. Những hành động bành trướng của Trung Cộng hiện nay đã là mối đe dọa cho thế giới, như ông Ngô Đình Nhu đã viết:

“Không phải tình cờ mà ông Paul Reynaud, cựu Thủ Tướng Pháp trong cuộc viếng thăm nước Nga đã long trọng tuyên bố với Thủ Tướng Khrushchev. “ Nếu các ông tiếp tục viện trợ cho nước Tàu, trong vài mươi năm nữa, một tỷ dân Trung Hoa sẽ đè bẹp các ông và Âu Châu”. (tr. 222).

Cũng trên 200 năm về trước, Napoléon I từng nói: “Trung Hoa là một con sư tử nó đang ngủ. Chớ có dại mà đánh thức nó dậy”

Những lời cảnh cáo của Hoàng Đế Napoléon I và Thủ Tướng Paul Reynaud trên đây đã thành hiện thức và cho thấy họ có cái nhìn thật chính xác và khoa học. Không ai phủ nhận Hoa Kỳ thời TT Richard Nixon với Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thực hiện một việc làm đáng kể là đã chặt  khối Cộng Sản Quốc Tế ra làm hai: Nga Sô và Trung Cộng. Hoa Kỳ thừa nhận Trung Cộng và chấp thuận cho Trung Cộng gia nhập Liên Hiệp Quốc, làm thành viên thường trực thay thế vai trò của chính phủ Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan). Nhưng việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, để mặc Việt Cộng với sự hỗ trợ của Nga Sô và Trung Cộng ngang nhiên xé bỏ Hiệp Định Genève  1954 và Hiệp Định Paris 1973, tấn chiếm Miền Nam ngay 30-04-1975 là một sai lầm vô cùng tệ hại cho nên an ninh thế giới cách riêng tại vùng Đông Nam Á Châu. Hơn nữa, năm 1974, khi Trung Cộng dùng sức mạnh quân sự xâm lăng quần đảo Hoàng sa của Việt Nam mà Hoa Kỳ không can thiệp, nếu không nói là đồng lõa qua sự thỏa thuận ngầm với Trung Cộng để rồi 30 năm sau, Trung Cộng lấn chiếm toàn cõi biển đông của các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam, Philippines và Mã Lai Á có phần liên hệ trực tiếp khiến Hoa Kỳ trở tay không kịp qua cái gọi là “xoay trục về bển Đông”.

Trong hoàn cảnh này, biết cậy ai? Như ông Ngô Đình Nhu đã  nhận xét, chính cái tâm lý thuộc quốc của các triều đại vua chúa Việt Nam đã là một nguy hại cho chính mình. Trước thì theo Tầu. Sau Tầu yéu thì cầu cứu Pháp. Rồi khi Mỹ nhảy vào thì quá tin tưởng vào Mỹ! Tin vào người mà không tin vào sức mạnh của chính dân tộc mình nên nay mới rước ái thảm họa vào nhà là vậy. Hoa Kỳ, Pháp hay Trung Hoa hay bất cứ nước nào khác họ cũng chỉ hành động theo quyền lợi của họ mà thôi. Đúng như Lord Palmerston, một chính trị gia của Anh Quốc từ thế kỷ trước đã nói: “Chúng tôi không có đồng minh vĩnh viễn và chúng tôi không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn, và đó là bổn phận mà chúng tôi hằng theo đuổi.” (Nguyên văn: “We have no eternal allies, and we have no perpetual enemies. Our interests are eternal and perpetual, and those interests it is our duty to follow.)

Remarks in the House of Commons, March 1, 1848.

Cho nên, để cứu nước khỏi cái họa ngoại xâm, phải tin vào sức mạnh của chính mình, chính dân tộc mình, phải loại bỏ cái tâm lý thuộc quốc cũng gọi là vọng ngoại ra khỏi lòng dân tộc. Từ hơn hai ngàn năm đấu tranh giành lại độc lập tự chủ thành công là do đâu? Thưa là do chính dân tộc mình, tự túc tự cường, tự tin vào sức mạnh dân tộc mà chiến đấu. Nước nào cũng thế, họ giúp mình khi có lợi cho họ. Tệ hơn như bọn Hán Tộc, lợi dụng sự cầu cứu của vua chúa Việt Nam lại đem quân xâm lược Việt Nam. Gần đây nhất là Hoa Kỳ, là ân nhân nhưng cũng lại là kẻ bỏ rơi và phản bội Việt Nam Cộng Hòa, bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản. Hơn 40 năm Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản với bao hậu quả khốc hại cho dân tộc, nhiều người trong chúng ta vẫn còn mơ tưởng Hoa Kỳ sẽ ra tay cứu giúp. Không đâu! Mình phải lo cứu mình trước. Aides-toi, Dieu t’aidera! Liên minh, hỗ trợ chi mang lại kết quả tốt khi hai bên đồng quyền lợi. Ngoài ra chẳng ai dại gì cho không, biếu không, huống chi lại đem sinh mạng của con cháu đến mà chiến đấu chết thay cho mình. Không khi nào. Hãy tự mình tìm đường mà làm đi.

Thật ra thì Trung Hoa cũng có nhiều phen yếu đuối, bị Nhật Bản và Tây phương lấn áp, đè bẹp. Nay dù có hùng mạnh, nhưng dân số quá đông, đất đai hạn hẹp, lại duy trì chế độ độc tài độc đảng, nội bộ cũng có những bất đồng xáo trộn. Mỗi lần thay đổi lãnh đạo là một lần đổ máu công khai hay âm thầm, nên đó cũng là nhược điểm. Vả lại thời đại thông tin điện tử hôm nay, thời đại được mệnh danh là Toàn Cầu Hóa, nên chưa chắc gì Trung Hoa có thể lấn áp thế giới, muốn làm gì thì làm. Tuy là tiến bộ hơn 50 năm trước nhưng về khoa học, kỹ thuật, Trung Cộng vẫn còn thua Tây phương, nhất là Hoa Kỳ hàng vài chục năm.  Ngay Trung Hoa Quốc Gia tức Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Hoa, vậy mà trên 60 năm nay (1949-2013), Trung Cộng đâu dám dùng võ lực để thống nhất. Thực tế, Hoa Kỳ bắt buộc phải bảo vệ Đài Loan, nếu không Trung Cộng sẽ làm mưa làm gió ở Biển Đông và Đông Á, Nhưng chính Đài Loan và Nhật Bản cũng lại là mối đe dọa cho Trung Cộng.

Trở lại công cuộc chống ngoại xâm của Dân Tộc, ông Ngô Đình Nhu nhận xét:

Cái họa ngoại xâm đối với chúng ta hiển nhiên và liên tục như vậy. Vì sao những biện pháp cổ truyền, của các nhà lãnh đạo của chúng ta trước đây, thành công phân nửa, trong công cuộc chống ngoại xâm Trung Hoa, nhưng thất bại trong công cuộc chống ngoại xâm Tây phương? 

Trước hết, các biện pháp cổ truyền đã đặt vấn đề ngoại xâm của Trung Hoa là một vấn đề chỉ liên quan đến hai nước: Trung Hoa và Việt Nam. So sánh hai khối Trung Hoa và Việt Nam, thì như thế là đương nhiên, chúng ta đã thất bại rồi. Những sự thần phục và triều cống chỉ là những biện pháp hoãn binh. Và vấn đề chống ngoại xâm chưa bao giờ được các triều đại Việt Nam đặt thành một chính sách đương nhiên và nguyên tắc, đối với một nước nhỏ, như nước chúng ta. Vì thế cho nên, những biện pháp cần được áp dụng, như biện pháp ngoại giao, đã không hề được sử dụng khi Tây phương xâm chiếm nước ta. 

Lý do thứ hai, là công cuộc chống ngoại xâm chỉ được chuẩn bị trên lãnh vực quân sự. Nhưng, nếu chúng ta không thể phủ nhận tính cách cần thiết và thành quả của các biện pháp quân sự trong các chiến trận chống các triều đại Trung Hoa: nhà Tống, nhà Nguyên cũng như nhà Minh, nhà Thanh, chúng ta phải nhìn nhận rằng nỗ lực quân sự của chúng ta rất là giới hạn. Và ngày nay, độc lập rồi, thì nỗ lực quân sự của chúng ta chắc chắn cũng rất là giới hạn. 

Như vậy, đối với một nước nhỏ, trong một công cuộc chống ngoại xâm, biện pháp quân sự không thể làm sao đủ được. Trên kia, chúng ta có đề cập đến những biện pháp ngoại giao, đặt trên căn bản khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc để bảo vệ độc lập cho chúng ta. 

Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức Quốc Gia và Dân Tộc. Đồng thời, áp dụng một chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt. 

Nếu ý thức quốc gia và dân tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập và tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dầu có đánh tan được tất cả các đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong các cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc. 

Nhưng ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng. Vì vậy cho nên, đồng thời với những biện pháp quần chúng nói trên, cần phải áp dụng những biện pháp giáo dục, làm cho mỗi người dân đều quen biết với vấn đề lãnh đạo, và, điều này còn chính yếu hơn nữa, làm cho số người thấu triệt vấn đề lãnh đạo quốc gia càng đông bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Bởi vì, có như thế, những người lãnh đạo mới không bao giờ bị tiêu diệt hết được. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường quốc xâm lăng. 

Nhân đề cập đến vấn đề chống xâm lăng trên đây, lý luận đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề vô cùng quan trọng. 

Trước tiên chúng ta nhận thức rằng đối với một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên. 

Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt. 

Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ. 

Bản chất của môt chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền. 

Hơn nữa, giả sử mà chính thể chuyên chế hay độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm. Bởi vì, dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ, và hướng về, bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét, như là hướng về một người giải phóng, mặc dầu đó là một kẻ xâm lăng. Lịch sử xưa nay của các quốc gia trên thế giới đều xác nhận điều này: Chỉ có những dân tộc sống tự do mới chống được ngoại xâm. 

Riêng về dân tộc chúng ta, chắc chắn rằng sự kháng cự của chúng ta đối với sự xâm lăng của Tây phương sẽ mãnh liệt hơn bội phần nếu trước đó, nhà Nguyễn, thay vì lên án tất cả những người bàn về quốc sự, đã nuôi dưỡng được tinh thần tự do và độc lập của mỗi người và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc trong nhân dân. 

Ngược lại, mấy lần dân tộc thắng được ngoại xâm, từ nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ, đến nhà Lê đánh quân Minh và Quang Trung chiến thắng Mãn Thanh, đều nhờ ở chỗ các nhà lãnh đạo đã khêu gợi được ý chí tự do và độc lập của toàn dân. 

Và vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đã nêu ra trên kia là vấn đề chính thể của nước Việt Nam. Vì những lý do trình bày trên đây, chính thể thích nghi cho dân tộc chúng ta, không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của dân tộc. 

Nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải như thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ rất rõ rệt. (tr.245)

Thay Lời Kết:

Với những nhận định như trên của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhìn vào tình hình Việt Nam từ trên nửa thế kỷ nay khi CSVN vì ngu muội đã rước tà thuyết Mác-Lê vào nhà và tự nguyện làm tay sai cho Đế Quốc Đỏ mà nay là quan thầy Bắc Kinh quả là một sai lầm tệ  hại. Bắc Kinh với chủ nghĩa bá quyền và bành trướng đã dương Gọng Kìm Hán Tộc ra kềm kẹp Việt Nam thì làm sao tập đoàn CS Hà Nội đủ sức mà chống chọi. Ngược lại, chúng đã cam tâm làm tay sai, làm chư hầu cho quan thầy thì sớm muộn gì cũng dâng nốt lãnh thổ cho Trung Cộng như chúng đã từng lén lút làm trong thời gian nửa thế kỷ qua. Mạnh được yếu thua là quy luật đấu tranh. Muốn thắng, muốn tồn tại thì phải mạnh. CSVN đã không đủ mạnh, lại tự nguyện làm tay sai, rước giặc vào nhà thì thua là cái chắc.

Từ ngày thôn tính được miền Nam đến nay, tập đoàn CSVN chỉ lo vơ vét cho đầy túi, không màng gì đến nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân. Chúng có hô hào đổi mới nhưng chỉ nhằm để cứu Đảng trong cơn nguy khốn vì những thất bại ê chề về Kinh Tế. Sau một thời gian cởi trói, chúng liền trở lại bài bản cũ là siết chặt cái hầu bao và trí tuệ của đồng bào. Nói khác, chúng không dám đổi mới toàn diện để dân giàu nước mạnh. Ngược lại, chúng bám chặt vào Trung Cộng, coi quan thầy của chúng là khuôn mẫu. Quan thày làm gì thì chúng rập khuôn bắt chước làm theo để bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Yêu nước chỉ là cái vỏ bề ngoài. Thực tâm, chúng chỉ lo bảo vệ phe Đảng, coi quyền lợi của Đảng, của phe nhóm trên quyền lợi của Tổ Quốc. Yêu ghế trước, yêu nước sau là châm ngôn của chúng. Tinh thần bất khuất của Dân Tộc là bửu bối cuối cùng để cứu nước và giữ nước được thể hiện qua lớp Thanh niên Sinh viên trẻ trung thì tập đoàn CSVN lại nghe  lệnh của quan thầy dùng bạo lực và Công An đàn áp.

Nói tóm lại, về quân sự Cộng Sản Việt Nam đã không đủ mạnh. Ý chí lại hèn kém, chúng không biết và cũng không dám khai thác những mâu thuẫn giữa các cường quốc và các thế lực liên minh khu vực như ASEAN hay khối Liên Hiệp Âu Châu. Tất cả những điều đó chứng minh chúng đang cố tình làm suy yếu sức mạnh của Dân Tộc để trở thành miếng mồi ngon cho âm mưu “xâm lược gặm nhấm” của giặc phương Bắc.

Cho nên, còn đường duy nhất để cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi hoạ diệt vong vì giặc ngoại xâm, đó là: xây dựng và củng cố Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại để cùng với Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội giải thể chế độ Cộng sản và Dân chủ hóa đất nước.

Cứu nước thoát khỏi ách thống trị của Cộng Sản rồi, tất nhiên Việt Nam phải ra sức Tây Phương hóa tức là Hiện đại hóa đất nước để có đủ sức mạnh (khoa học, kỹ thuật, tổ chức, quân sự, kinh tế, vân vân) chống ngoại xâm và tồn tại trên bản đồ thế giới.

San Jose 2-11-2013

Nhân Giỗ lần thứ 50 ngày Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM và Cố vấn NGÔ ĐÌNH NHU bị thảm sát 2-11-1963

40 BÌNH LUẬN

    • 2010 : Với sự giúp đỡ của đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, ông làm cuốn phim tài liệu «Hoàng Sa Việt Nam : nỗi đau mất mát» nói về thân phận những góa phụ của ngư dân Việt Nam bị quân Trung Quốc giết hại tại quần đảo Hoàng Sa. Bộ phim bị chính quyền Việt Nam cầm chiếu để giữ quan hệ tốt đẹp giữa ĐCS Trung quốc và ĐCS Việt Nam. Trong ba năm, phim này chỉ được trình chiếu một cách không chính thức ở Pháp, Đức, Séc và Ba Lan … Dưới áp lực trong và ngoài Việt Nam, và nhân dịp Trung Quốc tiến công năm 2014, cuối cùng bộ phim đã được trình chiếu với điều kiện không công khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh…

      2017 : André Menras làm một bộ phim nữa, «Nhưng Hiệp sĩ Cát vàng», tiếp theo bộ trước với một thủy thủ đoàn những ngư dân thợ lặn Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa nơi bị Trung Quốc cấm.

      2019 : Sau khi trở lại Việt Nam với một dự án phim mới nói về quần đảo Trường Sa bị đe dọa bởi sự xâm lược bằng đường biển và đường hàng không của Bắc Kinh, André Menras được chào đón ở Sài Gòn bởi bạn bè thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Ngay sau khi kết thúc một buổi họp câu lạc bộ, một thành viên là nhà thơ bị bắt giữ bởi cảnh sát chính trị. André Menras từ đó đã quyết định thực hiện một tập phim mới nhằm tố cáo chế độ công an của Đảng độc quyền: “Việt Nam, tiếng gào thét từ bên trong

  1. Khà khà khà, xem ra tác giả bài viét ni rất là……..hòai cổ lắm lém đó nghen. Đi lại rùi củng là DIỆM NHU là tài giỏi , là chính nghĩa , là có tầm nhìn chiến lươc truóc 50 năm.

    Cụ Nhu ơi là cụ NHU . Cụ tài giỏi thé kia, cụ có tầm nhìn và có viến kiến truóc 50 năm về chủ nghĩa CẦN LAO NHÂN VỊ , cụ có thể thấy truóc về tình trạng địa chính trị viET NAM v.v.v.v.v.

    Nhìn xa trông rộng như một TIÊN TRI , thế mà cụ NHU không thấy đuọc kẻ phản phúc TON THAT ĐÍNh , NGUYEN VAN THIỆU , TRAN THIÊN KHIEM , DUONG VAN MINH để rồi chết thảm duói tay bọn chúng. Dao sắc không gọt đuọc chuôi do đó cụ bị chúng nó bắn gục trong xe Tank M113 , chua hết, bắn xong chúng nó dùng luỏi lê của MẼO đâm ngang đâm dọc hai kụ……..v.v.v.v. chao ui kinh quá cụ oi.

    Chao ôi CHINH ĐỀ , PHẢN ĐÊ rồi HỢP ĐỀ và cuói cùng thì………bị bọn PHẢN THÙNG cho cụ sập bẩy và xong game……………

    Cụ có giỏi thiẹt hôn hay là bọn Tàn Dư NGUY COCK chúng nó bốc phét về kụ cho dân ĐẤM NGƯC hả dạ mốt lúc truóc khi đi đoàn tụ vói cụ.

    Con cá mất luon là con cá to , NHU DIỆM không còn nửa do đó NHU DIÊM là THIÊN TÀI của NGỤY SAI GÒN mà 200 năm nay VIET NAM chưa bao giò có ai giỏi như KỤ.

    • Trung cộng đã ra mặt hăm dọa sẽ tấn công thẳng vào các đảo của Việt Nam.
      Vào tháng 5 năm 2014, Trung cộng đã cho đông đảo các tàu đánh cá dàn ra làm lực lượng bảo vệ xung quanh một tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) gần quần đảo Hoàng Sa.
      Khi Hà Nội cố gắng khẳng định chủ quyền của mình, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ghi nhận, tàu bán quân sự Trung cộng đã đâm và sử dụng vòi rồng để răn đe tàu chiến Việt Nam.
      Năm 2017, Trung cộng một lần nữa sử dụng lực lượng tàu đánh cá này để gây áp lực buộc Việt Nam từ bỏ hoạt động khai thác dầu gần quần đảo Trường Sa.
      Không những vậy, lần này, Trung cộng còn đe dọa mạnh tay hơn. Theo BBC, các quan chức Việt Nam nói với công ty khoan dầu rằng Trung cộng ra mặt đe dọa tấn công thẳng vào các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu việc khai thác không dừng lại.
      Hà Nội phải cuối đầu nhịn nhục, và một dự án khai thác khác đã bị hủy bỏ vào tháng Ba. Lần này, Bắc Kinh không thèm đe dọa lòng vòng trong lời nói. Thằng Nguyễn Phú Trọng, và thằng Bộ trưởng bộ Quốc phòng, khẳng định kế hoạch khai thác phải hủy bỏ để tránh chiến tranh toàn diện với Trung cộng.
      Kaka nhục nhã quá

      • Khà khà khà, COCK ơi , mi cứ là cứ xách đèn chạy trước ô tô mần chi hả. Mi có thấy là Viet Công chúng anh nạo vét và nới rộng các đảo ở TRƯỜNG SA hay không hở. Viet Công chúng anh làm việc ni là từ cả chục năm nay rùi nghen chứ hỏng phải bay chừ.

        Thèng bu MẼO củng thuờng dòm ngó chuyện ni và viét bài binh luận này nọ. Viet Công chúng anh làm những điều mà chỉ có Viet Công chúng anh mói biết mà thui. Thèng Bu MẼO củng chỉ tò tò lẹt đẹt đi lượm tin mà thôi. Duói đay là thèng CSIS cua MẺO lượm tin nè COCK.

        amti.csis.org/vietnam-ramps-up-spratly-island-dredging/

        Over the last year, Vietnam has continued with a substantial program of dredging and landfill work in the Spratly Islands which began in 2021. Since AMTI last surveyed these efforts in December 2022, Vietnam has created another 330 acres of land, bringing its total during the current spate of building to 750 acres.

        By contrast, Vietnam had created just 120 acres of land in the Spratlys between 2012 and 2022. This all adds up to about a quarter of the more than 3,200 acres of land created by China from 2013 to 2016, but it is far more island expansion than any other claimant besides China has undertaken. And in October 2023, Vietnam began new dredging at two additional outposts.

        Viet Cộng chúng anh hỏng phải là đám NGỤY SAI GÒN ăn hại đái nát tại HOANG SA đâu nghen chưa COCK.

        Mi yen tâm đi , Viet Cộng chúng anh biét giử gìn biển đảo của tổ quốc VIET NAM mà COCK. Thèng bu MẼO thèng bu PÁP thèng bu TÀO , thằng bu ANH đều đả kinh qua Viet Công chúng anh hét rùi. Tàn Dư Cắn COCK cư’ yen tâm………an huởng tuỏi già và chờ ngày đi thăm DIẸM THẸO đi nghen, kkakakakka

        • “mi cứ là cứ xách đèn chạy trước ô tô”

          Cái này gọi là xách đèn chạy cà ịch cà đụi, thất tha thất thểu đàng sau ô tô

          1 lần nữa, 2 đảng lại cùng chung chiến hào chống Mỹ . Hy vọng sẽ phát triển thêm lên

          Từ “láng giềng tốt” tới “chia sẻ vận mệnh”, lời ước “Bao giờ cho tới ngày xưa” có lẽ chiện hợp tác sẽ tới trước . RẤT TỐT, vì như ngày xưa, nó là tiền đề, là điều kiện cần & đủ cho những chiến thắng huy hoàng của Việt Nam

        • Thưa, anh viết thế sao lại chấp nhận cho Hồ Chí Minh, Phạm Nhật Vượng và bộ trưởng cồng an Tô lâm làm việc cho CIA?

        • CSIS bi giờ cũng có bà nghiên cứu sinh từ ngoài Bắc làm ở đó gòi

          Và mới nghe được 1 memo either kick her out, or limit the flow of infos vô chỗ đó . Nghe nói có anh Mỹ khoái VC baby, nên opt 2 fo swahili mite be the best as of now

        • “Viet Cộng chúng anh biét giử gìn biển đảo của tổ quốc VIET NAM”

          Théc méc cái lày, Việt Cộng các bác có bít bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa hông ?

          Từ Bác Hồ trở xuống, ai còn nghĩ mình là Cộng Sản chân chính, hổng có ai condone tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan . Did it, tinh thần Cộng Sản, stop b4 you?

        • Sao con sủa ngu
          Tụi csvn nạo vét thì liên quan gì đến bị Trung cộng không cho khai thác dầu và khí đốt?
          Chừng nào tụi csvn bồi đắp đão như Trung cộng thì hãy sủa
          Bị Trung cộng cấm khai thác, tụi csvn phải đền bù thiệt hại cho hãng dầu Tây ban nha 1 tỷ $
          Kaka Kaka nhục nhã quá
          Sủa được tiếp không con?

          • Trả lại tiền hối lộ để khắc phục hậu quả thui

            Đinh La Thăng được vào trại tạm giữ vì làm mất 450 tr đô hối lộ wan chức Venezuela mua dầu hỏa đó

            Có những điều quý giá hơn 1 tỷ đô, ví dụ như tư tưởng Hồ Chí Minh

          • Thằng Tàu Chệt muỗi Tàu
            Còn hơn là thằng Hán gian chó bưng ống nhổ cho Khựa như mày,

            Tiểu lị lụ mụ hầm cấy xạch 

            Làm Hán gian chó mà chẳng biết tiếng Hán cẩu 
 và tiếng Việt nữa vời 

            Đm đi chết đi mày 

            Ngu mà cứ đòi lên nói xàm

        • Ku phét sủa = yen tâm đi , Viet Cộng chúng anh biét giử gìn biển đảo của tổ quốc VIET NAM mà
          Tụi csvn bán biển đảo có công hàm
          Thế mà ku phét còn sủa bậy
          Sao ngu vậy con?

          • Chỉ nhớ, bản công hàm đó mang tên người Thầy mà Giáo Sư Tương Lai 1 mực kính trọng . Không có dính dáng gì tới Chủ tịch Hồ Chí Minh . Đừng có lôi ông vào .

            Động tới thần tượng của thằng Cộng Sản mạt hạng, nó nhảy chồm chồm lên bi giờ

          • Và nói gì thì nói, TẤT CẢ những chiến thắng mà Đảng đã đạt được, ngoài sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc còn có những công lao nếu quên sẽ là lỗi hệ thống của những trí thức đã đi theo tiếng gọi của đất nước cũng là cách mạng, bạn bè thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng included, và cả Andre Menras Hồ Cương Quyết lun

            Những ai đi theo con đường phản cách mạng thì rõ ràng who the Phúc ke now

          • Thằng Tàu Chệt muỗi Tàu
            No Chinese and dog allowed 

            
Tiểu lị lụ mụ phúc cấy chảy

  2. “Tự do không thể van xin mà có được. Tự do phải đánh đổi mới có”.

    Té ra Người VN chúng ta sinh ra đã không có tự do. Câu trích trên xác nhận đất nước VN không có tự do và vì vậy nên con người sinh ra cũng mất tự do. Đất nước không tự do cũng đồng nghĩa mất độc lập. Và chính vì đất nước không có tự do và độc lập nên chúng ta phải đứng lên đấu tranh đòi lại. Nó đánh đổi bằng máu và mạng sống chứ không van xin mà có.

    Vậy chủ nghĩa nhân vị có hợp với giai đoạn của đất nước có chiến tranh?

    Nếu độc tài như Park Chung-hee của Đại Hàn, hoặc như Lý Quang Diệu của Singapore, hoặc như Đài Loan (tạm coi như một quốc gia) của Tưởng Giới Thạch mà kết quả cả 3 nước này ngày nay vẫn tồn tại tự do và độc lập, vẫn phát triển mà không bị cộng sản chiếm mất thì liệu MNVN thời chiến nếu có độc tài như các nước kia liệu có phải là tốt hơn? Cộng sản trà trộn ở Malaysia, ở Thái Lan, ở Indonesia, ở Miền Nam VN, ở Nam Hàn, ở Philippines…, tại sao không nước nào bị mất vào tay cộng sản mà chỉ có mỗi MNVN?

    Nguyên văn lời Mở Đầu của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956 là những “Tin Tưởng…”

    Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân Tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của Tổ Tiên và ý chí quật cường của toàn dân…

    Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam…

    Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do…”

    Nhưng tổ tiên cha ông ta tin tưởng vào sức lực bằng đôi chân và cái đầu của chính mình chứ không tin và phụ thuộc vào ngoại bang như cả hai miền Nam và Bắc, một theo Mỹ và một theo cộng sản và cả hai bên đều bị ngoại bang tước mất tự do và độc lập.

    Thực tế là đất nước chiến tranh nên cần phải có cái nhìn thực tại là chiến tranh và làm sao thắng chiến tranh. Mấy thứ khác, nếu có và muốn áp dụng, chỉ nên trong thời bình.

    Cứ thử so sánh chiến tranh VN ngày đó với chiến tranh các nước, như Nga và Ukraine ngày nạy có cái gì khác nhau hay mọi thứ phải ưu tiên cho chiến tranh vì chỉ khi được tồn tại, không mất, thì mọi thứ khác mới có?

    Chính sách, có thể coi là quốc sách về Ấp Chiến Lược là đúng đắn để ngăn chặn cộng sản tà trộn nhưng tại sao nó bị dẹp bỏ ngay sau khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa tiếp nối? Có phải chúng ta đã phản bội chính chúng ta? Có phải ngoại bang (người Mỹ) tiêu diệt chúng ta hay chính chúng ta tiêu diệt chúng ta? Tại sao Mỹ muốn nhảy vào MNVN? Tại sao tổng thống Diệm bị giết và ai giết, người Mỹ hay chính chúng ta? Có phải vì không có tự do và độc lập nên chúng ta không có lựa chọn mà phải theo lệnh của ngoại bang? Tại sao tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu lại chịu chết khi biết sau đó đất nước sẽ loạn hơn và nhiễu nhương hơn? Cái chết và sự hy sinh của hai ông đâu có làm đất nước MN tốt hơn và cũng đâu có ngăn cản được Mỹ không đổ quân vào.

    Ngoài những việc tổng thống Diệm làm được cho đất nước mà chúng ta và lịch sử ghi nhận, còn lại, liệu cái chết của hai ông có là một thất bại của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để Đệ Nhị Cộng Hòa tiếp nối còn tệ hơn và cuối cùng là mất nước, mất VNCH?

    So sánh với các nước nêu trên thì Tự Do và độc tài cũng cần phải đúng lúc và đúng thời cuộc mới bảo vệ được lợi ích của dân tộc và đất nước.

    Liệu có phải vì tất cả chúng ta lúc đó còn mang tâm trạng của một người mà đất nước bị một ngàn năm đô hộ bởi Tàu và trăm năm bị Pháp cai trị mà chúng ta muốn thoát, nhảy lẹ và nhảy nhanh nên mới bị hụt chân té ngã? Đại Hàn chiến tranh quốc cộng trước chúng ta tại sao Nam Hàn không mất mà chúng ta VNCH lại mất? Tại sao Mỹ giúp chúng ta 20 năm nhưng cuối cùng để mất? Có phải vì Mỹ hay vì chính chúng ta?

    • Thưa,

      Thủ đô của Nam Hàn và toàn thể lãnh thổ Nam Hàn đã bị cộng sản Bắc Hàn tấn công và chiếm vào cuối tháng 6 năm 1950 cho mãi đến khi cuối tháng 9, quân đội LHQ do Mỹ dẫn đầu phản công dành lại. Cho nên Nam Hàn thật sự đã bị bức tử gần hơn ba tháng rồi!

      Nam Hàn đã không còn trên bản đồ khoảng ba tháng! Nam Hàn đã bại hoàn toàn rồi…Vẫn phải nhờ Mỹ phản công cứu lại

      Cho nên về đại ý trong còm, anh bảo Nam Hàn thắng được CS là không đúng…
      **********************************

      Xin trích từ còm anh: “Đại Hàn chiến tranh quốc cộng trước chúng ta tại sao Nam Hàn không mất mà chúng ta VNCH lại mất? Tại sao Mỹ giúp chúng ta 20 năm nhưng cuối cùng để mất? Có phải vì Mỹ hay vì chính chúng ta?”

      TRẢ LỜI: LÝ DO LÀ VÌ TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM, LỊCH SỬ LAI KHÔNG MANG ĐẾN CHO DÂN TỘC VIỆT NAM MỘT MCAUTHUR ĐẦY QUYỀN UY VÀ CÓ LƯƠNG TÂM MÀ LẠI LÀ MỘT KISINGER ĐẦY QUỶ QUYỆT VÀ BẤT NHÂN.

      (Kissinger hiện dang bị để nghị truy tố về tội ác chiến tranh do cho phép KQ Mỹ ném bom vô tội vạ vào nhiều làng ở Cao Miên giết rất nhiều thường dân Cao Miên để tọa cơ hội cho dân oán ghét mỹ mà đi theo cộng sản (Khơ-me Rouge). Đâu có ai mà tự đi hủy hoại chính uy tín quốc gia mình để giúp cộng sản như thế trừ Kissinger.)

      • Hãy nói cái kết quả sau cùng và kết quả sau cùng là Nam Hàn vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay, nhưng VNCH thì đã mất.

        Người Mỹ đến giúp các nước không phải bất cứ lý do gì ngoài lợi ích. Nếu chúng ta biết đánh giá lợi ích của họ và đáp ứng, dùng sức mạnh của họ làm sức mạnh của chúng ta thì VNCH đã không mất. Họ có thể giúp lâu dài như đã và đang giúp Israel; có thể giúp ngắn hạn như đang giúp Ukraine; và người Mỹ cũng đã từng giúp VNCH trong 20 năm. Họ có thể giúp và cũng có thể thay đổi, từng giai đoạn, từng thời tổng thống, nhưng họ sẽ không tiếp tục giúp, hoặc sẽ chống lại, nếu không còn đem lại lợi ích cho họ. 20 năm là một thời gian dài nhưng không thể dài mãi mãi mà phải tới hồi kết. Đây là điểm chúng ta nên suy ngẫm. Cũng như cộng sản Liên Xô, cộng sản Tàu, trước đó và ngày nay, cũng thay đổi với VN vì lợi ích.

        Cũng đừng nhìn vì Nam Hàn có MacArthur, VN có Kissinger mà số phận phải như vậy. Những người đó không đủ quyền lực làm thay đổi mà đều vì thời cuộc mà đất nước chúng ta không biết nắm bắt thời cuộc.

        • Thưa,

          Anh dùng hai chữ quyền lợi để phân tích vẫn là cách viết xảo tá của nhiều tay trí thức đời nay. Tôi đưa ra dẫn chứng cuộc nói chuyện giữa McArthur với Tổng thống Truman cho znh xem xét lại nhé!

          Cố tình muốn ngăn cản ý định phản công cứu vãn Nam Hàn, Tổng thống Truman đã nói với tướng McArthur rằng: “Bỏ mất Đại Hàn, chúng ta không phải tốn kém sinh mạng và lo sợ đối đầu trực diện với Trung cộng.CUỘC CHIẾN Ở NAM HÀN KHÔNG ĐEM ĐẾN MỘT LỢI ÍCH CHIẾN LƯỢC NÀO CHO CHÚNG TA CẢ! ”

          McArthur trả lời rằng: “Chúng ta chiến đấu ở Nam Hàn để chứng tỏ nước Mỹ quyết tâm hy sinh cho chính nghĩa của Tự do chứ không phải vì quyền lợi của riêng mình mà chiến đấu”

          (American Experience Program)

          Cho đến nay, mỗi năm, người ta thấy nền kinh tế Dại hàn đem về cho nước Mỹ gần 286 tỷ dolla tiền lời… mọi người mới thấy cứu Đồng Minh có lợi hợ bán Đồng Minh… Có lẽ vì vậy mà Kissinger im hơi lặng tiếng

          Tính từ năm 1990, nếu Việt Nam Cộng Hòa còn… mỗi năm, nước Mỹ cũng sẽ có ngần ấy tiền lời là ích nhất …

          “WE LEFT VIET NAM VÌ NHỮNG QUYỀN LỢI NGU XUẪN NGẮN HẠN TRƯỚC MẮT MÀ QUÊN NHÌN THẤY QUYỀN LỢI LÂU DÀI MÀ ĐỒNG MINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ CÓ THỂ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA SAU NÀY. AND I DID THAT BECAUSE OF MY DUTY AT THE TIME”

          HENRY KISSINGER INTERVIEW ( American Experience Program)

          • @X
            “Chúng ta chiến đấu ở Nam Hàn để chứng tỏ nước Mỹ quyết tâm hy sinh cho chính nghĩa của Tự do chứ không phải vì quyền lợi của riêng mình mà chiến đấu”

            Douglas MacArthur là quân nhân chứ không phải chính khách hay một nhà chính trị nên nhiệm vụ của ông ta là chiến đấu.

            “WE LEFT VIET NAM VÌ NHỮNG QUYỀN LỢI NGU XUẪN NGẮN HẠN TRƯỚC MẮT MÀ QUÊN NHÌN THẤY QUYỀN LỢI LÂU DÀI MÀ ĐỒNG MINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ CÓ THỂ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA SAU NÀY. AND I DID THAT BECAUSE OF MY DUTY AT THE TIME”

            Lúc đó Kissinger không nhìn thấy điều đó vì tin tưởng làm bạn với Tàu Cộng là đáp ứng được ngăn chặn họa cộng sản và chấm dứt chiến tranh VN.

            Anh dùng hai chữ quyền lợi để phân tích vẫn là cách viết xảo tá của nhiều tay trí thức đời nay.

            Có lẽ ý anh viết là xảo trá thay vì xảo tá nhưng tôi không bàn luận vấn đề này ở đây. Khi quan điểm không tương đồng tôi nghĩ cũng không nên dùng từ xảo trá.

          • Xin lỗi vì sơ xuất.
            Phần chữ nghiêng là trích lại từ comment của anh X và xin post lại cho đúng.

            “Chúng ta chiến đấu ở Nam Hàn để chứng tỏ nước Mỹ quyết tâm hy sinh cho chính nghĩa của Tự do chứ không phải vì quyền lợi của riêng mình mà chiến đấu”

            Douglas MacArthur là quân nhân chứ không phải chính khách hay một nhà chính trị nên nhiệm vụ của ông ta là chiến đấu.

            “WE LEFT VIET NAM VÌ NHỮNG QUYỀN LỢI NGU XUẪN NGẮN HẠN TRƯỚC MẮT MÀ QUÊN NHÌN THẤY QUYỀN LỢI LÂU DÀI MÀ ĐỒNG MINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ CÓ THỂ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA SAU NÀY. AND I DID THAT BECAUSE OF MY DUTY AT THE TIME”

            Lúc đó Kissinger không nhìn thấy điều đó vì tin tưởng làm bạn với Tàu Cộng là đáp ứng được ngăn chặn họa cộng sản và chấm dứt chiến tranh.

            Anh dùng hai chữ quyền lợi để phân tích vẫn là cách viết xảo tá của nhiều tay trí thức đời nay.

            Có lẽ ý anh viết là xảo trá thay vì xảo tá nhưng tôi không bàn luận vấn đề này ở đây. Khi quan điểm không tương đồng tôi nghĩ cũng không nên dùng từ xảo trá.

          • Thưa,

            Vấn đề không phải là tương đồng hay không tương đồng mà chúng ta cần vạch mặt và cần làm cho sáng tỏ đến cùng quan niệm được bọn VC dựng nên là Mỹ chỉ chiến đấu vì quyền lợi, trong khi dân Mỹ, nước Mỹ, chính phủ Mỹ đã năm lần bảy lượt hy sinh con em của họ cho sự sinh tồn và phát triển của nhân loại…

            HƠN NỮA, có nhiều khi quyền lợi quốc gia đã bị phủ nhận một cách trắng trợn vì tham vọng cá nhân , lợi ích nhóm như trường hợp của Kissinger , ĐÃ KHÔNG THẤY HAY PHỦ NHẬN QUYỀN LỢI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐỐI VỚI NƯỚC MỸ NẾU VIỆT NAM CỘNG HÀO CÒN TỒN TẠI..

            Cho nên bảo Mỹ bỏ Việt Nam (VN) vì tham chiến ở VN không có quyền lợi là thiển cận hoàn toàn không đúng do giặc cộng cấy vào đầu chúng ta!

          • @X
            Cho nên bảo Mỹ bỏ Việt Nam (VN) vì tham chiến ở VN không có quyền lợi là thiển cận hoàn toàn không đúng do giặc cộng cấy vào đầu chúng ta!

            Có lẽ anh lại lầm lẫn hay cố tình sửa câu nói của ai đó thay vì “không có” là KHÔNG CÒN.
            Anh đừng tin cộng sản nói, cũng đừng tin bất cứ ai nói điều gì mà chưa tìm hiểu đánh giá để khẳng định đúng sai.

          • Thưa, thì CHÍNH ANh bảo thế!

            Tôi trích lại còm của anh nhé : “Người Mỹ đến giúp các nước không phải bất cứ lý do gì ngoài lợi ích.Nếu chúng ta biết đánh giá lợi ích của họ và đáp ứng, dùng sức mạnh của họ làm sức mạnh của chúng ta thì VNCH đã không mất.”

          • Anh X hãy đọc lại những gì tôi đã viết và những gí anh đã viết và ý đó là của anh.

      • Nam Hàn thua vì sự trợ giúp của Trung Quốc . Nhờ Mỹ nhúng tay nên phản công lại . Nhưng khá kiên quyết với Cộng Sản . Hình như cho tới giờ, Cộng Sản vưỡn ở ngoài vòng pháp luật, aka bắn chết còn được thưởng tiền . Them dont ke much about cảm tình viên hay Cộng Sản chân chính, a dead commie is a good one. Nó kềnh ra là 1 điều tốt . Và bên đó, 5000 đảng viên mới may ra bằng 1 người dân thường .

        Nhưng bên quân đội đang lo ngại 1 paradigm shift sẽ xảy ra trong tư di chung xã hội . Chiện người dân trong nước VN tố lính Hàn gây “tội ác” ở VN, và thắng kiện, theo tớ bít, is quite a shock, in a bad way, cho Nam Hàn nói riêng & châu Á nói chung . Điều hại trước mắt là níu xảy ra chiện, khó có nước nào sẽ gửi quân đội wa trực chiến, aka Mỹ phải lo từ A đến Z

    • Chào anh Bee
      Tôi không có ý định phản bác những nhận định của anh. Tôi chỉ muốn mượn comment của anh để làm sáng tỏ hai điểm. Tự do và độc lập không đi đôi. Nó mang tính…hopeful. Không có gì bảo đảm một nền độc lập sẽ mang tới tự do cho người dân. Trái lại người dân vẫn có thể có tự do dù một quốc gia hoặc một khu vực chưa có độc lập. Nếu một nền độc lập chỉ có nghĩa vỏn vẹn là người bản xứ tự cai trị và điều hành đất nước của họ thì việc người dân có tự do và có những quyền lợi khác hay không còn tuỳ thuộc vào bản chất và thực tài của “nhà cầm quyền”. Bản thân tôi rất skeptical với hai chữ độc lập, nếu phải hiểu nó như là một phép màu sẽ mang lại tất cả.

      • Hello ông Thanh Tra.
        Vấn đề anh nêu lên cũng không sai.
        Có độc lập chưa chắc có tự do NẾU là chính thể độc tài; còn có tự do nhưng chưa chắc có độc lập thì sự tự do đó chỉ ở một giới hạn nào đó thôi, còn thiếu dân chủ.

        Thông thường tự do và độc lập đi đôi với nhau thể hiện một đất nước DÂN CHỦ. Như Mỹ và nhiều nước tây phương, nhưng không có dân chủ thì tự do và độc lập sẽ bị cấm hoặc giới hạn ở mức độ vừa phải để vẫn có thể gọi là tự do và độc lập trên ký thuyết nhưng thực tế là không đầy đủ như có dân chủ.

    • “Câu trích trên xác nhận đất nước VN không có tự do”

      Việt Nam nào, Việt Nam của RFA mà Trung Quốc & Liên Sô là đồng minh, hay thứ non-VN mà Việt Nam của RFA đã cùng với Liên Sô & Trung Quốc đánh đổ ?

    • Việt Nam của RFA thì chắc là có tự do, nhưng phần non-VN thì chắc là không

      “chính vì đất nước không có tự do và độc lập nên chúng ta phải đứng lên đấu tranh đòi lại”

      Lỗi thằng đánh máy, có vẻ thiếu chữ “đã”

      “chính vì đất nước không có tự do và độc lập nên chúng ta ĐÃ phải đứng lên đấu tranh đòi lại”

      “chúng ta” là thậm xưng . Chỉ có những người như bác, Andre Menras, nhà văn hóa Nguyên Ngọc, aka những người Tưởng Năng Tiến mến mộ … ĐÃ phải đứng lên đấu tranh đòi lại . Còn lại, họ săn bắt, thậm chí giết, bỏ bom … làm mọi cách để đập tan cuộc đấu tranh của các bác . Họ thua

  3. Thưa,

    Đây là một bài viết rất công phu, xin cám ơn Tác-giả và Ban Biên Tập.

    Để giải thể chế độ cộng sản, chỉ có thể dồn sức đấu tranh vận động quốc nội dựng lại Việt Nam Cộng Hòa!
    Trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa là khai sáng, nhân bản và truyền thống. Và vì vậy, giải pháp Việt Nam Cộng Hòa là là giải pháp duy nhất cho tương lai của dân tộc Việt.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên