Chết vì quả bí

2

Đã nhiều năm rồi nó không về quê, không phải vì vô cảm, vô tâm, cũng không hẳn vì quỹ thời gian qúa eo hẹp với một phóng viên báo đảng – chỉ bước theo lề đảng- như nó, mà chỉ đơn giản vì quê hương gợi cho nó qúa nhiều buồn tủi. Tuổi thơ của nó lẽ ra là tuổi thần tiên, như mọi đứa trẻ trong làng khác có bố mẹ đầy đủ, được học hành, được ông bà nội ngoại chăm sóc, vỗ về, yêu thương, còn nó chỉ có một mẹ, một con.

Mẹ nó khi ấy mới bước sang tuổi 28, vóc người nhỏ nhắn, hai con mắt đằm thắm, đa cảm, là giáo viên trường làng, còn bố nó chỉ còn là bức ảnh trên bàn thờ, hơn mẹ một tuổi nên gương mặt của tuổi 30 chín chắn, từng trải và trầm tính hơn hẳn; Cặp mày thẳng, mũi dọc dừa, cằm vuông…Tất cả toát lên một sự cương nghị, thấu tình đạt lý…(Ấy là bây giờ nó đã biết xem mặt, bắt hình dong như lời ông bà dạy, chứ lúc ấy nó bé tí, đã hiểu gì đâu? Duy nỗi đau thăm thẳm, bất tận thì không thể nào quên được)

Hôm đó, đang lang thang ra đồng cắt cỏ như mọi đưá trẻ làng phải làm kế hoạch nhỏ, nó bỗng giât mình nghe tiếng người hỏi giât giọng phía sau:

-Hạnh, Hạnh phải không? Chú là chú Tiến, dạy cùng trường với mẹ đây, cháu để cỏ lại nhờ các bạn gánh về giúp rồi đi lên bệnh viện tỉnh với chú.

Nó ngơ ngác buông rơi đòn gánh khi nghe người đàn ông cất giọng đều đều buồn thảm:

– Bố cháu mất rồi, mẹ cháu nghe tin sốc quá bị ngất ngay trong phòng làm việc của thầy hiệu trưởng, nên thầy Toán và thầy Toàn phải buộc võng vào xe đạp dong mẹ cháu lên bệnh viện tỉnh cấp cứu, còn chú thì vội vàng đạp xe đi đón cháu…

Tự nhiên nó thấy bờ sông dốc ngược, nước đổ ào ào lên mặt đê, còn cây cối, nhà cửa cứ quay lông lốc, đứng không vững, chú Tiến phải bảo:

– Bình tĩnh cháu, bấu chặt lấy chú đi nào!

Suốt dọc đường đi, bàn tay bé nhỏ của nó phải bíu chặt lấy áo chú để không bị ngã. Vừa đạp xe, chú vừa dặn dò nó nhiều lắm, mà bây giờ( dù là phóng viên với đầy đủ thiên chức của nghề làm báo: Tầm nhận thức hơn hẳn đám đông, có sự biệt hóa cao độ từ tổ tông dòng họ) nó vẫn không sao nhớ nổi, chỉ biết chú liên tục chép miệng than :

– Khổ, chiến tranh mà, chiến tranh đau tất cả, xót miếng trầu không vôi( sau này nó mới biết chú cũng là giáo viên văn như mẹ nó) …

Rồi:

– Cháu phải trưởng thành vượt bậc nghe cháu, bây giờ không còn bố nữa, mẹ chỉ còn cháu là cây gậy chống tinh thần duy nhất, đừng để mẹ ngã ngồi trên mặt đất…

15 ky lô mét đi cắt đường rừng để tới bệnh viện tỉnh, nó chỉ biết ngồi ôm chặt lấy thắt lưng chú cho khỏi ngã và chờ đợi giây phút được gặp lại người mẹ khốn khổ của mình.

Mẹ nó, sau phút thất thần ngã ngất giữa văn phòng được cáng đi cấp cứu đã kịp tỉnh dạy trong nhịp đưa lắc của chiếc võng và cứ ấm ức khóc mãi…làm cả tốp người cùng đi phải ra sức khuyên giải, dỗ dành …Vậy mà, khi tất cả sáu người vừa kịp quay đầu định đạp xe về nhà trước khi trời tối, thì mẹ – một thân một mình nơi bệnh viện vắng ngơ vắng ngắt, chợt nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ trong ngôi nhà nhỏ – từng in bao dấu ấn kỷ niệm của bố, lại lịm ngất làm cả đoàn lại hối hả quay vào, cùng xúm vào làm hô hấp nhân tạo để mẹ tỉnh dậy, rồi cử người túc trực bên cạnh…Khi hai chú cháu nó lên đến bệnh viện, chờ mãi không thấy mẹ đâu, định cắt rừng trở về, dù đường tối như bưng( tất cả chỉ trông vào chiếc đèn pin bé xíu của chú Tiến và ánh sáng ma quái, nhợt nhạt của mảnh trăng cuối rừng) thì cả đoàn sáu người đưa mẹ vào…Giờ nghĩ lại nó vẫn thấy giá trị của chiếc xe đạp Phượng Hoàng (Hàng viện trợ của Trung Quốc cho lãnh đạo trường) chỉ vì chiều hôm ấy chú Tiến mượn được chiếc xe láng cóng, mới tinh của lãnh đạo trường, nên đạp nhoáng nhoàng một tiếng đã lên đến nơi, trong khi ba chiếc xe thống nhất chở mẹ trên võng thì hết tuột xích, lại đảo vành làm chú phải lộn đi lộn lại hai ba lần mới gặp được mẹ trong bệnh viện…
Cả tuần rồi cả tháng, mẹ như người đổ bệnh, bằn bặt, thiêm thiếp, thỉnh thoảng giữa đêm lại vật mình, vật mẩy, hờ lên:

-“Ối anh ơi là anh ơi, sao anh lại bỏ em và con lại mà đi anh ơi” làm bà nội và nó lo trũng mắt, bà phải nghỉ việc ở hơp tác xã, giấu nỗi đau vào sâu trong da thịt, lo thuốc thang tẩm bổ cho mẹ, còn nó cũng phải nghỉ học, suốt ngày tất tả lo cơm, nước cho hai người ruột thịt thân yêu nhất, mà không biết giữa mẹ và bà, ai là người phải chịu đau khổ hơn ai?

Nửa năm sau, mẹ bắt đầu gắng gượng trở lại, lên lớp bình thường cùng mảnh vải đen thay cho khăn tang gài nơi ngực áo, rồi đơn vị bố cũng cử người về (nghe đâu là thủ trưởng đơn vị, hay chính trị viên đại đội, hoặc tiểu đoàn trưởng gì gì ấy). Quà của đơn vị là toàn bộ di vật của bố nó, gồm bốn chiếc tem, vài cái phong bì mốc thếch, mấy đồng hào tiền lẻ nhàu nhĩ, một cuốn vở học sinh ghi lại tình cảm học trò, từ thời mẹ và bố quen nhau, những kỷ niệm chiến trường trước mỗi trận đánh, trong đó có một đoạn mà nó còn nhớ mãi đến bây giờ ( vì mẹ vẫn giữ)

Ngày 19-1-1974…

Đang ở công trường 354*, trong thế cài răng lược của địch…Đã mấy ngày không được ăn cơm nên cả đơn vị nhiều người ốm, bệnh, thủ trưởng bèn nảy ra sáng kiến “tự sản, tự tiêu”, chứ không thể chờ “hậu phương thi đua với tiền phương” nữa. Nghe nói đoạn đường vào Quảng Bình, giặc thả bom dữ lắm. Cả đoàn xe vận tải chở gạo bốc cháy, hàng chục lính trẻ cũng bốc cháy theo xe… Chỉ vài cậu may mắn thoát ra ngoài được, rồi kể lại, và chép miệng thở dài :

– Cứ bảo “đường ra trận muà này đẹp lắm”** mà mạng người rẻ hơn bơ gạo, hạt muối”…

Vì vậy thủ trưởng Tính bảo:

– “Không chờ được nữa, cứ bắc nước chờ gạo viện trợ đem vào tận trong này thì lính chết hết. Thôi quyết định trồng khoai sắn nuôi nhau, đặng sống qua ngày vậy”

Tưởng ông nói chơi, ai ngờ vài hôm sau, ông cắt rừng đi từ tờ mờ sáng cùng giao liên đơn vị đến nửa đêm mới về. Người lành lặn, chỉ bụi đỏ phủ kín mặt, mũi, tay, chân. Tắm rửa qua loa, ông lên giường nằm và đúng 5 giờ 15 phút sáng dạy tập thể dục cùng lính rồi giao ban với các tiểu đội trưởng. Thay vì trồng khoai, trồng sắn, rau muống như mọi khi bây giờ tất cả sẽ trồng bí đỏ và đỗ xanh. Thoạt đầu mọi người ngẩn ngơ:

– Trời ơi, đơn vị đóng chốt tít tận đỉnh núi, toàn đá tai mèo nhọn hoắt, lấy đất đâu ra mà trồng? Chí ít cũng phải di tản ra men rừng, đầu suối mới có đất , có nước chứ?
Nghe cấp dưới chất vấn, Ông lý luận:

– Vì đang ở “công trường”, không có đất nên mới phải nghĩ ra cách này. Cứ thả hạt giống xuống chỗ đất trống, giữa các khe đá ấy, rồi khí trời, sương rơi, nắng chiếu, tự khắc nó sẽ mọc thành mầm, thành cây thôi mà. Cây cũng giống người vậy, trong điều kiện bom đạn bời bời này phải tìm mọi cách mà tồn tại chứ.

Mọi người rũ ra cười, một cậu lính trẻ măng, người Hà Nội bảo:

– Kính thưa thủ trưởng cứ cho là cánh lính tráng bọn em phải gieo hạt đi, nhưng núi đá đầy chuột, bọ, rắn, rết thế này, đến chân người chúng còn gặm được, huống hồ là hạt giống.
Ông xua tay, lắc đầu quầy quậy, đầy vẻ từng trải hiểu biết:

– Các cậu đừng lo, tớ vào sinh, ra tử, kinh nghiệm chiến trường đầy mình, không phải lính mới tò te hoặc dân Đại học Bách Khoa như các cậu đâu. Tớ đã trình phương án trồng bí đỏ và đỗ xanh lên với cấp trên cả tuần nay rồi, các anh ấy quan tâm chu đáo lắm nên sáng hôm qua đã cho người về tận cổng “công trường” đón tớ rồi xét duyệt cho “công trường” mình 2 bao tải hat giống kèm một bình thuốc DDT để vừa triệt sâu bọ phá hoại, vừa đuổi lũ chuột, sóc, rán, mối, rắn, rết đi…Gì chứ cái “anh” DDT là hiệu nghiệm lắm, lũ chuột rừng thính mũi, thính tai , ngửi mùi hắc như thế , bố bảo chúng nó cũng không dám nhai hạt nào của các cậu hết.

– Dạ…còn…còn …ấy, à tưới thì sao ạ? Một cậu lính trẻ, rõ là trai thành phố, mặt mũi thư sinh, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như con gái, hỏi, giọng bẽn lẽn.

– Ôi thủ trưởng cười, những nét nhăn sâu roãng rộng nơi vầng trán, gật gù giải thích: – Cứ theo phương châm của trên là “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thì chúng ta sẽ lấy chính vốn tự có của mỗi người mà vun xới, tưới tắm cho nó chứ sao?

Tất cả cười ồ, bỏ về hang, ổ của mình trong tiếng khuyên nhủ của thủ trưởng :

– Các cậu nhớ nhé, tiểu đội thi đua với tiểu đội, cá nhân thi đua với cá nhân xem đơn vị ta ai trồng được nhiều bí ngô với đỗ xanh nhất sẽ được khen thưởng.

Ngay hôm sau bài thơ đầy chất lính ra đời:

“Đời bộ đội cũng nhiều cái khoái,
Khoái nhất là…ỉa, đái rất gần
Đái gốc bí, đái cạnh chân,
Ị luôn gốc đỗ, chẳng cần lo xa
Chẳng bù cho lúc ở nhà
Mỗi lần ị, đái, chạy ra nhà cầu…

Phần ghi chép của bố nó đến đó là chấm dứt, khi đó cả nó và mẹ đều không hiểu được kết cục của câu chuyện vô thưởng, vô phạt, không đầu, không cuối ấy như thế nào, chỉ nghe người khách đến nhà ngậm ngùi bảo:

– Thôi, chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau khổ chị ạ. Chúng ta phải biết biến căm thù thành hành động…Cụ thể như chúng tôi giết nhiều Mỹ Ngụy hơn để trả thù cho anh ấy cũng là cho các đồng chí, đồng đội của mình nơi chiến trường, còn chị thì gắng khỏe mạnh để dạy các cháu học tốt, và nuôi bé Hạnh nên người. Có như thế thì sự hy sinh của anh ấy mới không trở thành vô nghĩa.

Nó chỉ biết lao vào học và học, học để nguôi quên nỗi đau mất bố, , người bố mà nó chỉ gặp một, hai lần trong đời, nhưng cảm giác những sợi râu cằm ram ráp cọ lên khắp khuôn mặt thơ ngây, non trẻ của nó thì không bao giờ quên…Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi lần chồng cọ râu vào cằm hay cổ, má, hoặc bất cứ chỗ nào trên cơ thể là nước mắt nó lại trào ra…Đầu tiên nghĩ nó dễ xúc động, chồng không nói gì, nhưng đến lần thứ 10, rồi 20, đủ hai mặt con với nhau rồi mà nó vẫn cứ khóc, thì chồng đặt câu hỏi:

– Em sao thế? Xúc động đến thế cơ à? “Của dùng rồi”, rỗng tuếch tuềnh tuênh mà cứ làm như là gái mới lớn ấy, hơi một tí là khóc.

Khi đó nó mới bật khóc tức tưởi mà kể lại kỷ niệm có một không hai về người cha đã tử trận của mình…

Chìm vào công việc để quên đi nỗi đau mất mát, mẹ cũng trở thành hiệu phó rồi hiệu trưởng. Bao nhiêu người ngỏ ý định cầu hôn nhưng mẹ không thể quên bóng hình của người chồng thân yêu, hay cảnh làm vợ trong thời loạn lạc, bom đạn mẹ không thích nên cứ ở vậy? Sau này, mẹ bảo “ Trai tráng đi mặt trận hết cả, ở nhà chỉ có ông già, bà cả hoặc vợ bị bệnh chết, một lũ lĩ con xếp hàng thò lò mũi rãi, mẹ làm sao cáng đáng nổi? còn nếu là trai tân thì cũng sứt môi, lồi rốn, dị tật ngớ ngẩn, mẹ không thể vơ bèo vạt tép được.
Cho đến tận ngày mẹ chuyển lên thị xã, gần trường cấp III của tỉnh nơi nó theo học, bố vẫn không có tiêu chuẩn liệt sĩ. Hỏi đi hỏi lại, đi mòn cả dép, mấy đời trưởng phòng của sở lao động thương binh xã hội đều bảo :

– Thành thật chúng tôi không biết , không rõ, chị à, vì trong giấy tờ chỉ ghi chung chung là anh ấy mất trên đường trở ra Hà Nội chứ không phải ở công trường hoặc chiến trường nào:

– Trời! Mẹ ôm mặt kêu: – Rõ ràng nhà em đi bộ đội từ lúc 17 tuổi , đến 28 tuổi thì mất, thủ trưởng đơn vị còn về tận nhà đưa di vật , cùng giấy chứng nhận anh ấy đã hy sinh ngày 18 tháng 5 năm 1974

– Ngày giờ thì đúng rồi, ông trưởng phòng thương binh xã hội gạt đi: – Nhưng chết trên đường quay trở lại Hà Nội, không rõ là đi công tác hay đào ngũ?.

– Làm gì có chuyện ấy! Mẹ rên lên trong tuyệt vọng.

– Thì thế, Ông trưởng phòng khăng khăng: – Đã bảo chết không rõ nguyên nhân nên không làm được giấy tờ, thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn liệt sĩ chứ sao.

-Trời ơi là trời , mẹ nước mắt ngắn, dài lại ngậm ngùi bỏ đi như bao nhiêu lần trước đó.

Ngày 27-7 – ngày thương binh liệt sĩ, ngày tổ quốc ghi công, cả làng cả xã có hơn 50 gia đình liệt sĩ được mời ra ủy ban nhân dân họp, nghe lãnh đạo tỉnh, huyện đọc diễn văn, xướng tên từng người rồi nhận quà ‘đền ơn, đáp nghĩa”, trong tiếng vỗ tay rào rào của đại biểu cùng thân nhân gia đình lịệt sĩ thì nhà nó vẫn cửa đóng then cài , đến con cún cũng không buồn suả vì cổng, ngõ vắng ngơ vắng ngắt.

Nỗi tủi hờn tức giận cứ mỗi ngày lại trào chạt ra ngoài, khiến không ít lần mẹ nói với bà.
– Rõ ràng nhà con chết trên chiến trường mà lại không được công nhận là liệt sĩ, cũng không phải tử sĩ mà chỉ là từ trần, gần như một người vô gia cư chết đường, chết chợ vậy, khéo con phải nghỉ dạy, tìm bằng được đơn vị của anh ấy để tìm cho ra lẽ.

Bà cười buồn:

– Chẳng đi đến đâu con ạ, vì lãnh đạo cấp trên đã sức giấy xuống rồi, có phải “hy sinh anh dũng” đâu mà đòi nhận tiêu chuẩn tiền Tuất, được nhận được bằng “ tổ quốc ghi công, gia đình vẻ vang” của chính phủ.

Mẹ càng ấm ức:

– Hôm anh ấy đi, cả làng đưa tiễn, lãnh đạo ủy ban, rồi người của cả huyện đội lẫn tỉnh đội về ngồi chật sân đình , dặn dò, diễn thuyết, nói rõ là đi B, tức là vào Nam chiến đấu, thế quái nào mà thư từ, nhật ký gửi về toàn đề là công trường nọ, công xưởng kia, chẳng biết đằng nào mà lần, rõ khổ.

Thương mẹ, Bà thay đổi thái độ, rơm rớm nước mắt :

– Con bận dạy học, cứ ở nhà, mẹ già rồi, chẳng dần sàng, cấy hái được bao nhiêu, cứ để mẹ bán bớt vài yến lúa lấy tiền đi đường để tìm cho ra nhẽ. Có trôi sông, lạc chợ cũng phải có người biết chứ? Đằng này trống dong, cờ mở, gần 200 thằng trong tỉnh cùng đi một đợt kia mà, chắc chắn phải có manh mối gì chứ.

Từ hôm đó, nó làm người “cầm lái vĩ đại” đèo bà đi khắp các thôn cùng ngõ hẻm quanh vùng, nơi bà biết có người đi nghĩa vụ quân sự cùng đợt với bố nó, kể cả mấy ông lãnh đạo huyện đội, nhà ở tít trên huyện (những người đã tống đạt mệnh lệnh để bố nó phải nhập ngũ, làm tròn trách nhiệm công dân cũng là đóng góp nghĩa vụ quân sự với làng xã) bà cũng không tha.

Gần năm năm trời vô vọng, đôi chân của nó nhờ đạp xe, đau ê ẩm mỏi nhừ, mà dài ra cả vài cen ti mét, cuối cùng bà cũng tìm được vào trại an dưỡng thương binh của tỉnh để gặp chú Tín, bạn cùng công trường 354 một thời của bố.

Ngoài bốn mươi tuổi mà râu ria tua tủa,  mặt mày hốc hác, thân lệch  một bên, phải giữ thăng bằng bằng đôi nạng gỗ, chú ngậm ngùi kể:

– Chả giấu gì bá, Con và thằng Hân nhà bá cùng đơn vị, tiểu đoàn, cùng bị kẹt lại ở công trường 354- thực chất là nơi đơn vị đồn trú, vì sợ lộ địa điểm trú quân nên tất cả số hòm thư của các đơn vị đều phải chuyển thành công trường nọ, công trường kia … Cứ tưởng đi bộ đội là sẽ được ăn no, ngày ba bữa cơm trắng với thịt lợn hộp hoặc lương khô Trung Quốc, ai ngờ đói rã họng phải ăn rau rừng đến xanh cả ruột, đào cả nghìn củ khoai môn lên nướng ăn, ngứa móc họng, mà gạo từ miền Bắc vẫn chưa chuyển vào được…Cánh lính trẻ, xuất thân từ giảng đường Đại học, đa phần ngã nước, ngã bệnh, sức chiến đấu suy giảm nặng nề.

Thủ trưởng đơn vị, vì đồng cam cộng khổ với cánh lính tráng thời đó, mới nghĩ ra sáng kiến trồng bí đỏ và đỗ xanh- là hai loại cây lương thực mang tính chiến lược vào thời điểm ấy vì tác dụng của bí ngô và đỗ xanh- theo ý của lãnh đạo là rất tốt. Vừa đủ các loại vitamin A, B C, vừa dễ chế biến, bảo quản, không lo thiu thối như các loại củ quả khác.

Hạt giống tuy ngâm  trong dung dịch DDT nhưng gặp đất mới( dù chỉ là những hốc trống trong khe đá nhọn hoắt) nhưng đầy phân chuột , phân dơi, sương đêm ẩm ướt  nên tỷ  lệ mọc mầm lên tới 90 %. Trung bình mỗi người được nhận năm mươi đến sáu mươi hạt mỗi loại.
Suốt ba tháng trời cầm cự, lúc nhỏ ăn lá, đợi lớn một chút vặt quả ăn sống, lớn hơn chút nữa thì đem luộc chấm muối, thậm chí ninh cho thật nhừ, bở tơi như bột rồi lấy nước uống, sống qua ngày. Cả đỗ xanh cũng vậy, hết hái lá non luộc ăn vã lại  rang cháy hạt hoặc hầm nhừ lấy nước uống, cốt qua cơn đói là được. Chán nữa thì lại trộn bí đỏ với đỗ xanh ninh nhừ thay cháo, ba bốn tháng trời cầm cự trong thế răng lược như vậy, đến mức chỉ nhìn thấy đỗ xanh, bí đỏ là sợ ói ra mặt xanh mặt vàng.

Trong số hàng nghìn gốc bí bò ra từ các khe kẽ, ngóc ngách, có một cây của cậu Tám, người Tây Nguyên, lá rộng bằng cả cái nong , ngọn mập như cổ tay người lớn, thân dài gần 40 mét, hoa nở vàng rực cả một góc “công trường” mà chỉ đậu có một quả. Điều lạ lùng, bao nhiêu màu mỡ, phân người, nước tiểu, dồn hết vào cho một quả duy nhất này. Vì vậy nó cứ lớn như thổi, mỗi ngày một khác, Sau khoảng ba tháng thì đã to bằng cả cái bồ đựng thóc, nặng gần 100 ky lô gam, anh em vui mừng báo cáo lên cấp trên, thế là lệnh được chuyển xuống:

– Từ hôm nay quả bí huyền thoại này phải được giữ lại, cả đơn vị cùng xúm vào chăm sóc tưới tắm, cấm ai được ăn, phải cắt cử người canh cả ngày lẫn đêm để lũ chuột, bọ, sóc chồn không được bén mảng tới, rồi chờ ngày đem ra Hà Nội báo cáo thành tích “vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất” của trung đoàn.

– Trời đất! Bà hờ lên, cặp môi quết trầu run run như đã phần nào đoán ra cơ sự: – Không lẽ…cả chú và thằng Hân con tôi được cử đi làm nhiệm vụ quái gở… à… trọng đại này?

– Vâng , chú thở hắt ra: Được cử đem chiến lợi phẩm thu được ra Hà Nội báo cáo thành tích, thằng nào cũng máu, nhưng cả trung đoàn có vài chục thằng có gốc gác Hà Nội lại yếu như sên nên cánh Hà Tây bọn cháu được lệnh vào thay…Cũng phải “bê lên, đặt xuống” xét duyệt cả tuần mới chọn được bốn thằng đấy bá ạ, sau trung đoàn quyết định cử thêm bốn thằng đực rựa nữa để còn thay phiên nhau bê quả bí nặng trịch ấy đi tham dự triển lãm toàn quốc.

-Trời đất thiên địa ơi, bà hỏi: – Các anh rủ nhau khiêng bộ mấy trăm cây số ấy à?

– Vâng, làm một cái đòn khiêng vững chắc để đặt quả bí lên rồi bốn thằng khiêng bốn góc, cứ hết hai tiếng lại nghỉ để đổi người một lần

Ngồi bên, nó lặng đi, đầu óc chao đảo bởi bao nhiêu ý nghĩ nung nấu trong đầu :“ Chao ôi, giữa thời buổi chiến tranh, cuộc sống thường nhật vốn đã đầy cam go, thử thách rồi lại còn phải bày trò đem bí đi trung ương triển lãm để phưu lưu mạo hiểm tính mạng gần cả chục mạng người như thế sao?… Đúng là không thể nào hiểu nổi, đang đói dài đói rạc, đói đến mức cả nghìn con người chỉ còn mắt với răng, nhiều người lả lướt, suy kiệt như bộ xương di động mà lại nổi cơn ngẫu hứng ,coi bí hơn người, neo cả số phận của chục người khỏe mạnh nhất trung đoàn vào quả bí đó ? Cuộc đời còn có những chuyện nhiễu nhương , nực cười đến vậy sao?

Thở hắt ra một hơi lặng lẽ, như thể thần chết của15 năm trước vẫn còn lảng vảng đâu đây, chú Tín ngậm nguì bày tỏ:

– Đúng một chục mạng người đấy bá ạ, trừ hai thằng B quay, đào ngũ, rồi dùng tiền lo lót để xóa dấu vết đào tẩu, phản bội, và hai đứa bọn con ( đứa chết, đứa bị thương ngay từ chặng đường đầu tiên), bốn thằng còn lại, dù khỏe như voi cũng làm sao đủ sức cắt rừng ngày đêm để kịp đem bí ra Hà Nội triển lãm theo đúng ngày giờ quy định được, vì vậy chúng nó phải tìm cách nhắn gửi lên lãnh đạo của đoàn đề nghị cử thêm bốn thằng dân tộc nữa để thế chỗ cho bọn con chứ…Cũng may mà ra đến tuyến lửa Vĩnh Linh Quảng Bình thì cả người và bí vỡ toang. Nếu không, còn thêm vài chục mạng người vinh dự thay thế cho đồng đội đã chết để hoàn thành nhiệm vụ của trung đoàn giao phó ,bá ơi

– Trời ơi! Bà hờ lên:- Mười mạng người đổi một quả bí à, sao mà dã man thế? Cứ cho là quả bí nặng cả trăm ký đi, còn mười mạng người bỏ rẻ cũng bốn – năm trăm ky lô gam…Ối ông nhà nước ơi là ông nhà nước ơi, ông bắt con tôi đi chiến trường đánh Mỹ Ngụy…Biền biệt cả chục năm trời chỉ được nhìn mặt bố mẹ, vợ con vài lần, chết cũng chỉ được xác nhận: “Từ trần trên đường ra Bắc” , có khác gì kẻ chết đường, chết chợ, tứ cố vô thân không ông ơi…

Từ khi biết được cái chết của bố nó: “Vì bí hy sinh, vì ngu thiệt mạng”, bà nó cấm cả nhà không ai được trồng bí và ăn bí nữa, dù đó là loại cây trước đây bà rất thích vì nó dễ trồng, lại lắm tác dụng. Nấu chè cũng được, luộc chấm muối cũng ngon, có tí mỡ xào tỏi lại càng bùi béo, thơm lựng. Sách báo khoa học còn phân tích các thành phần trong cả quả và hạt bí để khẳng định lợi ích của nó là bổ não, chống đau đầu nữa nhưng bà cấm. Cứ nghĩ đến hình ảnh mảnh quả bí vương vãi khắp nơi trộn lẫn não người trắng phớ là bà lại giận run người rồi đổ bệnh nằm liệt giường cả tuần, me dỗ dành thế nào bà cũng không gượng dậy được, những nỗi ám ảnh kinh hoàng sau lần gặp chú Tín và nghe chú kể lại cái chết của bố, làm bà thêm giận hờn, thương xót, thỉnh thoảng bà lại hờ lên:

-Con chết vì quả bí con ơi, con chết vì bệnh thành tích Hân ơi…

Rút trong “Chuyện dài XHCN Việt Nam”

Trần Khải Thanh Thủy

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái đảng quái cs đẻ ra vô số quái đản. Ở quê tôi, chỉ vài ngày sau ngày phỏng g. trong một cuộc tập hợp của dân cư khu phố tên bí thư xả sau một lúc ba hoa, lếu láo anh ta bắt đầu xử dụng tiếng Đan Mạch, tiếng Đức … bác con chỉ biết nhìn nhau lắc đầu …. 33 năm sau tôi trở về thăm gia đình thì thấy anh ta đi lang thang và vẫn xử dụng tiếng Đổ Mười nhưng lần nầy đối tượng là cái quái đảng mà anh ta từng phục vụ!

  2. Hay quá! Đảng ta đúng là đỉnh cao trí tệ mới nông nỗi này! Xưa, thì chục mạng thí cho quả bí trong thời binh loạn thì giờ thí cả chục ngàn mạng nô lệ xứ ngoài để mang vinh quang và đô la về cho quê Boác.
    Chỉ đáng buồn là tại sao các người trẻ có kiến thức lại vâng lời mấy thằng xếp đại ngu để chết thảm? Câu trả lời duy nhất có lẽ là: chiến tranh giai cấp cs đã cho sâu bọ lên làm người, nên Chuyện Dài XHCN Việt Nam còn và sẽ vẫn còn rất nhiều những chuyện trời ơi đất hỡi như thế này, ngày nào còn cs trên đất nước này.
    Cám ơn chị TKTT.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên