Châu Á tuần qua

3
Hành khách tại ga xe lửa Seoul ở Hàn Quốc ngày 23 tháng 5 xem TV đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) sẽ gặp nhau. (Ảnh AP/Ahn Young-joon)

Họp ba bên

Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gặp nhau vào thứ Hai tại Seoul, lần đầu tiên sau hơn bốn năm, để thảo luận về cách nối lại hợp tác.

Ba bên gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2008 và dự tính họp lại mỗi năm, nhưng vì đại dịch COVID-19 và mối quan hệ hay có phức tạp giữa ba nước láng giềng nên năm nay mới đồng ý gặp lại.

Thủ tướng Lý Cường sẽ đại diện cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Lý Cường chưa thấy có sứt mẻ gì với đại ca giống như Lý Khắc Cường tiền nhiệm.

Thủ tướng Nhật Kishida đang ở thế yếu. Cuộc thăm dò hồi tháng 5 của đài NHK cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông ở mức ảm đạm 24%, giảm so với mức 36% vào tháng 10 năm 2023. Trong cuộc bầu cử đặc biệt vào tháng Tư đảng Dân chủ Tự do của ông cũng không mấy thành công.

Mức ủng hộ của cử tri Hàn Quốc dành cho Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng không cao. Kết quả bầu cử bết bát vừa qua khiến ông phải gặp các đảng khác để mời họ hợp tác chia quyền. Ông cũng xin lỗi cử tri về chuyện bà vợ nhận quà là một túi sách tay hàng hiệu mấy ngàn USD.

Trung Quốc phản ứng với Mỹ

Trung Quốc đã phản ứng mạnh sau khi Hoa Kỳ tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc bán sang Mỹ.

Trước nhất, Bắc Kinh đang xét đến chuyện đánh thuế 25% đối với ô tô từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Hiện tại, chỉ những chiếc xe có động cơ lớn mới bị ảnh hưởng; tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất của Mỹ và EU sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu chuyện này thành hiện thực.

Ngoài ra, để phản ứng trước việc Hoa Kỳ phàn nàn rằng Trung Quốc đã tạo thuận lợi về vũ khí cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ba nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ với lý do “bán vũ khí cho Đài Loan”.

Một công ty con của Boeing và hai công ty con của General Electric, cả ba đều sản xuất các mặt hàng quân sự, đã bị Bộ Thương mại Trung Quốc thêm vào danh sách “Các thực thể không đáng tin cậy”. Các công ty này bị cấm hoạt động hoạt động thương mại hoặc đầu tư tại Trung Quốc và CEO của họ không được nhập cảnh Trung Quốc

Các biện pháp trừng phạt này trong thực tế chỉ có tính cách tượng trưng, vì ba công ty này sản xuất các mặt hàng quân sự nhạy cảm, không được bán cho các quốc gia được coi là đối thủ của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng trừng phạt ông Mike Gallagher, cựu dân biểu Cộng hòa của tiểu bang Wisconsin, vì đã tỏ thái độ ủng hộ Đài Loan. Gallagher sẽ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc, tài sản của ông tại Trung Quốc sẽ bị đóng băng và ông bị cấm giao lưu với các tổ chức và cá nhân Trung Quốc. Lệnh trừng phạt được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chúc mừng tân Tổng thống Đài Loan nhậm chức .

Ba người đăng quang

Tại Singapore, ông Lawrence Wong đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ tư trong một màn kế nhiệm được thiết kế cẩn thận để bảo đảm tính liên tục và ổn định. Là một nhà kinh tế tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, Wong, 51 tuổi, kế nhiệm ông Lý Hiển Long, 72 tuổi, từ chức sau hai thập niên cầm quyền.

Tại Việt Nam, ông Tô Lâm đã tuyên thệ làm Chủ tịch nước sau những tin đồn cả nhiều ngày trước khi có tin chính thức. Các tin đồn này mang sắc thái mà từ hay dùng bây giờ là “đầy kịch tính”. Cư dân mạng chả nghe những gì ông Tô thề, chỉ để ý thấy mấy chú em cầm cờ đứng sau lưng ông Tô là những khuôn mặt mới, có lẽ là để xả xui.

Tại Đài Loan, bài diễn văn nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, lên thay Tổng thống Thái Anh Văn, kêu gọi Trung Quốc chớ nên đe dọa hòn đảo. Ông cũng úp úp mở mở về chuyện có đòi độc lập hay không.

Mới nhậm chức hôm trước thì ngay hôm sau, các đại biểu Quốc hội Đài Loan đã có màn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau về dự luật có nên cho các đại biểu thêm quyền giám sát chính phủ hay không. Các ông bà đó đã ra đòn đấm đá, tát, vồ, thậm chí nhảy lên bàn vít cổ nhau thế mới kinh.

Cư dân mạng than thở làm đại diện cho dân ở xứ Đài thật là đầy bất trắc, nhập viện dễ như chơi; không nhàn hạ như làm đại diện cho dân ở xứ Đông Lào. Cũng có người nói rằng chửi nhau, đánh nhau vì dân, vì nước thì tốt quá, chứ giữ im lặng hoặc nhất trí mà chỉ làm khổ dân, ví dụ như thẻ căn cước, thậm chí còn âm thầm triệt hạ nhau mới đúng là chẳng ra gì.

Bên Thái Lan, 40 đại biểu Quốc hội hôm thứ Sáu đã kiến nghị Tòa Bảo Hiến bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì cho rằng ông này đã vi hiến khi bổ nhiệm Pichit Chuenban, một cựu luật sư, làm bộ trưởng văn phòng Thủ tướng. Ông Pichit đã bị bỏ tù 6 tháng vào năm 2008 vì tội hối lộ 2 triệu baht (55.218 USD) cho các quan chức tòa án, số tiền được giấu trong một bao giấy. Luật sư đoàn Thái rút giấy phép hành nghề của ông trong 5 năm.

Người Việt tại Tân Thế Giới

Úc và New Zealand đã gửi máy bay đến di tản công dân của họ đang bị kẹt ở Nouvelle Caledonie, lãnh thổ hải ngoại đang có xáo trộn của Pháp tại Nam Thái Bình Dương.

Máy bay C-130 của New Zealand cất cánh khỏi căn cứ Không quân Whenuspai đi giải cứu công dân của họ bị kẹt tại Tân Thế Giới (Ảnh của Michael Criag/NZ Herald via AP chụp ngày 21/5/2024)

Máy bay C-130 của Không quân Hoàng gia Úc đã hạ cánh xuống Noumea, thủ phủ của quần đảo sau khi được chính phủ Pháp bật đèn xanh. Cuộc xáo trộn từ giữa tháng 5 cho tới giờ này đã khiến 6 người chết và hàng trăm người bị thương. Bạo lực được châm ngòi từ một dự luật được Quốc hội Pháp thông qua tại Paris, sẽ mở rộng quyền bầu cử ở quần đảo cho những người đã sống ở đó từ 10 năm trở lên. Dự luật có thể gạt ra ngoài lề người Kanak bản địa, chiếm 41% dân số 270.000 người, từ lâu đã tìm cách độc lập khỏi Pháp. Tổng thống Pháp đã tức tốc đến tận nơi và ra lệnh tạm hoãn bầu bán.

Việt Nam không xa lạ gì với Nouvelle Caledonie, thường gọi là Tân Thế Giới. Có khoảng 3.000 người Việt sống ở đó. Họ một phần là con cháu chắt của những người tù chính trị mà thực dân Pháp đã giam ở Côn Đảo bị đưa đi đày sang đó cách nay hơn một thế kỷ (1891); phần còn lại là hậu duệ của những người phu mỏ được Pháp tuyển mộ đến đó theo hợp đồng 5 năm.

Người Việt tại Nouvelle Caledonie hiện nay đã có cuộc sống ổn định nên có lẽ không cần các Chuyến Bay Giải Cứu. Và các DLV của Đảng ta cũng có thể la toáng lên: thấy chưa, hồi xưa Thực dân Tây đã có xuất khẩu lao động, bây giờ Đảng ta đã hiên ngang nối tiếp truyền thống đó.

Một mai qua cơn mưa

Sau những ngày nóng như chảo lửa, Sài Gòn lại mưa như thác đổ, kết quả vẫn như cũ: ngập. Tại chợ Thủ Đức, các bạn hàng chỉ biết đứng nhìn nước trôi bằng thái độ bất lực xen lẫn tiếng thở dài.

Theo Fbooker Kiem Ba Mai, lý do ngập là vì mặt đường chợ này thấp hơn mặt nước rạch Cầu Ngang từ 5 đến 7 tấc. “Chợ Thủ Đức là tâm trũng nhất của LƯU VỰC THOÁT NƯỚC từ các đường: Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư… gom về đây và chảy theo đường cống xuống rạch Cầu Ngang, thoát ra sông Sài Gòn”. Khi xây dựng khu vực này, thủ trưởng các cơ quan chức năng của thành phố HCM có người không biết nguyên tắc bình thông nhau, một nguyên tắc mà học sinh lớp 8 nào cũng có học. Anh Sáu Lênin đã nói một câu bất hủ: “Lòng nhiệt tình (cách mạng) cộng với sự ngu dốt đẻ ra sự phá hoại”.

Nhà thầu xây dựng nói rằng lý do ngập là vì nắp cống thoát nước bung lên sập xuống. Nó bung là vì phải để nắp cống tiện tháo ra đậy lại cho công nhân vệ sinh nạo vét. Fbooker Kiem Ba Mai xém té đái. Nếu nắp cống được hàn hay bắt bù lon cho nó “cố định” thì hệ thống cống chung quanh chợ Thủ Đức sẽ nổ tung lên khi mưa lớn!

Cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức nhận định dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân đã phát huy hiệu quả, nhưng mưa vượt thiết kế, vì vậy cống bung đường bể.

Nói nôm na là chúng tôi triển khai dự án đó đúng bài bản, đúng các điều kiện của gói thầu, nhưng xảy ra ngập là vì mưa lớn quá mức chúng tôi nghĩ.

Điều đó có nghĩa là ông Trời phải chịu trách nhiệm, cần phải đưa ổng ra trước Ban chấp hành TW, đề xuất biện pháp để đưa sang Quốc hội “bầu” xem có nên khai trừ và miễn nhiệm tất cả các chức vụ của ổng hay không.

Trong lúc người dân Thủ Đức vật lộn với ngập lụt, xe cộ chết máy thì thủ trưởng các cơ quan chức năng có liên quan đến dự án vẫn vô tư ăn nhậu trên sân thượng các tòa nhà cao từng của họ, vừa nhậu vừa ngắm dân đen loay hoay bên dưới, vừa dè bỉu sao chúng chẳng chịu mua lu hứng nước nên mới ra nông nỗi.

Ở các nước giãy chết, người dân có quyền thay đổi lãnh đạo bất tài bằng lá phiếu. Ở thiên đường XHCN, cũng có bầu cử, nhưng ứng cử viên là người được Đảng chọn, người ta gọi đó là Dân chủ Tập trung.

Châu Quang

3 BÌNH LUẬN

  1. Thủ tướng thiên đường XHCN Nguyễn Xuân Phúc thời năm 2020 nói: “cái cột điện mà biết đi nó sẽ về Việt Nam”, bây giờ chán làm Thủ tướng nên nói: “thà làm cột đèn ở Mỹ hơn sống ở VN”?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên