Bị cáo Đinh La Thăng [2]

0
Ảnh VNN

Tiếp theo phần I

Phần 2: Tập đoàn kinh tế và nỗi đau thể chế

Bị cáo Đinh La Thăng đang đứng trước Toà với cáo buộc phạm tội thời ông làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia VN. Báo chí đăng tin ông đã nhận trách nhiệm người đứng đầu và xin Toà xem xét cho cấp dưới.
Chắc chắn sẽ có án dành cho ông. Tôi không bàn chuyện này, vì đó là việc của các cơ quan tư pháp.

Tôi quay lại câu chuyện các tập đoàn kinh tế nhà nước của VN. Với tiền thân là các tổng công ty 91 được thành lập hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến năm 2005 thì tập đoàn kinh tế đầu tiên được thành lập là Tập đoàn bưu chính viễn thông VN, một năm sau đó thì Tập đoàn dầu khí quốc gia VN được thành lập.
Tôi nhớ, trong suốt 2 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch luôn ra rả đề nghị hoàn thiện thể chế kinh tế đối với các tập đoàn, ông nói thẳng rằng ở nước ngoài thì mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước được quản lý bằng một đạo luật riêng. Nhưng đề nghị của ông Lịch không nhận được quan tâm đúng mức, hoặc là do vấn đề quá khó hoặc là do người ta không hiểu những gì vị TS kinh tế này cảnh báo.

Cũng như trước đó, năm 2010, đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ việc ở Vinashin, thì có vị đại biểu Quốc hội đứng lên phản kích: “đừng vì Vinashin mà làm phức tạp tình hình”. Cái vị phản kích ấy đang giữ một chức vụ hàm bộ trưởng, còn GS Thuyết trở về với công việc viết sách giáo khoa thân thuộc của mình.

Kể từ khi Thủ tướng quyết định “thí điểm” thành lập mô hình tập đoàn kinh tế đến nay, chưa có ai chính thức tuyên bố kết thúc thí điểm mô hình này, mà chỉ có sự điều chỉnh (ví dụ từ chỗ cho kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và sau đó yêu cầu thoái vốn, tập trung cho lĩnh vực chính).

Trong quá trình “thí điểm”, chúng ta đã chứng kiến gần như tập đoàn nào cũng “có chuyện”. Vậy mà hơn 20 năm rồi, thể chế quản lý DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, vẫn chưa được hoàn thiện.

Hàng loạt các lãnh đạo tập đoàn bị kỷ luật, bị truy tố, xét xử, thụ án. Ông Đinh La Thăng không là ngoại lệ. Trong số những người bị kết án, có nhiều người đã tận hiến cả cuộc đời vì công việc, vì nghề mà họ yêu thích, có nhiều thành tích nổi bật làm lợi cho đất nước, quê hương. Tôi đơn cử trường hợp ông Phùng Đình Thực, một người con sinh ra từ vùng đất hiếu học Hoằng Hoá quê tôi, là một du học sinh giỏi nổi tiếng, bảo vệ luận án TSKH về dầu khí biển tại Liên Xô. Khi về nước, ông xuôi ngược Bắc – Nam, dặm trường từ đồng bằng đến biển cả, để tìm dầu. Ông có nhiều sáng kiến hết sức có giá trị đối với ngành kinh tế chủ lực – là cứu cánh của hầu bao ngân khố VN mấy chục năm nay.

Làm 100 dự án thành công, những chiếc bằng khen và thậm chí là danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN như ông Phùng Đình Thực, có thể không ai nhớ; nhưng chỉ một dự án thất bại, sai lầm, sai phạm, thì bị nguyền rủa suốt đời.

Hẳn nhiên là sẽ có người nói: không muốn bị đi tù thì khi đương chức đừng có sai phạm. Hôm kia tôi đọc fb của một anh bạn nhà báo, đại ý rằng khi một lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố thì đó là sai phạm của cá nhân, nhưng khi nhiều lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo ở nhiều tập đoàn bị khởi tố, thì phải xem lại cái thể chế ấy có lỗi gì không?

Nhìn ở góc độ này, không ít người vừa là tội nhân, lại vừa là nạn nhân.

Nguồn FB Lê Kiên

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên