Vì sao khơi lại vụ ‘MobiFone mua AVG’?
Vụ ‘MobiFone mua AVG’ tưởng như đã chính thức đóng hồ sơ vào cuối năm 2018, khi Hội nghị trung ương 9 đã chỉ ‘cách hết chức vụ’ đối với cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nhưng lại không đụng chạm gì đến người đồng chí cùng chiến hào và cùng chức vụ với Son là Trương Minh Tuấn. Thậm chí sau hội nghị này, Tuấn vẫn giữ nguyên được cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương như một lá bùa hộ mệnh.
Trước đó, những cái tên quan chức bị ‘đóng hòm’ chỉ là giới lãnh đạo của MobiFone như Cao Duy Hải, Lê Nam Trà, Phương Anh và quan chức quản lý Phạm Đình Trọng, nhưng không hề hiện ra cái tên Phạm Nhật Vũ – lãnh đạo Công ty AVG và là em trai của tỷ phú đô la số một Việt Nam là Phạm Nhật Vượng.
Về phần mình, Phạm Nhật Vượng có vẻ đã làm những gì có thể cho em trai mình: gần 8.000 tỷ đồng cả ‘gốc’ lẫn tiền lãi đã được nộp lại cho đảng như một cách ‘khắc phục hậu quả’. Ngân sách rốt cuộc đã thu hồi tiền và chẳng mất mát gì. Theo lẽ thường tình của bộ máy pháp đình xã hội chủ nghĩa, vụ việc hay vụ án chỉ dừng ở đó và chỉ mang tính cảnh cáo răn đe là chính, chứ không phải là một cuộc truy đuổi hình sự rốt ráo như cái cách mà Bộ Công an mới khởi tố và tống giam Phạm Nhật Vũ vào trung tuần tháng 4 năm 2019.
Trong bối cảnh ấy, tội danh ‘đưa hối lộ’ được quy về Phạm Nhật Vũ, rất đồng pha với việc hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố thêm tội danh ‘nhận hối lộ’, là một động thái tố tụng hình sự mới tinh và khiến cho nhiều người ngạc nhiên, tuy đa số dư luận vẫn ủng hộ phương án ‘Tổng tịch’ phải xử lý nghiêm vụ ‘MobiFone mua AVG’ bằng tòa án chứ không phải các cuộc họp chi bộ chỉ để ‘kiểm điểm’.
Vì sao vụ ‘MobiFone mua AVG’ được khơi lại, mà lại khởi theo cái cách ‘dám’ bắt cả em trai của một tỷ phú đang sở hữu một tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ có thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam mà còn được xem là chỗ dựa của nhiều quan chức cao cấp?
Phạm Nhật Vũ có phải là nhân vật cuối cùng bị bắt trong vụ ‘MobiFone mua AVG’, hay còn những nhân vật khác và ‘chúa’ hơn sẽ tiếp nối?
Phải chăng cái đích trong vụ ‘MobiFone mua AVG’ mà Nguyễn Phú Trọng nhắm tới phải là ‘sâu chúa’, còn những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng chỉ là loại làm thuê?
Hãy nhìn lại một nhân vật mà từ đầu đến cuối được xem là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’: Nguyễn Thanh Phượng.
“Công chúa” nắm vai trò gì?
Theo một số thông tin xuất hiện rải rác trên mạng xã hội bắt đầu từ năm 2015 và đặc biệt nổi bật vào đầu năm 2018 khi Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Có 4 đơn vị tư vấn thẩm định giá “thương vụ mafia” AVG là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng; Hà Nội Value thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Công ty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng.
Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.
Trong khi AASC và VCBS đều là những thương hiệu lớn, thì Hanoi Value và AMAX đều là công ty rất nhỏ, vốn điều lệ của Hanoi Value chỉ là 1 tỷ đồng và của AMAX chỉ là 3,8 tỷ đồng. Với khả năng tài chính như vậy, việc Hanoi Value và AMAX được tham gia tư vấn cho một dự án lớn tính bằng trăm triệu đô đến tỷ đô như vậy là kỳ quái.
Chỉ một năm sau khi thương vụ thẩm định giá trên hoàn thành, Hanoi Value đã chuyển thành công ty mỹ viện, chuyên chăm sóc sắc đẹp. Còn AMAX vẫn là một công ty nhỏ với vốn điều lệ giữ nguyên 3,8 tỷ và gần như không có gì nổi bật sau khi được nhận một thương vụ rất lớn như thế. Người đại diện pháp lý và là Tổng giám đốc là Võ Văn Mạnh, một Thạc sỹ giảng dạy tại Fulbright.
Ngay sau khi kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG” của Thanh tra Chính phủ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ để chuyển sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, một hiện tượng đáng chú ý là một số tờ báo nhà nước đã xoáy vào trách nhiệm của công ty tư vấn thẩm định giá vụ AVG, đặc biệt đặt dấu hỏi “AMAX là công ty nào?”, trong khi không quan tâm lắm đến vai trò của các công ty tư vấn lớn hơn nhiều là AASC và VCBS.
Một luồng dư luận cho rằng “Manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phẩn nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả… Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng”.
Nguyễn Thanh Phượng lại là con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
‘Sâu chúa’ là những ai?
Vào năm 2015 và ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, trên mạng xã hội xuất hiện một bản giải trình 12 điểm được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là thủ tướng – gửi Tổng bí thư và Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giải trình về tài sản của “cháu Nguyễn Thanh Phượng” và việc bà Phượng lấy chồng là con trai của một quan chức thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng việc bà Nguyễn Thanh Phượng không có tên trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ vào tháng 3 năm 2019 cho thấy một khả năng: không chỉ bà Nguyễn Thanh Phượng có thể “thoát” vụ “Mobifone mua AVG”, mà cả cha con Nguyễn Tấn Dũng vẫn tạm thời an toàn.
Từ “tạm thời” có lẽ là hợp lý nhất trong một chính trường luôn xáo trộn, nơi mà những hứa hẹn, cam kết luôn đầy sắc thái ma mị và có thể bị hủy bỏ, lộn ngược vào bất kỳ lúc nào.
Nhưng giờ đây, thời thế đang lộ ra sự lộn ngược của nó khi một lý lẽ như đinh đóng cột đang dần hiện ra: đã bắt Tuấn và Vũ, không thể không bắt Phượng.
Bởi theo logic vốn phải thế, một khi Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã khai ra nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, sẽ đến lượt Vũ và hai nhân vật của AMAX vừa bị bắt cùng Phạm Nhật Vũ là Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh và nhân viên – phải khai ra ai là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’.
Trước đó, dường như Nguyễn Phú Trọng đã không có được những lời khai đắt giá ấy từ hai phiên tòa xử Đinh La Thăng vào đầu năm 2018 và cả từ đại gia ngân hàng Trần Bắc Hà – kẻ được xem là thũ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng bởi thế, 2018 là năm mà ông Trọng loay hoay với những vụ án lớn, nhưng chỉ lớn và kéo dài đến nửa đoạn đường dẫn đến cửa nhà cựu thủ tướng Dũng. Cái còn thiếu là bằng chứng theo nguyên tắc ‘án tại hồ sơ’.
Vụ ‘MobiFone mua AVG’ là sự tiếp nối của vụ Junin 2 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiều dấu hiệu hối lộ đến 584 triệu USD cho các quan chức Venezuela để nhận được quyền khai thác dầu khí tại mỏ Junin 2) – cả hai đều phảng phất bóng dáng Nguyễn Tấn Dũng.
Dấu hỏi còn lại: Nguyễn Thanh Phượng có phải là ‘sâu chúa’ mà Trọng muốn bắt? Hay còn ai nữa?
Logic là thế, nhưng thực tế diễn biến ra sao lại phải chờ ‘Tổng tịch’ có qua được cơn hiểm nghèo ‘tai biến’ vừa xảy ra với ông ta tại Kiên Giang – nơi được xem là căn cứ địa cách mạng của gia độc Nguyễn Tấn’ – vào ngày 14/4/2019 hay không.
Phạm Chí Dũng
Nguồn VOA
Có mùi bọ-xít.
Bắt cái quần tà-lỏn của nó.
Trọng không đụng đến Dũng vì có thỏa ước ngầm ,Phương lấy việt kiều Mỹ con trai của Ngụy ,và phương đã có Quốc tịch Mỹ ,Tài sản tẩu tán qua Mỹ hết rồi có chụp cho vào lò đốt Phượng cũng bình chân như vại ,bat hàng thêm rêu duyệt ruồi nhưng không dâm đã Hổ ,./