Ba Lan, lan man chuyện

2
Chợ Việt trên phố Bakalarska

Dường như, cái tên Balan (Poland) đã sớm đi vào tuổi thơ tôi. Và ký ức mang theo cái dấu ấn ấy cứ dai dẳng, thật khó gọi thành tên. Để rồi, từ đó lớn lên tôi không chỉ yêu Công đoàn Đoàn kết, mà khoái luôn cả cái món bóng đá Balan, với những cái tên: Boniek, Lato… Nguyên nhân có lẽ cũng bởi cái ngày ấy, ông cậu út từ Balan về. Ông không chỉ kể về đất nước, con người nơi đây, mà còn tặng cho mẹ tôi chiếc máy may mới kính cong còn trong hộp. Dù còn bé tí, tôi vẫn tò mò tập đạp, tập may làm gãy hết cả mấy hộp kim dự phòng. Mẹ tôi không mắng, nhưng nhìn có vẻ xót xa lắm…

Sau này, cuộc sống đưa đẩy, tôi đi vào con đường buôn lậu máy khâu, máy vắt sổ. Hết mua gom hàng (cáy) tàu biển, rồi đến hàng thùng của những người từ Đức, từ Tiệp mang về. Thi thoảng tôi bắt gặp những đầu máy may của Balan, khoái nhất là máy zickzack. Tuy giá tiền rẻ hơn máy may Nhật, đắt hơn Veritas của Đức, nhưng: Máy Balan cày vải bạt, quần bò thì thôi rồi. (Đấy là lời của những người thợ may gia công, hàng chợ).

Chẳng vậy, vào giữa thập niên tám mươi, khi sang Đức, tôi tìm mua ngay máy may zickzack Balan trang bị cho các thợ may quần bò đểu. Ông bà nào cũng khoái. Bởi, máy Balan không những khỏe, mà đường kim mũi chỉ còn rất đẹp, và không kén vải…

Vậy mà, sống giữa trời Âu đã gần bốn chục năm, tôi vẫn chưa thể một lần đến với Balan. Dù tôi có khá nhiều bạn ở đó. Hôm rồi, gã bạn Vũ Quang Vinh cựu sinh viên Đại học tổng hợp Katowice (từ cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước) điện bảo: Bệnh thật rồi, Đỗ Trường sang với tôi ngay nhé!

Lấy quan điểm của “đảng ta” mà soi rọi, thì cái gã Vũ Quang Vinh này thuộc dạng hạnh kiểm yếu kém. Học xong không chịu về nước, lại còn ẵm thêm một em mắt xanh, mỏ đỏ, nhìn ngứa mắt lắm.

Bặt tin Vũ Quang Vinh đã rất lâu. Khoảng chục năm trước, tôi nhờ nhà báo Việt Hồng (Đàn chim Việt-Balan) tìm gã. Rất may, nhà báo Việt Hồng biết Vũ Quang Vinh. Bởi chồng chị cũng du học Balan sau Vinh một năm. Tuy nhiên, sau những năm tháng dài cùng vợ làm tham tán, hay an ninh gì đó của Sứ quán Balan ở nước ngoài, gần đây Vũ Quang Vinh đã xách vali đến ở ké anh chị em người Việt buôn bán ngoài chợ rồi. Vậy là gã đã trở về với cái món văn hóa nước mắm của mình. Rất may, hắn gặp được một tâm hồn Việt đồng cảm. Tuy rổ rá cạp lại, song xem chừng sóng gió đã dịu êm. Do vậy, nhìn kỹ thấy mồm miệng gã vẫn còn cong cong, tròn tròn, chứ chưa đến nỗi lẩm bẩm, méo xệch như đám gà chọi (cựu lưu học sinh) ở Đức, hay Tiệp.

Căn bệnh quái quỷ đến bất ngờ, có thể sẽ làm cho tinh thần Vũ Quang Vinh giao động mạnh, nên chúng tôi sang ngay. Để cho Vũ Quang Vinh thật yên tĩnh nghỉ ngơi, điều trị, chúng tôi thuê khách sạn Ibis budget Warszawa Reduta gần nhà gã.

Từ Leipzig, xe chúng tôi qua Dresden đón vợ chồng Bình Thu. Đã lâu Bình Thu cũng không sang Warszawa. Nhân thể sang Vinh, vợ chồng Bình Thu thăm luôn mấy người em đang hành nghề bán buôn hàng vải ở Chợ Người Việt, thuộc ngoại ô Warszawa.

Đường Autobahn (cao tốc) số 4 chạy vắt ngang nước Đức cho đến vùng biên Görlitz. Từ đây được nối với con đường cùng tên (số 4) đến tận Wroclaw (Breslau) Balan. Dường như, đường cao tốc vùng phía Tây Balan được xây dựng mới, hay cải tạo lại hoàn toàn. Tuy không nhiều làn (xe) bằng  Đức, nhưng những điểm dừng, nghỉ như một công viên xanh thu nhỏ vậy. Với hệ thống nhà vệ sinh nước nóng, lạnh thoáng, sạch đẹp không hề thu phí. Thật tuyệt vời. Và nghe nói, từ Đức sang Warszawa chỉ có con đường này không thu tiền thuế đối với xe hơi? Kể cũng lạ, các ông Tiệp, Pháp, Balan… sang Đức, xe chạy tẹt ga, chẳng mất đồng thuế má, phí tổn nào, thế mà xe từ Đức sang các bố cứ nọc ra nã tiền đều đều.

Chưa thể nói là đi nhiều, song những nước tôi đã đến, có lẽ không đâu đường phố nhiều cây xanh, bóng mát như Warszawa, kể cả các thành phố của Đức. Thả bộ dọc con đường từ khách sạn Ibis budget đến nhà Vũ Quang Vinh, nối tới khu chợ hoa của người Việt, đâu đó thoang thoảng mùi hoa sữa, chúng tôi cứ ngỡ mình đang đi trong (phố) công viên vậy. Mỗi bên phố, vỉa hè rất rộng, với vạch ngăn đôi người đi bộ và xe đạp. Nó được kẹp giữa bởi hai hàng cây cổ thụ sum suê, cao ngất. Và chúng tôi bắt gặp, nhiều con phố có đến bốn hàng cây như vậy. Trước cửa nhà ở, hay nhà hàng, quán ăn có những ô thảm cỏ, hay bụi cây xanh rờn. Tôi đã bước đi, nhưng Bình Thu còn tần ngần ngoái lại, lẩm bẩm: Chẳng cứ Việt Nam, kể cả ở Đức cũng vậy, những khoảnh đất đẹp như tranh vẽ này, chắc chắn chính quyền đã cho thuê hàng quán, chỗ ngồi nhậu từ lâu rồi…

Tôi không ngờ, tinh thần Vũ Quang Vinh vững vàng, lạc quan trước bệnh tật đến vậy. Mấy tuần trước, bác sĩ đã mổ cắm vào khí quản hắn một cái ống thở, có van mở ra đóng vào. Khi muốn nói chuyện hắn phải đóng cái van đó lại mới có tiếng. Vậy mà, bảy giờ hắn đã lái xe đến khách sạn, gọi bảo, đón chúng tôi đi ăn sáng. Chúng tôi đã đặt ăn cả ngày ở khách sạn, nhưng thấy Vinh lọ mọ đến, thật cảm động. Do vậy, chúng tôi bỏ ăn sáng ở khách sạn, lên xe đi cùng Vinh. Hỏi bà Nguyễn Yến (vợ Vinh) đâu? Vinh bảo, Yến đã đạp xe ra trước đặt bánh cuốn rồi.

Xe chạy một đoạn, chợt có tiếng vịt kêu quạc quạc ngay trong xe làm cho mọi người giật cả mình. Bình Thu đưa mắt nhìn quanh, rồi hỏi:

-Ông vừa đi bắt vịt về đấy hả? Bệnh tật, sức khỏe thế này vẫn không bỏ được cái món ấy sao.

Vinh lấy tay xoay xoay cái ống thở, cười cười:

-Cái ống ở cổ của tôi nó kêu đấy! chứ vịt gà gì. Mấy nay sát trùng xong, tôi còn rửa cái van đóng bằng nước nóng, nên nó bị co giãn, méo mất một chút. Do vậy, thỉnh thoảng nó kêu, đâm nhớ quê, nhớ thuở còn đi chăn vịt đồng ông ạ. Đã điện cho bệnh viện, họ bảo mai tôi vào thay cho cái mới.

Không phải là người dễ bị xúc động, nhưng ngồi bên cạnh nhìn cái ống thở phì phò, đôi lúc rít lên quạc quạc trên cổ Vinh, tự nhiên nước mắt tôi muốn ứa ra. Vinh quay sang tôi:

-Sụt sịt cái gì? Còn ngon lành. Bệnh tật chưa vật được tao đâu!

Tôi gượng cười, với cái cười như thiếu mắm muối vậy, rồi lẩm bẩm trong họng: Sang thăm hỏi động viên an ủi nó, không ngờ nó xoa nắn tinh thần lại cho mình.

Do vậy, để che lấp sự ngượng ngùng, tôi chuyển ngay sang đề tài học hành thi cử ở Balan…

Mới quá bảy giờ sáng, vậy mà chợ hoa đã tấp nập. Các quán ăn rậm rịch những bước chân. Tiếng hò, gọi nhau như réo vọng hồn quê Việt. Chúng tôi đang ngơ ngác nhìn quanh, chợt có mấy ông người Digan, hay Bun, Ru gì đó, đi cứ như muốn đâm thẳng vào mình vậy. Không hiểu sao chợ này lắm người vật vờ đến thế. Mặt mũi ông nào nhìn cứ thấy gian gian, chẳng khác gì mấy ông người Việt chuyên nghề đập đá, đi bay ở chợ Berlin. Vinh bảo, cẩn thận mấy ông mãnh này.

Vào hàng đã thấy Yến đang so bát đũa bên những đĩa bánh cuốn chả còn bốc khói. Qủa thực, ở cái tuổi lục tuần, ăn uống nhiều khi cũng phải nhìn trước ngó sau rồi, nhưng bánh cuốn nơi đây rất ngon, nên chúng tôi quất thật lực. Ăn xong, để cho các bà dạo quanh chợ, Vinh gọi thêm ấm trà, ba thằng ngồi chờ. Sợ Vinh mệt, tôi bảo:

-Ông về nghỉ đi, vài ba cây số chút nữa chúng tôi đi bộ về cũng được. Bọn mình sáng nào chẳng đi bộ dăm, bảy cây quen rồi. Nhất là được đi bộ trên phố trong rừng của Warszawa thật tuyệt vời.

Vinh bảo, không sao đâu, ông sang tự nhiên tôi phấn chấn, khỏe hơn ra, rồi đột nhiên hỏi:

-Đỗ Trường còn nhớ thằng Hà Vũ, trường chuyên (cấp 3) ở Đại học tổng hợp, rồi sang Balan cùng tôi không?

-Nhớ. Vũ là bạn học và cùng làng Đồng Qũy, Giáo Phòng gì đó với Ngô Thanh Hoàn. Năm 1978, tôi và Hoàn đến ông, có gặp Vũ mấy lần ở Trường ngoại ngữ Thanh Xuân. Nghe đâu nó đã mất. Chắc chắn ông biết rõ cái chết của nó. Và hình như, mấy năm trước khóa đại học của ông đã đưa hài cốt Vũ từ Balan về Việt Nam.

Đã đưa tách trà lên môi, song nghe tôi hỏi, Vinh vội đặt xuống:

-Đúng vậy! Có thể nói, cuộc sống, hoàn cảnh của Vũ và tôi khá giống nhau. Nhưng nó không may mắn, số khổ. Học xong, tôi và nó đều bùng, không về nước. Tuy nhiên, tôi kịp cưới cô bạn học người Balan, cho nên việc ở lại cũng đơn giản hơn. Còn Vũ trốn về vùng quê ở nhờ một gia đình người Balan. Và lúc này hắn cũng đã có một cô bạn gái. Nhưng Vũ học sĩ quan chỉ huy tàu biển, do quân đội quản lý. Trốn ở lại, có nghĩa là đào ngũ. Do vậy, an ninh Việt Nam càng truy tìm ráo riết. Và Vũ đã bị an ninh Balan bắt giữ. Trên đường áp giải bàn giao cho an ninh Việt Nam, chuyện trò thế nào, an ninh Balan mới biết, Vũ can tội ở lại Balan chỉ vì tình yêu. Vậy là anh ninh Balan đã lập tức quay ngược đầu xe, trả Vũ về với tình yêu, và giúp đăng ký kết hôn, ổn định giấy phép cư trú. Thời gian đó, tôi đi bán hàng rong ngoài chợ trời, nuôi cô vợ sinh viên và hai thằng con sinh đôi. Còn Vũ chui hầm đào than. Một công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Và số Vũ nhọ thực sự. Hôm ấy, nó và hai thằng Balan chui hầm. Đào mệt các bố lôi rượu ra uống. Và Vũ nhìn lên trần hầm, hình như có hiện tượng sạt lở. Cũng như mọi lần, Vũ kiểm tra, chống, và vít lại những nơi đó. Hai thằng Balan mặc kệ sạt lở, mặc kệ đời, cứ ngồi ực đều đều. Lúc sau, chỗ Vũ đang loay hoay tìm cách chống đỡ, thì than và gỗ đổ ập xuống. Trần sập một đoạn, và còn nghe tiếng kêu rên của Vũ, nhưng không hiểu sao hai gã Balan không gọi cứu hộ? Có lẽ, do rượu chăng? Vậy là cái chết từ từ đến với Vũ trong tột cùng đớn đau, và sợ hãi…  

Sợ Vũ Quang Vinh quá xúc động làm tiếng vịt kêu nơi (van) khí quản tăng tần suất, tôi cắt ngang lời Vinh bằng câu hỏi:

-Một thủ khoa khóa đại học của ngành tàu đường biển như Vũ, mà không tìm được công việc nào khác chăng?

Uống cạn tách trà, và dường như câu hỏi của tôi chạm đúng vào mạch suy nghĩ,  nên Vinh cười cười:  

-Không phải không tìm được việc khác, cùng lắm tạm thời đi bán hàng rong như tôi, hằng tháng thu nhập cao gấp mấy lần chui hầm đào than. Nhưng Vũ chỉ khoái công việc đó. Không những vậy hắn còn vẽ ra tương lai tươi sáng của cái nghề này. Âu đó là cái gàn gàn, dở dở của Vũ. Thật ra, cái sự học, sự đào tạo ở Balan cũng khác xa với Việt Nam. Đưa sang Balan, hay Nga, Đức, Tiệp học phải là những đám “gà chọi” như có lần Đỗ Trường đã viết. Tuy là những học sinh giỏi ở trong nước, nhưng sang đây chúng tôi cũng chỉ học cùng với phần đông sinh viên trung bình của Balan. Về toán, lý cơ bản năm đầu, sinh viên Balan hỏi chúng tôi có thể giúp anh ta không. Nhưng những năm cuối chuyên ngành vẫn chính sinh viên Balan ấy hỏi lại: Chúng tôi có cần sự giúp đỡ của anh ta không.

-Như vậy, có nghĩa là sự đào tạo ở Việt Nam cơ bản là học vẹt, học chay, kể cả bậc đại học, và sau đại học? Bình Thu từ nãy ngồi chỉ gật gù, đột nhiên hỏi lại Vinh như vậy.

Không trả lời thẳng câu hỏi của Bình Thu, nhưng Vinh bảo: Tôi có một kỷ niệm thật khó quên với một giáo sư gốc Hungary dạy năm đầu đại học… Nói không ngoa tẹo nào nhé, tôi là một trong những sinh viên giải toán nhanh của khóa học. Do vậy, có lần giáo sư đưa cho một bài toán, bảo mang về nhà làm, xong đưa lại cho ông. Ngay buổi tối hôm đó tôi giải xong, và đưa lại cho giáo sư. Đọc xong, ông lắc đầu, bảo chưa được. Tôi mang về nhà giải theo cách khác, cũng có kết quả như vậy. Hí hửng mang ngay đến cho giáo sư. Tưởng được lời khen, không ngờ ông vẫn lắc đầu, không được. Bực mình tôi cãi lại, và đưa hết các công thức, định luật của bác học này, nhà toán học kia, mà mình đã dựa vào đó để để lập luận, chứng minh… Để tôi tuôn ra hết, lúc đó giáo sư vỗ nhẹ vai tôi bảo: giải theo những công thức định luật có sẵn, thì tôi cần anh làm gì. Cái tôi cần, bài toán giải theo cách nghĩ, công thức của riêng anh, và không cần biết kết quả đến đâu, như thế nào. Lúc đó, tôi mới hiểu ý của giáo sư, và sững người lại khi chợt nhận ra cái sự học gạo của mình từ trước đến nay, làm cho tập sách trên tay rơi tuột xuống đất. Quay lại, định nói một điều gì đó với giáo sư, nhưng bóng ông đã khuất sau cánh cửa nơi giảng đường…

Không để cho Vinh nói hết, Bình Thu bóp nhẹ vào vai hắn bảo:

-Chẳng cứ toán học, đến văn học cũng vậy. Đọc những bài nghị luận, phê bình, chẳng thấy cái mới, cái tôi của tác giả đâu, mà chỉ thấy trích dẫn câu nói của triết gia này, nhận định của thi bá kia, như một cái khiên/chắn cho lập luận cũ rích của mình vậy. Chán hơn cơm nếp nát. Chán hơn nữa là dẫn dắt câu nói ba lăng nhăng của ông to bà lớn hù dọa người đọc. Cái trò này, tôi chán ngấy phải học, đọc ngay từ cái thời cấp hai, cấp ba, cùng cái mớ văn mẫu vớ vẩn chẳng hiểu do đám ăn hại đái nát nào nghĩ ra…

Mặt trời đã lên ngang ngọn cây, với những tia nắng sớm vắt qua cửa sổ nơi chúng tôi ngồi. Và câu chuyện bị cắt ngang, bởi các bà vợ đã quay trở lại. Vinh đứng dậy định chở chúng tôi về khách sạn, nhưng một tài xế Taxi từ đâu đi tới, nói một tràng tiếng Balan. Vinh hỏi lại người lái xe, rồi quay lại bảo chúng tôi: Có ông bà Giang Huyền đã thuê Taxi này đến chở mọi người thăm phố cổ Warszawa.

Vợ chồng Giang Huyền là em con ông cậu của Bình Thu. Giang Huyền cựu sinh viên Đại học bách khoa Hà Nội khóa 25. Với mái đầu tóc gió thôi bay, gặp lần đầu cứ ngỡ gã học khóa15. Nên tôi gọi hắn bằng anh, xưng em rất kính cẩn, lễ độ. Hắn vội chắp tay: Xin bác đừng làm đàn em tổn thọ.

Chẳng biết hắn có dính dáng gì đến đánh đấm, thương tật thời chiến biên giới phía bắc hay không, mà đôi chân so le với bước đi bật bông, cứ như chửi nhau vậy. Chẳng phải chỉ có dáng dấp đối nghịch, mà tâm hồn hắn cũng vậy. Gặp nhau vừa ghệ đít ngồi đã nghe hắn chửi. Hắn chửi tuốt tuồn tuột từ trên xuống dưới, từ Balan về đến Việt Nam. Có lẽ, gã này mắc chứng nghiện chửi? Mấy bà vợ đi cùng rỉ tai nhau như vậy.  Nhưng với tôi, đó là nỗi ấm ức của kẻ sĩ lỡ vận, chỉ có gã mới thấm, và hiểu…

Dòng sông Vistula không chỉ là nơi quần tụ, làm nên thành phố, mà còn là linh hồn Warszawa. Khi chúng tôi đến, những con phố cổ dường như mới bắt đầu tỉnh giấc. Nhưng nơi góc phố nhỏ đã có người nghệ sĩ già đang mải miết chơi, và bán những đĩa nhạc Chopin cũ. Tôi không phải người nghiên cứu văn hóa, nên chỉ cảm nhận được cổ thành, hay những con phố cũ ở châu Âu nơi nào cũng có nét hao hao giống nhau. Để tìm ra đặc trưng riêng của mỗi nước, mỗi thành phố cần lắm một người nghiên cứu am hiểu lịch sử văn hóa sắc tộc, vùng miền. Viết đến đây, làm tôi nhớ một lần chở vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo sang Praha. Ở đó nhà văn Trần Ngọc Tuấn đón chào bằng món tiết canh, và nhậu thơ, rồi rong chơi. Qua lâu đài, và những cây cầu, với tình sử thuộc khu phố cổ, bác Tuấn luôn miệng hướng dẫn giảng giải. Mới đầu, bác Hảo hơi nhíu mày. Lúc sau có lẽ không nhịn được nữa, bác Hảo gắt: Trần Ngọc Tuấn dừng lại, không chỉ râu ông nọ cắm cằm bà kia, mà còn bịa ra rất nhiều điển tích. Bác Tuấn biết là bị bắt vở, nên gãi đầu gãi tai: Gớm! em chịu bác. Nhiều đoàn Việt Nam sang, hay từ các nước khác đến, nghe em hướng dẫn, giảng giải cứ gọi là tít thò lò.

Sà vào nơi bán đồ uống, rồi đến khu bán đồ lưu niệm, mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi vòng về quảng trường chợ phố cổ Warszawa. Đi một đoạn, thấy có một cô gái Balan rất đẹp đứng giữa đường chụp ảnh lấy ngay, với giá không đồng. Thấy cũng lạ, chúng tôi dừng lại. Vừa lúc cô gái đưa cho cặp người Đức tấm ảnh vừa chụp, và in ra bằng máy tự động. Có lẽ, do ảnh ghép lạ, khung cảnh, thần thái mang mang chất cổ phong nên vợ chồng người Đức khoái, nhận ảnh và bỏ 2€ vào túi của cô thợ ảnh. Có thể nói, đây là một kiểu phục vụ, kinh doanh đánh đúng vào tâm lý con người, tâm lý khách hàng. Nếu cứ ấn định giá mỗi bức ảnh một hoặc 2€ chưa chắc đã có người chụp. Nhưng chụp không mất tiền, vẫn có ảnh, rất nhiều người tò mò chụp thử. Khi khách du lịch đã cầm bức ảnh của mình, cảm thấy vừa lòng, thì có lẽ không ai tiếc mấy đồng tiền lẻ. Chẳng vậy Bình Thu kéo chúng tôi chụp bằng được. Nhận ảnh gã khoái, móc ví rút tờ 20€ bỏ vào túi cô thợ ngay tắp lự. Không chỉ cô thợ ảnh ngạc nhiên, cảm ơn nhiều lần, mà tôi và Hòa cũng giật mình. Bà Thu Bình cười cười, nhưng miệng lẩm bẩm:   

-Già rồi, mà trông thấy gái đẹp cứ tít cả mắt vào. Có ngày nó thiến sống…

Sáng hôm sau còn đang ngủ, Giang Huyền gọi điện đến bảo: Hôm nay các bác về Đức, đường cao tốc nào cũng buộc phải đi qua khu chợ người Việt. Do vậy, em mời các bác vào thưởng thức món phở Hà Nội ở đây rất tuyệt vời. Nghe có lý, do vậy ở khách sạn chúng tôi chỉ uống café, bỏ phần ăn sáng.

Khi chúng tôi đến, chợ còn vắng khách. Giang giục vợ đưa chúng tôi đi thưởng thức món phở Hà Nội ngay. Hỏi, ông không đi cùng sao? Các bác cứ đi, sáng nào cũng vậy, dậy một phát là em phải múc ngay. Tôi hơi bị mất hứng. Nhưng không đi ăn, ngồi lại nghe gã chửi cũng nhức đầu.

Buổi sáng, không hiểu sao hàng phở vẫn vắng khách. Có thể nói, mỗi người có khẩu vị khác nhau, ngon với người này, chưa hẳn ngon với người khác. Đã ăn phở ở Berlin, ở Praha, ở Budafest…nhưng với tôi không đâu chán như hàng phở Hà Nội ở chợ người Việt thuộc ngoại ô Warszawa.

Leipzig ngày 10-6-2023

Đỗ Trường

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo chế độ Tự Do Dân Chủ!

    Cách Mỹ hàng chục ngàn cây số
    Đại Hàn Nhật Bản Tân Gia Ba
    Nghèo tài nguyên – thuộc vùng Đông Á
    Họ bỏ xa Venezuela Cuba!

    Điều gì họ làm nên kỳ tích
    Nhựt Bản Nam Hàn Tân Gia Ba?
    Trước nhứt họ lánh xa Mác xít
    Giao thương cùng Hiệp Chủng Cờ Hoa!

    Theo chế độ Tự Do Dân Chủ!

    Cuba Venezuela nằm cạnh Mỹ
    Tài nguyên thiên nhiên lại dồi dào
    Đồng môn đồng chí loài ngạ quỷ
    Giao thương bưng bô lũ Nga Tàu!

    Thủ tướng huyền thoại Lý Quang Diệu
    Người đã hóa rồng Tân Gia Ba
    Không viển vông thêu dệt cường điệu:
    “Ngu, không giao thương với Cờ Hoa”!

    Nông Dân Nam Bộ

  2. Ngày Hội Hoa Đăng không còn xa!

    Như có phép lạ biến Trung Hoa
    Từ một nước lạc hậu nghèo đói
    Đã hóa rồng như Tân Ga Ba
    Chỉ sau bốn mươi năm đổi mới

    Bắt đầu từ thảm họa Cô Vy
    Tiếp nối là tập đoàn Hoa Vi
    Giấc mơ Trung Hoa đang tan vỡ
    Suy thoái đi dần vào chu kỳ

    Vùng không tranh chấp thành tranh chấp
    Vùng tranh chấp đem quân xâm lăng
    Thách thức đe dọa – tự cô lập
    Bẫy nợ nham hiểm – đầy dã tâm

    Đang lăm le tiến chiếm Taiwan
    Nhưng trời không chiều lòng kẻ gian
    Chế độ độc tài phải sụp đổ
    Quan thầy sẽ kéo theo Việt Nam

    Nhìn từ Cuba qua Venezuela
    Nga – Bắc Triều Tiên và nước ta
    Cuối cùng tàn lụi là Đại Hán
    Ngày Hội Hoa Đăng không còn xa!

    Nông Dân Nam Bộ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên