Ảnh hưởng văn hóa Pháp: Francoise Sagan thập niên 1960 tại miền Nam Việt Nam

0

 

Người Pháp đã cuốn cờ ra đi sau 1955 mang theo người lính viễn chinh cuối cùng rời VN sau gần 100 năm họ có mặt. Nhưng cái văn hóa và nghệ thuật của họ thì tồn tại một cách rực sáng nhất là thời Đệ I Cộng Hòa miền Nam V.N.

Chẳng những vậy, còn có thể coi nó như một trong dòng chảy văn học bên cạnh dòng chảy văn học bản địa miền Nam và dòng chảy từ Bắc di cư vào Nam.

Nó có mặt và tỏa sáng nơi phần đông giới trí thức thành thị, nhất là trong giới sinh viên đại học. Nước Pháp tự thân có một nền văn chương cổ kính, lâu đời với nhiều trào lưu tư tưởng có sức lan tỏa và ảnh hưởng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhất là Triết học Hiện sinh đã được rao truyền rộng rãi và là một hiện tượng nổi bật với những triết gia hàng đầu của Pháp như J.P. Sartre, Simone De Beauvoir, Albert Camus, Malraux và nhiều người khác.

Đến nỗi có thể nói, có một cái Mode Hiện Sinh trong lối suy nghĩ và lối sống hằng ngày của giới trí thức tiểu tư sản thành thị miền Nam.

Chẳng hạn đi đâu cũng cặp kè điếu thuốc lá trên môi, cặp nách một cuốn sách Les mains sales, dáng điệu ngông ngênh khác người!!!

Tuy nhiên, dù được phổ biến rộng rãi. Số người biết loáng thoáng thì nhiều, kiểu nghe nói. Nhưng số người biết đến nơi đến chốn thì không bao nhiêu. 10 người vị tất đã được một.

Trong cái hiện tượng được phổ biến rộng rãi đã biến dạng đến chỗ bất cứ hiện tượng xã hội, bất cứ xi căng đan nào cũng đều đổ oan cho chủ nghĩa hiện sinh. Chẳng hạn một vụ tự tử, một chuyện tình ái lăng nhăng, người ta vội nói do ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh.

Sau này cộng sản xâm chiếm miền Nam, dù khả năng hiểu chủ thuyết Hiện Sinh biết giới hạn, ở số không. Họ cũng hồ đồ phê phán vung tít mẹt với những dụng ý chính trị mà cứ lầm tưởng rằng đang làm một cuộc phê phán văn học, triết học!!!

Riêng tại miền Nam đã rộ lên có nhiều tác giả, nhiều bài viết, nhiều bản dịch về Sagan.

Năm 1959, Nguyễn Vĩ đã dịch cuốn Bonjour Trístesse -Buồn ơi, xin chào.. Nguyễn Văn Trung với bài: “Trường hợp Sagan hay vấn đề luân lý trong tiểu thuyết”. Lê Huy Oanh, một giáo sư Anh văn cũng nhảy vào dịch Bonjour Tristesse thành: Buồn ơi xin chào. Nguyễn Minh Hoàng dịch:”Un certain sourire” ( Có một nụ cười). Mãi đến năm 1973, Bửu Ý mới dịch” Dans un mois, dans un an”( Một tháng nữa, một năm nữa). Cũng năm 1973, Đinh Bá Kha dịch” Les merveilless nuages” ( Những đám mây huyền diệu).

Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.

Nhà văn Miêng đã nhận xét “ Văn Sagan thuộc loại cổ điển, câu ngắn, dễ dãi, không trau chuốt bóng bảy, thẳng thắn, hờ hững, bất cần, cá tính mạnh, nhẹ nhàng, lịch lãm chuyển tải trực tiếp rung cảm của tác giả.”

Sagan với: Lối sống, lối nghĩ, lối hành động thẳng băng đến vô tình, đến thản nhiên. Quan hệ tình dục ngang trái, khác đời thường của một nữ sinh tuổi đời mới 18 còn ngồi trên ghế nhà trường. Nó không có cái nết na, thùy mị như thường thấy. Nó bạo dạn, tự nhiên trở thành lời mời gọi, quyến rũ lạ thường. Nó có vẻ như mới quá, lạ lùng, bất ngờ đến không ai có thể nghĩ tới.

Nó đẩy con người vào một tình thế ngang trái, bất thường mà con người không lường trước được.

Các nhà văn trong nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế kỷ 20 cũng mới đấy, nhưng vẫn không theo kịp.

Đến các nhà văn nữ thập niên 1960 như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ có nét gì trùng hợp với Francoise Sagan chăng? Không ai dám nói họ bắt chước, nhưng có cái gì phảng phất không khí Sagan. Đặc biệt như cuốn Vòng Tay  học trò của Nguyễn Thị Hoàng. Cũng một mối tình ngang trái, ngoài khuôn khổ, bạo trợn bất cần dư luận?

Còn các nhà văn nữ khác thì mô tả tình dục một cách đậm đặc, sống sượng, đào sâu từng ngóc ngách, “ rất mặn” như thể đó là mục chính của tác phẩm, của nhân vật truyện.

Trong khi đó, truyện của Sagan “ không mặn”, cụt, hững hờ, không màu mè, diêm dúa.

Bởi vì mục đích của Sagan không phải là mô tả những “ sen” tình dục mà bà coi cuộc đời như muốn nhắn gửi: Cuộc đời này chẳng có nghĩa lý gì, cuộc sống chẳng ra làm sao. Có sao cũng chẳng làm sao!! Thản nhiên hầu như vô cảm.

Trong khi đó các nhà văn nữ của ta đáng nhẽ chỉ nên coi tình dục như một phương tiện phải vượt qua. Bởi vì không vượt qua được thì chỉ là những tác phẩm dừng lại cái dục tính mà thôi.. Nó không gợi lên được một lối nhắn gửi, một thông điệp cho đời.

Vấn đề không phải là tình dục  mà chiều kích và dự phóng của  nhà văn mà nhà văn muốn nhắn gửi.

Nhà văn lớn hay nhỏ nằm ở chỗ ấy. Chiếu kích lớn, dự phóng lớn sẽ dẫn đưa tới cơ hội nhà văn lớn!!

Sau này truyện của Chu Tử cũng học đòi bắt chước, theo đuôi với một nhan đề vỏn vẹn có chữ “  Yêu”. Chú Đạt và cô “cháu gái” tên Diễm mới 9 tuổi đã đòi yêu. Dù sao thì Chu Tử cũng chỉ là một nhà báo hơn là một nhà văn.

Bên cạnh những J.P. Sartre, A. Camus và Sagan trong dòng chảy văn học Pháp ấy, nó còn có sự hòa nhập và sự sự đóng góp của dòng âm nhạc Pháp vốn tự nó có truyền thống lâu đời với nhiều ca sĩ nổi danh một thời. Âm nhạc tự bản chất, nó là loại ngôn ngữ truyền cảm- vốn là một thứ ngôn ngữ quốc tế- Esperanto– nên dễ thu phục được lòng người.

Nhiều người hẳn không quên được giọng ca  tình tự ngọt ngào, giọng kể lể làm say đắm lòng người của nữ ca sĩ Sylvie Vartan.

Bà đã đánh thức dạy và thổi một luồng gió mới một thời đam mê của tuổi trẻ miền Nam. Và hẳn còn một số ca sĩ tên tuổi khác như Johnny Hallyday Christophe, Francois Hardy, Sheilla, Dalida..vv

Chưa kể đến ngành điện ảnh với sự đột sáng chói lòa của một Brigitte Bardot với dáng vóc gợi cảm, tràn đầy nữ tính, với những mối tình ngắn hạn, của một tháng, một năm, rồi vụt qua đi.

Tất cả không trừ, nó tạo thành một một mẫu số chung của văn học Pháp của sự tươi trẻ khích động của một làn gió mới. Nó mời gọi, quyến rũ, say mê giới trẻ, vượt qua những hàng rào cấm cản khe khắt của phong tục, luân lý và ngay cả tôn giáo.

Và ở miền Nam lúc bấy giờ, có một nữ sinh viên văn khoa thời đó, nữ ca sĩ Thanh Lan, học trường Pháp với phát âm tiếng Pháp rất chuẩn mực, có một nốt ruồi duyên dáng trên môi phải cũng đã nổi tiếng một thời hát nhạc Pháp, được giới thanh niên ưa chuộng.

Giọng Thanh Lan với khuôn mặt, nụ cười tươi trẻ,  đánh thức tiềm năng tuổi trẻ. Hát nhạc vui tươi- tránh xa những dòng nhạc buồn tỉ tê.  Cùng lắm nó  như kể chuyện, lúc lên xuống gợi cảm ngọt ngào như  thể uống được” một ly chanh đường”..

Và dòng nhạc ấy tự nó kéo dài cho đến cả sau 1975.. có thể cho đến hiện nay.

Nhưng thôi, xin ngừng lại ở đây để trở về với đề tài chính của chúng ta bắt đầu với nhà văn nữ Francoise Sagan.

 Francoise Sagan (1935-2004)

Cô là một tuyệt phẩm có một không hai của nền văn học Pháp. Một  “Nouvelle vague” tiêu biểu cho lớp thanh niên Hippie. Về mặt triết lý, người ta gán cho Sagan một “Cái mốt hiện sinh”, một thương hiệu, “một produit type”. Và hiểu một cách bèo bọt có nhiều người gọi Sagan là “Đứa con hoang của chủ nghĩa hiện sinh”.

Đứa con hoang hay không thì không biết. Chỉ biết rằng nó có mặt như thế với một cách thể hiện. Sự có mặt của nó tự nó là đủ rồi!!!

Ở Việt Nam, sở dĩ Sagan được biết đến thoạt đầu là do Nguyễn Nam Châu trong cuốn sách của ông : “ Những Nhà Văn hóa Mới” đã mở cửa đón chào giới thiệu Sagan mà từ đó người ta được biết đến.

Thế rồi chẳng ai khuyến khích, cái mốt Hiện sinh ấy còn được tiếp nối và trực tiếp giới thiệu trên tờ Bách Khoa, năm 1958 với bài: “ Sứ mệnh của văn chương Francoise Sagan” của tác giả Cô Liêu, tức Vũ Đình Lưu, một dịch giả tài ba.

Nói đến “Sứ Mệnh” là  to tát quá. Nó chỉ làm công việc mà nó cần làm là sự thể hiện như thể nó là như thế.

Sagan Francoise Quoiriez viết cuốn truyện đầu tay Bonjour Tristesse (Buồn ơi, chào mi) vào năm 1954, lúc cô 18 tuổi.

Cuốn truyện rất mỏng, dày chưa tới 200 trang, hoàn tất trong bảy tuần lễ khi mới 18 tuổi. Thoạt đầu in có 8000 cuốn, thời gian sau lên đến 4 triệu rưởi cuốn trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, ngoài Nguyễn Nam Châu giới thiệu, Nguyễn Vỹ đã dịch tác phẩm vào năm 1959. Và sau này, rất nhiều dịch giả đã dịch lại.

Con người của Sagan thế nào thì nó thể hiện ngay trong chính cuốn sách của tác giả.

Cuộc đời và câu truyện như thể là một.

Hồi còn là học sinh trung học, bà đã được gửi vào trường Couvent des Oiseaux vào năm 1947. Nhưng với bản tính ngổ ngáo, thích tung bay ngoài khuôn khổ nên bị nhà trường đuổi, vì thiếu tính thiêng liêng.

Theo Miêng: “ Sau thế chiến hai, các cô muốn thoát khỏi ảnh hưởng gia đình, khỏi ảnh hưởng bà nội, bà ngoại luôn áp đặt mọi chuyện…(..) Phải lập gia đình rồi mới luyến ái..Thuốc ngừa thai chưa phát minh. Chuyện phá thai phải chạy qua Thụy Sĩ giải quyết.. Trai gái chỉ tán tình nhau bằng lời. Tìm khoái lạc là cái gì lạ lùng. Pétain cũng chống, De Gaulle cũng chống…Năm 1954 cũng là thời nước Pháp mỏi mệt vì hai cuộc chiến tranh thuộc địa, Đông Dương và Algérie… Dân chúng chán nản, hững hờ, luân lý chẳng ảnh hưởng  gì tới nền chính trị bận rộn..Sagan là hiện tượng độc đáo lúc bấy giờ, vừa ra khỏi hiện thực xã hội..Buồn ơi chào mi là “: vũ điệu trần truồng giữa căn nhà ngủ người lớn” đầy sức sống thanh xuân vừa vô luân vừa quyến rũ không cưỡng lại được.. Và cái quyến rũ này đã đưa văn học Pháp cũng như thế giới ra khỏi cằn cỗi không mầm sinh mới, nó khiến cái vô luân còn đáng yêu đáng tha thứ và khiến người chỉ trích cũng phải lựa lời.”

Hay nói đúng ra là thiếu nghiêm chỉnh, ra ngoài khuôn khổ.

Năm 1951, bà đã rớt tú tài và đã la cà khu Saint Germain des Prés, thưởng thức nhạc Jazz. Nơi mà sau này bà gặp J.P. Sartre, lớn hơn bà 30 tuổi.

Một điểm nổi trội là bà rất mê đọc sách. Theo tôi, một nhà văn không đọc sách thì vốn viết sẽ mòn theo thời gian.. Cái thú đọc sách đã un đúc bà trở thành nhà văn kiệt xuất. 13 tuổi đã đọc Les nourritures terrestres ( Thực phẩm trần gian) của André Gide. Và sau này đọc Rimbaud, Camus, Sartre, Stendhal, Faulkner..

Francoise Quoirez

Bà sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935, chọn bút hiệu Sagan từ nhân vật của Proust trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông : “À la recherche du temps perdu”( Đi tìm thời gian đánh mất) mà bà vốn ái mộ ông.

Theo Miêng, một nhà văn nữ trong nhóm “Ăn Mày Văn Chương” cùng với Phan Huy Đường, Nam Dao, Phạm Trọng Luật và nhất là nhà văn Mai Ninh. Không lạ gì Bà Miêng đã có những nhận xét khá chi tiết và thấu đáo về Sagan. Bà cho hay: Sagan đã dùng câu thứ nhì của Paul Eluard trong bài “À peine défigurée” (Hơi biến ảnh). Đó là câu đầu: Adieu tristesse.- Buồn ơi vĩnh biệt.

Sagan đã lấy câu thứ nhì: Bonjour tristesse. Buồn ơi chào mi.

Cũng theo Miêng, Sagan đã bước vào văn học Pháp một cách bất ngờ và làm rung chuyển văn học Pháp và chưa  biết bao giờ bà ra khỏi cái vinh quang ấy.

Bởi vì bà đã chuyển tải được tính chất nổi loạn và sự hoài nghi, yếm thế của rất nhiều giới trẻ sau chiến tranh.

Câu chuyện Buồn Ơi.Chào Mi rất giản dị và thâu tóm trong  4,5 nhân vật. Bà kể lại câu chuyện, năm 17 tuổi, bà hoàn toàn sung sướng với bố và nhân tình của bố: Elsa. Sagan hiểu rõ cha là một người phóng túng, góa vợ đã 15 năm. Cha của bà so với tuổi còn đầy nhựa sống và năng động, thay đổi người tình xoành xoạch..Thật ra ông là loại người phù phiếm, mau chán, giỏi việc thương mại. Nhưng ông rất galăng, biết tử tế, chiều chuộng và rộng lượng.. Thật khó kiếm được một người như thế thú vị như ông.

Vào đầu mùa hè, ông hỏi tôi có phản đối việc ông mang theo Elsa.. Elsa là bồ của ông, cao, tóc đỏ, gợi cảm và cũng dễ thương. Người hiền lành, đơn giản.

Ông đã thuê một ngôi biệt thự lớn ở Méditerranean mà ngày ngày họ ra tắm biển, phơi nắng dưới mặt trời gay gắt để có được mầu da mầu hồng.

Đó là một cuộc sống của giới trưởng giả thành thị tưởng rằng sẽ mãi là như thế.

Nhưng bên cạnh đó còn có Anne, một người đoan trang và đứng đắn vốn là bạn cũ của bà mẹ quá cố.

Sagan tự xưng tôi trong truyện là Cécile thì hoàn toàn phóng túng và tự do, cô không chịu ép mình vào khuôn khổ gò bó, nghiêm chỉnh của Anne. Mặc dầu Anne có khuôn mặt khả ái và quyến rũ.

Cécile còn biết rằng bố có ý định tính truyện trăm năm với Anne.

Cécile đã sắp đặt cho bà cô Anne thấy bố đang âu yếm Elsa.

Bà cô Anne quá thất vọng đã phóng xe và gây ra tai nạn chết.

Sau cái chết của Anne, Cécile biết buồn và sống thác loạn.

Cuộc sống phóng túng và thác loạn, ăn chơi, cờ bạc, ma túy.

Số tiền nhuận bút khổng lồ mà nhiều khi bà vẫn sạch túi.

Bà có dáng bề ngoài với mái tóc xõa lại sô lệch phủ trán, dáng người mảnh mai, ánh mắt tinh nghịch như trẻ con.

Ngoài cái vẻ mong manh  bề ngoài ấy ấy, theo Miêng, trong đầu

Lại chứa đựng sự tự do, táo bạo, cực kỳ thông minh, năng động, nổi loạn, bất chấp, độc đáo và được hầu hết mọi người yêu quý. Bà lại có tác phong liều lĩnh, ham xe thể thao, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy, yêu cuồng sống vội, thích cười đùa, thích ái mộ, thích cảm giác mạnh phóng xe như điên nên nhiều lần suýt gây ra tai nạn thảm khốc như vào năm 1957.

Bấy nhiêu tĩnh từ, bấy nhiêu cảm giác mạnh, liều lĩnh…Liệu đã đủ nói lên cuộc đời của bà chăng?

Về cuộc sống hôn nhân của bà cũng không xuông xẻ gì. Lần thứ nhất, lúc bà 23 tuổi(1958), với Guy Schoeller lớn hơn bà 20 tuổi. Hai năm sau hai người ly dị. Lần thứ hai, năm 27 tuổi, ( 1962) với điêu khắc gia người Mỹ Robert Westhoff và có với ông này một đứa con trai tên Denis. Một năm sau bà ly dị và từ đó bà sống độc thân.

Bạn bè của bà thường là những người nổi tiếng trong văn giới, điện ảnh như J.P.Sartre, Francois Mitterand sau này là Tổng thống Pháp, nữ minh tinh điện ảnh Brigitte Bardot- một khuôn mặt gợi cảm, sexy, khêu gợi nhục cảm làm mê hoặc giới trẻ một thời.

Bà đã để lại cho đời khoảng 50 tác phẩm có giá trị. Phần lớn phảng phất vóc dáng của bạn bè hoặc của chính bà. Họ thường là những người giàu có, đời sống dễ dãi, tự do, tìm vui và trốn tránh những nỗi buồn…

Vì thế, nước Pháp và thế giới nợ bà nhiều lắm. Họ mất đi một nhà văn có tài xuất sắc nhất, sự thu hút và ảnh hưởng không chối cãi được của đời sống văn học.

Cũng theo Miêng, Sagan không phải chỉ là một nhà văn mà là một con người- một con người dám sống, dám mê mọi thói tật, ham mê viết, ham mê văn chương.

Sự liên hệ với một Sartre lúc cuối đời, bà đã chở Sartre trên xe, phóng đi ăn chơi và họ cười đùa vô tư như học trò. Trong quyển: Avec mon meilleur souvenir ( Kỷ niệm đẹp nhất của tôi) xuất bản năm 1984, Sagan viết về Sartre với lời lẽ trân trọng yêu quý, kể lại những thông đồng giữa hai tài danh thế kỷ XX, không khoe khoang, chỉ khiến người đọc thích thú say mê, thích thú trước đầu óc và tâm hồn và chữ nghĩa riêng của mỗi người.

Tuy nhiên, đó là biểu hiện một chút tiêu hoang nhộn nhịp của lớp người thượng lưu bên ngoài và nỗi cô đơn không cùng bên trong.

Đúng như Bernard Frank (bạn thân của Sagan) cho rằng Sagan đầy nhục cảm trong triết hiện sinh, nhưng là “ Một chút mặt trời trong nước lạnh” cũng là nhan đề một cuốn sách của Sagan.

Theo Miêng, dù những năm cuối đời túng thiếu bệnh hoạn, không bao giờ Sagan tỏ ý hối tiếc về cách sống phóng đãng của mình, vẫn luôn luôn ham sống.

Vì thế sự ra đi của chính  bà đã gây công phẫn cho chính bà, vì cho đến giây phút cuối cùng bà vẫn không muốn chết.

Báo chí Pháp đã đổ bao nhiêu giấy mực khi bà sống, thì ngay bà nằm xuống mực cũng tốn rất nhiều thay nước mắt tiếc thương một con người tài hoa, một con người sống thật..

Một con người tài hoa, thông minh cực kỳ tinh sảo. Với một nụ cười sầu muộn mà hấp dẫn. Nước Pháp mất đi một con người ngoại hạng, một nghệ sĩ đầy tài năng!!! Amen.

  • Một vài chú thích và tóm tắt câu chuyện dựa trên diễn đàn Chân Phước Liên. Nhan đề Francoise Sagan, tiểu yêu nữ khả ái.
  • Cô gái trong truyện tên Cécile, 17 tuổi. Họ cùng nhau đi nghỉ hè ở biển Côte d’Azur cùng với cxha cô, Raymond, khoảng 40 tuổi, góa vợ và bà Elsa, tình nhân của cha. Cha cô có mời thêm một người bạn cũ của bà mẹ cô là Anne. Trên bãi biển, Cécile có quen một sinh viên cũng đi nghỉ hè tên Cyril và họ cùng nhau đi chơi, đi bơi, đi khiêu vũ. Rồi hai người hôn nhau và làm tình .

Bà Anne là một người đàn bà cỡ 40 tuổi, chăm sóc Cécile như một người mẹ và khá nghiêm khắc. Bà cũng tỏ ra không ưa Cyril và muốn cô bỏ anh ta để lo học để thi lại bằng tú tài mà cô đã hỏng năm rồi.

Đã thế, sau này cha cô lại yêu Anne, bỏ rơi Elsa và dự định kết hôn khiến cô lại càng tức giận.

Thế là Cécile và Cyril giàn cảnh một kế hoạch để ly gián hai người. Được sự đồng ý của Elsa, ( bà này cũng đang bị tình phụ), họ giàn cảnh yêu đương và để cho cha cô trông thấy. Cha cô tức giận vì tình nhân của mình lại bị một người trai trẻ đáng tuổi con mình chiếm đoạt nên hối hận quay về với Elsa.

Phần Anne bắt gặp Raymond và Elsa âu yếm nhau, buồn tình bỏ đi, rồi bị tai nạn xe chết.

Mọi người hối hận, nhưng mọi sự như thể đã rồi. Cha cô và cô trở về Paris sống lại đời sống bình thường.

Nhưng Cécile bây giờ không còn vô tư hồn nhiên như trước nữa mà phát sinh ra một tình cảm mới: Nỗi buồn…

Vào lúc 19 giờ 35, ngày 24 tháng 9 tại bệnh viện Honfleur, tại miền Nam nước Pháp, Francoise Sagan đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 69 tuổi vì bị máu nghẹt ở phổi.

Denis, đứa con trai duy nhất có mặt cùng với bà Marie-Thérèse Le Breton- người quản gia từng nuôi bà. Họ ở bên bà vào những  giây phút cuối cùng. “ Sagan nói với tôi: “ Tôi không muốn chết” và rồi bà ấy chết trong tay tôi, đôi mắt mở lớn, bà quản gia kể lại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên