Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe

0

Thứ Tư ngày 15/11/2017 quân đội Zimbabwe đã thực hiện một hành động mà hầu hết giới quan sát xem đấy như là một cuộc đảo chính chống lại tổng thống Robert Mugabe. Bất chấp tối hậu thư của đảng cầm quyền gia hạn cho đến đúng 12 giờ trưa hôm nay, nhưng Robert Mugabe không cho thấy ý định từ nhiệm trong bài diễn văn ngày hôm qua. Trong khi đó, chuyến thăm Trung Quốc của tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe một tuần trước khi xảy ra đảo chính đang đặt ra những nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong vụ này.

Theo báo mạng Les Yeux du Monde (Nhãn quan Thế giới), trên thực tế, Bắc Kinh có rất nhiều lợi ích về kinh tế và tài chính tại Zimbabwe. Quan hệ song phương giữa hai nước đã có từ những năm 1980 và được thắt chặt hơn nữa trong những năm 1990. Nếu như với phương Tây, tổng thống Robert Mugabe là nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata) vì những lý do nhân quyền, thì Trung Quốc lại không ngần ngại giang tay ủng hộ chế độ chuyên chế của tổng thống Zimbabwe.

Cùng với năm tháng Zimbabwe trở thành đối tác chính và có một vị thế địa chính trị quan trọng trong quá trình Trung Quốc chinh phục châu Phi. Trung Quốc đầu tư như thác đổ vào Zimbabwe trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền chính thức của Zimbabwe.

Có thể nói cho đến lúc này Trung Quốc là nhà đầu tư và cung cấp ngoại tệ hàng đầu cho Zimbabwe. Do vậy, theo nhận định của thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ rơi Zimbabwe :

« Việc dùng vũ lực gây sức ép xẩy ra chỉ vài ngày sau khi tướng Constantino Chiwenga, lãnh đạo quân đội Zimbabwe, công du Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi được hỏi phải chăng viên tướng này báo trước cho Bắc Kinh về sự thay đổi chính trị sắp tới ở Zimbabwe, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trả lời ngắn gọn trước báo chí : Điều duy nhất mà tôi có thể nói với quý vị là chuyến viếng thăm đã diễn ra trong khuôn khổ bình thường của các trao đổi giữa hai nước về những vấn đề quân sự.

Bắc Kinh rất quan tâm đến sự ổn định của Zimbabwe, bởi vì không một nước nào đầu tư vào đây nhiều như Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một hợp đồng trị giá hơn một tỷ euro để phát triển mở rộng nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở Zimbabwe – được miêu tả là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất trong ba thập niên qua. Tiền của Trung Quốc đổ như nước vào quốc gia này, như xây một học viện quân sự mới, lắp đặt một siêu máy tính cho trường đại học, xây trụ sở Quốc Hội mới hay một trung tâm y tế hiện đại nhất.

Theo nhật báo chính thức Hoàn Cầu Thời Báo, thì sẽ không có gì thay đổi cả : Tình hữu nghị lâu đời giữa Trung Quốc và Zimbabwe sẽ vượt qua được những chao đảo nội bộ Zimbabwe ».

Trên thực tế, Zimbabwe chẳng khác nào như là một phòng thí nghiệm cho chính sách can thiệp kinh tế của Trung Quốc. Nếu như Zimbabwe có thể đạt những tiến bộ trong lĩnh vực này, điều đó có thể khuyến khích các quốc gia châu Phi khác chuyển sang Trung Quốc và như vậy sẽ càng củng cố thêm uy lực địa chính trị của Trung Quốc vốn dĩ đã hiện diện ngày càng rõ tại châu Phi.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc dường như lo ngại một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và mong muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định. Trung Quốc có lẽ ủng hộ vị phó tổng thống vừa bị cách chức, Emmerson Mnangagwa, theo học về quân sự tại Trung Quốc, được quân đội Zimbabwe hậu thuẫn, vốn được coi là có nhiều khả năng thay thế tổng thống Mugabe hơn là bà Grace Mugabe, muốn kế vị chồng và khó bảo đảm cho các lợi ích của Bắc Kinh ở nước này.

Nguồn: RFI

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên