Ngày nay, các biến cố tháng 8-1945 thường được sách báo của cộng sản (CS) gọi là “cuộc cách mạng tháng 8”. Tuy nhiên, vào lúc đó, chính người CS tự hào là đã “cướp chính quyền”. Điều nầy sách vở CS còn lưu truyền và những thường dân lớn tuổi hiện còn sống xác nhận. Mở đầu chuỗi biến cố nầy là cuộc cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945.
1. O.S.S. HUẤN LUYỆN VIỆT MINH
Nguyên tại Cao Bằng, ngày 11-11-1944, một phi cơ trinh sát Hoa Kỳ bị hỏng máy ở biên giới Hoa-Việt. Trung uý phi công Rudolph Shaw nhảy dù ra khỏi phi cơ và một đơn vị VM tìm được. Họ đưa Shaw đến gặp Hồ Chí Minh (HCM), đang có mặt ở Pắc Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (William Duiker, Ho Chi Minh a life, New York: Hyperion, 2000, tt. 282-283.)
Từ lâu HCM muốn tìm cách liên lạc với người Hoa Kỳ để nhờ giúp đỡ, nên nhân cơ hội nầy HCM đích thân đưa phi công Rudolph Shaw đến căn cứ Hoa Kỳ tại Côn Minh (Kunming) tỉnh Vân Nam (Yun Nan)), trả lại cho quân đội Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh xin tiếp kiến thiếu tướng Claire L. Chennault, tư lệnh Không đoàn 14 của Hoa Kỳ tại Hoa Nam, nhưng bị từ chối. (R. Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh, Unexpected Allies in the War against Japan, University Press of Kansas, 2006, tr. 111.) Lúc đó, người Hoa Kỳ nghi ngờ HCM và VM là cộng sản.
Tuy nhiên, sau khi quân đội Nhật đảo chánh người Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, bộ phận tình báo Đồng minh ở Đông Dương hoàn toàn tê liệt. Trong lúc tình hình biến chuyển, quân đội Hoa Kỳ rất cần tin tình báo từ bên trong nước Việt Nam và muốn O.S.S. mở cơ sở hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn. Cơ quan O.S.S. tức Office of Strategic Services (Sở tình báo chiến lược) là tổ chức tiền thân của CIA (Central Intelligence Agency). Vì vậy người Hoa Kỳ thay đổi thái độ đối với HCM. Quân đội Hoa Kỳ muốn nhờ VM cung cấp tin tức hoạt động của quân Nhật ở bên trong Đông Dương. (Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, 1980, tr. 83.)
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp thì ngày 17-3-1945, trung uý Charles Fenn, sĩ quan O.S.S., lần đầu tiên gặp HCM tại Côn Minh (Kunming). Cùng có mặt với HCM là Phạm Văn Đồng. Vì Phạm Văn Đồng không biết tiếng Anh, nên cả ba trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Fenn tỏ ý quan ngại rằng VM là một nhóm CS, thì HCM trả lời rằng Pháp chụp mũ tất cả những người yêu nước chống Pháp đều là CS. Fenn cho HCM biết là người Mỹ muốn thiết lập những trạm liên lạc vô tuyến bên trong Đông Dương. Đáp lại, HCM sẵn sàng hợp tác với điều kiện phía O.S.S. giúp đỡ võ khí và thuốc men. (R. Bartholomew-Feis, sđd. tt. 154-155.)
Ba ngày sau (20-3-1945), hai bên gặp nhau lần thứ hai, bàn chuyện HCM trở về Việt Nam, thiết lập những trạm tình báo, trang bị máy vô tuyến của O.S.S., và O.S.S. sẽ huấn luyện chuyên viên người Việt. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, tr. 355.)
Charles Fenn đặt cho HCM một bí danh bằng tiếng la-tinh là Lucius. Trong tiếng la-tinh, Lucius là tên đàn ông. Lucia là tên phụ nữ. Cả hai tên đều do chữ “Lux” mà ra. “Lux” nghĩa là ánh sáng. Có thể Fenn đặt tên nầy cho HCM vì “Minh” có nghĩa là sáng. Năm 1938, khi đến Diên An (Thiểm Tây, Trung Hoa), cộng tác với đảng CS Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc có tên là Hồ Quang, mà Quang cũng có nghĩa là sáng hay ánh sáng.
Ngày 27-4-1945, thiếu tá Archimedes L. A. Patti, trưởng toán O.S.S. 202, đóng trụ sở tại Côn Minh (Vân Nam), đến Tĩnh Tây (Jingxi), tỉnh Quảng Tây, gần biên giới Hoa Việt, gặp HCM và Lê Tùng Sơn. Từ đây, O.S.S. chính thức hợp tác với HCM và VM.
Ngày 16-7-1945, Archimedes Patti gởi một toán tình báo hỗn hợp Mỹ-Pháp, do thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy, gồm 6 người, nhảy dù xuống làng Kim Lộng (Tân Trào, Tuyên Quang). Toán tình báo nầy bắt tay ngay vào việc, lập một phi trường tạm thời cho phi cơ nhỏ hạ cánh, chọn 100 cán bộ VM để huấn luyện. (Chính Đạo, sđd. tt. 358-359.)
Để mua chuộc toán tình báo O.S.S., HCM sử dụng cả mỹ nhân kế. Có lần, đang đêm HCM gởi những cô sơn nữ trẻ đẹp đến với mục đích “phục vụ” nhân viên tình báo Hoa Kỳ, nhưng vì kỷ luật tổ chức, các nhân viên nầy đã từ chối. (Douglas Martin, New York Times, April 17, 2013.)
2. VIỆT MINH CHUẨN BỊ
Nhờ hợp tác với O. S. S., HCM biết tin Nhật Bản đầu hàng, và nhứt là tin quân Trung Hoa cùng quân Anh sẽ vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945. Hồ Chí Minh liền triệu tập đại hội đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, thành lập “Uỷ Ban Khởi Nghĩa Toàn Quốc” và ra quân lệnh số 1, phát động cuộc tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền ở khắp các tỉnh trong nước, tạo sẵn chính quyền để đối phó với quân đội Trung Hoa và quân đội Anh.
Toán 100 cán bộ VM do O.S.S. huấn luyện và trang bị võ khí, chưa bắt tay vào hoạt động chống Nhật tại Đông Dương, thì Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima ngày 6-8-1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945. Toán cán bộ nầy không còn lo đối phó với người Nhật nữa, sẵn sàng cho việc nổi dậy cướp chính quyền. Lúc đó, đảng CSĐD do HCM lãnh đạo, chưa có bộ chính trị, chỉ có ban chấp hành trung ương đảng, khoảng dưới 20 người, tổng bí thư là Đặng Xuân Khu (Trường Chinh). Tổng số đảng viên CS lúc đó trên toàn quốc khoảng 5,000 người. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 182.)
Sau hội nghị của đảng CSĐD, HCM tổ chức “đại hội đại biểu quốc dân” ngày 16-8-1945 cũng tại Tân Trào, gồm khoảng 60 đại biểu, mà VM nói là đại diện các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các sắc dân trên toàn quốc. Thực chất chỉ gồm cán bộ VMCS và những người thân VMCS.
Đại hội tuyên bố tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa của đảng CSĐD, và thành lập “Uỷ Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam”, có tính cách như chính phủ cách mạng lâm thời, với thành phần gồm toàn những người của VMCS như sau: Hồ Chí Minh (chủ tịch), Trần Huy Liệu (phó chủ tịch). Các uỷ viên: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh),Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. (Tô Tử Hạ và nhiều tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam 1945-2005, Hà Nội: Nxb. Thông Tấn, 2005, tr. 17.)
Trong khi đó, tại Hà Nội, ngày 11-8-1945, ban chấp hành mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (ĐVQGLM) gồm các đảng Đại Việt là Đại Việt Quốc Dân Đảng (Trương Tử Anh), Đại Việt Quốc Xã Đảng (Nguyễn Xuân Tiếu), Đại Việt Duy Dân Đảng (Lý Đông A), Đại Việt Dân Chính Đảng (Nguyễn Tường Tam), tổ chức phiên họp khoáng đại để quyết định đường lối hành động trong tình hình mới. Trong hội nghị nầy, xảy ra hai nhóm ý kiến đối nghịch nhau.
Trương Tử Anh, Chu Bá Phượng và người đại diện của Nguyễn Tường Long (bị đau, phải nằm bệnh viện) chủ trương rằng không nên hợp tác với Nhật vì làm như thế sẽ chống với Đồng minh. Trái lại, Nguyễn Xuân Tiếu (Nguyễn Lý Cao Kha) cho rằng nên dựa vào thế lực Nhật chiếm chánh quyền, rồi đợi các lực lượng quốc gia hải ngoại trở về lập chính phủ.
Hội nghị đang thảo luận thì đại diện của VM xuất hiện, đề nghị không nên đảo chính, đợi quân Đồng minh. Đại diện VM quan ngại rằng ĐVQGLM giành trước thời cơ, nên đe dọa rằng nếu ĐVQGLM cương quyết chiếm chính quyền ở Hà Nội, thì VM sẽ cướp chính quyền ở các tỉnh, phá đê sông Hồng, cô lập Hà Nội. Từ đó, hội nghị hoang mang và giải tán, không đi đến một quyết định nào. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Sài Gòn: 1970, tr. 247.)
3. VIỆT MINH CƯỚP CHÍNH QUYỀN Ở HÀ NỘI
Đang lúc tình hình Hà Nội và Bắc bộ (Bắc kỳ) xáo trộn, vào tháng 8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim cử bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn ra Bắc thay mặt chính phủ giải quyết tại chỗ những vấn đề khẩn cấp. [Chữ Bắc bộ do chính phủ Trần Trọng Kim đặt.] Sau khi gặp các yếu nhân Hà Nội, Hoàng Xuân Hãn gởi điện về Huế, đề nghị lập một cơ cấu chính trị gọi là Uỷ ban Giám đốc Chính trị miền Bắc (Comité directeur de la politique du Nord).
Ngày 16-8-1945, uỷ ban nầy nhận việc, gồm có: bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (chủ tịch) và bốn uỷ viên là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tường Long.
Cùng trong ngày 16-8-1945, phía CS tổ chức hai cuộc họp quan trọng: 1) Tại Tân Trào, HCM tổ chức “đại hội đại biểu quốc dân”, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của đảng CSĐD. (Đã viết ở trên). 2) Đại hội bất thường thành ủy CS Hà Nội, quyết định tổng khởi nghĩa, thành lập “Ủy ban khởi nghĩa” do Nguyễn Khang làm chủ tịch. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975 (Tập A: 1939-1946), Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tt. 243-244.)
Ở Hà Nội, ngày 17-8, tổng hội công chức tổ chức cuộc mít-tinh tại Nhà hát lớn, nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Trong khi các diễn giả đang nói chuyện ở Nhà hát lớn, thì một người nào đó ở trên lầu quăng xuống một lá cờ đỏ sao vàng của VM. (Về sau, người ta mới biết người nầy là Trần Lâm, tên thật là Trần Quang Vận, đảng viên CS.) Thế là người của VM giương cao lá cờ nầy lên và mọi người cùng nhau theo người dẫn đầu, biểu tình ủng hộ VM.
Lúc đó, VM tung cán bộ đe dọa và cô lập các nhân vật chính phủ, như khâm sai Bắc bộ là Phan Kế Toại, đô trưởng Hà Nội là Trần Văn Lai, chủ tịch Uỷ ban Giám đốc Chính trị miền Bắc mới được thành lập chưa được một tuần là bác sĩ Nguyễn Xuân Chư. (Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tr. 280.)
Phan Kế Toại có thể đã theo VM vì con là Phan Kế Bảo, một cán bộ VM. Trần Văn Lai bận việc ở tòa đô trưởng, Đặng Thai Mai hoàn toàn không ra mặt, Nguyễn Tường Long bị bệnh chưa làm việc được.
Ngày 19-8, VM tổ chức biểu tình, chiếm Bắc bộ phủ (phủ toàn quyền Pháp cũ), cướp chính quyền Hà Nội. Có thể nói VM làm chủ được Hà Nội từ ngày 20-8-1945, nhưng những cuộc bạo động vẫn tiếp diễn. Bạo động bắt nguồn từ cả hai phía: bạo động của VM tiêu diệt những phần tử đối kháng; bạo động của những đảng phái đối lập chống lại VM. Tại Hà Giang, Vĩnh Yên và Hà Đông, VM gặp sự kháng cự mạnh mẽ của các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. (Hoàng Văn Đào, sđd. tr. 258.)
Ngày 21-8-1945, VM vận động các đoàn thể họp mít-tinh tại Hà Nội. Cuộc mít-tinh lập ra một kiến nghị gồm ba điểm:
1) Yêu cầu vua Bảo Đại ở Huế thoái vị và giao quyền cho một chính phủ lâm thời do mặt trận VM thành lập.
2) Yêu cầu VM thảo luận với các đảng phái để lập chính phủ lâm thời.
3) Yêu cầu tất cả các đảng phái, các tầng lớp dân chúng ủng hộ chính phủ lâm thời để củng cố nền độc lập quốc gia.
Bản kiến nghị được chuyển bằng điện tín về Huế. (Philippe Devillers, sđd., tr. 137.)
Về phía Nhật, tại bộ tham mưu Quân đoàn 38 của Nhật, người Nhật chủ trương rằng quân đội Nhật bại trận, nhưng sẽ không nhượng chỗ cho quân Đồng minh thắng trận, mà chỉ nhượng cho những ai có khả năng tiếp tục nhiệm vụ lịch sử của Nhật Bản, là giải phóng châu Á ra khỏi tay thực dân da trắng. (Philippe Devillers, sđd., tr. 136.)
Vì vậy, khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Nhật tại Đông Dương hạ võ khí, rút lui vào các căn cứ quân sự, chờ ngày bị giải giới, để cho người Việt tự do hành động trước khi quân Đồng minh có mặt.
Trong khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ Quốc phòng, không có lực lượng võ trang để giữ gìn an ninh. (Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn: Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tt. 57-58.) Thời gian nầy là cơ hội thuận tiện cho lực lượng VM tung hoành, không bị ai chận đứng.
Ngoài sự giúp đỡ của O.S.S., sự bất động của quân Nhật, đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ với một lực lượng dưới 5,000 đảng viên mà VMCS cướp được chính quyền.
KẾT LUẬN
Tóm lại, những đảng phái Việt Nam thời năm 1945 theo hai khuynh hướng chính trị rõ rệt: những đảng phái theo chủ trương dân tộc một bên và đảng Cộng Sản Đông Dương một bên. Những đảng phái theo chủ trương dân tộc muốn nhờ Nhật để chống Pháp giành độc lập, phục vụ đại nghĩa quốc gia, nhưng thiếu tổ chức, thiếu tuyên truyền và nhất là thiếu thông tin để lượng định tình hình quốc tế. Nhật đang trên đà thất bại mà vẫn không biết, và lại còn muốn nhờ Nhật giành độc lập. Vì vậy Đồng minh và Hoa Kỳ không tin tưởng và không liên lạc với các đảng phái nầy. Cơ quan tình báo O.S.S. (Hoa Kỳ) quay qua liên lạc với HCM và VMCS.
Mặt trận VM là tổ chức ngoại vi của đảng CSĐD, sử dụng chiêu bài bảo vệ dân tộc, chống Pháp và chống Nhật, để tuyên truyền, lôi kéo quần chúng, hoạt động uyển chuyển theo từng hoàn cảnh. Do chủ trương chống Nhật, HCM và VM được O.S.S. cộng tác và được O.S.S. giúp đỡ, huấn luyện, trang bị võ khí, thông báo tin tức thời sự. Toán cán bộ VM do O.S.S. huấn luyện và võ trang nhằm mục đích chống Nhật, nhưng Nhật đầu hàng, nên trở thành nòng cốt cho cuộc nổi dậy của VM.
Cũng nhờ O.S.S., HCM và VM cùng đảng CSĐD biết được tin Nhật Bản sẽ đầu hàng Đồng minh, tin quân đội Trung Hoa và Anh sẽ vào Đông Dương giải giới quân đội Nhật. Việt Minh liền nhanh tay cướp chính quyền ở Hà Nội và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, tạo ra tình trạng chính trị đã rồi trước khi quân đội Trung Hoa và quân đội Anh đến Việt Nam.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 19-8-2017)
Như theo tài liệu công bố: Đảng Công Sản VN khởi đầu từ vụ cướp.
BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT CHÍN BỐN LĂM
Bây giờ ôn cố tri tân
Để xem cách mạng Bốn lăm là gì
Nó theo thuyết Mác y sì
Trăm năm hồ hỡi lạ gì nữa sao
Ông Lê rồi đến ông Mao
Con đường uốn khúc tiến vào Việt Nam
Bởi vì Bác đã ra đi
Đem về kết quả chỉ điều vậy thôi
Ông Kim khi bị lật rồi
Còn đâu ý nghĩa của thời Quốc gia
Nó toàn đều “Ngụy” vậy mà
Phải giờ “Quốc tế” mới ta muôn phần
Nên từng bao lớp thanh niên
Nghe theo lời Bác lên đường vậy thôi
Chiến tranh hai độ qua rồi
Đến thời bao cấp hãi hùng mới nên
Giờ đây đường rộng mông mênh
Nhưng mà ai biết tiến lên lối nào
Mãi hoài quá khứ dồi dào
Dễ nào bứt phá để vào tương lai
Trồng cây như vậy quả tài
Trồng người thuần khiết cũng gần trăm năm
Nên thôi đừng có đèo bòng
Tự do dân chủ vẫn còn đàng xa
Cố lên Chủ nghĩa kêu la
Đừng quay lại hướng nước nhà làm chi
Nó là “Ngụy”cả quên đi
Phải theo chân Bác mới thì tiến lên
NGÀN KHƠI
(23/8/17)