Nghe tin chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm bị chặn xuất cảnh trở lại Áo ngày 27-06-2017 tại sân bay Tân Sơn nhất, tôi và bạn bè nghĩ, chắc chính quyền chỉ gây khó dễ để chứng tỏ quyền uy của mình và gửi thông tin cảnh báo, gây sức ép đối với chồng và em gái chị, hai người đang bị chính quyền liệt vào thành phần chống đối chế độ, rồi sau vài ba ngày „làm việc”, an ninh sẽ để chị xuất cảnh.
Nhưng đến nay đã gần một tháng trôi qua, chính quyền vẫn chưa cho chị xuất cảnh, chị vẫn sống trong bất ổn, lo lắng và chờ đợi.
Đỗ Ngọc Xuân Trầm đang sinh sống và làm việc tại Áo, chị là lao động chính để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Vợ chồng chị cùng với con gái nhỏ 5 tuổi và mẹ già đang sống yên ổn, hạnh phúc, chị về Việt Nam để thăm ông bố đã ở tuổi „cổ lai hy”. Chị không tham gia một tổ chức hay hoạt động chính trị nào của người Việt ở Áo hay quốc tế, chị có quốc tịch duy nhất Việt Nam, chính phủ Áo cấp cho chị thẻ định cư.
Một người phụ nữ chỉ mong sống yên ổn, dành tất cả cho cuộc sống cho gia đình, giờ đây bị tách khỏi con gái nhỏ và gia đình, không biết ngày trở về đoàn tụ với một lý do rất tùy tiện, được ghi trong biên bản tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất: „Chưa giải quyết xuất cảnh, yêu cầu đương sự liên hệ với Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh tp. Hồ Chí Minh tại 254 Nguyễn Trãi (Quận 1) để giải quyết”. Đây là một việc làm trái với quy định của luật pháp Việt Nam, vì trước đây cũng như trong thời gian về thăm Việt Nam, chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm không vi phạm điều luật nào về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cha ông chúng ta đã khuyên nhủ: „Nhiễu điều phủ lấy giá gương.Người trong một nước phải thương nhau cùng.” Việc làm trên đây của chính quyền là trái với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Điều đáng buồn là đến nay chính quyền không ngừng sử dụng việc cấp phát hộ chiếu, cho phép xuất nhập cảnh làm công cụ để trấn áp, đe dọa những người bất đồng chính kiến, nhất là những người đang định cư ở nước ngoài. Những người Việt Nam sinh sống tại Ba Lan hẳn còn nhớ trường hợp hộ chiếu của chị Tôn Vân Anh xẩy ra năm 2011. Tôn Vân Anh Là người hoạt động ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, khi thẻ tạm cư của chị hết hạn, để gia hạn thẻ chị lên sứ quán Việt Nam tại Ba Lan để xin cấp hộ chiếu mới vì hộ chiếu cũ của chị đã hết hạn. Sứ quán đã không cấp hộ chiếu cho chị với lý do chị đã có những hoạt động có hại đến lợi ích quốc gia (!). Tôn Vân Anh rơi vào tuyệt vọng, không có hộ chiếu, chị sẽ không gia hạn được thẻ tạm cư. Những ai đã từng sống ở nước ngoài đều biết cảnh sống khốn khổ của những người tha hương không có giấy tờ hợp pháp của nước sở tại. Nhưng chính những người Ba Lan giầu lòng nhân ái đã giúp chị ra khỏi tình trạng tuyệt vọng, một số nhà chính trị, nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng đã ký vào một bức thư ngỏ gửi tổng thống Ba Lan đề nghị cấp quốc tịch cho Tôn Vân Anh. Sau khi nhận được bức thư, tổng thống Ba Lan đã xem xét và ra quyết định đặc cách cấp quốc tịch Ba Lan cho Tôn Vân Anh. Vụ việc được công khai trên báo chí Ba Lan, nhiều người Việt không biết trả lời ra sao khi những người bạn Ba Lan đặt câu hỏi. Thật đáng hổ thẹn.
Trở lại hai người thân của chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm, những người mà chính quyền muốn qua việc chặn xuất cảnh của chị để gây sức ép.
Chồng chị, anh Trần Ngọc Thành một cựu lưu học sinh Việt Nam tại Ba Lan, cựu đảng viên đảng CSVN. Trong thời gian học tập tại Ba Lan, được chứng kiến cuộc cách mạng bất bạo lực của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, chuyển đổi Ba Lan từ thể chế độc tài cộng sản sang thể chế tự do dân chủ. Anh đã viết những bản báo cáo gửi về cho Đảng ở VN, mong muốn Đảng thay đổi để xã hội VN có dân chủ và tránh kết cục đổ vỡ như Đảng CS Ba Lan. Nhưng Đảng đã bỏ ngoài tai những góp ý trân thành của anh, anh đã rời bỏ Đảng, tham gia các tổ chức vận động ủng hộ dân chủ cho VN, đặc biệt đóng góp rất nhiều cho phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho những công nhân VN trong và ngoài nước. Anh đã bị chính quyền VN cáo buộc hoạt động chống phá nhà nước, đe dọa và không cho về VN từ 20 năm nay
Người thân thứ hai của Đỗ Ngọc Xuân Trầm là em gái chị Đỗ Thị Minh Hạnh. Đỗ Thị Minh Hạnh tham gia các cuộc vận động đấu tranh đòi quyền lợi cho các công nhân tại các khu công nghiệp tại VN, bị chính quyền bắt tháng 2 năm 2010. Bị kết 7 năm tù với tội danh „phá rối an ninh chống lại chính quyền nhân dân”. Sau khi được tự do, chị tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân. Tù đầy , đánh đập, ngược đãi không bẻ gẫy đươc ý chí của người phụ nữ bé nhỏ, chị quyết đi theo lý tưởng đã lựa chọn.
Liệu chính quyền có thể gây sức ép đối với 2 con người được giới thiệu tóm tắt ở trên? Câu trả lời chắc chắn là không. Chắc các nhân viên an ninh, những người chuyên theo sát họ cũng biết như vậy. Nhưng tại sao chính quyền vẫn xử sự như chúng ta đã thấy? Hành động của họ đúng như câu tục ngữ VN mô tả „Giận cá chém thớt”, nó ám chỉ những người tiểu nhân, khi tức giận với một đối tượng nào đó nhưng không làm gì được họ, quay ra có hành động trả thù nhằm vào những người không liên quan gì đến nguyên nhân mà các đối tương làm mình tức giận.
Mong rằng các nhân viên an ninh, các viên chức chính quyền, hãy cẩn trọng mỗi khi hành động xử lý các vụ viêc liên quan đến những người bất đồng chính kiến, sao cho hành động của mình đúng theo luật pháp và đạo lý dân tộc, phù hợp với thế giới văn minh, để khỏi mang tiếng là một quốc gia có một nền „LUẬT PHÁP LÀ TAO”.
Warszawa 21-07-2017