Một cách nhìn mới về Lễ Phục sinh liên quan đến số ba và ứng xử của cộng sản

4

Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá vào thứ Sáu và ngày Chủ Nhật, ngài sống lại trong vinh quang. Đây là những ngày rất đặc biệt của các tín hữu Thiên Chúa Giáo đang đón mừng Chúa Phục sinh trên toàn thế giới.

“Thập Giá”, qua hình ảnh Giêsu mang hai bản thể “Người” và “Thượng Đế” kết hợp trong Ngôi Hai cứu thế, cùng với Chúa Thánh Thần là nội dung “ba trong một” của dân Do Thái. Tam tài của văn minh đông phương, nhất là Việt Nam cũng tương tự: Trời, Đất, Người kết hợp và vận động thống nhất thành Nhân Đạo (đạo sống Người) được cha ông ta theo đuổi từ ngàn xưa. Phật Giáo cũng có “ba” – Phật, Pháp, Tăng cùng kết hợp với nhau như một.

Nhiên, Nhân, Dân thống nhất

Trời trong đông phương hay thượng đế dân Do Thái được dùng làm biểu tượng cho tự nhiên – môi trường sinh sống của muôn loài. Người sống nhờ tự nhiên (Nhiên), qua thiên nhiên mà làm phong phú đời sống và tiến hóa luôn mãi; do đó, người cần bảo vệ môi trường sống. Mẹ Tự nhiên (Mother Nature) chết đi, con người và muôn loài cũng hết đường sống.

Trước khi bị giới hạn bởi chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lý…, ai cũng như ai, đều là người (Nhân). Từ cách nhìn này, mọi người sinh ra đều bình đẳng, bất kể mầu da. Nhưng người không thể sống riêng rẽ mà cần kết hợp thành xã hội để tự vệ, bảo vệ nhau và phát triển. Xã hội (Dân) từ đó ra đời.

Người Do Thái đã ngộ được điều trên, tương tự tam tài, nhưng có thể chưa rõ nên dùng biểu tượng gì, họ gọi tên bằng Chúa ba ngôi: Cha (trời), Con (người) và Thánh Thần hợp nhất. Cựu ước hay nói đến hình ảnh thượng đế xuất hiện trên đất bằng lửa.

Nhiên mang tính vô nguyên, không biết đâu là đầu, đâu là cuối, tương tự thượng đế của dân Do Thái – đấng vô thủy vô chung. Nhân có tính nhất nguyên, là một, đều bình đẳng dù có khác tiếng nói mầu da, như thượng đế lấy đất tạo Adam, lấy sườn Adam tạo Eva, là thủy tổ loài người theo cách nhìn của người Do Thái. Nhân nhất nguyên nhưng dân đa nguyên do khác biệt chủng tộc, văn hóa-lịch sử, phong tục tập quán. Mọi người, mọi dân tộc cần tôn trọng đa-nguyên-tính đó. Marx chủ trương đại đồng nhân loại trong rọ cộng sản là cách nhìn sai lầm trầm trọng, phá vỡ tính đa nguyên của dân. Cũng vậy, quan điểm dân tộc cực đoan, dân tộc thượng đẳng là hoàn toàn sai lạc.

Tuy ba mà một, như ba ngôi trong một Chúa, là mầu nhiệm của dân Do Thái. Đây là triết lý Nhiên-Nhân-Dân thống nhất hay tam tài mà nhiều nền văn minh đã nhận ra, đã ngộ được. Là hậu duệ kế thừa triết lý trên, người Việt chúng ta cần thấu triệt và sống cho đúng, đồng thời triển khai thành nền triết học chung cho nhân loại.

Nền triết học nhân bản này đã được nhà cách mạng Lý Đông A và Linh mục Lương Kim Định san định và khai triển trước kia. Chúng ta có nhiệm vụ tiếp nối và phát huy.

Trước hết, phải xác định người là gì? Điểm nào tách biệt “con” với “người”? Người kết hợp với nhau theo tiêu chuẩn nào? Biết được các điều trên mới xây dựng thành công một xã hội mang gốc người (nhân bản), theo tiêu chuẩn người (nhân tính), vì người (nhân chủ) mà phục vụ người.

Pascal cho rằng “con người là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư tưởng”. R. Descartes phát biểu “tôi tư duy; do đó, tôi hiện hữu” (I think; therefore, I am).

Sau thời điểm khai thiên lập địa, loài người cũng theo đó mà ra đời. Người khởi đầu sống trong hang hốc, ăn tươi nuốt sống như động vật. Đây được coi là thời kỳ duy nhiên mà K. Marx mong lấy làm mẫu mực để xây dựng xã hội. Marx cho đó là giai đoạn kinh tế tự nhiên, ăn đồng chia đều, không ai giàu ai nghèo. Quả Marx có cái nhìn lý tưởng. Nhưng ông quên rằng trong thời kỳ duy nhiên, con-người mang nhiều chất con hơn chất người: đực cái lẫn lộn, ăn sống nuốt tươi, dơ bẩn mất vệ sinh, chưa có gì là tiêu chuẩn người; hơn nữa, đây là thời kỳ ăn lông ở lỗ, hái lượm, săn bắt những gì có sẵn trong thiên nhiên, chưa có kinh tế theo cách nhìn hiện đại. Vậy đã kinh tế thì không còn tự nhiên, mà tự nhiên thì chưa có kinh tế. Không thể lấy mẫu hình sơ khai mông muội đó để phóng chiếu xây dựng xã hội tương lai. Marx đã nhìn rất sai lầm. Tiền đề đã sai thì tất cả các điều theo sau khó đúng lắm!

Trở lại câu hỏi trên, điều gì làm người khác vật? Cái gì tạo nên xã hội?

Trước hết, ta thấy người có bốn thiên tính như các loài khác: sắc tính (duy trì và phát triển nòi giống), nhu yếu tính (ăn ở, đi lại, ngủ nghỉ…, rộng ra là kinh tế), cần sống hợp quần với nhau, tức tự vệ và xã hội tính. Bốn thiên tính cấu thành xã hội này được gọi là “xã hội tự tính”, loài nào cũng có. Nhưng để thành người, cần phải có các tiêu chuẩn cho các thiên tính đó để con-người ngày càng rời xa con mà tiến gần người.

Về sắc tính, con người thấy rằng không thể sống như động vật, đực cái lẫn lộn mãi. Người chọn trinh làm chuẩn theo đuổi. Trinh đây là lòng trung trinh song phương với nhau khi đã chọn được bạn đời của mình, nhưng không phải “chữ trinh” trong văn hóa Hán tộc. Nhờ vậy, đực-cái dần trở thành nam-nữ và vợ-chồng.

Cũng thế đối với tính nhu yếu. Người không thể tranh giành lẫn nhau về vật chất hay phương tiện sản xuất vật chất mà phải đối xử bình đẳng, công bình với nhau. Bình là tiêu chuẩn để người theo đuổi trên mặt nhu yếu.

Tự vệ và xã hội tính cũng phải xác lập một điểm chuẩn. Chỉ người mới có khả năng nghị hòa, ngay cả sau khi gây chiến. Thú thì không thể hòa, chỉ mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Thiên triều chủ nghĩa, dân tộc cực đoan, đàn anh-đàn em trong quan hệ ngoại giao… đều dần bị cả nhân loại chối bỏ.

Ta không nên theo nước nào muốn kéo ta đứng vào thế của thiên triều, chấp nhận người là chủ, mình là tớ. Hãy tiến theo trào lưu chung của các quốc gia cổ vũ sự bình đẳng và hỗ trợ lẫn nhau. Nói vậy, ai cũng hiểu Việt Nam nên theo ai. Hãy khôn ngoan đi theo xu thế tiến hóa chung để không bị lùi lại phía sau với “thiên triều”, lợi bất cập hại. Khi đã mang ý thức thiên triều, họ khó có thể tạo ra giá trị cao quý nào cho nhân loại noi theo. Không có lý do gì để đứng chung, nhất là lúc nào người ta cũng mang dã tâm xâm lược và đồng hóa chúng ta. Ta giao hảo, có khi phải nhún nhường, nhưng không thể cúi đầu tuân lệnh đi theo.

Văn minh Nhân chủ, Nhân bản, Nhân tính

Tóm lại, “trinh-bình-hòa” biến “con” thành “người”, giúp tạo nên tính người, nhân tính thay vật tính. Ba tiêu chuẩn nói trên trở thành cột mốc theo đuổi để thực hiện xã-hội-người, một xã hội nhân bản – duy dân chứ không duy vật như Marx đã tư duy sai lầm.

“Người” phải trở thành tiền đề triết học thay cho “tâm”, “vật”, “lý”, “hiện sinh” v.v. – những tiền đề triết học rất giới hạn và thiếu sót. Dân Do Thái dùng biểu tượng Ngôi Hai Giêsu giáng thế làm Người, thiên-nhân hợp nhất.

Không có người, vạn vật có cũng như không. Người “lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai” (Lý Đông A). Đấy là tinh thần nhân chủ (lập tâm, lập mệnh), là nền triết học nhân bản (gốc người), không tâm không vật như cụ Phan Bội Châu nhận định (dân không duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân). Người cộng sản cần thức tỉnh để trở về với dân thay vì bám vật mới tiếp nối được tinh chỉ của triết học nhân bản Việt tộc và mới được nhân dân đón nhận.

Nhân chủ, nhân bản, nhân tính phải là ba cột mốc quan trọng khác cho mỗi dân tộc nếu muốn xây dựng một xã hội do người, cho người, và vì người.

Trước khi chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại – tình yêu cao quý nhất một người có thể hiến dâng, là hy sinh mạng sống cho người mình yêu, cho đồng loại – Giêsu đã rửa chân cho các môn đồ của ngài trong Lễ Vượt Qua. Theo tục lệ Do Thái xa xưa, khi khách đi đường xa tới thăm, gia chủ sai đầy tớ lấy nước rửa chân cho khách. Đây là việc của tớ, không phải của chủ. Giêsu không ngại hạ mình rửa chân cho môn đồ, một cử chỉ mang ý nghĩa khiêm cung, phục vụ khi ngài lên tiếng: “ai muốn nâng mình lên hãy hạ mình xuống”. Quả là bài học quý báu cho nhân loại.

Miệng người cộng sản lúc nào cũng nói họ là đầy tớ nhân dân nhưng ai giầu sang, ai chủ ai tớ nhân dân đều biết rõ. Họ không biết phục vụ anh em như Chúa Giêsu, không biết cách thực hiện tiêu chuẩn bình trong nhu-yếu-tính nói trên.

Nói cách khác, cộng sản không biết cách quản lý kinh tế để đem bình đẳng, công bình đến cho nhân dân. Họ không biết cách thực hiện chính sách mang lại tự do no ấm cho quốc dân khiến xã hội ngày càng tụt hậu, phân cách giầu-nghèo sâu rộng mà phần giầu nghiêng về đảng, nghèo thuộc dân. Họ có can đảm hạ mình như Giêsu để biết tôn trọng, mời chuyên gia kinh tế Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ, cùng các kinh tế gia trong nước thiết kế lại kinh tế quốc dân? Không đạt tiêu chuẩn bình về nhu-yếu-tính cho toàn dân – mà “toàn dân” thì không phân biệt cộng- hay không cộng – đảng Cộng sản không có đủ tư cách nắm giữ và điều khiển nền kinh tế quốc gia.

Năm mươi năm đã trôi qua, toàn quyền thống trị cả nước mà thua xa “hòn ngọc Viễn Đông” trước kia về nhiều mặt, càng không bắt kịp các quốc gia lựa chọn thể chế tự do dân chủ trong vùng mà chỉ mất vài ba thập niên canh tân xứ sở đã thành rồng thành hổ (Nhật, Hàn, Đài…). Vậy cộng sản thông minh, biết làm lợi cho quốc dân không, có sáng suốt biết thể chế nào nên theo hay không? Hỏi tức trả lời. Nhân dân đều thấy rõ nhưng không thể lên tiếng, góp ý nên theo xu thế nào – tự do hay cộng sản?

Hãy khôn ngoan sáng suốt chọn lựa để lập kế sâu gốc bền rễ mà tồn tại lâu dài.

Văn minh Tự Nhiên Hòa

Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, ngày thứ ba ngài sống lại, lên trời cùng Chúa Cha. Chúa Cha ở đây là biểu tượng của tự nhiên, của Mẹ Thiên nhiên. “Về cùng Chúa Cha” là hòa vào trời đất, hay lời nguyện “cùng tự nhiên hòa” theo Lý Đông A. Con người không thể chống lại thiên nhiên, chống lại trời mà phải hòa vào tự nhiên. Tiểu tự nhiên (người) và đại tự nhiên (vũ trụ) phải là một, như Chúa Cha và Chúa Con hợp nhất trong thân phận Người – Giêsu.

Một người say rượu chửi bới, gây gỗ với người khác là bị tự-nhiên-hóa. Giải trừ rượu để người say bừng tỉnh, thấy gây lộn với người khác là sai, cần phục thiện. Người đó biết sống theo cách tự-nhiên-hòa. Cổ súy hận thù, phân chia giai cấp chém giết nhau là đang bị tự-nhiên-hóa. Cổ võ yêu thương, bầu bí chung giàn, nhiễu điều giá gương là biết sống với tinh thần tự nhiên hòa.

Cha ông ta có rất nhiều kinh nghiệm về cách sống chung thuận hòa với nhau. Hãy học ông cha, học lại ca dao tục ngữ, dạy trẻ từ mẫu giáo những câu trên, chớ dại dột bàn tay vấy máu quân thù… anh em!

Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu, chín bỏ làm mười mới đem đến một cuộc sống hòa ái, không phải hận thù đổ máu anh em.

Chúa đã sống lại. Lời ngài mãi vang vọng đến ngàn sau.

30/4 đau thương đang đến. 50 năm đã đủ cho người cộng sản tỉnh ngộ hay chưa?

Tạ Dzu

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ mong lũ trí thức bên Pháp -1/2 là Cộng Sản chính gốc, nửa kia là thân Cộng Sản- tỉnh ngộ mà tới bây giờ có thể xem là vô vọng rùi, nói gì tới Cộng Sản gộc nữa

    Mong mỏi Nguyễn Ngọc Giao bơn bớt nói láo, càng mong mỏi ổng càng nghĩ cách nói láo khéo hơn thui

  2. …..Người Mỹ đã bán đứng đồng minh, VNCH người quốc gia miền nam cho Nga và mọi tàu, và giờ đây họ cũng muốn bán đứng Ukraine cho nga,rỏ ràng, nười Mỹ đã giết chết ông NGô đình Diêm, họ phải chụi trách nhiệm, chứ tụi cộng sản tộc cối trên răng dưới vế, lấy gì đánh Mỹ,?????……….____ thằng răng hô vẩu, tức blog ô sin, huy đức đã vô tù vì viết đểu cuốn sách bên chiến thắng rồi!!!! đổi thừa tộc cối Việt cộng là nâng bi tụi Việt cộng…., người Mỹ đã bán Hoàng sa cho tàu cộng, và Nga đã bán trường sa cho tàu cộng……xin đừng ngu muội nữa…nay kính.

  3. “30/4 đau thương đang đến. 50 năm đã đủ cho người cộng sản tỉnh ngộ hay chưa?” (trích)

    Tụi nó đi “giải phóng miền Nam” mà tỉnh ngộ cái củ chuối gì!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên