LTG. Đại ý bài này không chú trọng hay bàn luận nhiều về những vấn đề tiêu cực, hay thiếu hiểu biết trầm trọng của tân tổng thống Donald Trump vì không ai có thể tiên đoán được những thiệt hại cho công dân Mỹ, cho thế giới hay đồng minh do chính sách mà ông sẽ áp dụng hay không áp dụng trong nhiệm kỳ tới. Cái khó của người viết là tìm đồng thuận về mức trợ giúp cho các quốc gia bấy lâu vẫn trông cậy ở Hoa Kỳ như Ukraine – hoặc giả sự trừng phạt hay chế tài thích đáng đối với các quốc gia xâm phạm quyền lợi hay lãnh thổ của các nước nạn nhân.
Người Việt không nên đặt trọng tâm vào vai trò của Hoa Kỳ, đại diện cho thế giới tự do, tham chiến trong hai cuộc thế chiến. Cũng đừng bận tâm vì sao Mỹ phải dự phần trong cuộc phân tranh Nam Bắc Triều Tiên hay cuộc nội chiến Quốc-Cộng Việt Nam dưới tiêu đề chiến tranh Mỹ-Việt (hay Việt-Mỹ) mà đau lòng; cũng đừng xét lại chủ thuyết kiêm lý tưởng đã khai phóng Liên Hiệp Quốc, một tổ chức tưởng chừng như hoàn hảo cho quốc tế mà ngót 30 năm và 3 đời tổng thống Hoa Kỳ phải tranh đấu với quốc hội với đồng minh để thiết lập mà ngỡ ngàng. Cũng đừng bàn luận xa gần vì sao những vị tổng thống Hoa Kỳ gần đây – nhất là cuộc trị vì sắp tới của ông Trump – lại rời xa nghĩa vụ mà hiến chương Liên Hiệp Quốc nêu ra như thế!
Lại càng chớ bị mê hoặc vì kém hiểu biết mà cho rằng Mỹ và thế giới được hưởng thái bình trong nhiệm kỳ I là công lao của tổng thống Trump. Nhận định rằng tôn chỉ hoà bình và an ninh thế giới của Liên Hiệp Quốc sẽ là những điều tiết – do các quốc gia đồng chí hướng với Hoa Kỳ lập ra – khó có thể áp dụng nhằm ép buộc các nước độc tài với tham vọng bành trướng lãnh thổ khi chính những quốc gia này bị lên án lại là thành viên thường trực trong 5 lãnh tụ trong Hội đồng Bảo An của LHQ với quyền phủ quyết. Nên nhớ ông Trump với chủ nghĩa cá nhân cao hơn lợi ích cho Hoa Kỳ hay thế giới, đã manh nha từ bỏ LHQ và NATO (Liên minh Đại Tây Dương) viện cớ rằng Âu châu và các quốc gia thành viên như Đức, Pháp Nhật Bản đã không đóng góp đúng mức trong các liên hiệp này (không hiểu bao nhiêu phần trăm nhận định của ông Trump là do ảnh hưởng của Putin).
Do đó khi Tòa án Tội ác quốc tế (ICC/International Criminal Court) ở Hague kết án Trung quốc xâm lấn hải phận của Phi Luật Tân – chưa nói đến Biển Đông hay lãnh hải VN; hay xét xử Netanyahu và đồng bọn về tội diệt chủng ở Palestine và Lebanon; kết án Putin vì tộc ác chống nhân loại: xâm lăng và tàn sát dân lành ở Ukraine, tất cả đều vô vọng khi Hoa Kỳ – hơn nửa thế kỷ nay đã đã lặng lẽ quay về chủ nghĩa biệt lập (isolationism) trên chính trường – từ khi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ bị sao lãng chẳng còn một lực lượng quốc tế nào chịu hay có thể đảm nhận trọng trách chế tài. Trong khi Trung quốc và Nga đang lăm le với tham vọng bất chính của mình.
Cho nên các con tim liêm chính hãy điều hoà nhịp đập, giữ vững tinh thần, và củng cố tâm trí. Bởi chưa đầy 2 tháng nữa ông Biden sẽ về vườn, mở đường cho tân tổng thống Trump lên ngôi, đem vào nội các nhiều nhân vật bất xứng trong những vai trò hệ trọng của Hoa Kỳ (và thế giới) chỉ vì họ là người trung thành với ông, phò ông, và được ông tin cậy.
Quốc hội Hoa Kỳ với đảng Cộng hòa thắng thế trong cả hai viện, và khi hai bên đồng số phiếu với nhau, (như khi chọn nội các tổng thống ) thì ông J.D. Vance, phó tổng thống giữ vai trò Chủ tịch của Thượng viện sẽ bỏ phiếu cho phe mình (Cộng hòa) theo hiến định. Trong tình thế này, ô. Trump người lái con thuyền vận mạng Hoa Kỳ – bất kể quyền lợi và hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới – sẽ chọn một khúc quanh hiểm nghèo, đầy bất trắc. Ông Trump không phải là thuyền trưởng theo đúng nghĩa nghiêm túc của nó, mà là một superman, một tay chạy môtô bay bạt mạng, không tôn trọng lề luật, ngoại trừ chọn lựa tùy ý của mình dù có ảnh hưởng xấu cho quốc gia.
Đương kim tổng thống Doanld Trump được Tả phù Hữu bật, nhóm bộ hạ hộ tống mặc sức cho ông tác yêu tác tác quái, chẳng mấy ai kiểm soát hay cân bằng. Có bao nhiêu tinh thần pháp trị, lương tri nghiêm chỉnh còn sót trong đảng Cộng hòa để khuyên lơn xếp lớn cai trị như một chúa trùm Mafia, hay nhóm người thân cận trong Nội các của Trump đều là cá mè một lứa?
Matt Gaetz, một dân biểu Cộng hòa bị thất sủng – vì vụ điều tra của FBI trong nghi án buôn người, xâm phạm tình dục với gái dưới tuổi vị thành niên – nay đã rút lui khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ do ông Trump đề cử. Đây có phải là một trong những ngoại lệ trong đường lối bất chấp thông lệ pháp trị của Hoa Kỳ, vậy còn ai dám tin rằng đảng Cộng hòa vẫn còn một số thành viên có tư cách?
Pete Hegseth, một cựu chiến binh Mỹ ở Iran và Afghanistan, được chọn làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuy không đủ thành tích hay kinh nghiệm để cai quản một cơ quan quan trọng và to lớn như Bộ Quốc Phòng. Chính Pete Hegseth cũng bị liên hệ đến một vụ tấn công tình dục trong khách sạn ở Monterey, CA năm 2017.
Tulsi Gabbard, được ông Trump đề cử làm Giám đốc cơ quan Tình báo Hoa Kỳ. Bà là một dân biểu của Hawaii, không có một kinh nghiệm gì sất về tình báo, nhưng nếu được chọn sẽ cai quản 18 cơ quan tình báo của Hoa Kỳ, kể cả CIA, FBI, và Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ. Trong khi đó bà lại là người đưa tin đồn không kiểm chứng rất khả quan về Putin và Nga. Bào chữa cho Bashar al-Assad, tổng thống và đồ tể của Syria. Trên Twitter năm 2022, khi Putin xâm lăng Ukraine, bà nói:
“Kính gửi Tổng thống Putin, Zelensky và Biden,”.
“Đã đến lúc chúng ta gạt địa chính trị sang một bên và đón nhận tinh thần aloha, tôn trọng và yêu thương, dành cho người dân Ukraine bằng cách đi đến một thỏa thuận rằng Ukraine sẽ là một quốc gia trung lập – tức là không liên minh quân sự với NATO hoặc Nga – do đó… xoa dịu những lo ngại chính đáng về an ninh giữa Hoa Kỳ/NATO và Nga, vì sẽ không có quân đội Nga hoặc NATO trên biên giới của nhau (ngoài Baltic). Điều này sẽ cho phép người dân Ukraine sống trong hòa bình. Aloha.”
Chuyện đáng kể là Âu châu (liên hiệp Âu châu) đang dự bị chỉnh đốn hàng ngũ, tự chủ trong nỗ lực tự điều hướng NATO mà không có Mỹ. Ông Trump vội vã không muốn mất phần điều khiển đã đề cử Matt Whitaker, nhân vật trước đây là Bộ trưởng Tư pháp trong nhiệm kỳ 1 của ông làm đại sứ của Hoa Kỳ ở NATO.
Quan sát viên thế gới – nhất là tổng thống Zelenskyy – đang lo xốn vó Ukraine sẽ bị bỏ rơi khi ông Trump đảm nhiệm vai trò Tổng thống Mỹ. Tuần vừa rồi Nga đã bắn hỏa tiễn xuyên lục địa sang Ukraine, mặc dầu Putin đã nhiều lần tháu cáy, dọa sẽ dùng nguyên tử để trả đũa Hoa Kỳ và NATO nếu họ tiếp viện vũ khí và chiến đấu cơ cao cấp cho Ukraine nhưng Putin đã bị lật tẩy nhiều bận khi điều đó không xảy ra.
Hiện nay, tình thế đã đổi thay, Bắc Hàn đã gởi hơn 10,000 quân sang Nga, chuẩn bị ra chiến trường Ukraine sát cánh với quân đội của Putin. Putin đang hoan hỉ có được người bạn vàng là đương kim tổng thống Hoa Kỳ, người hứa sẽ dùng tài ngoại giao với Putin để mang lại ngưng chiến cho Nga-Ukraine trong một ngày. Thương lượng được hay không là chuyện khác, không ăn thua gì tài điều đình của ông Trump mà còn tùy thuộc vào thắng lợi trên chiến địa và đất đai mà Putin sẽ thu nhận được của Ukraine. Một điều có thể tin được là ông Trump sẽ ép Zelelensky phải nhượng đất cho Putin vì ông Trump chẳng mặn mòi gì với Ukraine. Vì trước đây trong nhiệm kỳ I ông đã ép Ukraine phải tố cáo cha con ông Biden tội làm ăn tham nhũng ở Ukraine. Phen này Zelensky vừa khốn đốn vừa tuyệt vọng vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi, có thể nguy hiểm đến vận mạng quốc gia, đưa đến chuyện phải đầu hàng, cho Nga lĩnh chiếm phần lớn của Ukraine.
Nếu như trước đây TT Biden còn sáng suốt khi đã thu thập nhiều điều kiện để kích hoạt Điều 43 và 45 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc để trừng phạt Nga Putin bằng quân lực:
https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text
khi Nga vi phạm chuyện đánh bom bệnh viện, học đường, giết hại và bắt cóc nhiều trẻ em Ukraine đem về Nga, chận không cho Ukraine tiếp tế lúa mạch cho Phi châu, Trung Đông và Á châu tại các cảng ở Biển Đen (July 17, 2023) hàng ngũ cốc của Ukraine đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực toàn cầu, đó là lý do tại sao phương Tây cần bảo vệ và đầu tư vào ngành nông nghiệp của Ukraine. Trước chiến tranh, khoảng 90 phần trăm sản phẩm nông nghiệp của Ukraine được xuất khẩu qua đường biển. Bằng cách chặn các cảng Biển Đen vào đầu chiến tranh, Nga đã khiến hoạt xuất khẩu bị đình trệ, làm tăng giá lương thực toàn cầu. Hơn nữa, sản lượng ngũ cốc của Ukraine đã giảm 29 phần trăm trong vòng 2022-2023. Hoa Kỳ và EU nên giúp Ukraine hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tạo ra các tuyến vận chuyển thay thế qua cả đường bộ và đường biển.
Kể từ khi rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc vào tháng 7 năm 2023, Nga đã oanh tạc và phá hủy khoảng 200 cơ sở tại các cảng của Ukraine, gây thiệt hại cho đường tiếp vận của nhiều quốc gia trên thế giới.
https://www.atlanticcouncil.org/blogs/econographics/ukraines-grain-exports-are-crucial-to-africas-food-security/#:~:text=Since%20exiting%20the%20Grain%20Deal,200%20facilities%20in%20Ukrainian%20ports.
Điều 43
Tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhằm đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cam kết cung cấp cho Hội đồng Bảo an, theo yêu cầu của Hội đồng và theo một hoặc nhiều thỏa thuận đặc biệt, lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ và các phương tiện, bao gồm cả quyền đi qua, cần thiết cho mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Điều 45
Để Liên Hiệp Quốc có thể thực hiện các biện pháp quân sự khẩn cấp, các Thành viên phải duy trì các phi đội không quân quốc gia sẵn sàng ngay lập tức để phối hợp hành động thực thi quốc tế. Sức mạnh và mức độ sẵn sàng của các phi đội này và các kế hoạch cho hành động phối hợp của họ sẽ được Hội đồng Bảo an xác định trong phạm vi giới hạn được quy định trong thỏa thuận đặc biệt hoặc các thỏa thuận được đề cập trong Điều 43, với sự hỗ trợ của Ủy ban Tham mưu Quân sự.
Quả là quá muộn màng, khi một vị tổng thống sắp mãn nhiệm chờ đến giờ thứ 25 ông Biden mới đảo ngược quyết định không cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS (300+ cây số) để pháo vào nội địa của Nga đồng thời cũng gởi mìn chống cá nhân cho Ukraine dùng ở chiến trường chống giặc.
Chủ trương của Hoa Kỳ ở Ukraine, trong chiến lược phòng thủ dùng tiêu thổ kháng chiến để bào mòn, làm suy yếu quân lực và tiềm năng của Nga đã phản tác dụng: nhiều thành thị đã bị san thành bình địa, các vùng chiến lược và hạ tầng cơ sở của Ukraine cũng tan tành thành đống gạch vụn. Đây là một sai lầm của lãnh đạo đời nay của Hoa Kỳ. Sau nhiều lần TT Zelenskyy kêu cứu Hoa Kỳ, ông Biden mới chịu giao cho Ukraine xe tăng Abrams, thiết giáp Bradley, hệ thống phòng không Patriot, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và gần đây nhất là chiến đấu cơ F-16.
Nhưng nếu cả Hoa Kỳ và lãnh đạo Âu châu đã có viễn kiến để cho Ukraine gia nhập NATO từ 2014, thì đã không có chuyện hơn 1.000 ngày chiến tranh xâm lăng của Putin ở Ukraine. Sau khi Kyiv lật đổ Viktor Yanukovych, một chính quyền thân Nga ở Ukraine, Putin vội mượn gió bẻ măng, dàn cảnh cho dân Nga nằm vùng ở Crimea đòi gia nhập Liên hiệp Nga. Tương kế tựu kế, Putin cho lực lượng đặc biệt Nga xâm nhập các vùng chiến lược của Ukraine để nắn gân Hoa Kỳ. Tháng Hai 2014 không thấy động tịnh quân sự gì từ Tây phương Putin thẳng tay chiếm đóng Crimea.
Tám năm sau, tháng Hai 2022, Putin tiếp tục mộng xâm lăng dàn quân ở biên giới Ukraine bắt mạch Tây phương một lần nữa, truyền thông Tây phương phản đối yếu ớt, Putin cho xua quân qua Ukraine, tưởng rằng sẽ chiếm đóng Ukraine trong vòng 2 tuần. Không ngờ tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương của dân Ukraine khí thế lên cao. Cuộc chiến kéo dài cho đến hôm nay, Kyiv đã thấm mệt lại thêm nhiều biến chuyển mới, Bắc Hàn gởi quân sang Nga tham chiến, ông Trump lên ngôi không một chút khả quan nào cho Ukraine.
Hành động của TT Biden gởi hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS, và mìn chống cá nhân cho Ukraine có lẽ chỉ được xem như một hành động chậm trễ, vớt vát cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức. Nhưng ông Biden sẽ vượt qua tuổi già mệt mỏi, quyết định không buông xuôi mọi cơ hội với TT Zelenskyy bằng cách cứu vớt Ukraine, tặng cho tân tổng thống Trump một món quà bất ngờ: cho Hoa kỳ tham chiến ở chiến trường Ukraine – Nga trước phi Biden hết nhiêm kỳ để mặc cho Trump kiếm đường tháo quân mà không gây nhiều tai hại cho tên tuổi của mình như đã xảy ra cho TT Biden trong quyết định thiếu dự phòng trong chuyện tháo quân ở Afghanistan.
Do đó, ông Biden nên thể hiện đúng như lời cáo buộc của bà Tulsi Gabbard, tổng trưởng Tình báo tương lai của Hoa Kỳ, thực thi tinh thần háo chiến vốn dĩ của Hoa Kỳ mà đưa quân biệt kích Mỹ qua giúp Ukraine chống lại tội ác chiến tranh diệt chủng nhân loại của Putin, một mặt kêu gào trước Hội đồng Bảo An của LHQ làm hậu thuẫn đưa quân sang bào vệ an ninh và toàn vẹn bờ cõi cho dân tình Ukraine. Khi đó Putin có đủ lý do để so găng, đương đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, xem ai sẽ thắng thua trong chuyến này. Nếu sợ thua, Putin có thể cầu cứu khi ông Trump đăng quan nhậm chức, tìm cách triệt thoái quân lực Hoa Kỳ và đồng minh (nếu được Hội đồng Bảo An ủng hộ) giải thoát cho Putin trốn khỏi án tử hình của ICC ở Hague.
Mỹ đã lâm vào thế kẹt nhiều phen khi cho quân tham chiến ở nước ngoài mà không dự tính đường tháo lui (exit strategy). Đó chính là nan đề dành riêng để tặng cho tân tổng thống Trump sử dụng não bộ xuất chúng của mình.
Nguyễn-Khoa Thái Anh
___________________________________________
(1) Tiền thân là The League of Nations/Hội Quốc Liên/ dưới đời TT Woodrow WIlsonHiến chươmg Đại Tây Dương/ The Atlantic Charter) Những ý nguyện và tôn chỉ cao đẹp được Hoa Kỳ chủ xướng sau đó được các cường quốc (Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh Quốc, Trung hoa, và Pháp phê chuẩn. Hội đồng Bảo An LHQ với 5 thành viên thường trực thay nhau phủ quyết những đề án không có lợi cho mình trong khi 10 nước kia phải luân phiên ngắm nghé tìm phương tiện riêng cho họ.