Nhà văn Thế Phong và câu chuyện đạo văn của “tên đạo chích” Hoàng Trọng Miên

11

Đặt vấn đề đạo văn trong bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam sau 1954

Sau 1954, bối cảnh chính trị, xã hội và văn học miền Nam như thể ở chỗ bắt đầu, cái cũ xem đã lỗi thời cần thay đổi, hoặc sô bồ lộn xộn trong khi cái mới chưa định hình. Người ta sắn tay vào cuộc và mỗi người, bối rối tự tìm cho mình một lối ra- như một thử nghiệm, như một chứng tỏ sự có mặt hoặc sự  vươn lên còn nhiều bấp cập.

Điều cấp thiết là phải có cái gì mà nếu nó mới lạ thì đó là điều tốt nhất. Mặc dầu phần lớn những tác nhân trong cuộc di cư còn non nớt về trình độ kiến thức, học thuật, về kinh nghiệm nghề nghiệp.

Có lẽ chỉ có vài người lúc khi lên tầu « há mồm » vào miền Nam đã tạo được một chỗ đứng trong văn học là Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Phần còn lại đều là những tay mơ như Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Việt Tuyền,  Thế Phong, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Thái Tuấn phần đông chưa rời khỏi ghế nhà trường.

Nhưng chắc khát vọng của họ, tiềm năng của họ có thể là ôm mộng lớn lắm khi có cơ hội.

  • Trường hợp Mai Thảo( MT) là một điển hình tiêu biểu.

  MT di cư vào Nam, việc cầm bút còn khập khiễng, chưa có tay nghề. Cuộc sống vật chất còn bấp bênh, bữa no bữa đói cơm hàng cháo chợ. Rồi có « duyên văn chương » gặp được ông trùm CIA Tucker đang kiếm  người để tài trợ tiền bạc để làm văn hóa, qua họ sĩ Duy Thanh. Tucker đã tài trợ để MT làm tờ Sáng Tạo cũng như qua trung gian Trần Kim Tuyến tờ Văn Nghệ của Lý Hồng Phong, tờ Hiện Đại của Nguyên Sa, tờ nhật  Tự Do của Phạm Việt Tuyền.

Tiền người Mỹ bỏ ra có hiệu quả ứng dụng tốt. Các nhà văn, nhà báo di cư đã có chỗ dụng võ và họ đã làm nên chuyện, tạo được tên tuổi và có thể nói một dòng học văn học mang sắc thái Bắc như một chuyển trục từ Bắc vào Nam. Nhờ đó, khich động một không khi  sôi động, phấn khởi như chất súc tác cho toàn thể sinh hoạt văn học miền Nam nói chung.

Người Mỹ tài trợ mà không can thiệp trực tiếp. Kẻ nhận được tài trợ như MT coi như làm chủ tờ báo về mọi mặt từ nội dung bài vở đến  chọn lựa người cộng tác.

Đến ngay tờ Thế giới Tự Do do Sở Thông tin văn hóa Hoa Kỳ đảm trách cũng có kết quả tốt đẹp. Tờ báo In ấn đẹp,  trang nhã,  giấy tốt, rất nhiều hình ảnh đi kèm, bài vở ngắn gọn, nhẹ nhàng mang tính chất thông tin lạc quan về một cuộc sống mới với những thành tựu không chối cãi được với những căn nhà khang trang sạch sẽ, những ngôi trường mới với trẻ con đến trường tươi vui, hớn hở, những ngôi nhà thờ xinh xắn.

Tôi còn nhớ những giếng nước do máy bơm tay tiện nghi, sạch sẽ mà không còn vất vả dùng gầu để múc nữa. Nhiều gia đình  di cư còn cắt những hình ảnh trong tờ báo để treo lên tường.

Tờ báo nói lên sự phát triển, những thành quả đạt được của người di cư, gián tiếp dạy họ lối sống mới, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nếp sống văn minh tối thiểu.

Đó là thành quả thứ hai của văn hóa vụ của người Mỹ.

Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm cũng xử dụng Bộ thông tin và qua bộ này, có cơ quan Văn hóa vụ mới đầu do Lê Quang Luật, rồi Phạm Xuân Thái thay thế chức tổng trưởng Thông tin. Bộ này đã ra hàng luật các Nghị Định để cho ra các tờ báo mới như các Nhật báo Cải Cách, Gió Mới, Trẻ rồi Nhân Sinh, Lửa Việt( do sinh viên làm), Dân Chúng, Trách Nhiệm( ngoài Huế), nhật báo Tương Lai, Đại Chúng vv..

(Xem Trần Trọng Đăng Đàn,(TTĐĐ) Văn Hóa, Văn Nghệ,, Nam Việt Nam 1954-1975, nxb Văn Hóa-Thông Tin) Rầm rộ như thế, rồi không biết vì những lý do gì, các tờ báo ấy biến mất để được thay thế bằng các tờ khác.

Chính phủ muốn những nhà báo, nhà văn di cư, chưa có đủ tiền bạc để ra báo như các báo tư nhân của miền Nam đã có sẵn như các tờ Tiếng Chuông, Sai Gòn, Điện Tín đảm nhận vai trò thông tin, nhất là vai trò chính trị trong chính sách chống Cộng của chính phủ.

Tuy nhiên, đường lối này không mấy đạt kết quả vì nhiều lẽ. Những vị chủ bút, chủ nhiệm không có thực tài, không phải là những người cầm bút có tiếng tăm.. Người trách nhiệm viết bài vở phải viết theo đường lối chính phủ, theo lối «  đơn đặt hàng », một hình thức gián tiếp của thứ văn nghệ chỉ huy. Việc kiểm duyệt chỉ tô đâm thêm tính chất nghèo nàn, nhàm chán, một chiều và dần người đọc không đọc những tờ báo này nữa.

Trong số các tờ báo liên quan đến bài viết này, có tờ Văn Hữu mà trong Nghị Định cho xuất bản có ghi như sau:

«Tạp chí văn hữu nhằm mục đích phát huy văn hóa dân tộc, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của chính phủ » và quy điịnh rằng : tạp chí này phải do vụ trưởng Vụ Văn Hóa của Bộ Thông Tin làm chủ nhiệm cùng với một chủ bút do Bộ trưởng chỉ định »

(Trần Trọng Đăng Đàn, Ibid, trang 82)

Ngoài ra, còn có tờ Sinh Lực do Uyên Thao nắm chức vụ Tổng thư ký.

Trong quân đội thì có tờ Chỉ Đạo do Bộ Quốc Phòng trách nhiệm. Người đứng đầu tạp chí  Chỉ Đạo lúc đầu là Trung Tá Trần văn Trung làm chủ nhiệm và Trung úy Ngô Quân làm chủ bút. Tiếp theo là Trung tá Nguyễn văn Châu làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt  sau đó là Kỳ Văn Nguyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đào Đình Hoan, Nguyễn Đình Bảo thay nhau làm.

(TTĐĐ, ibid, trang 83)

Chính trong cái hoàn cảnh đặt để những người không có tài cán vào các chức vụ chỉ huy tờ báo như chủ nhiệm, chủ bút đã gây rắc rối  thêm trong số lãnh đạo của một số tờ báo, cố tình bao cho kẻ đạo Văn là Hoàng Trong Miên cũng như sự cố tình trù dập những người đứng ra tố cao chuyện đạo văn.

Tờ Văn Hữu trở thành công cụ của chính quyền với nhiều bài vở tuyên truyền về Dân Vệ Đoàn, sau này là Ấp Chiến Lược.

  • Khái niệm đạo văn trong truyền thống văn hóa Việt Nam

 Cho đến năm 1975, hầu như dân miền Nam cũng như trí thức miền Nam vẫn chưa có một khái niệm rõ rệt về quyền sở hữu trí tuệ với một khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu ấy. Và vì thế, Việt Nam cũng không có ký kết với bất cứ nước nào trên thế giới các thỏa ước hỗ tương nhằm bảo đảm tài sản trí tuệ của những người làm văn hóa cũng như trong lãnh vực nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia.

  • Trường hợp Phạm Duy.

Chính vì thế, người ta không lạ gì một nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy với mức sáng tác lên đến con số 1000 bản nhạc đủ loại..ông đã phổ nhạc bằng cách lấy những bài thơ của nhiều tác giả mà không có một lời xin xỏ, ghi rõ  tác giả lời ca, dù có đủ điều kiện để làm việc đó.

Tên tuổi các nhà văn, nhà thơ bị Phạm Duy xử dụng tài sản trí tuệ không biết bao nhiêu mà kể, có thể nói có bao nhiêu bản nhạc thì có bấy nhiêu lần ăn cắp thơ văn của nhiều tác giả, rồi tự ý sửa đổi, cắt xén câu thơ văn mà không cần bày tỏ mà  cũng không nghĩ tới chuyện cần xin phép tác giả.

Có những nạn nhân như một người  tình bé nhỏ tên Alice, con gái một người tình cũ của ông sống ở Phan Thiết. Alice- cô gái tội nghiệp- đã làm khoảng 300 bài thơ tặng ông và trở thành nguồn cảm hứng bất tận với những bản tình ca để đời như : Ngày đó chúng mình, Kiếp nào có yêu nhau nhau.

 Xin trích dẫn một hai câu thơ làm bằng chứng :

Ngày đó có bơ vơ lạc về trời

Tình trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới..

Ngày đó có kêu lên gọi hồn người

Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi.

  Vậy mà Alice đã không có một chỗ đứng đáng lẽ phải có trong âm nhạc Phạm Duy  phải dành cho cô.

Theo thiển ý, đây có lẽ là cái tệ bạc  lớn nhất của con người Phạm Duy.

 Nói chi đến những tên tuổi khác cũng bị Phạm Duy lợi dụng như: Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Cung Trầm Tưởng, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu và rất nhiều người khác.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên- học trò  trường Ngô Quyền Biên Hòa- đã kiện Phạm Duy trước tòa án để đòi tác quyền về những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà Phạm Duy đã phổ nhac. Tòa án đã quyết định đòi Phạm Duy phải trả 6000 đồng.

Tôi không hiểu ông tòa đã căn cứ trên điều luật hay án lệ nào để đòi Phạm Duy trao 6000 đồng cho Nguyễn Tất Nhiên? Tuy nhiên, điều quan trọng là từ nay  nó trở thành một án lệ về quyền bảo vệ tài sản tri tuệ của người sáng tác, dù chỉ là một bài thơ.

  • Trường hợp Chu Tử: tuy nhiên, có nhiều mức độ « cầm nhầm » mà rất khó để có thể công khai kết án là đạo văn. Chẳng hạn, tôi còn nhớ trường hợp nhà văn Chu Tử viết cuốn  «  Yêu » khá là ăn khách và trở thành một «  hiện tượng trong văn học » vì tính cách bạo dạn và quá lãng mạn của nhân vật truyện. Nội dung câu chuyện với hai nhân vật là chú Đạt và cháu Diễm mà tuổi hai bên chênh lệch như bố với con..

Khi đọc truyện này, một cách dứt khoát, tôi liên tưởng đến chuyện của F.Sagan với nhân vật Luc và Dominique. Có một sự giống nhau như thể một « bản sao ». Nhưng giữa bản sao và bản chính là hai chân trời văn học, một bên tây, một bên ta, với hai thứ ngôn ngữ khác biệt.

  1. Sagan chắc hẳn là không màng tới chuyện cỏn con này?

Tôi đã đọc và viết về Francoise Sagan nên nghĩ rằng, Chu Tử chỉ bắt chước được cái bèo bọt hiện tượng bề ngoài của F. Sagan, tức là chuyện tình ái lăng nhăng. Phải có hiểu biết triết lý hiện sinh, phải thấm nhuần, phải hiểu nhiều cái phải lắm mới hiểu tại sao F. Sagan đã sống nổi loạn.

Một số nhà văn nữ của miền Nam sau đó cũng bắt chước « cái mốt hiện sinh », phóng túng quá độ trong việc mô tả các cuộc làm tình như thể đó là cuộc đời đích thực. Tôi đã chẳng ngân ngại gì trong một bài viết khác, gọi chung đó là: Những đứa con hoang của J.P. Sartre

 Theo tôi, muốn hiểu Sagan, phải đọc cuộc đời bà!!

Đã có lần bà viết:

« Pour moi, le bonheur, c’est  d’abord d’être bien»(Hạnh phúc, đối với tôi trước hết là được an vui)

(Xin đọc thêm Nguyễn Văn Lục bài: Francoise Sagan: Adieu Trístesse  – Con người- cuộc đời-tác phẩm, Van hoa Viet art.com)

Phần người đọc Việt Nam, công đâu mà tra dò tìm hiểu? Nhưng tôi là người đọc cả hai tác giả thì cảm thấy không vui và coi thường Chu Tử. F. Sagan không có mục đích mô tả những scènes tinh dục như một thỏa mãn, hay một khêu gợi. Cuộc đời không có gì quan trọng, ngay cả cả truyện làm tinh, luân lý cũng vậy. Cuộc đời trong một ngày, một tháng, một năm có gì là lạ.. thản nhiên, vô cảm.

 (Nguyễn Văn Lục, F.Sagan trong Hợp Lưu số 79)

  • Trường họp Hoàng Hải Thủy.

Một trường hợp khác không «  cầm nhầm », nhưng chỉ dựa trên cốt truyện của tác giả ngoại quốc, rồi «  phóng tác » ra một tác phẩm khác. Đây không phải là dịch đòi hỏi người dịch phải có căn cơ, rành cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Chỉ cần một trình độ Pháp văn đọc hiểu câu truyện là có thẩm quyền phóng tác, chỗ nào khó quá thì bỏ, chỗ nào cần thêm «  mặn nhạt » thì gia vị tùy tiện. Đó là trường hợp nhà văn Hoàng Hải Thủy(HHT) với nhiều truyện phóng tác như cuốn Đĩnh Gió Hú.

Nội chữ Đỉnh và chữ Đồi đã giúp HHT tránh né được biết bào phiền toái của công việc dịch thuật.

Trong cách trình bày bìa sách, HHT lại chứng tỏ một sự mập mờ khôn vặt đáng nể. Trong cuốn Kiều Giang, xuất bản lần đầu tiên, HHT đề tên HHT chình ình trên đầu sách bắt buộc người đọc hiểu ngầm, chính ông là tác giả. Cộng thêm chữ Kiều Giang  (Charles Bronté) như tựa đề cuốn sách. Tên Charles Bronté, khổ chữ nhỏ nằm khiêm tốn, không để ý thì không nhận ra!! Có lần, ông còn cẩn thận cho tên tác giả người Anh nằm ở trang trong. Thật chu đáo và cẩn thận!!

Cho đến bây giờ tôi vẫn  cảm thấy không ổn hai chữ phóng tác. Phóng tác phải chăng nằm giữa sáng tác và dịch thuật?  Nó không phải sáng tác mà cũng không phải dịch thuật. Nó có vi phạm luật bản quyền không? Có cần xin phép khi phóng tác không?

Nếu cứ như thế thì chỉ cần biết chút tiếng Anh hay tiếng Pháp, ta phóng tác các tác phẩm được giải Nobel và chẳng mấy chốc, Việt Nam sẽ có tất cả Nobel thế giới trong văn học Việt Nam?

Tôi không tự tin vào khả năng phán đóan của mình nên dở sách hỏi đàn anh Võ Phiến. Trong Văn Học miền Nam, Truyện 1 và truyện 2, ttoi không thấy có tên Hoàng Hải Thủy Chẳng biết ý của Võ Phiến như thế nào vì nay cụ  đã không còn nữa để hỏi!!

  • Diễn tiến câu chuyện đạo văn của tên đạo chích Hoàng Trọng Miên

Đây là chủ đề chinh của bài viết này.

Vào năm 1956, nghĩa là chỉ sau cuộc di cư hơn một năm, ông Nguyễn Đổng Chi ở ngoài Bắc có cho xuất bản cuốn sách : “ Lược khảo về thần thoại Việt Nam” do nxb Sử Địa. Sách do nhà in Tiến Bộ in, ở số 175 đường Nguyễn Thái Học Hà Nội. Sách in 4150 cuốn. In xong ngày 10-8-1956.

Đây là một cuốn sách có giá trị sưu tầm về các thần thoại trong dân gian như các thần Núi, thần Nước, thần Lửa vv..Đây cũng là công trình sưu tầm trong nhiều năm của tác giả Nguyễn Đổng Chi. Vậy mà làm thế nào cuốn sách đã được đưa vào miền Nam sau 1954?

 Nhiều phần nó được đưa vào miền Nam qua trung gian của Ủy Hội quốc tế kiểm soát đình chíến. Sau đó, sách được giao cho BộThông tin cất giữ làm tài liệu.

Và câu chuyện đạo văn đã xảy ra như thế nào? Ai đạo văn? Và ai đã khám ra câu chuyện đạo  văn? Rất may, một số nhân chứng nay còn sống và có thể giúp giải đáp các vấn nạn trên.

Theo nhà văn Uyên Thao(UT), hiện đang sống ở Hoa Thịnh Đốn, hiện đang trông coi Tủ sách Tiếng Quê Hương là người biết rõ đầu đuôi câu truyện đạo văn này.

Vì  chính Uyên Thao là người đầu tiên phát giác ra vụ đạo văn không tiền khoáng hậu này.

Theo UT,  lúc đó UT đang làm Tổng Thư ký tờ Sinh Lực, chủ nhiệm là ông Võ Văn Trưng. Khi  cuốn sách biên khảo Việt Nam Văn Học Toàn Thư của tác giả Hoàng Trọng Miên(HTM) biên soạn xuất bản năm 1959. UT là người đã đọc và thấy nó có giá trị sưu tầm công phu với nhiều hình ảnh, tài liệu đính kèm.

Cuốn sách được in thành hai tập, do nhà Kim Lai in ấn rất đẹp, trang trọng, dày hơn 1000 trang. Bìa in hình rồng vàng có kim nhũ.

Thế rồi một hôm UT đến văn phòng ông Thái trắng,(Bộ thông tin), nơi đây có nhiều sách từ Hà nội chuyển vào và ông Thái Trắng có cho cho Uyên Thao mượn đọc cuốn : Lược khảo về thần thoại Việt Nam.

Từ đó Uyên Thao mới khám phá ra HTM đã sao chép nguyên văn cuốn sách của học giả Nguyễn Đổng Chi (NĐC), chỉ đổi tên sách. Và chữ huyền thoại như tựa đề sách thì đem xuống cuối bìa sách, ghi chữ nhỏ: Huyền Thoại.

Và cũng chính UT đã là người viết bài phanh phui vụ đạo văn của HTM. Hiện nay, chưa có điều kiện để có thể đọc được bài viết của Uyên Thao.

Hoàng Trọng Miên lúc bấy giờ cũng trông coi tờ Văn Hữu của ông Nguyễn Duy Miễn.

(Hoàng Trọng Miên, sinh 1918-1981, tại Nguyệt Biều, thành phố Huế. Có 4 anh em trai, trong đó có ba người cầm bút là các ông Hoàng Trọng Thược, Hoàng Trọng Quị và Hoàng Trọng Miên. Tác phẩm đạo Văn của HTM là Việt Nam văn Học Toàn Thư 1, 1959 và Việt Nam văn học toàn thư, tập 2, 1960. Và cuốn Đệ Nhất phu nhân, 1988 viết về bà Ngô Đình Nhu. Và một cuốn in sau 1975 nhan đề Cựu Hoàng Bảo Đại do nxb Thanh Hóa in)

Theo anh Uyên Thao,  HTM do không viết nổi, nhưng lại hám danh đã mượn được cuốn sách ấy và tưởng rằng không ai có thể biết được cuốn sách ấy của Nguyễn Đổng Chi, một tác giả miền Bắc và khai sinh cho nó một cái tên mới. Đó là cuốn Việt Nam văn học toàn thư tên cuốn sách của HTM và cố tình bỏ quên hai chữ Huyền Thoại.

Chữ Huyền Thoại là nội dung chính của cuốn sách của ông Nguyễn Đổng Chi. Nhưng nếu bỏ hai chữ thần thoại đi thì cuốn Văn Học toàn thư là một cuốn sách rỗng về nội dung. Và để giải quyết về vấn đề này ông HTM đã để ở cuối cuốn sách hai chữ Thần Thoại như đã nói ở trên.

(Xin xem hình bìa của hai cuốn sách)

Hai Chữ Thần Thoại dù có thêm vào ở cuối bìa sách của HTM  thực sự cũng không giải quyết được gì cả.

Bởi vì từ nay Lược khảo về thần thoại Việt Nam đổi ra thành Lược khảo văn học toàn thư. Đáng hổ thẹn là sau này cuốn sách đã được giải thưởng nhất Văn chương toàn quốc VNCH. TT. Ngô Đình Diệm là người đã trao giải thưởng. Nhiều lời khen tặng trong đó có cơ quan Văn hóa vụ của ông Nguyễn Duy Miễn. Cơ quan này trực thuộc Bộ Thông tin.

Cũng theo UT, ông Nguyễn Duy Miễn sau khi được biết UT là người tố giác chuyện đạo văn này đã dùng  quyền hành của Bộ Thông tin, dùng áp lực yêu cầu chủ nhiệm Võ Văn Trưng cách chức UT ra khỏi chức vụ Tổng Thư Ký. Việc cách chức này như là một hình thức sa thải.

  • Vai trò của Thế Phong trong việc tố giác cuốn sách của HTM là một trường hợp đạo Văn.

 Đến lượt Đường Bá Bổn- tức Thế Phong-, người chính thức viết bài tố giác HTM trên tờ Văn Hóa Á Châu cũng bị vạ.Theo Đường Bá Bổn, ông chỉ ghi là nghỉ làm Biên tập Viên. Nguyễn Đăng Thục, người chủ trương tờ VHAC cũng mất chức Chủ bút tờ Văn Hóa Á Châu do cho đăng bài viết của Đường Bá Bổn. Sau đó gs Lê Thành Trị  thay thế và nắm chức vụ Chủ bút, năm 1961. Nhưng cụ  NĐT vẫn còn giữ chức Chủ tịch hội Văn Hóa Á Châu.

(Xin đọc thêm bài:Thế Phong, Hiện tình Văn Nghệ miền Nam 1957-1961)

  • Trường hợp nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.

Nhưng một điều trớ trêu hơn cả là người hết lời ca tụng cuốn sách của HTM lại là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tức Nguyễn Kiên Trung, tác giả cuốn sách nổi tiếng thời đó : cuốn Đem tâm tình viết lịch sử.

 Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn văn tán thưởng của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn:

«Từ ngót một năm nay trở về trước tôi thường gặp thế bí vì mấy đứa nhỏ đuổi theo đòi  kể chuyện.Tôi đã kể nhưng cũng đã quên nhiều trong số những chuyện tôi đã nghe từ thuở nhỏ. Thành thử mỗi lần tôi không nghĩ ra tôi  phải từ chối con tôi, là trong đáy lòng lại có một chút gì xót xa, một chút gì hối hận rằng bởi lỗi tại mình, một phần nào mà làm thiệt hại cho đời sau một gia tài vô giá. Thì anh Hoàng đã giải cho tôi một mối hận lòng đó. Từ mấy tháng nay các con tôi cũng vui vẻ gia đình tôi cũng đầm ấm, ngay đến vợ chồng tôi cũng hoan hỉ. Tôi thiết tưởng trong sự lo lắng bảo toàn văn học nước nhà anh Hoàng Trọng Miên vì biết đến tác dụng như vậy của tác phẩm anh tất cũng lấy làm vui thích. Vì đó là một lời ngợi khen mà có lẽ đến suốt đời một người đọc sách chỉ viết ra có một lần.»

(Trích Tạp Chí Văn Hữu, chủ nhiệm Nguyễn Duy Miễn, số 2, 1959 trong Bài : Đọc sách Việt Nam Văn Học Toàn Thư, quyển I, Quốc Hoa xuất bản, Nguyễn Mạnh Côn, chủ bút. Trích lại trong cuốn: Hồi ký ngoài văn chương, Thế Phong, trang 208.)

(Xin coi trang bìa tờ Văn Hữu đính kèm).

Trong đó có ghi Chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Duy Miễn, Thư ký tòa  soạn là Sĩ Trung, do Văn Hóa vụ ấn hành và quy định rằng: tạp chí do Vụ trưởng vụ Văn Hóa của Bộ Thông tin làm chủ nhiệm cùng với một chủ bút do Bộ trưởng chỉ định.

Nhận xét về lời phê bình của Nguyễn Mạnh Côn, tôi thấy nó quá hời hợt về trình độ nhận thức của một người đọc một tác phẩm biên khảo và đi ra ngoài lề, vì một lẽ đơn giản, ông chưa đọc cuốn sách của HTM cũng như cuốn của Nguyễn Đổng Chi..

Lối làm việc như thế thật tắc trách. Không đọc mà chê trách tác giả là thiếu đạo đức, không đọc hay chưa đọc mà khen thì là óc bè phái, nịnh bợ, bất xứng.

Kể ra đọc một cuốn sách do đạo văn mà có thể làm cho cả một gia đình như gia đình Nguyễn Mạnh Côn thấy hạnh phúc, đầm ấm thì quả là pha chè!!!. Nếu thế thì theo tôi, mỗi gia đình Việt Nam nên mua một cuốn sách để giúp gia đình thêm hạnh phúc?

Và mong rằng cả đời nhà văn Nguyễn Mạnh Côn chỉ viết một lần này thôi. Một lần thôi đã quá đủ.

Sau đó  đến lượt tờ Văn Hóa Á Châu, số 18, 1960 có cho đăng bài đọc sách của Đường Bá Bổn( tức nhà văn Thế Phong) phê bình cuốn Việt Nam Văn Học Toàn Thư của HTM,

Xin nói rõ thêm, theo UT, chính anh đã đưa cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi cho Thế Phong để viết bài. Thế Phong ký tên hiệu là Đường Bá Bổn. Câu chuyện đạo văn của HTM  bị đổ bể thêm ra một lần nữa.

Tức tối vì có người phát giác ra sự gian trá của mình, Hoàng  Trọng Miên ký tên giả là   Hoàng Nhị Giang bêu xấu Đường Bá Bổn viết văn: là để cho phụ nữ yêu, là để cho đời khỏi quên mất khi bị đưa vào trại tế bần.

Một lần nữa, Nguyễn Duy Miễn lại hỗ trợ HTM và cho đăng bài của Hoàng Nhị Giang trên Văn Hữu.

Riêng nhà văn Nguyễn Mạnh Côn sau đó đã thú nhận lỗi lầm của mình khi giới thiệu cuốn sách của HTM như sau:

« Hồi đó tôi mới đến làm chủ bút bút tờ Văn Hữu, tờ nguyệt san này mới chỉ sắp ra số 2. Mọi sự giao dịch giữa tôi và ông chủ nhiệm đều tốt đẹp. Đến một buổi tối, ông đến chơi nhà tôi, nói chuyện công việc một  lúc rồi ông nhắc đến cuốn sách của HTM và cho tôi biết rằng trong Tờ Văn Hóa Á Châu (chủ nhiệm Nguyễn Đăng Thục) có bài buộc HTM và ông ngỏ ý yêu cầu tôi bênh vực họ Hoàng.Tôi nhận lời hoàn toàn tin vào là một quyền hạn của ông chủ nhiệm, hai là sự ngay thẳng của ông ấy.

 Sự sơ xuất của tôi nặng nề nhất là tôi không biết rằng cuốn sách của HTM, chính là cơ quan giúp vốn cho ấn hành lại là tờ Văn Hữu. Tôi chỉ vùi đầu vào đọc bài của Thế Phong(ký Đường Bá Bổn) mà lúc đó tôi cũng không hỏi về cuốn sách của HTM. Thế rồi tôi viết bài bênh vực HTM và tấn công Thế Phong. Bởi đúng như tôi viết trong bài của tôi trong lúc đó, tôi không có cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, nhưng tôi bênh vực HTM, bởi bài tấn công HTM viết kém quá. Tôi cứ suy lối viết văn mà đoán tác giả còn đi học và dùng luôn chữ « em » để chỉ, mặc dầu tôi không có ác ý mà đọc lên rõ ràng có ác ý. Bài của tôi đăng lên báo rồi tôi mới biết một là tác giả là người, dù còn trẻ, dù mới viết văn có thể là đồng nghiệp đối với tôi, hai là cuốn sách của HTM quả có giống cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, đủ giống để được gọi là đạo văn. Tôi biết thế rồi thì ân hận lắm và sau đó tôi đẫ đi với Đỗ Tốn (tác giả Hoa vông vang) đến gặp và xin lỗi Thế Phong ở nhà hàng Thên Thai»

 (Trích Hồi ký Ngoài văn chương của Đường Bá Bổn, trich lại trên Tân văn số  8. tháng 3, 2008. trang 21)

Tôi vốn rất trân trọng và thương tiếc con người và cái chết oan nghiệt của Nguyễn Mạnh Côn trong nhà tù cộng sản. Cũng phải nhìn nhận rằng ông đã có một thái độ và cử chỉ đẹp khi đến gặp và xin lỗi Thế Phong.

Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng, lối làm việc của ông NMC thể hiện tình bè phái tắc trách hầu như ít trách nhiệm. Không đọc cuốn sách của HTM mà dám chửi Đường Bá Bổn. Ông chê Đường Bá Bổn viết « thấp ». Tôi cho là không công bằng. Tôi đã đọc bài viết của Đường Bá Bổn trong: Hiện tình văn nghệ miền Nam 1957-1961, trên mạng newvietart.com. Một người trẻ trên dưới 20 đã chịu đọc và so sánh hai cuốn sách, liệt kê so sánh hai dàn bài,  so sánh hai nội dung hai cuốn sách, so sánh hai quan điểm về thần thoại, tố giác lối tiểu xảo « lưu manh vặt » hạ cấp của Hoàng Trọng Miên đổi ngược vị trí dàn bài, cái trước xuống cái sau để đánh lừa người đọc.

Đối với tôi, tôi nghĩ rằng cùng lắm Nguyễn Đổng Chi cũng chỉ là người sưu tầm tài liệu về các huyền thoại của người thiểu số, người kinh gom góp các huyền thoại trong dân gian và kể lại.

Người Việt Nam thời bấy giờ ở cả hai miền đất nước, Bắc cũng như trong Nam chưa có mấy ai có điều kiện học hỏi về các chuyên ngành để có thể, thay vì kể truyện Huyền Thoại thì giải lý, cắt nghĩa, tìm ra nguyên ủy tại sao lại có Huyền Thoại như thế các nhà Nhân chủng học ngoại quốc thường làm.

Giải lý huyền thoại đòi hỏi kiến thức của nhiều chuyên ngành như Xã hội Học, địa lý nhân văn, ngôn ngữ học,  phân tâm học, nhân chủng họcvv…

Theo tôi, Nguyễn Mạnh Côn chỉ hiểu một cách đơn thuần Huyền thoại như là những câu truyện dân gian kể lại cho con cháu nghe cho vui. Hiểu như thế cũng được.

Nhưng đó không phải là cách hiểu của người chuyên ngành và hạ thấp giá trị huyền thoại!!

Phần tôi, tôi phải gọi HTM là một  thứ «lưu manh đạo chích » văn nghệ.

  Lần đầu tiên trong đời tôi đã phải dùng cum từ này vì nó xứng đáng với một tên cầm bút tồi tệ như thế của miền Nam. Sau này cũng chính HTM viết cuốn Đệ nhất phu nhân bôi nhọ bà Ngô Đình Nhu. Tôi đã không đủ can đảm để trích dẫn lời HTM và xin nhường lời cho Hoàng Hải Thủy phê phán. Sau đó  cũng chính HTM còn viêt cuốn : Cựu Hòang Bảo Đại, in sau 1975. nxb Thanh Hóa.

Nó tồi tệ đến mức mà tác giả Nguyễn Trung,  một cựu đại sứ của chính quyền cộng sản đọc đã không đủ can đảm đọc tiếp. Ông Nguyễn Trung đã viết bài này nhan đề: Một sự bất tín. Trong đó xin trích đoạn:

« Trên đây là vài ghi nhận của tôi, một người đã có lòng thành khi mua và đọc sách này. Tôi chỉ đọc được đến trang 136 thì … hết chịu nổi! Không thể đọc tiếp. Chẳng biết những trang từ 137 đến trang cuối 349. tác giả còn hư cấu thêm những gì nữa. Với tôi, như thế này đã là quá đủ để biết tác giả là người thế nào.. Không hiểu  « nhà tiểu thuyết lịch sử » Hoàng Trọng Miên còn viết những gì ngoài cuốn sách kỳ quái này …

(Nguyễn Trung, Một sự bất tín, TP HCM, ngày kỷ niệm Nam Bộ Kháng chiến 23-09-2009)

Nếu Nguyễn Trung mà có cơ hội tìm hiểu thêm về hành trạng của HTM trước 1975 thì không biết ông sẽ phải nghĩ như thế nào?

Cái điều tệ hại hơn nữa là hậu duệ, anh em hoặc con cháu HTM lại tiếp tục cho in lại các sách của HTM mà không biết trơ trẽn và biết ngượng.

Phải xếp những loại người này vào loại người nào, thưa bạn đọc?

Hoàng Hải Thủy, bút hiệu Công tử Hà Đông viết ở Rừng Phong  trong bài viết về Hoàng Trọng Miên: Học Giả, Học Giẻ và Học Giở

 Hoàng Hải Thủy đã có dịp gặp gỡ con trai ông Nguyễn Đổng Chi, ở Hoa thịnh Đốn, ông Nguyễn Huệ Chi. Sau đây là vài ý kiến của Nguyễn Huệ Chi.

Hỏi: Còn câu chuyện đạo văn của ông cụ anh là học giả Nguyễn Đổng Chi?

Đáp : Năm 1956, ông cụ tôi viết cuốn : Lược Khảo về thần thoại Việt Nam..(..) Một số cuốn lọt vào miền Nam, một học giả (?) Sài Gòn là Hoàng Trọng Miên đã dựa hẳn vào cuốn đó để soạn thành cuốn Việt Nam Văn Học toàn thư. Năm 1958, trên tờ Văn Hóa Nguyệt san, một học giả khác viết bài đối chiếu, chỉ rõ sự giống nhau như đúc giữa hai quyển và coi đây là một vụ đạo văn trắng trợn.(..).Mượn lại nguyên xi cả hệ thống ấy và những tư liệu ấy thì cần xin phép, cần chú thích minh bạch mới là cách làm của người cầm bút tự trọng. »

(Xin đọc bài:Công Tử Hà Đông, trên Tân văn, số 8 tháng 3, 2008, trang 27)

Công tử Hà Đông( HHT) viết tiếp:

Một vụ ăn cắp văn trắng trợn, bất lương, trơ trẽn đến không thể lường được. Tôi không biết quý vị nghĩ sao về vụ trộm văn này, tôi thấy tôi nhục., một cái nhục chung của tất cả những người viết Quốc Gia VNCH, những người viết từ năm 1954 cho đến bây giờ và mãi mãi. (..) Học Giẻ HTM đã lấy nguyên tác phẩm của người ta làm của mình? Nhiều người không tin có chuyện ăn cắp tệ mạt quá đến như thế. Không lẽ. Mặt mũi nào lấy tác phẩm của người làm của mình ? Làm sao có thể làm được chuyện ma tịt ấy? Nếu có lấy chắc cũng lấy một ít tài liệu của người ta thôi, đời nào có chuyện lấy cắp trọn vẹn một tác phẩm!(..) Chỉ biết sau năm 1961, HTM tỏ ra thù ghét cao độ những ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, bà Trần Lệ Xuân. Nhưng năm 1967, 1968, HTM viết truyện đệ nhất phu nhân đăng trên nhật báo Quyết Tiến ».

(Công tử Hà Đông, Ibid, trang 29)

Về cuốn Đệ Nhất Phu Nhân(ĐNPN) của Hoàng Trọng Miên, Hoàng Hải Thủy viết:

« Tôi không đọc một dòng nào ĐNPN nào ở Sài Gòn. Mới đây, đọc bài phỏng vấn Nguyễn Huệ Chi trên nguyệt san Văn, tôi thấy cần viết về vụ đạo văn, tôi gửi mua bộ ĐNPN được in lại ở Cali, ở Hoa Kỳ, in bằng cách chụp lai nguyên trang với đủ các lỗi sắp chữ. Sách đến, tôi đọc vài trang, thấy tởm quá là tởm.

 HTM đã tưởng tượng, đã dựng đứng lên những chuyện về đời tư bà Trần Lệ Xuân, đã mạt sát, mạ lỵ thẳng tay bà Trần Lệ Xuân và những ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn. Lối đem đời tư người có thật, nhiều người đang sống, đang ở tù, những người chống Cộng, những nạn nhân của cộng sản, ra viết thành tiểu thuyết với những mạ lỵ, vu cáo, nhưng chuyện dựng đứng, là một thủ đoạn bôi xấu hết sức đểu giả, đặc biệt của cộng sản. (..) Tôi thấy nhục vì những người VNCH đã để cho việc bôi bẩn bằng tiểu thuyết ấy xảy ra ở thủ đô Sài Gòn trong thời Quốc Gia VNCH chưa bị diệt. »

(Trich Công Tử Hà Đông, Ibid, trang 30)

Tại Montreal, trên thư viện dành cho kệ sách của người Việt do Lâm Văn Bé làm Quản thủ thư viện, tôi cũng thấy nằm chình ình cuốn sách: Đệ Nhất phu nhân.

Tôi cũng muốn hỏi như thế về người trách nhiệm mua cuốn sách ĐNPN của HTM cho thư viện dành cho người Việt ở Montreal đọc nhằm mục đích gì? Tôi không nghĩ mình có thể làm bạn, hoặc ngồi chung bàn với những loại người đồng lõa gián tiếp này!!!

Hãy đọc Hoàng Hải Thủy viết:

« Tất cả những nhân vật lãnh đạo quốc gia VNCH bị Hòang Trọng Miên bôi- không phải bôi bẩn mà bôi cứt vào mặt trong truyện ĐNPN. Việc làm đó vô cùng tai hại cho uy tín  Quốc Gia VNCH của tôi. Bốn mưới năm xưa, tôi ngu dại, tôi không biết sự nguy hiểm tác hoại của nó cho quốc gia tôi, nay tôi biết thì đã quá muộn. »

HHT viết tiếp với những tiết lộ ghê tởm:

« Sau ngà 30 tháng tư, cháy gường ra mặt rệp, anh em chúng tôi thấy HTM tung tẩy, phấn khởi hồ hởi, lăng xăng xuất hiện đây đó, hỏi thăm người này, trấn an người kia, nhắn tin người nọ : «  Yên trí, cách mạng sẽ dùng hết. Không bỏ một người nào.. Bảo nó đến gặp tôi ». Hòang Trọng Quỵ, tức Thanh Nghị, làm tự điển là anh ruột của HTM, làm phó Bộ trưởng Văn Hóa chính phủ lâm thời miền Nam VN. HTM tưởng bở.-tôi phải nói rõ ngay HTM đạo trích tưởng bở tưởng Việt cộng vào, có người anh làm lớn, sẽ kiếm chác được, mặt mũi phởn phơ. (..) HTM được bọn Tầu tưởng bở chiêu đãi tận tình, tiền, thuốc phiện ra rít, thoải mái, xe hơi đưa đón.. hai ngày tiệc nhỏ, ba ngày tiệc lớn, đái ra rượu, ỉa ra thịt, thở ra khói thuốc phiện. Cuộc đời tươi hơn hoa mõm chó. »

 (Công tử Hà Đông, ibid, trang 31)

 Chúng tôi cũng sưu tập được lá thư «  cậy đăng » của HTM đăng trên tờ Bách Khoa. Nội dung lá thư chỉ tìm cách chạy tội, một thứ ngụy biện như một thách thức lương tri người đọc.

Bài viết mang tựa đề: Chung quanh bộ sách «  Việt Nam Văn Học Toàn Thư ». Bách Khoa ghi chú rõ : Bài cậy đăng. Tiếng nói của tác giả HTM.

«  Từ ngày bộ sách Việt Nam Văn Học Toàn thư ra đời, ngoài những lời giới thiệu nồng hậu của các báo Việt, Pháp, một nhà văn  viết văn hay viết về học thuật đã nói đến. Khen hay chê là quyền của dư luận : một tác giả đẻ một đứa con tinh thần rồi, thì đứa con ấy thuộc về thiên hạ trên phương diện phê phán. Đối với lời khen hay chê, tác giả đều cám ơn : lời khen có tác dụng khuyến khích; lời chê, nếu đúng, giúp tác giả nghiên cứa sửa đổi khuyết điểm. Tựu trung, có những lời phê bình mà chúng tôi cần có một vài lời để trả lời : một là để trình một lời giải thích chung, hai là để thưa với các bạn đọc chỉ nghe một tiếng chuông, ba là để định luôn một vài vấn đề nguyên tắc trong kỹ thuật viết sách cảo luận hay sáng tác »

(Trích Tân Văn, Ibid, trang 34)

Trong suốt hai trang lá thư cậy đăng, HTM đủ mánh lới không nhắc gì đến vụ đạo văn, đến bài tố cáo của UT và bài viết của Đường Bá Bổn. HTM chỉ tự vẽ ra nguyên tắc làm nghiên cứu của ông cũng giống như công việc mà Nguyễn văn Tố, Đào Duy Anh đã làm.

Câu kết luận, HTM viết:

« Sao lại có người cứ cố gán cho chúng tôi giấu ám ý trong sách, trong lúc chúng tôi công khai phụng sự nền văn hóa tự do của dân tộc mà bằng chứng rất cụ thể?

T.B.- Trên vấn đề này, chúng tôi chỉ lên tiếng một lần, lần thứ nhất mà cũng là lần cuối.

(Tân Văn, Ibid, trang 35).

Hoàng Trọng Miên phải có đủ can đảm và lì lợm mới có thể viết một lá thư như thế và phủ nhận gián tiếp chuyện đạo văn. Sách của HTM vẫn công khai được bày bán tại các tiệm sách và vỉa hè Sài Gòn. Đáng nhẽ chính quyền nên có biện pháp thu hồi quyển sách về mới phải và ngay cả Giải thưởng văn chương toàn quốc đã phát cho HTM .

Theo nghị định số 213 GĐ/NĐ ra ngày 5 tháng 2- 1957 phải có thêm điều lệ, nếu tác phẩm sau khi được phát giải mà có vấn đề thì phải có quy định thu hồi lại giải thưởng. Nếu không một ai làm gì cả hóa ra những giải thưởng này giá trị không bằng tấm giấy lộn?  Phải chăng cái di hại của cập Nguyễn Duy Miễn và Hoàng Trọng Miên là sau này tất cả những gì liên quan giữa văn học và chính quyền thì đều bị nghi ngờ và bị đánh giá thấp! Nhất là các giải thưởng xuất pháp từ « phù đầu rồng » thì dù tác phẩm có thể khá đi nữa cũng có nhiều hi vọng không ai mua và bị bày bán ở lề đường.

Sách có thể là hay bị đánh tụt giá là sách dở.

Sau này, Mai Thảo có kể ông Bình Nguyên Lộc được mời chấm giải Văn Chương toàn quốc ông lấy cớ nọ cớ kia  để từ chối rất ư là khôi hài. Ông từ chối làm giám khảo vì bệnh cao máu nên không leo nổi những bậc thềm của Dinh Độc Lập. Mai Thảo viết rất có ý nghĩa : Năm đó ông không vào Dinh Độc Lập được thật. Những bậc thềm cao quá cho tài viết hàng đầu..

( Xem bài; Nhân cách Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, trên Hợp Lưu, trang 39. Đăng lại trên Tân Văn, Ibid, trang 23)

Giải thưởng thay vì làm vinh danh cho tác giả và nền văn học của miền Nam, nó đã không làm vinh danh cho tác phẩm cũng như tác giả.

Nay tôi viết lại một vết nhơ văn học như một nhắc nhở người cầm bút hiện nay : Đùng đi vào vết xe đổ của thứ đạo chích văn học như HTM. Rất may cho Văn học miền Nam, những vết nhơ như thế thật hiếm hoi.. Có những trường hợp khác, chỉ được coi là   « cầm nhầm » một vài ý, một câu thơ, một nhái lại một bản nhạc vv không đáng kể.

Ngoại trừ trường hợp HTM, chúng ta vẫn có thể tự hào về nền văn học ấy. 

11 BÌNH LUẬN

  1. Nhà báo Bùi Tín- cựu đại tá CSBV: Hồi xưa tôi cả tin, cho rằng ông Ngô Đình Diệm thường ăn nằm, thông dâm với cô em dâu Lệ Xuân, rằng ông Ngô Đình Nhu suốt ngày nằm ngậm tẩu thuốc phiện, ông Ngô Đình Cẩn chuyên ăn gan người bị ông giết… như bộ máy tuyên truyền Hà Nội phổ biến, theo quan niệm vu oan cho kẻ thù là điều tự nhiên, có lợi cho cách mạng, nên làm. Về sau, tôi xác minh đó toàn là chuyện dựng đứng, vu cáo.

  2. NvLujc trong bài nay và một sô bài khác đã sổ toẹt văn hóa miền Nam kế thừa những nha văn lớp trước .Hộ bất TAGI nói đập văn nói không có sang tác mà chỉ biết độc tiếng ngoại quốc ,hiểu cô t truyện rồ biến thành của vn của ? Năm 75 Vc phê phân đe bịu và đột hết 20 năm văn học nghe thuật miền Nam ,từ, chết NV Lục đồng ý rồi chứ? Phả như vậy mà phaitr không,anh Sáu.
    Phần lớn nhà văn đi chế vào Năm chưa co lớp 12,nhưng đã có tác phẩm đẳng báo,có tác giả học sinh đã in sách và nhiêu độc giả yêu thích .Hộ bị đông viên vào Năm ,cấp bác Hai trong quân đội Pháp,làm cho nha thông tin Tâm lý chiến. Một số học lên, rồi học trường TDd thành ra (thiếu úy ). Hộ vẫn lam việc cho tộc quân đội ,có nhuoegf lê tới đai tá và thăng tiến với nghiệp vẫn ,,họ sang tác đều vàthafnh nhà văn vnch .Nói rằng họ không có ta ghi, chottr biết cái chử pháp fddojc hoiteeu vcuoosn truyện rồi theo đó việt theo gôi.đ cảnh vn ,thành của mình,mà theo ông lực là ĐẠO VĂN..Đây là lời phê bình mặt st quá đáng một Mai Thảo,Thanh Nam,nhất là Đoản Quốc Sỹ (Khu Rừng Lau,,Vv và vv).
    Mà nói thật ,đao văn như tác giả bài này biết về Hh Thủy thì cũng phai có tài ..(miền Nam lúc đó có nhiều chiế, tùy theo cô t tttuyeen và lôi việt tủ TP ngoai quôd5sc qua việt ngư la dịch thuật .phỏng dich,phóng tác ( hht)….như CUỐN Giờ thứ 25 dịch thuật, kiêu giang , phỏng dịch cai hôn tử thân phóng tác…
    Và nếu nói theo NvLujc, thi truoewsc 75 có một nhất giáo,dạyowr trương tuệ thực Kiến Thiêdt ,đã đẳng nhiêu KY trên báo là một số sang tác của các ngày vanh TLVD là phong tác của nhà văn ngoai quốc như bà P. Buck. Nhà văn Hcm viết nhiều cũng có lúc lấy ý truyền của pháp..
    Một truyện do lâm ngữ Đưoewfng kể LAGF co một ông tàu không biết một tiếng tây tiếng Mỹ nào, mà thành nhà văn
    Được biết đến ,sang tác khoảng 100 đầu sách.0ng ta có thăng châu tân học ,cứ đêm đến độc truyền dịch cho ông nghe hay kể câu chuyện đó thế la vai tuân sau ông ta có tác phẩm mới..
    Dù sao ông ta cũng có tài chứ phai không..? Ngốc ra cũng không thể bao ôn ta fdajo đạo văn ,đao cô t truyền cũng không đúng vì con người tình cảm đâu cũng vậy.
    RIÊNG vụ d dao vẫn của Jt T Miên thì trước đó chẳng ai biết ,chẳng ai tố cáo vì có biết đâu mf TÔ mà cáo .Mãi khi nhâ4n giải văn học của tt Thiệu…thì có người tố cáo là trộm văn truyền của N ĐC.cuốn sách năm trong phòng nghiên cứu chính trị dura Vnch .HT M có lẻ công chức trong đợt đó …. ….

    • Tóm lai ông Lục ,phủnhân các nhà văn đi cư đã lam nổi một nền văn học mang bản sắc và đa dạng, cộng VƠDI văn họuic miền. Nam hoat đồng và cùng nhau tiến lên. Vnch I,kiễm duyệt thông thoáng hơn,hình như ,,
      cos b.ẻ nhu tư do hơn thời Phápp đô hộ và. tự, d o hơn CS miền bắc là cái ai cũng
      nhận ra…Đúng là TRĂM hoa đua nở ở miền Nam .NHƯNG ,hình như Ông lục phủ nhân
      tất ca,chỉ công nhận Vũhoàng Chương và ĐinhHùng ,thi sĩ thời tien chiến. Phu nhân tất
      cả,còn chụp mủ hộ lam cho. Mỹ hay được Mỹ tai trơ, ,nâng đổ như th nhà văn HhT .
      SAO KHI ỔNG CÒN SỐNG TRÊN ĐẤT MỸ,không thấy Ô Lục nhắc đến. HHT viết các
      phóng sư hai hước. vaf truyền cua ông đăng bao ông đều ghi phóng tá,như. hóng tác.
      Không phải đao văn…
      Còn về HT M đao văn của nhà văn CS, N Đ Chi,thì thời đó báo chí đã phanh phu.
      NÊU không co cơ quan theo dổi mật miền Bắc trực thuộc phủ tt thì không ai biet.
      Cuốn sách hình bị thu hồi ,thu luôn giải thưởng văn học. HT M COI NHƯ KHÔNG CÓ
      CUÔ N NAY.
      Ông LỤC nhắc lai chuyện này là chê vă n học miền Nam và các ta c gia họ đèu
      được Mỹ tài trơ ( CIA ?, ),họ đều đạo văn…..Cốgiống chăng Vc phê phán và mạ ly
      Văn học miên Nam nhưng phải dơi 48 năm sau mới viet ra.? HAY THÂTuuj.

  3. Trước HHT thì đã có cụ Hồ Biểu Chánh mượn đở Les Misérables để viết truyện ” NGọn Cỏ Gió Lùa” rồi. Tôi không dám phê phán cả hai mà chỉ nghĩ rằng họ đang cố công mang văn chương từ phương tây, với những cốt truyện mà họ có thể “cảm” để giới thiệu với đại đa số người Việt lúc đó bằng cách dùng bối cảnh của VN để người đọc có thể hiểu được, gọi đó là phóng tác. Hãy thông cảm cho họ, cái văn hóa của Tây Phương thời đó còn khó gặm lắm, nếu so với người bình thường.

  4. “chúng ta vẫn có thể tự hào về nền văn học ấy”

    Ngoại trừ Nguyễn Trung, tác giả của “Cứu Đảng là cứu nước” … Ờ, phải có Nguyễn Trung, 1 gương mặt tiêu biểu của trí thức Việt Nam, bài này mới có tính thuyết phục conniving cao

  5. “Nếu Nguyễn Trung mà có cơ hội tìm hiểu thêm về hành trạng của HTM trước 1975 thì không biết ông sẽ phải nghĩ như thế nào?”

    Có lẽ Nguyễn Trung, tác giả của “Cứu Đảng là cứu nước”, sẽ mến mộ HTM như Tưởng Năng Tiến mến mộ Nguyên Ngọc

    Cán bộ văn hóa Cộng Sản nghĩ mọi thứ là của chung, nên cầm đồ rất vô tư . Dương Tường luộc sách dịch miền Nam, được cả lũ chúng nó, và bên này ca ngợi là dịch giả . Luộc sách miền Nam thì có thỉa là dịch giả thui chớ hổng thỉa xem là dịch dổm được

  6. He he he …

    Đạo ù…ù là gặp cái gì cũng…đạo, bất kể văn chương, thi phú hay tư tưởng, ranh ngôn.

    Nếu Phạm Duy là “vua” đạo thơ để phổ nhạc, thì “bác Hồ” lại là …sư tổ của nghề…Đạo, vì “bác” đạo….tùm lum tá lả, từ văn chương thơ phú đến danh ngôn, tư tưởng…cái gì “bác” thấy hay hay là “bác”… đạo ngay tút xúyt.

    “bác” thật là ..vĩ đại!!

    • Các câu “ăn cắp” nổi tiếng của Hồ Chí Minh
      xoathantuong tổng hợp

      Nói có sách, mách có chứng đây. Bấm vào chữ ‘lang thang’ ở trên sẽ tới.

    • …. 8 chỗ mượn tạm người ta của ‘bác’ Hồ. Chép lại từ ‘Tiếu Lâm Hồ, XoaThanTuong’:

      1) Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

      Lấy của Quản Trọng. Trích từ: Vũ Thế Phan, Ai trăm năm trồng người?, 2011

      “Quản Tử tức Quản Di Ngô hay Quản Trọng là tướng quốc triều vua Tề Hoàn Công thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu, sinh trước Khổng Tử độ 200 năm. Quản Tử là tác giả của quốc sách ‘trồng người’. Sách Quản Tử (*), chương Quyền Tu, trang 53: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã / Kế hoạch một năm không gì hơn trồng lúa; kế koạch mười năm không gì hơn trồng cây; kế hoạch trọn đời (trăm năm) không gì bằng trồng người. Trồng một, gặt một, là lúa. Trồng một, gặt mười, là cây. Trồng một, gặt trăm, là người.”

      2) Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên

      Lấy từ “Ấu học ngũ ngôn thi”. Trích từ: Phạm Xuân Cần, Về hai câu thơ thường bị nhầm là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2012

      “Té ra đó là một câu trích trong sách giáo khoa chữ Hán xưa “Ấu học ngũ ngôn thi”. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã giới thiệu và dịch đăng một chương cuốn sách này trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong đó nguyên văn chữ Hán của bốn câu thơ này như sau: “Tạc sơn thông đại hải/ Luyện thạch bổ thanh thiên/ Thế thượng vô nan sự/ Nhân tâm tự bất kiên” (鑿 山 通 大 海/ 鍊 石 補 青 天/ 世 上 無 難 事/人 心 自 不 堅). Như vậy, có thể nói Chủ Tịch Hồ Chí Minh không phải là tác giả của những câu thơ này.”

    • Mấy cái dzụ “cầm nhầm hay bê nguyên xi” thì cần phải làm sáng tỏ.
      Chứ cả nước ta đều công nhận tuyệt phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” tác giả chính là bác Đạo Dụ của tui nghen bà con.
      Nó được lý giải rất thuyết phục: nếu bác không đi Đạo…dụ thì làm sao..Vừa đi đường vừa kể..được?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên