Sổ Tay Thượng Dân K’ Tien – Dân Bản Địa

1

Mùa Hè năm ngoái, cũng vào khoảng này đây, gần như mọi cơ quan truyền thông (trên toàn thế giới) đều hớn hở loan tin: đã tìm thấy bốn em bé biệt tăm, sau khi khiến chiếc phi cơ Cessna 206 bất ngờ bị hỏng máy và rơi xuống rừng sâu núi sâu.

  • CBS NEWS :4 children lost in Colombian jungle found alive after being missing for 40 days
  • NBC NEWS: 4 children found alive 40 days after plane crashed in Amazon jungle
  • PBS NEWS: 4 Indigenous children found alive 40 days after plane crash in Amazon rainforest
  • The New York Times: 4 Missing Children Found Alive After 40 Days in Colombian Jungle

Lòng yêu thương và sự sự tận tụy của người Colombia (một đất nước nhỏ bé và nghèo nàn) dành cho những trẻ thơ dân bản địa của họ thật vô cùng thiết tha, và rất đáng trân trọng:

Các em nhỏ, tất cả đều thuộc bộ tộc bản địa Huitoto, đã bị mất tích kể từ khi một chiếc bay hạng nhẹ lao xuống rừng Amazon vào buổi sớm ngày 01/05. Thảm kịch đã khiến người mẹ qua đời, và ba đứa con, 13, chín, bốn và một tuổi, bị lạc trong một khu vực đầy rắn, báo đốm và muỗi.

Nhân viên cứu hộ ban đầu e sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến, nhưng những dấu chân, trái cây trong rừng bị ăn dở, và những tín hiệu khác sớm mang đến cho họ một hy vọng là các em có thể còn sống sót sau khi rời khỏi nơi chiếc máy bay rơi để tìm kiếm sự giúp đỡ…

Giới chức đã rải 10.000 tờ rơi với những lời khuyên về sinh tồn được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng bản địa của bộ tộc Huitoto, và các trực thăng của quân đội phát đi thông điệp của bà các em nhỏ qua loa, để trấn an các em là công cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn. (Matt Murphy. “Colombia: Làm Cách Nào Bốn Em Bé Có Thể Sống Sót Trong Rừng Thiêng Nước Độc?” BBC – 06/12/ 2023).

Tổng thống Colombia đã không quá lời khi thốt lên rằng đây là niềm vui sướng của cả nước khi tìm lại được bốn đứa bé (thuộc bộ tộc Huitoto) giữa rừng xanh. Niềm vui này – vui thay – lại vừa tái hiện qua cuốn phim (Operation Hope: The Children Lost in the Amazon) của đạo diễn Tom Cross, dài 86 phút, vừa được trình chiếu lần đầu vào hôm 26 tháng 4 năm 2024 vừa qua.

Xem xong, tôi biết thêm được vài tình tiết thú vị. Có cả hàng trăm người dân bản địa tình nguyện tham dự trong cuộc tìm kiếm gian nan này. Họ nhiệt tình cộng tác với một đơn vị quân đội đặc nhiệm, do chuẩn tướng Pedro Sánchez chỉ huy. Ông tướng cũng ba lô, nai nịt, cùng binh sỹ lặn lội vào rừng suốt mấy tuần liền. Rồi cũng chính gia đình ông đã nhận cháu bé mồ côi mới một tuổi, Cristin Mucutuy (vừa mất mẹ) làm con nuôi.

Cái tình của người dân Colombia đối với nhau khiến tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những đôi mắt vùng cao (“sao cứ buồn vời vợi”) của đám trẻ thơ bản địa, vừa xem được qua trang FB của cô giáo Thảo Dân.

Các em không bị lạc nhưng “bị quên” nơi “vùng sâu – vùng xa – vùng căn cứ cách mạng”, sau khi cuộc “cách mạng vô sản thành công” ở Việt Nam. Từ đây, không ai còn cần đến cô gái sông Ba (“tay vót chông miệng hát không nghỉ”) hay cô gái Pakô (“gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến”) nữa. Sóc Bom Bo cũng thôi rộn rã tiếng chày khuya (“giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa”) tự lâu rồi.

Súng đạn đã im tiếng nửa thế kỷ qua. Các cô sơn nữ cũng đã qua hết thời tươi trẻ. Họ đang phải đối mặt với vô số khó khăn, và biết bao cùng cực trong cuộc mưu sinh vô cùng vất vả, vào những ngày tháng cuối đời – theo tường thuật (“Người Dân Tộc Thiểu Số Vân Kiều và Pa Ko”) của RFA:

“Đi dọc theo đường 9 Nam Lào từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo, qua khỏi những dãy nhà ngói đỏ chói của thành phố chừng 10km, đến đoạn sông Dakrong chảy dọc đường 9 Nam Lào, nhìn sang bên kia sông là những mái nhà lụp xụp nằm lặng lẽ trên đồi, nhìn lại bên cánh rừng dọc đường 9 cũng nhiều mái nhà sàn lợp tranh nhỏ xíu, tuềnh toàng gió lộng nằm giữa các nương sắn hoặc giữa các ngọn đồi trọc. Cảnh nghèo đói hiện ra xác xơ, tiều tụy”.

FB Chi Lê cũng cho biết thêm: “Từ ‘giải phóng’ đến nay, trẻ con ở Sóc Bom Bo chưa từng biết Phở là gì”.

Ở Việt Nam mà chưa từng nếm phở thì chắc cũng chưa có bé thơ nào nơi vùng sâu/vùng xa/vùng căn cứ cách mạng đã nhìn thấy cái phi trường, nói chi đến chuyện bước chân lên một chiếc phi cơ như trẻ con thuộc bộ tộc Huitoto – ở Colombia. Thôi thế cũng hay. Khỏi lo tai nạn!

Chớ đi máy bay mà lỡ nó lao xuống rừng Trường Sơn thì chết mẹ. Hết phim là cái chắc. Nhà đương cuộc Hà Nội chỉ săn đuổi thôi, chứ có khi nào cất công tìm kiếm ai đâu. Ngay sau những biến động xẩy ra (vào năm 2001, 2004 , 2011, 2023) tại buôn làng của dân bản địa, bao giờ cũng là những cuộc tìm bắt rất gắt gao. Cuộc truy nã mới nhất xẩy ra, sau vụ bạo động ở Darlac, vào hôm 11 tháng 6 năm 2023.

FB Quang Phan cho biết: “Họ lùa đuổi bắt giữ người bản xứ … Họ không hề biết đến rằng cái hành động ngỡ như anh hùng ấy chỉ làm khắc sâu thêm những ẩn ức nơi cộng đồng bản địa. Và nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc càng thêm chất chứa.”

FB Dương Quốc Chính cảm thán: “Xem mấy video được cho là người dân đi truy bắt khủng bố mà thấy đau lòng … anh em Kinh tộc đang hô hào rất khát máu, đòi báo thù, diệt tộc người ta.”

Về bản chất, cách “diệt tộc” của nhà đương cuộc Hà Nội (xem ra) cũng không khác mấy với chính sách khắc nghiệt mà nhà nước Hoa Lục đang áp đặt lên những sắc dân bản địa ở xứ sở này, theo tường trình của giới truyền thông:

Hồi thế kỷ trước, Liên Xô cũng đã từng hành sử dã man tương tự. Chỉ riêng nạn đói xẩy ra ở Ukraine (Ukrainian Famine) vào những năm 1932 – 33 đã giết hại gần 4 triệu sinh mạng của dân tộc này.

Liệu có sự trùng hợp (ngẫu nhiên) nào giữa ba nhà nước kể trên với chủ nghĩa chủ nghĩa cộng sản, và chủ trương diệt chủng không?

Câu trả lời có thể tìm được (qua vài con số) trong bài diễn văn của Tổng Thống George W. Bush, đọc trong dịp lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng Sản, vào hôm 12 tháng 6 năm 2007:

“Họ gồm có các nạn nhân Ukraina bị chết đói trong Nạn đói Vĩ đại dưới thời Stalin; hoặc những người Nga bị giết trong các cuộc thanh trừng của Stalin; những người Litva, Latvia và Estonia bị quăng lên xe chở trâu bò và bị đày khổ sai trong các trại tử thần vùng giá rét của chủ nghĩa Cộng sản Xô Viết. Họ bao gồm những người Trung Hoa bị giết chết trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa; những người Campuchia bị tàn sát trong những cánh đồng chết của Pol Pot; những người Đông Đức bị bắn chết trong lúc cố trèo qua Bức tường Berlin để tìm tự do; những người Ba Lan bị tàn sát tại rừng Katyn; và những người Ethiopia bị tàn sát trong cuộc ‘Khủng bố Đỏ’; những người da đỏ Miskito bị giết chết bởi chế độ độc tài Sandinista ở Nicaragua; và những người Cuba, Việt Nam bị chết chìm trong lúc vượt thoát bạo quyền”.

Nói thì lại bảo cái gì cũng đổ thừa cho cộng sản, chứ với nạn diệt chủng (trong lịch sử cận đại) thì ngoài tụi facism ra thì còn ai khác vào đây ngoài bọn communism nữa?

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên