TTO – Sau nhiều nỗ lực, phóng viên Tuổi Trẻ đã được người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đồng ý cho vào thôn, nơi người dân đang giữ 20 cán bộ công an.
Xã Đồng Tâm những ngày này đang trở thành tâm điểm quan tâm của người dân cả nước sau khi xảy ra vụ việc liên quan tới đất đai, việc 4 người dân bị công an bắt giữ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc 38 cán bộ huyện, cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội bị người dân giữ.
Những ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị cản trở bởi đất đá, cây que và nhiều vật dụng. Một số lán trại được dựng lên tại các ngã ba, ngã tư trong thôn, người dân ở đây cũng cảnh giác và áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vào.
Hai thanh niên được cử đi xe máy ra đường quốc lộ 429 đón chúng tôi.
Xe máy chở chúng tôi vượt qua một đống đá to được đổ kín ngay đầu làng. Cách đó khoảng 300m, có một cụ già và 3 người phụ nữ ngồi trong đền Quán Thá. Những người này cho biết, suốt 5 ngày nay họ bỏ công, bỏ việc lên đền thắp hương để cầu cho mọi chuyện sớm kết thúc, cầu cho cuộc sống sớm ổn định trở lại, người dân được bình an.
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, cụ Bùi Văn Nhạc, 80 tuổi, bộc bạch: “Dân chúng tôi không bao giờ muốn có những chuyện như thế này. Cuộc sống của người dân mấy hôm nay cũng đảo lộn. Người dân nghỉ làm, nghỉ sản xuất”.
“Bây giờ chúng tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng về đây tổ chức đối thoại, nghe chúng tôi trình bày nguồn gốc đất đai, những căn cứ mà chúng tôi đằng đẵng khiếu nại nhiều năm nay chưa được trả lời thoả đáng. Không người dân nào mong muốn sự bất ổn này xảy ra cả”, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.
Theo những người dân tiếp chúng tôi tại đình Quán Thá (xã Đồng Tâm) trưa 19-4, câu chuyện đất đai ở thôn Hoành và xã Đồng Tâm đã dai dẳng 5 năm nay, qua nhiều cấp. Số tài liệu mà bà con tập hợp để đeo đuổi sự việc này cũng nặng chừng 3,5kg.
Nói về việc giữ các cán bộ, chiến sĩ công an, một phụ nữ tự giới thiệu là vợ ông Lê Đình Ba, phó trưởng thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cho biết: “Chúng tôi chỉ giữ họ lại chứ không phải bắt, để mong các cấp lãnh đạo xuống gặp, lắng nghe và đối thoại với chúng tôi. Tôi vẫn thổi cơm bằng gạo nhà tôi, còn rau thì của nhà hàng xóm, thịt thì của một nhà chuyên đi chợ trong xóm, chúng tôi luân phiên nhau nấu cơm”.
Cụ Nguyễn Thị Chùa (82 tuổi, người trông coi đình Quán Thá) cho biết: “Bà con chúng tôi bảo nhau để các cháu (những cán bộ chiến sĩ đang bị giữ – PV) xảy ra chuyện gì không may là chúng tôi có tội với gia đình, với bố mẹ các cháu”.
Một phụ nữ trong thôn phủ nhận toàn bộ những thông tin công an bị đối xử không tử tế.
Chị cho biết sau khi người dân đã thả những người đầu tiên, số 20 công an còn lại hiện vẫn đang ở nhà văn hóa thôn Hoành.
Chúng tôi đặt vấn đề muốn tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở của những người đang bị giữ nhưng những người trò chuyện với chúng tôi đều nói không nên vào đó lúc này.
“Để vào đó phải qua một chốt khác nữa, người dân trong đó rất cảnh giác nên việc vào đó là chưa được, tuy nhiên, tất cả đang được đối xử rất tốt”, một người dân nói.
Một phụ nữ tự nhận là người đưa đồ ăn hàng ngày cho những người bị giữ ở nhà văn hoá cho biết: “Tất cả những yêu cầu của những người đang ở nhà văn hóa đều được đáp ứng”.
“Mỗi ngày, người dân trong thôn chi hơn một triệu đồng/bữa ăn cho những người đang ở nhà văn hoá. Chúng tôi tổ chức nấu cơm, phục vụ ngày ba bữa, sáng, trưa, chiều. Có sáng ăn xôi, có sáng ăn bánh mỳ ba tê. Hôm nắng chúng tôi mua kem, tức là ứng xử rất tử tế”, chị này cho hay.
Người phụ nữ này cũng cho biết sau mấy hôm bị giữ ở nhà văn hoá thôn Hoành, hôm nay, 19-4, người dân trong thôn đã mua quần áo cho những người bị giữ thay.
“Có người muốn hút thuốc lá chúng tôi cũng mua thuốc lá”, chị nói.
Về sức khoẻ của những người bị giữ, người phụ nữ tự nhận phục vụ chuyện hậu cần cho biết tất cả mọi người đều khoẻ.
“Có người kêu đau một chút thì người dân trong thôn cũng đã mời bác sĩ của trạm y tế xã đến khám và khám sức khoẻ cho tất cả mọi người. Hiện sức khoẻ của mọi người đều tốt”, người phụ nữ này cho biết.
XUÂN LONG – THÂN HOÀNG – N.V.HẢ
Đàn chị viết rất đúng , cái gì cũng đúng . Chỉ có 1 điểm sai là bà chị nhìn sự việc bằng con mắt của một người được sống trong một đất nước tự do dân chủ.
Nếu không như thế thì họ không phải là cs.
Tôi cảm nhận rằng người dân Đồng Tâm thì thiệt thà và giàu lòng nhân ái còn những kẻ cầm quyền thì mưu mẹo, lươn lẹo và có thể tàn bạo. Làm người cai trị thì phải giữ chữ tín với người dân, một hành vi đạo đức tối cần thiết. Nếu bất tín thì dù có tuyên truyền với lời lẽ ngọt dịu, hoa mỹ đến cỡ nào thì cũng bị coi là lừa gạt, bịp bợm. CNCS không đề cao chữ tín mà đề cao cứu cánh biện minh cho phương tiện, dù phương cách “ba que xỏ lá” hay máu đổ xương tan thì cũng được chấp nhận để sao cho đạt đến mục tiêu. Ngược lại đạo Nho đề cao: ” Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” nên người quân tử phải giữ gìn đạo hạnh là” quân tử nhứt ngôn”, phải không quý bạn ?
Tôi nghĩ làm người thì có bộ não biết cân nhắc phải – trái, đúng-sai, thiện – ác,…nên hãy làm người phải, người đúng, người thiện mà quay đầu sớm kẻo luật nhân quả không chừa ai cả.