(Phần II)
IV. Và Ðạo Lý Lịch Sử Việt Nam
Thế kỷ 20 là một Thời Quán nung nấu khúc mắc, một nỗi đau lòng trong sinh mệnh lịch sử Việt. Trong bối cảnh đó, một số cá nhân đứng dậy nắm lấy ngọn cờ thời đại để chuyển động lịch sử: Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh… Họ là những con người lịch sử – khi tinh thần vươn tới Tự Do của quốc gia được hiện thân qua một khối lịch sử mới, đốt lên những ngọn đuốc ý chí để đứng lên. Họ là những người bắt được năng thức của thời đại, nội dung ý nghĩa của nhu cầu hoàn cảnh, nhìn lấy được thiết yếu tính của thời thế để biến nó thành lý tưởng lịch sử cho bản thân. Họ lấy tinh thần đất nước và ước vọng của quần chúng làm khát vọng cho mình. Họ đau nỗi đau của tổ quốc, xót nỗi xót xa của con người, trăn trở trong vận mệnh bi tráng của nước nhà. Họ là những đứa con thời đại. Họ từ bỏ đời sống và khát vọng cá nhân để vươn lên với cao trào đại thể quốc dân. Họ là kết tinh của mâu thuẫn trong biện chứng đối nghịch giữa cái Ðang Là và cái Sẽ Là. Họ là ý chí hướng thượng của sự Hữu. Họ thấy được sự thật và ý nghĩa của thời đại này, cái kết tinh trong tụ điểm của thời tính. Chỉ có những người lịch sử của thế hệ đang lên mới thấy được Ðạo Lý, cái giai thời thiết yếu trước mặt để biến tất cả thành chủ tâm nhằm mang hết năng lực theo đuổi lý tưởng Tự Do cho tất cả.
Tinh thần lịch sử Việt Nam, qua năng thức của những con người như thế trong khối lịch sử giai thời muốn đứng lên chuyển hóa lịch sử quốc gia và dân tộc. Họ vươn tới, dẫn đầu và thử thách thành kiến hiện tại. Họ phóng mở con đường mới để quốc gia tìm ra sinh lộ mới. Họ đau khổ trong đời sống riêng tư, “cốt mõi, gân nhừ, tim héo, phổi mòn – như Mạnh Tử nói – đủ điều khốn khổ, bách chiết thiên ma vì Trời giáng đại mệnh cho họ, để họ đứng dậy mà lớn lao lên.” Những đứa con thời đại, theo Lý Ðông A, “thấu hiểu được cái Ðể Uẩn thiêng liêng của nòi mình, cái lý niệm tối thực tại của Tiên-Rồng từ một thế kỷ lâm ly, khổ ải để thẩm thấu vào lòng người Việt cái bộc phát của tương lai, cái đột biến của sự nghiệp.”(11)
Ðể Uẩn – Ðạo Lý cơ bản – của nòi giống Việt, cũng như là của cả nhân loại, là ý thức Tự Do. Tuy nhiên, trên bước đi của ý chí Tự Do, nội dung của Việt-tính mới chỉ còn ở thời quán xác định bản sắc quốc gia trên quá trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt vốn là tang thương vì dân tộc Việt đang trải qua thời niên thiếu đang cố gắng đi tìm chính mình. Lịch sử Việt suốt hai trăm năm qua là một thời quán Ðạo Lý được trải thân qua một cõi tâm thức gọi là “dân tộc Việt.” Khi Việt Nam đối diện với văn minh Tây Phương vốn mang những giá trị tôn giáo, xã hội, chính trị mới đối nghịch và thử thách với niềm hãnh diện của truyền thống Ðông phương, thì cá nhân Việt mang năng lực khả thể tính của ý chí và ý thức Tự Do nhiều hơn là thực tế lịch sử và quốc gia cho phép. Dân Việt có thể đánh thắng ngoại xâm nhưng chưa có khả năng tránh được nội loạn. Người Việt vẫn chưa có đủ trưởng thành trên cơ bản luân lý công dân và đạo đức cá nhân để xây dựng quốc thể. Tâm chất Việt Nam là của giai thời niên thiếu. Sự chọn lựa chủ nghĩa Marx-Lenin là một chọn lựa sai lầm của một dân tộc trong thời niên thiếu, đầy nhiệt tình yêu nước, nhưng chưa có đủ năng lực tự ý thức cho khả thể Tự Do.
Từ đó, mệnh lệnh Ðạo Lý của Việt Nam hôm nay: Hãy vượt qua tình trạng thiếu niên của tâm thức. Và con người Việt Nam phải được phục hưng.
Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Ý chí đầu tiên để mở lối cho lý tưởng Tự Do là phải vượt qua tâm trạng tủi thân, bi quan và sầu thảm thụ động để khởi động năng lực lý tính. Chúng ta phải tìm về những nguyên tắc trừu tượng qua thế giới khái niệm nhằm thông hiểu được cái quy tắc ngầm dung ẩn chân lý mà không hề được thể hiện một cách hiển nhiên. Trong thế giới của nguyên tắc, cứu cánh của lịch sử và hiện hữu như chỉ là những khái niệm trừu tượng và mơ hồ chưa được chân thực hóa thành đối thể của tri thức và ý chí. Khả thể Tự Do phải trở thành thực thể lịch sử.
Bước đi kế tiếp là sự dấn thân hành động trong ý thức Ðạo Lý. Khi tư tưởng được chuyển qua hành động là lúc con người Việt Nam đóng chức năng trong cơ trình Tự Do. Khi khát vọng và lý tính đồng quy thì hành động của cá nhân là hiện thân của lòng yêu nước, yêu tổ quốc, tình cảm dân tộc. Ðây là lúc mà tinh hoa của văn hóa công dân – một văn hóa đại thể bao hàm đạo đức và nhu cầu cá thể – phải được vun bồi. Trong văn hóa công dân, nền tảng quốc gia là xã hội dân sự, mà ở đó, luật pháp thể hiện ý chí tập thể của quần chúng từ sự đồng thuận chính trị qua cơ chế chính trị dân chủ. Khi ý chí chủ quan được thể hiện bằng pháp chế khách quan là lúc công dân được Tự Do.
Không có gì có thể được nằm yên trong tiến trình biện chứng này. Nếu con người Việt Nam vẫn duy trì cái ngây thơ, hồn nhiên, hay là hèn nhát, thụ động, thì tình trạng vong thân của ý thức sẽ vẫn còn tiếp tục. Tất cả các góc cạnh ý thức chủ quan và cá thể phải được đánh thức về với khả thể Tự Do mà lịch sử đang chuyển động trên đoàn tàu của tinh thần thời đại mà không ai được quyền trễ bến. Lịch sử nhân loại đang chuyển bánh vươn về chân trời mới mà sẽ không bỏ sót một ai.
***
Một cuộc cách mạng tinh thần, một năng lực ý thức mới cho Việt Nam phải được khởi sinh. Dân tộc Việt đã hoang phí quá nhiều năng lực hướng thượng vào những thử nghiệm lịch sử không lối thoát. Cái thử nghiệm của chủ nghĩa Marx-Lenin trong suốt cả thế kỷ qua là cả một bài học xứng đáng. Bài học lịch sử này đã hoàn tất và đang đi vào hồi chung cuộc. Những con người lịch sử mới phải có và đang dần xuất hiện trên cùng ngõ ngách của tâm thức Việt. Nhưng hãy cẩn trọng.
Muốn chuyển hóa và thay đổi lịch sử thì mỗi cá nhân, từng con người lịch sử, phải xứng đáng là một đơn vị Ðạo Lý xứng đáng với ý chí Tự Do của mình. Năng thức Ðạo Lý phải là hành trang sinh hữu cá nhân – mà trách nhiệm đầu tiên của mỗi người là phải chuyển hóa chính mình. Chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng xã hội, giải phóng con người sẽ chỉ còn là những gánh nặng thoái hóa khi nó không được đặt nền tảng trên một cơ sở Ðạo Lý có ý thức. Sự thoái chuyển của triết học từ Hegel qua Marx, từ Husserl qua Thảo, khởi đi từ năng ý chủ quan cá thể muốn từ bỏ một nội dung huyền nhiệm Ðạo Lý cho triết học. Trong chiều hướng đó, những con người cách mạng vô sản cùng lúc mang một ảo tưởng tang thương là muốn thay đổi lịch sử khách quan mà không cần phải thay đổi con người. Nó nằm trong một sai lầm cơ bản hơn của tư tưởng hiện đại khi lấy con người là thước đo cho tất cả và gốc rễ của con người là chính hắn. Ý thức thời đại có thể phủ nhận tôn giáo trên cơ sở lịch sử, cấu trúc và biểu tượng; nhưng không vì thế mà từ chối một thực tính tinh thần Ðạo Lý siêu việt hơn là thế giới hiện tượng mà chúng ta kinh nghiệm bởi giác quan. Một triết học nhân bản và một sử tính luận vì con người phải đặt một bản thể luận cao hơn là cái thể trạng con người thuần sử tính.(12)
Chúng ta đang thấy cái vũng lầy lớn sâu đang nuốt lấy con người Việt Nam khi nền tảng và ý thức Ðạo Lý đã bị đánh mất. Cái Thời Quán hiện nay của dân tộc – một hệ quả không tránh khỏi từ một ý thức hệ nặng về duy vật – là hiện thân của tinh thần tiêu cực và phủ định qua những hiện tượng thô lậu và hão huyền, một tâm lý hưởng thụ vật chất và vô trách nhiệm trong bi vọng và thối nát. Nhưng tất cả bóng tối lịch sử này rồi sẽ phải đi qua. Ðạo Lý và con người của dân tộc sẽ được phục hưng mà trong đó lịch sử Việt Nam tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai.
Hãy đứng dậy, lớn lao, và trưởng thành lên – hỡi những con người lịch sử mới của Việt Nam.
© Nguyễn Hữu Liêm
© Đàn Chim Việt
Chú Thích:
11. Lý Ðông A, Huyết Hoa, N C Văn Hóa Việt, California, 1986. Lý Đông A có lẽ là triết gia lớn nhất của Việt Nam cho đến nay. Nghiên cứu thêm về triết học Lý Đông A ở https://thangnghia.org/
12. Ðể có một cái nhìn về lịch sử, chẳng hạn, trên bình diện siêu nghiệm, xin đọc Charles DeMotte, The Inner Side of History, Source Publications (1977).
Xin lổi “Trần” chớ ko phải “Lê”
Tại sao không phải Hồ Chí Minh mà là Lê Đức Thảo?