Chuyện đại dự án ngàn tỷ TISCO II được đưa ra mổ xẻ khiến ngôi sao Hoàng Trung Hải đang có triển vọng nối gót anh Đinh La Thăng.
Nếu như sự nghiệp của anh Thăng từng có thời liên tục thăng như diều rồi vướng vào lao lý thì anh Hải cũng có sự nghiệp thăng tiến thần tốc không kém.
Anh Hải là kỹ sư điện, rồi theo học và tốt nghiệp khóa đào tạo sau đại học Khoa Hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi làm Trưởng phòng tổng hợp Bộ Năng Lượng anh theo học tiếp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Dublin, Cộng hòa Ailen. Năm 2002, ở độ tuổi 43, anh Hải vào Trung ủy, giữ chức Bộ trưởng CN; Năm 2016, ở tuổi 57, anh vào BCT cùng anh Thăng và nắm luôn Bí thư Hà Nội, địa bàn quan trọng nhất về kinh tế- chính trị của cả nước.
Học hành bài bản, thăng tiến thần tốc, trải qua nhiều trọng trách, học tập và thấm nhuần tư tưởng đạo đức ông cụ, những tưởng anh đã thò một chân vào tứ trụ, thế nhưng soi kỹ thấy quanh anh có rất nhiều chuyện đáng nói.
Trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương hầu hết được hình thành từ thời anh Hải còn làm Bộ trưởng Công thương và tiếp theo là Phó thủ tướng phụ trách mảng ấy.
Xin được bàn sâu về dự án giai đoạn II của Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Nhớ lại cách đây hai chục niên, trong chuyến công tác lên Thái Nguyên, không khỏi tò mò về thành phố gang thép, tôi đã làm một cuộc lội bộ vào khu công nghiệp này để mắt thấy tai nghe về thành tựu vĩ đại một thời của nền công nghiệp XHCN với sự giúp đỡ của người khổng lồ từ phương Bắc.
Ấn tượng của tôi lúc đó là trên một diện tích rộng mênh mông, xấp xỉ 200 héc ta cỏ dại mọc ngập đầu, dấu tích của một đại công xưởng còn sót lại là những đoạn đường sắt đen sì, dăm ba toa tàu cũ nát, một số nhà xưởng bỏ không và vẫn còn một vài phân xưởng hoạt động.
Trao đổi với một cán bộ của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Thai Nguyen Iron and Steel Corporation- TISCO) lúc đó, ông này cho biết: Lựa chọn Thái Nguyên làm nơi để xây dựng Trung tâm luyện gang thép quốc gia là quyết định mang nặng màu sắc chính trị. Bên cạnh cái lý nho nhỏ là gần vùng nguyên liệu thì về căn bản vẫn là sự lựa chọn phi lý.
Gang thép là ngành công nghiệp nặng, lựa chọn địa điểm gần đầu mối giao thủy vẫn là ưu tiên số 1; Tiếp sau đó mới là vùng nguyên liệu. Sau này ngẫm lại, thấy tập đoàn Formosa lựa chọn Vũng Áng, Hòa Phát lựa chọn Dung Quất, Tôn Hoa Sen của anh Vũ lựa chọn Cà Ná đều là những nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, thuận lợi cho việc vận tải thủy.
Lý do: Chi phí sản xuất và lưu thông của ngành luyện kin, lệ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển. Không chỉ là vận chuyển hàng hóa sau khi xuất xưởng mà còn là vận tải nguyên vật liệu đến nhà máy. Nhà máy nào rồi cũng phải nhập khẩu nguyên liệu, giá thành sản xuất sẽ đội lên rất nhiều nếu nhà máy đặt sâu trong nội địa.
Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc, Tháng 7/1959 Chính phủ đã cho khởi công Khu công nghiệp luyện gang thép và sau 4 năm, ngày 29/11/1963 mẻ gang đầu tiên đã ra lò tại lò cao số 1.
Hơn nửa thế kỷ tồn tại của khu công nghiệp này, nếu tính đúng, tính đủ có thể nói chưa có năm nào ngành gang thép ở Thái Nguyên có lãi. Nếu áp dụng cơ chế thị trường sòng phẳng, minh bạch thì cái khu liên hiệp ấy phải chết từ lâu rồi. Thế nhưng nó vẫn tồn tại, vì đó là hiện thân của chính sách “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”.
Năm 2004 không biết do sự xúi bẩy của thế lực nào mà bỗng dưng nảy nòi ra cái dự án TISCO giai đoạn 2 nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn/năm lên 750.000 tấn với tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Qua nhiều lần điều chỉnh tăng vốn, kết quả là TISCO đã phải ném vào dự án này hơn 8 ngàn tỷ đồng để rồi kết quả hiện tại là một đống sắt vụn với những khoản nợ quá hạn khổng lồ kéo dài nhiều năm không thể dọn dẹp.
Với công suất 250.000 tấn, hệ thống đường bộ từ Thái Nguyên về Hà Nội đã trở nên quá tải nghiêm trọng, nay nâng công suất lên gấp 3, bài toán vận tải là vấn đề nan giải. Đó là chưa nói đến chuyện phi lý của hiệu quả đầu tư, thế nhưng, dự án vẫn được phê duyệt. Thời đó, anh Hoàng Trung Hải là Bộ Trưởng công nghiệp đương nhiệm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước khi dự án giai đoạn 2 của Thép Thái Nguyên được thông qua, đã có nhiều cuộc họp mang tính kỹ thuật đánh giá hiệu quả của dự án với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và cả chuyên gia.
Ban lãnh đạo TISCO II, VSC cùng một số lãnh đạo Bộ Công nghiệp và sau này là Bộ Công Thương đã có nhiều vi phạm khác nhau. Trong đó có việc không yêu cầu TISCO II lập thiết kế cơ sở để thẩm định và che giấu nhiều thông tin trong báo cáo tiền khả thi khi trình các cấp dẫn đến hàng loạt sai lầm về sau này.
Hoàng Trung Hải khi đó đã lên Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những ý kiến chỉ đạo khác nhau liên quan đến những thay đổi, điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của nhiều hạng mục cũng như của cả dự án dẫn đến việc TISCO II ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Bạn tôi, cán bộ cấp vụ trưởng ở Bộ Công Thương, người rất chịu khó quan sát đời sống chính trường cho rằng: anh Hải là một trong số những chính khách khôn ngoan, kín kẽ, võ nghệ cao cường. Rằng anh Hải khi mới ra trường đã trải qua các cương vị ở Nhiệt điện Phả Lại, ngoài 30 tuổi về làm thư ký riêng cho Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê.
Ở cương vị đó không ít lần anh được tháp tùng sếp tham gia các cuộc họp của Chính phủ. Gần “mặt trời” từ rất sớm nên anh Hải có cơ hội chứng kiến các màn đấu đá đỉnh cao trong nội các Chính phủ qua mấy đời Thủ tướng. Điều này giải thích vì sao trong những lần xuất hiện hiếm hoi trước báo chí, anh Hải để lại một số lời vàng ngọc có chất lượng chính trị rất cao khiến người nghe phải nức lòng.
Lý thuyết là vậy nhưng chính trường Việt như một vũng bùn, ai tham gia đều bị vấy bẩn. Ai đó bị đưa ra soi xét ấy là do số trời. Khi đã bị soi, sự nghiệp chính trị của anh coi như đã bị cho vào quan tài, chỉ chờ đậy nắp rồi phát tang. Trường hợp của anh Hải không là ngoại lệ.
Trở lại chuyện của anh Hải với đại dự án ngàn tỷ chết đã nhiều năm, tử thi bốc mùi nhưng chưa phát tang được vì thủ tục khám nghiệm của pháp y chưa xong. Tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép Công ty Gang thép Thái Nguyên lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn/năm lên 750.000 tấn.
Tháng 4/2005, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án và giao Bộ Công nghiệp thời điểm đó chỉ đạo Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và TISCO tiếp thu ý kiến các bộ ngành, về phương án huy động vốn, lựa chọn công nghệ, hiệu quả đầu tư…
Dự án được phê duyệt với 2 gói thầu chính gồm gói thầu: mỏ sắt Tiến Bộ tổng giá trị 442 tỷ đồng và gói thầu EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, tổng giá trị 2.270 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 2.588 tỷ đồng vào năm 2007.
Tháng 7/2007, hợp đồng số 01 được ký kết giữa bên giao thầu là TISCO với bên nhận thầu EPC là Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Đến đây thì nhân vật chính đã lộ diện. Bàn tay lông lá của người bạn 4 tốt đã thò tay vào đời sống xứ ta. Sau bốn chục năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng có một số lĩnh vực người Trung Quốc là số 1. Trong số đó phải kể đến kỹ năng làm việc dưới gầm bàn (Under the table). Nhờ kỹ năng này mà người TQ đã mua đứt châu Phi, can thiệp sâu vào Mỹ La tinh và khấy đảo các nước ASEAN.
Không phải ngẫu nhiên mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump phải công khai phát động chiến tranh thương mại với TQ. Quan hệ giữa anh Hoàng Trung Hải với Trung Nam Hải đến nay vẫn là một ẩn số.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm. Cụ thể: đến thời điểm thanh tra, tổng gía trị TISCO đã thanh toán cho dự án là hơn 4.421 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là hơn 3.896 tỷ đồng.
Trong đó, thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng; Phần E là 2,9 triệu USD; phần P là hơn 106 triệu USD. Mặc dù vậy nhưng các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành, đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
TISCO đã thanh toán cho MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là hơn 4,7 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD.
Với các thầu, để nhận được tiền thi công cần phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục đã được luật hóa gồm: Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình, hạng mục công trình…; Bảng tính giá trị nội dung của các công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn và đại diện bên nhận thầu; Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu…
Sự hào phóng trong việc giải ngân của TISCO với nhà thầu Trung Quốc là điều khó hiểu, điều này chỉ có thể giải thích được rằng nhà thầu MCC đã có rất nhiều trò ảo thuật dưới gầm bàn. Những trò ảo thuật này đã đẩy không ít cán bộ của TISCO vào vòng lao lý và giờ đây, đến lượt anh Hoàng Trung Hải phải liên đới trách nhiệm.
Phan Thế Hải (Facebook)
“Anh” hoàng trung hải ?! Kêu giặc chệt bằng anh sao trời!!!
Cùng Tên HẢI…Sao một người QUYỀN CAO CHỨC TRỌNG lên vù vù…diều gặp gió….còn người viết điều NGANG TRÁI,TRÁI NGANG SỰ ĐỜI….tôi rất tâm đắc bài viết này…..nếu để ý kỹ một chút ta sẽ thấy ….làm quan ở dưới thể chế cộng sản nó giống như một cái bẫy….lúc suôn sẻ…thì có bạn bè luôn luôn đến…chén chú chén anh…vỗ tay tung hứng….còn lúc xa cơ bây giờ sao chả thấy ai ….lúc “PHẢI ĂN” anh CHI hết lượt…nhưng bây giờ gặp nạn…..thì nào thấy ai…!!! Tội nghiệp….