Ngày Tết gần đến lại mang theo những lo âu, chán đời, thở dài cho những “gái ế” của Trung Quốc, một từ dùng để chỉ những phụ nữ ở những năm cuối của tuổi 20 trở lên mà vẫn chưa lập gia đình.
Những lời hối thúc, càm ràm, nhắc khéo của người trong gia đình càng làm cho sức ép lên thành phần phụ nữ này tăng thêm.
Gần đến ngày Tết, trong lúc mọi người ào ào lên xe khách, xe lửa, máy bay về quê ăn Tết, một cuộc di chuyển đông đảo nhất trong năm tại Trung Quốc, nhiều gái ế đi tìm những lý do chính đáng để khỏi về.
Một số xin sếp cho mình đi làm trong mấy ngày Tết, kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhiều doanh nghiệp hoạt động quanh năm; một số tự chế ra bạn trai.
Dù vậy, áp lực vẫn mạnh. Nhiều bệnh viện báo cáo số phụ nữ xin nhập viện vì lý do trầm cảm gia tăng.
Emily Lưu, 31 tuổi, quê ở thành phố Đại Liên, nhân viên một xí nghiệp quốc doanh ở Bắc Kinh: “Năm ngoái tôi không dám về quê vì quá lo. Năm nay tôi cũng không tính về, nhưng khó tránh quá. Bố mẹ tôi bảo, bạn bè cùng lứa với mày đứa nào cũng có con có cái, còn mày bạn trai cũng chả có. Đây là chủ đề chính của gia đình tôi khi tôi về quê, có khi còn kêu bà con tới động viên nữa mới khổ chứ. Áp thực thật là lớn.”
Tình hình kinh tế phát triển của Trung Quốc trong mấy chục năm qua khiến giai cấp tiểu tư sản tăng vọt, nhiều phụ nữ muốn đeo đuổi sự nghiệp làm giàu, thay vì lấy chồng.
Trung Quốc vẫn còn phong tục lấy chồng là coi như phải phục vụ cho cả nhà chồng, nhiều người thích tự do theo ảnh hưởng phương Tây không muốn trở thành “nô lệ” cho bên chồng.
Hiện tượng này đóng góp vào những lý do khiến cho năm ngoái chỉ có 15,2 triệu bé sinh ra, ít hơn năm trước đó 2 triệu.
Ý thức trước quả bom nổ chậm này, giữa lúc dân số ngày càng lão hóa, nhà nước đã bỏ chính sách một con để khuyến khích gia đình có thêm nhân khẩu.
Cộng thêm phong tục trọng nam khinh nữ, siêu âm thấy con gái thì có thể phá, Trung Quốc bây giờ dư khoảng 33 triệu liền ông. Nhưng phái nam không gặp “thành kiến” giống như phái nữ.
Lần thứ 5 trong 5 năm liên tiếp, số lượng giấy hôn thú cấp phát lại giảm. Số người trưởng thành vẫn còn độc thân vào khoảng 200 triệu.
Một số doanh nghiệp đứng ra giải quyết vụ này. Có hai công ty ở Thượng Hải tặng nữ nhân viên trên 30 tuổi độc thân thêm 8 ngày nghỉ Tết, tổng cộng là 15 ngày, để đi kiếm một tấm chồng, vì theo tục lệ Trung Quốc, mùa Tết là mùa trai gái hay hẹn hò.
Hai công ty này còn hứa rằng, nếu chị em phụ nữ này làm đám cưới trước cuối năm 2019, họ sẽ được gấp đôi tiền thưởng hàng năm. Bà Hồng Lợi, trưởng phòng nhân sự của một công ty nói: “Chúng tôi biết một số nhân viên của chúng tôi bận túi bụi trong năm, do đó cần phải cho họ thêm thời gian để hẹn hò.”
Tại Hàng Châu, hiệu trưởng một trường trung học cấp 1 cho nữ giáo viên độc thân hai ngày rưỡi nghỉ “phép tình yêu.” Bà hiệu trưởng nói khoảng 40 phần trăm cô giáo của trường chưa lập gia đình cho nên bà đã tạo ra loại phép này, mà bà còn gọi là “phép hạnh phúc” cho những các cô giáo vẫn còn độc thân hoặc đã có chồng nhưng chưa có con.
Thăm dò của trang xe duyên mai mối Zhenai.com cho thấy có 85 phần trăm phụ nữ độc thân từ 26 đến 30 tuổi xác nhận mình bị cha mẹ hối thúc lấy chồng nhanh nhanh lên.
Một chị 25 tuổi ở Ninh Ba xin được giấu tên còn đi xa hơn. Chị dùng photoshop gắn hình mình chụp chung với một anh chàng đẹp giai, gắn cả chục kiểu, gửi hình về cho cha mẹ. Sau đó chị hối hận vì đánh lừa gia đình.
Một nữ tiến sĩ 35 tuổi, khai tên Dung, cũng không muốn về quê gặp bố mẹ dịp Tết năm nay. Không những là một gái ế, Dung còn rơi vào thành phần “ba cao,” rất hiếm đàn ông nào dám với: bằng cấp cao, thu nhập cao và tuổi cao.
Chị Dung chán với những lời hỏi thăm dồn dập về chồng con khi về gặp bà con, cho nên năm nay chị đã xin cơ quan cho chị đi làm vào mấy ngày Tết. Nhưng sếp của chị không chịu. Ông khuyên: “Trốn tránh sẽ không thay đổi được thực tế. Cô chỉ có thể giải quyết vấn đề nếu chấp nhận đương đầu với nó. Tết nhất là dịp tốt để hòa mình với mọi người, gặp người này người nọ, nhìn trước nhìn sau, chủ động, có sáng kiến thì thế nào cũng gặp được người ưng ý.”
Đàn Chim Việt tổng hợp theo WashingtonPost
Dân ở đại lộ Hàm Long Hà Nội phải là như Vũ quốc Thúc , Vũ quốc Thông , bộ trưởng Kinh Tế của tổng thống Ngô đình Diệm , hay ở trong hẻm khu đó thì cũng như ông tướng Nguyễn Đình Thuần , phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng ! Làm ở “ Four phase system “ tôi cứ ngây người ra nghe mấy tay tán phét về ruộng vườn cò bay thẳng cánh !! Nghe mà phát sợ !!